Hệ thống pháp luật

Phần 5 Công ước về chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP), 2001 Stockholm

Phần V

HƯỚNG DẪN CHUNG VỀ CÁC KỸ THUẬT TỐT NHẤT HIỆN CÓ VÀ CÁC PHƯƠNG THỨC TỐT NHẤT VỀ MÔI TRƯỜNG

Phần này sẽ quy định hướng dẫn chung cho các Bên về việc phòng ngừa hay giảm thiểu các mức phát thải các hóa chất được liệt kê trong Phần I.

A. Các biện pháp phòng ngừa chung liên quan đến cả các kỹ thuật tốt nhất hiện có lẫn các phương thức tốt nhất về môi trường

Cần ưu tiên cân nhắc đến phương pháp ngăn ngừa việc hình thành và phát thải các hóa chất được liệt kê trong Phần I. Các biện pháp có thể hữu dụng bao gồm:

(a) Sử dụng công nghệ ít chất thải;

(b) Sử dụng các chất ít nguy hại hơn;

(c) Khuyến khích thu hồi và tái chế chất thải và các chất được phát sinh và sử dụng trong một quy trình;

(d) Thay thế các nguyên liệu là các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hoặc ở những nơi có mối liên hệ trực tiếp giữa những nguyên liệu này với sự phát thải các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ từ nguồn;

(e) Chế độ vệ sinh nhà xưởng tốt và các chương trình bảo trì mang tính phòng ngừa;

(f) Các cải tiến trong quản lý chất thải để chấm dứt việc đốt chất thải ngoài trời hoặc thiêu hủy chất thải không kiểm soát khác, kể cả việc đốt chất thải tại các điểm chôn lấp. Khi xem xét các đề án xây dựng cơ sở thiêu hủy chất thải mới cần phải cân nhắc đến các giải pháp thay thế như các hoạt động nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải đô thị và chất thải y tế, bao gồm việc thu hồi, tái sử dụng, tái chế tài nguyên, phân loại chất thải, cũng như khuyến khích các sản phẩm phát sinh ít chất thải. Trong cách tiếp cận này, cần phải cân nhắc cẩn thận các vấn đề liên quan đến sức khỏe cộng đồng;

(g) Giảm thiểu các hóa chất gây tạp chất ô nhiễm trong các sản phẩm;

(h) Tránh sử dụng clo phân tử hoặc các hóa chất phát sinh clo phân tử trong tẩy trắng.

B. Các kỹ thuật tốt nhất hiện có

Khái niệm về các kỹ thuật tốt nhất hiện có không nhằm vào việc quy định bất kỳ một kỹ thuật hay công nghệ cụ thể nào, mà là để xem xét đến các đặc tính kỹ thuật của một cơ sở liên quan, vị trí địa lý của nó và các điều kiện môi trường địa phương. Nói chung, các kỹ thuật kiểm soát thích hợp để giảm thiểu phát thải những hóa chất liệt kê trong Phần I đều như nhau.

Để xác định các kỹ thuật tốt nhất hiện có cần phải xem xét đặc biệt đến các yếu tố dưới đây, nói trung hoặc nói riêng trong các trường hợp cụ thể, đồng thời lưu ý đến các chi phí và lợi ích có thể của một biện pháp và việc cân nhắc vấn đề cẩn tắc và phòng ngừa:

(a) Những yếu tố chung cần xem xét:

(i) Tính chất, ảnh hưởng và khối lượng của các phát thải liên quan: kỹ thuật có thể khác nhau tùy theo quy mô nguồn;

(ii) Các thời gian chạy rà các cơ sở mới hoặc các cơ sở hiện có;

(iii) Thời gian cần đưa vào áp dụng kỹ thuật tốt nhất hiện có;

(iv) Mức tiêu thụ và tính chất của các nguyên liệu được sử dụng trong quy trình và hiệu năng của quy trình;

(v) Nhu cầu ngăn ngừa hay giảm thiểu toàn bộ tác động của các phát thải ra môi trường và các rủi ro đối với môi trường;

(vi) Nhu cầu phòng ngừa sự cố và giảm thiểu hậu quả của các sự cố đối với môi trường; (vii)Nhu cầu đảm bảo sức khỏe và an toàn nghề nghiệp tại nơi làm việc;

(viii) Các quy trình, các phương tiện hoặc các phương pháp vận hành đối chiếu đã được thử nghiệm thành công trên quy mô công nghiệp;

(ix) Các tiến bộ về công nghệ, những thay đổi về kiến thức và hiểu biết khoa học.

(b) Các biện pháp giảm thiểu phát thải chung: Khi cân nhắc những đề xuất xây dựng các cơ sở mới hoặc nâng cấp đáng kể các cơ sở hiện có với những quy trình gây phát thải các hóa chất liệt kê trong Phụ lục này, thì cần phải ưu tiên xem xét các quy trình, kỹ thuật hoặc phương thức thay thế có cùng tính năng sử dụng, nhưng tránh được việc hình thành và phát thải các hóa chất đó. Trong trường hợp các cơ sở loại đó được xây dựng hoặc nâng cấp đáng kể với việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa trình bày trong mục A, Phần V của Phụ lục này, thì có thể cân nhắc đến các biện pháp giảm thiểu dưới đây khi xác định các kỹ thuật tốt nhất hiện có:

(i) Áp dụng các phương pháp cải tiến làm sạch khí xả như lọc bụi, hấp thụ, ô xy hóa bằng nhiệt hay chất xúc tác;

(ii) Xử lý các phế liệu, nước thải, chất thải và bùn cống bằng các quy trình như xử lý nhiệt, hóa trơ hay xử lý hóa học để khử độc tính;

(iii) Thay đổi quy trình để giảm thiểu hoặc loại trừ các phát thải, như chuyển sang sử dụng các hệ thống khép kín;

(iv) Cải tiến trong thiết kế quy trình để cải thiện quá trình đốt cháy và ngăn ngừa việc hình thành các hóa chất liệt kê trong Phụ lục này, bằng cách kiểm soát các thông số như nhiệt độ đốt hoặc thời gian lưu cháy.

C. Các phương thức môi trường tốt nhất Hội nghị các Bên có thể xây dựng hướng dẫn về các phương thức tốt nhất về môi trường.

 

PHỤ LỤC D

CÁC YÊU CẦU VỀ THÔNG TIN VÀ CÁC TIÊU CHÍ SÀNG LỌC

1. Một Bên khi trình một đề xuất để đưa một hóa chất vào danh mục trong Phụ lục A, B và/hoặc C, sẽ xác định hóa chất đó theo cách được quy định trong mục (a) và cung cấp các thông tin về hóa chất đó, cũng như các sản phẩm chuyển hóa của hóa chất đó nếu thích hợp, liên hệ với các tiêu chí sàng lọc được quy định trong các mục từ (b) đến (e):

(a) Đặc tính hóa học:

(i) Các tên, bao gồm tên nhãn hiệu, tên thương mại và tên đồng nghĩa, số Đăng ký Dịch vụ Thông tin Tóm tắt Hóa chất (CAS), tên đặt bởi Hiệp hội Quốc tế về Hóa học Thuần túy và ứng dụng (IUPAC); và

(ii) Cấu trúc, kể cả đặc tính của các chất đồng phân nếu có thể, và cấu trúc của nhóm hóa chất;

(b) Tính khó phân hủy:

(i) Bằng chứng về chu kỳ bán phân rã của một hóa chất trong nước lâu hơn hai tháng, hoặc bằng chứng về chu kỳ bán phân rã của nó đó trong đất lâu hơn 6 tháng, hoặc chu kỳ bán phân rã của nó trong trầm tích lâu hơn 6 tháng; hoặc

(ii) Bằng chứng rằng một hóa chất có tính khó phân hủy để được đưa vào xem xét trong phạm vi của Công ước này;

(c) Tích lũy sinh học:

(i) Bằng chứng về yếu tố tích lũy sinh học hoặc yếu tố tích lũy sinh học trong các loài dưới nước đối với một hóa chất lớn hơn 5,000, hoặc khi không có các dữ liệu đó thì hệ số lô ga Kow lớn hơn 5;

(ii) Bằng chứng rằng một hóa chất gây ra các lý do đáng ngại khác, như tích lũy sinh học cao ở các loài khác, độc tính hoặc độc tính sinh thải cao; hoặc

(iii) Các số liệu quan trắc trong sinh giới cho thấy tiềm năng tích lũy sinh học của hóa chất đó đủ để được xem xét trong phạm vi của Công ước này;

(d) Tiềm năng phát tán tầm xa trong môi trường:

(i) Nồng độ đo được của hóa chất tại những vị trí cách xa các nguồn phát thải hóa chất đó ở một mức độ đáng lo ngại tiềm tàng;

(ii) Các số liệu quan trắc cho thấy việc phát tán tầm xa trong môi trường của hóa chất đó, với tiềm năng di chuyển đến một môi trường tiếp nhận nó, có thể diễn ra qua đường không khí, nước hoặc các loài di cư; hoặc

(iii) Thực tế và/hoặc các kết quả mô hình cho thấy hóa chất đó có tiềm năng phát tán tầm xa trong môi trường qua đường không khí, nước hoặc các loài di cư, để có thể đến một môi trường tiếp nhận ở vị trí cách xa nguồn phát thải hóa chất đó. Đối với một hóa chất di chuyển đáng kể qua đường không khí, thì chu kỳ bán phân rã của hóa chất đó trong không khí phải lâu hơn 2 ngày; và

(e) Các ảnh hưởng có hại:

(i) Bằng chứng về các ảnh hưởng có hại đối với sức khỏe con người hoặc môi trường mà đủ lý giải việc xem xét hóa chất đó trong phạm vi của Công ước này; hoặc (ii) Các số liệu về độc tính hay độc tính sinh thái cho thấy tiềm năng hủy hoại sức khỏe con người hoặc môi trường.

2. Bên đề xuất sẽ đưa ra tuyến bố về các lý do đáng lo ngại, nếu có thể bao gồm việc so sánh các số liệu về độc tính hay độc tính sinh thái với các cấp độ được phát hiện hoặc dự báo của một hóa chất do việc phát tán tầm xa của nó trong môi trường, cũng như ra một tuyên bố ngắn gọn về yêu cầu kiểm soát toàn cầu.

3. Trong phạm vi có thể và xét các khả năng của mình, Bên đề xuất sẽ cung cấp thêm các thông tin để hỗ trợ việc thẩm định đề xuất được nói đến tại khoản 6 của Điều 8. Khi xây dựng đề xuất đó, một Bên có thể khai thác chuyên môn từ bất kỳ nguồn nào.

 

PHỤ LỤC E

YÊU CẦU VỀ THÔNG TIN CHO HỒ SƠ RỦI RO

Mục đích của công tác xét duyệt là để đánh giá xem một hóa chất phát tán tầm xa trong môi trường có khả năng dẫn đến những ảnh hưởng có hại đáng kể đến sức khỏe con người và/hoặc môi trường hay không, ở mức phải có hành động toàn cầu. Vì mục đích đó, hồ sơ rủi ro sẽ được xây dựng nhằm phân tích và đánh giá các thông tin được đề cập tại Phụ lục D, cùng với các loại thông tin dưới đây:

(a) Các nguồn thải, nếu thích hợp, bao gồm:

(i) Số liệu sản xuất, kể cả số lượng và địa điểm;

(ii) Việc sử dụng; và

(iii) Các phát thải, như nước thải, tổn hao và khí thải;

(b) Đánh giá nguy cơ đối với điểm cuối hoặc các điểm cuối liên quan, kể cả việc xem xét các mối tương tác độc học giữa nhiều hóa chất;

(c) Tình trạng trong môi trường, bao gồm các số liệu và thông tin về tính chất vật lý và hóa học của một hóa chất, cũng như sự bền vững của nó và vấn đề liên quan đến sự phát tán trong môi trường, sự dịch chuyển trong và giữa các thành phần môi trường, sự phân hủy và chuyển hóa thành các hóa chất khác. Việc xác định hệ số nồng độ sinh học hay hệ số tích lũy sinh học phải sẵn có trên cơ sở các giá trị đo đạc, trừ khi có các số liệu quan trắc được đánh giá là đã đáp ứng yêu cầu này;

(d) Các số liệu quan trắc;

(e) Khả năng ô nhiễm ở các khu vực địa phương và đặc biệt do sự phát tán tầm xa trong môi trường của hóa chất, bao gồm cả các thông tin về hiện trạng sinh học;

(f) Các đánh giá, dự báo hoặc hồ sơ rủi ro, các thông tin dán nhãn và phân cấp nguy hiểm ở cấp quốc gia và quốc tế nếu có; và

(g) Tình trạng của hóa chất đó theo các công ước quốc tế.

 

PHỤ LỤC F

CÁC THÔNG TIN CẦN CÂN NHẮC VỀ MẶT KINH TẾ - XÃ HỘI

Một đáng giá cần được tiến hành để xem xét đưa vào Công ước các biện pháp kiểm soát khả thi các hóa chất, chứa đựng đầy đủ các giải pháp, kể cả quản lý và loại trừ. Vì vậy, cần cung cấp các thông tin phù hợp về những phân tích kinh tế-xã hội liên quan đến các biện pháp kiểm soát khả thi để Hội nghị các Bên có khả năng đưa ra quyết định. Các thông tin đó phải thể hiện được mối quan tâm đúng mức đến khả năng và điều kiện khác nhau của các Bên và đồng thời cần phải có sự xem xét các mục được liệt kê dưới đây:

(a) Hiệu quả và hiệu lực của các biện pháp kiểm soát khả thi trong việc đáp ứng các mục tiêu giảm thiểu rủi ro:

(i) Tính khả thi về kinh tế; và

(ii) Các chi phí, kể cả các chi phí môi trường và sức khỏe;

(b) Các giải pháp thay thế (sản phẩm và quy trình):

(i) Tính khả thi về kỹ thuật;

(ii) Các chi phí, kể cả các chi phí môi trường và sức khỏe;

(iii) Hiệu quả;

(iv) Rủi ro;

(v) Khả năng sẵn có; và

(vi) Khả năng tiếp cận;

(c) Các tác động tích cực và/hoặc tiêu cực đến xã hội khi thực hiện các biện pháp kiểm soát khả thi:

(i) Sức khỏe, bao gồm sức khỏe cộng đồng, môi trường và sức khỏe nghề nghiệp;

(ii) Nông nghiệp, kể cả ngư nghiệp và lâm nghiệp;

(iii) Sinh giới (đa dạng sinh học);

(iv) Các phương diện kinh tế;

(v) Vận động hướng tới phát triển bền vững; và

(vi) Các chi phí xã hội;

(d) Các vấn đề về chất thải và tiêu hủy (đặc biệt là các kho thuốc bảo vệ thực vật quá hạn và làm sạch các địa điểm bị ô nhiễm):

(i) Tính khả thi về kỹ thuật;

(ii) Chi phí;

(e) Khả năng tiếp cận thông tin và giáo dục cộng đồng;

(f) Hiện trạng về năng lực kiểm soát và quan trắc; và

(g) Bất kỳ hành động kiểm soát quốc gia hay khu vực nào đã được thực hiện, kể cả thông tin về các giải pháp thay thế và thông tin thích liên quan đến quản lý rủi ro.

Công ước về chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP), 2001 Stockholm

  • Số hiệu: Khongso
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 22/05/2002
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: ***
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1900
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH