Hệ thống pháp luật

Chương 3 Luật Phòng, chống mua bán người 2024

Chương III

PHÁT HIỆN, XỬ LÝ HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI

Điều 22. Tố cáo, tố giác, báo tin, kiến nghị khởi tố về hành vi vi phạm

1. Cá nhân có quyền và nghĩa vụ tố cáo, tố giác, báo tin về hành vi quy định tại Điều 3 của Luật này với cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã), cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo, tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống mua bán người hoặc với bất kỳ cơ quan, tổ chức nào.

2. Cơ quan, tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tố cáo, tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố về hành vi quy định tại Điều 3 của Luật này có trách nhiệm giải quyết theo thẩm quyền hoặc kịp thời thông báo, kiến nghị khởi tố với cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Chính phủ quy định về tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống mua bán người để tiếp nhận tố giác, tin báo về hành vi mua bán người.

Điều 23. Phát hiện hành vi vi phạm thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra

1. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thường xuyên tự kiểm tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình; trường hợp phát hiện hành vi quy định tại Điều 3 của Luật này thì kịp thời giải quyết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra chủ động phát hiện, kịp thời giải quyết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý hành vi quy định tại Điều 3 của Luật này.

Điều 24. Phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm thông qua hoạt động nghiệp vụ phòng, chống tội phạm

Cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ phòng, chống mua bán người thông qua hoạt động nghiệp vụ có trách nhiệm sau đây:

1. Chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan, áp dụng biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi quy định tại Điều 3 của Luật này tại địa bàn được phân công phụ trách;

2. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan theo quy định của pháp luật phục vụ cho việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi mua bán người;

3. Áp dụng biện pháp theo quy định của pháp luật để bảo vệ các đối tượng được quy định tại Điều 34 của Luật này;

4. Khi có căn cứ cho rằng một người bị mua bán thì áp dụng các biện pháp cần thiết để giải cứu.

Điều 25. Giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hành vi phạm tội mua bán người, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người

1. Việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố hành vi phạm tội mua bán người được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

2. Việc giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo.

Điều 26. Xử lý vi phạm

1. Người thực hiện hành vi quy định tại Điều 3 của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để dung túng, bao che, xử lý không đúng hoặc không xử lý hành vi quy định tại Điều 3 của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

3. Người giả mạo là nạn nhân ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật còn phải hoàn trả khoản kinh phí hỗ trợ đã nhận.

Luật Phòng, chống mua bán người 2024

  • Số hiệu: 53/2024/QH15
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 28/11/2024
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Thanh Mẫn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1529 đến số 1530
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH