Hệ thống pháp luật

Mục 4 Chương 3 Thông tư 30/2012/TT-BGTVT hướng dẫn Chương trình an ninh hàng không dân dụng Việt Nam và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không dân dụng do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

MỤC 4. KIỂM TRA, GIÁM SÁT AN NINH TRƯỚC CHUYẾN BAY HOẠT ĐỘNG VẬN CHUYỂN HÀNG KHÔNG THƯƠNG MẠI

Điều 39. Niêm phong an ninh

1. Thùng đựng hàng hóa, thư, bưu phẩm, bưu kiện; tủ đựng suất ăn; thùng hoặc túi đựng đồ vật phục vụ trên tàu bay, trừ đồ vật phục vụ cho việc bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay, sau khi được kiểm tra an ninh hàng không phải được niêm phong an ninh; phương tiện vận chuyển xăng dầu sau khi tiếp nhận xăng dầu để nạp cho tàu bay phải niêm phong an ninh các cửa nạp, cửa xả; tàu bay không khai thác tại sân bay hoặc tàu bay đỗ ngoài sân bay phải niêm phong an ninh các cửa của tàu bay.

2. Niêm phong an ninh phải bảo đảm sau khi niêm phong không thể bóc, gỡ hoặc nếu bóc, gỡ sẽ bị hỏng, không thể niêm phong lại; kích cỡ, chủng loại niêm phong phải phù hợp với đối tượng niêm phong.

3. Mẫu niêm phong an ninh, chế độ quản lý, thống kê, cấp phát, sử dụng niêm phong an ninh phải được quy định cụ thể trong Chương trình an ninh hàng không của người khai thác cảng hàng không, sân bay, hãng hàng không; Quy chế an ninh của doanh nghiệp suất ăn, doanh nghiệp cung ứng xăng dầu, giao nhận hàng hóa. Yêu cầu về niêm phong an ninh theo quy định tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 40. Kiểm tra, giám sát an ninh đối với hành khách và hành lý xách tay xuất phát

1. Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, khi làm thủ tục vận chuyển, hành khách phải có mặt tại quầy thủ tục xuất trình về hành khách hoặc thẻ lên tàu do hãng hàng không cấp (vé hoặc giấy tờ có giá trị như vé); giấy tờ sử dụng đi tàu bay theo quy định tại Phụ lục XIII ban hành kèm theo Thông tư này. Nhân viên làm thủ tục phải kiểm tra, đối chiếu, đặt câu hỏi tối thiểu đối với hành khách, mẫu câu hỏi theo quy định tại Phụ lục XIV ban hành kèm theo Thông tư này. Khách đi theo nhóm phải làm thủ tục cho từng người một; vé, thẻ lên tàu phải ghi rõ họ tên của từng hành khách.

Đối với hành khách không có hành lý ký gửi, … thực hiện thủ tục vận chuyển cho hành khách bằng hệ thống điện tử thích hợp mà không yêu cầu hành khách phải có mặt tại quầy thủ tục. Phương án thực hiện phải được quy định rõ trong Chương trình an ninh hàng không của hãng hàng không.

2. Hành khách được phép ủy quyền cho người đại diện thực hiện thủ tục vận chuyển mà không phải trực tiếp có mặt tại quầy thủ tục trong trường hợp đoàn công tác của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, đoàn của cán bộ cao cấp nêu tại điểm h khoản 7 Điều 22 của Thông tư này hoặc trường hợp khẩn cấp do Giám đốc Cảng vụ hàng không quyết định.

3. Hành khách, hành lý xách tay phải được soi chiếu 100% bằng cổng từ, máy soi tia X. Trường hợp có nghi vấn phải tiếp tục kiểm tra bằng trực quan hoặc các biện pháp thích hợp khác.

4. Tại mỗi điểm soi chiếu phải có buồng kiểm thể để tiến hành kiểm tra trực quan cơ thể người hoặc hành lý; có máy soi chiếu, cổng từ, máy dò kim loại cầm tay, dụng cụ, thiết bị phát hiện chất nổ, thiết bị thông tin Iiên lạc, các thiết bị, dụng cụ cần thiết khác và có đủ nhân viên an ninh hàng không để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, điều hành bảo đảm hiệu quả và không gây ách tắc luồng hành khách.

5. Tại mỗi điểm soi chiếu phải bố trí nhân viên an ninh làm nhiệm vụ, cụ thể như sau:

a) Nhân viên kiểm tra giấy tờ đi tàu bay của hành khách;

b) Nhân viên hướng dẫn đặt hành lý, đồ vật của hành khách lên băng chuyền máy soi chiếu; hướng dẫn hành khách đi qua cổng từ; giám sát bảo đảm hành khách thực hiện việc kiểm tra soi chiếu đúng quy định;

c) Nhân viên kiểm tra hành khách bằng máy dò kim loại cầm tay, thiết bị phát hiện chất nổ, kiểm tra trực quan hành khách;

d) Nhân viên quan sát màn hình máy soi tia X; không làm việc liên tục quá 20 phút và thời gian quay trở lại công việc quan sát màn hình tối thiểu là 40 phút;

đ) Nhân viên tiếp nhận hành lý, đồ vật cần kiểm tra theo yêu cầu của nhân viên quan sát màn hình máy soi tia X và chuyển cho nhân viên kiểm tra trực quan;

e) Nhân viên kiểm tra trực quan hành lý xách tay, đồ vật;

g) Kíp trưởng chịu trách nhiệm chỉ đạo, điều hành và giám sát toàn bộ công việc tại điểm kiểm tra; luân chuyển vị trí làm việc của các nhân viên trong ca; xử lý các vướng mắc, vi phạm khi nhân viên tại điểm kiểm tra báo cáo; không trực tiếp thực hiện các công việc của các nhân viên nêu tại các điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ và điểm e của khoản này.

6. Khi làm thủ tục kiểm tra an ninh hàng không hành khách phải xuất trình thẻ lên tàu bay, giấy tờ sử dụng đi tàu bay; chịu sự kiểm tra an ninh hàng không và tuân thủ mọi hướng dẫn, yêu cầu của nhân viên an ninh hàng không.

7. Quy trình soi chiếu an ninh đối với hành khách và hành lý xách tay như sau:

a) Hành khách đặt hành lý xách tay lên băng chuyền đưa qua máy soi; khi hành lý có nghi vấn, nhân viên an ninh phải tiến hành kiểm tra trực quan để xác định;

b) Túi nhựa đựng chai, lọ, bình chất lỏng, thiết bị điện tử, phim ảnh phải lấy ra để nhân viên an ninh kiểm tra bằng trực quan và đưa qua máy soi tia X để soi chiếu riêng;

c) Hành khách phải tuân thủ theo chỉ dẫn của nhân viên an ninh hàng không như: cởi bỏ áo khoác, mũ, vật dụng cá nhân và các đồ vật khác mang theo người để trong khay đưa qua máy soi trước khi đi qua cổng từ;

d) Hành khách đi qua cổng từ, nếu cổng từ báo động thì nhân viên an ninh sử dụng kết hợp máy dò kim loại cầm tay và kiểm tra trực quan; loại bỏ tất cả các vật phẩm nguy hiểm không được mang theo người, hành lý xách tay rồi cho hành khách vào khu vực cách ly:

đ) Khi hành lý, đồ vật qua máy soi tia X có nghi vấn, nhân viên an ninh phải cô lập hành lý, đồ vật; chuyển cho nhân viên kiểm tra trực quan với sự có mặt của hành khách.

8. Hành khách, hành lý xách tay đã hoàn tất thủ tục soi chiếu an ninh phải được giám sát liên tục cho đến khi lên tàu bay.

9. Việc soi chiếu an ninh đối với hành khách tàn tật, thương binh, bệnh nhân sử dụng xe đẩy, cáng cứu thương, có gắn các thiết bị phụ trợ y tế trên người được thực hiện bằng trực quan hoặc các biện pháp thích hợp khác tại nơi phù hợp.

10. Việc kiểm tra, lục soát kỹ người, hành lý phải được thực hiện tại buồng kiểm thể. Khi kiểm tra trực quan tại buồng kiểm thể nam kiểm tra nam, nữ kiểm tra nữ và phải bố trí người thứ ba cùng giới giám sát, lập biên bản sự việc.

11. Trường hợp phát hiện đồ vật được phép vận chuyển nhưng bị cấm mang theo người, hành lý xách tay lên tàu bay theo quy định tại Phụ lục XV ban hành kèm theo Thông tư này thì nhân viên an ninh hàng không hướng dẫn hành khách bỏ lại vào nơi quy định hoặc thực hiện thủ tục vận chuyển theo quy định.

12. Kiểm tra trực quan ngẫu nhiên bổ sung sau kiểm tra soi chiếu tối thiểu 05% đối với hành khách, hành lý xách tay.

Điều 41. Kiểm tra, giám sát an ninh đối với hành khách và hành lý xách tay quá cảnh, nối chuyến, tạm dừng nội địa

1. Trường hợp hành khách quá cảnh ở lại trên tàu bay, tàu bay đó phải được giám sát liên tục cho tới khi xuất phát, không cho phép hành khách xuống khỏi tàu bay.

2. Hành khách tạm dừng nội địa, quá cảnh xuống khỏi tàu bay phải mang theo đồ vật cá nhân, hành lý xách tay, không được để lại trên tàu bay. Trước khi vào khu vực cách ly hành khách, hành lý xách tay phải được kiểm tra an ninh; nếu đáp ứng các yêu cầu tại điểm a và điểm b của khoản này sẽ được miễn kiểm tra an ninh:

a) Hành khách được dán thẻ hành khách quá cảnh, tạm dừng;

b) Hành khách đi theo luồng riêng được giám sát an ninh từ tàu bay vào khu vực cách ly, không lẫn với bất kỳ luồng hành khách nào khác.

3. Người khai thác tàu bay chịu trách nhiệm kiểm tra để bảo đảm đồ vật cá nhân, hành lý xách tay của hành khách tạm dừng nội địa, quá cảnh xuống khỏi tàu bay không bị để lại trên tàu bay.

4. Hành khách nối chuyến và hành lý xách tay của họ phải được kiểm tra an ninh hàng không như hành khách xuất phát.

Điều 42. Kiểm tra, giám sát an ninh đối với thành viên tổ bay

1. Tổ bay phải mặc trang phục theo quy định của người khai thác tàu bay. Nhân viên an ninh kiểm tra thẻ của thành viên tổ bay, đối chiếu với danh sách tổ bay của từng chuyến bay do người khai thác tàu bay cung cấp. Người khai thác tàu bay phải cung cấp trước chuyến bay danh sách thành viên tổ bay cho an ninh hàng không.

2. Việc kiểm tra, giám sát an ninh đối với thành viên tổ hay và hành lý của họ được thực hiện như đối với hành khách, hành lý xách tay của hành khách.

Điều 43. Kiểm tra an ninh đối với hành lý ký gửi

1. Nhân viên làm thủ tục vận chuyển phải yêu cầu từng hành khách xác định đúng hành lý ký gửi của mình mới làm thủ tục vận chuyển, không làm thủ tục nhóm; trường hợp thấy có dấu hiệu nghi ngờ phải thông báo cho nhân viên an ninh hàng không biết để tăng cường kiểm tra.

2. Hành lý ký gửi của hành khách xuất phát, nối chuyến phải được soi chiếu an ninh bằng máy soi tia X; nếu có nghi vấn phải được tiếp tục kiểm tra bằng trực quan, máy phát hiện chất nổ hoặc các biện pháp thích hợp khác.

3. Kiểm tra trực quan đối với hành lý ký gửi của hành khách được thực hiện với sự có mặt của chủ sở hữu hành lý đó hoặc người đại diện hợp pháp của họ hoặc đại diện người khai thác tàu bay liên quan.

4. Hành lý ký gửi quá cảnh, tạm dừng nội địa đưa xuống khỏi tàu bay, khi đưa lên lại tàu bay phải qua kiểm tra an ninh như hành lý ký gửi xuất phát.

Điều 44. Giám sát an ninh đối với hành lý ký gửi

1. Hành lý ký gửi của hành khách xuất phát, nối chuyến, quá cảnh sau khi làm thủ tục chấp nhận và kiểm tra an ninh phải được nhân viên an ninh của người khai thác cảng hàng không, sân bay giám sát liên tục cho đến khi đưa lên tàu bay, không được để những người không có trách nhiệm tiếp cận.

2. Khu vực băng chuyền hành lý ký gửi, khu vực phân loại chất xếp hành lý ký gửi phải được nhân viên an ninh của người khai thác cảng hàng không, sân bay kiểm soát và giám sát liên tục, những người không có trách nhiệm không được phép tiếp cận những khu vực này.

3. Khi phát hiện hành lý ký gửi không còn nguyên vẹn trước khi chất xếp lên tàu bay, nhân viên phục vụ hành lý có trách nhiệm thông báo kịp thời cho nhân viên an ninh của người khai thác cảng hàng không, sân bay. Nhân viên an ninh chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp tái kiểm tra an ninh.

4. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận chuyển hành lý ký gửi từ nhà ga ra tàu bay và ngược lại chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp ngăn ngừa việc đưa hành lý ký gửi không được phép vận chuyển lên băng chuyền, xe chở hành lý.

Điều 45. Vận chuyển đồng bộ hành khách và hành lý

1. Hành lý của mỗi hành khách phải được vận chuyển cùng với hành khách trên một chuyến bay, trừ các trường hợp sau đây:

a) Hành lý thất lạc;

b) Hành lý bị giữ lại vì lý do an toàn của chuyến bay;

c) Túi ngoại giao, túi lãnh sự;

d) Hành lý của hành khách bị chết trên tàu bay;

đ) Hành lý vận chuyển như hàng hóa;

e) Các trường hợp bất khả kháng.

2. Hãng hàng không hoặc người khai thác tàu bay phải bảo đảm:

a) Mỗi kiện hành lý ký gửi phải có thẻ hành lý ghi rõ số chuyến bay, ngày tháng năm và mã số của kiện hành lý đó;

b) Lập bảng kê hành lý ký gửi và thực hiện đối chiếu với danh sách hành khách trước chuyến bay;

c) Ký bản kê danh mục hành lý ký gửi chất xếp trên tàu bay.

3. Hãng hàng không có trách nhiệm đảm bảo toàn bộ hành lý của hành khách phải được đưa xuống tàu bay trước khi cho tàu bay khởi hành trong trường hợp hành khách đó đã được cấp thẻ lên tàu bay nhưng không thực hiện hoặc không tiếp tục thực hiện chuyến bay.

4. Trừ túi ngoại giao, túi lãnh sự, hành lý ký gửi vận chuyển không cùng với hành khách trên chuyến bay quy định tại khoản 1 của Điều này phải áp dụng ít nhất một trong các biện pháp kiểm tra an ninh bổ sung sau đây và phải được lập thành biên bản:

a) Soi chiếu bằng máy soi tia X ở các tư thế khác nhau;

b) Kiểm tra bằng phương tiện, thiết bị phát hiện chất nổ.

Điều 46. Lưu giữ hành lý ký gửi bị thất lạc, chuyển nhầm địa chỉ

1. Người khai thác cảng hàng không, sân bay chịu trách nhiệm bố trí một khu vực để lưu giữ hành lý thất lạc, chuyển nhầm địa chỉ cho đến khi hành lý này được chuyển đi, chuyển tới chủ sở hữu. Khu vực lưu giữ hành lý thất lạc, chuyển nhầm địa chỉ phải được bảo vệ, những người không có trách nhiệm không được ra vào khu vực này.

2. Hãng hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mặt đất phải lập hồ sơ theo dõi hành lý thất lạc, hành lý chuyển nhầm địa chi phải ghi rõ thời gian, nơi đến, chuyến bay, biện pháp giải quyết. Hành lý thất lạc, nhầm địa chỉ phải được kiểm tra soi chiếu an ninh hàng không trước khi đưa vào khu vực lưu giữ; trước khi được đưa lại lên tàu bay phải được soi chiếu lại.

Điều 47. Kiểm tra an ninh đối với túi ngoại giao, túi lãnh sự

1. Túi ngoại giao, lãnh sự được miễn kiểm tra an ninh hàng không. Nhân viên an ninh thực hiện như sau:

a) Kiểm tra niêm phong, những dấu hiệu nhận biết bên ngoài của túi ngoại giao, túi lãnh sự theo quy định của pháp luật về ngoại giao và lãnh sự;

b) Kiểm tra hộ chiếu, giấy ủy quyền mang túi ngoại giao, túi lãnh sự, văn bản của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự xác nhận số kiện của túi ngoại giao, túi lãnh sự;

c) Trong trường hợp có cơ sở xác đáng để khẳng định túi ngoại giao, túi lãnh sự có chứa vật phẩm nguy hiểm theo quy định tại Phụ lục XV ban hành kèm theo Thông tư này thì túi ngoại giao, túi lãnh sự đó bị từ chối chuyên chở;

d) Khi từ chối chuyên chở phải tiến hành lập biên bản nêu rõ lý do từ chối chuyên chở, có sự xác nhận của giao thông viên ngoại giao hoặc giao thông viên lãnh sự và Cảng vụ hàng không liên quan, biên bản phải được gửi cho cơ quan đại diện ngoại giao.

2. Giao thông viên ngoại giao, giao thông viên lãnh sự hay đại diện của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự đến gửi, nhận túi ngoại giao, túi lãnh sự thì đồ vật cá nhân mang theo của họ phải được kiểm tra an ninh hàng không như hành khách.

Điều 48. Kiểm tra, giám sát an ninh đối với người, hành lý, hàng hóa, đồ vật, suất ăn, xăng dầu của chuyến bay chuyên cơ

1. Miễn kiểm tra an ninh đối với người, hành lý xách tay của đối tượng được phục vụ chuyến bay chuyên cơ theo quy định của pháp luật về chuyên cơ.

2. Miễn kiểm tra an ninh đối với các cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, đại điện ngoại giao của nước ngoài vào đón tiễn đối tượng được phục vụ chuyến bay chuyên cơ bao gồm:

a) Trưởng Ban Đảng trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương và các chức vụ tương đương trở lên;

b) Bộ trưởng và các chức vụ tương đương trở lên;

c) Bí thư, Chủ tịch tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và các chức vụ tương đương trở lên;

d) Người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam.

3. Kiểm tra, giám sát an ninh đối với hành lý, hàng hóa, đồ vật, suất ăn, xăng dầu của chuyến bay chuyên cơ được thực hiện theo quy định về bảo đảm chuyến bay chuyên cơ.

4. Lực lượng an ninh hàng không có trách nhiệm phối hợp với lực lượng thuộc Bộ Tư lệnh cảnh vệ - Bộ Công an trong việc kiểm tra, giám sát an ninh hàng không đối với chuyến bay chuyên cơ theo quy định về bảo đảm chuyến bay chuyên cơ.

Điều 49. Kiểm tra, giám sát an ninh đối với hàng hóa, thư, bưu phẩm, bưu kiện vận chuyển trên tàu bay hành khách

1. Tại mỗi máy soi chiếu phải bố trí nhân viên an ninh như sau:

a) Nhân viên thực hiện nhiệm vụ giám sát màn hình máy soi tia X; không làm việc liên tục quá 40 phút và thời gian quay trở lại công việc quan sát màn hình tối thiểu là 40 phút;

b) Nhân viên thực hiện nhiệm vụ niêm phong an ninh và kiểm tra trực quan;

c) Nhân viên làm nhiệm vụ kiểm tra giấy tờ, ghi tài liệu về từng lô hàng được kiểm tra;

d) Kíp trưởng chịu trách nhiệm chỉ đạo, điều hành và giám sát toàn bộ công việc tại điểm kiểm tra.

2. Trình tự, thủ tục kiểm tra, giám sát an ninh hàng hóa, thư, bưu phẩm, bưu kiện được quy định chi tiết tại Chương trình an ninh hàng không dân dụng của người khai thác cảng hàng không, sân bay.

3. Hàng hóa, thư, bưu phẩm, bưu kiện vận chuyển trên tàu bay hành khách phải được soi chiếu 100% bằng máy soi tia X, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 của Điều này. Trường hợp có nghi vấn phải tiếp tục kiểm tra bằng trực quan hoặc các biện pháp thích hợp khác. Việc kiểm tra trực quan được thực hiện với sự có mặt của chủ sở hữu hoặc người đại diện hợp pháp của họ hoặc đại diện hãng hàng không liên quan.

4. Hàng hóa, thư, bưu phẩm, bưu kiện sau khi đã kiểm tra như quy định tại khoản 3 của Điều này phải được giám sát an ninh cho tới khi đưa lên tàu bay. Khi phát hiện hàng hóa, thư, bưu phẩm, bưu kiện không còn nguyên vẹn hoặc thùng đựng thiếu niêm phong an ninh trước khi chất xếp lên tàu bay, nhân viên phục vụ hàng hóa, thư, bưu phẩm, bưu kiện có trách nhiệm thông báo kịp thời cho nhân viên an ninh hàng không. Nhân viên an ninh hàng không chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp tái kiểm tra an ninh.

5. Hàng hóa, thư, bưu phẩm, bưu kiện sau khi kiểm tra an ninh khi phải vận chuyển qua các khu vực công cộng để ra tàu bay thì phương tiện vận chuyển phải được giám sát an ninh liên tục trong quá trình vận chuyển để ngăn ngừa việc đưa trái phép vật phẩm nguy hiểm vào hàng hóa, thư, bưu phẩm, bưu kiện.

6. Hàng hóa, thư, bưu phẩm, bưu kiện trên tàu bay hành khách không phải kiểm tra an ninh hàng không trong các trường hợp sau:

a) Hàng hóa, thư, bưu phẩm, bưu kiện quá cảnh, trung chuyển không rời khỏi tàu bay hoặc sân đỗ tàu bay, có sự giám sát an ninh hàng không liên tục;

b) Hàng hóa, thư, bưu phẩm, bưu kiện quá cảnh, trung chuyển được vận chuyển vào khu vực cách ly hàng hóa; trường hợp công-ten-nơ ra khỏi sân đỗ tàu bay qua khu vực công cộng để đưa vào khu vực cách ly hàng hóa và ngược lại thì phải được niêm phong an ninh và phải được giám sát an ninh liên tục trong quá trình vận chuyển để ngăn ngừa việc đưa trái phép vật phẩm nguy hiểm vào hàng hóa, thư, bưu phẩm, bưu kiện.

Điều 50. Kiểm tra, giám sát an ninh hàng hóa, thư, bưu phẩm, bưu kiện vận chuyển trên tàu bay hàng hóa

1. Hàng hóa, thư, bưu phẩm, bưu kiện vận chuyển trên tàu bay hàng hóa phải được soi chiếu 100% bằng máy soi tia X hoặc kiểm tra bằng trực quan, trừ trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 của Điều này. Trường hợp qua soi chiếu có nghi vấn phải tiếp tục kiểm tra bằng trực quan hoặc các biện pháp thích hợp khác. Việc kiểm tra trực quan được thực hiện với sự có mặt của chủ sở hữu hoặc người đại diện hợp pháp của họ hoặc đại diện hãng hàng không liên quan.

2. Người khai thác cảng hàng không, sân bay có thể áp dụng biện pháp kiểm tra an ninh xác suất tối thiểu 30% đối với hàng hóa của các công ty chuyển giao nhận hàng hóa hàng không khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Công ty chuyển giao nhận hàng hóa hàng không là khách hàng lớn, thường xuyên được Cục Hàng không Việt Nam công nhận theo đề nghị của người khai thác cảng hàng không, sân bay;

b) Người khai thác cáng hàng không, sân bay có Quy chế, quy trình bảo đảm an ninh hàng không thích hợp được Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt;

c) Hàng hóa cùng chủng loại, hàng hóa được sản xuất, phân loại, đóng gói và bảo quản lưu giữ trong những khu vực bảo đảm được bảo vệ ngăn chặn người không có trách nhiệm không vào được những khu vực này;

d) Hàng hóa vận chuyển đến cảng hàng không phải đảm bảo ngăn chặn được người không có trách nhiệm tiếp cận, xâm nhập phương tiện vận chuyển;

đ) Nhân viên đóng gói, bảo quản, lưu giữ hàng hóa, người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa phải qua lớp huấn luyện nhận thức về an ninh hàng không.

3. Hàng hóa, thư, bưu phẩm, bưu kiện trên tàu bay hàng hóa không phải kiểm tra soi chiếu an ninh hàng không trong các trường hợp sau:

a) Hàng hóa, thư, bưu phẩm, bưu kiện quá cảnh, trung chuyển không rời khỏi tàu bay hoặc sân đỗ tàu bay, có sự giám sát an ninh hàng không liên tục;

b) Hàng hóa, thư, bưu phẩm, bưu kiện quá cảnh, trung chuyển được vận chuyển vào khu vực cách ly hàng hóa; trường hợp công-ten-nơ ra khỏi sân đỗ tàu bay qua khu vực công cộng để đưa vào khu vực cách ly hàng hóa và ngược lại thì phải được niêm phong an ninh và phải được giám sát an ninh liên tục trong quá trình vận chuyển để ngăn ngừa việc đưa trái phép vật phẩm nguy hiềm vào hàng hóa, thư, bưu phẩm, bưu kiện.

Điều 51. Kiểm tra an ninh hàng không đối với hành lý, hàng hóa đặc biệt

1. Miễn soi chiếu và kiểm tra trực quan đối với thi thể người vận chuyển bằng tàu bay được đặt trong hòm kẽm được gắn kín. Quá trình đóng gói và niêm phong hòm kẽm phải được cơ quan y tế có thẩm quyền giám sát. Hòm kẽm phải còn nguyên niêm phong và văn bản xác nhận cơ quan y tế giám sát, kèm theo giấy chứng tử.

2. Miễn soi chiếu và kiểm tra trực quan đối với các sản phẩm làm từ máu, bộ phận nội tạng dùng cho việc cấy ghép, vắc-xin, các loại dược phẩm phải duy trì đóng gói kín. Bao bì phải có niêm phong, kèm theo văn bản xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.

3. Miễn soi chiếu và kiểm tra trực quan đối với những hàng hóa nguy hiểm mà việc soi chiếu hoặc kiểm tra trực quan sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe của nhân viên an ninh như các vật liệu cho nghiên cứu hạt nhân, chất phóng xạ. Bao bì phải có niêm phong, kèm theo văn bản xác nhận tình trạng đóng gói an toàn, văn bản đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4. Đối với hài cốt (bao gồm cả tro cốt) việc kiểm tra an ninh được thực hiện như đối với hàng hóa, hành lý thông thường, trừ trường hợp có đề nghị của cơ quan nhà nước có liên quan, cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài và được Cục hàng không Việt Nam chấp thuận.

5. Đối với động vật sống, vật phẩm dễ bị hỏng nếu qua máy soi tia X, trong trường hợp không thể thực hiện soi chiếu thì phải kiểm tra trực quan hoặc biện pháp bảo đảm an ninh thích hợp.

6. Đối với việc vận chuyển bưu kiện, cơ quan bưu điện chịu trách nhiệm xác nhận vật phẩm, chất nguy hiểm được vận chuyển.

Điều 52. Kiểm tra, giám sát an ninh hàng không đối với suất ăn

1. Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, cung ứng suất ăn hàng không (sau đây gọi chung là doanh nghiệp suất ăn) có trách nhiệm bảo đảm an ninh hàng không đối với suất ăn; xây dựng Quy chế an ninh của doanh nghiệp trình Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt.

2. Khu vực nhà xưởng, trang thiết bị chế biến, cung ứng, vận chuyển suất ăn phải được bảo vệ, ra vào phải có thẻ, giấy phép kiểm soát an ninh nội bộ do doanh nghiệp suất ăn cấp. Phương tiện vận chuyển suất ăn từ nơi cung ứng qua khu vực công cộng ra tàu bay phải có nhân viên bảo vệ của doanh nghiệp áp tải hoặc các biện pháp bảo đảm an ninh phù hợp.

3. Người khai thác cảng hàng không, sân bay chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh của doanh nghiệp suất ăn theo quy định.

4. Các mẫu suất ăn phải được lưu giữ ít nhất 24 giờ kể từ khi đưa lên phục vụ trên tàu bay.

5. Nhân viên an ninh hàng không chỉ cho phép tủ đựng suất ăn vào sân bay, tổ bay chỉ được tiếp nhận tủ đựng suất ăn lên tàu bay nếu tủ còn nguyên niêm phong an ninh của doanh nghiệp suất ăn.

Điều 53. Kiểm tra, giám sát an ninh hàng không đối với đồ vật phục vụ trên tàu bay

1. Đồ vật phục vụ trên tàu bay phải được kiểm tra an ninh trước khi đưa vào các khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay, trừ trách nhiệm quy định tại khoản 3 của Điều này.

2. Khu vực kho chứa các đồ vật phục vụ trên tàu bay phải được bảo vệ, việc ra vào, có thẻ, giấy phép kiểm soát an ninh nội bộ do doanh nghiệp cấp.

3. Người khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu số lượng, chủng loại đồ vật phục vụ cho việc bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay khi đưa lên, đưa xuống tàu bay và ghi nhận bằng văn bản.

Điều 54. Bảo đảm an ninh hàng không đối với nhiên liệu cho tàu bay

1. Doanh nghiệp cung ứng xăng dầu có trách nhiệm bảo đảm an ninh hàng không đối với xăng dầu; xây dựng Quy chế an ninh của doanh nghiệp trình Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt.

2. Khu vực kho chứa nhiên liệu, phương tiện vận chuyển phải được bảo vệ, ra vào phải có thẻ, giấy phép kiểm soát an ninh nội bộ do doanh nghiệp cung ứng xăng dầu cấp.

3. Doanh nghiệp cung ứng xăng dầu chịu trách nhiệm lưu giữ mẫu xăng dầu ít nhất 24 giờ kể từ khi tra nạp cho tàu bay. Phương tiện vận chuyển sau khi tiếp nhận xăng dầu tới khi kết thúc tra nạp cho tàu bay phải có bảo vệ doanh nghiệp áp tải hoặc các biện pháp bảo đảm an ninh phù hợp.

4. Người khai thác cảng hàng không, sân bay chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh của doanh nghiệp cung ứng xăng dầu theo quy định; kiểm tra phương tiện vận chuyển nhiên liệu cho tàu bay trước khi vào sân bay, bảo đảm các cửa xả và cửa nạp của phương tiện tra nạp còn nguyên vẹn.

Điều 55. Kiểm tra, giám sát an ninh hàng không đối với hành khách là bị can, bị cáo, phạm nhân, người bị trục xuất, dẫn độ, người bị bắt theo quyết định truy nã

1. Hành khách là bị can, bị cáo, phạm nhân, người bị dẫn độ, người bị bắt theo quyết định truy nã, người bị trục xuất, không bao gồm hành khách bị từ chối nhập cảnh khi vận chuyển trên tàu bay phải có người của cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp giải.

2. Khi làm thủ tục hàng không, người hoặc cơ quan áp giải phải thông báo việc áp giải và cung cấp họ tên, ngày tháng năm sinh; cấp bậc, chức vụ, đơn vị của hành khách là người áp giải; họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ thường trú, tạm trú của hành khách là người bị áp giải; lệnh hoặc quyết định áp giải của cơ quan có thẩm quyền. Người, cơ quan áp giải, nhân viên an ninh, hãng hàng không trao đổi thống nhất về các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình áp giải.

3. Người áp giải và người bị áp giải có thể được bố trí kiểm tra an ninh hàng không; tại khu vực riêng. Người bị áp giải và hành lý, vật dụng của họ phải được kiểm tra trực quan.

4. Nhân viên an ninh cảng hàng không, sân bay phối hợp với người áp giải quản lý, giám sát chặt chẽ trong quá trình đưa người bị áp giải lên, xuống tàu bay.

5. Hãng hàng không phải bố trí cho người áp giải và người bị áp giải rời khỏi tàu bay sau cùng so với các hành khách khác.

6. Hãng hàng không phải thông báo cho người chỉ huy tàu bay vị trí ngồi của hành khách là bị can, phạm nhân, người bị trục xuất, dẫn độ và những người áp giải cùng với công cụ hỗ trợ họ mang theo. Người chỉ huy tàu bay thông báo cho người khai thác cảng hàng không, sân bay nơi tàu bay dự định hạ cánh về các yêu cầu trợ giúp cần thiết nếu có.

Điều 56. Kiểm tra, giám sát an ninh hàng không đối với hành khách bị từ chối nhập cảnh

1. Hãng hàng không chịu trách nhiệm về hành khách bị từ chối nhập cảnh vào Việt Nam mà hãng chuyên chở, cụ thể:

a) Ký hợp đồng với doanh nghiệp cảng hàng không để bố trí lực lượng an ninh hàng không quản lý, giám sát hành khách cho tới khi đưa hành khách lên chuyến bay rời khỏi Việt Nam;

b) Chuyên chở hành khách rời khỏi Việt Nam trong thời gian sớm nhất;

c) Phối hợp với công an cửa khẩu tạm giữ giấy tờ tùy thân của hành khách và làm thủ tục để có được các giấy tờ khác do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cấp nhằm mục đích vận chuyển hành khách đó nếu hành khách không có giấy tờ tùy thân hợp lệ;

d) Chỉ giao lại cho hành khách giấy tờ tùy thân hoặc các giấy tờ khác do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cấp nhằm mục đích vận chuyển hành khách đó sau khi hành khách đã được chuyên chở rời khỏi Việt Nam, đã xuống tàu bay và được chuyển giao cho nhà chức trách có thẩm quyền của nước sở tại;

đ) Thông báo cho công an cửa khẩu. Cảng vụ hàng không liên quan danh sách, thời gian địa điểm quản lý hành khách bị từ chối nhập cảnh và chuyến bay chuyên chở hành khách rời khỏi Việt Nam.

2. Trường hợp hãng hàng không chuyên chở về Việt Nam hành khách bị từ chối nhập cảnh tại nước ngoài, hãng hàng không có trách nhiệm phối hợp với nhà chức trách có thẩm quyền của nước sở tại để có giấy tờ tùy thân của hành khách đó hoặc các giấy tờ khác do nhà chức trách có thẩm quyền của nước sở tại cấp nhằm mục đích vận chuyển hành khách đó.

3. Việc vận chuyển hành khách bị từ chối nhập cảnh nhưng không tự nguyện trở lại điểm xuất phát được thực hiện như đối với hành khách bị trục xuất quy định tại Điều 67 của Thông tư này.

4. Hãng hàng không chịu mọi chi phí liên quan đến hành khách bị từ chối nhập cảnh.

5. Hãng hàng không phải thông báo cho người chỉ huy tàu bay vị trí ngồi của hành khách bị từ chối nhập cảnh và những người áp giải cùng với công cụ hỗ trợ họ mang theo. Người chỉ huy tàu bay thông báo cho người khai thác cảng hàng không, sân bay nơi tàu bay dự định hạ cánh về các yêu cầu trợ giúp cần thiết.

Điều 57. Kiểm tra, giám sát an ninh hàng không đối với hành khách bị mất khả năng làm chủ hành vi

1. Hành khách mất khả năng làm chủ hành vi bao gồm:

a) Mất khả năng làm chủ hành vi do bị bệnh tâm thần;

b) Mất khả năng làm chủ hành vi do sử dụng chất kích thích.

2. Không chấp nhận chuyên chở hành khách đang mất khả năng làm chủ hành vi do sử dụng chất kích thích.

3. Việc chấp nhận chuyên chở hành khách bị bệnh tâm thần do hãng hàng không đánh giá và quyết định. Khi chấp nhận chuyên chở phải thực hiện các yêu cầu sau đây:

a) Hành khách bị bệnh tâm thần phải có bác sĩ hoặc thân nhân đi kèm có khả năng kiềm chế được hành vi bất thường của hành khách. Trong trường hợp cần thiết, hành khách bị bệnh tâm thần cần phải được gây mê trước khi lên tàu bay, thời gian bay không được lâu hơn thời gian hiệu nghiệm của thuốc;

b) Hành khách bị bệnh tâm thần và hành lý, vật dụng của họ phải được kiểm tra trực quan, việc kiểm tra có thể được bố trí tại khu vực riêng;

c) Trong trường hợp cần thiết theo yêu cầu của hãng hàng không, nhân viên an ninh hàng không của cảng hàng không, sân bay phải hộ tống hành khách bị bệnh tâm thần ra tàu bay, từ tàu bay ra ngoài khu vực hạn chế của cảng hàng không;

d) Hãng hàng không phải thông báo cho người chỉ huy tàu bay vị trí ngồi của hành khách bị bệnh tâm thần. Người chỉ huy tàu bay thông báo cho người khai thác cảng hàng không, sân bay nơi tàu bay dự định hạ cánh về các yêu cầu trợ giúp nếu xét thấy cần thiết.

Điều 58. Hành khách gây rối

1. Hành khách gây rối là hành khách:

a) Không chấp hành các quy định, hướng dẫn của nhân viên hàng không có thẩm quyền tại cảng hàng không, sân bay hoặc trên tàu bay;

b) Gây rối trật tự kỷ luật tại cảng hàng không, sân bay hoặc trên tàu bay;

c) Tung tin, cung cấp thông tin sai đến mức gây uy hiếp an toàn, an ninh của cảng hàng không, sân bay, tàu bay đang bay hoặc trên mặt đất và hành khách.

2. Quy trình xử lý hành khách gây rối:

a) Trường hợp hành khách chưa lên tàu bay, nhân viên an ninh hàng không ngăn chặn không cho phép hành khách lên tàu bay, giữ người, thu giữ giấy tờ tùy thân của hành khách, lập biên bản vi phạm, thông báo cho Cảng vụ hàng không liên quan và hãng hàng không liên quan biết;

b) Trường hợp hành khách đã lên tàu bay, tổ bay phải áp dụng biện pháp xử lý thích hợp theo thẩm quyền; quyết định tạm dừng chuyến bay vì lý do bảo đảm an toàn, an ninh cho chuyến bay; thông báo cho đại diện có thẩm quyền của hãng hàng không; đại diện có thẩm quyền của hãng hàng không thông báo vụ việc cho lực lượng an ninh hàng không tại cảng hàng không xuất phát (trường hợp tàu bay đang dưới mặt đất), cảng hàng không nơi tàu bay hạ cánh (trường hợp tàu bay đang bay) biết để trợ giúp và thông báo cho Cảng vụ hàng không liên quan; nếu nơi hạ cánh là cảng hàng không, sân bay của nước ngoài thì tổ bay lập biên bản vi phạm, bàn giao vụ việc cho nhà chức trách có thẩm quyền của nước sở tại để xử lý theo các quy định của pháp luật nước đó;

c) Nhân viên an ninh hàng không của cảng hàng không, sân bay lên ngay tàu bay hoặc ngay sau khi tàu bay hạ cánh, phối hợp với tổ bay để áp giải, áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết để áp giải ngay hành khách xuống khỏi tàu bay, thu giữ giấy tờ tùy thân của hành khách, đồ vật vi phạm; tổ bay phải lập biên bản vi phạm hành chính, chuyển giao cho Cảng vụ hàng không liên quan xử lý theo thẩm quyền; đại diện hãng hàng không phải có mặt chứng kiến và phối hợp trong quá trình xử lý vụ việc;

d) Đại diện Cảng vụ hàng không liên quan nhận được thông báo phải đến ngay nơi xử lý vụ việc để trực tiếp đánh giá và quyết định việc xử lý theo thẩm quyền; giám sát toàn bộ quá trình xử lý vụ việc, kể cả trên tàu bay: chủ trì phối hợp với người khai thác cảng hàng không, sân bay, hãng hàng không đánh giá vụ việc, quyết định áp dụng các biện pháp tái kiểm tra an ninh, kiểm tra, lục soát an ninh tàu bay hoặc các biện pháp an ninh cần thiết khác; yêu cầu tổ bay lập báo cáo vụ việc làm cơ sở xem xét xử lý vụ việc vi phạm trên tàu bay; đình chỉ hoặc cho phép tiếp tục thực hiện chuyến bay; lập biên bản vi phạm hành chính hoặc chuyển vụ việc lên Cục hàng không Việt Nam lập biên bản vi phạm hành chính và xử lý theo thẩm quyền;

đ) Nhân viên an ninh, tổ bay, Cảng vụ hàng không, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu người có hành vi vi phạm có mặt trong quá trình xử lý vụ việc; trường hợp cần thiết, Cục Hàng không Việt Nam quyết định thực hiện các biện pháp ngăn chặn, thu giữ giấy tờ tùy thân của hành khách tại các cảng hàng không, sân bay;

e) Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật; trường hợp cần thiết Cục Hàng không Việt Nam cưỡng chế việc thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thực hiện các biện pháp ngăn chặn, thu giữ giấy tờ tùy thân của hành khách tại các cảng hàng không, sân bay.

Điều 59. Từ chối vận chuyển hành khách vì lý do an ninh; tăng cường kiểm tra, giám sát an ninh, kiểm tra trực quan đối với hành khách; cấm vận chuyển có thời hạn hoặc vĩnh viễn bằng đường hàng không

1. Hãng hàng không có quyền từ chối vận chuyển đối với chuyến bay cụ thể trong các trường hợp sau đây:

a) Hành khách gây rối;

b) Người mất khả năng làm chủ hành vi;

c) Người bị từ chối nhập cảnh, trừ trường hợp hành khách do hãng hàng không vận chuyển vào Việt Nam;

d) Người bị trục xuất không có người áp giải.

2. Hãng hàng không từ chối vận chuyển hành khách đối với chuyến bay cụ thể theo thông báo của nhà chức trách có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài.

3. Quy trình, thủ tục và thẩm quyền quyết định từ chối vận chuyển hành khách vì lý do an ninh phải được quy định cụ thể, rõ ràng trong Chương trình an ninh hàng không dân dụng của hãng hàng không. Việc từ chối vận chuyển hành khách phải được thông báo ngay cho Cảng vụ hàng không liên quan để giám sát theo thẩm quyền.

4. Hành khách có hành vi vi phạm về an ninh, an toàn hàng không bị xử phạt hành chính, hình sự sẽ bị áp dụng các biện pháp tăng cường kiểm tra, giám sát an ninh, kiểm tra trực quan bắt buộc; các hành vi vi phạm về an ninh, an toàn hàng không nhưng chưa đến mức xử phạt hành chính, hình sự do Cục Hàng không Việt Nam xem xét, quyết định việc lập danh sách áp dụng các biện pháp tăng cường kiểm tra, giám sát an ninh, kiểm tra trực quan bắt buộc.

5. Căn cứ kết quả đánh giá tính chất và mức độ vi phạm của hành khách uy hiếp an ninh, an toàn hàng không, cản trở giao thông đường không, Cục Hàng không Việt Nam lập danh sách hành khách bị cấm vận chuyển có thời hạn và cấm vận chuyển vĩnh viễn:

a) Từ 03 tháng đến 06 tháng đối với những trường hợp sau:

- Không chấp hành các quy định, hướng dẫn của nhân viên hàng không tại cảng hàng không, sân bay hoặc trên tàu bay từ hai lần trở lên;

- Gây rối trật tự và kỷ luật tại cảng hàng không, sân bay hoặc trên tàu bay từ hai lần trở lên;

- Xâm nhập trái pháp luật vào tàu bay, cảng hàng không, sân bay, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay và nơi có công trình, thiết bị hàng không dân dụng;

- Đưa vật phẩm nguy hiểm vào tàu bay, cảng hàng không, sân bay, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay và khu vực hạn chế khác trái pháp luật;

- Không thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

b) Từ 06 tháng đến 12 tháng đối với trường hợp sau:

Cung cấp các thông tin sai đến mức uy hiếp an ninh, an toàn của tàu bay đang bay hoặc trên mặt đất hoặc an toàn của hành khách, tổ hay nhân viên mặt đất hoặc người tại cảng hàng không, sân bay và công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng.

c) Cấm vận chuyển vĩnh viễn đối với các trường hợp sau:

- Chiếm đoạt bất hợp pháp tàu bay;

- Sử dụng tàu bay như một vũ khí;

- Tấn công vũ trang trên tàu bay, tại cảng hàng không sân bay, công trình thiết bị phục vụ hoạt động bay;

- Chiếm đoạt, gây bạo loạn tại cảng hàng không, sân bay và cơ sở cung cấp dịch vụ điều hành bay;

- Bắt giữ con tin tại cảng hàng không sân bay, cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu và trên tàu bay.

d) Các trường hợp bị cấm vận chuyển theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

6. Cục Hàng không Việt Nam quyết định trong trường hợp có đề nghị của nhà chức trách có thẩm quyền của nước ngoài về hành khách bị cấm vận chuyển bằng đường hàng không.

7. Danh sách hành khách bị cấm vận chuyển, tăng cường kiểm tra, giám sát an ninh, kiểm tra trực quan nêu tại các khoản 4, 5 và 6 của Điều này được áp dụng đối với các chuyến bay nội địa, chuyến bay quốc tế xuất phát từ Việt Nam của tất cả các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài. Cục Hàng không Việt Nam thường xuyên cập nhật và thông báo các danh sách này cho các Cảng vụ hàng không, hãng hàng không và người khai thác cảng hàng không, sân bay.

Điều 60. Tái kiểm tra an ninh hàng không

1. Hành khách, hành lý xách tay đã kiểm tra an ninh hàng không nhưng ra khỏi khu vực cách ly khi trở lại phải tái kiểm tra an ninh hàng không.

2. Trường hợp có sự tiếp xúc, trộn lẫn giữa hành khách, hành lý xách tay đã qua kiểm tra và người chưa qua kiểm tra an ninh trong khu vực cách ly, trên tàu bay, lực lượng an ninh hàng không của doanh nghiệp cảng hàng không phải áp dụng ngay các biện pháp sau:

a) Tất cả hành khách, hành lý xách tay phải được chuyển sang một khu vực khác, kiểm tra toàn bộ khu vực cách ly;

b) Tái kiểm tra an ninh toàn bộ hành khách, hành lý xách tay trước khi cho lên tàu bay;

c. Trường hợp hành khách đã lên tàu bay, toàn bộ hành khách, hành lý xách tay và khoang hành khách của tàu bay phải được tái kiểm tra an ninh.

3. Trường hợp niêm phong an ninh không còn nguyên vẹn hoặc hành lý ký gửi, hàng hóa, thư, bưu phẩm, bưu kiện, đồ vật phục vụ trên tàu bay, tủ đựng suất ăn bị rách, vỡ phải tái kiểm tra an ninh hàng không.

4. Việc tái kiểm tra an ninh hàng không phải được lập thành biên bản.

Điều 61. Biện pháp xử lý vật phẩm nguy hiểm trong quá trình kiểm tra an ninh hàng không hành khách, hành lý, hàng hóa, thư, bưu phẩm, bưu kiện

1. Khi phát hiện vật, chất nổ, chất cháy, chất phóng xạ, chất độc có nguy cơ gây nguy hiểm, nqười khai thác cảng hàng không, sân bay phải lập tức sơ tán người, tài sản xung quanh và triển khai phương án khẩn nguy. Trường hợp là vật nổ nén không biết rõ về cơ chế nổ thì để nguyên hành lý tại chỗ, nhanh chóng phong tỏa khu vục đó, sơ tán hành khách đến nơi an toàn và thông báo ngay cho lực lượng phá dỡ bom mìn của ngành công an, quân đội đến để tháo gỡ.

2. Khi phát hiện vật phẩm nguy hiểm không có giấy phép theo quy định của pháp luật, lực lượng an ninh hàng không của doanh nghiệp cảng hàng không phải lập biên bản sự việc và chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đồng thời thông báo cho hãng hàng không liên quan để có biện pháp giải quyết thích hợp.

3. Khi phát hiện vật phẩm nguy hiểm không tuân thủ các điều kiện bảo đảm vận chuyển an toàn bằng đường hàng không, lực lượng an ninh hàng không của doanh nghiệp cảng hàng không từ chối hoàn thành thủ tục kiểm tra an ninh và yêu cầu hãng hàng không, đại diện hợp pháp của người gửi hàng, hành khách tuân thủ các điều kiện vận chuyển.

4. Khi phát hiện vũ khí trong người hành khách phải nhanh chóng bằng biện pháp thích hợp khống chế ngăn chặn để xử lý; phát hiện vũ khí trong hành lý xách tay của hành khách phải cách ly ngay hành khách với hành lý, khống chế hành khách để xử lý.

Điều 62. Kiểm tra, giám sát an ninh hàng không khu vục cách ly

1. Khu vực cách ly phải được kiểm tra an ninh hàng không trước khi đưa vào khai thác hàng ngày và giám sát an ninh liên tục trong suốt thời gian khai thác.

2. Khi không hoạt động, tất cả các cửa vào, cửa ra của khu vực cách ly phải được khóa hoặc có nhân viên an ninh hàng không của cảng hàng không, sân bay canh gác, bảo vệ.

3. Các cửa hàng miễn thuế nằm trong khu vực cách ly các hãng hàng không bán hàng miễn thuế trên chuyến bay, khi bán các loại chất lỏng cho hành khách phải để vào túi nhựa trong suốt của mình; trước khi giao cho khách phải đóng gói và niêm phong túi nhựa; bên trong túi phải có chứng từ ghi rõ nơi bán, ngày bán để ở vị trí đọc được một cách dễ dàng mà không cần mở túi.

4. Cán bộ, nhân viên của cảng hàng không, sân bay, cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước, doanh nghiệp hoạt động tại cảng hàng không, sân bay và những người khác cùng đồ vật mang theo khi vào khu cách ly phải chịu sự kiểm tra, giám sát an ninh hàng không như đối với hành khách, hành lý xuất phát.

5. Trình tự, thủ tục kiểm tra, giám sát an ninh hàng không đối với khu vực cách ly phải được quy định cụ thể, chi tiết tại Chương trình an ninh hàng không dân dụng của người khai thác cảng hàng không, sân bay.

Thông tư 30/2012/TT-BGTVT hướng dẫn Chương trình an ninh hàng không dân dụng Việt Nam và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không dân dụng do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 30/2012/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 01/08/2012
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 583 đến số 584
  • Ngày hiệu lực: 15/09/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH