Hệ thống pháp luật

Mục 5 Chương 3 Thông tư 30/2012/TT-BGTVT hướng dẫn Chương trình an ninh hàng không dân dụng Việt Nam và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không dân dụng do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

MỤC 5. BẢO ĐẢM AN NINH CHO TÀU BAY HOẠT ĐỘNG VẬN CHUYỂN HÀNG KHÔNG THƯƠNG MẠI

Điều 63. Bảo vệ tàu bay tại sân đỗ

1. Khi tàu bay không khai thác phải thực hiện các yêu cầu sau:

a) Cầu thang, cầu ống dẫn khách, băng chuyền và các phương tiện phục vụ khác phải được di dời khỏi tàu bay;

b) Người khai thác tàu bay chịu trách nhiệm đóng, khóa cửa tàu bay; niêm phong cửa tàu bay;

c) Người khai thác cảng hàng không, sân bay phải có biện pháp giám sát thích hợp liên tục nhằm phát hiện và ngăn chặn người, phương tiện tiếp cận tàu bay trái phép.

2. Đối với tàu bay đang khai thác, người khai thác cảng hàng không, sân bay phải tổ chức canh gác, giám sát liên tục nhằm phát hiện, ngăn chặn người, phương tiện, đồ vật tiếp cận, đưa lên hoặc đưa xuống tàu bay một cách trái phép, sự nguyên vẹn của niêm phong cửa tàu bay.

Điều 64. Kiểm tra an ninh, lục soát an ninh tàu bay

1. Trước khi tiếp nhận hành khách, hành lý, hàng hóa, thư, bưu phẩm, bưu kiện lên tàu bay và sau khi hành khách, hành lý, hàng hóa, thư, bưu phẩm, bưu kiện xuống hết khỏi tàu bay, người khai thác tàu bay phải kiểm tra an ninh tàu bay nhằm phát hiện các vật phẩm nguy hiểm có thể được cất giấu hoặc người trốn trên tàu bay. Người khai thác tàu bay phải quy định chi tiết quy trình, thủ tục kiểm tra an ninh tàu bay trong Chương trình an ninh hàng không dân dụng của hãng hàng không.

2. Việc lục soát an ninh tàu bay được thực hiện theo quy định về các biện pháp bảo đảm an ninh tăng cường, phương án khẩn nguy đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng tại cảng hàng không, sân bay.

3. Việc kiểm tra an ninh, lục soát tàu bay phải được tiến hành theo danh mục. Mỗi tàu bay phải có bảng danh mục kiểm tra an ninh, lục soát an ninh tàu bay và để tại buồng lái tàu bay.

Điều 65. Bảo vệ buồng lái

1. Trong thời gian tàu bay đang bay, cửa buồng lái phải được khóa từ bên trong và có phương thức trao đổi thông tin bí mật giữa tiếp viên với tổ lái khi phát hiện nghi ngờ hoặc có dấu hiệu uy hiếp an ninh hàng không trong khoang hành khách.

2. Tàu bay có trọng lượng cất cánh tối đa từ 45.500 kg trở lên hoặc có sức chở từ 60 hành khách trở lên phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Cửa buồng lái tàu bay có khả năng chống lại vũ khí hạng nhẹ, mảnh lựu đạn hoặc việc sử dụng vũ lực để vào buồng lái trái phép;

b) Có trang bị, thiết bị để tổ lái giám sát toàn bộ khu vực bên ngoài cửa buồng lái tàu bay nhằm nhận biết những người có yêu cầu vào buồng lái, phát hiện những hành vi nghi ngờ hoặc nguy cơ đe dọa tiềm ẩn.

Điều 66. Bảo đảm an ninh hàng không trên chuyến bay

1. Khi hành khách lên tàu bay, người khai thác tàu bay chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra thẻ lên tàu bay của hành khách để đảm bảo hành khách đi đúng chuyến bay; kiểm tra đối chiếu giấy tờ đi tàu bay của hành khách với thẻ lên tàu bay trước khi cho hành khách lên tàu bay.

2. Trước khi cho tàu bay khởi hành, người chỉ huy tàu bay phải chịu trách nhiệm đối chiếu tổng số hành khách đã được cấp thẻ lên tàu bay với tổng số hành khách thực có trên tàu bay; nếu không có sự trùng khớp phải làm rõ lý do mới được phép khởi hành.

3. Trong thời gian tàu bay đang bay, người chỉ huy tàu bay chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh hàng không, duy trì trật tự, kỷ luật trên tàu bay; được áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp, vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn hàng không, hành vi gây rối, vi phạm trật tự kỷ luật, an toàn xã hội, không tuân thủ yêu cầu, sự điều hành của tổ bay theo quy định pháp luật; bàn giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi tàu bay hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay gần nhất đối với những người thực hiện các hành vi đó.

4. Thành viên tổ bay phải tuân thủ mệnh lệnh, sự chỉ huy, điều hành của người chỉ huy tàu bay; thường xuyên quan sát khoang hành khách để kịp thời phát hiện hành vi bất thường của hành khách, thông báo cho người chỉ huy tàu bay biết để xử lý; phối hợp với nhân viên an ninh trên không giải quyết và xử lý các trường hợp tàu bay đang bay bị can thiệp bất hợp pháp.

5. Trên mỗi chuyến bay việc bố trí nhân viên an ninh trên không do hãng hàng không, quyết định căn cứ vào việc đánh giá nguy cơ đe dọa đối với chuyến bay hoặc khi Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu. Nhân viên an ninh trên không có trách nhiệm tuân thủ mệnh lệnh, sự chỉ huy, điều hành của người chỉ huy tàu bay; chủ động thực hiện các hiện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp.

6. Hãng hàng không Việt Nam có trách nhiệm xây dựng Quy chế bố trí nhân viên an ninh trên không trình Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt.

Điều 67. Vận chuyển hành khách là bị can, phạm nhân, người bị trục xuất, dẫn độ, người bị bắt theo quyết định truy nã

1. Hành khách là người bị trục xuất không tự nguyện lên tàu bay, bị can, bị cáo, phạm nhân, người bị dẫn độ, người bị bắt theo quyết định truy nã được vận chuyển trên tàu bay phải có người áp giải. Trên một chuyến bay chỉ được vận chuyển không quá 05 người thuộc đối tượng này. Chuyến bay chuyên cơ thuê khoang không vận chuyển hành khách là bị can, bị cáo, phạm nhân, người bị trục xuất, dẫn độ, người bị bắt theo quyết định truy nã.

2. Đối với chuyến bay từ nước ngoài về Việt Nam, trong trường hợp quy định của pháp luật của nước sở tại khác với quy định tại khoản 1 của Điều này, Cục Hàng không Việt Nam đánh giá và quyết định giới hạn chuyên chở.

3. Chỗ ngồi của người bị áp giải được chỉ định ở các hàng ghế cuối cùng, xa cửa thoát hiểm. Nhân viên áp giải ngồi ghế cạnh lối đi, người bị áp giải ngồi ghế trong, trường hợp số nhân viên áp giải gấp hai lần số người bị áp giải, người bị áp giải ngồi ghế giữa hai nhân viên áp giải.

4. Người bị áp giải phải được người áp giải giám sát trong suốt chuyến bay kể cả khi vào phòng vệ sinh, người bị áp giải có thể được mời ăn với sự đồng ý của người áp giải, người áp giải và người bị áp giải không được sử dụng các loại chất kích thích hoặc dung dịch có cồn.

5. Không được khóa tay hoặc chân người bị áp giải vào bất cứ bộ phận nào của tàu bay.

6. Việc vận chuyển hành khách bị trục xuất nhưng không phải là người bị trục xuất không tự nguyện lên tàu bay, bị can, phạm nhân, người bị dẫn độ với số lượng nhiều hơn quy định tại khoản 1 của Điều này chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ xác định rằng tất cả hành khách đều tự nguyện trở về và có khả năng bảo đảm an ninh. Hãng hàng không chịu trách nhiệm đánh giá về quyết định. Kết quả đánh giá và quyết định vận chuyển phải được lập thành văn bản và lưu giữ trong tài liệu an ninh của hãng hàng không với thời gian tối thiểu là 01 năm.

Điều 68. Vận chuyển các vật phẩm nguy hiểm trên tàu bay

1. Danh mục các vật phẩm nguy hiểm mà hành khách, tổ bay không được mang theo người, hành lý xách tay, hành lý ký gửi lên tàu bay theo quy định tại Phụ lục XV ban hành kèm theo Thông tư này. Cục Hàng không Việt Nam thông báo danh mục các vật phẩm nguy hiểm bổ sung trên cơ sở danh mục vật phẩm nguy hiểm do ICAO quy định.

2. Vật phẩm nguy hiểm để trong hàng hóa, hành lý, thư, bưu phẩm, bưu kiện phải được đại diện của hãng hàng không chấp nhận vận chuyển trên tàu bay theo đúng quy định về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm.

3. Tại quầy làm thủ tục hàng không, điểm kiểm tra an ninh hàng không đối với hành khách, nơi bán vé, khu vực băng chuyền hành lý đến phải niêm yết danh mục các vật phẩm nguy hiểm không được mang theo người, hành lý xách tay, hành lý ký gửi; thông báo bằng hình thức thích hợp tại nhà ga danh mục các vật phẩm nguy hiểm không được mang lên tàu bay quy định tại khoản 1 của Điều này.

Điều 69. Mang chất lỏng theo người và hành lý xách tay lên tàu bay

1. Mỗi hành khách chỉ được mang không quá một lít chất lỏng theo người và hành lý xách tay, trừ chất lỏng (các loại nước), các chất đặc sánh, dung dịch xịt là thuốc chữa bệnh, sữa, thức ăn cho trẻ em, mua tại cửa hàng miễn thuế nằm trong khu cách ly của sân bay và trên tàu bay.

2. Dung tích của mỗi chai, lọ, bình chứa chất lỏng mang theo người và hành lý xách tay không quá 100ml và phải được đóng kín hoàn toàn. Các chai, lọ, bình chất lỏng phải để gọn trong một túi nhựa trong suốt quy định tại Phụ lục XXVI; mỗi hành khách chỉ được phép mang một túi nhựa.

3. Thuốc chữa bệnh phải kèm theo đơn thuốc trong đó phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người kê đơn thuốc, trong đơn phải có họ và tên người sử dụng thuốc phù hợp với họ và tên trên vé hành khách. Sữa, thức ăn dành cho trẻ em, trẻ sơ sinh phải có trẻ em, trẻ sơ sinh đi cùng.

4. Chất lỏng hành khách mua tại cửa hàng miễn thuế trong khu cách ly, trên chuyến bay được phép mang theo người và hành lý xách tay với điều kiện phải đựng trong túi nhựa trong suốt quy định tại Phụ lục XXVI của người bán có niêm phong của nơi bán; bên trong có chứng từ để ở vị trí đọc được một cách dễ dàng mà không cần mở túi có ghi các nội dung:

a) Ngày bán hàng (ngày/tháng/năm);

b) Nơi bán (quốc gia, sân bay, hãng hàng không) dùng mã quốc tế;

c) Số chuyến bay, tên hành khách;

d) Số lượng và danh sách hàng trong túi.

Điều 70. Mang vũ khí, công cụ hỗ trợ, thiết bị kỹ thuật bảo vệ và vật phẩm nguy hiểm theo người lên tàu bay

1. Những người sau đây được phép mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị kỹ thuật bảo vệ theo người lên tàu bay trên các chuyến bay:

a) Cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ của Việt Nam khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, khách quốc tế trên các chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam; trường hợp đi trên chuyến bay của hãng hàng không nước ngoài, phải được sự đồng ý của hãng hàng không;

b) Nhân viên an ninh trên không thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trên chuyến bay của hãng hàng không Việt Nam;

c) Nhân viên an ninh trên không thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trên chuyến bay của hãng hàng không nước ngoài;

d) Nhân viên cảnh vệ của nước ngoài khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quan chức cao cấp nước ngoài trên các chuyến hay của hãng hàng không Việt Nam, có văn bản đề nghị của Bộ Ngoại giao Việt Nam hoặc cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài.

2. Cán bộ áp giải bị can, bị cáo, phạm nhân, người bị trục xuất, dẫn độ, người bị bắt theo quyết định truy nã, người bị từ chối nhập cảnh được phép mang theo còng số 8 lên tàu bay khi thực hiện nhiệm vụ áp giải.

3. Người được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định pháp luật nhưng không thuộc đối lượng quy định tại khoản 1, khoản 2 của Điều này khi làm thủ tục đi tàu bay phải thông báo cho nhân viên làm thủ tục để ký gửi vũ khí, công cụ hỗ trợ cho hãng hàng không. Người khai thác tàu bay phải cất giữ vũ khí, công cụ hỗ trợ ở vị trí hành khách không thể tiếp cận được trong suốt chuyến bay.

4. Người được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ phải xuất trình giấy phép sử dụng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp khi làm thủ tục hàng không; việc mang vũ khí trên các chuyến bay quốc tế phải được phép của các quốc gia có liên quan.

5. Vũ khí, công cụ hỗ trợ của đối tượng quy định tại khoản 1, khoản 2 của Điều này phải để ở trạng thái an toàn, đạn phải tháo rời khỏi súng và khi sử dụng phải tuân thủ theo pháp luật của quốc gia liên quan. Việc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ trên chuyến bay của nhân viên an ninh trên không của hãng hàng không, Việt Nam phải được quy định cụ thể trong Chương trình an ninh hàng không của hãng hàng không.

6. Việc mang vũ khí, công cụ hỗ trợ theo người trên các chuyến bay quy định tại các điểm c, điểm d khoản 1 của Điều này phải được phép của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quản lý vũ khí.

7. Đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 của Điều này thực hiện theo thỏa thuận giữa Bộ Tư lệnh Cảnh vệ và Cục Hàng không Việt Nam. Đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 của Điều này, hãng hàng không Việt Nam có trách nhiệm xây dựng Quy chế bố trí nhân viên an ninh trên không trong Chương trình an ninh hàng không dân dụng của hãng hàng không.

8. Việc mang vũ khí, công cụ hỗ trợ của nhân viên an ninh trên không trên chuyến bay của hãng hàng không nước ngoài đi, đến Việt Nam thực hiện theo thỏa thuận giữa Cục Hàng không Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền về an ninh hàng không của nước ngoài. Vũ khí, công cụ hỗ trợ được quản lý như sau:

a) Trường hợp người mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ không nhập cảnh thì vũ khí, công cụ hỗ trợ phải để trên tàu bay;

b) Trường hợp nhập cảnh, người mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ phải ký gửi vũ khí, công cụ hỗ trợ cho an ninh hàng không của người khai thác cảng hàng không, sân bay trước khi làm thủ tục nhập cảnh và nhận lại sau khi đã làm thủ tục xuất cảnh;

c) Quy trình, thủ tục tiếp nhận, quản lý, bàn giao vũ khí, công cụ hỗ trợ quy định tại điểm b của khoản này phải được quy định chi tiết trong Chương trình an ninh hàng không dân dụng của người khai thác cảng hàng không, sân bay.

9. Người chỉ huy tàu bay phải được thông báo về tên, chỗ ngồi, lý do hành khách được phép mang vũ khí, công cụ hỗ trợ theo người trên chuyến bay; những hành khách mang vũ khí, công cụ hỗ trợ theo người trên cùng chuyến bay phải được thông báo vị trí ngồi của nhau. Tiếp viên hàng không không cung cấp các loại đồ uống có chất kích thích hoặc dung dịch có cồn cho những người mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ trên tàu bay.

10. Việc mang theo trang thiết bị y tế và vật phẩm nguy hiểm theo người lên tàu bay phải được sự đồng ý của hãng hàng không và được Cục Hàng không Việt Nam cho phép; văn bản đề nghị phải gửi Cục Hàng không Việt Nam trước thời gian chuyến bay tối thiểu là 03 ngày làm việc.

Điều 71. Thủ tục, trình tự tiếp nhận, quản lý, vận chuyển, bàn giao vũ khí, công cụ hỗ trợ

1. Người mang vũ khí, công cụ hỗ trợ khi làm thủ tục đi tàu …. thủ tục phải:

a) Xuất trình vũ khí, công cụ hỗ trợ và các loại giấy phép liên quan, cho nhân viên hàng không kiểm tra khi làm thủ tục đi tàu bay;

b) Trường hợp mang súng phải hoàn thành tờ khai theo mẫu quy định tại Phụ lục XVII ban hành kèm theo Thông tư này đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 70 của Thông tư này; tờ khai theo mẫu quy định tại Phụ lục XVI ban hành kèm theo Thông tư này đối với trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 70 của Thông tư này và ký xác nhận.

2. Nhân viên làm thủ tục của hãng hàng không thông báo cho an ninh hàng không để kiểm tra các loại giấy phép liên quan đến vũ khí, công cụ hỗ trợ. Trường hợp là súng, nhân viên an ninh hoàn thành và ký vào tờ khai.

3. Đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 70 của Thông tư này:

a) Người có vũ khí phải tháo rời hộp tiếp đạn khỏi súng; tháo rời hoặc ngắt nguồn điện của công cụ hỗ trợ; bảo đảm chắc chắn vũ khí, công cụ hỗ trợ trong trạng thái an toàn;

b) Đạn phải được đóng gói và chất xếp theo đúng quy định về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm. Người được chỉ định của hãng vận chuyển ký xác nhận vào tờ khai theo mẫu quy định tại Phụ lục XVII ban hành kèm theo Thông tư này:

c) Vận chuyển súng, đạn từ điểm làm thủ tục lên tàu bay phải có nhân viên an ninh hàng không giám sát, hộ tống;

d) Súng, đạn phải để ở nơi hành khách không thể tiếp cận được trong suốt chuyến bay.

4. Người chỉ huy tàu bay phải được thông báo về số lượng súng, đạn được tiếp nhận vận chuyển trên chuyến bay.

5. Hãng hàng không Việt Nam phải có hộp an ninh thích hợp đặt trên tàu bay để giữ và bảo quản súng, đạn khi hành khách gửi riêng. Hộp an ninh phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Làm bằng vật liệu thép, kín, bền vững;

b) Có khóa chắc chắn;

c) Đặt ở vị trí bảo đảm hành khách, người không có trách nhiệm không thể tiếp cận được trong suốt chuyến bay.

6. Quy trình, thủ tục tiếp nhận, quản lý, vận chuyển, bàn giao vũ khí, công cụ hỗ trợ phải được quy định chi tiết trong Chương trình an ninh hàng không dân dụng của hãng hàng không.

Thông tư 30/2012/TT-BGTVT hướng dẫn Chương trình an ninh hàng không dân dụng Việt Nam và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không dân dụng do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 30/2012/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 01/08/2012
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: 06/09/2012
  • Số công báo: Từ số 583 đến số 584
  • Ngày hiệu lực: 15/09/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH