Hệ thống pháp luật

Chương 1 Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN QTĐ 8:2010/BCT về kỹ thuật điện do Bộ Công thương ban hành

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy chuẩn này quy định các quy tắc thiết kế, lắp đặt và vận hành hệ thống trang thiết bị điện xoay chiều, điện áp định mức tối đa đến 1000 V, tần số 50 Hz.

2. Quy chuẩn này không áp dụng cho các thiết bị dùng sức kéo bằng điện, các Hệ thống trang thiết bị điện của phương tiện giao thông (ô tô, tàu thuỷ,  máy bay...), hệ thống trang thiết bị điện chiếu sáng sáng công cộng, các hệ thống trang thiết bị điện của hầm mỏ, các hàng rào điện bảo vệ, thiết bị chống sét cho toà nhà, các công trình và trang thiết bị chuyên dụng.

3. Hệ thống cung cấp điện công cộng, áp dụng quy chuẩn trang thiết bị hiện hành.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chuẩn này áp dụng bắt buộc đối với tổ chức, cá nhân có họat động liên quan đến thiết kế,lắp đặt và vận hành hệ thống trang thiết bị điện xoay chiều, điện áp định mức tối đa đến 1000 V, tần số 50 Hz..

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hệ thống trang thiết bị điện là tập hợp các thiết bị điện và hệ thống dây dẫn để sản xuất hoặc tiêu thụ điện năng.

2. Điểm đầu vào của hệ thống điện (nguồn cấp điện cho thiết bị điện) làđiểm bắt đầu của lắp hệ thống trang thiết bị điện được nối với lưới điện phân phối. Một hệ thống trang thiết bị có thể có một hoặc nhiều điểm đầu vào.

3. Nhiệt độ xung quanh là nhiệt độ của môi trường xung quanh nơi thiết bị được lắp đặt và vận hành, bao gồm ảnh hương nhiệt độ của các thiết bị khác lắp đặt và vận hành trong cùng một địa điểm.

4. Bộ phận mang điện, dây dẫn mang điện là dây dẫn và bộ phận dự kiến là có mang điện trong vận hành bình thường, đó là các dây dẫn pha và dây dẫn trung tính.

5. Bộ phận dẫn điện ngoại lai là các bộ phận có tính dẫn điện nằm ngoài lắp đặt hệ thống trang thiết bị điện có thể là: các kết cấu bằng kim loại của toà nhà, các ống kim loại dẫn khí, dẫn nước… các tường và sàn không cách điện.

6. Vỏ thiết bị là các bộ phận có tính dẫn điện (bằng kim loại) hở ra ngoài có thể tiếp xúc được.

7. Dây dẫn trung tính: dây dẫn nối từ điểm trung tính dẫn đi (điểm trung tính của một hệ thống trang thiết bị điện 3 pha là điểm chung của các cuộn dây của các pha đấu hình sao)..

8. Dây dẫn bảo vệ là dây dẫn nối liền các vỏ thiết bị sử dụng điện với trang bị nối đất tại nơi sử dụng điện.

9. Các bộ phận có thể tiếp xúc đồng thời là các bộ phận bằng kim loại mà một người có thể tiếp xúc đồng thời vào được.

10. Bảo vệ chống tiếp xúc trực tiếp có nghĩa là tiếp xúc với một bộ phận mang điện đồng thời với bộ phận dẫn điện khác, vỏ thiết bị, bộ phận có tính dẫn điện ngoại lai, dây dẫn bảo vệ.

11. Bảo vệ chống tiếp xúc gián tiếp là bảo vệ khi tiếp xúc với các bộ phận dẫn điện bao gồm vỏ thiết bị, các bộ phận có tính dẫn điện ngoại lai, dây dẫn bảo vệ trong trường hợp hỏng cách điện chính.

12. Nguồn cấp điện chính là nguồn cấp điện cho hệ thống trang thiết bị điện khi làm việc bình thường.

13. Nguồn cấp điện dự phòng là nguồn cấp điện khi mất nguồn cấp điện chính để đảm bảo một số công việc phải tiếp tục vận hành tránh hư hỏng thiết bị và gián đoạn công việc.

14. Nguồn cấp điện sự cố: Khi có tai nạn (cháy, nổ, sập nhà, …) mất nguồn điện chính và nguồn điện dự phòng, nhưng có một số dịch vụ vẫn phải đựơc cấp điện phục vụ cho việc thoát hiểm như các tín hiệu báo động, chiếu sáng, đường thoát hiểm, quạt hút khói, thang máy dự phòng thoát hiểm…. Các yêu cầu an toàn thường do các cơ quan có thẩm quyền đưa ra yêu cầu (cơ quan phòng chữa cháy, cơ quan bảo hộ lao động…).

15. Tầm tay với: Khu vực giới hạn bởi những đường mà một người đang đứng hoặc đang di chuyển trên một bề mặt có thể giơ một tay chạm vào được, không có thang dây hay dụng cụ nào khác.

Điều 4. Mục tiêu

Việc lắp đặt, thiết kế các hệ thống trang thiết bị điện nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn trong thiết kế, lắp đặt và vận hành hệ thống trang thiết bị điện hạ áp trong các công trình nhà ở, cơ sở thương mại, cơ sở công nghiệp, cơ sở nông nghiệp, công trình công cộng...

Điều 5. Bảo vệ an toàn

1. Yêu cầu chung

Các yêu cầu trong quy chuẩn này nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn cho người, động vật nuôi, tài sản, chống các mối nguy hiểm và hư hỏng có thể phát sinh ra trong khi sử dụng Hệ thống trang thiết bị điện.

2. Bảo vệ chống điện giật

a) Bảo vệ chống tiếp xúc trực tiếp: Phải bảo vệ người chống các mối nguy hiểm có thể xảy ra khi tiếp xúc với các phần mang điện của Hệ thống trang thiết bị điện;

b) Bảo vệ chống tiếp xúc gián tiếp: Phải bảo vệ người chống các mối nguy hiểm có thể xảy ra khi tiếp xúc với các vỏ thiết bị khi đang có hư hỏng cách điện.

3. Bảo vệ chống các tác động về nhiệt

Hệ thống trang thiết bị điện phải được bố trí sao cho loại trừ được mọi nguy cơ gây ra bốc cháy các loại vật liệu có thể cháy được do nhiệt tăng lên quá cao hoặc do tia lửa điện. Ngoài ra, trong khi Hệ thống trang thiết bị điện làm việc bình thường không được gây ra cháy bỏng cho cơ thể người.

4. Bảo vệ chống quá dòng điện

Người và tài sản phải được bảo vệ chống các nguy hiểm hoặc hư hỏng do nhiệt độ tăng quá cao hoặc do các lực cơ học sinh ra khi quá dòng điện.

5. Bảo vệ chống các dòng điện sự cố

Các dây dẫn, ngoài các dây mang điện và các bộ phận khác dùng để dẫn dòng điện sự cố phải có đủ khả năng dẫn dòng điện đó mà không đạt đến những nhiệt độ quá cao.

6. Bảo vệ chống quá điện áp

Người và tài sản phải được bảo vệ chống các hậu quả tai hại do hư hỏng cách điện giữa các bộ phận mang điện của các mạch có điện áp khác nhau.

Người và tài sản phải được bảo vệ chống các hậu quả tai hại do quá điện áp do các nguyên nhân khác (các quá điện áp khí quyển, các  quá điện áp thao tác).

Điều 6. Các đặc tính của nguồn cấp điện

Đặc tính của nguồn phải phù hợp với số lượng dây dẫn, các trị số định mức và độ lệch cho phép cũng như phù hợp với sơ đồ nối đất và các điều khiển khác của nguồn điện liên quan đến phương thức bảo vệ.

1. Tiết diện của các dây dẫn

Tiết diện của các dây dẫn phải được xác định trên cơ sở:

a) Nhiệt độ tối đa cho phép của các dây dẫn;

b) Độ sụt áp cho phép;

c) Các lực điện-cơ có thể xảy ra trong trường hợp ngắn mạch;

d) Các lực cơ học khác có thể tác động lên các dây dẫn;

e) Trị số tổng trở tối đa cho phép đảm bảo sự tác động của các bảo vệ chống ngắn mạch.

2. Các thiết bị bảo vệ

Loại thiết bị bảo vệ phải được xác định tuỳ theo chức năng của thiết bị, ví dụ như nhằm bảo vệ: chống quá dòng điện (quá tải và ngắn mạch), chống dòng điện chạm đất, chống quá điện áp, thấp điện áp hoặc mất điện áp;

Các thiết bị bảo vệ phải tác động với những trị số dòng điện, điện áp và thời gian phù hợp với đặc tính của mạch điện để chống các mối nguy hiểm có thể xảy ra.

3. Thiết bị cắt nguồn khẩn cấp

Nếu cần thiết phải cắt mạch điện khẩn cấp khi nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra thì phải bố trí thiết bị cắt sao cho dễ nhận biết và dễ  thao tác.

4. Cách ly

Phải bố trí thiết bị để cho phép cách li toàn bộ hệ thống điện hoặc một mạch điện hoặc các thiết bị riêng lẻ nhằm phục vụ cho việc bảo dưỡng, kiểm tra, xác định điểm sự cố và sửa chữa.

5. Sự độc lập của Hệ thống trang thiết bị điện

Hệ thống điện phải được bố trí sao cho loại trừ mọi ảnh hưởng tương hỗ có hại giữa hệ thống điện và các hệ thống khác của toà nhà.

6. Khả năng tiếp cận của các thiết bị điện

Các thiết bị điện phải được bố trí phù hợp với các điều sau đây trong mức độ cần thiết:

a) Có một không gian đủ để lắp đặt ban đầu và thay thế sau này;

b) Có khả năng tiếp cận nhằm thực hiện các  công việc cần thiết trong vận hành, kiểm tra, bảo dưỡng và sửa chữa.

Điều 7. Lựa chọn các thiết bị điện

1. Yêu cầu chung

Các thiết bị điện đưa vào sử dụng trong các hệ thống trang thiết bị điện phải phù hợp với tiêu chuẩn sản phẩm quốc gia.

2. Các đặc tính

Các đặc tính của các thiết bị điện phải tương ứng với các điều kiện và các đặc tính cụ thể đã được xác định cho hệ thống điện, ngoài ra còn phải thoả mãn các quy định sau đây:

a) Về điện áp

Các thiết bị điện áp phải thích hợp với trị số cực đại của điện áp (trong điện xoay chiều là trị số hiệu dụng) của nguồn điện cung cấp trong chế độ làm việc bình thường và với các quá điện áp có thể xảy ra.

b) Về dòng điện

Các thiết bị điện được lựa chọn phải lưu ý đến trị số cực đại (trong điện xoay chiều là trị số hiệu dụng) của dòng điện đi qua trong chế độ làm việc bình thường và không bình thường.

c) Về tần số

Nếu tần số có ảnh hưởng tới sự làm việc của các thiết bị điện thì tần số của các thiết bị phải phù hợp với tần số có thể xảy ra của lưới điện.

d) Về công suất

Các trang thiết bị điện đã được lựa chọn trên cơ sở công suất tối đa tiêu thụ trong chế độ làm việc bình thường, có lưu ý đến hệ số sử dụng và các điều kiện làm việc.

3. Các điều kiện lắp đặt

Các thiết bị điện phải được lựa chọn sao cho có thể chịu đựng được các lực tác động và các điều kiện môi trường xung quanh, đặc thù của nơi lắp đặt thiết bị.

4. Phòng tránh các tác động có hại

Các thiết bị điện phải được lựa chọn sao cho khi làm việc bình thường không tạo ra các tác động có hại đối với người, thiết bị khác hoặc đối với lưới điện, kể cả khi thao tác, như: hệ số công suất, dòng điện khởi động, mất cân bằng giữa các pha, các sóng điều hoà bậc cao,....

Điều 8. Thi công lắp đặt hệ thống điện và kiểm tra trước khi đi vào vận hành

1. Thi công lắp đặt

Nhân viên thi công lắp đặt hệ thống điện phải có năng lực và trang thiết bị thi công phù hợp;

Các đặc tính của các thiết bị điện đã được lựa chọn không bị suy giảm trong quá trình lắp đặt;

Các dây dẫn phải có dấu hiệu để nhận dạng bằng màu hoặc số;

Các đấu nối giữa các dây dẫn với nhau và với các thiết bị khác phải thực hiện sao cho bảo đảm tiếp xúc chắc chắn lâu dài;

Các thiết bị điện phải lắp đặt sao cho bảo đảm các điều kiện làm mát cần thiết;

Các thiết bị điện có khả năng sinh ra nhiệt độ cao hoặc tạo ra hồ quang điện phải được bố trí hoặc được bảo vệ sao cho loại trừ mọi nguy cơ làm bốc cháy các vật liệu khác. Các bộ phận mặt ngoài của thiết bị điện nếu có nhiệt độ cao có thể làm ảnh hưởng tới sức khoẻ của con người thì phải được bố trí hoặc được bảo vệ ngăn cản mọi tiếp xúc ngẫu nhiên.

2. Kiểm tra trước khi đưa vào vận hành

Các hệ thống trang thiết bị điện mới hoặc cải tạo phải được kiểm tra thử nghiệm trước khi đưa vào vận hành để đảm bảo hệ thống đó phù hợp với quy chuẩn hiện hành.

Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN QTĐ 8:2010/BCT về kỹ thuật điện do Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: QCVNQTĐ8:2010/BCT
  • Loại văn bản: Quy chuẩn
  • Ngày ban hành: 01/01/2010
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: ***
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/07/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH