Hệ thống pháp luật

Chương 4 Nghị định 10/2024/NĐ-CP quy định về khu công nghệ cao

Chương IV

HOẠT ĐỘNG CÔNG NGHỆ CAO TRONG KHU CÔNG NGHỆ CAO

Mục 1. HOẠT ĐỘNG CÔNG NGHỆ CAO ĐỐI VỚI KHU CÔNG NGHỆ CAO QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 31 LUẬT CÔNG NGHỆ CAO

Điều 27. Các loại hình hoạt động công nghệ cao trong khu công nghệ cao

Các loại hình hoạt động công nghệ cao trong khu công nghệ cao bao gồm: nghiên cứu và phát triển công nghệ cao; ứng dụng công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đào tạo nhân lực công nghệ cao; hội chợ, triển lãm, trình diễn công nghệ cao, trình diễn sản phẩm công nghệ cao từ kết quả nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao công nghệ cao; sản xuất và kinh doanh sản phẩm công nghệ cao; cung ứng dịch vụ công nghệ cao.

Điều 28. Nguyên tắc đối với dự án đầu tư thực hiện hoạt động công nghệ cao trong khu công nghệ cao

1. Mục tiêu và nội dung hoạt động của dự án đầu tư phù hợp với nhiệm vụ của khu công nghệ cao quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật Công nghệ cao.

2. Áp dụng các biện pháp thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng.

3. Phù hợp với quy hoạch, khả năng cung cấp hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của khu công nghệ cao và các quy định của pháp luật liên quan.

4. Nhà đầu tư đề xuất dự án đầu tư có khả năng tài chính hoặc huy động nguồn lực hợp pháp khác để đáp ứng yêu cầu về nguồn vốn đầu tư xây dựng, duy trì, vận hành dự án; có năng lực công nghệ, năng lực quản lý, đảm bảo việc xây dựng, triển khai dự án đầu tư theo đúng tiến độ, kế hoạch.

5. Ưu tiên các dự án đầu tư có suất vốn đầu tư (chi phí đầu tư dự án tính trên một đơn vị diện tích đất) cao hơn suất vốn đầu tư trung bình trong phân khu chức năng đó.

6. Ngoài việc đáp ứng các nguyên tắc quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều này, mỗi loại hình dự án đầu tư phải đáp ứng các tiêu chí tương ứng đối với từng loại hình quy định tại khoản 2 Điều 29, khoản 2 Điều 30, khoản 2 Điều 31, khoản 1 Điều 32 và khoản 1 Điều 33 Nghị định này.

Điều 29. Nghiên cứu và phát triển công nghệ cao

1. Hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao trong khu công nghệ cao bao gồm: nghiên cứu, làm chủ công nghệ cao được chuyển giao, công nghệ cao được nhập khẩu; giải mã công nghệ cao; nghiên cứu khai thác sáng chế, triển khai thực nghiệm, sản xuất thử nghiệm nhằm tạo ra công nghệ cao, công nghệ mới thay thế công nghệ nhập khẩu từ nước ngoài; nghiên cứu hoàn thiện, phát triển công nghệ cao ứng dụng trong sản xuất sản phẩm mới, sản phẩm công nghệ cao, cung ứng các dịch vụ công nghệ cao, chuyển giao công nghệ cao; hoạt động đào tạo nhân lực công nghệ cao gắn với các hoạt động nêu trên.

2. Đối với dự án đầu tư cơ sở nghiên cứu và phát triển công nghệ cao tại khu công nghệ cao, ngoài việc đáp ứng các nguyên tắc quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 28 Nghị định này, còn phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:

a) Có mục tiêu, kế hoạch, lộ trình nghiên cứu và phát triển công nghệ cao trong giai đoạn ngắn hạn và dài hạn; có kế hoạch chuyển giao, hợp tác, thương mại hóa, ứng dụng công nghệ cao để tạo ra sản phẩm công nghệ cao và dịch vụ công nghệ cao;

b) Công nghệ, sản phẩm của dự án đầu tư phù hợp với Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển hoặc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển được ban hành kèm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong trường hợp công nghệ hoặc sản phẩm của dự án đầu tư là công nghệ mới, công nghệ tiên tiến nhưng không nằm trong các danh mục nêu trên, Ban quản lý khu công nghệ cao báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ để Bộ Khoa học và Công nghệ xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về việc chấp thuận công nghệ, sản phẩm nghiên cứu và phát triển của dự án đầu tư;

c) Tạo ra công nghệ cao, thay thế công nghệ cao nhập khẩu, ứng dụng trong sản xuất sản phẩm công nghệ cao; tạo ra các sản phẩm chủ lực của các ngành kinh tế, thay thế sản phẩm nhập khẩu;

d) Tuân thủ các tiêu chuẩn quản lý chất lượng và quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trong lĩnh vực hoạt động của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật;

đ) Đáp ứng tiêu chí về nhân lực lao động, nhân lực thực hiện hoạt động nghiên cứu và phát triển, tỷ lệ chi và nội dung chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, máy móc và thiết bị phục vụ nghiên cứu và phát triển theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Điều 30. Đào tạo nhân lực công nghệ cao

1. Hoạt động đào tạo nhân lực công nghệ cao bao gồm: đào tạo đội ngũ những người có trình độ và kỹ năng đáp ứng được yêu cầu của hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao; xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu công nghệ cao hiện đại; kết hợp với các trường đại học, cơ sở nghiên cứu bên ngoài khu công nghệ cao trong đào tạo các trình độ đại học, thạc sỹ, tiến sỹ thuộc một số chuyên ngành gắn với các lĩnh vực công nghệ được ưu tiên theo quy định tại Luật Công nghệ cao và Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển; đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực có trình độ cao trong vận hành các thiết bị, dây chuyền sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao, quản lý hoạt động công nghệ cao.

2. Đối với dự án đầu tư cơ sở hoạt động đào tạo nhân lực công nghệ cao tại khu công nghệ cao, ngoài việc đáp ứng các nguyên tắc quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 28 Nghị định này, còn phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:

a) Đào tạo đội ngũ nghiên cứu, cán bộ quản lý, kỹ thuật viên sản xuất sản phẩm công nghệ cao; thu hút các chuyên gia tình nguyện nước ngoài, chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động đào tạo nhân lực công nghệ cao tại khu công nghệ cao;

b) Có lộ trình và kế hoạch phát triển nhân lực công nghệ cao cụ thể; tuân thủ các quy định hiện hành về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam;

c) Định hướng hình thành tập thể nghiên cứu khoa học mạnh; phát triển cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ cao đạt trình độ quốc tế.

Điều 31. Ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao

1. Dự án được các cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao lựa chọn để ươm tạo ngoài việc đáp ứng các nguyên tắc quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 28 Nghị định này, còn phải tạo ra công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển được ban hành kèm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Ban quản lý khu công nghệ cao có trách nhiệm theo dõi, giám sát và hướng dẫn việc tổ chức lựa chọn dự án quy định tại khoản này.

2. Đối với dự án đầu tư cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, ngoài việc đáp ứng các nguyên tắc quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 28 Nghị định này, còn phải đáp ứng các điều kiện đối với cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Điều 32. Ứng dụng công nghệ cao để sản xuất sản phẩm công nghệ cao

1. Dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao để sản xuất sản phẩm công nghệ cao ngoài việc đáp ứng các nguyên tắc quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 28 Nghị định này, còn phải đáp ứng các tiêu chí sau:

a) Công nghệ được ứng dụng trong dự án đầu tư thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển được ban hành kèm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

b) Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;

c) Hệ thống quản lý chất lượng đạt các tiêu chuẩn quốc tế chuyên ngành;

d) Tuân thủ các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trong lĩnh vực hoạt động của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khuyến khích đạt được các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường ISO 14000 hoặc tiêu chuẩn tương đương;

đ) Đáp ứng tiêu chí về tỷ lệ doanh thu từ sản xuất sản phẩm công nghệ cao, nhân lực lao động, nhân lực thực hiện hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ, tỷ lệ chi cho hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ, dây chuyền công nghệ theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ.

2. Doanh nghiệp chế xuất trong khu công nghệ cao là doanh nghiệp được thành lập trong khu công nghệ cao để thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Điều này, chuyên sản xuất sản phẩm để xuất khẩu, được ngăn cách với khu vực bên ngoài theo các quy định áp dụng đối với khu phi thuế quan tại pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Thủ tục đầu tư và chính sách đối với doanh nghiệp chế xuất thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định này.

Điều 33. Cung ứng dịch vụ công nghệ cao

Dự án đầu tư cung ứng dịch vụ công nghệ cao phải đáp ứng các nguyên tắc quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 28 Nghị định này, đồng thời dịch vụ công nghệ cao được cung ứng phải thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển được ban hành kèm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Mục 2. HOẠT ĐỘNG CÔNG NGHỆ CAO ĐỐI VỚI KHU NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 32 LUẬT CÔNG NGHỆ CAO

Điều 34. Các loại hình hoạt động công nghệ cao trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Các loại hình hoạt động công nghệ cao trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bao gồm: nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm, trình diễn mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; liên kết các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp; đào tạo nhân lực công nghệ cao lĩnh vực nông nghiệp; hội chợ, triển lãm, trình diễn sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Điều 35. Nguyên tắc đối với dự án đầu tư thực hiện hoạt động công nghệ cao trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

1. Mục tiêu và nội dung hoạt động của dự án đầu tư phù hợp với nhiệm vụ của khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy định tại khoản 2 Điều 32 Luật Công nghệ cao.

2. Áp dụng các biện pháp thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng; có cam kết giảm phát thải khí nhà kính, có lộ trình hướng tới đạt mức phát thải ròng về “0”.

3. Phù hợp với khả năng cung cấp hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

4. Nhà đầu tư đề xuất dự án đầu tư có khả năng tài chính hoặc huy động nguồn lực hợp pháp khác để đáp ứng yêu cầu về nguồn vốn đầu tư xây dựng, duy trì, vận hành dự án; có năng lực công nghệ, năng lực quản lý, đảm bảo việc xây dựng, triển khai dự án đầu tư theo đúng tiến độ, kế hoạch.

5. Ngoài việc đáp ứng các nguyên tắc quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều này, mỗi loại hình dự án đầu tư phải đáp ứng các tiêu chí tương ứng đối với từng loại hình quy định tại khoản 2 Điều 36, khoản 2 Điều 37, khoản 2 Điều 38 và khoản 1 Điều 39 Nghị định này.

Điều 36. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao

1. Hoạt động nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bao gồm: Liên kết các hoạt động nghiên cứu, nghiên cứu thích nghi, làm chủ công nghệ cao được chuyển giao, công nghệ cao được nhập khẩu; nghiên cứu hoàn thiện, sản xuất thử nghiệm phát triển công nghệ cao ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, trình diễn mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao công nghệ cao.

2. Đối với dự án đầu tư cơ sở nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao tại khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ngoài việc đáp ứng các nguyên tắc quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 35 Nghị định này, còn phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:

a) Có mục tiêu, kế hoạch, lộ trình nghiên cứu; có kế hoạch chuyển giao, thương mại hóa, ứng dụng công nghệ cao sản xuất sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ công nghệ cao;

b) Công nghệ của dự án đầu tư phù hợp với Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển được ban hành kèm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong trường hợp công nghệ của dự án đầu tư là công nghệ mới, công nghệ tiên tiến không nằm trong danh mục nêu trên, Ban quản lý khu công nghệ cao báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về việc chấp thuận công nghệ nghiên cứu ứng dụng của dự án đầu tư;

c) Tạo ra các sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp, thay thế sản phẩm nhập khẩu và tăng cường sản phẩm xuất khẩu; tạo ra công nghệ phát huy được lợi thế, khắc phục hạn chế về điều kiện tự nhiên, thời tiết, các kịch bản biến đổi khí hậu và phòng, trừ dịch bệnh;

d) Tuân thủ các tiêu chuẩn quản lý chất lượng và quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trong lĩnh vực hoạt động của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật;

đ) Đáp ứng tiêu chí về nhân lực lao động, nhân lực thực hiện hoạt động nghiên cứu, tỷ lệ chi và nội dung chi cho hoạt động nghiên cứu theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 37. Đào tạo nhân lực công nghệ cao trong nông nghiệp

1. Hoạt động đào tạo nhân lực công nghệ cao bao gồm: hoạt động đào tạo nhân lực gắn với các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, đào tạo đội ngũ những người có trình độ và kỹ năng đáp ứng được yêu cầu của hoạt động nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao; xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh; kết hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ sở nghiên cứu bên ngoài khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong đào tạo các trình độ đại học, thạc sỹ, tiến sỹ thuộc một số chuyên ngành nông nghiệp, ưu tiên theo quy định tại Luật Công nghệ cao và Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển; đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực có khả năng làm chủ, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và cung ứng dịch vụ công nghệ cao, quản lý hoạt động công nghệ cao.

2. Đối với dự án đầu tư cơ sở hoạt động đào tạo nhân lực công nghệ cao tại khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ngoài việc đáp ứng các nguyên tắc quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 35 Nghị định này, còn phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:

a) Đào tạo đội ngũ nghiên cứu, cán bộ quản lý, kỹ thuật viên sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thu hút các chuyên gia trong và ngoài nước tham gia hoạt động đào tạo nhân lực công nghệ cao tại khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;

b) Có lộ trình và kế hoạch phát triển nhân lực công nghệ cao cụ thể; tuân thủ các quy định hiện hành về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam.

Điều 38. Ứng dụng công nghệ cao để sản xuất sản phẩm nông nghiệp

1. Dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao để sản xuất sản phẩm nông nghiệp là dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển được ban hành kèm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để sản xuất sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, năng suất, giá trị và hiệu quả cao; có hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất.

2. Dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao để sản xuất sản phẩm nông nghiệp ngoài việc đáp ứng các nguyên tắc quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 35 Nghị định này, còn phải đáp ứng các tiêu chí sau:

a) Công nghệ được ứng dụng của dự án đầu tư thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển được ban hành kèm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong trường hợp công nghệ của dự án đầu tư là công nghệ mới, công nghệ tiên tiến không nằm trong danh mục nêu trên, Ban quản lý khu công nghệ cao báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về việc chấp thuận công nghệ ứng dụng của dự án đầu tư;

b) Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;

c) Hệ thống quản lý chất lượng đạt các tiêu chuẩn quốc tế chuyên ngành;

d) Tuân thủ các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trong lĩnh vực hoạt động của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khuyến khích đạt được các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường ISO 14000 hoặc tiêu chuẩn tương đương;

đ) Đáp ứng tiêu chí về tỷ lệ doanh thu từ sản xuất sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, nhân lực trực tiếp thực hiện hoạt động nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, tỷ lệ chi cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, dây chuyền công nghệ theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 39. Cung ứng dịch vụ công nghệ cao trong nông nghiệp

Dự án đầu tư cung ứng dịch vụ công nghệ cao phải đáp ứng các nguyên tắc quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 35 Nghị định này, đồng thời dịch vụ công nghệ cao được cung ứng phải thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển được ban hành kèm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Nghị định 10/2024/NĐ-CP quy định về khu công nghệ cao

  • Số hiệu: 10/2024/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 01/02/2024
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Lưu Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 311 đến số 312
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH