Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP
CỤC HỘ TỊCH, QUỐC TỊCH,
CHỨNG THỰC

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1004/HTQTCT-HT
V/v hướng dẫn nghiệp vụ hộ tịch

Hà Nội, ngày 6 tháng 7 năm 2016

 

Kính gửi: Sở Tư pháp tỉnh An Giang

Trả lời Công văn số 539/STP-HCTP ngày 13/6/2016 của Sở Tư pháp tỉnh An Giang đề nghị hướng dẫn nghiệp vụ hộ tịch, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực có ý kiến như sau:

1. Đối với trường hợp cá nhân có nhiều Giấy khai sinh được cấp từ thời kỳ Pháp thuộc hoặc thời kỳ chính quyền Sài Gòn, không còn hồ sơ lưu, nếu các Giấy khai sinh này đều xác thực và hợp lệ (bảo đảm hợp lệ về thể thức, nội dung, không bị tẩy xóa, sửa chữa ...) thì kể cả trường hợp còn sổ hộ tịch hay không còn sổ hộ tịch, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực nhất trí với hướng xử lý của Sở Tư pháp: cho người dân tự lựa chọn 01 Giấy khai sinh, cam kết tự chịu trách nhiệm về việc lựa chọn của mình, cơ quan quản lý hộ tịch thu hồi, hủy bỏ các Giấy khai sinh khác và nội dung đăng ký tương ứng trong sổ hộ tịch.

Riêng trường hợp người có nhiều Giấy khai sinh là cán bộ, công chức, người đang công tác trong lực lượng vũ trang thì Giấy khai sinh được lựa chọn phải có thông tin phù hợp với thông tin trong hồ sơ do cơ quan, đơn vị đang quản lý.

Trường hợp không còn sổ hộ tịch mà cá nhân có yêu cầu thì Sở Tư pháp hướng dẫn cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền giải quyết đăng ký lại khai sinh theo quy định.

2. Đối với vấn đề nêu tại mục 3 của Công văn, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực thấy đây là vấn đề có tính lịch sử và chủ trương chung là không tổ chức đăng ký lại/điều chỉnh lại theo sổ bộ cũ, tránh gây xáo trộn trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, tùy trường hợp cụ thể, nếu có phát sinh, đề nghị Sở Tư pháp báo cáo về Bộ để được hướng dẫn.

3. Đối với trường hợp còn Giấy khai sinh, nhưng không có thông tin ghi trong sổ hộ tịch nêu tại mục 4 của Công văn, do tồn tại có tính lịch sử, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đề nghị xử lý theo hướng:

- Nếu Giấy khai sinh (bản chính) được cấp trước ngày 01/4/2006 (ngày Nghị định số 158/2005/NĐ-CP có hiệu lực), sử dụng biểu mẫu phù hợp thời điểm cấp, thể thức, thẩm quyền cấp đúng quy định, không bị tẩy xóa, sửa chữa thì Giấy khai sinh này được coi là hợp lệ.

- Nếu không còn bản chính Giấy khai sinh, hoặc còn nhưng Giấy khai sinh đã bị rách, tẩy xóa, sửa chữa không sử dụng được hoặc bản chính Giấy khai sinh được cấp sau ngày 01/4/2006 thì cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền thu hồi Giấy khai sinh đó, hướng dẫn đương sự thực hiện thủ tục đăng ký lại khai sinh theo quy định.

4. Đối với việc mượn Giấy khai sinh của người khác để sử dụng, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực nhất trí với đề xuất hướng xử lý của Sở Tư pháp. Hệ quả pháp lý của việc mượn giấy tờ hộ tịch cần được tuyên truyền, phổ biến để người dân biết, có ý thức giữ gìn và sử dụng giấy tờ hộ tịch của mình đúng quy định pháp luật.

Trên đây là ý kiến của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực xin gửi để Sở Tư pháp biết, hướng dẫn, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: VT (Lâm).

CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Công Khanh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1004/HTQTCT-HT năm 2016 về hướng dẫn nghiệp vụ hộ tịch do Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực ban hành

  • Số hiệu: 1004/HTQTCT-HT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 06/07/2016
  • Nơi ban hành: Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực
  • Người ký: Nguyễn Công Khanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/07/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản