Chương 6 Luật Phòng, chống mua bán người 2024
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI
Điều 48. Nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người
1. Ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người.
2. Thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người.
3. Thực hiện công tác thống kê, báo cáo về phòng, chống mua bán người.
4. Đào tạo, bồi dưỡng người làm công tác phòng, chống mua bán người.
5. Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người.
6. Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong phòng, chống mua bán người.
7. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người.
Điều 49. Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người.
2. Bộ Công an chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người.
3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
4. Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người tại địa phương, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này.
Điều 50. Trách nhiệm của Bộ Công an
1. Trong việc thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người, Bộ Công an có trách nhiệm sau đây:
a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người;
b) Đề xuất với Chính phủ trong việc ký kết, gia nhập điều ước quốc tế hoặc triển khai hoạt động hợp tác quốc tế có liên quan đến phòng, chống mua bán người;
c) Thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người theo quy định của pháp luật;
d) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người;
đ) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan ban hành và tổ chức thực hiện quy định về công tác đào tạo, bồi dưỡng; tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, nhân rộng các mô hình và khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích trong phòng, chống mua bán người;
e) Thanh tra, kiểm tra về công tác phòng, chống mua bán người;
g) Thực hiện hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người theo thẩm quyền;
h) Thực hiện chế độ báo cáo thống kê về phòng, chống mua bán người; giúp Chính phủ xây dựng báo cáo trình Quốc hội về công tác phòng, chống mua bán người lồng ghép vào báo cáo hằng năm của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
2. Trong công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người, Bộ Công an có trách nhiệm sau đây:
a) Tổ chức, bố trí lực lượng trực tiếp thực hiện hoặc phối hợp thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống mua bán người;
b) Thực hiện quản lý an ninh, trật tự để phòng ngừa mua bán người;
c) Chỉ đạo công an các cấp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về phòng, chống mua bán người theo quy định của Luật này;
d) Xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm mua bán người, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
đ) Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống mua bán người gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về căn cước và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.
Điều 51. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng
1. Phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân ở khu vực biên giới, trên biển, hải đảo, cửa khẩu thuộc thẩm quyền tham gia các hoạt động phòng, chống mua bán người theo quy định của pháp luật.
2. Chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mua bán người tại khu vực biên giới, trên biển, hải đảo, cửa khẩu thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật; tiếp nhận, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân theo quy định của Luật này.
3. Thực hiện quản lý an ninh, trật tự tại khu vực biên giới, trên biển, hải đảo, cửa khẩu thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật để phòng ngừa mua bán người.
4. Thực hiện hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người theo thẩm quyền.
Điều 52. Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
1. Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về chính sách hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.
2. Hướng dẫn, quản lý, kiểm tra, thanh tra hoạt động kinh doanh dịch vụ việc làm, cho thuê lại lao động, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam nhằm phòng, chống việc lợi dụng các hoạt động này để mua bán người; hướng dẫn sàng lọc dấu hiệu bị mua bán đối với người lao động.
3. Hướng dẫn, quản lý, kiểm tra, thanh tra công tác hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.
4. Chỉ đạo việc lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người vào các chương trình phòng, chống tệ nạn xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em, chương trình vì sự tiến bộ của phụ nữ và chương trình khác về phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện công tác tiếp nhận thông tin, tin báo, tố giác về mua bán người tới tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống mua bán người.
5. Phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo việc hỗ trợ y tế, hỗ trợ tâm lý, hỗ trợ học văn hóa.
6. Thực hiện hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người theo thẩm quyền.
Điều 53. Trách nhiệm của Bộ Y tế
1. Chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về chính sách hỗ trợ y tế và hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo quy định tại Điều 39 của Luật này.
2. Chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở y tế thực hiện việc phối hợp với cơ sở trợ giúp xã hội và cơ sở hỗ trợ nạn nhân trong việc hỗ trợ y tế cho nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.
3. Hướng dẫn về điều trị y tế, hỗ trợ tâm lý.
4. Chủ trì phối hợp với Bộ Công an hướng dẫn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phát hiện, báo cáo, cung cấp thông tin trường hợp có dấu hiệu mua bán người, mua bán bộ phận cơ thể người, thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai.
Điều 54. Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao
1. Chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị có thẩm quyền, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài triển khai công tác phòng, chống mua bán người và thực hiện công tác bảo hộ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài là công dân Việt Nam; phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và của nước ngoài thực hiện giải cứu, tiếp nhận, xác định nạn nhân, đưa nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là công dân Việt Nam về nước.
2. Chỉ đạo việc phối hợp với cơ quan đại diện của nước có liên quan và cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam để đưa nạn nhân là người nước ngoài về nước.
3. Chỉ đạo nghiên cứu các giải pháp phòng, chống mua bán người trong xây dựng chính sách về các vấn đề di cư quốc tế theo thẩm quyền.
4. Thực hiện hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người theo thẩm quyền.
Điều 55. Trách nhiệm của Bộ Tư pháp
1. Phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan có liên quan trong việc xây dựng, hoàn thiện và theo dõi thi hành pháp luật về phòng, chống mua bán người.
2. Hướng dẫn, quản lý, kiểm tra, thanh tra hoạt động đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, đăng ký việc nuôi con nuôi nhằm phòng, chống việc lợi dụng các hoạt động này để mua bán người.
3. Quản lý, hướng dẫn trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.
4. Thực hiện hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người theo thẩm quyền.
Điều 56. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp
1. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm sau đây:
a) Triển khai thực hiện việc thông tin, tuyên truyền về phòng, chống mua bán người;
b) Lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội;
c) Tổ chức thực hiện công tác phòng, chống mua bán người;
d) Bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người;
đ) Xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người;
e) Tổ chức thực hiện công tác quản lý an ninh, trật tự để phòng, chống mua bán người;
2. Cùng với việc thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp xã còn có trách nhiệm sau đây:
a) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận tổ chức, tạo điều kiện cho hoạt động tư vấn về phòng, chống mua bán người ở cơ sở;
b) Tiếp nhận và thực hiện việc hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng theo quy định của Luật này;
c) Tạo điều kiện cho nạn nhân hòa nhập cộng đồng.
3. Chính phủ quy định chi tiết điểm g khoản 1 Điều này.
Luật Phòng, chống mua bán người 2024
- Số hiệu: 53/2024/QH15
- Loại văn bản: Luật
- Ngày ban hành: 28/11/2024
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Trần Thanh Mẫn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 1529 đến số 1530
- Ngày hiệu lực: 01/07/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
- Điều 2. Giải thích từ ngữ
- Điều 3. Các hành vi bị nghiêm cấm
- Điều 4.
- Điều 5.
- Điều 6.
- Điều 7.
- Điều 8.
- Điều 9.
- Điều 10. Quản lý hoạt động kinh doanh, dịch vụ
- Điều 11. Quản lý hoạt động xuất nhập cảnh
- Điều 12. Trao đổi thông tin để quản lý hoạt động xuất nhập cảnh
- Điều 13. Lồng ghép nội dung phòng ngừa mua bán người vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội
- Điều 14. Quyền và trách nhiệm của cá nhân tham gia phòng ngừa mua bán người
- Điều 15. Trách nhiệm của gia đình tham gia phòng ngừa mua bán người
- Điều 16. Trách nhiệm của cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia phòng ngừa mua bán người
- Điều 17. Trách nhiệm phòng ngừa mua bán người trong tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ
- Điều 18. Trách nhiệm của cơ quan báo chí, thông tấn tham gia phòng ngừa mua bán người
- Điều 19. Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia phòng ngừa mua bán người
- Điều 20. Trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia phòng ngừa mua bán người
- Điều 21. Trách nhiệm của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia phòng ngừa mua bán người
- Điều 22. Tố cáo, tố giác, báo tin, kiến nghị khởi tố về hành vi vi phạm
- Điều 23. Phát hiện hành vi vi phạm thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra
- Điều 24. Phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm thông qua hoạt động nghiệp vụ phòng, chống tội phạm
- Điều 25. Giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hành vi phạm tội mua bán người, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người
- Điều 26. Xử lý vi phạm
- Điều 27. Tiếp nhận, xác minh người đến trình báo
- Điều 28. Tiếp nhận, xác minh nạn nhân được giải cứu
- Điều 29. Giải cứu, tiếp nhận, xác minh nạn nhân đang ở nước ngoài
- Điều 30. Tiếp nhận, xác minh nạn nhân từ nước ngoài trở về
- Điều 31. Tiếp nhận, xác minh, giải cứu và trao trả người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam
- Điều 32. Căn cứ để xác định nạn nhân
- Điều 33. Giấy tờ, tài liệu xác nhận nạn nhân và thẩm quyền cấp giấy tờ, tài liệu xác nhận nạn nhân
- Điều 34. Điều kiện và đối tượng được bảo vệ
- Điều 35. Biện pháp bảo vệ và thẩm quyền áp dụng
- Điều 36. Bảo vệ bí mật thông tin về nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng
- Điều 37. Đối tượng và chế độ hỗ trợ
- Điều 38. Hỗ trợ nhu cầu thiết yếu
- Điều 39. Hỗ trợ y tế
- Điều 40. Hỗ trợ phiên dịch
- Điều 41. Hỗ trợ pháp luật, trợ giúp pháp lý
- Điều 42. Hỗ trợ chi phí đi lại
- Điều 43. Hỗ trợ tâm lý
- Điều 44. Hỗ trợ học văn hóa, học nghề, tư vấn, tạo điều kiện để có việc làm
- Điều 45. Trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn
- Điều 46. Cơ quan, tổ chức thực hiện việc hỗ trợ
- Điều 47. Cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân
- Điều 48. Nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người
- Điều 49. Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người
- Điều 50. Trách nhiệm của Bộ Công an
- Điều 51. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng
- Điều 52. Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
- Điều 53. Trách nhiệm của Bộ Y tế
- Điều 54. Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao
- Điều 55. Trách nhiệm của Bộ Tư pháp
- Điều 56. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp