Hệ thống pháp luật

Chương 5 Thông tư 30/2012/TT-BGTVT hướng dẫn Chương trình an ninh hàng không dân dụng Việt Nam và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không dân dụng do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Chương 5.

CỞ SỞ BẢO ĐẢM AN NINH HÀNG KHÔNG VÀ LỰC LƯỢNG AN NINH HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG

Điều 88. Tổ chức lực lượng an ninh và bảo vệ chuyên trách hàng không dân dụng

1. Cục hàng không Việt Nam chịu trách nhiệm chỉ đạo việc tổ chức lực lượng an ninh Hàng không, bao gồm:

a) Cán bộ, chuyên viên chuyên trách làm công tác tham mưu, kiểm tra, giám sát an ninh hàng không của Cục Hàng không Việt Nam, Cảng vụ hàng không;

b) Cán bộ, chuyên viên chuyên trách làm công tác tham mưu, kiểm tra, giám sát an ninh hàng không của người khai thác cảng hàng không, sân bay, hãng hàng không, doanh nghiệp hoạt động hàng không chung, doanh nghiệp bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu;

c) Nhân viên an ninh của người khai thác cảng hàng không, sân bay gồm: nhân viên an ninh soi chiếu, nhân viên an ninh kiểm soát, nhân viên an ninh cơ động;

d) Nhân viên an ninh của doanh nghiệp bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu gồm: nhân viên an ninh soi chiếu, nhân viên an ninh kiểm soát, nhân viên an ninh cơ động;

đ) Nhân viên an ninh trên không của hãng hàng không Việt Nam gồm: nhân viên an ninh trên không chuyên trách và tiếp viên trưởng.

2. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không khác có trách nhiệm tổ chức lực lượng bảo vệ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ duy trì an ninh trật tự tại khu vực thuộc thẩm quyền quản lý bao gồm:

a) Cán bộ, chuyên viên chuyên trách làm công tác tham mưu, kiểm tra, giám sát an ninh;

b) Nhân viên bảo vệ chuyên trách của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ suất ăn, xăng dầu, giao nhận hàng hóa và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không khác.

3. Chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu, quy trình nghiệp vụ, quy tắc ứng xử của mỗi chức danh, công việc của lực lượng an ninh hàng không, lực lượng bảo vệ chuyên trách phải được quy định chi tiết trong chương trình an ninh hàng không dân dụng, Quy chế an ninh hàng không dân dụng.

Điều 89. Tổ chức hệ thống bảo đảm an ninh hàng không dân dụng

1. Người khai thác cảng hàng không, sân bay, hãng hàng không, người khai thác tàu bay, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu, cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay phải chỉ định người chịu trách nhiệm trực tiếp về bảo đảm an ninh hàng không của người khai thác cảng hàng không, sân bay, hãng hàng không, người khai thác tàu bay, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu, cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay.

2. Người chịu trách nhiệm trực tiếp về an ninh hàng không nêu tại khoản 1 của Điều này phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có kiến thức về quy định pháp luật trong nước và quốc tế về bảo đảm an ninh hàng không;

b) Có kiến thức và kinh nghiệm về hoạt động bảo đảm an ninh hàng không hoặc kinh nghiệm về công tác bảo đảm an ninh ở lực lượng quân đội hoặc công an;

c) Được sự chấp thuận bằng văn bản của Cục Hàng không Việt Nam;

d) Có kiến thức về các vấn đề cụ thể sau: hệ thống an ninh và kiểm soát ra vào, bảo đảm an ninh trong chuyến bay và trên mặt đất, các đồ vật bị cấm và bị hạn chế, tổng quan về khủng bố, sử dụng ngoại ngữ phổ biến để làm việc;

e) Được huấn luyện định kỳ hoặc đột xuất các kiến thức về an ninh hàng không, các quy định pháp luật trong nước và quốc tế về an ninh hàng không, kiểm soát chất lượng an ninh hàng không.

3. Đối với hãng hàng không Việt Nam, người khai thác cảng hàng không, sân bay, ngoài các điều kiện quy định tại khoản 2 của Điều này, người chịu trách nhiệm trực tiếp về bảo đảm an ninh hàng không phải thực hiện nhiệm vụ chuyên trách.

4. Người khai thác cảng hàng không, sân bay phải tổ chức hệ thống độc lập bảo đảm an ninh hàng không thuộc phạm vi trách nhiệm của mình, quy định trong Chương trình an ninh hàng không của người khai thác cảng hàng không, sân bay, bao gồm:

a) Cơ quan tham mưu, kiểm tra, giám sát an ninh hàng không;

b) Trung tâm, Phòng hoặc Đội an ninh hàng không tại các cảng hàng không, sân bay để thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh hàng không.

5. Hãng hàng không Việt Nam phải tổ chức hệ thống độc lập bảo đảm an ninh hàng không thuộc phạm vi trách nhiệm của mình, quy định trong Chương trình, an ninh hàng không của hãng hàng không, bao gồm:

a) Cơ quan tham mưu, kiểm tra, giám sát an ninh hàng không;

b) Cán bộ chuyên trách về an ninh hàng không tại các đơn vị trực thuộc liên quan trực tiếp đến hoạt động khai thác tàu bay;

c) Nhân viên an ninh trên không của hãng.

6. Căn cứ vào tình hình thực tế hoạt động khai thác và yêu cầu về an ninh tại cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu, cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng tàu hay, hãng hàng không, Thủ trưởng đơn vị quyết định thành lập mô hình tổ chức an ninh hàng không phù hợp.

7. Người khai thác cảng hàng không, sân bay, hãng hàng không, người khai thác tàu bay, cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay có nghĩa vụ ban hành quy trình và chỉ định tổ chức chịu trách nhiệm về công tác bảo vệ an ninh nội bộ đối với nhân viên hàng không thuộc phạm vi quản lý của mình.

Điều 90. Nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, chuyên viên chuyên trách làm công tác tham mưu, kiểm tra, giám sát an ninh hàng không

1. Nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, chuyên viên an ninh hàng không thuộc Cục Hàng không Việt Nam:

a) Tham mưu, đề xuất các chính sách, biện pháp, văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm an ninh hàng không dân dụng trình lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam;

b) Định kỳ theo kế hoạch hoặc đột xuất khi xét thấy cần thiết tổ chức thanh tra, kiểm tra, khảo sát, thử nghiệm về an ninh hàng không nhằm đánh giá việc tuân thủ quy định về bảo đảm an ninh hàng không dân dụng; của các tổ chức, cá nhân liên quan trong hoạt động hàng không dân dụng;

c) Theo dõi chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ đối với lực lượng an ninh của các Cảng vụ hàng không, doanh nghiệp cảng hàng không, sân bay, hãng hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu, doanh nghiệp bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay; công tác đào tạo cơ bản, bồi dưỡng nghiệp vụ, huấn luyện nhận thức an ninh hàng không dân dụng cho lực lượng an ninh hàng không và các đối tượng liên quan;

d) Tổ chức kiểm định, giám định, kiểm tra, đánh giá các trang bị, thiết bị, phương tiện bảo đảm an ninh hàng không dân dụng, nhân viên an ninh hàng không dân dụng theo tiêu chuẩn được áp dụng;

đ) Khi thực hiện nhiệm vụ tại điểm b, điểm d khoản 1 Điều này người được cấp thẻ giám sát viên an ninh hàng không được phép tiếp cận, lên tàu bay vào các khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay, cơ sở cung cấp dịch vụ hàng không, công trình, trang thiết bị, tài liệu, phương tiện, nhân viên hàng không; được phép yêu cầu tổ chức, cá nhân xuất trình, sao chụp giấy tờ, tài liệu hoặc đồ vật có liên quan đến việc thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh hàng không dân dụng;

e) Lập biên bản vi phạm, đề xuất xử phạt vi phạm theo quy định của pháp luật; đề nghị Thanh tra hàng không, Giám đốc Cảng vụ hàng không đình chỉ thực hiện chuyến bay vì lý do an ninh hàng không dân dụng;

g) Được đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ an ninh hàng không dân dụng ở trong nước và nước ngoài;

h) Chấp hành sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, chuyên viên an ninh hàng không thuộc Cảng vụ hàng không:

a) Thường xuyên kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động hàng không dân dụng việc tuân thủ quy định về bảo đảm an ninh hàng không dân dụng trong phạm vi được phân công;

b) Lập biên bản vi phạm, đề xuất xử phạt vi phạm theo quy định pháp luật;

c) Khi thực hiện nhiệm vụ tại điểm a khoản 2 của Điều này, người được cấp thẻ giám sát viên an ninh hàng không được phép tiếp cận, lên tàu bay vào các khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay, cơ sở cung cấp dịch vụ hàng không, công trình, trang thiết bị, tài liệu, phương tiện, nhân viên hàng không; được phép yêu cầu tổ chức, cá nhân xuất trình giấy tờ, tài liệu hoặc đồ vật có liên quan đến việc thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh hàng không dân dụng;

d) Đề nghị Thanh tra hàng không, Giám đốc Cảng vụ hàng không đình chỉ thực hiện chuyến bay vì lý do an ninh hàng không dân dụng;

đ) Thực hiện nhiệm vụ của giám sát viên an ninh hàng không dân dụng nhằm ngăn chặn khả năng uy hiếp an ninh hàng không dân dụng; lập biên bản về vụ việc xảy ra đồng thời báo cáo ngay cho Cục Hàng không Việt Nam; chịu trách nhiệm về quyết định của mình theo quy định pháp luật;

e) Được đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ an ninh hàng không dân dụng ở trong nước và nước ngoài;

g) Chấp hành sự kiểm tra, giám sát của người, cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, chuyên viên an ninh hàng không thuộc người khai thác cảng hàng không, sân bay, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu, doanh nghiệp sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay, hãng hàng không Việt Nam:

a) Tham mưu trong việc xây dựng và triển khai thực hiện quy định, chính sách, tiêu chuẩn, Chương trình, quy trình nghiệp vụ, thực hiện các biện pháp xử lý các hành vi vi phạm về bảo đảm an ninh hàng không dân dụng của doanh nghiệp;

b) Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về bảo đảm an ninh hàng không dân dụng của doanh nghiệp;

c) Tham gia huấn luyện nghiệp vụ an ninh hàng không dân dụng cho các đối tượng liên quan thuộc doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;

d) Triển khai công tác kiểm tra, giám sát của doanh nghiệp đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ an ninh hàng không dân dụng theo hợp đồng đã ký kết;

đ) Được đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ an ninh hàng không dân dụng;

e) Chấp hành sự kiểm tra, giám sát của người, cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4. Cục Hàng không Việt Nam cấp Thẻ giám sát an ninh hàng không cho các giám sát viên an ninh của Cục Hàng không Việt Nam, bao gồm:

a) Lãnh đạo, cán bộ tham mưu, kiểm tra, giám sát an ninh hàng không thuộc Cục Hàng không Việt Nam để thực hiện việc kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về an ninh hàng không trong phạm vi toàn ngành;

b) Lãnh đạo, cán bộ tham mưu, kiểm tra, giám sát an ninh hàng không dân dụng thuộc Cảng vụ hàng không để thực hiện việc kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về an ninh hàng không trong phạm vi cảng hàng không, sân bay thuộc trách nhiệm quản lý;

c) Cán bộ lãnh dạo về công tác quản lý, tham mưu, kiểm tra, giám sát an ninh hàng không dân dụng của doanh nghiệp cảng hàng không để thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát trong nội bộ đơn vị và thực hiện kiểm tra, giám sát các tổ chức cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay thuộc trách nhiệm quản lý về việc tuân thủ các quy định về bảo đảm an ninh hàng không;

d) Mẫu thẻ giám sát an ninh hàng không theo mẫu quy định tại Phụ lục XXII ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 91. Nhiệm vụ, quyền hạn của nhân viên an ninh hàng không

1. Nhiệm vụ, quyền hạn của nhân viên an ninh của người khai thác cảng hàng không, sân bay:

a) Kiểm tra, giám sát người, hành lý, hàng hóa, thư, bưu phẩm, bưu kiện, phương tiện, nhiên liệu, suất ăn và các vật phẩm khác khi đưa vào khu vực hạn chế, lên tàu bay; kiểm soát ra, vào, hoạt động của người, phương tiện trong các khu vực hạn chế; kiểm tra đối chiếu giấy tờ sử dụng đi tàu bay của hành khách;

b) Kiểm soát, giám sát người, phương tiện ra, vào, hoạt động trong các khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay; canh gác, bảo vệ tàu bay tại sân đỗ và bảo vệ, các khu vực hạn chế; tổ chức tuần tra, canh gác, bảo vệ, kiểm soát an ninh, trật tự tại khu vực sử dụng cho hoạt động dân dụng; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị lực lượng vũ trang để tuần tra, kiểm soát, duy trì an ninh trật tự khu vực sử dụng chung cho hoạt động quân sự và dân dụng tại cảng hàng không, sân bay;

c) Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi đe dọa sức khỏe, tính mạng của người, chiếm giữ trụ sở, cơ sở, làm hư hỏng tàu bay, trang thiết bị hàng không, gây rối trật tự, trộm cắp tài sản và các hành vi vi phạm pháp luật khác tại cảng hàng không, sân bay; phối hợp xử lý các hành vi vi phạm trên tàu bay; phối hợp, hỗ trợ thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại cảng hàng không, sâu bay, trên tàu bay;

d) Kiểm tra, giám sát việc vận chuyển vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu cháy, nổ, vật dụng nguy hiểm khác đối với người được mang vũ khí vào khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay hoặc lên tàu bay;

đ) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng để rà, tháo gỡ, phá, xử lý bom, mìn, vũ khí sinh học, hóa học, chất phóng xạ, áp dụng các hiện pháp ngăn chặn dịch bệnh tại cảng hàng không, sân bay, trên tàu bay; phối hợp xử lý hành lý, hàng hóa, thư bưu phẩm, bưu kiện và các đồ vật khác chứa vật phẩm nguy hiểm; tham gia phát hiện các hành vi buôn lậu, vận chuyển người, đồ vật bất hợp pháp;

e) Khi thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi hoạt động quy định được phép kiểm tra giấy tờ tùy thân. Thu giữ giấy từ tùy thân đối với người có hành vi uy hiếp an ninh hàng không dân dụng; thu giữ vũ khí, chất nổ, chất cháy và những vật phẩm nguy hiểm khác đưa trái phép vào cảng hàng không, sân bay; cưỡng chế đối với người cản trở hoặc cố tình chống đối việc thu giữ;

g) Lập hồ sơ đối với người có hành vi uy hiếp an ninh hàng không dân dụng, gây rối trật tự tại cảng hàng không, sân bay và chuyển giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật; ngăn chặn hoặc yêu cầu hãng hàng không từ chối vận chuyển đối với hành khách không làm chủ được bản thân hoặc có hành vi, lời nói uy hiếp an toàn, an ninh hàng không dân dụng;

h) Đề nghị Giám đốc Cảng vụ hàng không liên quan, Thanh tra viên hàng không đình chỉ thực hiện chuyến bay nhằm ngăn chặn khả năng uy hiếp an ninh hàng không dân dụng;

i) Lập biên bản vi phạm và đề xuất xử lý vi phạm với người, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đồng thời báo cáo ngay cho Cảng vụ hàng không liên quan;

k) Bảo đảm an ninh hàng không dân dụng, tại cơ sở xử lý hàng hóa, thư, bưu phẩm, bưu kiện, cơ sở cung cấp dịch vụ hàng không khác theo theo quy định pháp luật;

l) Bảo vệ hiện trường khi xảy ra các vụ việc uy hiếp an ninh hàng không dân dụng và can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng tại cảng hàng không, sân bay;

m) Được đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ an ninh hàng không dân dụng; được trang bị sử dụng vũ khí công cụ hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ theo quy định pháp luật;

n) Chấp hành sự kiểm tra, giám sát của người, cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của nhân viên an ninh thuộc cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay, cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu:

a) Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng, hành vi đe dọa sức khỏe, tính mạng của người, làm hư hỏng trang thiết bị hàng không, gây rối trật tự, trộm cắp tài sản và các hành vi vi phạm pháp luật khác tại cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu; bảo vệ hiện trường khi xảy ra các vụ việc uy hiếp an ninh hàng không dân dụng, can thiệp bất hợp pháp vào cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu;

b) Kiểm tra, giám sát an ninh người, phương tiện, đồ vật ra vào, hoạt động tại cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu;

c) Tổ chức tuần tra, canh gác, bảo vệ, kiểm soát an ninh trật tự tại cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu;

d) Thu giữ giấy tờ tùy thân đối với người có hành vi uy hiếp an ninh hàng không dân dụng, thu giữ vũ khí, chất nổ, chất cháy và những vật phẩm nguy hiểm khác đưa trái phép vào cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu; cưỡng chế đối với người cản trở hoặc cố tình chống đối việc thu giữ;

đ) Lập hồ sơ đối với những người có hành vi uy hiếp an ninh hàng không dân dụng, gây rối trật tự tại cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu và chuyển giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật;

e) Lập biên bản vi phạm và đề xuất xử lý vi phạm với người, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đồng thời báo cáo ngay cho Cảng vụ hàng không liên quan, Cục Hàng không Việt Nam;

g) Được đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ an ninh hàng không dân dụng; được trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ theo quy định pháp luật;

h) Chấp hành sự kiểm tra, giám sát của người, cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn của nhân viên an ninh trên không, người chỉ huy tàu bay thuộc hãng hàng không Việt Nam:

a) Thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, kỷ luật trật tự trên chuyến bay;

b) Người chỉ huy tàu bay được phép tạm giữ, lập hồ sơ đối với người có hành vi can thiệp bất hợp pháp trên tàu bay đang bay và chuyển giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nơi tàu bay hạ cánh để xử lý theo quy định pháp luật;

c) Thu giữ vũ khí, chất nổ, chất cháy và những vật phẩm nguy hiểm khác trên tàu bay đang bay;

d Tạm giữ giấy tờ tùy thân đối với người có hành vi can thiệp bất hợp pháp và các hành vi vi phạm khác trên tàu bay đang bay;

đ) Cưỡng chế đối với người cản trở hoặc cố tình chống đối;

e) Được đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ an ninh hàng không dân dụng;

g) Chấp hành sự kiểm tra, giám sát của người, cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

h) Nhân viên an ninh trên không chuyên trách được trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ để ngăn chặn đối tượng có hành vi can thiệp bất hợp pháp trên tàu bay đang bay, trong trường hợp có nguy cơ đe dọa đến tính mạng con người, nhân viên an ninh hàng không trên không chuyên trách được phép tiêu diệt đối tượng.

Điều 92. Nhiệm vụ, quyền hạn của nhân viên bảo vệ chuyên trách của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ suất ăn, xăng dầu, kho hàng

1. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng, hành vi đe dọa sức khỏe, tính mạng của người, làm hư hỏng trang thiết bị hàng không, gây rối trật tự, trộm cắp tài sản và các hành vi vi phạm pháp luật khác tại cơ sở cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp; bảo vệ hiện trường khi xảy ra các vụ việc uy hiếp an ninh hàng không dân dụng, can thiệp bất hợp pháp vào cơ sở cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp.

2. Kiểm tra, giám sát an ninh người, phương tiện, đồ vật ra vào, hoạt động tại cơ sở cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp.

3. Tổ chức tuần tra, canh gác, bảo vệ, kiểm soát an ninh, trật tự tại cơ sở cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp.

4. Kiểm tra và tạm giữ giấy tờ tùy thân đối với người có hành vi uy hiếp an ninh hàng không dân dụng; thu giữ vũ khí, chất nổ, chất cháy và những vật phẩm nguy hiểm khác đưa trái phép vào cơ sở cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp; cưỡng chế đối với người cản trở hoặc cố tình chống đối việc thu giữ.

5. Lập biên bản vụ việc và chuyển giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật, đồng thời báo cáo ngay cho Cảng vụ hàng không liên quan, Cục Hàng không Việt Nam.

6. Được đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ an ninh hàng không dân dụng; được trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ theo quy định pháp luật.

7. Chấp hành sự kiểm tra, giám sát của người, cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 93. Tuyển dụng cán bộ, nhân viên an ninh hàng không và bảo vệ chuyên trách

1. Cán bộ, nhân viên an ninh hàng không, nhân viên bảo vệ chuyên trách được tuyển dụng phải có đủ các tiêu chuẩn sau đây:

a) Là công dân Việt Nam có lai lịch chính trị rõ ràng, có sức khỏe, có phẩm chất đạo đức tốt, nhân thân tốt;

b) Từ 18 tuổi trở lên;

c) Không có tiền án, tiền sự, không nghiện ma túy.

2. Đơn vị tuyển dụng phải tiến hành thẩm tra lý lịch và nhân thân tại cơ quan công an và chính quyền địa phương trước khi quyết định tuyển dụng.

3. Cán bộ, nhân viên an ninh hàng không, nhân viên bảo vệ chuyên trách bị kết án, nghiện ma túy, trộm cắp hoặc vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn hàng không dân dụng phải đưa ra khỏi lực lượng an ninh hàng không.

4. Nhân viên an ninh trên không phải được Cục Hàng không Việt Nam thẩm tra và chấp thuận về các tiêu chuẩn nêu tại khoản 1 của Điều này. Hồ sơ đề nghị chấp thuận bao gồm:

a) Công văn đề nghị chấp thuận theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Hồ sơ tuyển dụng của nhân viên;

c) Số lượng bộ hồ sơ: 01 bộ.

Hồ sơ được gửi trực tiếp hoặc đường bưu chính đến Cục Hàng không Việt Nam. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam tổ chức thẩm tra, chấp thuận hoặc thông báo bằng văn bản lý do từ chối cho người đề nghị.

Điều 94. Đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ an ninh hàng không

1. Cán bộ giảng dạy an ninh hàng không, nhân viên an ninh hàng không và các đối tượng liên quan phải được đào tạo, huấn luyện định kỳ, nâng cao nghiệp vụ an ninh hàng không phù hợp với từng đối tượng theo quy định về đào tạo, huấn luyện an ninh hàng không dân dụng do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.

2. Ngoài việc tuân thủ quy định tại khoản 1 của Điều này, nhân viên an ninh trên không của hãng hàng không Việt Nam phải được huấn luyện về nghiệp vụ an ninh trên không theo Chương trình và tại cơ sở huấn luyện theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Tổ chức tuyển dụng nhân viên an ninh và bảo vệ chuyên trách hàng không dân dụng chịu trách nhiệm tổ chức thực tập nghiệp vụ an ninh hàng không phù hợp cho đối tượng được tuyển dụng. Nhân viên thực tập được phép thực hiện nghiệp vụ an ninh hàng không dưới sự giám sát của nhân viên hướng dẫn. Chương trình thực tập phải được quy định trong Chương trình và Quy chế an ninh hàng không dân dụng của tổ chức.

4. Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt Hội đồng thẩm định giáo trình an ninh hàng không của cơ sở đào tạo, huấn luyện về an ninh hàng không; phê duyệt giáo trình, tài liệu giảng dạy của doanh nghiệp cảng hàng không, hãng hàng không, tổ chức không có cơ sở đào tạo, huấn luyện; phê duyệt danh sách cán bộ giảng dạy an ninh hàng không.

5. Người đề nghị phê duyệt Hội đồng thẩm định giáo trình an ninh hàng không của cơ sở đào tạo, huấn luyện về an ninh hàng không; giáo trình, tài liệu giảng dạy của doanh nghiệp cảng hàng không, hãng hàng không, tổ chức không có cơ sở đào tạo, huấn luyện; danh sách cán bộ giảng dạy an ninh hàng không gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu chính đến Cục Hàng không Việt Nam đã thẩm định, phê duyệt. Hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Dự thảo giáo trình, tài liệu giảng dạy; danh sách hội đồng, cán bộ giảng dạy.

6. Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định của người đề nghị thẩm định, phê duyệt Hội đồng thẩm định giáo trình an ninh hàng không của cơ sở đào tạo, huấn luyện về an ninh hàng không; giáo trình, tài liệu giảng dạy của doanh nghiệp cảng hàng không, hãng hàng không, tổ chức không có cơ sở đào tạo, huấn luyện; danh sách cán bộ giảng dạy an ninh hàng không, Cục Hàng không Việt Nam phải có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, tổ chức kiểm tra và ra quyết định phê duyệt. Người đề nghị phê duyệt nộp lệ phí theo quy định của pháp luật.

Điều 95. Cấp và năng định giấy phép nhân viên an ninh hàng không

1. Nhân viên an ninh hàng không được cấp, năng định giấy phép khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 93 của Thông tư này;

b) Có chứng chỉ tốt nghiệp khóa học chuyên môn về an ninh hàng không phù hợp với chức danh đề nghị cấp, năng định giấy phép, tại cơ sở đào tạo huấn luyện về an ninh hàng không, được Cục Hàng không Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đào tạo huấn luyện nhân viên hàng không theo quy định;

c) Được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng vào lực lượng an ninh hàng không và thực tập nghiệp vụ an ninh hàng không phù hợp với chức danh đề nghị cấp, năng định giấy phép với thời gian tối thiểu là 01 tháng;

d) Tham dự kỳ thi cấp giấy phép và năng định do hội đồng kiểm tra cấp giấy phép, năng định nhân viên an ninh hàng không của Cục Hàng không Việt Nam tổ chức; đạt từ 85 điểm trở lên và không bị điểm không.

2. Giấy phép nhân viên an ninh hàng không có giá trị là 07 năm, hiệu lực của năng định là 12 tháng. Trường hợp không làm công việc được năng định trong thời gian 06 tháng liên tục, năng định được cấp sẽ mất hiệu lực, khi trở lại làm việc phải qua kỳ thi cấp năng định lại.

3. Hồ sơ đề nghị cấp, năng định giấy phép nhân viên an ninh hàng không:

a) Văn bản đề nghị của đơn vị chủ quản kèm theo danh sách trích ngang;

b) Văn bằng, chứng chỉ đào tạo phù hợp;

c) 02 ảnh 3x4cm không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ;

d) Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

4. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép, năng định giấy phép được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu chính đến Cục Hàng không Việt Nam. Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam tổ chức thẩm định, kiểm tra, cấp hoặc thông báo bằng văn bản lý do từ chối cấp cho người đề nghị.

5. Giấy phép nhân viên an ninh hàng không có thể bị Cục hàng không Việt Nam thu hồi trong những trường hợp sau đây:

a) Nhân viên an ninh không còn đủ điều kiện để được cấp giấy phép; không được hoặc không đạt khóa huấn luyện định kỳ theo quy định;

b) Có sai phạm về chuyên môn nghiệp vụ, ý thức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm mà bị kỷ luật khiển trách, thu hồi giấy phép trong thời gian tối đa 01 tháng;

c) Có sai phạm về chuyên môn nghiệp vụ, ý thức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm mà bị kỷ luật khiển trách lần thứ 02 hoặc cảnh cáo; giấy phép bị tẩy xoá, được sử dụng không đúng mục đích bị thu hồi giấy phép trong thời gian tối đa 03 tháng;

d) Có hành vi vi phạm uy hiếp trực tiếp an toàn, an ninh hàng không tại cảng hàng không, sân bay; có hành vi che dấu lỗi vi phạm quy định về an toàn, an ninh hàng không; có sai phạm về chuyên môn nghiệp vụ làm ảnh hưởng trực tiếp an toàn, an ninh hàng không thu hồi giấy phép vĩnh viễn.

6. Người bị thu hồi giấy phép nhân viên an ninh hàng không có thời hạn quy định tại điểm b, điểm c khoản 5 của Điều này khi trở lại làm việc phải qua kỳ thi cấp giấy phép và năng định lại.

7. Nhân viên an ninh phải được huấn luyện định kỳ theo quy định tại các cơ sở đào tạo, huấn luyện về an ninh hàng không được Cục Hàng không Việt Nam cấp hoặc công nhận giấy phép đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện nhân viên hàng không. Đơn vị chủ quản có trách nhiệm gửi kết quả huấn luyện định kỳ nhân viên an ninh hàng không về Cục Hàng không Việt Nam chậm nhất vào ngày 31 tháng 12 hàng năm.

Điều 96. Đánh giá chất lượng nhân viên an ninh hàng không

1. Hàng năm, Thủ trưởng đơn vị quản lý nhân viên an ninh hàng không phải đánh giá bằng văn bản nhân viên an ninh về các lĩnh vực sau đây:

a) Phẩm chất chính trị và đạo đức;

b) Trình độ chuyên môn nghiệp vụ;

c) Ý thức chấp hành pháp luật và kỷ luật của cơ quan, đơn vị;

d) Ý thức trách nhiệm trong công việc và thái độ phục vụ.

2. Đánh giá quy định tại khoản 1 của Điều này là căn cứ để xếp loại nhân viên an ninh hàng không ở 4 mức độ: xuất sắc, tốt, trung hình, kém. Kết quả phân loại là cơ sở để bố trí sắp xếp nhân viên và đào tạo, huấn luyện bổ sung. Nhân viên an ninh hàng không vi phạm nghiêm trọng các yêu cầu nêu tại các điểm a, điểm c khoản 1 của Điều này phải bị xem xét đưa ra khỏi lực lượng an ninh hàng không.

3. Văn bản đánh giá và xếp loại nhân viên an ninh hàng không phải được lưu giữ tại đơn vị chủ quản.

Thông tư 30/2012/TT-BGTVT hướng dẫn Chương trình an ninh hàng không dân dụng Việt Nam và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không dân dụng do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 30/2012/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 01/08/2012
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: 06/09/2012
  • Số công báo: Từ số 583 đến số 584
  • Ngày hiệu lực: 15/09/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH