Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 127/BC-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 7 năm 2020

 

BÁO CÁO

TỔNG KẾT CHƯƠNG TRÌNH TỔNG THỂ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2011 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2030 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Kính gửi: Bộ Nội vụ

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH TỔNG THỂ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2011-2020

I. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI

1. Công tác chỉ đạo, điều hành

1.1. Tình hình phổ biến, quán triệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 (gọi tắt là Chương trình tổng thể) của Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Thành phố).

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, Thành phố cũng đã có Quyết định số 25/2012/QĐ-UBND ngày 22 tháng 6 năm 2012 ban hành Chương trình CCHC trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2011 - 2020.

Thành ủy Thành phố đã ban hành 02 Chương trình hành động[1] lãnh đạo về công tác CCHC, Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành Nghị quyết[2] về chương trình CCHC, nâng cao sự hài lòng của người dân và tổ chức về dịch vụ hành chính công trên địa bàn Thành phố, Thành phố đã ban hành 04 Quyết định[3] triển khai cụ thể hóa các giai đoạn triển khai thực hiện theo Chương trình tổng thể và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố đề ra. Nội dung chương trình có nhiều mục tiêu mang tính thí điểm, đột phá có ý nghĩa thực tiễn, đã mang lại nhiều kết quả thiết thực, hướng trọng tâm về cơ sở và những lĩnh vực mà công dân và doanh nghiệp có nhiều bức xúc.

Các chương trình, kế hoạch, văn bản về CCHC được Thành phố phổ biến, quán triệt kịp thời sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Thành phố đã tổ chức nhiều đợt quán triệt, tập huấn cho cán bộ, công chức tham mưu, giúp việc CCHC và lãnh đạo sở - ban, ngành, UBND quận - huyện thông qua các hình thức đa dạng: lồng ghép vào các cuộc họp nội bộ, tại Hội nghị các chuyên đề, sơ kết, tổng kết, các buổi tập huấn, phát hành cẩm nang CCHC,...

Thực hiện sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố đã ký kết Chương trình phối hợp giám sát tinh thần trách nhiệm, thái độ giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình giải quyết công việc cho tổ chức, cá nhân của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017 - 2020[4], nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X về Chương trình CCHC giai đoạn 2016 - 2020; phát huy vai trò giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc; nâng cao trách nhiệm phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, giám sát việc thực hiện CCHC của các cơ quan quản lý nhà nước ở các ngành, các cấp, góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Đến nay, công tác CCHC của Thành phố đã đạt được những kết quả tốt, có đổi mới và ngày càng tiến bộ. Hầu hết các cấp ủy đảng, thủ trưởng các ngành, các cấp đều nhận thức rõ hơn về mục đích, ý nghĩa, vai trò nhiệm vụ và tầm quan trọng của công tác CCHC, xem CCHC là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu để phục vụ nhân dân tốt hơn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

1.2. Việc xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch CCHC hàng năm; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc triển khai công tác CCHC.

Thành phố đã kịp thời ban hành các quyết định triển khai công tác CCHC giai đoạn 2011 - 2015, 2016 - 2020 theo Chương trình tổng thể của Chính phủ, Chương trình hành động của Thành ủy. Công tác CCHC thực hiện trên các lĩnh vực: cải cách thể chế hành chính, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải cách tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, cải cách tài chính công, hiện đại hóa nền hành chính và công tác chỉ đạo, điều hành.

Hàng năm, Thành phố đã kịp thời ban hành và triển khai kế hoạch thực hiện công tác CCHC[5]. Chủ tịch UBND Thành phố đã giao trách nhiệm cho Thủ trưởng các sở - ban, ngành, các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố và Chủ tịch UBND quận - huyện theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền trực tiếp chỉ đạo thực hiện nghiêm việc xây dựng kế hoạch CCHC, xác định mục tiêu cụ thể, phân công cụ thể các cơ quan, đơn vị, phòng, ban chuyên môn trực thuộc; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo định kỳ công tác CCHC theo quy định; bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ theo Quyết định số 25/2012/QĐ-UBND ngày 22 tháng 6 năm 2012 của UBND Thành phố về ban hành Chương trình CCHC trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2011 - 2020. Giao nhiệm vụ cụ thể các sở - ban, ngành có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện CCHC trên các lĩnh vực của công tác CCHC[6].

Trong quản lý điều hành, Thành phố thường xuyên kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, phân công các ngành, các cấp tăng cường thực hiện công tác CCHC theo từng lĩnh vực quản lý nhà nước. 100% cơ quan chuyên môn thuộc Thành phố và 24/24 UBND quận - huyện có xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình CCHC giai đoạn 2011 - 2020. Nhìn chung, các đơn vị khi xây dựng kế hoạch đều có phân công cụ thể trách nhiệm của từng phòng, ban, đơn vị, công chức, viên chức trong việc triển khai thực hiện CCHC. Phần lớn các đề án, nhiệm vụ đề ra trong chương trình đã cơ bản hoàn thành.

Thành phố đã có Báo cáo sơ kết, tổng kết[7] thực hiện Chương trình CCHC giai đoạn 2011 - 2015, giai đoạn 2016 - 2020. Qua đó, để khắc phục những hạn chế theo các Kết luận của Thành ủy, Thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo[8] triển khai tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác CCHC trên địa bàn thành phố.

Đặc biệt, trong năm 2018, Thành phố đã chủ động thực hiện trong công tác chỉ đạo, điều hành công tác CCHC như: (1) Đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 54/2017/QH14) và đề nghị Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành các Nghị quyết thông qua các Đề án thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14; (2) Đề nghị Hội đồng nhân dân thành phố thực hiện giám sát chuyên đề thực hiện công tác CCHC, “Nâng cao sự hài lòng của người dân và tổ chức về dịch vụ hành chính công trên địa bàn thành phố” và ban hành Nghị quyết để UBND Thành phố triển khai thực hiện[9]. Trên cơ sở Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố, Thành phố thực hiện điều chỉnh Chương trình CCHC của thành phố đến năm 2020 theo Nghị quyết số 02/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố và chỉ đạo triển khai thực hiện[10]; (3) Thực hiện công khai, minh bạch, đơn giản hóa TTHC và thực hiện tiếp nhận, xử lý và giải quyết TTHC liên thông điện tử trong lĩnh vực đầu tư - kinh doanh, xây dựng - quy hoạch, đất đai, hải quan, thuế, bảo hiểm xã hội, hộ chiếu...

Bên cạnh đó, nhằm tăng cường công tác chỉ đạo CCHC của Thành phố, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định kiện toàn Ban chỉ đạo CCHC Thành phố; kiện toàn Tổ chuyên viên giúp việc, thành lập Tổ Công tác của Ban chỉ đạo (trên cơ sở kiện toàn Tổ chuyên viên giúp việc), cũng như ban hành, sửa đổi Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo CCHC Thành phố. Trong đó, phân công cụ thể nhiệm vụ cho mỗi thành viên trực tiếp tham mưu lĩnh vực CCHC của cơ quan, đơn vị và lĩnh vực, ngành phụ trách; đề cao vai trò, trách nhiệm của đồng chí Trưởng ban/Thủ trưởng cơ quan trong chỉ đạo, điều hành công tác CCHC. Trên cơ sở Quyết định kiện toàn Ban chỉ đạo CCHC Thành phố, 24/24 quận - huyện và 100% các cơ quan chuyên môn thuộc Thành phố đã kiện toàn Ban chỉ đạo CCHC tại đơn vị.

Đặc biệt, nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, đón chào năm mới, Xuân Kỷ Hợi 2019 và Kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2019), Thành phố đã ban hành Kế hoạch phát động đợt thi đua cao điểm đón chào năm mới 2019, kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2019)[11] với chủ đề: “Mỗi đơn vị quản lý nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, mỗi tổ chức chính trị - xã hội, mỗi tổ chức Đảng có một giải pháp thiết thực, một sáng kiến CCHC giảm phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân và doanh nghiệp” góp phần tạo bước đột phá trong năm CCHC và thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội.

1.3. Việc bố trí nguồn lực triển khai

- Về tài chính: công tác CCHC chủ yếu sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước. Các cơ quan, đơn vị dự trù nguồn kinh phí cho hoạt động này còn nhiều hạn chế, vướng mắc, đặc biệt là nguồn kinh phí phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức; ứng dụng công nghệ thông tin; trang thiết bị làm việc; xây dựng, sửa chữa trụ sở làm việc... nhất là tại UBND phường - xã, thị trấn.

- Về con người: do tầm quan trọng và tính chất đặc thù của công tác CCHC, nên để thực hiện tốt và hiệu quả công tác này, cần phải có sự chung tay của cả hệ thống chính trị và nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu ở các cấp. Hiện nay, Thành phố, sở - ban, ngành, quận - huyện có thành lập Ban Chỉ đạo CCHC do Thủ trưởng cơ quan làm Trưởng ban, Tổ giúp việc ban chỉ đạo và thiết lập được hệ thống công chức đầu mối làm công tác CCHC để thực hiện nhiệm vụ. Thành phố đã xây dựng kế hoạch tăng cường công tác thông tin tuyên truyền CCHC giai đoạn 2016 - 2020[12], nâng cao năng lực đội ngũ công chức thực hiện công tác CCHC[13], thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên đề công tác CCHC[14], Tuy nhiên, lực lượng này chủ yếu làm công tác kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi nên ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả, hiệu lực của công tác này. Kinh nghiệm cho thấy, cấp ủy, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị nào quan tâm đến công tác CCHC, thì nơi đó công tác CCHC rất hiệu quả và thực chất.

- Về thông tin: công tác truyền thông hỗ trợ công tác CCHC tiếp tục được quan tâm thực hiện. Thành phố đã ban hành kế hoạch tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền CCHC giai đoạn 2016 - 2020 và hàng năm. Các kế hoạch được quy định với nhiều nội dung và hình thức đa dạng, phong phú. Ngoài công tác tuyên truyền, phổ biến công tác CCHC truyền thống như điểm tin, đăng tin, chuyên mục, chuyên đề, phát hành tờ rơi, tờ gấp trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trang thông tin điện tử, thành phố đã chủ động cung cấp thông tin; thông cáo báo chí[15]; tổ chức họp báo; trả lời - tư vấn trực tuyến; mời các đơn vị báo chí cùng tham gia các buổi họp; công khai kết quả giải quyết TTHC, kết quả kiểm tra CCHC; kết quả giải quyết, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính và thực hiện “xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”;...để các cơ quan báo chí, các cơ quan thành viên Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố có thể tham gia đánh giá, chất vấn; phản biện, góp ý các giải pháp và đưa các thông tin kịp thời, chính xác đến cá nhân, tổ chức để giám sát.

1.4. Công tác theo dõi, đánh giá Chỉ số CCHC của các cơ quan, đơn vị trực thuộc

Thực hiện Quyết định của Bộ Nội vụ về phê duyệt Đề án “Xác định chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”, hàng năm, UBND Thành phố đều thực hiện công tác tự đánh giá, chấm điểm tiêu chí, tiêu chí thành phần chỉ số CCHC Thành phố và có báo cáo gửi Bộ Nội vụ theo quy định. Căn cứ kết quả Chỉ số CCHC Thành phố do Bộ Nội vụ công bố, Thành phố đã ban hành nhiều giải pháp nhằm khắc phục các hạn chế hàng năm, nâng cao chỉ số CCHC của Thành phố trong giai đoạn 2016 - 2020[16].

Từ năm 2013, để đánh giá kết quả thực hiện công tác CCHC của các sở - ban, ngành và UBND quận - huyện, Thành phố đã ban hành Quyết định số 3923/QĐ-UBND ngày 19 tháng 7 năm 2013 về chỉ số đánh giá, xếp hạng công tác CCHC của các sở - ban, ngành, UBND quận - huyện trên địa bàn Thành phố; thành lập Hội đồng và Tổ thư ký Hội đồng đánh giá, xác định Chỉ số CCHC của các sở - ngành, UBND quận - huyện trên địa bàn Thành phố. Thành phố đã phê duyệt Đề án đánh giá Chỉ số CCHC của sở, ban, ngành, UBND quận - huyện trên địa bàn Thành phố triển khai thực hiện trong năm 2017, 2018 và 2019 phù hợp với yêu cầu, tính chất, nhiệm vụ CCHC hàng năm[17].

1.5. Những mô hình, sáng kiến nổi bật trong CCHC đã được triển khai áp dụng

Với quyết tâm triển khai có hiệu quả Nghị quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ, Thành phố đã đẩy mạnh các phong trào thi đua về CCHC, nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo đã và đang phục vụ có hiệu quả trong hoạt động quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn Thành phố; nhiều mô hình được Trung ương nghiên cứu, triển khai nhân rộng cả nước, trong đó nổi bật một số mô hình như:

- Ban hành quy chế thực hiện cơ chế một cửa liên thông nhóm TTHC thuộc lĩnh vực hộ tịch, bảo hiểm y tế và đăng ký, quản lý cư trú trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh[18] được các cơ quan Trung ương triển khai nhân rộng cả nước ban hành Thông tư liên tịch số 05/2015/TTLT-BTP-BCA-BYT ngày 10 tháng 6 năm 2015 của liên Bộ: Tư pháp, Công an, Y tế hướng dẫn thực hiện liên thông các TTHC về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp Thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi.

- Nghị quyết số 28/2018/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2018 của Hội đồng nhân dân thành phố về giảm lệ phí thực hiện các TTHC áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân thành phố; Ban hành Quy chế thực hiện liên thông nhóm thủ tục đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký thuế trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.[19]

- Phần mềm “Khảo sát không hài lòng của người bệnh tại các bệnh viện công lập trên địa bàn thành phố”; Giải pháp “Xây dựng Website mời gọi đầu tư các dự án trong các lĩnh vực của thành phố Hồ Chí Minh” http://www.ppp.tphcm.gov.vn; Ứng dụng trực tuyến tại các quận - huyện[20]; Ứng dụng trực tuyến về giao thông, quy hoạch đô thị, xây dựng, tổng đài 1022 tiếp nhận và giải đáp thông tin của người dân, tổ chức[21]....các mô hình tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nhân dân giải quyết TTHC.[22]

Các mô hình sáng kiến, giải pháp hiệu quả về giảm thời gian giải quyết TTHC[23] đã mang lại nhiêu tác động tích cực như: Giảm thời hạn giải quyết, giảm chi phí đi lại cho cá nhân, tổ chức trong thực hiện TTHC; góp phần hoàn thành tốt công tác đơn giản hóa TTHC trong thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước các lĩnh vực TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND quận - huyện, phường - xã, thị trấn; thay đổi phương thức làm việc trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch, vừa mang lại hiệu quả trong giải quyết các hồ sơ, TTHC cho người dân, doanh nghiệp, đã góp phần để Thành phố thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh theo Chỉ thị của Chính phủ.

1.6. Công tác thi đua, khen thưởng trong CCHC

Thành phố đã chỉ đạo gắn phong trào - thi đua - khen thưởng với triển khai thực hiện công tác CCHC nhằm phát huy các sáng kiến, giải pháp hay trong thực hiện công tác CCHC. Từ năm 2016, các cụm thi đua của các khối quận - huyện, sở - ban, ngành đều quy định bắt buộc phải quy định và thực hiện nội dung công tác CCHC trong thỏa ước thi đua và xem đây là “điều kiện cần” để xem xét đánh giá thi đua - khen thưởng hàng năm.

Hàng năm, Thành phố đều tổ chức sơ kết, tổng kết xây dựng chương trình CCHC cũng như khen thưởng cho 226 lượt tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện công tác CCHC. Qua đó, động viên các phong trào sáng kiến, cải tiến trong CCHC nhằm hướng tới phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

- Công tác theo dõi, đánh giá sự hài lòng của cơ quan, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế, giáo dục.

Với mục tiêu phục vụ nhân dân, xây dựng hình ảnh cán bộ, công chức thân thiện, qua đó nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, Thành phố nhận thấy việc mở rộng sự giám sát, trực tiếp đánh giá của người dân, doanh nghiệp đối với cán bộ, công chức là việc làm hết sức cần thiết, qua đó cải thiện tinh thần, trách nhiệm thực thi công vụ và thái độ tiếp dân của cán bộ, công chức. Thành phố đã quan tâm, triển khai nhiều biện pháp để lấy ý kiến khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Thành phố đang tiếp tục duy trì khảo sát sự hài lòng trên hệ thống www.danhgiahailong.hochiminhcity.gov.vn[24] song song với việc thực hiện đánh giá TTHC theo Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

UBND Thành phố đã có Thông báo số 93/TB-UBND công bố kết quả khảo sát chỉ số hài lòng của tổ chức và công dân về dịch vụ công năm 2013 đối với 10 lĩnh vực: cấp nước; thu gom rác thải; cấp phép xây dựng; cấp giấy chủ quyền nhà/đất; vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; giáo dục mầm non; y tế; nộp thuế thu nhập cá nhân; kê khai nộp các loại thuế; đăng ký kinh doanh. Kết quả cho thấy đa số hộ dân và doanh nghiệp đều có chỉ số hài lòng trên mức trung bình. Từ kết quả khảo sát chỉ số hài lòng của tổ chức và công dân về dịch vụ công năm 2013, UBND Thành phố có Công văn số 3998/UBND-CCHC ngày 13 tháng 8 năm 2014 yêu cầu Thủ trưởng các sở - ban, ngành Thành phố có liên quan chấn chỉnh những mặt còn tồn tại, hạn chế.

Triển khai Đề án đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn 2017 - 2020 của Bộ Nội vụ[25], Thành phố đã ban hành Kế hoạch đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực y tế, giáo dục trên địa bàn thành phố giai đoạn 2018 - 2020[26]. Khảo sát được thực hiện trên 02 nội dung chính: (1) Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2018; (2) Đo lường sự hài lòng của đơn vị cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực y tế - giáo dục năm 2019.

Nội dung và phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn Thành phố căn cứ chủ yếu vào Đề án Đo lường sự hài lòng của cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn 2017 - 2020 của Bộ Nội vụ để đảm bảo sự thống nhất về khung đo lường sự hài lòng trong hệ thống cơ quan hành chính và một số tiêu chí được bổ sung thêm cho phù hợp với đặc thù và nhu cầu đo lường sự hài lòng của Thành phố bao gồm 26 tiêu chí và một câu hỏi đánh giá mức độ hài lòng chung được thể hiện trên tất cả các bảng hỏi để xác định mức độ hài lòng chung của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Chỉ số hài lòng đối với sự phục vụ hành chính được tính chung cho tất cả 26 tiêu chí đánh giá, tính trên toàn địa bàn Thành phố, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính là 82,33%[27], đạt mục tiêu theo Chương trình tổng thể của Thành phố trên 80% người dân, tổ chức hài lòng đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính trên địa bàn Thành phố đã đề ra.

Trên cơ sở tham khảo bộ tiêu chí đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công lập và dịch vụ giáo dục công lập của Bộ y tế và Bộ Giáo dục và đào tạo đã được công bố (Bộ Y tế; Sáng kiến Việt Nam, 2018); kết hợp với việc vận dụng mô hình đo lường chất lượng dịch vụ SERVQUAL[28], bộ tiêu chí đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực y tế, giáo dục giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn Thành phố được xây dựng trên 07 trục nội dung chính[29], được cụ thể thành 26 tiêu chí cho lĩnh vực y tế và 29 tiêu chí cho lĩnh vực giáo dục. Đối với lĩnh vực y tế khảo sát tại 04 bệnh viện và 02 trung tâm y tế, kết quả cho thấy chỉ số hài lòng tính theo 26 tiêu chí với thang đo 05 có kết quả là 80,30% và đối với câu hỏi thiết kế hỏi về chấm điểm sự hài lòng nói chung về dịch vụ y tế theo thang đo 10, tỷ lệ hài lòng (mức điểm từ 8 trở lên) đạt 82,20%, không chênh lệch nhiều với tỷ lệ hài lòng tính theo thang đo 5 với 26 tiêu chí. Đối với lĩnh vực giáo dục thực hiện trên 18 trường học gồm 06 trường mầm non, 06 trường tiểu học và 06 trường trung học cơ sở, thuộc địa bàn 09 quận - huyện; kết quả cho thấy chỉ số hài lòng của người dân đối với cung ứng dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục tính theo 29 tiêu chí với thang đo 05 là 87,6%, đối với đánh giá hài lòng chung theo thang điểm 10, tỷ lệ hài lòng (mức từ 08 điểm trở lên) đạt 89,01%, không chênh lệch nhiều với tỷ lệ hài lòng tính theo thang đo 5 (Song song với việc đánh giá do Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố chủ trì thực hiện, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã tổ chức triển khai khảo sát trong năm 2019 đạt hài lòng 88,23%[30]). Kết quả cho thấy, Thành phố đã đạt mục tiêu theo Chương trình tổng thể về sự hài lòng của cá nhân đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp trên các lĩnh vực giáo dục, y tế đạt mức trên 80%[31].

Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình phối hợp giám sát tinh thần trách nhiệm, thái độ giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình giải quyết công việc cho tổ chức, cá nhân của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2017 - 2020, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố đã khảo sát việc phối hợp tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện quy trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với TTHC thuộc lĩnh vực hộ tịch đối với 04 cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã; ban hành kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện công tác CCHC trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố năm 2019[32] và thực hiện việc khảo sát sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính và hệ thống chính trị tại 20 sở, ban, ngành, 24 UBND quận - huyện và 105 UBND cấp xã.

2. Kiểm tra việc thực hiện

2.1. Việc xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch kiểm tra hàng năm

Thành phố thường xuyên chỉ đạo tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện kiểm tra, thanh tra công vụ, kiểm soát được các đầu mối công việc trong nội bộ các cơ quan chuyên môn trực thuộc Thành phố, tại UBND các cấp, phát huy và tăng cường trách nhiệm người đứng đầu nhằm ngăn chặn, phát hiện kịp thời các nguy cơ dẫn đến tiêu cực, quan liêu và tham nhũng; xử lý nghiêm những cá nhân, cơ quan, đơn vị tùy tiện quy định gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, tổ chức và công dân.

- Thành phố định kỳ tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện công tác CCHC tại các sở - ban, ngành, UBND quận - huyện. Từ tháng 6 năm 2011 đến nay, Thành phố đều xây dựng Kế hoạch kiểm tra công tác CCHC trên địa bàn Thành phố và đã thành lập Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra việc thực hiện CCHC tại 365 lượt đơn vị sở - ban, ngành, quận - huyện, đồng thời kiểm tra đột xuất tại các phường - xã, thị trấn. Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND Thành phố trực tiếp kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo triển khai công tác CCHC của Giám đốc các sở - ban, ngành, Chủ tịch UBND quận - huyện. Đoàn giám sát, khảo sát của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân Thành phố, Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố cũng thực hiện kiểm tra, khảo sát chuyên đề về CCHC qua các năm. Ngoài ra, Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố đã tiến hành khảo sát tình hình thực hiện công tác cải cách TTHC trên lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở; cấp phép xây dựng; hộ tịch.... Qua đó, nắm được những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của các đơn vị để tổ chức chương trình “Lắng nghe và trao đổi” về chuyên đề “CCHC trên địa bàn Thành phố” của Hội đồng nhân dân Thành phố.

- Các sở - ban, ngành và UBND quận - huyện tiếp tục tăng cường tự kiểm tra thực hiện công tác CCHC, đặc biệt tập trung đẩy mạnh kiểm tra thực hiện công vụ, thời giờ làm việc của cán bộ, công chức.

2.2. Đánh giá tác động của công tác kiểm tra đến sự chuyển biến trong công tác triển khai CCHC của các cơ quan, đơn vị; những vấn đề lớn đã phát hiện và xử lý sau kiểm tra.

- Qua kiểm tra, Thành phố đã có các văn bản chỉ đạo các sở - ban, ngành, UBND quận - huyện xây dựng kế hoạch khắc phục những mặt còn tồn tại, hạn chế và đề ra giải pháp nhằm tăng cường thực hiện công tác CCHC của cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Số lượng các đơn vị có kết quả đánh giá chỉ số CCHC xếp từ loại tốt trở lên qua các năm ngày tăng, tỷ lệ các đơn vị đạt xếp loại tốt trên 90% tổng số các đơn vị được đánh giá.

3. Thông tin, tuyên truyền

3.1. Việc xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch thông tin, tuyên truyền CCHC hàng năm.

Công tác thông tin tuyên truyền về CCHC trong thời gian qua luôn được lãnh đạo Thành phố và các cấp quan tâm, chỉ đạo sâu sát nhằm xác định rõ: Cán bộ, công chức, viên chức luôn nhận thức đầy đủ về các mục tiêu, nội dung và trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ CCHC; nâng cao nhận thức về CCHC, tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức trong triển khai thực hiện công tác CCHC và giám sát quá trình thực hiện CCHC của cơ quan hành chính nhà nước các cấp; xây dựng nên hành chính Thành phố công khai, minh bạch, từng bước khắc phục các khó khăn, bất cập tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân và doanh nghiệp thực hiện các yêu cầu hành chính có liên quan; từ đó xây dựng cầu nối thông thoáng giữa người dân và chính quyền trong nền hành chính...

Hàng năm, Thành phố và các cơ quan, đơn vị ban hành Kế hoạch tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền CCHC; yêu cầu triển khai kế hoạch với nhiều nội dung và hình thức đa dạng, phong phú; chỉ đạo một số cơ quan báo chí chủ lực của Thành phố phải xây dựng chuyên mục thông tin riêng về CCHC. Thông qua các hoạt động cụ thể như phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Hội Nhà báo Thành phố có những thông tin nhanh chóng, kịp thời đến các cơ quan báo chí tuyên truyền các văn bản, kế hoạch chỉ đạo có liên quan về lĩnh vực CCHC; chủ động cung cấp thông tin về các kế hoạch, văn bản chỉ đạo tuyên truyền về CCHC đến các cơ quan báo chí; đăng tải công khai, minh bạch lên trang thông tin điện tử các kế hoạch, văn bản chỉ đạo tuyên truyền về CCHC để người dân dễ dàng tìm kiếm cũng như tạo điều kiện để hệ thống thông tin cơ sở dễ cập nhật, tải về các nội dung cần truy cập, khai thác.

3.2. Kết quả thực hiện kế hoạch: nội dung thông tin, tuyên truyền; các hình thức thông tin, tuyên truyền đã triển khai; mức độ hoàn thành kế hoạch; đánh giá hiệu quả của thông tin tuyên truyền đối với đội ngũ công chức, viên chức của tỉnh; người dân, doanh nghiệp và xã hội.

- Công tác tuyên truyền Chương trình CCHC với nhiều hình thức thông tin đa dạng và phong phú, thông qua phương tiện thông tin đại chúng (các Báo, Đài Truyền hình, Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố,...), các cuộc giao ban báo chí định kỳ hàng quý; Xây dựng chuyên trang “CCHC” trên các cơ quan báo chí của Thành phố; chuyên mục CCHC trên Cổng thông tin điện tử của các sở - ban, ngành, UBND quận - huyện; Hệ thống đối thoại với doanh nghiệp; Sở Nội vụ phát hành cẩm nang CCHC tập 1, tập 2, tập 3 và cẩm nang Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức đến tận các phường - xã, thị trấn,...

- Các cơ quan báo, đài Thành phố ghi nhận và phản ánh những lợi ích thiết thực cũng như những mặt cần phải cải thiện[33] của công tác CCHC; từ năm 2016 - nay, đã có hơn 900 tin, bài thể hiện các nội dung chính như sau: các chỉ đạo liên quan cải cách TTHC, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC liên quan đến người dân và doanh nghiệp; sự quan tâm của lãnh đạo Thành phố trong việc chỉ đạo và điều hành quyết liệt, đưa ra các giải pháp cụ thể, tác động tích cực trong giải quyết khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, ngành, địa phương, tiếp tục tạo một môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố... Qua đó, Thành phố kịp thời nắm bắt tình hình CCHC ở những lĩnh vực “nóng hổi” như đất đai, xây dựng, đầu tư... ở các địa phương cơ sở, đề ra những giải pháp khắc phục quyết liệt[34].

- Qua phản ánh gương điển hình tiên tiến, những giải pháp sáng tạo trong phục vụ người dân, doanh nghiệp tại các cơ quan, đơn vị, phường-xã-thị trấn; các đơn vị báo chí, truyền thông đã giúp lãnh đạo Thành phố nhanh chóng tiếp cận các mô hình, giải pháp đang thí điểm trên địa bàn cũng như hỗ trợ tuyên truyền, nhân rộng các mô hình, cách làm hay trong công tác CCHC[35], phổ biến, lồng ghép các đường lối, chủ trương, chính sách, chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố về CCHC vào các chương trình thời sự định kỳ[36], tạo một diện mạo mới, niềm tin của người dân vào sự công khai, minh bạch, lắng nghe, cầu thị của bộ máy công quyền; người dân có điều kiện giám sát hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.

Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành, quận - huyện đã tổ chức tuyên truyền thông qua nhiều hình thức đa dạng như: Tờ rơi tuyên truyền, panel tuyên truyền, tổ chức các hội thi hướng tới những đối tượng khác nhau và đã thu hút được sự tham gia hưởng ứng không chỉ của cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp mà còn người dân, học sinh, sinh viên, công nhân lao động, ban quản lý chợ, ban điều hành khu phố. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền CCHC, giúp cho người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nắm bắt kiến thức liên quan đến công tác CCHC và nhu cầu của người dân từ đó đề ra các giải pháp, phương hướng trong thời gian tới.

- Nhằm tạo phong trào thi đua sôi nổi và phát huy, nhân rộng các sáng kiến, giải pháp hay trong thực hiện công tác CCHC, Sở Nội vụ đã ký kết Kế hoạch liên tịch tổ chức hội thi CCHC với Công đoàn viên chức Thành phố năm 2013, với Thành đoàn Thành phố năm 2019, qua đó góp phần tuyên truyền, tạo môi trường sinh hoạt, giao lưu, học tập trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong độ tuổi thanh niên thực hiện CCHC tại đơn vị. Ngoài ra, các quận - huyện đã chủ động tổ chức các hội thi tuyên truyền hàng năm với nhiều tiểu phẩm phong phú, đa dạng, thiết thực; các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên tổ chức các hoạt động, phong trào liên quan đến công tác CCHC.[37]

4. Đánh giá chung về công tác triển khai

4.1. Mặt tích cực đạt được

- Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC được Chủ tịch UBND Thành phố, Ban Chỉ đạo CCHC Thành phố điều hành chủ động, linh hoạt, kiên quyết, chặt chẽ, xuyên suốt và kịp thời. Công tác đánh giá các điểm trừ, nội dung hạn chế Chỉ số CCHC của Thành phố, sở - ban, ngành, UBND quận - huyện được nghiêm túc thực hiện.

- Công tác kiểm tra việc thực hiện CCHC được triển khai thực hiện đã kịp thời chấn chỉnh và đề ra các giải pháp khắc phục hạn chế, thiếu sót tại các đơn vị được kiểm tra, đồng thời đã nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành công tác CCHC tại đơn vị và công chức nâng cao ý thức phục vụ, nâng cao sự lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.

- Phát động phong trào thi đua cao điểm về CCHC, với chủ đề: “Năm đột phá CCHC và thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội”. Mỗi đơn vị quản lý nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức Đảng có một giải pháp thiết thực, một sáng kiến CCHC giảm phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân và doanh nghiệp, đã tạo chuyển biến tích cực, phát huy mạnh mẽ giải pháp, sáng kiến ở các cấp, các ngành Thành phố. Đặc biệt đã phát huy vai trò trách nhiệm trong lãnh đạo quản lý điều hành của các cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp đồng bộ của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, do đó nội dung phong trào thi đua cao điểm đã mang nhiều yếu tố sáng tạo, cụ thể, phong phú và toàn diện.

- Công tác truyền thông về CCHC tiếp tục được quan tâm định hướng và chỉ đạo thực hiện. Thành phố chỉ đạo quyết liệt việc triển khai nhân rộng các mô hình, giải pháp, cách làm hay trong công tác CCHC. Tổ chức đánh giá và công bố các “Giải thưởng Sáng tạo của Thành phố năm 2019” cho các cá nhân, tổ chức để làm động lực và kêu gọi sự tham gia của người dân, doanh nghiệp “chung tay CCHC”. Giải thưởng là động lực thực tiễn và thể hiện sự quan tâm thiết thực của lãnh đạo Thành phố đối với lực lượng các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước trong việc sáng tạo, đưa ra giải pháp trong sản xuất, kinh doanh và quản lý nhà nước góp phần to lớn trong phát triển kinh tế, xã hội Thành phố. Các cơ quan, đơn vị quyết tâm thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung về CCHC, cải cách TTHC bằng nhiều hình thức phong phú và đa dạng để người dân, doanh nghiệp biết để thực hiện và giám sát. Các đơn vị truyền thông kịp thời có những bài viết giới thiệu các mô hình hay, gương điển hình trong công tác CCHC và phản ánh các việc làm còn thiếu sót, hạn chế trong quản lý nhà nước để Thành phố có những chỉ đạo khắc phục kịp thời, xử lý triệt để, nhằm nâng cao sự hài lòng của người dân.

4.2. Tồn tại, hạn chế

- Công tác chỉ đạo, điều hành công tác CCHC đã đi vào nề nếp, bước đầu thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhưng vẫn còn một số cơ quan, đơn vị, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức chưa xác định được tầm quan trọng trong công tác CCHC, nên chưa có sự quan tâm đúng mức, chưa phát huy được tính chủ động trong điều hành, tham mưu các giải pháp CCHC. Công tác phối hợp, triển khai các nhiệm vụ chưa thật sự hiệu quả, một số công việc đã được xác định tại Kế hoạch hàng năm nhưng vẫn chậm so với mục tiêu và tiến độ đề ra.

- Công tác kiểm tra hoạt động CCHC có đổi mới nhưng kết quả xử lý sau kết luận kiểm tra chưa triệt để và quyết liệt. Công tác khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân chưa đạt kết quả như mong muốn, đặc biệt là lĩnh vực xây dựng, tài nguyên và môi trường, quy hoạch...

- Công tác truyền thông hỗ trợ CCHC còn hạn chế về quy mô và chưa phong phú và đa dạng về nội dung, hình thức. Việc tiếp cận, tìm hiểu về những mô hình, cách làm hay về CCHC ở tuyến cơ sở còn ít do nguồn thông tin của báo chí có hạn chế, chủ yếu lấy thông tin từ các hội nghị sơ kết, tổng kết nên thông tin không mang tính thời sự, cập nhật.

- Công tác đánh giá chỉ số CCHC Thành phố có sự cải thiện về điểm số nhưng chưa bền vững, ổn định, vẫn còn một nội dung bị trừ điểm hai năm liên tục. Công tác khắc phục các hạn chế bị trừ điểm trong đánh giá chỉ số CCHC hàng năm của các sở - ban, ngành, quận - huyện còn chậm.

II. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC NỘI DUNG THEO CHƯƠNG TRÌNH TỔNG THỂ CCHC NHÀ NƯỚC

1. Cải cách thể chế hành chính

1.1. Kết quả chủ yếu đã đạt được

1.1.1. Về tình hình triển khai xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật thuộc phạm vi trách nhiệm của Thành phố trên cơ sở Hiến pháp năm 2013.

Công tác tổ chức triển khai, thi hành Hiến pháp năm 2013 trên địa bàn Thành phố được Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND Thành phố, các cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Thành phố và các đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp triển khai, quán triệt, thực hiện sâu sát, kịp thời, có hiệu quả, đúng theo yêu cầu của Trung ương và phù hợp tình hình thực tế của địa phương.

Ngay sau khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực, thực hiện Quyết định số 251/QĐ-TTg ngày 13 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch của Chính phủ tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Công văn số 780/BTP-KTrVB ngày 19 tháng 3 năm 2014, Công văn số 3571/BTP-KTrVB ngày 19 tháng 8 năm 2014 của Bộ Tư pháp, Thành phố đã tổ chức rà soát 832 văn bản của Hội đồng nhân dân, UBND Thành phố ban hành trước khi có Hiến pháp và có Báo cáo số 5504/BC-STP ngày 06 tháng 10 năm 2014 về tình hình và kết quả rà soát các VBQPPL phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Kết quả: “không có văn bản nào có nội dung trái với các quy định của Hiến pháp cần phải dừng thi hành hoặc bãi bỏ ngay”.

Các quy định của Hiến pháp năm 2013 đã được quán triệt và tuân thủ nghiêm chỉnh, tất cả các văn bản của Thành phố ban hành sau khi Hiến pháp có hiệu lực không có nội dung trái hoặc không phù hợp với Hiến pháp phải đình chỉ thi hành hoặc bãi bỏ.

1.1.2. Về xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của tỉnh, trong đó, tập trung các nội dung:

- Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, việc tuân thủ quy trình xây dựng pháp luật

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, ban hành, kiểm tra, rà soát VBQPPL trên địa bàn Thành phố, trong giai đoạn 2011 - 2015, Thành phố đã ban hành Quyết định số 4605/QĐ-UBND ngày 27 tháng 9 năm 2011 về Chương trình hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) giai đoạn 2011 - 2015 tại Thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là Chương trình) với 4 Đề án:

Đề án 1: Hoàn thiện Quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL của UBND các cấp, Thành phố ban hành Quyết định số 18/2014/QĐ-UBND ngày 09 tháng 5 năm 2014 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 67/2011/QĐ-UBND ngày 24 tháng 10 năm 2011 quy định về trình tự, thủ tục ban hành VBQPPL của UBND các cấp tại Thành phố. Quyết định này đã bổ sung các quy định về quy trình soạn thảo VBQPPL có nội dung thuộc bí mật Nhà nước và các quy định về kiểm soát TTHC vào quy trình xây dựng VBQPPL của Thành phố, như việc đánh giá tác động của TTHC cần quy định, việc lấy ý kiến của cơ quan kiểm soát TTHC, hồ sơ gửi lấy ý kiến góp ý, thẩm định.

Đề án 2: Kiện toàn tổ chức pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố. Để chấn chỉnh một số hạn chế trong công tác pháp chế, Thành phố đã thành lập Đoàn công tác liên ngành khảo sát về công tác pháp chế và công tác bồi thường Nhà nước trên địa bàn Thành phố. Trên cơ sở đánh giá những kết quả đã đạt được, cũng như những tồn tại, vướng mắc, UBND Thành phố đã ban hành Chỉ thị số 09/2013/CT-UBND ngày 14 tháng 6 năm 2013 về kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động tổ chức pháp chế các cơ quan chuyên môn và doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND Thành phố. Kết quả: đã có 11 sở - ban, ngành thành lập Phòng Pháp chế; 10 sở - ban, ngành và 01 Ban Quản lý thành lập Tổ pháp chế; 02 sở - ban, ngành và 03 Ban Quản lý có bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác pháp chế. Có tổng cộng 148 cán bộ làm công tác pháp chế. Trong đó: trình độ trên đại học: 20 (có 11 thạc sỹ Luật); đại học: 121 (có 75 cử nhân luật) và cao đẳng, trung cấp: 07 người.

Đề án 3: Tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ đội ngũ cán bộ, công chức pháp chế và cán bộ, công chức kiểm soát TTHC. Thành phố đã ban hành Quyết định số 1323/QĐ-UBND ngày 14 tháng 3 năm 2012 về phê duyệt Đề án “Tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ đội ngũ cán bộ, công chức pháp chế và cán bộ, công chức kiểm soát TTHC tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2012 - 2015”. Trên cơ sở Đề án đã được phê duyệt, Sở Tư pháp đã tổ chức thành công 06 Lớp bồi dưỡng trong 03 năm (2012 - 2014), với tổng cộng 867 học viên là công chức các sở - ban, ngành, UBND các quận - huyện tham gia. Riêng năm 2014, Thành phố đã mở 02 lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ tham gia tố tụng hành chính cho đội ngũ cán bộ, công chức thuộc sở - ban, ngành, UBND quận - huyện trên địa bàn Thành phố, với 225/243 học viên (đạt tỷ lệ 92.59%) được cấp giấy chứng nhận. Qua kết quả khảo sát ý kiến của các học viên, đa số các học viên đều nhận xét việc tổ chức lớp bồi dưỡng là rất hữu ích, bổ sung rất nhiều kiến thức cho học viên, chương trình học là phù hợp, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong công tác xây dựng, kiểm tra VBQPPL, kiểm soát TTHC và nhiều ý kiến đề nghị cần tiếp tục và thường xuyên duy trì tổ chức các lớp bồi dưỡng trong những năm tiếp theo.

Đề án 4: Hoàn hiện quy định về công tác kiểm tra, xử lý VBQPPL và công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn Thành phố. Trên cơ sở kết quả tổng kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 16/2006/CT-UBND ngày 09 tháng 5 năm 2006 của UBND Thành phố về công tác kiểm tra văn bản, đánh giá tổng kết việc thực hiện Quyết định số 2697/QĐ-UBND ngày 21 tháng 6 năm 2010 của UBND Thành phố về thực hiện Đề án triển khai thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn Thành phố, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 75/2011/QĐ-UBND ngày 21 tháng 11 năm 2011 về Quy chế công tác kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa VBQPPL trên địa bàn Thành phố.

Giai đoạn 2016 - 2020, công tác này được triển khai thực hiện trong bối cảnh Quốc hội đã ban hành các đạo luật quan trọng, điều chỉnh và tác động trực tiếp đến hoạt động của Chính quyền địa phương như: Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Ban hành VBQPPL năm 2015; Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triện Thành phố Hồ Chí Minh trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai, đầu tư, tài chính - ngân sách nhà nước; quy định cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố... Do đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Thành phố trong giai đoạn này là việc triển khai thực thi các đạo luật của Quốc hội và các văn bản hướng dẫn thi hành của các cơ quan Trung ương, triển khai có hiệu quả Luật Ban hành VBQPPL năm 2015, gắn với hoàn thiện các quy định về xây dựng, ban hành VBQPPL trên địa bàn Thành phố, đồng thời, triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội. Trong giai đoạn này, Thành phố đã ban hành đồng bộ các VBQPPL và các văn bản hướng dẫn thi hành, văn bản chỉ đạo, điều hành, hoàn thiện hệ thống thể chế về công tác xây dựng, ban hành VBQPPL, kiểm tra, xử lý VBQPPL trên địa bàn Thành phố[38], qua đó đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho các đơn vị thuộc Thành phố triển khai công tác này có hiệu quả, thể hiện rõ nét kết quả của cải cách thể chế.

- Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của tỉnh Thành phố đã ban hành Chương trình lập quy nhằm cập nhật các quy định của Trung ương, Danh mục VBQPPL quy định chi tiết và ban hành các biện pháp, chính sách thi hành các Luật để xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý, giải quyết các vấn đề bức xúc của Thành phố. Trên cơ sở đó, các sở - ban, ngành đã trình Hội đồng nhân dân, UBND Thành phố ban hành 800 VBQPPL các loại[39].

Hầu hết, các VBQPPL do Hội đồng nhân dân, UBND Thành phố ban hành đúng theo quy trình, trình tự quy định; hình thức, nội dung phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn quản lý của Thành phố, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản khi được ban hành. Qua đó kịp thời điều chỉnh các quan hệ pháp luật mới phát sinh trong thực tế xã hội, đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội trên địa bàn Thành phố.

- Công tác rà soát, hệ thống hóa VBQPPL

Trong giai đoạn 2016 - 2020, công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL của Thành phố đã được đẩy mạnh thực hiện và đạt kết quả tốt. Hàng năm, UBND Thành phố đều ban hành Kế hoạch công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL trên địa bàn Thành phố và tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch đề ra.

Về công tác rà soát: Trong giai đoạn 2016 - 2020, Thành phố đã triển khai rà soát 54 chuyên đề trên nhiều lĩnh vực, với tổng số 8.112 lượt văn bản được rà soát[40]. Qua rà soát, Sở Tư pháp đã đề xuất xử lý các văn bản do Thành phố ban hành có dấu hiệu chưa phù hợp và kiến nghị đến các cơ quan Trung ương, UBND Thành phố để hoàn thiện hệ thống văn bản. Điểm nổi bật công tác rà soát trong giai đoạn 2016 - 2020 là sự chú trọng công tác rà soát theo chuyên đề, công tác rà soát ngày càng phục vụ trực tiếp cho hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Thành ủy, UBND Thành phố, nhiều chuyên đề mang tính thiết thực đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của Thành phố.

Về hệ thống hóa văn bản: UBND Thành phố ban hành Quyết định số 701/QĐ-UBND ngày 27 tháng 02 năm 2018 về công bố kết quả Hệ thống hóa VBQPPL thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Hội đồng nhân dân, UBND Thành phố trong kỳ hệ thống hóa 2014 - 2018, đã lập danh mục 770 VBQPPL còn hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Hội đồng nhân dân, UBND Thành phố trong kỳ hệ thống hóa 2014 -2018, công bố bổ sung danh mục 39 văn bản, rà soát kiến nghị và được chấp thuận chủ trương xử lý 242 văn bản không còn phù hợp. Kỳ hệ thống hóa 2014 - 2018, có ý nghĩa rất lớn trong công tác xây dựng thể chế, gắn với cải cách thể chế, với danh mục VBQPPL đã được rà soát, xác định hiệu lực pháp lý và tính phù hợp, UBND Thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các đơn vị khẩn trương tham mưu rà soát, kiến nghị xử lý các văn bản không còn phù hợp để tinh gọn và nâng cao chất lượng hệ thống VBQPPL của Thành phố.

- Công tác theo dõi thi hành pháp luật

Thực hiện Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật, Thông tư số 14/2014/TT-BTP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2012, hàng năm, căn cứ Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước, trên cơ sở Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật của Bộ Tư pháp, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật và hướng dẫn lĩnh vực trọng tâm theo dõi tình hình thi hành pháp luật từng năm, trong đó nổi bật là các lĩnh vực bảo vệ môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, y tế, lao động, thương binh và xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động,...Bên cạnh đó, trên cơ sở Quyết định số 1020/QĐ-BTP ngày 08 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch thực hiện “Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018 - 2022”, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 3110/KH-UBND ngày 11 tháng 7 năm 2018 triển khai thực hiện “Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018 - 2022” trên địa bàn Thành phố.

Trên cơ sở Kế hoạch và lĩnh vực trọng tâm theo dõi tình hình thi hành pháp luật từng năm, các đơn vị, địa phương thuộc Thành phố đã chủ động ban hành các văn bản triển khai, hướng dẫn việc thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật đối với lĩnh vực trọng tâm liên ngành và lĩnh vực pháp luật thuộc phạm vi, trách nhiệm và thẩm quyền quản lý của các đơn vị. Kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật là cơ sở để Thành phố đánh giá việc nghiêm túc thực hiện quy định pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý, cũng như có thể phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật để có giải pháp, đề xuất, nghiên cứu, kiến nghị Trung ương hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật và đẩy mạnh công tác cải cách thể chế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

1.1.3. Việc tổ chức triển khai hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước

- Việc tổ chức triển khai, đánh giá tác động của các thể chế đến các mặt của đời sống xã hội: phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, trật tự an toàn xã hội, an sinh xã hội...Việc xây dựng các Đề án, tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng VBQPPL là một hoạt động đột phá trong công tác cải cách thể chế, đã góp phần tạo ra hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn Thành phố.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, công tác cải cách thể chế trên địa bàn Thành phố đã đạt được những kết quả tích cực trên các phương diện công tác xây dựng, ban hành VBQPPL, tư vấn pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật; kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL, các quy định pháp luật và văn bản chỉ đạo của Thành phố được ban hành đã kịp thời triển khai các VBQPPL của Trung ương, bám sát thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội của Thành phố. Theo đó, các thể chế, quy định pháp luật của Thành phố được ban hành đã tạo hành lang pháp lý và làm cơ sở cho công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền Thành phố; tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, tác động và góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn Thành phố.

Trong đó, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế (đặc biệt là triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù tại Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội) đã mang đến một số tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội như góp phần tinh gọn bộ máy tổ chức, khuyến khích, nâng cao hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, các dự án chỉnh trang, phát triển đô thị của Thành phố; thu hút chuyên gia, nhà khoa học, nhân tài đóng góp cho sự phát triển của Thành phố. Đồng thời, việc xây dựng hành lang pháp lý, đẩy mạnh ủy quyền cho cơ quan chuyên môn, địa phương đã tạo sự chủ động, linh hoạt và đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục, hồ sơ hành chính trong các lĩnh vực có liên quan, góp phần phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp và cải thiện, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan, tổ chức của Thành phố.

- Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Thành phố

Về công tác kiểm tra: Sở Tư pháp đã tham mưu giúp UBND Thành phố tự kiểm tra VBQPPL do Thành phố ban hành với tổng số 589 văn bản được kiểm tra[41]. Qua tự kiểm tra, phát hiện 59 văn bản[42] có dấu hiệu chưa phù hợp, thể thức trình bày không đảm bảo quy định pháp luật (chiếm tỷ lệ 10%). Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đã thực hiện kiểm tra theo thẩm quyền đối với 859[43] VBQPPL của Hội đồng nhân dân, UBND quận - huyện ban hành, qua đó, phát hiện 334[44] sai sót về kỹ thuật trình bày, căn cứ pháp lý, thẩm quyền, nội dung.

Qua công tác tự kiểm tra văn bản và kiểm tra văn bản theo thẩm quyền, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai sót trong công tác ban hành văn bản, chủ yếu là sai sót về mặt thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản, cách xác định về thời diêm có hiệu lực của văn bản, căn cứ pháp lý ban hành văn bản, phần nơi nhận của văn bản. Thông qua công tác kiểm tra, xử lý văn bản đã góp phần nâng cao chất lượng ban hành văn bản qua việc khắc phục các sai sót và kịp thời có giải pháp chấn chỉnh.

Về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật

Thành phố xác định việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhân dân và người dân là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, nhằm nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành và thượng tôn Hiến pháp, pháp luật. Hàng năm, Thành phố đều ban hành Kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó, chỉ đạo, hướng dẫn trọng tâm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, các nội dung, lĩnh vực cần phổ biến; đồng thời giao nhiệm vụ cho các sở - ban, ngành, địa phương thực hiện các đề án, chương trình, kế hoạch về phổ biến, giáo dục pháp luật.

Trong những năm gần đây, Thành phố quan tâm thực hiện nhiều biện pháp đổi mới, đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng phù hợp với nội dung, đối tượng, địa bàn, như: phổ biến pháp luật trực tiếp, tổ chức thi tìm hiểu pháp luật, phổ biến trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua hệ thống loa truyền thanh, xe loa, pano, áp phích... trong đó, đặc biệt, đẩy mạnh công tác xã hội hóa công tác tuyên truyền pháp luật và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, Thành phố đã xây dựng Cổng thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật Thành phố (tại địa chỉ tuyentruyenphapluat.tphcm.gov.vn) với mục tiêu trở thành kênh cung cấp thông tin pháp luật chính thức cho người dân, doanh nghiệp thông qua các hình thức đa dạng, phong phú, có thể dễ dàng tương tác giữa các thành viên thông qua mạng xã hội, là nơi các cơ quan nhà nước phối hợp thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến, chia sẻ kinh nghiệm và nghiệp vụ giữa các báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; đồng thời là mô hình phù hợp để thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia tuyên truyền pháp luật cho cộng đồng, phục vụ cho việc khảo sát ý kiến, thông tin, báo cáo, thống kê qua mạng...

1.2. Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

- Thành phố Hồ Chí Minh được xác định là đô thị đặc biệt, do đó để quản lý, điều hành có hiệu quả cần có một thể chế pháp lý phù hợp. Tuy vậy, một số quy định pháp luật của Trung ương chưa phân cấp, ủy quyền quản lý một cách tương xứng cho Thành phố (ví dụ như cơ cấu tổ chức bộ máy, tiêu chuẩn của đội ngũ cán bộ, công chức, các hình thức và thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, ...); một số quy định, tiêu chuẩn, điều kiện chuyên ngành của Trung ương vì mang tính chất áp dụng chung trên phạm vi cả nước nên khi áp dụng tại Thành phố chưa mang lại hiệu quả cao trong quản lý, cũng như trong phát triển kinh tế - xã hội (như lĩnh vực công thương, xây dựng, tài chính - đầu tư công...). Từ đó, Thành phố gặp nhiều khó khăn về cơ chế, cụ thể là sự giới hạn về thẩm quyền ban hành chính sách - pháp luật, chưa có cơ chế tạo sự chủ động cho địa phương trong việc hoạch định chính sách về các vấn đề mang tính thực tiễn.

- Các VBQPPL của Trung ương thường xuyên thay đổi dẫn đến công tác cập nhật, tham mưu, hướng dẫn các quy định của cấp trên và việc tham mưu ban hành, sửa đổi, bổ sung các VBQPPL của địa phương còn chưa kịp thời. Các quy định pháp luật của cấp trên trong một số vấn đề cụ thể còn nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau, công tác hệ thống hóa VBQPPL chuyên ngành của các Bộ, ngành Trung ương vẫn chưa thường xuyên, dẫn đến việc áp dụng pháp luật của các đơn vị cấp dưới còn gặp khó khăn nhất định.

- Một số quy định của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 quy định về thẩm quyền ban hành VBQPPL của Thành phố (Điều 27 và Điều 28), nhất là việc xác định các “biện pháp” để quản lý nhà nước, thi hành luật, phát triển kinh tế - xã hội, biện pháp có tính chất đặc thù; do đó, nhiều đơn vị còn lúng túng trong việc nhận định, áp dụng để tham mưu cho UBND Thành phố các văn bản quản lý, chỉ đạo, điều hành. Quy định pháp luật về xây dựng, ban hành, kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa VBQPPL còn bất cập, thực tiễn triển khai các quy định của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ còn phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc[45].

- VBQPPL hiện hành về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật là Nghị định của Chính phủ, dẫn đến hạn chế về hiệu lực pháp lý, chưa đáp ứng được yêu cầu áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức không trực thuộc Chính phủ. Các cơ chế, công cụ để thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật chưa đầy đủ, chưa làm rõ được ý nghĩa của hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật làm hạn chế hiệu quả của công tác này. Cụ thể như: cơ quan thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật chỉ có thẩm quyền kiến nghị, đề xuất; không có biện pháp chế tài khi các chủ thể có trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật không thực hiện đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ của mình; một số nội dung yêu cầu đánh giá, theo dõi, nhưng tính khả thi không cao, không phù hợp thực tiễn, ví dụ như trong nội dung đánh giá về các điều kiện bảo đảm cho thi hành pháp luật, có các nội dung đánh giá liên quan đến tổ chức bộ máy[46] nhưng không có phương án tháo gỡ, thay đổi, do đó, việc đánh giá phần nào trở thành hình thức, trong khi các cơ quan phải tốn nguồn lực cho việc thu thập thông tin để đánh giá.

2. Cải cách thủ tục hành chính

2.1. Kết quả đạt được

2.1.1 Cải cách TTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước theo quy định của Chính phủ, các bộ, ngành

Các sở - ban, ngành, quận, huyện đã thực hiện rà soát, đơn giản hóa TTHC trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là các TTHC liên quan tới người dân, doanh nghiệp theo kế hoạch của UBND Thành phố, kịp thời phát hiện để có phương án loại bỏ hoặc sửa đổi những TTHC không phù hợp, không hợp pháp, phát hiện các thủ tục không cần thiết, và có chi phí tuân thủ cao để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ nhằm bảo đảm quy định TTHC đơn giản, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện TTHC. Xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức tùy tiện đặt ra quy định trái pháp luật, trái thẩm quyền, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân.

Triển khai giảm lệ phí thực hiện các TTHC áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đối với một số lĩnh vực[47]. Xây dựng quy trình nội bộ, quy trình điện tử giải quyết các TTHC liên thông giữa các cơ quan, đơn vị.

Từ năm 2011 - 2015, UBND Thành phố đã hoàn thành việc thực thi những TTHC thuộc thẩm quyền ban hành của UBND Thành phố là 197/197 TTHC (đạt tỷ lệ 100%). Đã thực hiện rà soát TTHC trọng tâm thuộc lĩnh vực “đầu tư - đất đai - xây dựng”. Theo đó, đã kiến nghị đơn giản hóa 77 thủ tục, trong đó, sửa đổi, bổ sung là 41 thủ tục; bãi bỏ là 18 thủ tục; bãi bỏ các bộ phận cấu thành TTHC là 18 thủ tục.

Từ năm 2016 - 2019, Thành phố thực hiện rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa (giảm số lượng, thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết...) đối với 44 TTHC và liên thông/kết hợp 3 nhóm TTHC, đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung VBQPPL quy định TTHC cho phù hợp[48]. Bên cạnh đó, một số cơ quan, đơn vị đã chủ động rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ hành chính, đa dạng hoá cách thức thực hiện TTHC theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp; phối hợp với các cơ quan liên quan để giải quyết các TTHC liên thông; cung cấp các dịch vụ để phục vụ người dân, doanh nghiệp.[49]

2.1.2 Về kiểm soát TTHC

- Việc ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch rà soát, đánh giá TTHC theo các quy định của Chính phủ

Hàng năm, Thành phố ban hành đầy đủ, kịp thời các Kế hoạch trọng tâm và văn bản chỉ đạo, điều hành, đảm bảo chất lượng và thời hạn theo yêu cầu. Cụ thể: Kế hoạch Kiểm soát TTHC; Kế hoạch rà soát, đánh giá TTHC; Kế hoạch kiểm tra, khảo sát công tác kiểm soát TTHC; Kế hoạch truyền thông; Kế hoạch tập huấn nghiệp vụ; Kế hoạch giao ban công tác và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện. Thành phố thực hiện đầy đủ chế độ thông tin báo cáo tình hình, kết quả thực hiện công tác kiểm soát TTHC, đảm bảo về thời gian, yêu cầu và chất lượng nội dung các báo cáo định kỳ, chuyên đề, đột xuất theo yêu cầu.

Thành phố đã rà soát, ban hành sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định về quy trình, quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong công tác kiểm soát TTHC. Cụ thể: Quy định một số nội dung và mức chi thực hiện các hoạt động kiểm soát TTHC trên địa bàn Thành phố[50]; Quy chế tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính trên địa bàn Thành phố[51]; Quy chế tổ chức và hoạt động của cán bộ, công chức làm đầu mối thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC trên địa bàn Thành phố[52]; Quy chế phối hợp trong công tác quy định TTHC, công bố, công khai TTHC trên địa bàn Thành phố[53]; giải pháp chấn chỉnh, tăng cường hiệu quả công tác kiểm soát TTHC trên địa bàn Thành phố[54]; quy định về thư xin lỗi trong trường hợp giải quyết TTHC trễ hạn trên địa bàn Thành phố[55]; chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện TTHC[56].

- Việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức đối với quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị

Việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức đối với quy định hành chính

Thực hiện Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi bổ sung quy định việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh, đời sống nhân dân, Thành phố đã ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính tại Thành phố[57].

Từ tháng 6 năm 2011 đến nay, cơ quan làm đầu mối tiếp nhận phản ánh, kiến nghị trên địa bàn Thành phố[58] đã tiếp nhận 507 trường hợp phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức. Các phản ánh, kiến nghị chủ yếu tập trung về hành vi chậm trễ, gây phiền hà, thực hiện hoặc không thực hiện đúng quy định của cơ quan hành chính nhà nước, của cán bộ, công chức và kiến nghị về quy định hành chính, nội dung phản ánh phần lớn liên quan đến việc giải quyết hồ sơ về nhà đất. Cơ quan làm đầu mối tiếp nhận phản ánh, kiến nghị đã có văn bản chuyển các phản ánh, kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét, xử lý theo quy định. Qua rà soát kết quả trả lời của cơ quan có thẩm quyền, nhận thấy phần lớn phản ánh, kiến nghị của người dân là có cơ sở và các cơ quan đã nghiêm túc tiếp nhận, xử lý theo đúng quy định.

Tình hình, kết quả giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố:

Từ 2015 đến 2019, các sở - ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã đã tiếp nhận 84.012.611 hồ sơ (trung bình hơn 16 triệu hồ sơ/năm). Cụ thể như sau:

Đối với các sở - ban, ngành Thành phố: Tiếp nhận 24.723.018 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn mỗi năm đạt từ 97,52% đến 99,93%.[59]

Đối với UBND quận - huyện: Tiếp nhận 11.506.571 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn mỗi năm đạt từ 98,16% đến 99,92% %.[60]

Đối với UBND xã, phường, thị trấn (số liệu của năm 2015 và từ năm 2017 đến 2018): Tiếp nhận 47.783.022 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn mỗi năm đạt từ 99,97% đến 99,99% %.[61]

- Việc cập nhật, công bố TTHC theo quy định

Thực hiện các Nghị định của Chính phủ về kiểm soát TTHC, Chủ tịch UBND Thành phố đã ban hành 111 Quyết định với 1.786 TTHC đang áp dụng, trong đó 1.474 TTHC thuộc thẩm quyền tiếp nhận của cấp tỉnh, 119 TTHC thuộc thẩm quyền tiếp nhận của cấp huyện, 113 TTHC thuộc thẩm quyền tiếp nhận của cấp xã.[62]

- Kiểm soát việc ban hành mới các TTHC thuộc thẩm quyền ban hành của Hội đồng nhân dân hoặc UBND Thành phố: Công tác cho ý kiến, đánh giá tác động TTHC được quy định tại VBQPPL do Thành phố ban hành được quan tâm, thực hiện nghiêm túc, có chất lượng. Kết quả từ năm 2015 đến 2019 đã có ý kiến 101 dự thảo có quy định/dấu hiệu quy định TTHC.

- Kiện toàn hệ thống cán bộ đầu mối thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC

Đội ngũ cán bộ đầu mối làm nhiệm vụ kiểm soát TTHC các cấp trên địa bàn Thành phố được kiện toàn theo đúng quy định và được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ; định kỳ 6 tháng một lần tổ chức họp giao ban. Đến nay, đội ngũ cán bộ đầu mối là 862 người, bao gồm: sở, ban, ngành (91 người), UBND cấp huyện (74 người), cấp xã (646 người) và hệ thống cơ quan đăng ký đất đai (51 người). Tổ chức và hoạt động theo Quy chế tổ chức và hoạt động của cán bộ đầu mối thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC trên địa bàn Thành phố[63].

- Thực hiện thư xin lỗi theo quy định: Thành phố đã ban hành quy định về Thư xin lỗi trong trường hợp giải quyết TTHC trễ hạn trên địa bàn Thành phố[64]. Đến nay, các sở - ban, ngành, UBND quận - huyện, phường - xã, thị trấn đã triển khai, thực hiện có hiệu quả việc thực hiện Thư xin lỗi đối với TTHC giải quyết trễ hạn trên địa bàn Thành phố và tại từng đơn vị.

2.1.3. Công khai TTHC theo quy định của Chính phủ

Việc công khai các TTHC được 100% các sở - ban, ngành, UBND quận - huyện, UBND phường, xã, thị trấn thực hiện theo Nghị định số 92/2017/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 02/2018/TT-VPCP của Văn phòng Chính phủ. Các cơ quan, đơn vị thực hiện công khai kịp thời TTHC, không công khai các TTHC đã hết hiệu lực thi hành. Nội dung công khai chính xác, rõ ràng, đầy đủ các TTHC và bộ phận tạo thành TTHC theo Quyết định công bố và dữ liệu được kết xuất từ Cơ sở dữ liệu quốc gia đối với TTHC trong Quyết định công bố danh mục TTHC; các mẫu đơn, mẫu tờ khai được đính kèm ngay sau TTHC. Tùy thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, các cơ quan thực hiện công khai TTHC bằng bảng gắn trên tường, bảng trụ xoay, bảng di động, công khai dưới hình thức điện tử, công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị mình nhằm tạo thuận lợi tối đa cho tổ chức, cá nhân tiếp cận, tìm hiểu và thực hiện TTHC.

Các Quyết định của Chủ tịch UBND Thành phố về công bố TTHC/Danh mục TTHC được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Văn phòng UBND Thành phố[65]; Thành phố đã công khai trên 1.776 TTHC trên Cổng dịch vụ công quốc gia[66] và Cổng thông tin điện tử của Thành phố theo đúng quy định.

2.1.4 Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC

Thành phố đã tổ chức triển khai áp dụng cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tại các sở - ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã trong giải quyết TTHC với những mô hình phù hợp trong từng giai đoạn do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ quy định[67]. Hiện nay, Thành phố đang triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo mô hình được quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP, với các kết quả đạt được như sau:

- Thành phố đã ban hành các Kế hoạch, Chương trình triển khai thực hiện và theo dõi, đôn đốc việc triển khai, thực hiện[68], cụ thể như: Kế hoạch triển khai Nghị định số 61/2018/NĐ-CP; công bố các quy trình giải quyết TTHC trên địa bàn Thành phố; đánh giá việc giải quyết TTHC, sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước; triển khai thực hiện quy định về đánh giá hài lòng giải quyết TTHC theo Nghị định số 61/2018/NĐ-CP; xây dựng, công bố quy trình nội bộ, quy trình điện tử trong giải quyết nhóm TTHC; Quy chế phối hợp giải quyết các TTHC thuộc thẩm quyền quyết định hoặc có ý kiến của UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố.

- Với các yếu tố đặc thù về giao thông, dân số, số lượng hồ sơ tiếp nhận giải quyết nên trong giai đoạn này Thành phố chưa thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công; việc kiện toàn Bộ phận một cửa cấp tỉnh được thực hiện theo Điểm b Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 61/2018/NĐ-CP. Đến nay, về cơ bản, Bộ phận Một cửa các cấp đã được kiện toàn về tổ chức, hoạt động theo quy định của Chính phủ tại Nghị định 61/2018/NĐ-CP: 13 đơn vị cấp Sở[69]; 22/24 UBND quận - huyện[70]; 295/322 UBND các phường, xã, thị trấn.

- Thực hiện quy định về xây dựng quy trình nội bộ đối với các TTHC, đến tháng 4 năm 2020, Chủ tịch UBND Thành phố đã ban hành 38 quyết định phê duyệt 702 quy trình nội bộ giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết của 3 cấp trên địa bàn Thành phố (Thành phố: 484 quy trình; quận - huyện: 133 quy trình; phường, xã, thị trấn: 85 quy trình). Thành phố đã triển khai kết nối và vận hành phần mềm giữa sở, ban, ngành liên quan với Văn phòng UBND Thành phố trong giải quyết 21 quy trình nội bộ đã được Chủ tịch UBND Thành phố phê duyệt.

- Từ năm 2015, Thành phố đã xây dựng Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử góp phần cải cách TTHC. Để tiếp tục hoàn thiện, đáp ứng các yêu cầu, điều kiện theo Nghị định 61/2018/NĐ-CP, Thành phố xây dựng Cổng dịch vụ công, phần mềm Một cửa điện tử gắn với hệ thống đánh giá hài lòng việc giải quyết TTHC theo nguyên tắc: một hệ thống tập trung, thống nhất. Cổng dịch vụ công Thành phố, hệ thống một cửa điện tử gắn với đánh giá hài lòng việc giải quyết TTHC[71] được vận hành thử nghiệm tại 03 quận - huyện và 09 phường, xã - thị trấn với 04 TTHC; đồng thời, xây dựng, triển khai 29 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Thành phố tại 18 đơn vị (04 sở, 05 quận - huyện và 09 phường, xã - thị trấn); hoàn tất thực hiện các công tác kết nối, tích hợp Cổng dịch vụ công Thành phố với Cổng dịch vụ công quốc gia đối với 29 dịch vụ công trực tuyến.

Các cơ quan ngành dọc trên địa bàn Thành phố cũng đã có những chương trình, kế hoạch và giải pháp thúc đẩy công tác CCHC, cải cách TTHC để phục vụ tốt nhất đối với tổ chức và công dân. Trong đó, nổi bật là Công an Thành phố (quản lý xuất nhập cảnh, đăng ký quản lý cư trú, đăng ký phương tiện giao thông đường bộ, cấp giấy chứng minh nhân dân, căn cước công dân); Hải quan Thành phố (hệ thống thông quan điện tử), Bảo hiểm xã hội Thành phố (cơ chế một cửa, một cửa liên thông), Kho bạc Nhà nước Thành phố...

2.1.5 Về tình hình, kết quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4

Tính đến nay, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 là: 668/1.776 TTHC chiếm 37,61%. Trong đó, mức độ 3: 433/1776 (24,38%), mức độ 4: 235/1776 (13.23%).

2.1.6. Về triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích

Hầu hết các cơ quan, đơn vị triển khai việc tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích, thực hiện niêm yết công khai theo quy định các TTHC được tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích. Qua thời gian triển khai thực hiện, phần lớn tại các cơ quan, đơn vị, số lượng hồ sơ đăng ký qua dịch vụ bưu chính công ích còn thấp, có đơn vị không phát sinh hồ sơ đăng ký. Trong 8 tháng đầu năm 2019, Thành phố đã tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích đối với 2.328.449 lượt[72].

2.1.7. Sáng kiến, giải pháp cải cách TTHC

Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, trong thời gian qua, các sở - ban, ngành, UBND quận - huyện không ngừng nghiên cứu, triển khai các giải pháp, sáng kiến, cách làm hay trong giải quyết hồ sơ TTHC góp phần tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện yêu cầu giải quyết hồ sơ TTHC, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại; rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ TTHC, giảm lượng hồ sơ TTHC bị trễ hạn; ứng dụng công nghệ thông tin để người dân, doanh nghiệp chủ động trong tìm kiếm thông tin, tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ TTHC trong một số lĩnh vực. Ủy quyền giải quyết TTHC trong một số lĩnh vực, như: thể thao, văn hóa, gia đình, xây dựng; kết hợp giải quyết và liên thông nhóm TTHC (lý lịch tư pháp, liên thông nhóm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp và cấp phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Thành phố); sáng kiến trong giải quyết hồ sơ đăng ký khai sinh, hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam; thành lập tổ tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; xây dựng các ứng dụng để phục vụ tra cứu thông tin (app SXD247, app thông tin quy hoạch); cải tiến mô hình phục vụ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, theo đó, cán bộ công chức là người chủ động tiếp cận với người dân doanh nghiệp để hướng dẫn, tiếp nhận các yêu cầu giải quyết TTHC thay vì trước đây phải lấy số thứ tự, ngồi đến lượt giải quyết,...

2.2. Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

Quy trình, TTHC dù luôn được rà soát, điều chỉnh nhưng đôi khi vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của tổ chức và công dân, việc giải quyết hồ sơ TTHC vẫn còn một số trường hợp giải quyết trễ hạn, chủ yếu là ở lĩnh vực lý lịch tư pháp, đất đai,... vì những lý do như: các cơ quan có liên quan chậm trễ trong việc trả lời xác minh; thông tin người dân cung cấp không chính xác; không có quy trình xử lý hồ sơ có tài liệu..., việc phân cấp giải quyết hồ sơ hành chính trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giữa quận và Thành phố chưa phù hợp, dẫn đến việc giải quyết hồ sơ hành chính lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn hạn chế.

3. Cải cách tổ chức bộ máy hành chính

3.1. Kết quả chủ yếu đã đạt được

3.1.1. Rà soát về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy của UBND, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện

- Tình hình triển khai các quy định của Chính phủ về tổ chức bộ máy, trong đó nêu rõ mức độ tuân thủ quy định của Chính phủ về tổ chức bộ máy

Thành phố xác định việc sắp xếp tổ chức, bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố, UBND quận - huyện phải tuân thủ đúng quy định tại các Nghị định của Chính phủ theo hướng tinh gọn, không trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, thực hiện đúng, đủ, hiệu quả nhiệm vụ được giao, trong đó chú ý kiến nghị Chính phủ, Bộ - ngành Trung ương về tổ chức các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND Thành phố, UBND quận - huyện theo chức năng nhiệm vụ phù hợp thực tế Thành phố đã, đang thực hiện tổ chức chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10 tháng 8 năm 2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020.

Trên cơ sở Nghị định số 24/2014/NĐ-CP, Nghị định số 37/2014/NĐ-CP của Chính phủ và các Thông tư liên tịch của các Bộ ngành Trung ương hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố và UBND các quận - huyện đã khẩn trương rà soát chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp tổ chức bộ máy theo quy định[73] hoặc UBND Thành phố đã có văn bản báo cáo Bộ ngành Trung ương xin ý kiến theo quy định trước khi sắp xếp[74].

Để phù hợp với tình hình thực tế của một đô thị đặc biệt như Thành phố, một số chức năng của Sở Xây dựng được UBND Thành phố giao cho Sở Giao thông vận tải[75] và Sở Tài nguyên và Môi trường[76] khi thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP[77]. Trong quá trình thực hiện Nghị định số 24/2014/NĐ-CP, UBND Thành phố tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giữ nguyên hiện trạng chức năng, nhiệm vụ của Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường. Việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường không thay đổi tổ chức bộ máy. Qua đó, các Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải có ý kiến giữ nguyên hiện trạng Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Quy hoạch - Kiến trúc chờ Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP. Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho ý kiến theo đề nghị của UBND Thành phố là chờ Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP. Do đó, đến nay, có 16/20 cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố đã ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động quy định chức năng, nhiệm vụ; còn 04/20 Sở (Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Thông tin và Truyền thông) chưa ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động. Đến ngày 27 tháng 11 năm 2018, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 5305/QĐ-UBND thực hiện việc chuyển một số chức năng từ Sở Giao thông vận tải sang Sở Xây dựng trên cơ sở thực hiện sắp xếp các đơn vị có thực hiện chức năng, nhiệm vụ về quản lý nhà nước và quản lý dự án đầu tư, xây dựng về cấp, thoát nước, cây xanh, chiếu sáng công cộng.

Thực hiện Nghị định số 37/2014/NĐ-CP, UBND Thành phố tổ chức thống nhất 12 cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận - huyện, trong đó Văn phòng UBND quận - huyện đã đổi tên thành Văn phòng Hội đồng nhân dân và UBND quận - huyện theo quy định tại Nghị định số 37/2014/NĐ-CP sau khi Thành phố Hồ Chí Minh không tiếp tục thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân quận - huyện, phường. Ngày 05 tháng 12 năm 2018, Bộ Nội vụ đã ban hành Công văn số 5954/BNV-TCBC yêu cầu trong thời gian chờ Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP, tạm dừng việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và cấp huyện. Do đó, Thành phố đã chỉ đạo tạm dừng việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố, UBND quận - huyện tại Công văn số 89/UBND-VX ngày 08 tháng 01 năm 2019.

- Kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy của tỉnh: số lượng các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc tăng, giảm qua các đợt sắp xếp tổ chức bộ máy theo các Nghị quyết của Trung ương; Chương trình hành động của Chính phủ; tình hình tổ chức thực hiện và mức độ chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị thuộc tỉnh.

So với năm 2010, thực hiện Nghị định số 24/2014/NĐ-CP và Nghị quyết số 18-NQ/TW[78], đến nay, số cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố tăng 01 (Sở Du lịch), giảm 03 Chi cục[79], giảm 07 phòng chuyên môn. Ngoài ra, đối với cơ quan hành chính khác, qua sắp xếp, đến nay Thành phố có 11[80] cơ quan, giảm 04 cơ quan[81]. UBND quận - huyện giảm Thanh tra xây dựng quận - huyện, Văn phòng Đăng ký đất đai do được chuyển về Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý tập trung một đầu mối. Căn cứ vào đặc điểm tình hình thực tế của Thành phố, để nhanh chóng ngăn chặn, giải quyết dứt điểm, căn cơ tình trạng không đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm trên địa bàn Thành phố, khắc phục các bất cập, tồn tại, rào cản trong hoạt động phối hợp liên ngành, Thành phố đã mạnh dạn đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố tại Quyết định số 2349/QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2016.

Hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng HĐND Thành phố thành Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND Thành phố, là cơ quan hành chính nhà nước tương đương cấp sở, thuộc UBND Thành phố, có chức năng tham mưu, tổng hợp, phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố, HĐND Thành phố. Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW[82] của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Thành phố chỉ đạo cơ các cơ quan chuyên môn sắp xếp lại tổ chức bộ máy, qua đó giảm 14 phòng, ban chuyên môn; chuyển Chi cục Quản lý thị trường trực thuộc Sở Công Thương về Tổng cục Quản lý thị trường và giảm 62 phòng và tương đương thuộc Chi cục. Ngoài các cơ quan chuyên môn theo quy định, Thành phố có các cơ quan mang tính chất đặc thù, cụ thể: 03 cơ quan do Thủ tướng thành lập[83]; 06 Ban Quản lý hành chính đặc thù[84]; 02 cơ quan hành chính đặc thù[85].

Thành phố phê duyệt Đề án sắp xếp lại các Ban Quản lý dự án của thành phố, quận - huyện, Ban Quản lý đầu tư các khu đô thị, Ban Quản lý đầu tư các dự án ODA theo Kết luận số 386-KL/TU[86]. Với mô hình dự kiến, thành phố có 4 ban quản lý dự án chuyên ngành; 3 Ban Quản lý dự án khu vực, 3 Ban Quản lý dự án đặc thù và 24 Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình trực thuộc UBND 24 quận - huyện. Thành phố tổ chức sáp nhập Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên đối với các quận - huyện theo Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV; tổ chức lại các “Trung tâm chuyên ngành thuộc lĩnh vực y tế dự phòng” thành “Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố” trực thuộc Sở Y tế; tổ chức lại “Trung tâm Y tế và Bệnh viện quận - huyện trực thuộc UBND quận - huyện” thành “Trung tâm Y tế quận - huyện trực thuộc Sở Y tế”. Mặt khác, Thành phố chỉ đạo Thủ trưởng các sở - ban, ngành, UBND các quận - huyện thực hiện rà soát, sắp xếp giảm các tổ chức phối hợp liên ngành[87], tiến hành rà soát hiện còn 317/425, giảm được 108 tổ chức phối hợp liên ngành do Chủ tịch UBND Thành phố thành lập và thực hiện cơ chế kiêm nhiệm nên không ảnh hưởng đến biên chế.

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, Thành phố đã tăng cường cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn Thành phố, đến nay số lượng người làm việc được UBND Thành phố giao năm 2019 giảm so với năm 2017 là: 24.687 người. Trong đó, số lượng người làm việc khối sở ngành giao năm 2019 giảm so với năm 2017 là 20.594 người và số lượng người làm việc khối quận - huyện được UBND Thành phố giao năm 2019 giảm so với năm 2017 là 4.093 người.

Thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ[88], UBND Thành phố đã tổ chức triển khai thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt chuẩn 50% cả 02 tiêu chuẩn về diện tích và dân số trên địa bàn Thành phố. Hiện nay, Thành phố đang xây dựng Đề án chi tiết để thực hiện lấy ý kiến cử tri, trình Hội đồng nhân dân các cấp thông qua (hoàn thành sau Đại hội đảng bộ quận - huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025), trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Nhìn chung, tình hình tổ chức thực hiện việc sắp xếp tổ chức, bộ máy theo các quy định của Trung ương được Thành phố tuân thủ, có kế hoạch và tích cực, chủ động trong sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Thông qua Quy chế tổ chức và hoạt động đã quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị nên mức độ chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị không có, nhất là khi chuyển một số chức năng quản lý nhà nước về cấp, thoát nước, cây xanh, chiếu sáng công cộng từ Sở Giao thông vận tải sang Sở Xây dựng thực hiện từ cuối năm 2018, đã đảm bảo theo đúng quy định[89]. Qua đó, đã không còn chồng chéo chức năng, nhiệm vụ và không còn khó khăn trong quá trình thực hiện.

- Tình hình quản lý biên chế, thực hiện tinh giản biên chế của Thành phố.

Về tình hình quản lý biên chế:

Để thống nhất nhận thức và hành động trong cả hệ thống chính trị, Thành phố nghiêm túc thực hiện Nghị định số 21/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về quản lý biên chế công chức và Nghị định số 110/2015/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về sửa đổi một số điều của Nghị định số 21/2010/NĐ-CP và triển khai đến các cơ quan, đơn vị thực hiện theo đúng quy định của Chính phủ.

Căn cứ Nghị định số 21/2010/NĐ-CP, Nghị định số 110/2015/NĐ-CP và tình hình thực tế, các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố thực hiện rà soát, báo cáo tình hình sử dụng biên chế trong năm và xây dựng kế hoạch biên chế năm sau. Đồng thời, Thành phố đã trình Bộ Nội vụ thẩm định kết quả thực hiện biên chế trong năm và kế hoạch thực hiện biên chế năm sau. Sau khi Bộ Nội vụ giao biên chế, UBND Thành phố trình Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định tổng biên chế hành chính, sự nghiệp toàn Thành phố; quyết định giao biên chế trong các cơ quan, đơn vị theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố.

UBND Thành phố đã chỉ đạo giao Sở Nội vụ định kỳ hàng năm tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình, kết quả sử dụng biên chế của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố; tổng hợp những vấn đề phát sinh, đề xuất UBND Thành phố xem xét, chỉ đạo[90]. Thực hiện ý kiến chỉ đạo trên, hằng năm, Sở Nội vụ đều xây dựng Kế hoạch kiểm tra biên chế để tổng hợp, báo cáo và xây dựng trình UBND Thành phố giao biên chế cho năm sau[91]. Kết quả đã kiểm tra 135 lượt cơ quan, đơn vị.

Tình hình quản lý biên chế giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015, Thành phố tăng biên chế nhưng giai đoạn từ năm 2015 đến nay thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17 tháng 4 năm 2015 của Bộ Chính trị, giữ ổn định bộ máy, không tăng biên chế kể cả khi thành lập mới và lần lượt giảm biên chế hàng năm, cụ thể:

Giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015: tăng 2.745 biên chế qua các năm do biến động thành lập mới các tổ chức bộ máy tại các cơ quan trên địa bàn Thành phố[92].

Giai đoạn từ năm 2015 đến nay: thực hiện các giải pháp sắp xếp tổ chức bộ máy để giảm biên chế, tự cân đối biên chế khi thành lập tổ chức mới không làm tăng biên chế[93]. Từ đó, Thành phố giao biên chế năm 2020 là 10.405 (không tính Hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP), giảm 1.928 biên chế so với biên chế Thành phố giao năm 2015 là 12.333 biên chế.

Căn cứ biên chế được giao hàng năm, Thành phố có báo cáo, giải trình số chênh lệch và có kiến nghị Bộ Nội vụ điều chỉnh tăng theo số biên chế đang sử dụng nhưng Bộ Nội vụ không tăng theo đề nghị của Thành phố[94] là chưa đáp ứng yêu cầu thực tế của Thành phố. Đối với số lượng người làm việc (biên chế sự nghiệp), từ năm 2018, Bộ Nội vụ đã giao số lượng người làm việc và Thành phố sử dụng đúng số lượng người làm việc được giao.

- Về tinh giản biên chế:

Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW và các văn bản có liên quan[95]; Thành ủy và UBND Thành phố đã tiến hành tổ chức các buổi Hội nghị quán triệt và có văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện những nhiệm vụ, Đề án tinh giản biên chế[96]. Thành phố đã phê duyệt Đề án tinh giản biên chế của các đơn vị giai đoạn 2015 - 2021, xác định tỷ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% biên chế. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp, khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi thêm 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp.

UBND Thành phố đã trình Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua Nghị quyết số 25/2017/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX, kỳ họp thứ sáu về chế độ hỗ trợ thêm đối với cán bộ nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Khi Chính phủ ban hành Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2018, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định thành lập Tổ thẩm định để trình UBND Thành phố phê duyệt danh sách tinh giản biên chế theo quy định và giao Sở Nội vụ có văn bản hướng dẫn thực hiện. Ngày 27 tháng 02 năm 2019, Sở Nội vụ đã có Hướng dẫn số 2432/HD-SNV về thực hiện Nghị định số 113/2018/NĐ-CP.

Đến nay, UBND Thành phố đã ban hành Đề án tinh giản biên chế của Thành phố và phê duyệt Đề án tinh giản biên chế của các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, Thành phố đã giải quyết được 771 trường hợp tinh giản biên chế từ khi thực hiện Nghị định số 108/2014/NĐ-CP đến nay[97] và 52 trường hợp cán bộ có tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi do không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm theo quy định tại Nghị định 26/2015/NĐ-CP[98] của Chính phủ.

- Tình hình triển khai thực hiện quy chế làm việc của Thành phố

Giai đoạn trước ngày 01 tháng 6 năm 2016

Thực hiện Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và UBND năm 2003, Nghị định số 179/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ; Quyết định số 53/2006/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế làm việc mẫu của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thành phố đã ban hành Quyết định số 55/2011/QĐ-UBND ngày 15 tháng 8 năm 2011 quy định quy chế làm việc của UBND Thành phố nhiệm kỳ 2011 - 2016. Quy chế làm việc của UBND Thành phố trong nhiệm kỳ 2011 - 2016 quy định rõ ràng vị trí, vai trò, chức trách, nhiệm vụ UBND Thành phố chỉ đạo, lãnh đạo, thực hiện trong nhiệm kỳ và phân công cụ thể các lĩnh vực theo dõi, chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND Thành phố. UBND Thành phố luôn chủ động điều chỉnh, cập nhật các công tác chỉ đạo, điều hành khi có thay đổi nhân sự và các công tác trọng tâm.

Căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội[99], Thành phố đã ban hành Quyết định số 19/2010/QĐ-UBND ngày 29 tháng 3 năm 2010 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh về ban hành Quy chế làm việc (mẫu) của UBND quận - huyện thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân. Theo đó, 24/24 UBND quận - huyện căn cứ quy chế làm việc “mẫu” nghiêm túc triển khai, xây dựng quy chế làm việc đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm do UBND Thành phố chỉ đạo; phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng tại địa phương và quy định rõ nhiệm vụ cụ thể của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận - huyện. Trong quá trình thực hiện, chỉ đạo điều hành nếu có thay đổi về nhân sự thì UBND quận - huyện liên tục cập nhật, điều chỉnh, bổ sung để đảm bảo công tác chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ, công tác được liên tục.

Giai đoạn từ ngày 01 tháng 6 năm 2016 đến nay

Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015 thay thế Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và UBND năm 2003, theo đó tái lập lại Hội đồng nhân dân cấp quận, huyện, phường, xã. Luật Tổ chức chính quyền địa phương không giao Chính phủ ban hành quy chế làm việc mẫu của UBND các cấp. Do đó, UBND Thành phố căn cứ các nhiệm vụ được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Tiếp công dân và các văn bản pháp luật có liên quan để ban hành quy chế làm việc của UBND Thành phố nhiệm kỳ 2016 - 2021 tại Quyết định số 63/2016/QĐ-UBND ngày 23 tháng 12 năm 2016. Quy chế quy định: về nguyên tắc, chế độ trách nhiệm, lề lối làm việc, trình tự giải quyết công việc và quan hệ công tác của UBND thành phố; nhiệm vụ của các thành viên UBND thành phố, các cơ quan chuyên môn, đơn vị thuộc UBND Thành phố và các tổ chức, cá nhân có quan hệ công tác với UBND Thành phố. UBND Thành phố thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; bảo đảm sự lãnh đạo của Thành ủy, sự giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố, của Nhân dân trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, ngăn ngừa và chống lãng phí, thiếu trách nhiệm, quan liêu, cửa quyền; chống tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền các cấp. Trong phân công giải quyết công việc, mỗi việc chỉ được giao cho một cơ quan, đơn vị, một người phụ trách và chịu trách nhiệm chính, xuyên suốt.

Giải quyết công việc đúng phạm vi thẩm quyền và trách nhiệm được phân công, đúng trình tự, thủ tục theo các quy định của pháp luật. Bảo đảm phát huy năng lực, sở trường và trách nhiệm của cán bộ, công chức; đề cao sự phối hợp công tác, trao đổi thông tin trong giải quyết công việc và trong mọi hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định. Bảo đảm dân chủ, rõ ràng, minh bạch và hiệu quả trong mọi hoạt động.

Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, không giao Chính phủ ban hành quy chế làm việc mẫu của UBND các cấp, do đó, 24/24 UBND quận - huyện chủ động xây dựng quy chế làm việc đảm bảo thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng nhiệm kỳ 2016 - 2021 tại địa phương và quy định rõ nhiệm vụ cụ thể của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận - huyện.

3.1.2. Đánh giá mô hình tổ chức và chất lượng hoạt động của chính quyền địa phương

- Tổ chức bộ máy của các cơ quan thuộc UBND Thành phố gồm 20 cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố; 24 quận - huyện (19 quận, 5 huyện); 322 phường, xã, thị trấn; trong đó có 12 cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận - huyện.

- Mô hình tổ chức của chính quyền Thành phố luôn thực hiện đúng theo quy định của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và UBND năm 2003, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 với yêu cầu đề ra là tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan chuyên môn theo hướng tinh gọn, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, tránh chồng chéo, trùng lắp chức năng góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực theo quy định. Thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương và cơ chế ủy quyền tại Nghị quyết số 54/2017/QH14, Chủ tịch UBND Thành phố đã ủy quyền cho Thủ trưởng các sở - ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận - huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND Thành phố tại Quyết định số 4712/QĐ-UBND[100] và Quyết định số 4713/QĐ-UBND[101]; góp phần tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị, địa phương phát huy vai trò, thế mạnh của mình trong thực hiện nhiệm vụ được giao, giảm khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các TTHC với cơ quan, đơn vị nhà nước.

- Từ năm 2016, Thành phố đã tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân 3 cấp, để tinh gọn bộ máy và nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, Thành phố triển khai thực hiện áp dụng mô hình Bí thư đồng thời Chủ tịch Hội đồng nhân dân quận, huyện tại 16/24 quận, huyện và Bí thư đồng thời Chủ tịch Hội đồng nhân dân phường, xã, thị trấn tại 166/322 phường, xã, thị trấn.

Mô hình Bí thư đồng thời Chủ tịch Hội đồng nhân đã phát huy được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của chính quyền tại cơ sở. Tạo sự thuận lợi trong việc xây dựng, triển khai, thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân quận, huyện, phường, xã, thị trấn luôn kịp thời, phù hợp với thực tế của địa phương nên có tính khả thi cao. Xây dựng các kế hoạch giám sát cụ thể đối với các ngành, lĩnh vực quan trọng tạo nên thắng lợi trong thực hiện Nghị quyết Hội đồng nhân dân hàng năm. Bên cạnh đó, mô hình cũng kịp thời giải quyết các vướng mắc khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện; thông qua các hoạt động tiếp xúc cử tri nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân tại địa phương để định hướng, chỉ đạo các cơ quan ở địa phương nhanh chóng tháo gỡ và trả lời kiến nghị của cử tri. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa Thường trực Đảng ủy có quan hệ mật thiết với Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp, thường xuyên quan tâm sâu sát, chỉ đạo kịp thời trong thực hiện Nghị quyết. Theo đánh giá trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, việc áp dụng mô hình Bí thư đồng thời Chủ tịch Hội đồng nhân dân nhìn chung đã có những kết quả tích cực, từng bước được nâng lên. Công tác chuẩn bị tổ chức kỳ họp, vai trò của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đã phát huy được vai trò là người đại biểu của Nhân dân, thực hiện đúng và đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định, thể hiện rõ nét vị trí, vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân.

- Mô hình Bí thư đồng thời Chủ tịch UBND quận - huyện, phường, xã, thị trấn đã được Thành phố triển khai từ năm 2009 khi thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân quận - huyện, phường. Sau khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực từ tháng 9 năm 2015 đã tái lập Hội đồng nhân dân quận - huyện, phường, xã, thị trấn thì mô hình này được giảm dần trong các năm qua. Nhất thể hóa chức danh Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND, đòi hỏi người cán bộ vừa thông hiểu công tác đảng lại thành thạo công tác quản lý nhà nước, là một sự thuận lợi trong quá trình định hướng phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện nhiệm vụ tại địa phương.

3.1.3. Về phân cấp quản lý

- Việc đề xuất đẩy mạnh phân cấp đối với các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Thành phố

Thành phố tích cực đề xuất Trung ương đẩy mạnh phân cấp cho Thành phố thực hiện các nhiệm vụ để phù hợp với tình hình thực tế của một đô thị đặc biệt và phát huy vai trò chủ động của mình trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngay khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2016 về phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thành phố đã ban hành Quyết định số 5531/QĐ-UBND ngày 21 tháng 10 năm 2016 về Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2016 và Công văn số 5926/UBND-VX ngày 21 tháng 10 năm 2016 gửi các Bộ ngành Trung ương các kiến nghị phân cấp của Thành phố để các Bộ ngành Trung ương xem xét trong quá trình triển khai Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ. Tại Báo cáo số 31/BC-UBND ngày 14 tháng 3 năm 2019, UBND Thành phố tiếp tục kiến nghị Trung ương phân cấp cho Thành phố một số nội dung về tài chính, đầu tư, khoa học và công nghệ, lao động - thương binh và xã hội, công thương...

Ngoài việc được Chính phủ, Bộ, ngành phân cấp theo chức năng, nhiệm vụ như các tỉnh, thành phố khác, Thành phố Hồ Chí Minh đã được Quốc hội ban hành Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017, tạo điều kiện cho Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển và thể hiện vai trò kinh tế đầu tàu của cả nước; Nghị định số 48/2017/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ Quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh bãi bỏ Nghị định số 124/2004/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ quy định về một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh và Nghị định số 61/2014/NĐ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 124/2004/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ.

- Việc thực hiện các quy định phân cấp tại địa phương

Việc thực hiện phân cấp của Thành phố Hồ Chí Minh trên một số lĩnh vực giữa Chính phủ, Bộ, ngành trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến nhằm phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mỗi cấp trong bộ máy chính quyền địa phương, vừa tăng cường quyền hạn, trách nhiệm và tính tích cực, chủ động cho cơ sở, vừa bảo đảm sự quản lý tập trung, thống nhất và thông suốt của chính quyền Thành phố, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn Thành phố, nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn, phát triển Thành phố trở thành nơi đáng sống, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. UBND Thành phố tuân thủ đúng quy định các nội dung đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương phân cấp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Để phù hợp với tình hình thực tế, Thành phố đã đề xuất tiếp tục phân cấp cho Thành phố thực hiện một số nội dung nhằm phát huy thế mạnh của Thành phố và tạo điều kiện rút ngắn thời gian thực hiện quy trình, thủ tục khi không báo cáo xin ý kiến từ Trung ương.

Thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội, Thành phố đã thông qua và triển khai thực hiện Đề án ủy quyền cho các sở - ban, ngành, UBND các quận - huyện[102] và ủy quyền cho thủ trưởng các sở - ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận - huyện[103] thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố. Các quy định phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước trên địa bàn Thành phố thời gian qua đã xác định khá rõ nhiệm vụ, trách nhiệm quản lý của các cấp; tuân thủ các quy định phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước của Trung ương, phù hợp thực tiễn quản lý của Thành phố; góp phần huy động cao nhất mọi nguồn lực để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời góp phần hoàn thành nhiệm vụ quản lý nhà nước chung của Thành phố. Kết quả phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước của Thành phố được thực hiện khá hiệu quả và cũng là một trong các giải pháp quan trọng góp phần đẩy mạnh CCHC, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thành phố.

- Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá định kỳ đối với các nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý nhà nước

UBND các quận - huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trên nhiều lĩnh vực theo tinh thần Nghị quyết số 21/NQ-CP và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trong quá trình thực hiện, có sự kiểm tra để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc và đề xuất với cấp trên các nội dung phân cấp cho phù hợp với điều kiện, thế mạnh để Thành phố ngày càng phát triển xứng đáng là đầu tàu của cả nước. Ngoài ra, Thành phố luôn bám sát các giải pháp mà Nghị quyết số 21/NQ-CP đã nêu nhằm cụ thể hóa vào tình hình thực tiễn của Thành phố, nhất là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công vụ, hoạt động quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công thông qua việc Thành phố đang xây dựng Đề án đô thị thông minh; thực hiện tốt CCHC để rút ngắn thời gian giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp.

Hàng năm, Sở Nội vụ xây dựng Kế hoạch kiểm tra công tác tổ chức bộ máy, biên chế, trong đó có kiểm tra về công tác phân cấp tại một số cơ quan, đơn vị để nắm bắt tình hình thực hiện các nội dung được phân cấp. Ngoài ra, các đơn vị cũng báo cáo việc thực hiện cải cách tổ chức bộ máy, trong đó có việc thực hiện nội dung được phân cấp theo kế hoạch kiểm tra công tác CCHC hàng năm.

- Xử lý các vấn đề về phân cấp được phát hiện sau khi tiến hành kiểm tra

Nhìn chung, việc thực hiện các nội dung phân cấp được các đơn vị thực hiện thuận lợi, tương đối tốt, chưa phát hiện nhiều vấn đề sau khi kiểm tra. Tuy nhiên, khi phát hiện vấn đề qua kiểm tra, Sở Nội vụ đều đề nghị đơn vị xử lý.

3.1.4. Về kiểm tra, đánh giá tình hình tổ chức và hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố

Hàng năm, Sở Nội vụ xây dựng và ban hành kế hoạch kiểm tra công tác tổ chức bộ máy, biên chế để đánh giá tình hình tổ chức và hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Kết quả đã kiểm tra 135 lượt đơn vị, trong đó giai đoạn năm 2011 - 2015 là 59 lượt (chủ yếu là kiểm tra biên chế); năm giai đoạn 2016-2019, kiểm tra 76 lượt (về tổ chức bộ máy, biên chế), tăng 16 lượt đơn vị.

Việc kiểm tra được thực hiện thông qua kiểm tra trực tiếp hoặc kiểm tra qua báo cáo do đơn vị gửi. Qua kiểm tra, đã đề nghị các đơn vị chấm dứt việc ký hợp đồng làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ; thực hiện xét tuyển viên chức đối với những trường hợp đang ký hợp đồng theo đúng quy định. Thực hiện nghiêm việc nghỉ 02 tuyển 01 theo đúng quy định tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17 tháng 4 năm 2015 của Bộ Chính trị. Tiếp tục rà soát, kiện toàn và sắp xếp bộ máy tinh gọn, theo đúng quy định và đẩy mạnh việc sắp xếp, tăng cường việc thực hiện tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương; thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh tinh giản biên chế có hiệu quả hơn.

3.1.5. Cải cách và triển khai trên diện rộng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công

Việc đẩy mạnh cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công được Thành phố quan tâm và thực hiện có hiệu quả góp phần tăng tính chủ động của các đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Qua đó, công tác chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp được thực hiện chủ yếu ở ngành Y tế. Đến nay, Thành phố đã chuyển 52 đơn vị sự nghiệp tự chủ chi thường xuyên với việc giảm số lượng người làm việc là 25.704 người, trong đó có 41 đơn vị sự nghiệp công lập Khối Y tế tự chủ chi thường xuyên, giảm giao số lượng người làm việc 23.714 người (gồm: Bệnh viện cấp Thành phố 19.569 người; Ban Quản lý Đầu tư xây dựng các công trình thuộc Sở Y tế 37 người và Bệnh viện quận - huyện 3.979 người).

3.1.6. Việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24 tháng 12 năm 2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã; Nghị quyết số 653/2019/NQ-UBTVQH14 ngày 12 tháng 3 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021, Thành phố đã tổ chức triển khai thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt chuẩn 50% cả 02 tiêu chuẩn về diện tích và dân số trên địa bàn Thành phố, cụ thể như sau:

- Thành phố đã ban hành Kế hoạch và thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2019 - 2021[104]. Thành phố đã tham mưu Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố trình và Ban Thường vụ Thành ủy Thông báo kết luận số 4699-TB/TU ngày 02 tháng 10 năm 2019 thống nhất với Phương án số 227/PA-BCSĐ ngày 14 tháng 8 năm 2019 về tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2019 - 2021. Trong đó, lưu ý “Việc triển khai thực hiện Phương án sắp xếp giai đoạn 2019 - 2021 nên thực hiện sau đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025”.

- Thực hiện kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy, UBND Thành phố trình Bộ Nội vụ Phương án số 4075/PA-UBND ngày 04 tháng 10 năm 2019 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2019 - 2021 và đã được Bộ Nội vụ cho ý kiến tại Công văn số 4930/BNV-CQĐP ngày 10 tháng 10 năm 2019. Thành phố đã làm việc với Bộ Nội vụ và đề nghị gia hạn thời hạn trình Đề án, Ban Thường vụ Thành ủy đang cho ý kiến để trình Bộ Chính trị xin gia hạn thời gian trình Đề án sắp xếp 19 đơn vị hành chính phường sau Đại hội đảng bộ quận - huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025. Thành phố đang xây dựng Đề án chi tiết để thực hiện lấy ý kiến cử tri, trình Hội đồng nhân dân các cấp thông qua (hoàn thành sau Đại hội đảng bộ quận - huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025), trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét.

3.2. Những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân

- Còn 04/20 sở chưa thể ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động mới theo Nghị định số 24/2014/NĐ-CP do chờ Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP theo ý kiến của các Bộ ngành Trung ương có liên quan. Từ đó, chưa tiếp tục sắp xếp được tổ chức, bộ máy tinh gọn hơn. Việc sắp xếp các cơ quan hành chính khác còn chưa tinh gọn, hiện vẫn đang sắp xếp vì có một số cơ quan phải xin ý kiến Trung ương hoặc gắn với việc sắp xếp theo việc sắp xếp cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố nhưng hiện nay đã tạm dừng, chờ Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP.

- Việc sắp xếp giảm 10% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015 theo Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương còn chậm, do tăng dân số cơ học nên thường xuyên phải thành lập mới trường học để đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra.

- Tuy có nhiều cố gắng trong việc giảm biên chế nhưng Thành phố vẫn vượt nhiều biên chế so với số biên chế được giao vì nhiều năm liền Thành phố không được tăng biên chế so với yêu cầu nhiệm vụ và tốc độ tăng dân số của Thành phố.

- Việc thực hiện tinh giản biên chế tỷ lệ còn thấp vì khi các cơ quan, đơn vị đề xuất danh sách hầu hết không thuộc đối tượng quy định. Các cơ quan, đơn vị có nhiều nỗ lực nhưng Thành phố gặp nhiều khó khăn vì phần lớn cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, năng lực đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và ngày càng chuẩn hóa.

4. Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

4.1. Kết quả chủ yếu đã đạt được

4.1.1. Kết quả triển khai và thực hiện các nội dung về cải cách chế độ công vụ, công chức

Thực hiện Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thành phố đã ban hành Quyết định số 2107/QĐ-UBND ngày 23 tháng 4 năm 2013 thành lập Ban Chỉ đạo về Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức trên địa bàn Thành phố; Quyết định số 3523/QĐ-UBND ngày 01 tháng 7 năm 2013 ban hành kế hoạch đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức của Thành phố giai đoạn từ nay đến năm 2015 và hàng năm đều ban hành Kế hoạch đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức (năm 2013, 2014, 2015).

- Về cơ cấu công chức, viên chức theo vị trí việc làm

Triển khai thực hiện công tác xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, viên chức tại Thành phố, Thành phố đã ban hành Quyết định số 3924/QĐ-UBND ngày 19 tháng 7 năm 2013 thành lập Tổ công tác triển khai việc xây dựng Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, viên chức Thành phố. Tổ công tác đã ban hành Kế hoạch số 1238/KH-TCT ngày 09 tháng 8 năm 2013 triển khai thực hiện công tác xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, viên chức. Trên cơ sở Kế hoạch của Tổ công tác, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố triển khai xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác xác định vị trí, việc làm, cơ cấu ngạch công chức, viên chức tại đơn vị mình.

Sau khi Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 2077/QĐ-BNV ngày 31 tháng 12 năm 2015 phê duyệt danh mục vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính của Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay, tất cả các quận - huyện và cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khối sở - ban, ngành; đơn vị sự nghiệp công lập cơ bản đã hoàn tất xây dựng vị trí việc làm. Tuy nhiên, việc xây dựng Đề án vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức cũng gặp một số khó khăn, lúng túng do một số cơ quan hành chính chưa được phê duyệt danh mục vị trí việc làm (tại Quyết định số 2077/QĐ-BNV) hoặc do tổ chức bộ máy chưa ổn định, đang sắp xếp, tinh gọn theo quy định gắn với thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

- Việc thực hiện đổi mới công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh: Việc tuyển dụng; thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức theo nguyên tắc cạnh tranh; thực hiện thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý; chính sách thu hút người tài vào bộ máy hành chính; đổi mới công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức.

- Công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức

Về tuyển dụng công chức

Căn cứ trên Đề án vị trí việc làm đã được Bộ Nội vụ phê duyệt và số lượng biên chế được giao là cơ sở xây dựng kế hoạch tuyển dụng công chức tại Thành phố. Công tác tuyển dụng công chức tại Thành phố được thực hiện đúng quy định pháp luật; đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh, công khai, minh bạch, khách quan. Nội dung thi tuyển công chức được xây dựng phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm cần tuyển. Qua đó, thí sinh có cơ sở chủ động đăng ký dự tuyển vào vị trí phù hợp với năng lực và chuyên ngành được đào tạo, đồng thời các sở - ban, ngành và UBND quận - huyện có cơ hội chọn lọc được những người có phẩm chất, trình độ và năng lực đáp ứng yêu cầu tuyển dụng. Trong giai đoạn 2016 - 2020, UBND Thành phố đã xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyển dụng được 715 công chức[105].

Về tuyển dụng viên chức: Công tác xét tuyển viên chức được phân cấp giao thẩm quyền tuyển dụng cho các sở - ban, ngành và UBND quận - huyện, qua đó phát huy tính chủ động, kịp thời giải quyết nhu cầu cấp bách về nhân lực (nhất là đối với ngành Giáo dục và Y tế) phục vụ Nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội trên các địa bàn trọng điểm, tập trung dân cư. Thành phố đã kịp thời triển khai các văn bản quy định và hướng dẫn của Trung ương để công tác tuyển dụng viên chức được đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Về nâng ngạch công chức và thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức:

Định kỳ hàng năm, Thành phố chủ động tổ chức các kỳ thi nâng ngạch và thăng hạng cho cán bộ, công chức, viên chức theo đề án được các Bộ - ngành phê duyệt và tổ chức các kỳ thi thăng hạng viên chức theo thẩm quyền[106] đồng thời cử công chức, viên chức tham dự các kỳ thi nâng ngạch, thăng hạng do các Bộ - ngành Trung ương tổ chức[107].

Nhằm đổi mới hình thức và nâng cao chất lượng kỳ thi tuyển công chức của Thành phố, kể từ năm 2015, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức thi trên máy tính đối với môn Ngoại ngữ, Tin học và Kiến thức chuyên ngành (trắc nghiệm). Việc tổ chức thi tuyển như trên đã tạo hiệu quả hết sức tích cực, góp phần giảm thiểu tiêu cực, phân loại thí sinh chính xác cũng như đánh giá đúng chất lượng, năng lực sử dụng công nghệ thông tin của người dự tuyển; góp phần tiết kiệm thời gian, kinh phí và rút ngắn thời gian công bố kết quả trúng tuyển, bước đầu nhận được phản ánh tích cực của dư luận.

- Công tác đào tạo, bồi dưỡng đã được tăng cường, tiếp tục đẩy mạnh tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức Thành phố giai đoạn 2016 - 2020 (lý luận chính trị; kiến thức quản lý nhà nước kỹ năng lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp huyện, cấp phòng; ngoại ngữ, tin học...), phấn đấu đạt được chỉ tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Định kỳ hàng năm, Thành phố ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nội vụ. Các chương trình, khóa học cũng được nghiên cứu, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy; cập nhật kiến thức mới về các chủ đề thực tiễn. Tỷ lệ hoàn thành kế hoạch hàng năm từ 85 - 91%, tỷ lệ chưa hoàn thành chủ yếu là do khách quan.

Về đào tạo bồi dưỡng trong nước: Tính đến hết 2019, Thành phố đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho 80.775 lượt cán bộ, công chức và 281.795 lượt viên chức (phụ lục đính kèm). Công tác đào tạo, bồi dưỡng được triển khai sâu rộng đến từng địa phương, đơn vị. Một số các sở - ban, ngành, quận - huyện đã chủ động thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý.

Về Đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài: Thành phố tiếp tục lãnh đạo thực hiện đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài về kiến thức quản lý chuyên sâu cho từng ngành, lĩnh vực. Tính đến hết 2019, đã cử 1.549 lượt cán bộ, công chức và 2.946 lượt viên chức tham gia các khóa học do Thành phố tổ chức. Ngoài các chương trình bồi dưỡng do ngân sách Thành phố tài trợ, các cơ quan, đơn vị còn phối hợp với các cơ sở đào tạo, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thông báo, cử nhân sự tham gia khóa học, chương trình học bổng của nước ngoài (Chương trình học bổng phát triển ADS của Chính phủ Úc, Chương trình học bổng ITEC của Ấn Độ; Chương trình học bổng JICA của Nhật Bản...).

Thành phố đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức đào tạo đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy. Trong đó, chú trọng cập nhật nội dung, kiến thức mới về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, lấy người học làm trung tâm, tăng thời lượng thực hành, thảo luận các chủ đề sát với thực tiễn công tác chuyên môn và các vấn đề kinh tế - xã hội của Thành phố. Sau mỗi khóa học, đều tổ chức lấy ý kiến góp ý của học viên về công tác tổ chức lớp học cũng như nội dung giảng dạy. Qua đó, kịp thời phối hợp cùng các cơ sở đào tạo để nghiên cứu đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, cập nhật kiến thức mới phù hợp yêu cầu thực tiễn.

Thực hiện thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý

Để nâng cao chất lượng lãnh đạo, quản lý, thực hiện chủ trương, giải pháp đổi mới công tác quản lý cán bộ, nhằm bảo đảm công tác lựa chọn cán bộ được thực hiện công khai, dân chủ, Thành phố đã ban hành Quyết định số 447/QĐ-UBND ngày 23 tháng 01 năm 2014 phê duyệt Đề án thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong năm 2015, Thành phố thực hiện chủ trương tuyển chọn tất cả các vị trí lãnh đạo cấp Phòng và tương đương tại các cơ quan hành chính phải được quyết định thông qua thi tuyển. Hiện nay, việc xây dựng Đề án thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, đơn vị[108] được giao cho Ban Tổ chức Thành ủy chủ trì tham mưu xây dựng để áp dụng thực hiện chung cho khối Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội Thành phố. Ban Tổ chức Thành ủy đã hoàn thiện dự thảo Đề án theo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy về tiếp tục nghiên cứu Nghị quyết số 26 - NQ/TW ngày 19 tháng 5 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương 7 Khóa XII về “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” và đang trình Ban Thường vụ Thành ủy xem xét quyết định để tổ chức thực hiện. Tính đến nay, Thành phố đã tổ chức thi tuyển lãnh đạo cấp phòng tại Sở Tư pháp và Ban Dân vận Thành ủy.

- Chính sách thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Từ năm 2014, Thành phố đã thực hiện thí điểm một số chính sách thu hút chuyên gia khoa học công nghệ[109]. Triển khai các đề án thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội, Thành phố đã trình Hội đồng nhân dân Thành phố Đề án về chính sách thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và Đề án về chính sách thu hút người có tài năng đặc biệt đối với các lĩnh vực Thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu giai đoạn 2018 - 2022. Ngày 07 tháng 12 năm 2018, Hội đồng nhân dân Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 20/2018/NQ-HĐND về mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực Thành phố có nhu cầu thu hút giai đoạn 2018 - 2022[110]. Ngày 04 tháng 7 năm 2019, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 17/2019/QĐ-UBND ban hành Quy định về chính sách thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đối với các lĩnh vực Thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu giai đoạn 2019 - 2022,[111] đồng thời ban hành các Quyết định thành lập và ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của các Hội đồng thu hút để thực hiện chính sách nêu trên[112].

Thành phố tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trình độ cao cho Thành phố như: Chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; Chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi và Chương trình tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân (do Sở Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy thực hiện). Theo đó, các học viên chương trình sau khi được tuyển chọn, đào tạo sẽ được cơ quan, đơn vị cử tham dự các kỳ thi tuyển công chức Thành phố hoặc xét tuyển viên chức theo quy định. Thành phố cũng ban hành Đề án đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kỹ sư, chuyên gia vận hành công trình hạ tầng giao thông và kỹ thuật đô thị của Thành phố giai đoạn 2018 - 2020[113] để chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực chất lượng cao cho các công trình dự án trọng điểm.

Việc xây dựng chính sách thu hút nêu trên đã tạo động lực mới trong phát triển các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, công nghệ cao trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, kỷ nguyên tri thức, góp phần đưa Thành phố thành nơi thu hút, hội tụ nhân tài.

- Việc áp dụng công nghệ thông tin, các mô hình, phương pháp, công nghệ hiện đại trong quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Kể từ năm 2015, Thành phố đã áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thông qua việc xây dựng phần mềm quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức (viết tắt là phần mềm). Từng sở - ban, ngành Thành phố và UBND quận - huyện được cấp tài khoản và mật khẩu để kịp thời cập nhật, quản lý hồ sơ của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý.

Qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, đã góp phần giúp công tác tổng hợp được chính xác và nhanh chóng hơn, hồ sơ, dữ liệu của cán bộ, công chức, viên chức có thể được trích xuất nhanh chóng khi cần; công tác lưu trữ được hiệu quả hơn và trình tự, thủ tục giải quyết hồ sơ được nhanh chóng hơn. Hiện nay, bước đầu Thành phố đã ứng dụng thực hiện thủ tục nâng lương thường xuyên, nâng lương trước niên hạn thông qua phần mềm quản lý hồ sơ hành chính và không còn giải quyết thông qua hình thức tiếp nhận hồ sơ giấy.

- Công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức

Thực hiện Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 06 năm 2015 của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức, hàng năm Thành phố đều ban hành văn bản hướng dẫn một số nội dung về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức và người quản lý doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố để các đơn vị có cơ sở thống nhất thực hiện tốt công tác đánh giá theo quy định mới. Sau đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan đơn vị rà soát, tiến hành lập thủ tục giải quyết thôi việc đối với những trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ liên tục 02 năm liền, đồng thời nhắc nhở, phê bình, chấn chỉnh số công chức, viên chức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực để số công chức, viên chức này phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ vào năm sau và những năm tiếp theo.

Ngày 16 tháng 3 năm 2018, Hội đồng nhân dân Thành phố đã thông qua Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND về ban hành quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố quản lý. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức sẽ được hưởng thu nhập tăng thêm trên cơ sở kết quả đánh giá, phân loại hàng quý từ mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

- Đổi mới công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức

Để công tác đánh giá có hiệu quả, thực chất, khách quan, minh bạch, Thành phố đã triển khai nghiên cứu các mô hình đánh giá của một số tỉnh thành, địa phương trong cả nước và tham khảo các phương pháp đánh giá do các tổ chức nước ngoài tư vấn để xây dựng quy chế đánh giá, phân loại cho Thành phố. Thành phố đã ban hành Quy định về đánh giá, phân loại hàng quý theo hiệu quả công việc đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn Thành phố[114]. Việc xây dựng hệ thống tiêu chí có tính định lượng, khách quan và chính xác và cơ chế đánh giá công khai, minh bạch nhằm triển khai thực hiện hỗ trợ thu nhập có hiệu quả, đúng người, đúng đối tượng trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao của cán bộ, công chức, viên chức và có tham khảo kết quả đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Ngày 03 tháng 9 năm 2019, Thành phố đã ban hành Quyết định số 3728/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh giá, phân loại hàng quý nhằm hoàn thiện hệ thống tiêu chí phù hợp với điều kiện, đặc thù của từng cơ quan, đơn vị.

- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức

Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ và giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, Thành phố đã ban hành Chỉ thị số 10/2013/CT-UBND ngày 20 tháng 6 năm 2013 về tăng cường quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người quản lý doanh nghiệp, tiến hành kiểm tra việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người quản lý doanh nghiệp tại 04 sở - ban, ngành, 05 UBND quận - huyện và 02 doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Thành phố. Ngoài ra, các sở - ban, ngành, UBND quận - huyện cũng chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị mình. Qua đó, góp phần thực hiện tốt việc đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính.

Triển khai thực hiện Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ, Thành phố cũng đã kịp thời có văn bản chỉ đạo thực hiện chấn chỉnh thái độ ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành công vụ[115]. Theo đó, các sở - ban, ngành, UBND quận - huyện phải thường xuyên đôn đốc, quán triệt và tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là phong cách, thái độ làm việc phải nghiêm túc, chuẩn mực; phải lịch sự, tôn trọng và hỗ trợ kịp thời người dân và doanh nghiệp đến làm thủ tục tại cơ quan, đơn vị.

Từ năm 2016, Thành phố đã triển khai thực hiện Quy định về Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Nội vụ đã tiến hành thanh tra tại 64 đơn vị[116]; kiểm tra việc thực hiện Quy tắc ứng xử và các hoạt động công vụ tại 30 đơn vị. Qua thanh tra, kiểm tra chưa phát hiện sai phạm có dấu hiệu phạm tội tham nhũng, chủ yếu kết luận các nội dung liên quan hoạt động quản lý điều hành về công tác tổ chức nhân sự của các đơn vị (công tác quy hoạch, bổ nhiệm, đào tạo, kỷ luật...); các kiến nghị trong kết luận thanh tra đều được Lãnh đạo cấp ủy đảng cũng như chính quyền các đơn vị đều nghiêm chỉnh chấp hành Kết luận thanh tra, các đơn vị có sai phạm kiến nghị chấn chỉnh, kiểm điểm rút kinh nghiệm trong công tác nhân sự và tổ chức bộ máy nhà nước nhằm giúp đơn vị hoàn thiện các mặt công tác đi vào nề nếp và đúng với quy định của pháp luật.

4.1.2. Về công chức cấp xã

- Cơ cấu, số lượng

Từ năm 2011 đến nay, việc bố trí các chức danh chuyên môn của UBND cấp xã theo quy định tại Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05 tháng 12 năm 2011 và Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 và Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ, hiện tại số lượng cán bộ, công chức cấp xã được giao theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP là 3.164 người. Trong đó:

Trình độ học vấn: Tốt nghiệp cấp II: 13 người (0,4%), cấp III: 3.151 người (99,6%);

Trình độ chuyên môn nghiệp vụ: Sơ cấp: 27 người 0.85%), trung cấp: 376 người (11,88%), cao đẳng: 149 người (4,70%), đại học trở lên: 2.612 (82,55%);

Trình độ quản lý nhà nước: Sơ cấp: 877 người (27,7%); cán sự: 97 người (3,06%); chuyên viên: 1.217 người (38,46%); chuyên viên chính trở lên: 08 người (0,25%); trung cấp: 829 người (26,20%), đại học trở lên: 136 người (4,29%).

Trình độ lý luận chính trị: Sơ cấp: 870 người (27,49%), trung cấp: 2.224 người (70,29%), cao cấp: 56 người (1,76%), đại học trở lên: 14 người (0,44%),

Việc bố trí số lượng và chức danh công chức cấp xã trong từng giai đoạn được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đủ số lượng có cơ cấu phù hợp theo đơn vị hành chính, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đạt tiêu chuẩn quy định, đảm bảo hiệu quả hoạt động của phường - xã, thị trấn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ tại địa phương. Công tác tuyển dụng, bố trí các chức danh công chức cấp xã được thực hiện nghiêm túc theo tiêu chuẩn nghiệp vụ quy định, đã từng bước chuẩn hóa đội ngũ công chức cấp xã trong thực hiện các nhiệm vụ được phân công, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả và hiệu lực của bộ máy chính quyền cơ sở. Phần lớn công chức cấp xã hiện nay đã qua đào tạo, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tiếp cận nhanh với công nghệ thông tin, được trẻ hóa, nhiệt tình, có trách nhiệm trong thực thi công vụ, bước đầu đáp ứng được yêu cầu.

- Về chất lượng: Với mục tiêu xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, hàng năm Thành phố đều ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức nói chung và công chức cấp xã nói riêng, qua đó chất lượng đội ngũ công chức cấp xã từng bước được nâng lên, cơ bản đảm bảo trình độ chuyên môn, kỹ năng công tác đúng theo Nghị định số 112/2011/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày 06 tháng 11 năm 2019 của Bộ Nội vụ; công chức được bố trí theo đúng với trình độ chuyên môn, chuyên ngành được đào tạo đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao hiệu quả điều hành quản lý xã hội của chính quyền cấp xã. Các chính sách đối với công chức phường được đảm bảo theo quy định, bên cạnh các chính sách như: phụ cấp công vụ, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; Thành phố còn thực hiện chính sách trợ cấp khuyến khích cho công chức có bằng Đại học làm việc tại cấp xã.

4.2. Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

- Cơ chế, chính sách khuyến khích chưa đủ thu hút, tuyển dụng được nguồn lực bác sĩ về công tác tại Trung tâm Y tế một số huyện; mặt khác, số y sĩ được cử đào tạo bác sĩ, sau khi hoàn thành khóa học có nguyện vọng chuyển công tác về bệnh viện hoặc hoạt động hành nghề tư nhân.

- Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa thực sự chuyển biến rõ nét; vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thực hiện chưa nghiêm Quy tắc ứng xử, bị người dân, báo chí phản ánh. Tỷ lệ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với thái độ phục vụ và chất lượng giải quyết hồ sơ, TTHC của các cơ quan, đơn vị có tăng lên nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng của Thành phố.

- Công tác kiểm tra, giám sát đã được thực hiện kịp thời nhưng mức độ và hiệu quả chưa đồng đều ở tất cả các cấp, các ngành, lĩnh vực. Một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt công tác kiểm tra, giám sát công vụ theo thẩm quyền.

- Công tác triển khai và xây dựng Kế hoạch đào tạo ở một số sở - ban, ngành, quận - huyện còn chậm, kế hoạch còn chung chung, chưa thể hiện số liệu, chỉ tiêu cụ thể; một số đơn vị chưa xây dựng kế hoạch dài hạn một cách bao quát, đầy đủ và đồng bộ; việc chuẩn hóa, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ đương nhiệm, cán bộ, công chức trẻ trong nguồn quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý trong nhiệm kỳ tới của một số đơn vị chưa có sự đầu tư và tập trung nên hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng chưa cao; bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa gắn kết chặt chẽ với chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc trong bộ máy nhà nước của Thành phố.

- Việc thực hiện tinh giản biên chế và luân chuyển công chức tại một số đơn vị chưa thật sự hiệu quả, còn mang tính hình thức, do người đứng đầu chưa thật sự quyết liệt trong tổ chức thực hiện, vẫn còn tâm lý ngại khó, ngại thay đổi nên đưa ra nhiều lý do để giữ lại người có năng lực nhưng đồng thời không mạnh dạn tinh giản những cán bộ, công chức làm việc không hiệu quả. Vẫn còn tình trạng nhận xét, đánh giá hàng tháng, hàng năm còn mang tính cả nể, chưa đánh giá đúng, đầy đủ việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của công chức.

- Đối với chất lượng và cơ cấu, số lượng đội ngũ công chức cấp xã, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, cụ thể:

Một số công chức cấp xã được đào tạo và bố trí đúng chuyên môn nhưng không phát huy được sở trường, thiếu năng động, chủ động giải quyết công việc; năng lực và kỹ năng hành chính, kỹ năng vận dụng các kiến thức đã được đào tạo, bồi dưỡng của một số cán bộ, công chức vào công việc cụ thể còn yếu. Một số công chức ý thức tổ chức kỷ luật chưa cao, vi phạm nội quy, quy chế làm việc hoặc có biểu hiện sách nhiễu, gây phiền hà khi giải quyết công việc với người dân và tổ chức. Một số công chức cấp xã chưa có ý thức phấn đấu, chưa tích cực học tập, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực giải quyết công việc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Cơ cấu, số lượng công chức cấp xã được bố trí theo Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ, tuy nhiên trong thực tế có độ chênh và thiếu cân đối khi bố trí đồng bộ, thống nhất như quy định hiện nay, nguyên do một số phường - xã, thị trấn có quy mô dân số, diện tích và yếu tố đặc thù có sự khác biệt không đồng đều dẫn đến khối lượng công việc tại các phường - xã, thị trấn khác nhau; do vậy, cần có số lượng công chức phù hợp đảm bảo với nhu cầu công việc thực tiễn của từng địa phương. Trung ương chưa có cơ chế phù hợp để thu hút nguồn nhân lực có chất lượng về công tác tại chính quyền cấp xã.

5. Cải cách tài chính công

5.1. Kết quả chủ yếu đạt được

5.1.1. Tình hình triển khai các chính sách cải cách về thu nhập, tiền lương, tiền công và các chính sách an sinh xã hội.

- Về tiền lương, tiền công và thu nhập

Trong khu vực hành chính, sự nghiệp: Căn cứ quy định về ban hành mức lương cơ sở và xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở theo lộ trình tăng lương, Thành phố có văn bản triển khai và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xác định nhu cầu, báo cáo nguồn kinh phí và đề xuất bổ sung nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp để thực hiện trong trường hợp nguồn tại đơn vị không đảm bảo nhu cầu chi.

Trong khu vực doanh nghiệp nhà nước: Trên cơ sở mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ ban hành, doanh nghiệp xây dựng thang, bảng lương theo quy định tại Nghị định số 49/2013/NĐ-CP để làm cơ sở thỏa thuận lương và trả lương cho người lao động.

Ngoài ra, trên cơ sở Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; ngày 16 tháng 3 năm 2018, Hội đồng nhân dân Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND về Quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố quản lý (được sửa đổi theo Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND ngày 9 tháng 12 năm 2019); việc triển khai thực hiện chi thu nhập tăng thêm mục đích tạo điều kiện chăm lo an sinh xã hội, tạo động lực làm việc, tích cực sáng tạo, đổi mới nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của từng địa phương, từng đơn vị; góp phần động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nâng cao năng suất phục vụ và hiệu quả công việc.[117]

- Các chính sách an sinh xã hội

Thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội: Thành ủy và UBND Thành phố đã chỉ đạo xuyên suốt các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quán triệt sâu sắc và nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa của BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); tăng cường công tác thông tin truyền thông và công tác quản lý nhà nước về BHXH, BHYT, BHTN; tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chế độ, chính sách bảo hiểm theo đúng quy định pháp luật. Qua đó, nhận thức của từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên trong công tác BHXH được nâng cao, xem đây là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội và thực hiện mục tiêu công bằng xã hội; trong đó, Ủy ban nhân dân các cấp, sở - ban, ngành thành phố và cơ quan BHXH trên cơ sở nhiệm vụ, chuyên môn được giao tập trung xây dựng, tham mưu các kế hoạch phát triển ngắn và dài hạn về phát triển đối tượng tham gia BHXH tại Thành phố. Nhờ đó, tình hình thực hiện triển khai chính sách BHXH tại Thành phố đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tình hình số người lao động tham gia BHXH bắt buộc tại Thành phố tăng nhanh mỗi năm, góp phần thúc đẩy và đảm bảo Thành phố dự kiến đến năm 2020 có tỷ lệ lực lượng trong độ tuổi lao động tham gia BHXH bắt buộc và BHTN đạt, vượt so với chỉ tiêu theo Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đề ra. Cụ thể, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN tại Thành phố từ năm 2011 - 2019 đạt được như sau:

(1) Số lượng người lao động trong độ tuổi lao động tham gia BHXH tại Thành phố năm 2011 là 1.717.940/3.908.851[118] người, chiếm tỷ lệ 43,95%; năm 2019 là 2.484.125/4.651.808[119] người, chiếm tỷ lệ 53,4% (vượt 3,4% so với chỉ tiêu tại Nghị Quyết số 21-NQ/TW của Trung ương là 50%);

(2) Số lượng người lao động trong độ tuổi lao động tham gia BHTN tại Thành phố năm 2011 là: 1.578.286/3.908.851 người, chiếm tỷ lệ 40,37%; năm 2019 là: 2.430.133/4.651.808 người, chiếm tỷ lệ 52,54% (vượt 15,54% so với chỉ tiêu Nghị Quyết số 21 của Trung ương là 35%).

Thực hiện ưu đãi người có công: Đến nay, Thành phố có trên 277.000 người có công và thân nhân hưởng chế độ theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó có 43.375 người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp hàng tháng, với tổng kinh phí chi trả hàng tháng gần 73 tỷ đồng.

Năm 2016, UBND Thành phố đã trình Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành Nghị quyết số 126/2016/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2016 về chế độ hỗ trợ đối với người có công với cách mạng và thân nhân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, từ năm 2017 sẽ hỗ trợ hàng tháng từ ngân sách Thành phố cho 7 nhóm đối tượng gồm thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên có vết thương hoặc bệnh tật đặc biệt nặng; thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên có hoàn cảnh khó khăn; thân nhân hưởng trợ cấp tuất hai liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn; thân nhân liệt sĩ hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng có hoàn cảnh khó khăn; người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng tuất nuôi dưỡng có hoàn cảnh khó khăn với mức 2.000.000 đồng/người/1 tháng.

Bên cạnh đó, Thành phố đã thực hiện chế độ đối với người có công và thân nhân theo các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; cụ thể: (1) Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước: đến nay đã giải quyết được 9.849 trường hợp với tổng kinh phí 44,73 tỷ đồng, cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho 1.710 trường hợp, chế độ mai táng phí đối với 137 trường hợp từ trần. (2) Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương: giải quyết chế độ trợ cấp hàng tháng cho 624 trường hợp. (3) Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc: đến nay đã giải quyết được 2.363 trường hợp diện dân - chính - đảng, cấp 31.894 thẻ bảo hiểm y tế (bao gồm cả đối tượng dân chính đảng và quân đội), chế độ mai táng phí đối với 1.198 trường hợp từ trần. (4) Nghị định số 150/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Pháp lệnh Cựu chiến binh: cấp 2.209 thẻ Bảo hiểm y tế cho cựu chiến binh.

- Các chế độ ưu đãi khác, bao gồm:

Về giáo dục đào tạo: Giải quyết cho học sinh, sinh viên là con của đối tượng chính sách được hưởng chế độ ưu đãi miễn giảm học phí theo đúng quy định. Đến nay, người có công với cách mạng và con đẻ của họ đều được miễn 100% học phí khi đi học tại các cơ sở giáo dục đào tạo công lập hoặc được hỗ trợ học phí tại các trường ngoài công lập và được trợ cấp hàng tháng khi đang học tại các cơ sở đào tạo, được ưu tiên giải quyết việc làm khi ra trường.

Về nhà ở: Từ tháng 12 năm 2018, Thành phố đã nâng mức kinh phí vận động xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương trên địa bàn Thành phố như sau: (1) Nhà tình nghĩa: Từ mức 60 triệu đồng/căn lên mức 80 triệu đồng/căn (riêng huyện Cần Giờ và huyện Nhà Bè là 90 triệu đồng/căn); (2) Nhà tình thương: Từ mức 40 triệu đồng/căn lên mức 60 triệu đồng/căn (riêng huyện Cần Giờ và huyện Nhà Bè là 70 triệu đồng/căn).

Về công tác nghĩa trang và quy tập mộ liệt sĩ: Thường xuyên sửa chữa, tôn tạo hệ thống nghĩa trang liệt sĩ Thành phố; tổ chức khảo sát, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ.

Về trang bị phương tiện, dụng cụ chỉnh hình: Năm 2016, UBND Thành phố đã trình Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành Nghị quyết số 126/2016/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2016 về chế độ hỗ trợ đối với người có công với cách mạng và thân nhân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, từ năm 2017 sẽ hỗ trợ thêm kinh phí trang bị phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cho người có công với cách mạng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 03 tháng 6 năm 2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, đảm bảo dụng cụ khi được trang cấp sẽ thuận tiện, chất lượng, dễ sử dụng.

Về bảo hiểm y tế: Tất cả người có công và thân nhân của họ đều được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định của Pháp lệnh, được ưu tiên khám chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế.

Ngoài ra, để chủ động trong việc chăm lo cho diện chính sách, hàng năm vào ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, Tết Nguyên đán, Thành phố luôn dành một khoản kinh phí nhất định để thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công.

5.1.2. Thực hiện đổi mới cơ chế, chính sách tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước của tỉnh

Thành phố đã kiến nghị Chính phủ về xây dựng Đề án sử dụng nguồn vốn từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp khác để thực hiện các dự án đầu tư công quan trọng, cấp bách; đồng thời báo cáo Bộ Tài chính về tình hình thu, nộp Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp và kiến nghị không nộp số dư Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại các Công ty mẹ thuộc Thành phố từ ngày 14 tháng 01 năm 2018 trở về trước về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo ý kiến của Bộ Tài chính; trình Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh.

Đối với số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước do UBND Thành phố quản lý và sổ thu từ thoái vốn nhà nước tại các tổ chức kinh tế do UBND Thành phố làm đại diện chủ sở hữu, Thành phố được sử dụng nguồn thu này để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội theo quy định tại Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội.

Thành phố đã hỗ trợ các Tổng công ty doanh nghiệp nhà nước xây dựng đề án khung phát triển ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2013 - 2017; Xây dựng hệ thống công bố thông tin của các doanh nghiệp nhà nước Thành phố tại địa chỉ http://dnmi.hochiminhcity.gov.vn và thí điểm hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước thực hiện báo cáo tháng/quý qua mạng.

5.1.3. Đổi mới cơ chế sử dụng kinh phí nhà nước và cơ chế xây dựng, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ ở Thành phố

- Thực hiện Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW[120] xác định một số nhiệm vụ chủ yếu liên quan đến công tác “tiếp tục hoàn thiện thể chế để đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ”, Thành phố đã ban hành Quyết định số 738/QĐ-UBND ngày 14 tháng 2 năm 2015 về ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 46/NQ-CP của Chính phủ về phát triển khoa học công nghệ phục vụ công nghiệp hóa hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; trong đó, xác định và triển khai đầy đủ các nhiệm vụ về đổi mới cơ chế tài chính với kết quả đạt được như sau:

Đổi mới cơ chế xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách đối với hoạt động khoa học và công nghệ và phân bố ngân sách nhà nước của Thành phố cho hoạt động khoa học và công nghệ, trong giai đoạn 2011-2020 ước khoảng 19.561 tỷ đồng, chiếm 2,37% trên tổng chi ngân sách của Thành phố, đạt yêu cầu đặt ra tại Nghị quyết số 20-NQ/TW và đạt mức quy định của Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013.

Thành phố đã ban hành Quy chế quản lý nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh[121] và Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Quản lý nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ trên địa bàn Thành phố[122]. Các Quyết định này đã khắc phục được một số hạn chế trong các văn bản quản lý nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ trên địa bàn Thành phố trước đây cũng như góp phần đẩy mạnh cải cách TTHC, phân cấp mạnh và nâng cao trách nhiệm của cơ sở; phù hợp với tình hình thực tế trong quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ. Tiếp tục triển khai cơ chế đồng đầu tư thông qua các chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm của Thành phố[123] để thu hút mọi nguồn lực xã hội tham gia đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và thúc đẩy hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa khu vực nghiên cứu, doanh nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp.

Ban hành Quyết định số 55/2017/QĐ-UBND ngày 10 tháng 10 năm 2017 về tổ chức và hoạt động Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (Quỹ), chính thức đi vào hoạt động từ tháng 5 năm 2018, hiện Quỹ bắt đầu triển khai một số nhiệm vụ, góp phần thúc đẩy phát triển hoạt động khoa học và công nghệ của Thành phố.

Thành phố đã phê duyệt phân loại Phương án tự chủ của 13/13 tổ chức khoa học và công nghệ công lập do Thành phố quản lý[124]. Qua đó, giúp các tổ chức chủ động trong việc thực hiện các nhiệm vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, năng lực của từng tổ chức; về cơ bản, các nhiệm vụ đều được triển khai bảo đảm chất lượng và nghiệm thu đúng tiến độ.

5.1.4. Tăng cường đầu tư, huy động toàn xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường các biện pháp khuyến khích đầu tư theo hình thức công - tư (PPP) đối với việc cung cấp dịch vụ công trong y tế, giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể thao, các công trình dự án cơ sở hạ tầng

Để huy động vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cũng như hỗ trợ việc góp vốn thành lập các doanh nghiệp phát triển hạ tầng kinh tế xã hội, năm 2010, Thành phố đã ban hành Quyết định số 576/QĐ-UBND ngày 02 tháng 02 năm 2010 về việc thành lập Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh (HFIC). Đến nay, HFIC đã thể hiện là nhà huy động vốn và đầu tư tiên phong, thu hút các nhà đầu tư khác cùng tham gia thực hiện những dự án hạ tầng quan trọng, các dự án kinh tế thiết yếu của Thành phố; bảo toàn và phát triển hiệu quả vốn nhà nước chuyển giao.

Tiếp nối các hiệu quả mang lại từ Chương trình kích cầu của những giai đoạn trước đây, nhằm triển khai Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24 tháng 2 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ và các Nghị quyết của Chính phủ về chính sách an sinh xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô...Thành phố đã ban hành quy định về thực hiện Chương trình kích cầu đầu tư của Thành phố Hồ Chí Minh[125], với mục đích tiếp tục hỗ trợ các ngành, lĩnh vực theo định hướng phát triển, Chương trình kích cầu đầu tư của Thành phố tập trung vào các lĩnh vực như công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao; y tế, giáo dục - đào tạo, dạy nghề, văn hóa và thể thao, hạ tầng và môi trường. Thông qua chương trình, nhiều dự án đầu tư đổi mới, áp dụng khoa học công nghệ được hỗ trợ và đưa vào triển khai thực hiện mang lại hiệu quả cao, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, y tế - giáo dục. Chương trình kích cầu đầu tư Thành phố đã phát huy hiệu quả, giúp doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong việc đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư đổi mới trang thiết bị hiện đại; thúc đẩy xã hội hóa trong nhiều lĩnh vực. Thông qua chương trình kích cầu đầu tư, Thành phố đã có nhiều dự án đầu tư đổi mới, áp dụng khoa học công nghệ được đưa vào triển khai thực hiện mang lại hiệu quả cao, có giá trị gia tăng cao, cải tiến công nghệ, trình độ quản lý và tạo thêm nhiều việc làm. Trong các lĩnh vực y tế, giáo dục nhờ đổi mới máy móc, thiết bị tiên tiến cùng kết cấu hạ tầng hiện đại đã ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập và khám, chữa bệnh của người dân Thành phố.[126]

- Kết quả đạt được thông qua hình thức huy động xã hội hóa đầu tư: Tính đến nay, trên địa bàn Thành phố có 24 dự án đã hoàn thành các thủ tục đầu tư và đang triển khai thực hiện, 136 dự án đang thực hiện theo hình thức PPP và tiếp tục kêu gọi đầu tư 293 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP trên tất cả các lĩnh vực giao thông, môi trường, y tế, văn hóa, giáo dục...Kết quả như sau:

Trong lĩnh vực giáo dục: Đến nay, số lượng trường ngoài công lập đạt 626 trường, chiếm 32,53% tổng số trường trên địa bàn Thành phố (1.924 trường).[127] Thành phố có 26 dự án thực hiện chính sách ưu đãi của Chương trình kích cầu, với tổng mức đầu tư là 3.637,303 tỷ đồng, số vốn được hỗ trợ lãi vay là 1.344,168 tỷ đồng. Song song với việc xã hội hóa đầu tư xây dựng trường học ngoài công lập, Thành phố còn tiến hành các hình thức xã hội hóa khác nhằm hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.

Trong lĩnh vực y tế: Thành phố đã có chủ trương, giao các sở - ban, ngành, quận - huyện hướng dẫn chủ đầu tư nghiên cứu đề xuất 10 dự án PPP đầu tư xây dựng cơ sở bệnh viện, khám trị bệnh với tổng mức đầu tư là 9.120 tỷ đồng, gồm 07 dự án BT và 03 dự án BTL; đang lập danh mục và tiếp tục nghiên cứu để kêu gọi đầu tư 07 dự án khác. Hiện nay, đã có 25 dự án thực hiện theo chính sách ưu đãi của chương trình kích cầu đầu tư Thành phố với tổng mức đầu tư là 3.520,616 tỷ đồng, số vốn được hỗ trợ lãi suất là 1.697,420 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực văn hóa và thể thao: Có 01 dự án đầu tư theo hình thức BOT trong lĩnh vực văn hóa đã hoàn tất ký kết hợp đồng; đang triển khai thực hiện 12 dự án với tổng mức đầu tư là 21.854 tỷ đồng, gồm 07 dự án BT và 05 dự án BOT. Cơ sở vật chất cho hoạt động thể dục thể thao được các nguồn lực xã hội đầu tư, Thành phố có khoảng 2.000 cơ sở tập luyện các môn thể thao thuộc tư nhân quản lý.

Trong lĩnh vực cấp thoát nước, môi trường: Có 02 dự án đầu tư theo hình thức BT đã hoàn tất ký kết Hợp đồng dự án với tổng mức đầu tư là 12.469 tỷ đồng. Thành phố đã phê duyệt cho 36 dự án cấp thoát nước tham gia Chương trình kích cầu đầu tư của Thành phố với tổng mức đầu tư là 3.809,887 tỷ đồng, trong đó số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi vay là 1.878,255 tỷ đồng. Công tác thu gom, vận chuyển rác trong khu dân cư đã xã hội hóa giao cho dân lập thực hiện trên địa bàn khu dân cư, khu phố và các cơ sở sản xuất kinh doanh.

5.1.5 Thực hiện đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập

- Về thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế và kinh phí quản lý hành chính tại các cơ quan hành chính nhà nước

Qua quá trình triển khai thực hiện giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan hành chính trong việc sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 và Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2013 đã thể hiện hiệu quả trong việc cải cách bộ máy hành chính nhà nước. Cụ thể, việc khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính đã tạo điều kiện cho cơ quan hành chính nhà nước chủ động trong việc tổ chức sắp xếp bộ máy, sử dụng cán bộ công chức phù hợp với chuyên môn đào tạo và năng lực thực tế, phù hợp với yêu cầu của vị trí công tác; xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý tài sản công, thực hiện tiết kiệm biên chế và chi phí quản lý nhưng vẫn đảm bảo khối lượng công việc được giao, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước góp phần tăng cường thực hành tiết kiệm chống lãng phí; tăng cường công tác quản lý, chống thất thoát, tiêu cực trong đơn vị; đồng thời phân phối sử dụng nguồn tài chính hiệu quả, đảm bảo tăng thu nhập cho cán bộ, công chức từ nguồn kinh phí tiết kiệm.

Hiện nay, Thành phố có 773/773 đơn vị thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước, đồng thời các đơn vị nêu trên đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý tài sản công để chủ động sử dụng kinh phí tự chủ được giao, quản lý sử dụng tài sản công đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả; qua đó đã góp phần nâng cao thu nhập, tạo sự an tâm công tác cho cán bộ, công chức.

- Về thực hiện cơ chế tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh

Thành phố đã chú trọng triển khai Nghị định số 16/2015/NĐ-CP về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Đến nay, Thành phố có gần 1.900 đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tự chủ tài chính theo quy định của Chính phủ tại các Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006; Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2016; Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2016; 100% các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tự chủ tài chính đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý tài sản công. Quy chế chi tiêu được xây dựng trên nguyên tắc dân chủ, có sự bàn bạc thống nhất trong Lãnh đạo, tổ chức Công đoàn và cán bộ viên chức thông qua hội nghị cán bộ viên chức.

Thủ trưởng đơn vị được phân cấp trách nhiệm, quyền hạn trong việc quyết định về biên chế và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nguồn tài chính được giao cũng như tình hình sử dụng tài chính của đơn vị; qua đó đã tạo quyền chủ động cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chịu trách nhiệm trong quản lý biên chế, tài chính, khuyến khích các đơn vị tăng cường khai thác nguồn thu và các hoạt động dịch vụ, nâng cao chất lượng phục vụ để tăng thêm nguồn thu, tăng thu nhập cho người lao động; phát huy quyền làm chủ tập thể của cán bộ công chức trong đơn vị, phát huy tinh thần tự giác trong thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Thực hiện cơ chế tự chủ, một số đơn vị đã mở rộng, cải tiến kỹ thuật, đa dạng hóa các hoạt động dịch vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; thực hiện liên doanh, liên kết nhằm hiện đại hóa trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu chuyên môn và nâng cao chất lượng phục vụ; đồng thời chủ động sắp xếp, bố trí lao động hợp lý, thực hiện công khai dân chủ trong công tác quản lý và chi tiêu tài chính, thực hiện tiết kiệm chi hoạt động thường xuyên như tiết kiệm văn phòng phẩm, nhiên liệu, điện nước...bằng việc tuyên truyền, vận động cán bộ viên chức thực hiện tiết kiệm chống lãng phí, kết hợp với các hình thức như khoán, quản lý theo định mức; sử dụng tài sản công đúng quy định, trên tinh thần tiết kiệm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với chỉ tiêu công tác thực hành tiết kiệm đã đề ra.

5.2. Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

- Về chính sách tiền lương:

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, chi phí sinh hoạt khá cao nên với mức lương tối thiểu thấp, chỉ dựa vào cơ chế nâng ngạch bậc và chu kỳ tăng lương theo quy định của Chính phủ áp dụng chung cho cả nước như hiện nay, chưa thể đảm bảo được cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức. Do đó, chưa tạo được động lực để thu hút nhiều lao động có năng lực, cũng như chưa khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức phấn đấu đạt hiệu quả cao trong công việc.

Thực trạng nêu trên là do chính sách tiền lương hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế; chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ; còn mang nặng tính bình quân; chưa phát huy được quyền, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc đánh giá và trả lương, thưởng, gắn với năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả công tác của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

- Về chính sách an sinh xã hội:

Công tác tuyên truyền chính sách chưa đầy đủ, chưa rộng khắp; việc xác lập thủ tục xác nhận người có công ở một số nơi chưa đảm bảo quy trình, công tác quản lý đối tượng chưa chặt chẽ, nhiều trường hợp thực hiện chế độ chưa kịp thời, còn để xảy ra trường hợp trùng hưởng, hưởng chế độ không đúng quy định dẫn đến phát sinh đơn thư khiếu nại, vướng mắc; hồ sơ sai sót chuyển trả bổ sung còn nhiều; việc xác lập hồ sơ xác nhận người có công trong chiến tranh nhưng không còn giấy tờ theo quy định còn chậm, khó thực hiện...

Những tồn tại, hạn chế trên do nhiều nguyên nhân, trong đó công tác chỉ đạo điều hành công việc một số nơi chưa sát, công tác kiểm tra giám sát chưa được tăng cường thường xuyên; một số văn bản sửa đổi, bổ sung chưa được kịp thời; đội ngũ cán bộ làm công tác thương binh và xã hội ở xã, phường, thị trấn nhiều nơi thiếu ổn định, năng lực chuyên môn cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ở cơ sở còn hạn chế...

- Về cơ chế huy động nguồn lực xã hội từ Chương trình kích cầu của Thành phố:

Các VBQPPL hiện hành chưa có quy định cụ thể cơ quan, đơn vị có trách nhiệm xác định ngày kết thúc hỗ trợ lãi vay, để làm cơ sở chế tài các đơn vị tham gia Chương trình kích cầu đầu tư khi không thực hiện quyết toán theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Quyết định số 50/2015/QĐ-UBND cũng như chưa quy định thủ tục thanh quyết toán rõ ràng nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thanh, quyết toán vốn hỗ trợ cho các dự án.

Tình hình giải ngân của một số dự án còn thấp do nhu cầu vốn không đảm bảo như kế hoạch phân khai.

Các tổ chức tín dụng hỗ trợ cho các dự án đăng ký tham gia Chương trình kích cầu đầu tư chưa thẩm định hết nội dung theo quy định như tính khả thi của dự án, khả năng tài chính, kế hoạch trả nợ.

- Về cơ chế tự chủ tài chính của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp

Các cơ quan hành chính có nguồn kinh phí tiết kiệm thấp vì hầu như không có nguồn thu khác ngoài dự toán do ngân sách nhà nước cấp; bên cạnh đó, theo quy định các đơn vị phải tiết kiệm 10% hoạt động thường xuyên làm nguồn cải cách tiền lương.

Việc chi thu nhập tăng thêm chưa thật sự tạo động lực để khuyến khích đối với cán bộ công chức, đặc biệt là lao động trẻ có năng lực do phương thức chi tăng thu nhập từ nguồn kinh phí tiết kiệm chưa được quy định cụ thể nên phần lớn các đơn vị chi thu nhập tăng thêm dựa vào mức lương ngạch, bậc, chức vụ.

Cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chưa thống nhất, chưa đồng bộ do việc ban hành, sửa đổi, bổ sung các VBQPPL còn chậm (Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ban hành quy định khung về cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập; các ngành, lĩnh vực phải tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ trong từng lĩnh vực cụ thể; tuy nhiên, đến nay chỉ mới có 02/07 lĩnh vực có quy định cơ chế tự chủ của lĩnh vực mình...), các Bộ ngành không có văn bản hướng dẫn cụ thể khi ban hành cơ chế chính sách mới dẫn đến lúng túng trong công tác thực hiện (Cơ chế hoạt động tài chính của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Thành phố chưa được Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể...).

6. Về hiện đại hóa hành chính

6.1. Kết quả chủ yếu đạt được

6.1.1. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin

a) Việc ban hành và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin.

Trong giai đoạn 2011 - 2020, Thành phố đã xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy xây dựng Chính quyền điện tử như: “Chương trình phát triển công nghệ thông tin - truyền thông giai đoạn 2011 - 2015”[128]; phê duyệt Quy hoạch Công nghệ thông tin Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020[129]; phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử Thành phố Hồ Chí Minh[130]; Đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”[131]. Đồng thời, Thành phố ban hành các quy chế để quản lý các hệ thống phần mềm đang vận hành phục vụ quản lý nhà nước như: “Quy chế quản lý, sử dụng Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc qua mạng tại Thành phố Hồ Chí Minh”[132]; “Quy chế về quản lý, sử dụng hệ thống thư điện tử Thành phố Hồ Chí Minh”[133]; Quy chế tích hợp, quản lý, vận hành, khai thác Kho dữ liệu dùng chung của Thành phố[134],...

Hàng năm, thành phố đều ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước làm cơ sở cho các đơn vị triển khai thực hiện. Ngoài ra, Thành phố còn ban hành Kế hoạch số 8132/KH-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2015 của UBND Thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử.

b) Kết quả đạt được trong ứng dụng công nghệ thông tin

- Xây dựng và triển khai chính quyền điện tử, cơ sở dữ liệu (CSDL) và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cơ quan nhà nước

Thành phố đã công bố Kiến trúc chính quyền điện tử thành phố, tiếp tục thúc đẩy xây dựng và triển khai chính quyền điện tử từ thành phố đến cơ sở, tổ chức cập nhật kiến trúc chính quyền điện tử Thành phố theo Quyết định số 2323/QĐ-BTTTT ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông về ban hành Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 2.0.

Tổ chức triển khai xây dựng hạ tầng mạng CNTT và tăng cường an toàn thông tin cho hệ thống này nhằm phục vụ hoạt động hiệu quả của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Thường xuyên tổ chức giám sát và cảnh báo các cơ quan nhà nước Thành phố về việc máy tính có dấu hiệu bị nhiễm mã độc. Thành lập Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng nhằm hỗ trợ các đơn vị trên địa bàn thành phố trong công tác ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng.

Triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu thành phố (LGSP) có các dịch vụ dùng chung để chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị tại thành phố; LGSP đóng vai trò phục vụ kết nối các hệ thống thông tin trong nội bộ của thành phố với các hệ thống bên ngoài; mô hình kết nối của LGSP theo Kiến trúc chính quyền điện tử Thành phố phù hợp Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam. Thành phố đang thực hiện kết nối phần mềm tác nghiệp của các đơn vị: sở - ban, ngành, quận - huyện với LGSP để hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung của Thành phố. Đồng thời phối hợp Cục Tin học hóa kết nối chính thức LGSP với trục NGSP các dịch vụ: Danh mục điện tử dùng chung, Lý lịch Tư pháp, Hộ tịch điện tử, đăng ký khai sinh và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi. Phối hợp với Bưu điện Thành phố tích hợp hệ thống định danh xác thực POST ID của Bưu điện lên LGSP.

Thành phố đã triển khai tập trung các ứng dụng các sở - ban, ngành, quận - huyện tại Trung tâm dữ liệu thành phố và tăng cường an toàn an ninh thông tin cho hệ thống này. Hạ tầng trung tâm dữ liệu thành phố được xây dựng trên nền tảng hạ tầng điện toán đám mây hiện đại, được đầu tư đầy đủ hệ thống và chính sách bảo vệ giám sát an ninh hiện đại, đảm bảo nguồn nhân lực chuyên trách về an toàn thông tin giám sát vận hành liên tục cơ sở dữ liệu (CSDL) của Thành phố. Hình thành Trung tâm điều hành hệ thống mạng băng thông rộng thành phố (NOC) và Trung tâm giám sát an ninh mạng (SOC): hệ thống có bộ phận kỹ thuật chuyên trách về NOC và SOC với trang bị các thiết bị chuyên dùng nhằm đảm bảo an toàn thông tin cho các cơ quan nhà nước Thành phố, kịp thời khắc phục các sự cố mất an ninh thông tin. Các hệ thống đường truyền chuyên dụng (Metronet thành phố) được đảm bảo và hoạt động thông suốt.

Xây dựng Kho dữ liệu dùng chung của Thành phố (giai đoạn 1) và đưa vào hoạt động tại Công viên phần mềm Quang Trung trên cơ sở tích hợp các dữ liệu hiện có của các sở - ban, ngành[135]... Theo đó, đã triển khai ứng dụng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Thường trực UBND Thành phố, bước đầu thực hiện trích xuất, khai thác Kho dữ liệu dùng chung của Thành phố phục vụ cho công tác điều hành của Thành phố. Nhằm tạo hành lang pháp lý cho Kho dữ liệu dùng chung của Thành phố, UBND Thành phố đã ban hành các quy định liên quan để triển khai thực hiện.[136]

Cổng dữ liệu của Thành phố https://data.hochiminhcity.gov.vn là nơi khai thác tập trung Kho dữ liệu dùng chung của Thành phố, phục vụ cho nhu cầu kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu của các cơ quan nhà nước Thành phố. Cổng dữ liệu cung cấp các thông tin như các bộ dữ liệu được chia sẻ; mô tả cấu trúc dữ liệu; các hướng dẫn kỹ thuật để khai thác dữ liệu; các phương thức, giải pháp kỹ thuật để khai thác, sử dụng dữ liệu.

Về dữ liệu mở, Thành phố đã triển khai thử nghiệm Cổng thông tin dữ liệu mở tại địa chỉ https://opendata.hochiminhcity.gov.vn, đã cung cấp dữ liệu mở về: cơ sở khám chữa bệnh; chứng chỉ hành nghề y; cơ sở giáo dục; dịch vụ giáo dục; dự án đầu tư nước ngoài; dự án đầu tư công.

Thành phố đã triển khai Hệ thống tích hợp và chia sẻ dữ liệu (Data Integration Platform - DIP) và Hệ thống tích hợp lưu trữ và chia sẻ dữ liệu phi cấu trúc (File Storage Platform - FSP) nhằm tích hợp tự động các CSDL từ các nguồn CSDL khác nhau về Kho dữ liệu dùng chung của Thành phố. Ngoài ra, Thành phố cũng đang tập trung đẩy mạnh triển khai CSDL người dân thành phố gồm: CSDL hộ tịch và CSDL dân cư nhằm hình thành CSDL người dân Thành phố và tích hợp về Kho dữ liệu dùng chung của Thành phố.

- Đổi mới phương thức làm việc trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ CNTT, xây dựng chính quyền điện tử nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành. Các giải pháp, ứng dụng tiêu biểu đã triển khai bao gồm:

Hệ thống phòng họp không giấy: giúp giảm tối đa việc sử dụng giấy trong các phiên họp, buổi họp của Thành phố, giúp quản lý đầy đủ thành phần, nội dung, chương trình, tài liệu, biên bản và kết luận của từng phiên họp, buổi họp nhằm tiết kiệm thời gian họp và nâng cao chất lượng các phiên họp, buổi họp.

Ứng dụng Giao việc tức thời - nhắc việc thông minh: giúp lãnh đạo UBND Thành phố giao việc, kiểm tra công việc và nhắc việc trước khi đến hạn để đảm bảo tiến độ.

Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến: Thành phố đã triển khai hệ thống cho 101 đơn vị và bàn hành quy định về quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống hội nghị trực tuyến Thành phố Hồ Chí Minh. Hệ thống hội nghị trực tuyến được sử dụng thường xuyên để tổ chức các cuộc họp về công tác tuyên truyền, triển khai ứng dụng CNTT, các buổi tập huấn trực tuyến, hội nghị sơ kết, tổng kết chỉ đạo điều hành giữa Thành phố và các sở, ban, ngành, UBND các quận - huyện, phường xã, thị trấn.

Hệ thống Thư điện tử công vụ: Đã cấp hơn 24.600 hộp thư cho các đơn vị và CB, CC, VC của các sở - ban, ngành, quận - huyện, phường, xã, thị trấn và các cơ quan báo chí, Tổng công ty trên địa bàn Thành phố. Hệ thống thường xuyên được nâng cấp và được các cơ quan, CB, CC, VC sử dụng thường xuyên và hiệu quả.

Phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc: Đã thực hiện gửi và nhận văn bản điện tử trên phạm vi toàn thành phố, kết nối hơn 800 đơn vị, bao gồm các Sở, ban, ngành, quận - huyện, phường, xã, thị trấn, các tổng công ty và các đơn vị trực thuộc. Tính đến nay, đã có hơn 5,6 triệu văn bản điện tử được gửi và nhận qua Trục liên thông của thành phố. Thành phố đã hoàn thành việc cập nhật mã định danh cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố theo Quyết định số 4028/QĐ-UBND ngày 14 tháng 9 năm 2018, kết nối dữ liệu trên Trục truyền dẫn số Quốc gia thể hiện đầy đủ các trạng thái trong việc gửi nhận văn bản điện tử theo Quyết định 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Sử dụng chữ ký điện tử: Thực hiện trong trao đổi văn bản điện tử, thư mời họp, chấm dứt tình trạng sử dụng văn bản giấy theo chỉ đạo của UBND Thành phố, giúp thành phố tiết kiệm kinh phí hành chính đáng kể. Thành phố đang phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ ứng dụng chữ ký số đối với việc gửi, nhận văn bản điện tử trên các thiết bị di động thông minh.

Thực hiện Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về chế độ báo cáo: Thành phố đã tổ chức Hội nghị quán triệt chế độ báo cáo theo Nghị định 09/2019/NĐ-CP cho các sở - ban, ngành, UBND quận - huyện; hiện đang tiến hành rà soát, chuẩn hóa, ban hành quy định về chế độ báo cáo và công bố các danh mục báo cáo theo thẩm quyền phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước, đáp ứng các nguyên tắc và yêu cầu của Nghị định số 09/2019/NĐ-CP. Đồng thời cùng đơn vị tư vấn phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành xây dựng, triển khai vận hành Hệ thống báo cáo của Thành phố và thử nghiệm kết nối tích hợp với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ theo hướng dẫn và tiến độ của Văn phòng Chính phủ, đảm bảo đồng bộ kết nối, an toàn thông tin Hệ thống báo cáo từ cơ sở đến trung ương.

- Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp

Ngoài việc thực hiện ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan hành chính, Thành phố còn thực hiện ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp như: (1) Cổng thông tin điện tử Thành phố và các trang thành viên thường xuyên được nâng cấp đáp ứng kịp thời nhu cầu khai thác, tiếp cận thông tin của các tổ chức, cá nhân; (2) Triển khai thử nghiệm Cổng thông tin dữ liệu mở phục vụ người dân và doanh nghiệp; (3) Xây dựng và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, triển khai giải pháp kỹ thuật thanh toán trực tuyến; (4) Triển khai hệ thống ISO điện tử, kết hợp với quản lý trang thông tin một cửa tại các sở - ban, ngành, UBND quận - huyện; (5) Triển khai hệ thống Một cửa điện tử nhằm cung cấp tình trạng giải quyết hồ sơ hành chính và công khai tỷ lệ hồ sơ xử lý đúng hạn/trễ hạn tại địa chỉ: https://dichvucong.hochiminhcity.gov.vn, kết hợp với dịch vụ trả kết quả tại nhà, thông qua dịch vụ bưu chính công ích; (6) Triển khai hệ thống một cửa điện tử quản lý hồ sơ đất đai tại địa chỉ truy cập http://motcuadatdai.tphcm.gov.vn, nhằm mục tiêu tăng cường công tác CCHC trong lĩnh vực đất đai; (7) Thiết lập hệ thống đường dây nóng tiếp nhận phản ánh, kiến nghị sự cố hạ tầng kỹ thuật của người dân với lãnh đạo Thành phố qua tổng đài 1022, thư điện tử, website và liên thông tổng đài 113 - 114 - 115 để giúp người dân thuận lợi hơn khi thực hiện các cuộc gọi khẩn cấp; (8) Xây dựng hệ thống công bố thông tin của các doanh nghiệp nhà nước Thành phố tại địa chỉ http://dnnn.hochiminhcity.gov.vn và hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước thực hiện báo cáo tháng/quý qua mạng.

Bên cạnh các ứng dụng do Trung ương và Thành phố triển khai, các sở - ban, ngành, quận - huyện đã chủ động tự xây dựng các phần mềm[137], ứng dụng trên nền tảng di động[138] cũng như đẩy mạnh ứng dụng CNTT[139] để phục vụ công tác xử lý các phản ánh về vi phạm, tình hình an ninh trật tự, hướng dẫn thực hiện TTHC, tra cứu kết quả thực hiện TTHC, tra cứu quy hoạch.

- Cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp; triển khai các hệ thống một cửa điện tử:

Về công tác tuyên truyền và tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố[140], UBND các quận - huyện và sở - ban, ngành đã tập trung tăng cường đẩy mạnh công tác cung cấp và giải quyết thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 với các giải pháp: (1) Tiến hành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thành lập các Tổ tình nguyện tư vấn về dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tại các đơn vị. (2) Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành Nghị quyết số 28/2018/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2018 về giảm lệ phí thực hiện các TTHC áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 thuộc thẩm quyền quyết, định của Hội đồng nhân dân Thành phố.

Về triển khai dịch vụ công trực tuyến

Để triển khai hiệu quả công tác công tác cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Thành phố đã ban hành các văn bản hướng dẫn liên quan đến việc triển khai dịch vụ công[141], để làm cơ sở cho các cơ quan, đơn vị triển khai được đồng bộ và thuận lợi. Ngoài ra, Thành phố ban hành các văn bản hướng dẫn[142] thực hiện Quyết định số 4250/QĐ-UBND ngày 28 tháng 9 năm 2018 của UBND Thành phố về phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử Thành phố Hồ Chí Minh, Quyết định số 4541/QĐ-UBND ngày 15 tháng 10 năm 2018 về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC trên địa bàn Thành phố.

Để triển khai hiệu quả Nghị định số 61/2018/NĐ-CP, Thành phố ban hành Quyết định số 4541/QĐ-UBND ngày 15 tháng 10 năm 2018 kèm Kế hoạch triển khai thực hiện trong giải quyết TTHC trên địa bàn Thành phố. Hiện nay, Thành phố đã triển khai thử nghiệm hệ thống dịch vụ công với 4 thủ tục (Cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ, Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, Đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký thuế) tại UBND huyện Củ Chi, Quận 9 và Quận Tân Phú và 09 phường, xã của đơn vị tại địa chỉ https://dvc.hochiminhcity.gov.vn/.

Một số cơ quan đã chủ động ứng dụng phần mềm một cửa điện tử phù hợp với đặc thù của từng lĩnh vực và địa phương để tăng tính hiệu quả trong phục vụ người dân và doanh nghiệp. Các phần mềm này được kết nối thông suốt giữa các đơn vị nội bộ, cơ quan ngành dọc trú đóng và với Hệ thống chung của Thành phố và bước đầu đạt được kết quả khả năng. Cụ thể:

STT

Chỉ tiêu

Năm 2015

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

(Tính đến 01/3)

1

Số đơn vị xây dựng, sử dụng phần mềm một cửa điện tử

 

32

32

32

43

43

2

Tỷ lệ hồ sơ giải quyết qua hệ thống một cửa điện tử

 

70%

80%

80%

81%

85%

Về kết quả triển khai, thực hiện dịch vụ công mức độ 3, mức 4

Thành phố đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. Đến nay, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 là: 668/1.776 TTHC, trong đó, mức độ 3 la 433/1.776 TTHC, mức độ 4 là 235/1.776 TTHC

6.1.2 Tình hình triển khai hệ thống quản lý chất lượng phù hợp Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008, ISO 9001: 2015 tại các cơ quan, đơn vị

Thực hiện Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước, hàng năm UBND Thành phố đều ban hành Kế hoạch triển khai triển khai ISO, trong đó có tập trung vào các nội dung thông tin, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn kiến thức về xây dựng, áp dụng, duy trì, cải tiến HTQLCL theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9001 và kiểm tra việc thực hiện xây dựng và áp dụng HTQLCL theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001. Qua kiểm tra đã ghi nhận được những vấn đề tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng và áp dụng HTQLCL theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001, đồng thời đã hướng dẫn, đề ra giải pháp tháo gỡ vướng mắc, tạo động lực giúp cho các cơ quan nâng cao được hiệu lực và hiệu quả của việc áp dụng HTQLCL. Đến nay đã đạt được một số kết quả sau:

- 100% sở - ban, ngành, UBND cấp huyện và cấp xã đã thực hiện công bố HTQLCL phù hợp Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001.

- Tỷ lệ TTHC đã được UBND Thành phố công bố được công bố HTQLCL phù hợp Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 của sở - ban, ngành, UBND quận - huyện đạt tỷ lệ 97%; UBND phường - xã, thị trấn đạt 95%.

- 78% các Sở - ban, ngành, UBND quận - huyện hoàn tất việc chuyển đổi áp dụng Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015[143].

6.2. Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

- Việc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước đang khó khăn, CSDL tại các cơ quan nhà nước hiện nay có rất nhiều nhưng để trích xuất thông tin, chia sẻ thông tin này như thế nào thì đang vấn đề mà thành phố đang khẩn trương xây dựng kho dữ liệu dùng chung để giải quyết vấn đề này, đòi hỏi phải có thời gian để cập nhật CSDL tại các đơn vị.

- Hiện trạng hạ tầng CNTT của các phường - xã (nhất là các xã vùng xa) chưa được các quận - huyện quan tâm đúng mức. Vấn đề nhân lực và trình độ các cán bộ phường - xã trong việc sử dụng, duy trì các ứng dụng CNTT cũng đang gặp nhiều khó khăn.

- Ứng dụng CNTT theo ngành dọc (do các cơ quan Trung ương triển khai) và tại địa phương (tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương) chưa có sự phối hợp một cách tổng thể.

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ CCHC NHÀ NƯỚC TRONG GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

1. Những kết quả tích cực đã đạt được

- Hoạt động chỉ đạo điều hành về CCHC đã đi vào nề nếp và đạt được một số kết quả như: (1) Chủ tịch UBND thành phố đã đề nghị Hội đồng nhân dân Thành phố tổ chức kỳ họp bất thường về CCHC “Nâng cao sự hài lòng của người dân và tổ chức về dịch vụ hành chính công trên địa bàn Thành phố”, Hội đồng nhân dân thành phố tán thành và thông qua báo cáo của UBND Thành phố về kết quả thực hiện chương trình CCHC giai đoạn 2011-2017 và nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2018-2020, ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 15 tháng 3 năm 2018; (2) UBND thành phố và UBMTTQ VN Thành phố ký kết Chương trình phối hợp giám sát tinh thần trách nhiệm, thái độ giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình giải quyết công việc cho tổ chức, cá nhân và khảo sát sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2017 - 2020; (3) thành lập Tổ công tác về đầu tư do Chủ tịch UBND Thành phố làm Tổ trưởng; (4) Phát động phong trào thi đua về Chủ đề CCHC; (5) Khảo sát và nhân rộng các mô hình, giải pháp về công tác CCHC… Đặc biệt là triển khai thành công thực hiện thí điểm về cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 54/NQ-QH14 của Quốc hội.

- Công tác cải cách TTHC gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, tạo sự đột phá trong hoàn thiện CSDL, chuẩn hóa quy trình thủ tục, minh bạch, công khai thông tin TTHC. Cụ thể như: công bố, công khai TTHC; rà soát, đơn giản hóa TTHC; xây dựng quy trình nội bộ giải quyết TTHC tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong giải quyết TTHC; triển khai xây dựng Cổng Dịch vụ công thành phố, hệ thống thông tin một cửa điện tử gắn với đánh giá hài lòng việc giải quyết TTHC, kết nối, tích hợp dịch vụ công trực tuyến với Cổng dịch vụ công quốc gia, triển khai xây dựng phòng họp không giấy. Nhiều giải pháp, mô hình hiệu quả, sáng kiến rút ngắn thời gian giải quyết, đơn giản hóa thành phần hồ sơ, tiết kiệm chi phí tuân thủ TTHC trong nhiều lĩnh vực: đầu tư, đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh... Cách thức thực hiện thủ tục được đa dạng hóa để người dân, doanh nghiệp lựa chọn: nhận, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích, qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Đẩy mạnh thực hiện cơ chế 1 cửa điện tử, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; liên thông điện tử trong nội bộ cơ quan, giữa các cơ quan trong thành phố, giữa các cơ quan của Thành phố với cơ quan ngành dọc được mở rộng; số lượng cơ quan, đơn vị áp dụng mô hình một cửa điện tử và số lượng TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ngày càng được mở rộng[144]. CSDL về TTHC tập trung của Thành phố được xây dựng và đưa vào khai thác góp phần hiện đại hóa cải cách TTHC, tạo sự đồng bộ và thống nhất trong quản lý, giải quyết TTHC.

- Việc xây dựng các Đề án nâng cao hiệu quả công tác xây dựng VBQPPL đã góp phần tạo ra hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn Thành phố. Việc cải cách TTHC và kiểm soát TTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước được thực hiện thường xuyên, đảm bảo tiến độ và chất lượng theo quy định.

- Việc kiện toàn bộ máy chính quyền, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Hệ thống chính quyền cơ sở từng bước được củng cố và hoàn thiện, thể hiện tốt chức năng quản lý nhà nước và bảo đảm ổn định an ninh chính trị.

- Về cơ bản đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thành phố có số lượng, cơ cấu hợp lý, đủ trình độ và năng lực thi hành công vụ, phục vụ nhân dân, đáp ứng được yêu cầu phát triển Thành phố. 100% các cơ quan hành chính nhà nước có cơ cấu cán bộ, công chức theo vị trí việc làm.

- Việc thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính trong các cơ quan hành chính nhà nước đã giúp các đơn vị, địa phương chủ động điều hành công việc, nhiệm vụ được giao, nâng cao ý thức tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng kinh phí ngân sách, từng bước tăng thêm thu nhập cho cán bộ, công chức, giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập đã tạo điều kiện cho đơn vị chủ động sử dụng nguồn kinh phí ngân sách giao, tích cực khai thác nguồn thu, đáp ứng nhiệm vụ chính trị cũng như cung cấp các loại hình dịch vụ theo nhu cầu của xã hội, nâng cao ý thức chi tiêu tiết kiệm, hiệu quả.

- Công tác ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ CCHC được UBND Thành phố tập trung chỉ đạo như một nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Hàng năm, ngân sách thành phố đều bố trí để thực hiện cho việc xây dựng và duy trì các ứng dụng CNTT của Thành phố. Các cơ quan, đơn vị đã chủ động triển khai hiệu quả các phần mềm ứng dụng chuyên ngành phục vụ công tác quản lý; triển khai phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ công việc và triển khai thực hiện gửi thư mời qua tin nhắn, hộp thư điện tử giúp việc trao đổi văn bản được nhanh chóng, thuận lợi và tiết kiệm; triển khai hệ thống Một cửa điện tử tại đơn vị kết nối với hệ thống Một cửa điện tử thành phố; triển khai và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho cá nhân, tổ chức; triển khai Hệ thống đánh giá sự hài lòng của Thành phố; phối hợp với Bưu điện Thành phố triển khai nhận và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo Quyết định 45/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

- Thành phố quyết tâm triển khai Đề án xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành Thành phố thông minh và ban hành Kiến trúc Chính quyền điện tử là một điểm nổi bật trong việc tham mưu triển khai ứng dụng CNTT tại Thành phố. Kiến trúc Chính quyền điện tử Thành phố Hồ Chí Minh là một kế hoạch tổng thể giúp định hướng triển khai một cách thống nhất và đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước của Thành phố, đáp ứng các mục tiêu chiến lược của Thành phố Hồ Chí Minh phát triển thành một đô thị thông minh, giải quyết căn cơ những hạn chế triển khai ứng dụng CNTT của Thành phố trong những năm qua như không đồng bộ, liên thông và chia sẻ kết nối dữ liệu.

- Mở rộng lĩnh vực áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 từ phiên bản 2000 đến 2015 tại các sở - ban, ngành, quận - huyện đến phường - xã, thị trấn đã cải tiến lề lối làm việc và giúp lãnh đạo đơn vị, địa phương kiểm soát được quy trình chất lượng, thời gian giải quyết công việc.

2. Những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân

2.1. Về cải cách thể chế

- Tiến độ xây dựng, trình ban hành các VBQPPL của Hội đồng nhân dân, UBND Thành phố đối với một số văn bản còn chậm, chưa sát với kế hoạch đề ra; một số sở - ban, ngành chưa quan tâm, sâu sát đối với công tác theo dõi thi hành pháp luật, chưa chủ động rà soát, cập nhật quy định pháp luật của trung ương thuộc lĩnh vực chuyên ngành để kịp thời, tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung (nếu có) quy định pháp luật của Thành phố để đồng bộ, thống nhất với các thay đổi của quy định pháp luật trung ương.

- Việc nghiên cứu, đánh giá tác động chính sách trước khi tham mưu xây dựng chính sách tuy bước đầu có bài bản nhưng các nội dung đánh giá tác động chưa đủ sâu, bao quát các mặt ảnh hưởng của chính sách đến kinh tế, xã hội (đặc biệt là đánh giá tác động đối với ngân sách Thành phố).

2.2. Về cải cách thủ tục hành chính

- Tỷ lệ hồ sơ trễ hạn được kéo giảm hàng năm, nhưng do số lượng hồ sơ tiếp nhận rất lớn nên số lượng trễ hạn vẫn còn cao. Vẫn còn tình trạng giải quyết trễ hạn nhưng chưa thực hiện thư xin lỗi kịp thời, chủ yếu là trong lĩnh vực đất đai.

- Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hành chính được các sở, ban, ngành, quận-huyện quan tâm xây dựng và triển khai thực hiện, trong đó, có nhiều sáng kiến, giải pháp trong giải quyết thủ tục hành chính được triển khai hiệu quả tại đơn vị. Việc các đơn vị xây dựng và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin thể hiện sự chủ động, đột phá của các đơn vị, tuy nhiên, dẫn đến tình trạng triển khai manh mún, không đồng bộ, tập trung, thống nhất. Với thực trạng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin giữa các đơn vị là không đồng bộ, thống nhất nên đến nay, việc triển khai xây dựng hệ thống thông tin một cửa tập trung thống nhất theo Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ là rất khó khăn và tiến độ triển khai chậm. Do vậy, công tác kiểm soát việc giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn Thành phố chưa thể thực hiện một cách tập trung và thống nhất.

- Số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên địa bàn Thành phố còn đạt tỷ lệ thấp so với chỉ tiêu. Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tại một số UBND quận - huyện còn đạt tỷ lệ thấp so với chỉ tiêu.

- Hệ thống thông tin một cửa điện tử triển khai tại một số cơ quan, đơn vị không thống nhất, việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trực tuyến chưa được đồng bộ nên việc kiểm tra, giám sát việc giải quyết hồ sơ TTHC tại các cơ quan chủ yếu được thực hiện thông qua các báo cáo và các buổi kiểm tra mang tính chuyên đề, kiểm tra xác suất một lượng hồ sơ không nhiều; chưa có cơ chế tự kiểm tra từ xa đối với từng quy trình giải quyết hồ sơ TTHC. Bên cạnh đó, việc triển khai chưa đồng bộ tạo sự khó khăn trong triển khai kết nối, tích hợp dịch vụ công trực tuyến với Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

- Việc triển khai dịch vụ bưu chính công ích chưa thật sự hiệu quả tại một số cơ quan, số lượng hồ sơ đăng ký tham gia dịch vụ bưu chính công ích chưa như mong muốn và chưa đạt chỉ tiêu. Mặc dù các đơn vị tập trung công tác tuyên truyền, vận động người dân bằng nhiều hình thức phong phú đa dạng nhưng phần lớn người dân không có nhu cầu, đồng thời, với tâm lý việc trả kết quả hồ sơ qua đường bưu điện có thể mất thêm nhiều thời gian hơn nêu địa chỉ người nhận không rõ ràng, đầy đủ; khoảng cách địa lý tương đối gần, đường sá đi lại thuận tiện, không mất nhiều thời gian; phát sinh chi phí chuyển phát qua đường bưu điện; tâm lý e ngại sợ mất giấy tờ gốc khi sử dụng dịch vụ; hệ thống bưu điện trên địa bàn còn hạn chế. Hầu hết các TTHC cấp xã phát sinh hồ sơ thường xuyên đều được giải quyết trong ngày nên người dân không lựa đăng ký dịch vụ bưu chính công ích.

Bên cạnh đó, hiện nay, chưa có cơ chế kiểm soát việc tiếp nhận và yêu cầu người dân, tổ chức bổ sung hồ sơ khi thực hiện dịch vụ bưu chính công ích; đồng thời, thời gian để bưu điện thực hiện chuyển hồ sơ giữa các cơ quan phối hợp trong giải quyết TTHC còn chậm (đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai) nên ảnh hưởng đến tiến độ chung giải quyết hồ sơ của các cơ quan giải quyết TTHC.

2.3. Về cải cách tổ chức bộ máy

- Trong giai đoạn này, Thành phố chủ động đề xuất thành lập các cơ quan đặc thù cho phù hợp với thực tế (Ban Dân tộc, Sở Du lịch, thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố), nên dẫn đến tăng số lượng cơ quan hành chính của Thành phố so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, việc Chính phủ chưa ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP, nên công tác sắp xếp cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố, cũng như các tổ chức bên trong vẫn còn chậm.

Việc sắp xếp các cơ quan hành chính khác còn chưa tinh gọn, hiện vẫn đang sắp xếp vì có một số cơ quan phải xin ý kiến Trung ương hoặc gắn với việc sắp xếp theo việc sắp xếp cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố nhưng hiện nay đã tạm dừng, chờ Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP.

- Xuất phát từ việc tăng dân số cơ học với một lượng lớn dân nhập cư về Thành phố sinh sống và làm việc nên Thành phố thường xuyên phải tăng trưởng, tăng lớp đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Từ đó, tỷ lệ giảm đơn vị sự nghiệp công lập chưa đạt và sử dụng số biên chế được giao vượt so với quy định.

- Việc thực hiện tinh giản biên chế tỷ lệ còn thấp vì khi các cơ quan, đơn vị để xuất danh sách hầu hết không thuộc đối tượng quy định. Các cơ quan, đơn vị có nhiều nỗ lực nhưng Thành phố gặp nhiều khó khăn vì phần lớn cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, năng lực đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và ngày càng chuẩn hóa.

2.4. Về xây dựng và nâng cao đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

- Mức lương còn hạn chế nên khó thu hút và giữ chân được cán bộ, công chức trẻ, giỏi làm việc lâu dài, nhất là các công chức, viên chức được đào tạo ở nước ngoài.

- Thái độ phục vụ của cán bộ công chức trong giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp có nhiều tiến bộ hơn trước, nhưng cũng còn trường hợp cán bộ, công chức chưa hướng dẫn tận tình, giải quyết hồ sơ hành chính trễ hạn, còn phiền hà người dân, doanh nghiệp. Trách nhiệm giải trình của các cơ quan, người đứng đầu đối với các kiến nghị chưa được quan tâm kịp thời và đúng mức.

- Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa thực sự chuyển biến rõ nét; vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thực hiện chưa nghiêm Quy tắc ứng xử, bị người dân, báo chí phản ánh. Tỷ lệ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với thái độ phục vụ và chất lượng giải quyết hồ sơ TTHC của các cơ quan, đơn vị có tăng lên nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng của Thành phố.

2.5. Về cải cách tài chính công

- Các quy định của pháp luật hiện hành chưa thống nhất, chưa đồng bộ, chưa đầy đủ nên công tác cải cách tài chính công của các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp gặp khó khăn, lúng túng khi triển khai thực hiện.

- Số lượng đơn vị sự nghiệp công lập nhiều nhưng tỷ lệ đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng 9%), điều này đã tạo áp lực không nhỏ cho ngân sách.

- Công tác quản trị tại các đơn vị sự nghiệp công lập chưa được năng động, chưa chủ động tìm và khai thác nguồn thu cho đơn vị, vẫn còn nhiều quan điểm dựa vào nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp.

2.6. Về hiện đại hóa hành chính

- Các hệ thống thông tin, CSDL do Bộ - ngành triển khai tập trung chưa đáp ứng nhu cầu quản lý cụ thể của từng địa phương. Trong khi đó, việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các Bộ - Ngành với địa phương còn gặp nhiều khó khăn, do đó địa phương hoặc là sử dụng hệ thống của các Bộ - Ngành triển khai nhưng không có đủ thông tin phục vụ công tác quản lý hoặc là sử dụng cùng lúc 2 hệ thống song song (1 hệ thống do các Bộ - Ngành triển khai, 1 hệ thống do địa phương triển khai theo nhu cầu quản lý cụ thể của địa phương).

- Tiến độ triển khai các CSDL quốc gia chậm, trong khi các địa phương không được chủ động trong việc triển khai các nội dung thuộc phạm vi CSDL quốc gia, gây khó khăn trong công tác quản lý điều hành của địa phương.

3. Những bài học kinh nghiệm trong triển khai CCHC

- Sự lãnh đạo đúng đắn của Thành ủy, sự chỉ đạo điều hành kiên quyết, kịp thời của UBND Thành phố được cụ thể hóa thành các Kế hoạch, Chương trình CCHC 10 năm, 5 năm và hàng năm, phân công cụ thể các ngành, các cấp thực hiện công tác CCHC theo ngành, lĩnh vực, địa phương mà mình phụ trách, gắn nhiệm vụ CCHC vào hoạt động thường xuyên tại cơ quan, đơn vị. Kịp thời sơ kết, tổng kết định kỳ và đột xuất công tác CCHC.

- Nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp về mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của CCHC đối với công cuộc xây dựng và phát triển Thành phố. Từ đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng công tác CCHC đối với các ngành, các cấp và trong nhân dân.

- Công tác chỉ đạo triển khai thống nhất CCHC từ Chính phủ tới chính quyền địa phương các cấp đóng vai trò quan trọng sự thành công của CCHC, do đó phải được duy trì và bảo đảm. CCHC là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, gắn với quá trình tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị theo các chương trình, kế hoạch đã được đề ra.

- Điều kiện quan trọng đảm bảo thành công của CCHC là quyết tâm chính trị và phát huy trách nhiệm của người đứng đầu. Trên thực tế, bài học kinh nghiệm này chưa được áp dụng triệt để. Do đó, cần kịp thời cụ thể hóa chủ trương lấy kết quả thực hiện công tác CCHC là một trong những tiêu chí xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo các ngành, các cấp, làm một trong những cơ sở để đánh giá, nhận xét và tiến hành điều động, bố trí cán bộ.

- Duy trì, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai phạm, thiếu sót khi thực hiện nhiệm vụ. Kịp thời đề ra các biện pháp thay thế, khắc phục những mặt tồn tại, yếu kém, không đồng bộ trong quá trình thực hiện CCHC từ Thành phố đến quận, phường, qua ý kiến góp ý của người dân, doanh nghiệp nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

- Bảo đảm kịp thời kinh phí và nguồn nhân lực cho công tác CCHC, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào trong công tác tham mưu, quản lý, điều hành.

Phần thứ hai

ĐỀ XUẤT NHIỆM VỤ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2020 - 2030

Căn cứ vào kết quả tổng kết Chương trình tổng thể giai đoạn 2011 - 2020; từ yêu cầu CCHC và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Thành phố đề xuất mục tiêu và những nội dung, nhiệm vụ CCHC trọng tâm cần thiết phải triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2030, tập trung những nội dung sau:

1. Về cải cách thể chế

1.1. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác ban hành VBQPPL thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân, UBND Thành phố đáp ứng yêu cầu của công tác cải cách thể chế, gắn với công tác kiểm soát TTHC, kiểm tra VBQPPL và theo dõi thi hành pháp luật.

1.2. Tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc tham mưu Hội đồng nhân dân, UBND Thành phố ban hành VBQPPL theo thẩm quyền đối với các nội dung quản lý chuyên ngành. Trong đó, chú trọng việc thực hiện đánh giá tác động chính sách (nếu có); đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của các VBQPPL thuộc thẩm quyền ban hành của Thành phố.

1.3. Tiếp tục tăng cường công tác xây dựng thể chế nhằm triển khai có hiệu quả các nội dung, đề án thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội.

1.4. Đẩy mạnh công tác rà soát các VBQPPL do Trung ương và UBND Thành phố ban hành, nhằm sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc trình Trung ương sửa đổi, bổ sung những quy định không còn phù hợp, chú trọng kiến nghị các giải pháp hoàn thiện công tác xây dựng thể chế.

2. Về cải cách thủ tục hành chính

2.1. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính trong công tác cải cách TTHC; Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng giải quyết TTHC.

2.2. Thực hiện nhiều hình thức kiểm tra, giám sát quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC nhằm bảo đảm việc kiểm tra, giám sát được thực hiện đầy đủ, hiệu quả, chính xác, khách quan, công khai, khoa học đối với từng hồ sơ giải quyết TTHC.

2.3. Triển khai hệ thống Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử Thành phố tập trung gắn với đánh giá việc giải quyết TTHC theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ.

2.4. Rà soát, đơn giản hóa TTHC, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các TTHC không còn phù hợp; rườm rà, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; triển khai nhân rộng các mô hình, sáng kiến, cách làm hay về cải cách TTHC đã được các cơ quan, đơn vị thực hiện có hiệu quả.

2.5. Thực hiện công khai, minh bạch TTHC bằng nhiều hình thức thiết thực và thích hợp; đổi mới cải tiến quy trình giải quyết các loại hồ sơ TTHC, mở rộng thực hiện cơ chế liên thông với các sở - ban, ngành, quận - huyện trong giải quyết hồ sơ TTHC, nâng cao chất lượng giải quyết hồ sơ TTHC cho người dân, doanh nghiệp.

2.6. Thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân, tổ chức tham gia dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; nâng số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cung cấp trên địa bàn; đảm bảo thực hiện đồng bộ về số lượng, loại dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tại UBND quận - huyện.

2.7. Thực hiện nghiêm quy định về thư xin lỗi trong trường hợp hồ sơ trễ hạn; tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định về xin lỗi, cán bộ công chức viên chức thiếu ý thức phục vụ người dân, tổ chức khi đến giao dịch, có hành vi nhũng nhiễu, yêu cầu bổ sung hồ sơ nhiều lần không đúng quy định, giải quyết hồ sơ trễ hạn nhiều lần không có lý do chính đáng, xử lý trách nhiệm người đứng đầu.

2.8. Xử lý kịp thời, dứt điểm phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quy trình giải quyết TTHC.

2.9. Triển khai hiệu quả việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết hồ sơ TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích theo Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

3. Về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước

3.1. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW nhất là khi Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP, Nghị định số 37/2014/NĐ-CP.

3.2. Tiếp tục rà soát, sắp xếp các cơ quan hành chính khác thuộc UBND Thành phố ngày càng tinh gọn, phù hợp với quy định và hoạt động có hiệu quả.

3.3. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về giảm tỷ lệ 10% số lượng đơn vị sự nghiệp và 10% số lượng người làm việc. Phấn đấu chuyển 10% các đơn vị sự nghiệp khác tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên đủ điều kiện chuyển đổi sang đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên.

3.4. Rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để giảm số biên chế cho phù hợp với số biên chế do Chính phủ giao; thực hiện tinh giản biên chế đạt tỷ lệ theo quy định.

3.5. Trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 93/2001/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2001 của Chính phủ về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho Thành phố Hồ Chí Minh; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp cho các cơ quan, đơn vị thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND Thành phố.

3.6. Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt chuẩn 50% cả 02 tiêu chuẩn về diện tích và dân số trên địa bàn Thành phố

3.7. Hàng năm, tiến hành kiểm tra về công tác tổ chức, bộ máy tại một số cơ quan, đơn vị để nhân rộng các cách làm hay và kịp thời chấn chỉnh những việc thực hiện chưa tốt.

4. Về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

4.1. Tập trung quán triệt, nâng cao nhận thức về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

- Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, tuyên truyền, giáo dục về đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy chính quyền Thành phố. Bảo đảm tiếp tục hoàn thiện, nâng cao nhận thức và thống nhất hành động về nhiệm vụ CCHC; quyết định các mục tiêu, quan điểm, chủ trương và giải pháp lớn về CCHC nói chung và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói riêng.

- Việc xây dựng chương trình, kế hoạch CCHC phải hướng tới mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp và thông qua kết quả CCHC mà xem xét, đánh giá, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

4.2. Tiếp lục hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ, công chức, viên chức

- Tập trung lãnh đạo việc xây dựng các thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế và chủ trương, nghị quyết của Đảng. Thường xuyên rà soát ban hành, điều chỉnh các quy định liên quan đến văn hóa công vụ phù hợp thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức. UBND Thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế làm việc phù hợp với hoạt động của từng địa phương, đơn vị.

- Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức; tổ chức thực hiện các quy định về văn hóa công vụ góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

- Nghiên cứu, phát động phong trào thi đua thực hiện Văn hóa công vụ đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, đưa nội dung thực hiện Văn hóa công vụ vào các tiêu chí bình xét thi đua của cơ quan, địa phương. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể có thành tích tốt và những cá nhân gương mẫu trong thực hiện Văn hóa công vụ; xử lý nghiêm tập thể, cá nhân vi phạm quy định hoặc thực hiện chưa tốt Văn hóa công vụ.

4.3. Thực hiện các quy định về quản lý cán bộ, công chức, viên chức

- Tiếp tục nghiên cứu, tổ chức các kỳ thi tuyến, nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức theo đúng kế hoạch và quy định pháp luật. Đồng thời, tiếp tục thẩm định và công nhận kết quả xét tuyển viên chức đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu của kỳ thi nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong tuyển chọn, sàng lọc thí sinh.

- Thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tập trung bồi dưỡng các kỹ năng chuyên sâu về quản lý nhà nước, kiến thức kỹ năng chuyên ngành theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp, đặc biệt tập trung bồi dưỡng về lý luận chính trị theo yêu cầu thực hiện các chỉ tiêu của Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thành phố và việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII.

4.4. Về cải cách công vụ công chức, đổi mới công tác quản lý cán bộ, công chức

- Tiếp tục thực hiện đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức trong giai đoạn tới; tập trung các nhóm nhiệm vụ, giải pháp tổng thể về đổi mới công tác tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức; đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

- Tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo, quản lý và từng cá nhân cán bộ, công chức, viên chức về vai trò và tầm quan trọng của công tác đánh giá, phân loại hàng quý để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hiểu, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị, phục vụ tổ chức và người dân ngày càng tốt hơn. Đây là một trong những bước đột phá của Thành phố về cải cách chế độ công vụ, công chức, gắn với triển khai thực hiện hiệu quả cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 54/2017/QH14.

- Tiếp tục triển khai thực hiện Quy định về chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đối với các lĩnh vực Thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu giai đoạn 2019 - 2022 đảm bảo hiệu quả, chất lượng và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội Thành phố.

- Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu lãnh đạo Sở trình UBND Thành phố ban hành Quy định về chính sách thu hút tài năng đặc biệt (theo Nghị quyết số của Hội đồng nhân dân Thành phố).

4.5. Nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức

Xây dựng các kế hoạch định kỳ kiểm tra công vụ nhằm tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, về tinh thần, thái độ và phòng chống tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức. Đặc biệt, tập trung kiểm tra việc triển khai thực hiện các nội dung về đẩy mạnh công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức và CCHC tại cơ quan, đơn vị.

5. Về tài chính công

5.1. Về cải cách tiền lương

Tiếp tục triển khai chính sách cải cách tiền lương theo lộ trình của Chính phủ; đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương theo quy định; tiếp tục triển khai thực hiện chi thu nhập bình quân tăng thêm cho CBCC, VC theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội.

5.2. Về an sinh xã hội

Tiếp tục thực hiện tốt Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 về ưu đãi người có công với cách mạng và Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH13 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ cho người có công và thân nhân theo quy định về trợ cấp, phụ cấp ưu đãi, nhà ở, bảo hiểm y tế, điều dưỡng, ưu đãi học sinh sinh viên. Tiếp tục nghiên cứu để tham mưu, đề xuất kịp thời đến UBND Thành phố, các Bộ - ngành để có những điều chỉnh, bổ sung thích hợp trong thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công.

Tiến hành rà soát lại hoàn cảnh, tình trạng gia đình của toàn bộ hộ nghèo và cận nghèo để tiếp tục vận động hỗ trợ, đặc biệt là hộ không còn người trong tuổi lao động để vận động hỗ trợ tăng thêm thu nhập qua nhiều hình thức như vận động phụng dưỡng, đỡ đầu, hoặc hỗ trợ cho vay vốn làm ăn, đào tạo nghề giải quyết việc làm đối với hộ còn người trong tuổi lao động.

5.3. Về đẩy mạnh xã hội hóa

Tăng cường huy động nguồn lực xã hội từ Chương trình kích cầu của Thành phố thông qua việc:

- Xây dựng Nghị quyết về Chương trình kích cầu đầu tư của Thành phố làm cơ sở thay thế Quyết định số 50/2015/QĐ-UBND ngày 30 tháng 10 năm 2015 của UBND Thành phố để phù hợp với tình hình thực tế của các dự án và xu hướng phát triển kinh tế Thành phố; bổ sung đối tượng là các dự án khởi nghiệp; hoàn thiện Quy chế phối hợp và quy trình thực hiện đăng ký tham gia Chương trình kích cầu theo hướng hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tập thể trong nước (100% vốn trong nước); bổ sung danh mục các dự án sử dụng vốn ngân sách có khả năng chuyển đổi sang các hình thức tham gia Chương trình kích cầu đầu tư, đặc biệt là các dự án có tổng mức đầu tư lớn và có khả năng mang lại nguồn thu.

- Sử dụng cơ chế hỗ trợ của Chương trình kích cầu đầu tư thúc đẩy việc xã hội hóa đầu tư một số lĩnh vực còn phụ thuộc nhiều vào vốn ngân sách.

- Cho phép nâng số vốn vay được hỗ trợ lãi suất đối với dự án tham gia Chương trình kích cầu đầu tư.

- Khuyến khích các đơn vị sự nghiệp đủ điều kiện vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp (công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước năm giữ 100% vốn điều lệ) nhằm giảm số lượng cán bộ, viên chức nhận lương từ NSNN cấp và tăng sự đa dạng của các loại hình dịch vụ, phục vụ tốt hơn nhu cầu của xã hội; chuyển đổi một số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ, lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

5.4. Về thực hiện đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách quản lý tài chính của các cơ quan hành chính, cải cách quản lý tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tế:

- Triển khai và thực hiện các quy định của Chính phủ về đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách, tiến đến xóa bỏ chế độ cấp kinh phí theo số lượng biên chế, thay bằng cơ chế cấp ngân sách dựa trên yêu cầu nhiệm vụ và kết quả hoạt động, hướng vào kiểm soát đầu ra.

- Phát huy tính chủ động, sáng tạo trong việc sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn kinh phí được giao tự chủ để tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống cho cán bộ, công nhân viên chức, người lao động.

- Nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị, tăng cường sự giám sát của cán bộ, công chức, viên chức trong việc sử dụng biên chế, kinh phí để hoàn thành nhiệm vụ được giao; phát huy dân chủ và công khai, minh bạch trong chi ngân sách và sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sử dụng ngân sách nhà nước.

 Tăng tự chủ tài chính, tạo động lực để đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn; tăng động lực để người lao động nâng cao năng suất lao động, hiệu suất công tác; tạo động lực để người đứng đầu và bộ máy quản lý đơn vị sự nghiệp công lập năng động phát triển các dịch vụ mới, tìm đối tượng phục vụ mới, nâng cao chất lượng các dịch vụ đang cung ứng cho xã hội cũng như quản lý, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị tối ưu, đạt hiệu suất cao hơn trong việc tìm kiếm các nguồn lực để phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị theo chiều sâu, lấy hiệu quả hoạt động là tiêu chí chủ yếu, không ỷ lại vào NSNN.

6. Về hiện đại hóa hành chính

6.1. Tập trung thực hiện Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025

6.1.1. Hạ tầng kỹ thuật và an toàn an ninh thông tin

- Xây dựng và triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin một cách đồng bộ, thống nhất theo Kiến trúc Chính quyền điện tử Thành phố Hồ Chí Minh và Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam. Xây dựng và triển khai Đề án chuyển đổi số của Thành phố, tập trung cho kế hoạch số hóa thông tin tại các đơn vị.

- Phát triển hệ thống Mạng băng thông rộng của Thành phố (Metronet) đảm bảo vận hành ổn định cho hệ thống phần mềm ứng dụng triển khai tập trung trên hệ thống Trung tâm dữ liệu của Thành phố, đáp ứng được yêu cầu tác nghiệp và liên thông kết nối dữ liệu giữa các đơn vị. Hoàn thiện Trung tâm dữ liệu Thành phố ở mức nền tảng như một dịch vụ (PaaS). Triển khai Trung tâm dữ liệu dự phòng của Thành phố.

- Đẩy mạnh việc ứng dụng chữ ký số chuyên dùng tại các cơ quan nhà nước Thành phố nhằm bảo đảm tính pháp lý của văn bản trao đổi và an toàn, an ninh thông tin để thực hiện trao đổi thông tin, giao dịch hành chính điện tử một cách có hiệu quả trong nội bộ từng cơ quan và giữa các cơ quan nhà nước; ứng dụng chữ ký số đối với việc gửi, nhận văn bản điện tử trên các thiết bị di động thông minh.

- Xây dựng Chương trình chuyển đổi số của thành phố, tập trung cho kế hoạch số hóa thông tin tại các đơn vị.

6.1.2. Ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ các cơ quan

- Tiếp tục mở rộng sử dụng hệ thống thư điện tử đến tất cả các cán bộ công chức của sở - ban, ngành, UBND các quận - huyện, phường, xã, thị trấn để trao đổi thông tin, giao dịch hành chính điện tử, phấn đấu đảm bảo 100% cán bộ, công chức sử dụng thư điện tử Thành phố để thực hiện trao đổi thông tin, giao dịch hành chính điện tử.

- Mở rộng, bổ sung nền tảng tích hợp dữ liệu dùng chung, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu; triển khai hệ thống xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến Thành phố.

- Tiếp tục hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu Thành phố (LGSP) đảm bảo việc liên thông kết nối phần mềm Quản lý văn bản, chỉ đạo điều hành của Thành phố đáp ứng yêu cầu tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.

- Rà soát, hoàn thiện phần mềm phục vụ chỉ đạo điều hành. Tập trung triển khai các phần mềm tác nghiệp chuyên ngành nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC đối với những lĩnh vực cấp thiết, liên quan đến người dân và doanh nghiệp như đất đai - xây dựng, hộ tịch, đăng ký doanh nghiệp.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung theo Kế hoạch xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở thuộc Đề án xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

6.1.3. Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp

- Hoàn thiện, triển khai, vận hành Cổng dịch vụ công Thành phố và Hệ thống thông tin Một cửa điện tử gắn với đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia, kết nối chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo các yêu cầu quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ và Đề án “Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử gắn với đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính Thành phố Hồ Chí Minh” được Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt.

- Hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu thành phố (LGSP) có các dịch vụ dùng chung để chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị tại Thành phố; phục vụ kết nối các hệ thống thông tin trong nội bộ của Thành phố với các hệ thống bên ngoài; mô hình kết nối của LGSP theo Kiến trúc Chính quyền điện tử Thành phố phù hợp Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam. 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

- Tiếp tục triển khai nhân rộng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 kết hợp với dịch vụ nhận và chuyển phát hồ sơ của Bưu điện Thành phố. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; 80% TTHC đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tích hợp 50% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Thành phố với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, khuyến khích người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

- Tiếp tục thực hiện hoàn chỉnh và nâng cấp mở rộng hệ thống đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức tại các sở - ngành Thành phố, UBND các quận - huyện nhằm nâng cao chất lượng phục vụ của các đơn vị; thực hiện công khai mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, mức độ hài lòng của cá nhân và doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt 95% trở lên vào năm 2025; tiếp tục triển khai, vận hành hiệu quả Hệ thống Một cửa điện tử quản lý hồ sơ đất đai.

6.2. Tiếp tục triển khai Đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2025”

Tập trung triển khai thực hiện: xây dựng và vận hành Kho dữ liệu dùng chung và phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở; Trung tâm điều hành đô thị thông minh Thành phố; Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội Thành phố; Trung tâm An toàn thông tin của Thành phố; triển khai xây dựng chính quyền điện tử trong thời kỳ chuyển đổi số, chuyển đổi dần chính quyền điện tử sang chính quyền số để phù hợp với vai trò của chính quyền quản lý đô thị thông minh.

6.3. Ứng dụng Hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam ISO 9001 vào hoạt động quản lý hành chính nhà nước

Đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan duy trì, mở rộng và chuyển đổi áp dụng HTQLCL TCVN ISO 9001:2015. Phấn đấu đến hết năm 2020, 100% sở - ban, ngành, UBND quận - huyện và 70% UBND phường - xã, thị trấn hoàn tất việc chuyển đổi áp dụng Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015. Đến năm 2025, 100% sở - ban, ngành, UBND quận - huyện áp dụng và duy trì triển khai áp dụng HTQLCL TCVN ISO 9001:2015.

Phần thứ ba

NHỮNG KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT VÀ GIẢI PHÁP

I. CÁC KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT

1. Kiến nghị, đề xuất đối với Chính phủ

1.1. Tiếp tục quan tâm đến thực tiễn quản lý của Thành phố, cho phép hoặc có quy định “mở” về tổ chức bộ máy của Thành phố, thể hiện rõ nét qua Nghị quyết 54/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội, Nghị định số 93/2001/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2001 của Chính phủ cho đến các Thông tư liên tịch hướng dẫn về cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Thành phố kiện toàn về tổ chức bộ máy, biên chế, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước trên địa bàn cũng như trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Tiếp tục quan tâm đẩy mạnh thí điểm phân cấp mạnh mẽ hơn cho Thành phố một số nhiệm vụ của các Bộ ngành, những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn quản lý của Thành phố mà pháp luật chưa quy định theo tinh thần Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10 tháng 8 năm 2012 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020.

Cần quan tâm nghiên cứu phân cấp một số nội dung về xây dựng chính sách và ban hành văn bản pháp luật; về quản lý tài chính công; về tổ chức và hoạt động của bộ máy giúp việc; phân cấp về thẩm quyền, biện pháp xử lý vi phạm hành chính, tăng cường thẩm quyền trong việc xử lý vi phạm hành chính phù hợp với đô thị, trong đó cần tăng cường thẩm quyền cho Chủ tịch UBND Thành phố (cùng cơ chế ủy quyền) trong việc xử phạt các hành vi vi phạm phát sinh chỉ xảy ra ở Thành phố. Thông qua đó, các văn bản của Thành phố ban hành vừa phù hợp với thực tiễn của Thành phố nhưng không gặp “vướng” về mặt pháp lý dẫn đến tình trạng “chưa phù hợp với quy định chung”, giúp Thành phố có hành lang pháp lý thuận lợi, đảm bảo công cụ chỉ đạo, điều hành hiệu quả đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

1.2. Sớm nghiên cứu, xây dựng Luật về văn bản hành chính: hiện nay, chưa có hệ thống các VBQPPL quy định về các nguyên tắc trong việc áp dụng pháp luật hoặc có một Luật để thể chế hóa các quy phạm chung về các nguyên tắc, trình tự, thủ tục trong việc xây dựng và áp dụng văn bản hành chính (văn bản hành chính cá biệt), trong đó, các vấn đề cần giải quyết như xác định thời điểm có hiệu lực của văn bản, thời điểm hết hiệu lực của văn bản; xử lý xung đột giữa các văn bản; vấn đề chuyển tiếp áp dụng văn bản cá biệt khi quy định pháp luật có thay đổi; việc thu hồi hủy bỏ, bãi bỏ văn bản cá biệt và việc xử lý các hệ quả pháp lý phát sinh....

1.3. Sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP để tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp bộ máy ngày càng tinh gọn, hoạt động có hiệu lực và hiệu quả.

1.4. Sớm thông qua Đề án thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND quận - huyện; Đề án thí điểm tổ chức lại Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng thuộc UBND quận - huyện thành Trung tâm Phát triển quỹ đất trực thuộc UBND quận - huyện để Thành phố có cơ sở tổ chức triển khai thực hiện; Phê duyệt Đề án không tổ chức Hội đồng nhân dân quận và phường tại Thành phố Hồ Chí Minh.

1.5. Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế là đầu tàu động lực có sức thu hút và lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng cả nước; với quy mô dân số hơn 09 triệu dân, đòi hỏi phải có bộ máy, nhân sự thực hiện nhiệm vụ chính trị và quản lý nhà nước theo yêu cầu. Hiện nay, khối lượng công việc đối với công chức hành chính đang bị quá tải: 01 công chức phục vụ khoảng 690 người dân (nếu không tính khách vãng lai) và 01 công chức phục vụ khoảng 1.117 người dân trên địa bàn Thành phố (nếu tính cả khách vãng lai). Do đó, Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất Bộ Nội vụ xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao biên chế công chức phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tế tại Thành phố Hồ Chí Minh.

1.6. Phân bổ tăng thêm số lượng cán bộ, công chức phường - xã phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương (có thể dựa theo tình hình đặc điểm đặc thù của mỗi địa phương khác nhau như: địa phương có địa bàn dân cư phức tạp, địa phương có nhiều cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp với nhiều loại hình khác nhau, địa phương có nhiều khu chung cư, địa phương đang trong giai đoạn đô thị hóa...)

1.7. Đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền địa phương, đảm bảo cho chính quyền mỗi cấp tự chủ tự quản trong các lĩnh vực từ tổ chức bộ máy, quản lý dân cư, bảo vệ môi trường để chính quyền địa phương chủ động nhiều hơn trong công tác quản lý nhà nước và thực thi nhiệm vụ.

1.8. Việc thể chế hoá các chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với từng lĩnh vực sự nghiệp công còn chậm theo lộ trình đôi mới, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công, tăng cường giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp, giảm áp lực tài chính cho ngân sách nhà nước. Hiện nay, Chính phủ chỉ mới ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực khoa học công nghệ và cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác. Vì vậy, cần sớm ban hành Nghị định quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục đào tạo; văn hóa thể thao; y tế…để triển khai thực hiện.

1.9. Đơn giản hóa thành phần, yêu cầu thực hiện thủ tục TTHC, để tăng số lượng TTHC đủ điều kiện thực hiện mức độ 3, mức độ 4.

1.10. Chỉ đạo các Bộ - ngành khi triển khai, kết nối phần mềm với địa phương trong tiếp nhận, xử lý hồ sơ TTHC, chuyển dữ liệu phải hướng dẫn cho địa phương để đảm bảo đồng bộ, tích hợp với hệ thống thông tin một cửa triển khai tại địa phương, tránh tình trạng cán bộ phải vừa thao tác trên Phần mềm do bộ ngành triển khai vừa thao tác trên Hệ thống thông tin một cửa tại địa phương.

1.11. Đề xuất ban hành văn bản hướng dẫn các nội dung sau: (1) Hướng dẫn đơn vị sự nghiệp công lập vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp; (2) Hướng dẫn, điều chỉnh cơ chế hoạt động tài chính của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Thành phố.

1.12. Xây dựng chính sách về quy hoạch việc phát triển các đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công nhằm tránh tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả, vừa tốn kém nguồn lực của xã hội đồng thời gây ra tình trạng cung nhiều, cầu ít, dễ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, làm giảm hiệu quả của dịch vụ công.

1.13. Quản lý chặt chẽ việc cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công có ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

1.14. Giao các Bộ - ngành hướng dẫn các tiêu chí, tiêu chuẩn cho địa phương ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, định mức kinh tế - kỹ thuật trong từng lĩnh vực để triển khai xây dựng giá dịch vụ sự nghiệp công làm cơ sở đấu thầu, đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.

2. Kiến nghị, đề xuất đối với các Bộ, ngành Trung ương

2.1. Bộ Tư pháp

- Nghiên cứu, tổng kết việc thi hành Luật và các văn bản của Trung ương để tháo gỡ những vướng mắc cho địa phương trong thực tiễn quản lý. Xây dựng và hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật từ Trung ương đến địa phương có tính đến đặc thù của từng đơn vị, trong đó quan tâm hơn nữa đến thực tiễn của Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó cần phân cấp cho một số đơn vị hành chính loại đặc biệt trong việc quyết định bộ máy giúp việc của mình; quan tâm cùng với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ nghiên cứu phân cấp quản lý cho Thành phố một số nội dung quản lý theo tinh thần của Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị, chú trọng phân cấp về xây dựng chính sách và ban hành VBQPPL để Thành phố xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi trong công tác chỉ đạo, điều hành, phù hợp với thực tiễn nhưng không trái với quy định chung.

- Sớm tham mưu Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành VBQPPL năm 2015. Đây là tiền đề quan trọng trong công tác cải cách thể chế hành chính nhà nước, là văn bản pháp lý về trình tự, thủ tục cho mọi hoạt động nghiên cứu xây dựng ban hành thể chế chính sách.

- Hướng dẫn việc duy trì, kiện toàn và tăng cường hiệu quả của các tổ chức pháp chế, đặc biệt là các phòng, tổ, bộ phận pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

- Tiếp tục quan tâm tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ bằng các hình thức phù hợp, trong đó cần thường xuyên tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các địa phương về công tác xây dựng, ban hành, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL.

2.2. Văn phòng Chính phủ

- Đề nghị các bộ, ngành quy định rõ tổng thời gian giải quyết, thời gian giải quyết từng giai đoạn (thời gian hỏi ý kiến, thời gian phê duyệt...) của các TTHC trong các VBQPPL để làm cơ sở trong việc công bố, công khai TTHC, danh mục TTHC, hướng dẫn nộp, xử lý hồ sơ của người dân, tổ chức và thống nhất chuẩn quy định thời gian giải quyết TTHC là ngày làm việc.

- Để tránh trường hợp TTHC gặp vướng mắc giữa các VBQPPL, đề nghị các bộ, ngành khi ban hành các quy định mới cần xây dựng lộ trình áp dụng và tổ chức tập huấn các quy định mới một cách phù hợp để các cơ quan thực thi pháp luật có thời gian nghiên cứu, áp dụng, hạn chế tình trạng xin ý kiến hướng dẫn của các Bộ - ngành.

2.3. Bộ Nội vụ

- Chủ động tham mưu hoặc hướng dẫn, giải quyết những nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được kiến nghị với Chính phủ tại nội dung số 1, mục I, phần thứ ba của Báo cáo này.

- Đề nghị nghiên cứu, điều chỉnh báo cáo công tác CCHC cho phù hợp với các tiêu chí được quy định tại Nghị định số 09/2019/NĐ-CP, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong công tác thống kê, tổng hợp.

- Đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đánh giá chỉ số CCHC đối với Bộ, ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương cho phù hợp và ổn định.

- Hiện nay, các địa phương phải chịu áp lực nhiều “chỉ số” cùng lúc phải đánh giá trong năm. Đề nghị tham mưu Chính phủ xác định những “chỉ số chính thức” nào thuộc cơ quan nhà nước và cần thực hiện đánh giá hàng năm, để các địa phương chủ động và xác định được mục tiêu trong triển khai thực hiện.

3. Kiến nghị, đề xuất Thành ủy Thành phố chỉ đạo

- Các tổ chức cơ sở Đảng, nhất là cấp ủy các sở - ban, ngành Thành phố quan tâm hơn nữa đến công tác CCHC, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy Đảng. Qua kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, nơi nào cấp ủy Đảng quan tâm, chỉ đạo sát sao về công tác CCHC, đơn vị đó sẽ thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, giải quyết tốt các công việc hành chính.

- Cấp ủy các sở - ban, ngành Thành phố, UBND quận - huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện CCHC tại đơn vị.

- Đẩy mạnh hơn nữa việc CCHC trong các hoạt động của Đảng và các cơ quan Đảng.

- Phê duyệt Đề án và ban hành hướng dẫn thí điểm và nhân rộng hình thức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý.

II. CÁC BIỆN PHÁP TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO VÀ KIỂM TRA, GIÁM SÁT ĐỐI VỚI CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC ĐỂ THỰC HIỆN TỐT HƠN NỮA CÁC MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ CCHC NHÀ NƯỚC TRONG GIAI ĐOẠN TỚI

1. Nhóm giải pháp về thể chế chính sách

1.1. Ban hành kịp thời các văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị.

1.2. Tiếp tục ban hành các văn bản phân cấp, ủy quyền mạnh và mang tính đột phá cho các cơ quan, đơn vị, địa phương phù hợp với đặc điểm, thế mạnh của từng cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm tạo tính chủ động, rút ngắn thời gian giải quyết công việc.

2. Nhóm giải pháp về nguồn lực

2.1. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin thông qua việc ứng dụng hệ thống phần mềm trong giải quyết công vụ góp phần rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả và từng bước giảm nhân sự.

2.2. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bằng các hình thức phù hợp; đổi mới nội dung và phương thức đào tạo, bồi dưỡng, chú trọng đào tạo theo ngạch, chức danh, vị trí việc làm. Thường xuyên cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để không ngừng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố có trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo thực tế đặt ra.

2.3. Tăng cường, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, chú trọng việc nâng cao kỹ năng hành chính, kỹ năng xử lý và giải quyết vấn đề cho công chức cấp xã; bố trí, sắp xếp đội ngũ công chức cấp xã phù hợp với năng lực, chuyên ngành được đào tạo, bảo đảm đúng người, đúng việc, đúng chuyên môn. Tiếp tục nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của công chức cấp xã.

2.4. Tuyển dụng, quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Thực hiện đánh giá cán bộ, công chức, viên chức ngày càng đúng thực chất để khen thưởng kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và loại bỏ những người không có năng lực ra khỏi tổ chức bộ máy góp phần tinh giản đội ngũ, tạo điều kiện thay thế bằng những người có năng lực.

3. Nhóm giải pháp về tài chính

3.1. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách quản lý tài chính theo hướng tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập.

3.2. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa bằng nhiều hình thức nhằm thu hút các nguồn lực tài chính phù hợp và công khai, minh bạch.

3.3. Bố trí tỷ lệ ngân sách phù hợp cho công tác cải cách hành chính, đặc biệt là công tác nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng, tổ chức chính quyền các cấp.

4. Nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện

4.1. Kịp thời ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các VBQPPL về tổ chức bộ máy.

4.2. Rà soát, kiến nghị Trung ương sửa đổi, ban hành các VBQPPL đối với những vấn đề còn bất cập trong quá trình thực hiện cải cách tổ chức bộ máy.

4.3. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, đánh giá việc sử dụng, quản lý biên chế tại các cơ quan, đơn vị; rà soát sắp xếp cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để đưa khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ công chức, viên chức không đủ tiêu chuẩn, điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn Thành phố.

Trên đây là Báo cáo tổng kết công tác công tác CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và đề xuất phương hướng nhiệm vụ CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND Thành phố;
- TTUB: CT, các PCT;
- Các sở - ban, ngành;
- UBND quận - huyện;
- Sở Nội vụ (2b);
- VPUB: CVP, PCVP/VX;
- Lưu: VT, (KSTT/ThL).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Vĩnh Tuyến

 

PHỤ LỤC I

THỐNG KÊ CÁC CHỈ TIÊU TẠI LĨNH VỰC CHỈ ĐẠO, HÀNH CCHC
(Kèm theo Báo cáo số: 127/BC-UBND ngày 09 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh)

STT

Chỉ tiêu

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Năm 2015

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020 (Tính đến 31/3)

1

Số lượng văn bản chỉ đạo, hành

 

 

 

 

 

 

 

- Văn bản của Tỉnh/Thành ủy

1

1

-

-

-

1

 

- Văn bản của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh

18

20

36

21

21

6

2

Số lượng các cơ quan, đơn vị được kiểm tra CCHC (số liệu tính trên thực tế thực hiện kiểm tra)

12

54

117

73

120

-

3

Tuyên truyền CCHC

 

 

 

 

 

 

-

Tổ chức cuộc thi tìm hiểu CCHC (Có tổ chức = 1; Không tổ chức = 0)

1

1

1

1

1

-

-

Số lượng bản tin chuyên đề CCHC trên đài PT-TH tỉnh

 

100

80

119

500

101

-

Số lớp tập huấn chuyên đề CCHC

2

-

1

1

11

-

-

Xây dựng chuyên mục CCHC trên Cổng TTĐT của tỉnh (Có xây dựng = 1; Không xây dựng = 0)

1

1

1

1

1

1

-

Hình thức tuyên truyền CCHC khác (nếu có).

1

1

1

1

1

1

4

Số lượng mô hình, sáng kiến CCHC được triển khai áp dụng

3 (chỉ thống kê mô hình được áp dụng phạm vi trên toàn Thành phố)

3 (chỉ thống kê mô hình được áp dụng phạm vi trên toàn TP)

42

262 (có 05 mô hình áp dụng phạm vi TP)

251 (có 05 mô hình áp dụng phạm vi TP)

-

5

Xây dựng, áp dụng bộ tiêu chí đánh giá CCHC các cơ quan, đơn vị

 

 

 

 

 

 

 

Bộ tiêu chí đánh giá sở, ngành

1

1

1

1

1

1

 

Bộ tiêu chí đánh giá UBND cấp huyện

1

1

1

1

1

1

 

Bộ tiêu chí đánh giá UBND cấp xã

Nội dung này, Thành phố giao cho Chủ tịch UBND huyện căn cứ vào tiêu chí, tiêu chí thành phần của Đề án Thành phố để ban hành tiêu chí để đánh giá tại địa phương.

 

Bộ tiêu chí đánh giá cơ quan ngành dọc tại địa phương

Thành phố đánh giá đối với cơ quan, đơn vị thuộc UBND Thành phố (ngoài các cơ quan chuyên môn theo NĐ 24). Ví dụ: BQL Khu chế xuất và Khu công nghiệp; BQL Khu Công nghệ cao, BQL An toàn thực phẩm.

6

Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức

 

 

 

 

 

 

-

Số lượng dịch vụ đã khảo sát

-

9

-

46

2 (**)

-

-

Số lượng mẫu đã khảo sát

-

9266

-

14833

1229

-

-

Mức độ hài lòng chung

-

-(*)

-

82.33%

-(*)

-

Ghi chú

(*) Mức độ hài lòng được tính theo từng lĩnh vực

(**) Trong năm 2019, Chỉ khảo sát 02 lĩnh vực y tế, giáo dục. Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính năm 2019 do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố thực hiện và công bố

 

PHỤ LỤC II

THỐNG KÊ CÁC NHIỆM VỤ TẠI LĨNH VỰC CẢI CÁCH THỂ CHẾ CỦA THÀNH PHỐ
(Kèm theo Báo cáo số: 127/BC-UBND ngày 09 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh)

STT

Nhiệm vụ/tiêu chí

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Năm 2015

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020 (Tính đến 01/3)

1

Tổng số văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) chủ trì soạn thảo đã được ban hành

48

306

283

204

125

7

Chia theo tên loại VBQPPL

Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

0

12

28

29

18

1

Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

24

64

66

48

40

6

Nghị quyết của Hội đồng nhân cấp huyện

0

8

2

0

4

-

Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện

10

34

104

119

49

-

Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã

0

173

5

0

11

-

Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã

14

15

28

8

3

-

2

Số VBQPPL được đề nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới sau rà soát

387

753

202

47

320

118

3

Số VBQPPL đã được xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý sau rà soát

192

753

202

47

242

0

4

Số VBQPPL đã kiểm tra theo thẩm quyền

24

12

95

111

56

05

5

Số VBQPL trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền

4

6

5

0

0

0

6

Số VBQPPL trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền đã được xử lý

4

6

5

0

0

0

7

Văn bản không phải là VBQPPL nhưng có chứa quy phạm pháp luật

1

1

0

0

2

0

 

PHỤ LỤC III

THỐNG KÊ CÁC CHỈ TIÊU TẠI LĨNH VỰC CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CỦA THÀNH PHỐ
(Kèm theo Báo cáo số: 127/BC-UBND ngày 09 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh)

STT

Chỉ tiêu

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Năm 2015

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020 (Tính đến 01/3)

1.

Tổng số TTHC của tỉnh

45

1003

1476

1741

1796

1786

-

Số lượng TTHC cấp tỉnh

29

800

1219

1433

1479

1474

-

Số lượng TTHC cấp huyện

8

125

156

188

202

199

-

Số lượng TTHC cấp xã

7

78

108

120

115

113

-

Số TTHC do tỉnh ban hành (được giao trong Luật)

-

-

-

-

-

-

2.

Số TTHC được đơn giản hóa sau rà soát (theo thẩm quyền của tỉnh, như: giảm thời gian giải quyết...)

-

Rà soát và kiến nghị phương án đơn giản hóa 44 TTHC và 03 nhóm TTHC thuộc thẩm quyền của Trung ương

 

3.

Số lượng thủ tục hành chính được công khai đầy đủ, đúng quy định trên Cổng/ Trang Thông tin điện tử

2.138

1.003

1.480

1.741

1.776

1.776

4.

Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông

 

 

 

 

 

 

-

Số lượng TTHC thực hiện được giải quyết tại Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh hoặc Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp sở, ngành

 

 

 

 

 

1158

-

Số lượng TTHC thực hiện việc tiếp nhận, trả kết quả tại Bộ phận Một cửa cấp huyện

 

 

 

 

 

201

-

Số lượng TTHC thực hiện việc tiếp nhận, trả kết quả tại Bộ phận Một cửa cấp xã

 

 

 

 

 

106

-

Số lượng TTHC được giải quyết theo cơ chế một cửa liên thông cùng cấp

 

 

 

 

 

451

-

Số lượng TTHC hoặc nhóm TTHC được giải quyết theo hình thức liên thông giữa các cấp chính quyền

 

 

 

 

 

371

-

Số TTHC đã thực hiện 4 tại chỗ

 

 

 

 

 

273

5.

Kết quả giải quyết hồ sơ TTHC

 

 

 

 

 

 

-

Tỷ lệ hồ sơ TTHC cấp tỉnh giải quyết đúng hẹn (đã tiếp nhận/đã trả đúng hẹn)

99.82%

(9.161.864/ 9.146.049)

99,81%

(7.485.466/ 7.471.824)

98,47%

(2.337.937/ 2.302.172)

(97,52%)

(2.537.809/ 2.474.918)

99,93%

(3.384.277/ 3.328.055)

98,55%

842.000/ 830.526

-

Tỷ lệ hồ sơ TTHC cấp huyện giải quyết đúng hẹn (đã tiếp nhận/đã trả đúng hẹn)

98,16%

(2.549.936/ 2.503.233)

99,56%

(2.468.000/ 2.457.284)

99,19%

(1.801.326/ 1.786.796)

99,78%

(2.383.079/ 2.377.936)

99,92%

(2.383.207/ 2.381.322)

99,92%

359.426/ 359.150

-

Tỷ lệ hồ sơ TTHC cấp xã giải quyết đúng hẹn (đã tiếp nhận/đã trả đúng hẹn)

99,98%

(18.137.438/

18.135.541)

 

99,99%

(11.087.492/

11.086.694)

99,97%

(9.098.060/

9.096.144)

99,99%

(9.464.674/

9.464.643)

100%;

1.435.739

6.

Tiếp nhận và xử lý PAKN về TTHC

 

 

 

 

 

 

-

Số lượng PAKN đã tiếp nhận trong năm

79

141

75

58

50

32

-

Số lượng PAKN đã giải quyết trong năm

 

141

56

36

45

27

-

Số lượng PAKN được xử lý và đã công khai kết quả trả lời trên Cổng TTĐT

 

141

56

36

45

27

 

PHỤ LỤC IV

THỐNG KÊ VÀ SO SÁNH SỐ LƯỢNG TỔ CHỨC THUỘC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
(Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2019)
(Kèm theo Báo cáo số: 127/BC-UBND ngày 09 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh)

I. Số lượng, cơ cấu tổ chức thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Tỉnh, thành phố

Giai đoạn

Số cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh

Số Chi cục thuộc Sở

Số phòng, văn phòng, thanh tra thuộc Sở

Số đơn vị sự nghiệp thuộc UBND cấp tỉnh

Ghi chú

 

Giai đoạn 2001-2010 (Tính đến 12/2010)

18

15

180

350

 

 

Giai đoạn 2011-2020 (Tính đến 12/2019)

20

12

175

333

 

II. Số lượng, cơ cấu tổ chức thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện

Tỉnh, thành phố

Giai đoạn

Số UBND cấp huyện

Số phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện

Số văn phòng, thanh tra thuộc UBND cấp huyện

Số đơn vị sự nghiệp thuộc UBND cấp huyện

Ghi chú

 

Giai đoạn 2001-2010 (Tính đến 12/2010)

24

12

2

1381

 

 

Giai đoạn 2011-2020 (Tính đến 12/2019)

24

12

2

1478

 

III. Số lượng đơn vị sự nghiệp công lập phân theo các lĩnh vực

Tỉnh, thành phố

Giai đoạn

Sự nghiệp GD-ĐT

Sự nghiệp y tế

Sự nghiệp VH,TDTT

Sự nghiệp khác

Thuộc UBND cấp tỉnh

Thuộc CQ chuyên môn cấp tỉnh

Thuộc UBND cấp huyện

Thuộc UBND cấp tỉnh

Thuộc CQ chuyên môn cấp tỉnh

Thuộc UBND cấp huyện

Thuộc UBND cấp tỉnh

Thuộc CQ chuyên môn cấp tỉnh

Thuộc UBND cấp huyện

Thuộc UBND cấp tỉnh

Thuộc CQ chuyên môn cấp tỉnh

Thuộc UBND cấp huyện

Giai đoạn 2001-2010 (Tính đến 12/2010)

2

133

1174

0

44

46

0

32

47

9

130

114

Giai đoạn 2011-2020 (Tính đến 12/2019)

2

138

1295

0

42

39

0

29

44

10

112

100

 

PHỤ LỤC V

THỐNG KÊ CÁC CHỈ TIÊU TẠI LĨNH VỰC XÂY DỰNG VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC
(Kèm theo Báo cáo số: 127/BC-UBND ngày 09 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh)

STT

Chỉ tiêu

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Năm 2015

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020 (Tính đến 31/3)

1.

Tổng số biên chế cán bộ, công chức

 

 

 

 

 

 

-

Tổng số được giao1

12.333

11.606

11.745

11.210

10.558

10.405

-

Tổng số có mặt

11.136

11.214

11.027

10.377

9.411

9.399

2.

Tổng số biên chế viên chức

 

 

 

 

 

 

-

Tổng số được giao2

122.887

118.545

122.093

103.437

98.312

99.691

-

Tổng số có mặt3

108.009

108.263

109.158

106.477

103.625

109.194

3.

Số công chức được tuyển dụng theo hình thức thi cạnh tranh

1093

422

-

-

293

-

4.

Số công chức được bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thông qua thi tuyển cạnh tranh

-

-

-

-

-

-

5.

Số lượng cán bộ, công chức được tinh giản biên chế

14

121

142

235

143

110

6.

Số lượng công chức được bồi dưỡng, tập huấn hàng năm

21.324

26.704

14.566

17.349

17.913

-

7.

Số lượng viên chức được bồi dưỡng, tập huấn hàng năm

73.153

77.062

58.084

53.944

63.907

-

8.

Số lượng các lớp đào tạo, bồi dưỡng

1.181

1.297

908

891

1.023

 

___________________

1 Không tính HĐ số 68/2000/NĐ-CP

2 Không tính Hội và năm 2019, 2020 không tính HĐ số 68/2000/NĐ-CP

3 Đơn vị sự nghiệp tự chủ và chưa tự chủ

 

PHỤ LỤC VI

THỐNG KÊ CÁC CHỈ TIÊU TẠI LĨNH VỰC CẢI CÁCH TÀI CHÍNH CÔNG
(Kèm theo Báo cáo số: 127/BC-UBND ngày 09 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh)

STT

Chỉ tiêu

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Năm 2015

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020 (Tính đến 01/3)

1

Số cơ quan hành chính thực hiện cơ chế tự chủ

763

772

772

775

773

773

2

Số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện cơ chế tự chủ

8

8

8

7

8

8

-

Số lượng đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư

 

 

 

 

 

 

-

Số lượng đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên

2

2

2

2

4

4

-

Số lượng đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên

5

5

5

4

4

4

-

Số lượng đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên

1

1

1

1

0

0

3

Số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh thực hiện cơ chế tự chủ

353

359

349

329

318

318

-

Số lượng đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư

 

 

8

9

9

9

-

Số lượng đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên

57

56

49

73

68

68

-

Số lượng đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên

237

244

239

194

186

186

4

Số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp huyện thực hiện cơ chế tự chủ

1.495

1.509

1.536

1.535

1.544

1.544

-

Số lượng đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư

 

 

 

 

8

8

-

Số lượng đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên

114

114

115

125

122

122

-

Số lượng đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên

1.238

1.273

1.310

1.311

1.329

1.329

5

Số tổ chức khoa học và công nghệ công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định số 54/2016/NĐ-CP

9

8

1

13

13

13

 

PHỤ LỤC VII

THỐNG KÊ CÁC CHỈ TIÊU TẠI LĨNH VỰC HIỆN ĐẠI HÓA HÀNH CHÍNH
(Kèm theo Báo cáo số: 127/BC-UBND ngày 09 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh)

STT

Chỉ tiêu

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Năm 2015

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020 (Tính đến 01/3)

1

Tỷ lệ văn bản hành chính được trao đổi dưới dạng điện tử

-

100%

100%

100%

100%

100%

2

Số đơn vị kết nối Trục liên thông VBQG

-

710

770

805

830

832

3

Số lượng văn bản nhận trên Trục liên thông VBQG

-

1511

2833

2541

14715

2406

4

Số lượng văn bản gửi trên Trục liên thông VBQG

-

1579

3386

4998

12507

1581

5

Số lượng chữ ký số

-

-

-

-

546

-

6

Tỷ lệ công chức có hộp thư điện tử

16.826

17.733

21.683

23.000

24.600

24.661

7

Số cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, đơn vị hành chính cấp huyện triển khai ứng dụng phần mềm quản lý văn bản4

43

43

43

43

43

43

8

Số cơ chuyên môn cấp tỉnh, đơn vị hành chính cấp huyện sử dụng mạng nội bộ (mạng LAN) để trao đổi công việc

43

43

43

43

43

43

9

Số cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, đơn vị hành chính cấp huyện có Cổng/Trang Thông tin điện tử

43

43

43

43

43

43

10

Số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4

472

472

552

807

856

856

11

Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 có phát sinh hồ sơ

 

4%

32%

41%

56%

56%

12

Số đơn vị xây dựng, sử dụng phần mềm một cửa điện tử

 

32

32

32

43

43

13

Tỷ lệ hồ sơ giải quyết qua hệ thống một cửa điện tử

 

70%

80%

80%

81%

85%

14

Số cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, đơn vị hành chính cấp huyện có bản Công bố ISO

38

44

40

47

47

47

____________________

4 *Ghi chú: Số cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, đơn vị hành chính cấp huyện: 19 Sở và 24 Quận - Huyện

 

PHỤ LỤC VIII

ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC CỦA THÀNH PHỐ 2011-2020
(Kèm theo Báo cáo số: 127/BC-UBND ngày 09 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh)

STT

Các mục tiêu cải cách

Đánh giá kết quả đạt được (Đạt/không đạt)

1.

Thủ tục hành chính liên quan đến cá nhân, tổ chức được cải cách cơ bản theo hướng gọn nhẹ, đơn giản; mỗi năm đều có tỷ lệ giảm chi phí mà cá nhân, tổ chức phải bỏ ra khi giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan hành chính nhà nước

Đạt

2.

Thủ tục hành chính được cải cách cơ bản, mức độ hài lòng của nhân dân và doanh nghiệp về thủ tục hành chính đạt mức trên 80% vào năm 2020

Đạt

3.

Sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan, đơn vị để không còn sự chồng chéo, bỏ trống hoặc trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn

Đạt

4.

Chuyển giao những công việc mà cơ quan hành chính nhà nước không nên làm hoặc làm hiệu quả thấp cho xã hội, các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ đảm nhận

Không đạt (Do phải phụ thuộc vào thể chế của Trung ương)

5.

Sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt mức trên 80% vào năm 2020

Đạt

6.

Sự hài lòng của cá nhân đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp trong các lĩnh vực giáo dục, y tế đạt mức trên 80% vào năm 2020

Đạt

7.

Đội ngũ công chức, viên chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, đủ trình độ và năng lực thi hành công vụ, phục vụ nhân dân và phục vụ sự nghiệp phát triển của đất nước; 100% các cơ quan, đơn vị có cơ cấu công chức theo vị trí việc làm;

Đạt

8.

Đến năm 2020: 90% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử; cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc; bảo đảm dữ liệu điện tử phục vụ hầu hết các hoạt động trong các cơ quan; hầu hết các giao dịch của các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện trên môi trường điện tử, mọi lúc, mọi nơi, dựa trên các ứng dụng truyền thông đa phương tiện; hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến trên Mạng thông tin điện tử hành chính ở mức độ 3 và 4, đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi, dựa trên nhiều phương tiện khác nhau

Đạt

9.

Các trang tin, cổng thông tin điện tử hoàn thành việc kết nối với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, hình thành đầy đủ Mạng thông tin điện tử hành chính trên Internet

Đạt

10.

20% số lượng người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống thông tin Chính quyền điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cơ quan

Không đạt

11.

Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của từng bộ, ngành, địa phương đạt từ 20% trở lên;

Đạt

 

Tích hợp 30% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương với Cổng Dịch vụ công quốc gia;

Không đạt

 

100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện thông qua Hệ thống thông tin một cửa điện tử

Không đạt

12.

Tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến thực hiện ở mức độ 4;

Không đạt

 

50% Công Dịch vụ công cấp tỉnh cung cấp giao diện cho các thiết bị di động;

 

 

100% dịch vụ công được hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp;

Đạt

 

50% cơ quan nhà nước công khai mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến;

Không đạt

 

100% Cổng Thông tin điện tử công khai thông tin đầy đủ theo quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ;

Đạt

 

20% dịch vụ công trực tuyến sử dụng chữ ký số trên nền tảng di động để thực hiện thủ tục hành chính;

Không đạt

 

50% dịch vụ công trực tuyến xử lý bằng hồ sơ điện tử;

Đạt

 

20% thông tin của người dân được tự động nhập vào biểu mẫu trực tuyến;

Không đạt

 

50% dịch vụ công trực tuyến sử dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp.

Không đạt

13.

100% phần mềm quản lý văn bản và điều hành của các bộ, ngành được kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử; 90% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật) dưới dạng điện tử; tối thiểu 80% hồ sơ công việc tại cấp bộ, cấp tỉnh, 60% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 30% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật).

Đạt

14.

Tối thiểu 30% báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) được gửi, nhận qua Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.

Không đạt

15.

Rút ngắn từ 30% - 50% thời gian họp, giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy thông qua Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc, văn phòng điện tử.

Đạt

16.

100% cơ quan kết nối vào Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Đạt

 



[1] Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 16/3/2011 của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX về Chương trình CCHC gắn với mục tiêu xây dựng mô hình chính quyền đô thị giai đoạn 2011 - 2015; Chương trình hành động số 18-CtrHĐ/TU ngày 31/10/2016 của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X Chương trình CCHC giai đoạn 2016-2020.

[2] Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 15 tháng 3 năm 2018 của Hội đồng nhân dân Thành phố.

[3] Quyết định số 23/2011/QĐ-UBND ngày 14/5/2011, Quyết định số 6119/QĐ-UBND 22/11/2016, Quyết định số 2421/QĐ-UBND ngày 06/6/2018 và Quyết định số 5334/QĐ-UBND ngày 29 tháng 11 năm 2018.

[4] Chương trình phối hợp số 6339/CTPH-UBND-BTT ngày 13/10/2017.

[5] Tính từ năm 2011 đến năm 2020 Thành phố đã ban hành 11 Quyết định ban hành, bổ sung kế hoạch CCHC hàng năm (năm 2018 ban hành Kế hoạch và Kế hoạch bổ sung năm 2018).

[6] Sở Tư pháp: Cải cách thể chế; nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, ban hành VBQPPL trên địa bàn Thành phố; cải cách tư pháp;

Văn phòng UBND Thành phố: Cải cách TTHC, kiểm soát và đơn giản hóa TTHC; tiếp nhận và xử lý phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính

Sở Nội vụ: Cải cách tổ chức bộ máy; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức;

Sở Tài chính: Cải cách tài chính công;

Sở Thông tin và Truyền thông: Thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính nhà nước; công tác tuyên truyền về CCHC;

Sở Khoa học và Công nghệ: Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước;

Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những chính sách và giải pháp nhằm thực hiện sâu rộng hơn chủ trương xã hội hóa trên những lĩnh vực Thành phố có thể thực hiện;

Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố: Khảo sát chỉ số hài lòng của tổ chức và công dân về dịch vụ công.

[7] Báo cáo số 188/BC-UBND ngày 06 tháng 12 năm 2012 sơ kết 02 năm triển khai thực hiện chương trình CCHC giai đoạn 2011-2015; Báo cáo số 199/BC-UBND ngày 15 tháng 11 năm 2013 báo cáo 03 năm kiểm điểm giữa nhiệm kỳ tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ IX Chương trình CCHC giai đoạn 2011-2015; Báo cáo số 65/BC-UBND ngày 06 tháng 3 năm 2015 về tổng kết Chương trình CCHC của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015 và một số nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2016 - 2020; Báo cáo số 152/BC-UBND ngày 25 tháng 6 năm 2015 Sơ kết công tác công tác CCHC nhà nước giai đoạn I (2011 - 2015) và đề xuất phương hướng nhiệm vụ CCHC nhà nước giai đoạn II (2016 - 2020) của UBND Thành phố Hồ Chí Minh; Báo cáo số 128/BC-UBND ngày 21 tháng 8 năm 2018 kết quả thực hiện giữa nhiệm kỳ chương trình CCHC giai đoạn 2016-2020

[8] Chỉ thị số 14/2014/CT-UBND ngày 09 tháng 7 năm 2014 yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tổ chức thực hiện 06 Chương trình đột phá giai đoạn 2011 -2015.

[9] Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 15/3/2018

[10] Quyết định số 2421/QĐ-UBND ngày 06/6/2018.

[11] Kế hoạch số 4776/KH-UBND ngày 23/10/2018.

[12] Quyết định số 6574/QĐ-UBND ngày 16/12/2016

[13] Quyết định số 1480/QĐ-UBND ngày 18/4/2019

[14] 15 lớp chuyên đề trong đó có 12 lớp được cấp giấy chứng nhận và 03 lớp ngắn hạn tổ chức trong ngày.

[15] Tại Trung tâm Báo chí - Sở Thông tin và Truyền thông.

[16] Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 08/4/2016, các văn bản chỉ đạo sau khi Bộ Nội vụ công bố hàng năm

[17] Quyết định số 3747/QĐ-UBND ngày 04 tháng 7 năm 2017; Quyết định số 3004/QĐ-UBND ngày 20 tháng 7 năm 2018. Thành phố chỉ công bố mức đánh giá xếp loại theo các mức: Xuất sắc, Tốt, Khá, Trung bình, yếu và kém, không thực hiện việc xếp hạng đối với các đơn vị.

[18] Quyết định số 07/2013/QĐ-UBND ngày 30/01/2013

[19] Quyết định số 02/2018/QĐ-UBND ngày 19/01/2018

[20] “Bình Thạnh trực tuyến”, “Hóc Môn trực tuyến”, “Tân Bình trực tuyến”, “Bình Tân công dân số”..... được cài đặt trên điện thoại thông minh đến tận người dân trên địa bàn, tiếp xúc các hộ kinh doanh trên từng tuyến đường giúp phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự đô thị, cung cấp thông tin, tạo điều kiện hỗ trợ cho người dân một số tính năng nổi bật, Hóc Môn trực tuyến, Tân Bình trực tuyến, Bình Tân công dân số...

[21] Ứng dụng: www.thongtinquyhoach.hochiminhcity.gov.vn: giúp tra cứu thông tin quy hoạch tại Sở Quy hoạch - Kiến trúc bằng các ứng dụng trên điện thoại thông minh, máy tính bảng và trang thông tin điện tử; www.thongtingiaothong.hochiminhcity.gov.vn: www.1022.tphcm.gov.vn; ứng dụng điện thoại SXD247 trên nền tảng di động ISO, Android...

[22] Giảm 70% hồ sơ nhà đất trễ hẹn trong năm nay; Cải thiện môi trường kinh doanh ở lĩnh vực thuế, hải quan; Không được né tránh cung cấp thông tin cho báo chí; Công khai kết quả kiểm tra, thanh tra, giám sát, lần đầu tiên, TP.HCM có chương trình kiểm tra, thanh tra, giám sát của toàn hệ thống chính trị; Làm hết việc, không hết giờ; Ra mắt phần mềm “Cần Giờ trực tuyến”; CCHC nội bộ, liên thông thủ tục giữa các cơ quan Sở Nội vụ TP.HCM vừa trình UBND TP.HCM một số biện pháp để CCHC nội bộ, đẩy mạnh liên thông TTHC giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn; Tiếp nhận, trả hồ sơ sao y tại nhà trong 1 giờ: Thông qua số điện thoại 028.39633936, người dân phường 3, quận 11 (TP.HCM) trực tiếp yêu cầu cán bộ đến tận nhà tiếp nhận hồ sơ giấy tờ cần sao y và trong vòng 1 giờ sau sẽ nhận được kết quả giải quyết, mà không cần đến trụ sở UBND phường; Làm căn cước công dân qua dịch vụ công trực tuyến của Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Cơ chế ủy quyền rút ngắn thời gian giải quyết TTHC.

[23] Cấp căn cước công dân lưu động tại nhà đối với các trường hợp công dân có hoàn cảnh đặc biệt; Tuyển sinh trực tuyến vào các lớp đầu cấp; Đặt lịch đăng ký giải quyết hồ sơ ngoài giờ hành chính; Tổ tư vấn dịch vụ công trực tuyến lưu động; Giảm thời gian giải quyết cho người dân, trả các hồ sơ tại nhà, tiếp nhận và giải quyết ngoài giờ hành chính, ứng dụng công nghệ trong giải quyết hồ sơ, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện và cấp xã

[24] (1) Đánh giá thái độ, chất lượng phục vụ của cán bộ công chức qua các thiết bị đánh giá hài lòng (Kiosk, Tablet) đặt tại các đơn vị: hơn 88.627 lượt đánh giá; (2) Đánh giá về chất lượng chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công qua trang web www.danhgiahailong.hochiminhcity.gov.vn

[25] Quyết định số 2640/QĐ-BNV ngày 10/10/2017

[26] Quyết định số 3511/QĐ-UBND ngày 21/8/2018

[27] Quyết định số 5039/QĐ-UBND ngày 26/11/2019 của UBND TP

[28] (Parasuraman, Zeithaml, & Berry, 1988) do Parasuraman, Zeitham, Berry xây dựng và mô hình SERVPERF (biến thể của SREVQUAL - xác định chất lượng dịch vụ bằng đo lường mức độ cảm nhận của khách hàng về dịch vụ) (Cronin & Taylor, 1994)

[29] (1) Khả năng tiếp cận dịch vụ; (2) Sự minh bạch trong thông tin dịch vụ; (3) Cơ sở vật chất và phương tiện đáp ứng dịch vụ; (4) Thái độ ứng xử và năng lực chuyên môn của nhân viên tổ chức cung cấp dịch vụ; (5) Sự thấu hiểu và quan tâm của đội ngũ nhân viên và tổ chức cung cấp dịch vụ đối với người sử dụng dịch vụ; (6) Chi phí sử dụng dịch vụ; (7) Kết quả cung ứng và sử dụng dịch vụ.

[30] Báo cáo số 818/BC-GDĐT-VP ngày 13/3/2020 của Sở Giáo dục và Đào tạo

[31] Quyết định số 256/QĐ-UBND ngày 21/01/2020 của UBND TP

[32] Kế hoạch số 451/KH-MTTQ-BTT ngày 24/4/2019.

[33] Một số bài viết như: Lúng túng với dịch vụ công mức độ 4 (báo SGGP); Còn sức ì trong cải cách TTHC; TPHCM: Mệt nhoài chờ bệnh viện xuất hóa đơn (báo PLTP)

[34] Một số bài viết như: Sẽ thay thế cán bộ chần chừ CCHC (báo TT); TPHCM sẽ chấm điểm người đứng đầu trong CCHC: Lãnh đạo “hành dân” sẽ bị xử lý (báo LĐ)

[35] Từ phản ánh của báo chí và khảo sát, đánh giá của BCĐ CCHC thành phố, trong năm 2019 đã chọn 05 mô hình cách làm hay về CCHC để nghiên cứu, áp dụng, nhân rộng gồm: (1) Mô hình “Bình Thạnh trực tuyến” (2) ứng dụng “Thông tin quy hoạch thành phố” (3) Mô hình tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn quận Bình Tân, (4) Đường dây nóng tại UBND phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức và (5) Mô hình liên thông điện tử giữa cơ quan Tài nguyên - Môi trường với cơ quan thuế tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Quận 12.

[36] Một số chương trình tiêu biểu như: Đài Tiếng nói nhân dân thực hiện: “Từ Nghị quyết đến cuộc sống” (17g45 thứ 2 hàng tuần), Hướng đến một nền hành chính hiệu quả (6g00 thứ 6 hàng tuần); Đài Truyền hình thành phố thực hiện: “CCHC” (12g50 thứ ba hàng tuần), “Chính sách và đời sống” (8g20 thứ hai cách tuần), “Lắng nghe và trao đổi” (8g20 thứ ba hàng tuần)

[37] Với các phong trào 03 trách nhiệm; “Nụ cười công chức trẻ”; phong trào 04 xin “xin chào, xin cảm ơn, xin lỗi và xin phép”; phong trào 04 biết “Biết chào, biết cười, biết quan tâm, biết chia sẻ”; Hội thi “Cán bộ, công chức, viên chức trẻ chung tay giải quyết TTHC”; “Tuyên dương cán bộ công chức, viên chức trẻ, giỏi, thân thiện”; “Ngày thứ bảy tình nguyện giải quyết TTHC cho nhân dân”; “Ngày Hội tư vấn, giải quyết TTHC...

[38] (1) Quyết định số 11/2017/QĐ-UBND ngày 08/3/2017 về Quy trình xây dựng VBQPPL trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. (2) Quyết định số 09/2019/QĐ-UBND ngày 03/4/2019 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về quy trình xây dựng VBQPPL trên địa bàn Thành phố ban hành kèm theo Quyết định số 11/2017/QĐ-UBND ngày 08/3/2017. (3) Quyết định số 02/2017/QĐ-UBND ngày 10/01/2017 của UBND Thành phố ban hành Quy chế về kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL và tổ chức, quản lý cộng tác viên kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. (4) Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 04/3/2019 về tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành VBQPPL trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. (5) Công văn số 2356/UBND-NCPC ngày 24/4/2017 về việc chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác ban hành VBQPPL trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

[39] Giai đoạn 2011 - 2015: 488 VBQPPL (88 Nghị quyết, 292 Quyết định và 108 Chỉ thị); Giai đoạn 2016 - 2020 312 VBQPPL (88 Nghị quyết, 224 Quyết định) được ban hành

[40] Đơn vị tính là “lượt văn bản” do các VBQPPL không chỉ quy định về một vấn đề riêng lẻ hay một lĩnh vực cụ thể, mà một văn bản có thể quy định nhiều vấn đề, nhiều nội dung, do đó một văn bản có thể là đối tượng rà soát của nhiều chuyên đề.

[41] Giai đoạn 2011-2015: kiểm tra 327 VBQPPL do Thành phố ban hành giai đoạn 2016-2020 (Tháng 3/2020): kiểm tra 262 VBQPPL

[42] Giai đoạn 2011-2015: 20 văn bản; giai đoạn 2016-2020: 39 văn bản

[43] Giai đoạn 2011-2015: 579 văn bản; giai đoạn 2016-2020: 280 văn bản

[44] Giai đoạn 2011-2015: 169 văn bản; giai đoạn 2016-2020: 165 văn bản

[45] UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở Tư pháp thực hiện Báo cáo số 8199/BC-STP ngày 30/8/2018 về kết quả theo dõi tình hình thi hành Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 gửi Bộ Tư pháp, trong đó có báo cáo về bất cập trong quy định và thực tiễn thi hành Luật Ban hành VBQPPL năm 2015. Đồng thời, UBND Thành phố đã có văn bản gửi góp ý đối với Luật sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành VBQPPL (Công văn số 1424/UBND-NCPC ngày 09/4/2018, Công văn số 979/UBND-NCP ngày 20/3/2019).

[46] Đánh giá “Tính phù hợp của tổ chức bộ máy; mức độ đáp ứng về nguồn nhân lực; Mức độ đáp ứng về kinh phí, cơ sở vật chất bảo đảm cho thi hành pháp luật.”

[47] Nghị quyết số 28/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 của Hội đồng nhân dân Thành phố

[48] Phương án 3734/PA-UBND ngày 18/9/2019 số 4934/QĐ-UBND ngày 06/11/2018; số 353/PA-UBND ngày 20/01/2017

[49] Phân cấp, ủy quyền cho các sở, ban, ngành quận-huyện trong giải quyết TTHC đối với một số lĩnh vực: xây dựng, văn hóa, thể thao, du lịch; thực hiện liên thông cấp Giấy phép xây dựng thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng khi giải quyết đồng thời 03 TTHC về thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật/thẩm định thiết kế thi công và cấp Giấy phép xây dựng, kéo giảm thời gian thực hiện từ 222 ngày làm việc còn 42 ngày làm việc; liên thông cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài, cấp phiếu lý lịch tư pháp cho người nước ngoài đang cư trú tại VN và cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài đối với một số trường hợp đặc biệt, cấp phiếu lý lịch tư pháp cho người nước ngoài đang cư trú tại VN; tại một số quận huyện thực hiện nhóm thủ tục “Cấp giấy phép xây dựng cùng số nhà”, Rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ hành chính xác nhận vị trí đất, xác nhận tờ khai thuê sử dụng đất phi nông nghiệp (rút ngắn từ 3 ngày làm việc còn 2,5 ngày làm việc); hồ sơ đăng ký sửa chữa, cải tạo nhà ở (rút ngắn từ 07 ngày làm việc còn 06 ngày làm việc); thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài (còn 7 ngày làm việc); thanh toán không dung tiền mặt đối với các trường học tại khu vực Thành phố; Dịch vụ SMS chăm sóc khách hàng và dịch vụ tra cứu kết quả thực hiện TTHC thông qua đầu số 8283 để cung cấp thông tin về tiến độ giải quyết TTHC, thời gian Giấy phép hết hiệu lực, thông tin về những thay đổi trong VBQPPL thuộc lĩnh vực công thương;

[50] Quyết định số 26/2013/QĐ-UBND ngày 23/7/2013

[51] Quyết định số 26/2014/QĐ-UBND ngày 01/8/2014

[52] Quyết định số 38/2015/QĐ-UBND ngày 04/8/2015; Quyết định số 13/2019/QĐ-UBND ngày 29/5/2019

[53] Quyết định số 42/2015/QĐ-UBND ngày 25/8/2015

[54] Chỉ thị số 30/2014/CT-UBND ngày 25/12/ 2014

[55] Quyết định số 5157/QĐ-UBND ngày 30 tháng 9 năm 2016

[56] Công văn số 1908/UBND-KSTT ngày 07/5/2018

[57] Quyết định số 11/2011/QĐ-UBND ngày 16 tháng 12 năm 2011; Quyết định số 26/2014/QĐ-UBND ngày 01 tháng 8 năm 2014 của UBND thành phố

[58] Sở Tư pháp (từ tháng 9 năm 2013 đến cuối năm 2017) và Văn phòng UBND thành phố (từ trước tháng 9 năm 2013 và từ năm 2018 đến nay)

[59] Năm 2015 đạt 99.82% (9.161.864/9.146.049), năm 2016 đạt 99,81% (7.485.466/7.471.824), năm 2017 đạt 98,47% (2.337.937/2.302.172), năm 2018 đạt 97,52% (2.537.809/2.474.918), năm 2019 đạt 99,93% (3.384.277/3.328.055)

[60] Năm 2015 đạt 98,16% (2.549.936/2.503.233), năm 2016 đạt 99,56% (2.468.000/2.457.284), năm 2017 đạt 99,19% (1.801.326/1.786.796), năm 2018 đạt 99,78% (2.383.079/2.377.936), năm 2019 đạt 99,92% (2.383.207/2.381.322)

[61] Năm 2015 đạt 99,98% (18.137.438/18.135.541), năm 2017 đạt 99,99% (11.087.492/11.086.694), năm 2018 đạt 99,97% (9.098.060/9.096.144), năm 2019 đạt 99,99% (9.464.674/9.464.643)

[62] Số liệu này được thống kê từ giai đoạn 2015 đến nay và là các quyết định đang có hiệu lực thi hành (năm 2015 thành phố thực hiện kế hoạch tổng rà soát, chuẩn hóa lại toàn bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp trên địa bàn thành phố)

[63] Quyết định số 13/2019/QĐ-UBND ngày 29/5/2019 của UBND thành phố

[64] Quyết định số 5157/QĐ-UBND ngày 30 tháng 9 năm 2016 của Chủ tịch UBND thành phố

[65] http://vpub.hochiminhcity.gov.vn/portal/Home/danh-muc-tthc/default.aspx.

[66] https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-tthc-thu-tuc-hanh-chinh.html

[67] Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 26/3/2007, Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 25/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ

[68] Quyết định số 4541/QĐ-UBND ngày 15/10/2018; Kế hoạch số 1089/KH-UBND ngày 27/3/2019; Kế hoạch số 1091/KH-UBND; Kế hoạch số 1576/KH-UBND ngày 02/5/2019; Kế hoạch số 1667/KH-UBND ngày 04/5/2019; Quyết định số 03/2019/QĐ-UBND ngày 21/02/2019 của UBND thành phố

[69] Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế, Sở Giao thông vận tải, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý An toàn thực phẩm.

[70] Quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Gò vấp, Tân Bình, Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức, huyện Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ.

[71] http://dvc.hochiminhcity.gov.vn

[72] Chưa có số liệu tiếp nhận, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích đối với hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh (theo chỉ tiêu, 20% trở lên hồ sơ tiếp nhận qua dịch vụ bưu chính công ích và 25% trở lên hồ sơ được trả qua dịch vụ bưu chính công ích)

[73] Thành phố đã có Quyết định số 04/2012/QĐ-UBND ngày 31 tháng 01 năm 2012 chuyển đổi mô hình tổ chức Chi cục Bảo vệ môi trường (Quyết định số 111/2004/QĐ-UB ngày 23 tháng 4 năm 2004 của UBND Thành phố) từ đơn vị sự nghiệp sang cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường; đồng thời chuyển chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường sang Chi cục, ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố (Quyết định số 38/2012/QĐ-UBND ngày 21/8/2012).

Thực hiện Nghị định số 26/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngành xây dựng, từ tháng 6 năm 2013, Thành phố chấm dứt thí điểm thành lập Thanh tra Xây dựng quận - huyện và Thanh tra Xây dựng phường - xã, thị trấn theo Quyết định số 89/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chuyển hơn 50% số lượng về Sở Xây dựng để hoạt động Thanh tra chuyên ngành. Do yêu cầu bảo đảm trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông trên toàn địa bàn, UBND Thành phố cho phép duy trì lực lượng Quản lý trật tự đô thị 940 người, là biên chế hành chính thuộc Phòng Quản lý đô thị quận - huyện để thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của UBND.

[74] Khi triển khai Nghị định số 24/2014/NĐ-CP, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, UBND Thành phố đã thành lập Sở Du lịch (Quyết định số 32/2014/QĐ-UBND ngày 06 tháng 10 năm 2014 của UBND Thành phố) trên cơ sở tách chức năng quản lý nhà nước về du lịch từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trên cơ sở đó, Thành phố có 20 cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố (16 cơ quan thống nhất cả nước và 04 cơ quan đặc thù là Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Ban Dân tộc, Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao).

[75] Sở Giao thông vận tải được giao chức năng quản lý nhà nước về kết cấu hạ tầng khác có liên quan đến giao thông vận tải (cấp thoát nước, công viên cây xanh, chiếu sáng công cộng và bãi đỗ xe đô thị, kè bảo vệ bờ trên các tuyến đường thủy nội địa, tuyến hàng hải).

[76] Sở Tài nguyên và Môi trường được giao chức năng quản lý nhà nước về nghĩa trang (trừ nghĩa trang liệt sĩ giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), rác thải đô thị.

[77] Việc này đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép Thành phố thực hiện tại Công văn số 134/TB-VPCP ngày 06 tháng 6 năm 2011 của Văn phòng Chính phủ

[78] Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

[79] Giảm Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương do chuyển về Bộ Công Thương; giảm Chi cục Lâm nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do chuyển chức năng quản lý nhà nước về rừng và phát triển rừng về Chi cục Kiểm lâm; giảm Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm do được tổ chức lại để thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố nhưng tăng Chi cục Văn thư lưu trữ thuộc Sở Nội vụ.

[80] Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân Thành phố, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao, Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp, Ban Quản lý Đầu tư - Xây dựng Khu đô thị mới Nam Thành phố, Ban Quản lý Đầu tư - Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Ban Quản lý Đầu tư - Xây dựng Khu đô thị Tây Bắc Thành phố, Văn phòng Thường trực Ban An toàn giao thông, Ban Đổi mới Quản lý Doanh nghiệp, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố.

[81] Kết thúc hoạt động Ban Chỉ đạo Phòng Chống tham nhũng tại Quyết định số 4500/QĐ-UBND ngày 20 tháng 8 năm 2013 của UBND Thành phố do chuyển về Thành ủy để thành lập Ban Nội chính; kết thúc hoạt động Ban Chỉ đạo Nông nghiệp và Nông thôn Thành phố theo Quyết định số 1773/QĐ-UBND ngày 10 tháng 4 năm 2014 của UBND Thành phố; giải thể Ủy ban Phòng Chống AIDS Thành phố tại Quyết định số 5449/QĐ-UBND ngày 26 tháng 10 năm 2015 của UBND Thành phố; chuyển Văn phòng Tiếp Công dân Thành phố trực thuộc UBND Thành phố thành Ban Tiếp Công dân Thành phố trực thuộc Văn phòng UBND Thành phố theo quy định tại Thông tư liên tịch số 01/TTLT-VPCP-BNV ngày 23 tháng 10 năm 2015 của Văn phòng Chính phủ và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương); giảm Ban Quản lý Khu Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc do chuyển đổi mô hình từ cơ quan hành chính sang đơn vị sự nghiệp, nhưng tăng Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố được thành lập theo Quyết định số 2349/QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ.

[82] Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

[83] Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Thành phố, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố, Ban Quản lý An toàn thực phẩm (thực hiện thí điểm)

[84] Ban Quản lý Đầu tư - Xây dựng Khu đô thị Tây Bắc Thành phố, Ban Quản lý Đầu tư - Xây dựng Khu đô thị mới Nam Thành phố, Ban Quản lý Đầu tư - Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao Thành phố, Ban Quản lý Khu Công viên Lịch sử - Văn hóa - Dân tộc, Ban Đổi mới Quản lý Doanh nghiệp

[85] Ban An toàn giao thông Thành phố, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài.

[86] Kết luận số 386-KL/TU ngày 02 tháng 10 năm 2018 về Đề án sắp xếp lại các ban quản lý các dự án của thành phố, quận - huyện, ban quản lý đầu tư các khu đô thị, ban quản lý đầu tư các dự án ODA

[87] Công văn số 1887/UBND-VX ngày 07 tháng 5 năm 2018 của UBND Thành phố về tăng cường công tác quản lý việc thành lập, tổ chức và hoạt động của các tổ chức phối hợp liên ngành.

[88] Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24 tháng 12 năm 2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã; Nghị quyết số 653/2019/NQ-UBTVQH14 ngày 12 tháng 3 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 và Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021

[89] Theo đó, Sở Giao thông vận tải không còn gặp khó khăn trong quản lý và điều hành như trước đây: Thanh tra Sở Giao thông vận tải không có thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực cấp, thoát nước, cây xanh, chiếu sáng công cộng theo quy định, trong khi Thanh tra Sở Xây dựng theo quy định có thẩm quyền xử phạt nhưng Sở Xây dựng không được UBND Thành phố giao quản lý nhà nước lĩnh vực này. Do đó, Thanh tra Sở Xây dựng không tiến hành xử phạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này. Mặt khác, ở Trung ương, Bộ Xây dựng quản lý nhà nước về các lĩnh vực này nên không chỉ đạo trực tiếp cho Sở Giao thông vận tải. Vì vậy, Sở Giao thông vận tải không nhận được chỉ đạo từ Bộ Xây dựng nhưng phải báo cáo các công việc cho Bộ Xây dựng

[90] Công văn số 5196/UBND-VX ngày 01 tháng 10 năm 2013 của UBND Thành phố.

[91] Kế hoạch số 1654/KH-SNV ngày 31 tháng 10 năm 2012; Kế hoạch số 1720/KH-SNV ngày 29 tháng 10 năm 2013; Kế hoạch số 73/KH-SNV ngày 10 tháng 11 năm 2014; Kế hoạch số 1454/KH-SNV ngày 24 tháng 4 năm 2015; Kế hoạch số 3418/KH-SNV ngày 27 tháng 9 năm 2016; Kế hoạch số 1478/KH-SNV ngày 18 tháng 4 năm 2017; Kế hoạch số 3431/KH-SNV ngày 12 tháng 9 năm 2018; Kế hoạch số 2497/KH-SNV ngày 03 tháng 7 năm 2019.

[92] Năm 2011: Thành lập Phòng Tổ chức Phi Chính phủ và Công tác thanh niên tại Sở Nội vụ tăng 07 biên chế. Năm 2012: Thành lập Ban Dân tộc tăng 27 biên chế. Năm 2013: Thành lập Phòng Hợp tác Công tư thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tăng 09 biên chế.

- Thành lập Thanh tra xây dựng tại các quận - huyện và Thanh tra xây dựng phường, xã, thị trấn theo Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 18 tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ, Thành phố đã giao 1.815 biên chế công chức cho lực lượng Thanh tra xây dựng tại các quận - huyện, phường, xã, thị trấn đến thời điểm 2015 (Chuyển 1.006 biên chế công chức từ quận - huyện về Sở Xây dựng theo Nghị định số 26/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngành xây dựng; Giữ lại 809 biên chế công chức cho Đội Quản lý trật tự đô thị trực thuộc Phòng Quản lý đô thị tại 24 quận - huyện để làm chức năng về trật tự lòng lề đường, nơi công cộng trên địa bàn quận - huyện, về vệ sinh môi trường trên địa bàn quận - huyện; tuần tra, phát hiện và thông báo kịp thời đến Đội Thanh tra Xây dựng địa bàn thuộc Sở Xây dựng).

- Giao bổ sung 327 biên chế cho Chi cục Quản lý thị trường nhằm tăng cường công tác kiểm soát, bổ sung 39 biên chế cho Sở Nội vụ nhằm đáp ứng yêu cầu công việc. Tổ chức, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chuyển viên chức tại các Chi cục thành công chức: tăng 629 biên chế công chức. Thành lập Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh (năm 2014): tăng 50 biên chế công chức.

[93] Thành lập thí điểm Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố (năm 2016), Tổ chức lại Hội đồng nhân dân các quận - huyện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015.

[94] Công văn số 4332/UBND-VX ngày 30 tháng 8 năm 2011 về lập kế hoạch công chức hành chính năm 2012; Công văn số 4032/UBND-VX ngày 06 tháng 8 năm 2013 về lập kế hoạch công chức hành chính năm 2014 và Công văn số 128/UBND-VX-M ngày 06 tháng 3 năm 2014, báo cáo Bộ Nội vụ về điều chỉnh biên chế hành chính của Thành phố năm 2015.

[95] Kế hoạch của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW được ban hành kèm theo Quyết định số 2218/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế và Thông tư liên tịch số 01/2015/TTLT-BNV-BTC ngày 14 tháng 4 năm 2015 của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế

[96] Thành ủy đã ban hành Kế hoạch số 206-KH/TU ngày 17 tháng 9 năm 2015 về thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị. UBND Thành phố đã ban hành các văn bản như sau:

- Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 29 tháng 6 năm 2015 của UBND Thành phố về triển khai thực hiện Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế;

- Kế hoạch số 3874/KH-UBND ngày 08 tháng 7 năm 2015 của UBND Thành phố về triển khai thực hiện Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế;

- Công văn số 6767/UBND-VX ngày 04 tháng 11 năm 2015 của UBND Thành phố về thực hiện Kế hoạch số 206-KH/TU ngày 17 tháng 9 năm 2015 của Thành ủy về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Công văn số 659/UBND-VX ngày 24 tháng 02 năm 2016 về thực hiện chủ trương tinh giản biên chế.

[97] Đến tháng 01/3/2020

[98] Nghị định số 26/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.

[99] Nghị quyết số 26/2008/NQ-QH12 ngày 15 tháng 11 năm 2008 của Quốc hội khóa XII về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường; Nghị quyết số 724/2009/NQ-UBTVQH12 ngày 16 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII về danh sách huyện, quận, phường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường và Nghị quyết số 725/2009/NQ-UBTVQH12 ngày 16 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của UBND huyện, quận, phường nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân

[100] Quyết định số 4712/QĐ-UBND ngày 20 tháng 10 năm 2018 về ủy quyền cho các sở - ban, ngành, UBND các quận - huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND Thành phố;

[101] Quyết định số 4713/QĐ-UBND ngày 20 tháng 10 năm 2018 về ủy quyền cho Thủ trưởng các sở - ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận - huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND Thành phố.

[102] Quyết định số 4712/QĐ-UBND ngày 20 tháng 10 năm 2018.

[103] Quyết định số 4713/QĐ-UBND ngày 20 tháng 10 năm 2018.

[104] Quyết định số 2175/QĐ-UBND ngày 25/5/2019; Quyết định số 2832/QĐ-UBND ngày 02/7/2019

[105] Năm 2016, UBND Thành phố tổ chức kỳ thi tuyển công chức Thành phố với 422/1.658 thí sinh trúng tuyển. Năm 2017 và 2018, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và chủ trương tinh giản biên chế, UBND Thành phố tạm dừng tổ chức thi tuyển để rà soát tình hình sử dụng biên chế và xây dựng các đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Năm 2019, Thành phố đã tổ chức Kỳ thi tuyển công chức từ cấp huyện trở lên, kết quả tuyển dụng được 293/2.382 thí sinh đủ điều kiện dự thi.

[106] Năm 2016, tổ chức Kỳ thi thăng hạng viên chức chuyên ngành y tế từ hạng IV lên hạng III, kết quả có 1.201/1.363 thí sinh đạt yêu cầu. Năm 2017, tổ chức Kỳ thi thăng hạng viên chức hành chính từ cán sự lên chuyên viên, với 192/261 thí sinh đạt kết quả; Năm 2019, tổ chức kỳ thi nâng ngạch công chức từ chuyên viên lên chuyên viên chính, kết quả 160/285 thí sinh đạt và tổ chức thăng hạng viên chức hành chính lên chuyên viên chính, kết quả 26/ thí sinh đạt.

[107] Thi nâng ngạch Kiểm soát viên thị trường lên ngạch Kiểm soát viên chính thị trường, thi thăng hạng CDNN Giảng viên (hạng III) lên Giảng viên chính (hạng II); Huấn luyện viên chính (hạng II) và Huấn luyện viên cao cấp (hạng I), Phóng viên hạng II; Lưu trữ viên lên Lưu trữ viên chính; Bác sĩ cao cấp (hạng I)...

[108] Theo Thông báo số 202-TB/TW ngày 26 tháng 5 năm 2015 của Ban Chấp hành Trung ương về việc thông báo kết luận của Bộ chính trị về Đề án "Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng"

[109] Quyết định số 462/QĐ-UBND ngày 26 tháng 01 năm 2013 thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng đội ngũ trí thức trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; Quyết định số 5715/QĐ-UBND ngày 21 tháng 11 năm 2014 về ban hành quy chế thực hiện thí điểm một số chính sách thu hút chuyên gia khoa học công nghệ

[110] thay thế Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐND ngày 16 tháng 3 năm 2018 của Hội đồng nhân dân Thành phố về mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học đối với lĩnh vực Thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu thu hút giai đoạn 2018 - 2022

[111] Thay thế Quyết định số 31/2018/QĐ-UBND ngày 04 tháng 9 năm 2018 về ban hành Quy định về chính sách thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đối với các lĩnh vực Thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu giai đoạn 2018 - 2022. Theo chính sách thu hút mới của Thành phố, chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt được ký hợp đồng theo nhiệm vụ, công trình cụ thể; được hưởng trợ cấp ban đầu tối đa lên đến 100.000.000 đồng. Chuyên gia, nhà khoa học được hưởng tiền lương hàng tháng theo Bảng lương chuyên gia; người có tài năng đặc biệt được hưởng mức trợ cấp hàng tháng từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt khi hoàn thành nhiệm vụ được giao (có công trình, sản phẩm khoa học hoặc thành tích đặc biệt) thì được hưởng mức thù lao khuyến khích nghiên cứu với tỷ lệ 1% giá trị/kinh phí ngân sách chi cho công trình, sản phẩm khoa học (người có tài năng đặc biệt được thưởng theo công trạng, thành tích với mức tối đa 1.000.000.000 đồng/người). Ngoài ra chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt còn được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở tối đa 7.000.000 đồng/tháng và các chính sách ưu đãi khác.

[112] Quyết định số 4567/QĐ-UBND và Quyết định số 4568/QĐ-UBND ngày 22 tháng 10 năm 2019 của UBND Thành phố

[113] Quyết định số 2258/QĐ-UBND ngày 28 tháng 5 năm 2018 của Chủ tịch UBND Thành phố

[114] Quyết định số 4631/QĐ-UBND ngày 19 tháng 11 năm 2018 của Chủ tịch UBND Thành phố.

Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy cũng đã ban hành Hướng dẫn số 09-HD/BTCTU ngày 11 tháng 12 năm 2018 về đánh giá, xếp loại hàng quý đối với cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan đảng, tổ chức chính trị - xã hội thuộc Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh.

[115] Công văn số 3212/UBND-VX ngày 02 tháng 8 năm 2019 của UBND Thành phố.

[116] Năm 2011: 01; Năm 2012: 04, Năm 2013: 10; Năm 2014: 07, Năm 2015: 10; Năm 2016: 8 đơn vị; Năm 2017: 8 đơn vị; Năm 2018: 7 đơn vị; Năm 2019: 7 đơn vị, 03 tháng đầu năm 2020: 02

[117] Năm 2018, tăng thu nhập là 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ. Năm 2019, tăng thu nhập là 1,2 lần so với tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ. Năm 2020, hệ số điều chỉnh tăng thu nhập để thực hiện cơ chế đặc thù tại từng đơn vị tối đa là 1,2 lần so với tiền lương ngạch, bậc, chức vụ. Từ năm 2021 đến hết thời gian thí điểm theo Nghị quyết số 54/2017/QH14, hệ số thu nhập tăng thêm đảm bảo không thấp hơn 1,2 và không vượt quá 1,8 lần so với tiền lương ngạch, bậc, chức vụ.

[118] Trích Niên giám thống kê thành phố

[119] Theo niêm giám Thống kê của Cục Thống kê thành phố, lực lượng lao động trong độ tuổi lao động (đủ 15 tuổi trở lên) tại thành phố là 4.516.318 người (sơ bộ năm 2018); dự kiến năm 2019 thành phố có tổng số lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 4.651.808 người

[120] Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01 tháng 11 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế

[121] Quyết định số 48/2016/QĐ-UBND ngày 24/11/2016

[122] Quyết định số 42/2018/QĐ-UBND ngày 07/11/2018

[123] Triển khai một số hoạt động trọng điểm như: (1) 05 chương trình nghiên cứu KH&CN trọng điểm theo Quyết định số 2953/QĐ-UBND ngày 07 tháng 6 năm 2016 của UBND Thành phố về phê duyệt Chương trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và nâng cao tiềm lực KH&CN Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020; (2) Dự án KH&CN thí điểm hỗ trợ thương mại hoá các sản phẩm từ công nghệ cao trong hoạt động nghiên cứu triển khai tại Khu Công nghệ cao giai đoạn 2017-2018; (3) Quy chế phối hợp hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo,...

[124] Tổ chức tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư là 03; tổ chức tự đảm bảo chi thường xuyên là 03; tổ chức tự bảo đảm một phần chi thường xuyên là 03; tổ chức do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên là 04

[125] Quyết định số 50/2015/QĐ-UBND ngày 30/10/2015

[126] Thành phố đã tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá chương trình kích cầu đầu tư của thành phố nhằm lắng nghe ý kiến từ doanh nghiệp, tổ chức cũng như các sở, ban, ngành để khắc phục những nhược điểm của Quyết định số 50/2015/QĐ-UBND ngày 30/10/2015

[127] Trong đó, số trường mầm non ngoài công lập là 511 trường (chiếm 54,42% tổng số trường mầm non), số trường THPT ngoài công lập đạt 31 trường (chiếm 24,8% tổng số trường THPT), số trường Tiểu học và THCS ngoài công lập lần lượt đạt 21 và 1 trường (chiếm 4,36% và 0,38% tổng số trường Tiểu học và THCS), số trường theo các cấp lớp kết hợp ngoài công lập đạt 62 trường (chiếm 52,1% số trường theo các cấp lớp kết hợp).

[128] Quyết định số 27/2012/QĐ-UBND ngày 28/6/2012 của UBND thành phố

[129] Quyết định số 2254/QĐ-UBND ngày 15/52015; Quyết định số 2260/QĐ-UBND ngày 9/5/2016

[130] Quyết định số 4250/QĐ-UBND ngày 28/9/2018

[131] Quyết định số 6179/QĐ-UBND ngày 23/11/2017

[132] Quyết định số 4556/QĐ-UBND ngày 24/8/2017

[133] Quyết định số 41/2011/QĐ-UBND ngày 17/6/2011

[134] Quyết định 5086/QĐ-UBND ngày 28/11/2019

[135] Như CSDL văn bản điện tử, CSDL một cửa điện tử, CSDK khiếu nại tố cáo, CSDL đường dây nóng, CSDL đăng ký doanh nghiệp, CSDL đầu tư nước ngoài, CSDL dự án đầu tư công, CSDL cơ sở giáo dục, CSDL địa chính, CSDL cơ sở khám chữa bệnh, CSDL chứng chỉ hành nghề y, CSDL dịch vụ giáo dục,...

[136] Quyết định số 5086/QĐ-UBND ngày 28 tháng 11 năm 2019 về quy chế tích hợp, quản lý, vận hành, khai thác Kho dữ liệu dùng chung của Thành phố; Quyết định số 5186/QĐ-UBND ngày 09 tháng 12 năm 2019 về ban hành Danh mục điện tử dùng chung; Quyết định số 5187/QĐ-UBND ngày 09 tháng 12 năm 2019 về ban hành Danh mục dữ liệu doanh nghiệp dùng chung; Quyết định số 5188/QĐ-UBND ngày 09 tháng 12 năm 2019 về ban hành Danh mục dữ liệu người dân dùng chung, Quyết định 1123/QĐ-UBND ngày 31 tháng 3 năm 2020 về ban hành Danh mục dữ liệu không gian dùng chung của thành phố.

[137] Quận 7: Phần mềm cấp phép xây dựng, Phần mềm cấp số nhà; Quận 1: Phần mềm Tiếp nhận thủ tục tuyển sinh đầu cấp trực tuyến (Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở)...

[138] Bình Thạnh trực tuyến, Hóc Môn trực tuyến, Quận 2 trực tuyến, Quận 9 trực tuyến.

[139] Quận 10: Đặt lịch hẹn giải quyết TTHC giữa người dân và công chức phường thông qua ứng dụng Zalo, huyện Bình Chánh: xây dựng video hướng dẫn trình tự, cách thức đăng ký dịch vụ công trực tuyến đối với lĩnh vực hộ tịch, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử và Zalo Phòng Tư pháp.

[140] Thông báo kết luận số 191/TB-VP ngày 21 tháng 3 năm 2017; Công văn số 4156/UBND-VX ngày 05 tháng 7 năm 2017; Công văn số 10134/VP-VX ngày 03 tháng 8 năm 2017

[141] Văn bản số 1381/STTTT-CNTT ngày 05 tháng 10 năm 2016 về hướng dẫn kỹ thuật thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4. Văn bản số 2597/STTTT-CNTT ngày 29 tháng 12 năm 2017 về triển khai Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT ngày 15 tháng 11 năm 2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm khả năng truy cập thuận tiện đối với trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.

[142] Văn bản số 100/STTTT-CNTT ngày 11/01/2019 về hướng dẫn kỹ thuật triển khai Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin Một cửa điện tử; Văn bản số 624/STTTT-CNTT ngày 12/4/2019 về hướng dẫn kỹ thuật triển khai Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin Một cửa điện tử. Văn bản số 1468/STTTT-CNTT ngày 07/8/2019 về hướng dẫn các tiêu chí kỹ thuật thực hiện kết nối liên thông các phần mềm nội nghiệp.

[143] Lộ trình đến 30/6/2021 hoàn tất việc chuyển đổi áp dụng Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 đối với 100% sở ban ngành và quận huyện.

[144] Quý I năm 2018, số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 590 TTHC, mức độ 4 là 95 TTHC; năm 2015: dịch vụ công mức độ 3 là 426 TTHC và dịch vụ công mức độ 4 là 46 TTHC.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Báo cáo 127/BC-UBND năm 2020 về tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, định hướng giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

  • Số hiệu: 127/BC-UBND
  • Loại văn bản: Báo cáo
  • Ngày ban hành: 09/07/2020
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Trần Vĩnh Tuyến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/07/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản