Hệ thống pháp luật

Điều 31 Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 04:2009/BCT về an toàn trong khai thác mỏ lộ thiên do Bộ Công thương ban hành

Điều 31. Vận hành tầu hút

1. Việc đưa tầu vào vị trí khi thác phải được thực hiện theo thiết kế đã được phê duyệt và phải đảm bảo an toàn cho người, tầu và máy khi vào vị trí khai thác.

2. Liên kết giữa cáp với neo phải bằng các khoá cáp hoặc bằng khuyết có chốt giữ và phải tuân theo quy định hiện hành (Quy phạm kỹ thuật an toàn thiết bị nâng TCVN 4244 : 1995).

3. Chiều dài của cáp neo phải đảm bảo khi cuộn hết vào tang cuốn thì gờ của tang còn cao hơn lớp cáp xếp ngoài cùng tối thiểu bằng đường kính của cáp neo, còn tang bên xả vẫn còn 3 đến 5 vòng cáp.

4. Neo và hố neo phải đảm bảo được lực kéo tối đa của tời. Neo đặt dưới nước phải có phao tiêu.

a) Không cho phép đào hố neo ở gần hồ, bể lắng hoặc thân đê. Các hố neo ống xả ở chân đê hoặc gần đê phải được lấp đầy và đầm chặt đúng quy định trước khi di chuyển đi vị trí khác.

b) Không được lợi dụng cây cối, nhà cửa, các công trình để cuộn cáp neo. Trường hợp cần sử dụng thì phải kiểm tra về độ chắc chắn để giữ được cáp neo và phải được cơ quan quản lý công trình chấp thuận, đồng thời có biển báo cấm người đến gần để đảm bảo an toàn.

5. Thả neo bằng xuồng hay tầu kéo thì cáp thả phải xếp thành vòng tròn theo thứ tự lần lượt từ dưới lên. Cấm người đứng trong vòng cáp khi thả cáp.

6. Các phao đặt ống dẫn vữa quặng phải được:

a) Nối với nhau bằng các chốt chắc chắn, có thể tăng cường thêm dây xích để giữ ống dẫn đặt trên phao;

b) Cố định với phao bằng các đai sắt hoặc dây cáp, dây thép chắc chắn.

7. Đường ống dẫn đặt qua đường giao thông, qua khu dân cư phải đảm bảo:

a) Không rò rỉ;

b) Không làm trở ngại cho giao thông;

c) Có biện pháp an toàn cho đường ống khi các phương tiện giao thông qua lại trên ống.

8. Trước khi tiến hành khai thác phải kiểm tra kỹ thuật an toàn của đầu máy, đường phao ống dẫn, bãi thải bùn và các vấn đề khác có liên quan. Chỉ được thi công khi các điều kiện trên đảm bảo yêu cầu theo quy định.

9. Không được vận hành tầu hút khi động cơ không có đồng hồ đo áp lực, nhiệt độ dầu và nước. Phải dừng máy, khi các chỉ số đo trên các đồng hồ đo của máy không đúng với mức quy định hoặc khi máy bị rung hoặc có tiếng kêu khác thường.

10. Không được vận hành tầu hút khi các thiết bị điện không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và không đảm bảo an toàn, như:

a) Điện áp của máy xoay chiều không ổn định hoặc chưa đạt mức quy định;

b) Thiếu thiết bị bảo vệ an toàn;

c) Không có sơ đồ nguyên lý vận hành;

d) Trong hệ thống thiết bị điều khiển, thiết bị bảo vệ dây dẫn bị hư hỏng, không đảm bảo an toàn.

11. Phải đảm bảo không để điện dò ra ngoài vỏ tầu, hàng phao, đường ống dẫn. Các mối nối, cầu chì, cầu dao, dây điện trần (nếu có) phải được để trong hộp cách điện hoặc phải che chắn chắc chắn.

12. Khi vận hành tời:

a) Phải điều khiển để cáp luôn luôn căng đều.

b) Cáp phải chuyển động qua puli, con lăn.

c) Cáp cuốn vào tang phải theo thứ tự, không để cuộn chồng chéo hoặc bị kẹt.

d) Không để cáp cọ sát vào nhau hoặc cọ sát vào các vật khác.

đ) Nếu dây cáp bị kẹt, tuột khỏi puli hoặc con lăn và bị các sự cố thất thường khác phải cho tời ngừng hoạt động để xử lý và sửa chữa ngay.

e) Cáp phải được bảo quản bằng mỡ chống han rỉ và phải được kiểm tra, loại bỏ cáp theo tiêu chuẩn hiện hành (TCVN 4244-2005 ).

13. Tời phải có phanh hãm. Mỗi ca tối thiểu phải kiểm tra một lần khả năng làm việc của phanh. Phải đảm bảo để phanh luôn luôn hoạt động an toàn.

14. Các thông tin, báo hiệu từ buồng điều khiển (chiều đi và ngược lại) đến các bộ phận liên quan phải được quy định cụ thể và thống nhất. Không được phép vận hành các thiết bị khi chưa nhận được tín hiệu cho phép và không được thông tin, báo hiệu bằng miệng (hú, gọi...).

15. Trước khi làm việc phải kiểm tra sự hoạt động của công tắc hạn chế hành trình tời nâng cọc (đối với tời dịch chuyển bằng cọc) khi tầu đang làm việc không được nâng hai cọc lên.

16. Trước mùa mưa bão phải lập kế hoạch cụ thể và chuẩn bị đầy đủ phương tiện phòng chống mưa bão, lũ lụt nhằm đảm bảo an toàn cho người và tầu máy khi tầu đang thi công và khi tạm ngừng. Chỉ được thi công khi có:

a) Gió nhỏ hơn hoặc bằng cấp IV (theo phân cấp gió, bão);

b) Sóng nhỏ hơn hoặc bằng cấp IV (theo phân cấp gió, bão);

c) Tốc độ dòng chảy nhỏ hơn hoặc bằng 7m/s đối với tầu dịch chuyển bằng cáp và 0,5m/s đối với tầu dịch chuyển bằng cọc.

17. Khi khai thác ở vùng thuỷ triều, phải nắm được triều lên và xuống để bố trí thi công phù hợp và xác định vị trí đổ tầu an toàn.

18. Khi thi công ban đêm phải đủ ánh sáng làm việc; theo quy định:

a) ở đầu tầu phải dùng đèn pha điện áp 220 V;

b) ở buồng điều khiển, buồng máy, phao cuối dùng đèn có điện áp 24 ¸ 36V;

c) ở hàng phao dùng đèn điện áp 36 V.

19. Khi dàn phay đang hoạt động không cho phép thuyền, xuồng vào trong phạm vi hoạt động của dàn phay; Xung quanh khu vực dàn phay phải có biển báo: “Cấm vào! Nguy hiểm”.

20. Trường hợp cần thiết phải lặn, nếu không có trang bị đồ lặn chuyên dùng phải tuân theo các quy định sau:

a) Chỉ được lặn khi có phương án an toàn cụ thể và được đội trưởng (hoặc tầu trưởng) cho phép, nhất thiết phải ghi nhật lệnh vào nhật ký tầu;

b) Phải có quy định tín hiệu liên lạc cụ thể, rõ ràng giữa người lặn và người ở trên. Phải có thường trực và chuẩn bị phương tiện cấp cứu người lặn khi cần thiết;

c) Vị trí lặn phải có mặt thoáng ít là 20m2 ;

d) Phải có cọc tiêu (tre hoặc gỗ) đường kính 50 ¸ 70mm tại chỗ lặn; đầu cọc tiêu phải cao hơn mặt nước ít nhất là 0,5m;

đ) Phải có dây an toàn chắc chắn, mềm, có chiều dài thích hợp với phạm vi lặn. Dây phải chịu được lực căng lớn hơn hoặc bằng 1 000 N trong thời gian 5 min; không đựơc dùng dây điện, dây kim loại;

e) Nút buộc dây an toàn phải cố định, chắc chắn và không được gây trở ngại cho người lặn;

g) Không được lặn sâu quá 6m; chỉ được lặn khi tốc độ dòng chảy nhỏ hơn hoặc bằng 0,5 m/s;

h) Những người đang mắc bệnh nội khoa, tai, mũi, họng hoặc không đủ sức khoẻ... thì không được phép lặn.

21. Trường hợp phải ngừng tầu tại khai trường trên một tháng, phải tìm vị trí an toàn thích hợp để neo tầu và thực hiện chế độ bảo dưỡng, bảo quản đầu máy theo quy định.

Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 04:2009/BCT về an toàn trong khai thác mỏ lộ thiên do Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: QCVN04:2009/BCT
  • Loại văn bản: Quy chuẩn
  • Ngày ban hành: 07/07/2009
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: ***
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/07/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH