Hệ thống pháp luật

Điều 50 Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN QTĐ 8:2010/BCT về kỹ thuật điện do Bộ Công thương ban hành

Điều 50. Thiết bị phát điện hạ áp (MFĐ)

1. Phạm vi áp dụng

Áp dụng cho các hệ thống điện hạ áp đi kèm theo các tổ máy phát điện  nhằm cung cấp liên tục hoặc gián đoạn cho tất cả hay một phần hệ thống trang thiết bị hoặc cung cấp cho các thiết bị lưu động không đấu nối thường xuyên vào một hệ thống trang thiết bị cố định. Thiết bị phát điện hạ áp có thể bao gồm các thành phần như : Động cơ máy nổ, Tua bin, Động cơ điện, Pin mặt trời, Ac quy, các nguồn khác...

Áp dụng cho các máy phát đồng bộ có kích thích chính hoặc kích thích độc lập, máy phát không đồng bộ có kích thích hoặc tự kích thích, máy đổi điện.

Áp dụng cho các dạng cung cấp sau:

a) Cung cấp điện cho một hệ thống trang thiết bị không đấu nối với lưới điện phân phối công cộng;

b) Cung cấp cho một hệ thống trang thiết bị, thay thế lưới phân phối công cộng;

c) Cung cấp cho một hệ thống trang thiết bị đấu song song với một lưới phân phối công cộng;

d) Kết hợp các dạng trên.

2. Các yêu cầu chung

a) Các biện pháp kích thích và đổi nối phải phù hợp với mục đích sử dụng thiết bị phát; độ an toàn và từng chức năng riêng của các loại nguồn khác nhau không bị ảnh hưởng bởi thiết bị phát này;

b) Dòng ngắn mạch và dòng chạm đất dự kiến phải được xét đến cho từng loại nguồn cung cấp hoặc với từng tổ hợp các loại nguồn có thể hoạt động độc lập hoặc kết hợp với các nguồn khác. Thiết bị bảo vệ bằng dòng ngắn mạch định mức ở bên trong  hệ thống trang thiết bị, nối vào mạng lưới công cộng, phải chịu đựng được trong mọi phương thức vận hành của các nguồn;

c) Khi thiết bị phát chỉ cung cấp cho một hệ thống trang thiết bị không nối vào lưới phân phối công cộng, thì khả năng và đặc tính vận hành của thiết bị phát này không được gây nguy hiểm hoặc làm hư hại cho thiết bị sau khi đấu nối hoặc cắt ra do sự sai lệch về điện áp và tần số khỏi mức quy định. Phải có các biện pháp để tự động cắt một phần hệ thống trang thiết bị khi cần thiết nếu công suất của tổ máy phát bị quá tải.

Ghi chú  :

- Phải tính đến hệ số khởi động của phụ tải lớn.

- Phải chú ý đến hệ số công suất quy định cho các thiết bị bảo vệ.

- Lắp đặt thiết bị phát bên trong toà nhà đã có sẵn có thể làm thay đổi điều kiện môi trường, thí dụ như đưa vào các phần động, các phần có nhiệt độ cao hoặc có khí độc.

3. Bảo vệ chống tiếp xúc trực tiếp với nguồn hoặc tổ hợp nguồn phát điện 

Yêu cầu phải có biện pháp chống tiếp xúc trực tiếp hoặc ngắt mạch điện ra khỏi nguồn cung cấp khi người tiếp xúc trực tiếp với dây dẫn mang điện hoặc thiết bị đang mang điện.

4. Bảo vệ chống tiếp xúc gián tiếp với nguồn cung cấp hoặc tổ hợp nguồn cung cấp 

Phải có bảo vệ chống tiếp xúc gián tiếp trong hệ thống trang thiết bị đối với nguồn cung cấp hoặc tổ hợp các nguồn cung cấp có thể làm việc độc lập đối với các nguồn khác.

4.1 Bảo vệ bằng cách tự động cắt khỏi nguồn cung cấp.

Cần tự động cắt nguồn cung cấp khi có nguy cơ điện áp tiếp xúc tác hại đến cơ thể con người.

Biện pháp bảo vệ này cần có sự phối hợp giữa các kiểu sơ đồ hệ thống nối đất và các đặc tính của dây dẫn bảo vệ và thiết bị bảo vệ.

a) Cắt nguồn cung cấp

Thiết bị bảo vệ phải tự động cắt nguồn cung cấp sao cho khi có sự cố về cách điện giữa một bộ phận có điện với vỏ thiết bị hoặc với một dây dẫn bảo vệ, điện áp tiếp xúc có trị số vượt quá 50V không được tồn tại trong một thời gian đủ để gây ra hậu quả có hại cho người. Trong một số trường hợp tuỳ theo loại sơ đồ nối đất thời gian cắt nguồn cho phép có thể tối đa là 5 giây.

Ghi chú : Thuật ngữ “vỏ thiết bị” dùng ở đây được hiểu là vỏ hoặc giá đỡ thiết bị có tính dẫn điện.

b) Nối đất

Các vỏ thiết bị phải được đấu nối vào dây dẫn bảo vệ theo các điều kiện quy định với loại sơ đồ nối đất có dây bảo vệ.

Các vỏ thiết bị có thể tiếp cận đồng thời phải cùng được đấu nối vào một trang bị nối đất riêng rẽ, nhóm hoặc tổng thể.

Máy phát điện hạ áp phải có hệ thống nối đất làm việc riêng, không được đấu nối vào hệ thống nối đất của nguồn công cộng.

4.2 Yêu cầu bổ sung cho hệ thống trang thiết bị kèm theo với các bộ chỉnh lưu tĩnh.

a) Khi việc bảo vệ chống tiếp xúc gián tiếp cho các bộ phận của hệ thống trang thiết bị được cung cấp từ một bộ chỉnh lưu tĩnh dựa trên việc đóng cắt tự động và thao tác của thiết bị bảo vệ về phía phụ tải không nằm trong phạm vi thời gian đòi hỏi bởi bảo vệ bằng cách ngắt nguồn tự động, thì phải có vành đẳng thế giữa các phần hở có tính dẫn điện có thể bị xâm nhập đồng thời và các phần hở có tính dẫn điện từ ngoài tới ở phía sau của bộ chỉnh lưu tĩnh phù hợp với vòng đẳng thế phụ.

Điện trở của các dây dẫn vành đẳng thế phụ giữa các phần có tính dẫn điện có thể tiếp xúc đồng thời phải thoả mãn các điều kiện sau đây:

R

trong đó

a: là dòng điện chạm đất cực đại có thể do bộ chỉnh lưu cung cấp đơn độc trong thời gian tối đa tới 5 giây.

b) Phải có các biện pháp hay phải lựa chọn thiết bị sao cho thiết bị bảo vệ làm việc đúng, hư hại do bộ đảo điện hoặc thiết bị lọc gây ra.

5. Bảo vệ chống quá dòng đối với MFĐ

5.1. Đối với các hệ thống trang thiết bị mà máy phát được cung cấp thay thế cho lưới phân phối, Cần có các thiết bị cách ly sao cho máy phát không thể làm việc song song với nguồn công cộng (kể cả dây trung tính). 

5.2. Đối với các hệ thống trang thiết bị mà các máy phát có thể làm việc song song với nguồn công cộng :

a) Khi lựa chọn và sử dụng máy phát chạy song song với lưới phân phối công cộng, cần chú ý để tránh các tác dụng ngược đến mạng lưới cung cấp và các hệ thống trang thiết bị khác về mặt hệ số công suất, biến đổi điện áp, sóng điều hoà, mất cân bằng, khởi động, đồng bộ và các trào lưu điện áp;

b) Phải có bảo vệ để cắt máy phát ra khỏi khỏi nguồn công cộng trong trường hợp mất nguồn này hoặc khi sai lệch điện áp hay tần số ở đầu cung cấp lớn hơn các giá trị định mức;

Loại bảo vệ, độ nhậy và thời gian tác động phụ thuộc vào bảo vệ của nguồn và phải được thoả thuận với cơ quan quản lý vận hành nguồn công cộng.

c) Phải có các biện pháp để ngăn chặn đấu nối máy phát điện vào nguồn công cộng khi điện áp và tần số của nguồn công cộng nằm ngoài giới hạn cho phép vận hành;

d) Phải có các biện pháp để có thể cách ly máy phát khỏi nguồn công cộng. Các biện pháp cách ly này phải dễ tiếp cận bởi người quản lý vận hành của nguồn công cộng trong mọi lúc.

Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN QTĐ 8:2010/BCT về kỹ thuật điện do Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: QCVNQTĐ8:2010/BCT
  • Loại văn bản: Quy chuẩn
  • Ngày ban hành: 01/01/2010
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: ***
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/07/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH