Hệ thống pháp luật

Chương 5 Luật Phòng, chống mua bán người 2024

Chương V

HỖ TRỢ NẠN NHÂN, NGƯỜI ĐANG TRONG QUÁ TRÌNH XÁC ĐỊNH LÀ NẠN NHÂN

Điều 37. Đối tượng và chế độ hỗ trợ

1. Nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam được hưởng chế độ hỗ trợ sau đây:

a) Hỗ trợ nhu cầu thiết yếu;

b) Hỗ trợ y tế;

c) Hỗ trợ phiên dịch;

d) Hỗ trợ pháp luật;

đ) Trợ giúp pháp lý;

e) Hỗ trợ chi phí đi lại;

g) Hỗ trợ tâm lý;

h) Hỗ trợ học văn hóa;

i) Hỗ trợ học nghề, tư vấn, tạo điều kiện để có việc làm;

k) Trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn.

2. Người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam được hưởng chế độ hỗ trợ quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm h khoản 1 Điều này.

3. Người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là công dân Việt Nam và người dưới 18 tuổi đi cùng đang ở nước ngoài được hưởng chế độ hỗ trợ quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm d khoản 1 Điều này.

Người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam và người dưới 18 tuổi đi cùng ở trong nước được hưởng chế độ hỗ trợ quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm g khoản 1 Điều này.

4. Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam thì tùy từng trường hợp được hưởng chế độ hỗ trợ quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và g khoản 1 Điều này.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 38. Hỗ trợ nhu cầu thiết yếu

Trong trường hợp cần thiết, nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng được bố trí chỗ ở tạm thời, được hỗ trợ về ăn, mặc và các vật dụng cá nhân thiết yếu khác trên cơ sở điều kiện thực tế và đặc điểm về tín ngưỡng, tôn giáo, độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe, đặc điểm cá nhân của họ.

Điều 39. Hỗ trợ y tế

1. Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng được khám sức khỏe khi tiếp nhận, được sơ cứu, cấp cứu nếu họ bị thương tích, tổn hại sức khỏe; trong thời gian lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân nếu cần được chăm sóc để phục hồi sức khỏe thì được hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

2. Nạn nhân chưa có bảo hiểm y tế thì được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế trong năm đầu tiên kể từ khi họ được cơ quan có thẩm quyền xác nhận là nạn nhân.

Điều 40. Hỗ trợ phiên dịch

1. Người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng không biết, không hiểu tiếng Việt được hỗ trợ chi phí phiên dịch trong thời gian làm thủ tục xác minh là nạn nhân.

2. Nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng không biết, không hiểu tiếng Việt được hỗ trợ chi phí phiên dịch trong thời gian lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân.

Điều 41. Hỗ trợ pháp luật, trợ giúp pháp lý

1. Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng được hỗ trợ pháp luật bằng hình thức tư vấn để phòng ngừa bị mua bán trở lại, tư vấn làm thủ tục đăng ký cư trú, hộ tịch, làm thẻ căn cước, nhận chế độ hỗ trợ.

2. Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng được trợ giúp pháp lý bằng các hình thức theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý đối với nội dung có liên quan đến vụ việc, vụ án mua bán người.

Điều 42. Hỗ trợ chi phí đi lại

Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng có nguyện vọng trở về nơi cư trú thì được hỗ trợ chi phí tiền tàu, xe đi lại trong nước và tiền ăn trong thời gian đi đường.

Điều 43. Hỗ trợ tâm lý

Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng được hỗ trợ để ổn định tâm lý trong thời gian không quá 03 tháng.

Điều 44. Hỗ trợ học văn hóa, học nghề, tư vấn, tạo điều kiện để có việc làm

1. Nạn nhân là người dưới 18 tuổi, người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân nếu tiếp tục đi học thì được hỗ trợ tiền học phí, tiền mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập trong năm học đầu tiên và năm liền kề kể từ khi được cơ quan có thẩm quyền xác nhận là nạn nhân.

2. Nạn nhân khi trở về nơi cư trú được xem xét hỗ trợ học nghề, tư vấn, tạo điều kiện để có việc làm ổn định cuộc sống.

Điều 45. Trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn

1. Nạn nhân khi trở về nơi cư trú được hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu.

2. Nạn nhân khi trở về nơi cư trú có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh được xem xét để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay với các chính sách tín dụng ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Điều 46. Cơ quan, tổ chức thực hiện việc hỗ trợ

1. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã thực hiện việc tiếp nhận hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, hỗ trợ phiên dịch, hỗ trợ y tế, hỗ trợ pháp luật theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

2. Cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển đã thực hiện việc giải cứu, tiếp nhận hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, hỗ trợ phiên dịch, hỗ trợ y tế.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã đã thực hiện việc tiếp nhận hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, hỗ trợ y tế, hỗ trợ pháp luật.

4. Cơ quan chuyên môn về lao động - thương binh và xã hội cấp huyện thực hiện hỗ trợ chi phí đi lại, hỗ trợ phiên dịch, hỗ trợ y tế, hỗ trợ tâm lý, hỗ trợ học văn hóa, học nghề, tư vấn, tạo điều kiện để có việc làm, trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn.

5. Cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân thực hiện hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, hỗ trợ tâm lý, hỗ trợ y tế, hỗ trợ phiên dịch, hỗ trợ học văn hóa, học nghề, tư vấn việc làm trong thời gian lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân.

6. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý.

7. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 47. Cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân

1. Cơ sở trợ giúp xã hội công lập thực hiện các nhiệm vụ sau đây trong việc hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng:

a) Tiếp nhận và bố trí nơi lưu trú; lập hồ sơ quản lý trong thời gian lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội;

b) Thực hiện chế độ hỗ trợ theo quy định tại khoản 5 Điều 46 của Luật này;

c) Giáo dục kỹ năng sống;

d) Đánh giá khả năng hòa nhập cộng đồng của nạn nhân, cung cấp thông tin về chính sách, chế độ, hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng;

đ) Cung cấp thông tin cần thiết cho cơ quan có thẩm quyền để đấu tranh phòng, chống mua bán người;

e) Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong việc xác minh nạn nhân;

g) Phối hợp với trung tâm trợ giúp pháp lý để thực hiện trợ giúp pháp lý.

2. Cơ sở hỗ trợ nạn nhân do tổ chức, cá nhân Việt Nam thành lập tham gia thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều này phù hợp với giấy phép thành lập; việc thành lập và hoạt động không sử dụng ngân sách nhà nước.

3. Cơ sở trợ giúp xã hội khác do tổ chức, cá nhân Việt Nam thành lập, không sử dụng ngân sách nhà nước có thể được tham gia hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá tŕnh xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng theo quy định tại khoản 1 Điều này và hoạt động theo giấy phép hoạt động.

4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Luật Phòng, chống mua bán người 2024

  • Số hiệu: 53/2024/QH15
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 28/11/2024
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Thanh Mẫn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1529 đến số 1530
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH