Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP
CỤC HỘ TỊCH, QUỐC TỊCH, CHỨNG THỰC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 336/HTQTCT-HT
V/v hướng dẫn nghiệp vụ hộ tịch

Hà Nội, ngày 14 tháng 04 năm 2017

 

Kính gửi: Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh

Ngày 20/3/2017, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực nhận được Công văn số 36/STP-HCTP ngày 11/01/2017 của Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh xin ý kiến hướng dẫn nghiệp vụ hộ tịch. Về vấn đề này, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực có ý kiến như sau:

1. Về việc miễn hợp pháp hóa lãnh sự đối với Giấy chứng sinh do cơ sở y tế của Trung Quốc tại khu vực Đông Hưng cấp

Theo danh mục các giấy tờ, tài liệu được miễn hợp pháp hóa lãnh sự (đăng tải trên Cổng thông tin điện tử về công tác lãnh sự - https://lanhsuvietnam.gov.vn) thì chỉ miễn hợp pháp hóa lãnh sự đối với các loại giấy tờ dân sự do cơ quan có thẩm quyền Trung Quốc cấp dùng cho mục đích tương trợ tư pháp; giấy tờ sử dụng để đăng ký hộ tịch tại UBND cấp xã ở khu vực biên giới (theo quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 7 Luật hộ tịch). Do đó, Giấy chứng sinh cho trẻ em Việt Nam sinh ra tại thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) do cơ sở y tế Trung Quốc cấp (sử dụng để đăng ký khai sinh tại UBND thành phố Móng Cái) không thuộc diện được miễn hợp pháp hóa lãnh sự.

Tuy nhiên, thành phố Móng Cái (Việt Nam) và thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) là hai thành phố ở khu vực biên giới, việc giao lưu, đi lại và sinh con của công dân Việt Nam tại Trung Quốc là tương đối phổ biến, nên để cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm quyền được đăng ký khai sinh của trẻ em, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đồng ý với đề xuất của Sở Tư pháp, cho phép cơ quan đăng ký hộ tịch vận dụng quy định tại Khoản 4 Điều 2 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP, miễn hợp pháp hóa lãnh sự đối với Giấy chứng sinh do cơ quan y tế Trung Quốc tại Đông Hưng lập, cấp, xác nhận để đăng ký khai sinh cho trẻ.

2. Về việc đăng ký khai sinh cho con của chị Đinh Thị Kim Thoa tại cơ quan có thẩm quyền của Canada

Đề nghị Sở Tư pháp chỉ đạo cơ quan đăng ký hộ tịch trao đổi/phối hợp với cơ quan công an có thẩm quyền kiểm tra, xác minh tình trạng cư trú của chị Thoa. Nếu chị Thoa có thẻ thường trú và định cư tại Canada thì UBND phường Bạch Đằng đã thực hiện đăng ký hộ tịch không đúng thẩm quyền (Điều 35, Điều 37 Luật hộ tịch quy định thẩm quyền đăng ký kết hôn và đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài thuộc UBND cấp huyện); Sở Tư pháp cần chỉ đạo UBND thành phố Hạ Long thu hồi, hủy bỏ giấy tờ hộ tịch đã cấp không đúng thẩm quyền; đồng thời trao đổi với cơ quan công an có thẩm quyền để xử lý việc vi phạm quy định pháp luật về quản lý cư trú của chị Thoa (theo quy định tại Điều 22 Luật Cư trú, Khoản 4 Điều 11 Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09/9/2014 của Bộ Công an thì công dân Việt Nam ra nước ngoài định cư phải xóa đăng ký thường trú).

Đối với người con thứ hai của chị Thoa, do chị Thoa là công dân Việt Nam, cháu Hoàng được đăng ký khai sinh theo diện con chưa xác định được cha (thực tế cha đẻ của cháu cũng là công dân Việt Nam), nên theo quy định tại Điều 15 Luật Quốc tịch Việt Nam, cháu Hoàng có quốc tịch Việt Nam. Việc cháu Hoàng đã đăng ký khai sinh tại Canada và có quốc tịch Canada là do xung đột pháp luật về quốc tịch, không ảnh hưởng đến việc có quốc, tịch Việt Nam của cháu. Đề nghị Sở Tư pháp chỉ đạo UBND thành phố Hạ Long hướng dẫn chị Thoa thực hiện thủ tục ghi vào sổ hộ tịch việc khai sinh đã được đăng ký ở nước ngoài của cháu Hoàng theo quy định, nội dung ghi vào sổ khai sinh theo đúng thông tin trong Giấy khai sinh do cơ quan có thẩm quyền Canada cấp cho cháu Hoàng, riêng phần ghi về quốc tịch thì ghi quốc tịch Việt Nam.

3. Về cách xác định họ tên của cha trong Giấy khai sinh

Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài (kể cả trường hợp không đồng thời có quốc tịch nước ngoài) sử dụng giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp nên sẽ không đầy đủ họ, chữ đệm, tên bằng tiếng Việt mà sẽ bị lược bỏ dấu (Ví dụ: VÕ CAO TRÍ sẽ ghi thành VO CAO TRI).

Khi các giấy tờ này được sử dụng để đăng ký hộ tịch tại Việt Nam thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự, dịch ra tiếng Việt theo quy định, ngôn ngữ sử dụng chính thức trong hồ sơ thủ tục hành chính là tiếng Việt. Do đó, trong quá trình giải quyết yêu cầu đăng ký hộ tịch, đề nghị Sở Tư pháp lưu ý cơ quan đăng ký hộ tịch, tổ chức hành nghề công chứng, Phòng Tư pháp hướng dẫn công dân cung cấp chính xác họ, chữ đệm, tên bằng tiếng Việt (có đủ dấu) để ghi trong bản dịch, hồ sơ; các giấy tờ hộ tịch được cấp sẽ ghi theo họ, chữ đệm, tên đó, bảo đảm thống nhất, tránh việc ghi họ của con không thống nhất theo họ của cha như Sở Tư pháp phản ánh.

Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực trao đổi để Sở Tư pháp biết, chỉ đạo thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- PCT Trần Thị Lệ Hoa (để biết);
- Trang TTĐT Cục HTQTCT (để đăng tải);
- Lưu: VT (Chuyền).

CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Công Khanh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 336/HTQTCT-HT năm 2017 về hướng dẫn nghiệp vụ hộ tịch do Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực ban hành

  • Số hiệu: 336/HTQTCT-HT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 14/04/2017
  • Nơi ban hành: Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực
  • Người ký: Nguyễn Công Khanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản