Hệ thống pháp luật

Điều 3 Công ước về chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP), 2001 Stockholm

Điều 3. Các biện pháp giảm thiểu hoặc loại trừ những phát thải do sản xuất và sử dụng có chủ định

1. Mỗi Bên sẽ:

(a) Cấm và/hoặc áp dụng các biện pháp pháp lý và hành chính cần thiết để loại trừ:

(i) Việc sản xuất và sử dụng các hóa chất được liệt kê trong Phụ lục A theo đúng quy định trong phụ lục đó; và

(ii) Việc xuất nhập khẩu các hóa chất được liệt kê trong Phụ lục A theo đúng quy định của khoản 2; và

(b) Hạn chế sản xuất và sử dụng các hóa chất được liệt kê trong Phụ lục B theo đúng quy định của phụ lục đó.

2. Mỗi Bên sẽ áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo:

(a) Nhập khẩu một hóa chất được liệt kê trong Phụ lục A hoặc Phụ lục B khi và chỉ khi:

(i) Để tiêu hủy hợp lý về môi trường như đã đề ra trong khoản 1 (d) của Điều 6; hoặc

(ii) Để sử dụng hoặc phục vụ mục đích mà Bên nhập khẩu được phép theo Phụ lục A hoặc B;

(b) Xuất khẩu một hóa chất được liệt kê trong Phụ lục A có hiệu lực miễn trừ riêng biệt đối với bất kỳ hoạt động sản xuất hay sử dụng nào, hoặc một hóa chất được liệt kê trong Phụ lục B có hiệu lực miễn trừ hoặc với mục đích được cho phép đối với bất kỳ hoạt động sản xuất hay sử dụng nào, có xét đến các điều khoản quy định trong các văn kiện quốc tế hiện hành về thỏa thuận có thông báo trước, khi và chỉ khi:

(i) Để tiêu hủy hợp lý với môi trường như đã đề ra trong khoản 1 (d) của Điều 6;

(ii) Cho một Bên được phép sử dụng hóa chất đó theo Phụ lục A hay Phụ lục B; hoặc

(iii) Cho một quốc gia không phải là một Bên tham gia Công ước này, nhưng hàng năm cấp giấy chứng nhận cho Bên xuất khẩu. Việc chứng nhận này phải chỉ rõ việc sử dụng có chủ định từng hóa chất và phải kèm theo một cam kết của quốc gia nhập khẩu đối với hóa chất đó để đảm bảo:

* Bảo vệ sức khỏe con người và môi trường bằng việc áp dụng các biện pháp cần thiết để giảm thiểu, hoặc phòng ngừa các phát thải;

* Tuân thủ các quy định trong khoản 1 của Điều 6; và

* Tuân thủ các quy định trong khoản 2, Phần II của Phụ lục B nếu thích hợp.

Hồ sơ chứng nhận sẽ đi kèm với bất kỳ văn bản thích hợp nào, như luật, các văn kiện pháp lý, hoặc các hướng dẫn hành chính hay chính sách. Bên xuất khẩu sẽ phải gửi hồ sơ chứng nhận đó cho Ban Thư ký Công ước trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đó.

(c) Một hóa chất được liệt kê trong Phụ lục A, nhưng không còn hiệu lực miễn trừ riêng biệt về sản xuất và sử dụng đối với bất kỳ Bên nào, thì Bên đó không được xuất khẩu, ngoại trừ trường hợp với mục đích tiêu hủy hợp lý về môi trường như đã đề ra trong khoản 1

(d) của Điều 6;

(d) Trong khuôn khổ của khoản này, cụm từ "Quốc gia không phải Bên tham gia Công ước" đối với một hóa chất cụ thể sẽ là một Quốc gia, hoặc một Tổ chức hội nhập kinh tế khu vực, chưa chấp nhận sự rằng buộc của Công ước đối với hóa chất đó.

3. Mỗi Bên đã có một hay nhiều kế hoạch pháp lý và đánh giá các thuốc bảo vệ thực vật mới, hoặc các hóa chất công nghiệp mới, sẽ áp dụng các biện pháp pháp lý nhằm mục đích ngăn ngừa việc sản xuất và sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật mới hoặc các hóa chất công nghiệp mới, có xét đến các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1, Phụ lục D, trình bày các đặc tính của các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy.

4. Mỗi Bên đã có một hoặc nhiều kế hoạch pháp lý và đánh giá các thuốc bảo vệ thực vật hoặc các hóa chất công nghiệp, sẽ xem xét việc áp dụng các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1, Phụ lục D trong các kế hoạch đó, khi tiến hành các đánh giá thuốc bảo vệ thực vật hoặc các hóa chất công nghiệp đang được sử dụng, nếu thích hợp.

5. Trừ khi có quy định khác trong Công ước này, các khoản 1 và 2 sẽ không áp dụng đối với những lượng hóa chất sử dụng cho nghiên cứu quy mô phòng thí nghiệm, hay dùng với tư cách là một chất đối chứng chuẩn.

6. Bất kỳ Bên nào có quyền miễn trừ riêng biệt theo Phụ lục A, hoặc quyền miễn trừ riêng biệt hay một mục đích được cho phép theo Phụ lục B, sẽ phải áp dụng các biện pháp thích hợp để đảm bảo việc tiến hành bất kỳ hoạt động sản xuất hay sử dụng dưới quyền miễn trừ hoặc mục đích được cho phép đó có sự ngăn ngừa hoặc giảm thiểu được sự nhiễm độc cho con người và phát thải vào môi trường. Đối với việc sử dụng có quyền miễn trừ hoặc với các mục đích được cho phép, nhưng phát thải có chủ định vào môi trường trong điều kiện sử dụng bình thường, thì mức độ phát thải chỉ được ở giới hạn tối thiểu cần thiết, có xem xét đến bất kỳ tiêu chuẩn và hướng dẫn nào thích hợp.

Công ước về chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP), 2001 Stockholm

  • Số hiệu: Khongso
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 22/05/2002
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: ***
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1900
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH