Hệ thống pháp luật

Chương 5 Thông tư 04/2018/TT-BGTVT về quy định việc bảo đảm kỹ thuật nhiên liệu hàng không do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Chương V

CÁC YÊU CẦU VỀ HUẤN LUYỆN, ĐÀO TẠO, AN TOÀN, AN NINH, XỬ LÝ SỰ CỐ TRONG KHO NHIÊN LIỆU HÀNG KHÔNG

Mục 1. Huấn luyện, đào tạo, an toàn, an ninh kho nhiên liệu hàng không

Điều 38. Huấn luyện, đào tạo

1. Công ty cung ứng dịch vụ tra nạp nhiên liệu hàng không phải xây dựng phương án và tổ chức huấn luyện, đào tạo hàng năm hoặc định kỳ cho toàn thể cán bộ, nhân viên xử lý các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra liên quan đến:

a) Sự cố rò rỉ, tràn nhiên liệu;

b) Sự cố hỏng các phương tiện kỹ thuật trong quá trình làm việc;

c) Chữa các đám cháy xảy ra trong kho và khu vực lân cận kho;

d) Sự cố tai nạn lao động;

đ) Chỉ dẫn thoát hiểm.

2. Phương án huấn luyện, đào tạo phải cụ thể, sát với thực tế công việc hàng ngày; phân công rõ ràng nhiệm vụ và hành động của từng bộ phận, cá nhân trong công ty cung ứng dịch vụ tra nạp nhiên liệu hàng không. Sau mỗi đợt huấn luyện tổ chức rút kinh nghiệm và bổ sung, điều chỉnh phương án để sẵn sàng xử lý có hiệu quả các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra.

3. Đối với với những người thực hiện công tác tra nạp, bảo quản nhiên liệu hàng không và nhân viên kỹ thuật kiểm tra chất lượng nhiên liệu hàng không, công ty cung ứng dịch vụ tra nạp nhiên liệu hàng không phải xây dựng kế hoạch huấn luyện, đào tạo ban đầu và đào tạo lại trong quá trình làm việc.

Điều 39. Các yêu cầu về an toàn

1. An toàn về điện, hệ thống chống sét

a) Phải kiểm tra định kỳ tình trạng kỹ thuật các trang thiết bị công nghệ, thiết bị điện theo khuyến cáo của nhà sản xuất; kiểm tra định kỳ điện trở tiếp đất các hệ thống tiếp mát truyền tĩnh điện, hệ thống chống sét. Điện trở tiếp đất của hệ thống tiếp mát truyền tĩnh điện và điện trở tiếp đất hệ thống chống sét phải tuân theo tiêu chuẩn hiện hành. Nếu phát hiện có biểu hiện không bình thường phải khắc phục ngay, báo cáo kịp thời lên lãnh đạo công ty cung ứng dịch vụ tra nạp nhiên liệu hàng không bằng văn bản.

b) Kho nhiên liệu hàng không phải được trang bị hệ thống ngắt khẩn cấp; các cảnh báo an toàn khi làm việc phải được vẽ và bố trí ở vị trí nổi bật.

2. An toàn lao động

Người lao động phải được trang bị đầy đủ kiến thức để đảm nhiệm công việc; trang bị đầy đủ dụng cụ lao động và bảo hộ lao động thích hợp theo quy định của tài liệu JIG 1.

3. An toàn phòng chống cháy, nổ

a) Kho nhiên liệu hàng không phải được cơ quan quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy.

b) Kho nhiên liệu hàng không phải có báo cáo đánh giá rủi ro và lập kế hoạch ứng cứu khẩn cấp có các kịch bản sự cố cụ thể và tổ chức huấn luyện diễn tập định kỳ theo các tình huống.

4. Trong quá trình hoạt động doanh nghiệp cung ứng và tra nạp nhiên liệu hàng không phải xây dựng hệ thống quản lý an toàn. Hệ thống quản lý an toàn của tổ chức cung cấp dịch vụ hàng không phải tối thiểu phải có các mục sau:

a) Các chính sách và mục tiêu an toàn;

b) Công tác quản lý rủi ro an toàn;

c) Công tác đảm bảo an toàn;

d) Công tác đẩy mạnh an toàn.

Điều 40. An ninh

1. Người quản lý của kho và công ty cung ứng dịch vụ tra nạp nhiên liệu hàng không có trách nhiệm bảo đảm việc bố trí trang thiết bị phù hợp để bảo vệ nhân sự, tài sản và hoạt động của thiết bị.

2. Kho nhiên liệu hàng không phải được bảo vệ để tránh sự xâm nhập trái phép. Hệ thống hàng rào phải theo tiêu chuẩn hàng rào an ninh hàng không để đề phòng mất trộm nhiên liệu hàng không, trang thiết bị, pha trộn tạp chất vào nhiên liệu hàng không.

3. Các xe không có người lái phải rút chìa khoá. Phải tiến hành đánh giá công tác bảo đảm an ninh bao gồm việc sử dụng các thiết bị bảo vệ, kiểm tra hàng rào bảo vệ, hệ thống cảnh báo và tình trạng khóa của các van.

4. Quy chế an ninh của công ty cung ứng và tra nạp nhiên liệu hàng không phải được Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt theo quy định chi tiết về Chương trình an ninh hàng không dân dụng Việt Nam và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không dân dụng.

Mục 2. XỬ LÝ SỰ CỐ CÁC TRƯỜNG HỢP KHẨN CẤP TRONG KHO NHIÊN LIỆU HÀNG KHÔNG

Điều 41. Các trường hợp khẩn cấp

1. Công ty cung ứng dịch vụ tra nạp nhiên liệu hàng không, người quản lý của kho phải tính toán các trường hợp khẩn cấp có thể xảy ra và lập kế hoạch đối phó.

2. Các trường hợp khẩn cấp cần phải được xem xét:

a) Thiết bị bị hỏng ảnh hưởng đến hoạt động của kho và tra nạp nhiên liệu cho tàu bay;

b) Mất điện;

c) Tràn nhiên liệu;

d) Tai nạn gây chấn thương nghiêm trọng cho nhân viên, người điều hành hoặc người thứ ba;

đ) Những hoạt động khủng bố, ném bom, bạo loạn;

e) Các vấn đề liên quan đến chất lượng nhiên liệu;

g) Các sự cố, tai nạn tàu bay mà nguyên nhân có thể do nhiên liệu;

h) Hoả hoạn.

Điều 42. Báo cáo và điều tra các loại sự cố và tai nạn

1. Các loại sự cố được xác định như sau:

a) Sự cố ảnh hưởng đến các hoạt động: chất lượng nhiên liệu, tắt máy khẩn cấp, nhầm lẫn loại nhiên liệu; tàu bay bị hỏng do va chạm với phương tiện tra nạp hoặc một phần của trang thiết bị trên xe tra nạp là nguyên nhân gây hư hỏng tàu bay;

b) Sự cố ảnh hưởng đến môi trường: lớn hơn 20 lít nhiên liệu tràn ra môi trường (nước và đất), lớn hơn 150 lít nhiên liệu tràn từ vật chứa (nhưng chưa ảnh hưởng đến môi trường nước và đất), tàu bay bị tràn nhiên liệu, nước thải chảy ra môi trường hoặc hơi nhiên liệu bay vào môi trường trên mức giới hạn quy định của Tiêu chuẩn quốc gia hoặc Tiêu chuẩn cơ sở có liên quan đang còn hiệu lực thi hành.

c) Sự cố ảnh hưởng đến an toàn và sức khỏe: gây tử vong hoặc thương tích người lao động làm ảnh hưởng công việc.

2. Báo cáo và điều tra các sự cố, tai nạn

a) Báo cáo ban đầu: đối với các sự cố và tai nạn liên quan đến con người, kho bể và trang thiết bị nêu tại Khoản 1 của Điều này, người quản lý phương tiện tra nạp nhiên liệu hàng không phải báo cáo ngay bằng văn bản tới lãnh đạo công ty cung ứng dịch vụ tra nạp nhiên liệu hàng không, người khai thác cảng hàng không, sân bay, Cảng vụ hàng không về tai nạn hoặc sự cố và các báo cáo đó phải được gửi đi trong vòng 24 giờ bằng fax hoặc thư điện tử.

b) Báo cáo sơ bộ: phải điều tra tổng thể tìm hiểu các nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp gây ra tai nạn. Báo cáo sơ bộ được yêu cầu trong vòng 07 ngày kể từ ngày xảy ra sự cố. Báo cáo sơ bộ cần nêu các chi tiết về những phát hiện điều tra ban đầu và chỉ ra những nguyên nhân ban đầu. Báo cáo này bao gồm dự kiến các hành động khắc phục và phòng ngừa. Báo cáo bằng văn bản được gửi tới lãnh đạo công ty cung ứng dịch vụ tra nạp nhiên liệu hàng không, người khai thác cảng hàng không, sân bay, Cảng vụ hàng không.

c) Báo cáo tạm thời: phải được yêu cầu ít nhất 03 tháng cho đến khi hoàn thành việc điều tra sự cố. Báo cáo tạm thời phải nêu các nguyên nhân cơ bản của vụ việc và tình trạng hành động khắc phục. Báo cáo bằng văn bản được gửi tới lãnh đạo công ty cung ứng dịch vụ tra nạp nhiên liệu hàng không, người khai thác cảng hàng không, sân bay, Cảng vụ hàng không.

d) Báo cáo điều tra cuối cùng: phải được công bố để cho thấy rằng các hành động khắc phục đã được thực hiện. Báo cáo bằng văn bản được gửi tới lãnh đạo công ty cung ứng dịch vụ tra nạp nhiên liệu hàng không, người khai thác cảng hàng không, sân bay, Cảng vụ hàng không.

đ) Trong trường hợp đơn vị có hệ thống SMSM thì sẽ thực hiện báo cáo, điều tra sự cố, tai nạn theo hệ thống SMSM quy định.

3. Đối với các sự cố tránh được, các sự cố nhỏ và rủi ro

a) Công ty cung ứng dịch vụ tra nạp phải điều tra tức thời và báo cáo được gửi tới lãnh đạo công ty cung ứng dịch vụ tra nạp nhiên liệu hàng không, người khai thác cảng hàng không, sân bay, Cảng vụ hàng không sau 24 giờ thông qua fax hoặc thư điện tử. Báo cáo phải được hoàn thành trong vòng 48 giờ sau khi xảy ra sự cố.

b) Công ty cung ứng dịch vụ tra nạp phải thiết lập một hệ thống bảo đảm cho người lao động có thể báo ngay những sự cố tránh được và những rủi ro.

c) Việc điều tra phải được thực hiện bởi người được đào tạo, có kinh nghiệm thực tế phù hợp. Phải có quy trình điều tra để xác định được các nguyên nhân gốc rễ của các sự cố và các sự cố tránh được.

4. Đối với trường hợp gặp sự cố uy hiếp an toàn: công ty cung ứng dịch vụ tra nạp nhiên liệu hàng không phải báo ngay cho đại diện hãng hàng không bằng văn bản, trong đó trình bày chi tiết số hiệu tàu bay và số chuyến bay, mọi hỏng hóc với tàu bay xảy ra trong quá trình tra nạp nhiên liệu hàng không.

Điều 43. Bảo vệ môi trường

Doanh nghiệp cung ứng và tra nạp nhiên liệu hàng không có trách nhiệm:

1. Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định của Chính phủ về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;

2. Xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu và tuân thủ Quy chế hoạt động ứng phó tràn dầu ban hành kèm theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Mục 3. KIỂM SOÁT, ĐÁNH GIÁ RỦI RO VÀ QUẢN LÝ SỰ THAY ĐỔI

Điều 44. Kiểm soát, đánh giá rủi ro

1. Người quản lý của kho và của công ty cung ứng dịch vụ tra nạp nhiên liệu hàng không phải xác định được các mối nguy hiểm có khả năng gây tổn hại hoặc thiệt hại cho người, tài sản, môi trường hoặc uy tín và đánh giá rủi ro một cách có hệ thống. Đánh giá rủi ro phải được thực hiện bởi người có thẩm quyền sử dụng các phương pháp hoặc công cụ thích hợp và phải được xem xét theo chu kỳ được xác định.

2. Để kiểm soát các rủi ro, người lao động phải được kiểm soát, giám sát khi vào hệ thống làm việc liên quan đến công việc như bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm tra, thử nghiệm, xây dựng, tháo dỡ, điều chỉnh, sửa đổi, làm sạch... Các mối nguy hiểm sau đây được xem xét:

a) Vào hố van tra nạp ngầm, bể chứa và không gian hạn chế độc hại khác;

b) Công việc liên quan đến gia công nóng - công việc mà ở đó nhiệt được sử dụng hoặc tạo ra (như hàn, ngọn lửa cắt, mài...) hoặc có thể tạo ra tia lửa hoặc các nguồn bắt lửa khác;

c) Làm việc ở trên cao;

d) Làm việc trên các thiết bị điện có điện áp cao hoặc công việc khác về thiết bị điện mà có thể dẫn đến nguy hiểm;

đ) Cần cẩu và nâng;

e) Thiết bị công nghệ thăm dò.

3. Người quản lý của kho và của công ty cung ứng dịch vụ tra nạp nhiên liệu hàng không đánh giá rủi ro an ninh theo các quy trình hoạt động và kế hoạch quản lý an ninh đã được xây dựng. Hệ thống kiểm soát, đánh giá rủi ro phải có tại chỗ để tiếp nhận được thông báo các thay đổi về mức độ đe dọa đến an ninh (từ quốc gia, địa phương, nhà chức trách hàng không, công ty cung ứng dịch vụ tra nạp nhiên liệu hàng không).

Điều 45. Quản lý sự thay đổi

Các mối nguy hiểm tiềm ẩn đối với con người, tài sản, môi trường và uy tín phải được người quản lý của kho và của công ty cung ứng dịch vụ tra nạp nhiên liệu hàng không đánh giá và có các hành động phù hợp để quản lý các mối nguy hiểm. Những thay đổi của các hạng mục sau đây phải được đánh giá về các mối nguy hiểm tiềm ẩn:

1. Nhà máy và các kho chứa;

2. Trang thiết bị;

3. Phần cứng hoặc phần mềm;

4. Các quá trình hoạt động;

5. Các quy trình hoạt động;

6. Thiết kế và xây dựng;

7. Các quy trình bảo dưỡng;

8. Thành phần hoặc tính chất của vật liệu;

9. Cơ cấu tổ chức và trách nhiệm thực hiện;

10. Các yêu cầu đào tạo cán bộ, năng lực cán bộ;

11. Các yêu cầu pháp lý và quy định.

Thông tư 04/2018/TT-BGTVT về quy định việc bảo đảm kỹ thuật nhiên liệu hàng không do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 04/2018/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 23/01/2018
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Lê Đình Thọ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 383 đến số 384
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH