Hệ thống pháp luật

Chương 2 Luật Phòng, chống mua bán người 2024

Chương II

PHÒNG NGỪA MUA BÁN NGƯỜI

Điều 7. Thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người

1. Thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng, gia đình, cá nhân trong phòng, chống mua bán người, đề cao cảnh giác, tích cực tham gia phòng, chống mua bán người.

2. Nội dung thông tin, tuyên truyền, giáo dục bao gồm:

a) Chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người và pháp luật có liên quan;

b) Mục đích, thủ đoạn, hành vi mua bán người và các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của Luật này;

c) Kỹ năng ứng xử trong trường hợp có nghi ngờ về việc mua bán người;

d) Biện pháp, kinh nghiệm phòng, chống mua bán người;

đ) Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, gia đình, cá nhân trong phòng, chống mua bán người;

e) Chống xúc phạm, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân;

g) Các biện pháp bảo vệ và chính sách hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; kết quả xử lý vụ việc mua bán người theo quy định của pháp luật;

h) Các nội dung khác có liên quan đến phòng, chống mua bán người.

3. Việc thông tin, tuyên truyền, giáo dục được thực hiện bằng các hình thức sau đây:

a) Gặp gỡ, nói chuyện trực tiếp;

b) Cung cấp tài liệu;

c) Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hoạt động thông tin cơ sở;

d) Thông qua hoạt động ngoại khóa tại cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp;

đ) Thông qua hoạt động văn học, nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng và các loại hình văn hóa khác;

e) Sử dụng mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính;

g) Thông qua hội nghị, hội thảo, tập huấn, nói chuyện chuyên đề; phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp;

h) Thông qua tổ chức cuộc thi, chiến dịch truyền thông;

i) Các hình thức phù hợp khác.

4. Xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên ở cơ sở, huy động sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, khuyến khích sự tham gia của nạn nhân vào công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người.

5. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục cần được tăng cường đối với phụ nữ, thanh niên, trẻ em, học sinh, sinh viên, người khuyết tật, người lao động tại các khu công nghiệp, người làm việc tại cơ sở kinh doanh casino, kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, xoa bóp và người cư trú tại khu vực biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có nhiều công dân kết hôn với người nước ngoài, đi làm việc ở nước ngoài, địa bàn có tình hình mua bán người diễn biến phức tạp.

Điều 8. Tư vấn về phòng ngừa mua bán người

Người chuẩn bị tham gia vào quan hệ về lao động, việc làm, hôn nhân, nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài hoặc các dịch vụ khác dễ bị lợi dụng để mua bán người được cơ quan, tổ chức quy định tại các điều 19, 20 và 21 của Luật này tư vấn các nội dung sau đây:

1. Kiến thức pháp luật về phòng, chống mua bán người;

2. Hướng nghiệp, việc làm, di cư an toàn; thông tin về mục đích, thủ đoạn, hành vi mua bán người, kỹ năng xử lý trong trường hợp là nạn nhân bị mua bán và hướng dẫn kỹ năng ứng xử trong trường hợp có nghi ngờ về việc mua bán người;

3. Thông tin về quyền, nghĩa vụ của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và hướng dẫn cách thức thực hiện quyền, nghĩa vụ đó.

Điều 9. Quản lý về an ninh, trật tự

Cơ quan, người có thẩm quyền trong quản lý về an ninh, trật tự có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

1. Quản lý đăng ký cư trú, quản lý xuất nhập cảnh trên địa bàn, nắm rõ biến động dân cư có liên quan đến hoạt động mua bán người;

2. Quản lý, giám sát đối tượng đã từng bị kết án về tội mua bán người và đối tượng khác có dấu hiệu thực hiện hành vi mua bán người theo quy định của pháp luật;

3. Quản lý và sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về căn cước, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác; việc định danh và xác thực điện tử; thông tin về tàng thư, lý lịch tư pháp phục vụ công tác phòng, chống mua bán người;

4. Tuần tra, kiểm soát tại biên giới, khu vực biên giới, cửa khẩu, trên biển và hải đảo nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi mua bán người;

5. Quản lý chặt chẽ mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính để phòng, chống mua bán người;

6. Quản lý công tác cấp giấy tờ tùy thân, giấy tờ có giá trị xuất nhập cảnh; ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến trong việc làm, cấp phát, quản lý giấy tờ tùy thân và giấy tờ có giá trị xuất nhập cảnh để phòng, chống mua bán người;

7. Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của quốc gia có chung đường biên giới trong việc tuần tra, kiểm soát biên giới, cửa khẩu để phòng, chống mua bán người.

Điều 10. Quản lý hoạt động kinh doanh, dịch vụ

1. Các hoạt động kinh doanh, dịch vụ sau đây phải được quản lý, kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý việc lợi dụng để thực hiện hành vi mua bán người:

a) Kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, xoa bóp; kinh doanh casino; kinh doanh trò chơi trên mạng viễn thông, mạng Internet; kinh doanh dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông, mạng Internet; kinh doanh dịch vụ việc làm, cho thuê lại lao động, tư vấn du học, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; kinh doanh dịch vụ lữ hành, lưu trú;

b) Hoạt động hỗ trợ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, nuôi con nuôi;

c) Hoạt động kinh doanh, dịch vụ khác dễ bị lợi dụng để mua bán người.

2. Trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm hướng dẫn, quản lý, kiểm tra hoạt động kinh doanh, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều này để phòng, chống mua bán người.

Điều 11. Quản lý hoạt động xuất nhập cảnh

Cơ quan và người có thẩm quyền trong hoạt động quản lý xuất nhập cảnh thông qua hoạt động nghiệp vụ của mình có trách nhiệm chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi lợi dụng hoạt động xuất nhập cảnh, làm giả giấy tờ hoặc thủ đoạn khác để thực hiện hành vi mua bán người.

Điều 12. Trao đổi thông tin để quản lý hoạt động xuất nhập cảnh

Cơ quan có thẩm quyền phòng, chống tội phạm mua bán người, cơ quan quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển có trách nhiệm trao đổi, cung cấp thông tin về đối tượng đã từng bị kết án về tội mua bán người và đối tượng khác có dấu hiệu thực hiện hành vi mua bán người.

Điều 13. Lồng ghép nội dung phòng ngừa mua bán người vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội

Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện việc lồng ghép nội dung phòng ngừa mua bán người vào chương trình phòng, chống tội phạm, phòng, chống tệ nạn xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em, chương trình vì sự tiến bộ của phụ nữ và chương trình khác về phát triển kinh tế - xã hội.

Điều 14. Quyền và trách nhiệm của cá nhân tham gia phòng ngừa mua bán người

1. Tham gia các hoạt động phòng ngừa mua bán người.

2. Kịp thời tố giác, báo tin, tố cáo hành vi quy định tại Điều 3 của Luật này.

3. Được bảo vệ, giữ bí mật thông tin của cá nhân khi tham gia phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân theo quy định của pháp luật.

4. Được khen thưởng, được bảo đảm chế độ, chính sách khi tham gia phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Trách nhiệm của gia đình tham gia phòng ngừa mua bán người

1. Giáo dục, nhắc nhở thành viên trong gia đình thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người; cung cấp thông tin cho thành viên trong gia đình về mục đích, thủ đoạn, hành vi mua bán người và các biện pháp phòng, chống mua bán người.

2. Phối hợp với cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống mua bán người.

3. Chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân là thành viên của gia đình để họ hòa nhập cuộc sống gia đình và cộng đồng.

4. Động viên, hỗ trợ và tạo điều kiện cho nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là thành viên của gia đình hợp tác với cơ quan có thẩm quyền trong phòng, chống mua bán người.

Điều 16. Trách nhiệm của cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia phòng ngừa mua bán người

1. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục ngoại khóa về phòng, chống mua bán người phù hợp với cấp học và trình độ đào tạo.

2. Tạo điều kiện thuận lợi để nạn nhân được học văn hóa, học nghề, tư vấn việc làm, hòa nhập cộng đồng.

3. Phối hợp với cơ quan, tổ chức, gia đình thực hiện các biện pháp phòng, chống mua bán người.

Điều 17. Trách nhiệm phòng ngừa mua bán người trong tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ

Các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ quy định tại Điều 10 của Luật này có trách nhiệm sau đây:

1. Cam kết chấp hành quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người;

2. Nắm thông tin về đối tượng được cung cấp dịch vụ và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu để phòng ngừa mua bán người;

3. Ký hợp đồng lao động bằng văn bản với người lao động, đăng ký lao động với cơ quan quản lý lao động địa phương để phòng ngừa mua bán người;

4. Thực hiện đầy đủ yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong việc thanh tra, kiểm tra về phòng, chống mua bán người đối với hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở;

5. Phối hợp, thực hiện đầy đủ yêu cầu khi cơ quan có thẩm quyền sàng lọc dấu hiệu bị mua bán đối với người lao động tại tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở;

6. Chủ động phòng ngừa, kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền về hành vi có dấu hiệu mua bán người.

Điều 18. Trách nhiệm của cơ quan báo chí, thông tấn tham gia phòng ngừa mua bán người

1. Thông tin, tuyên truyền, phổ biến kịp thời, chính xác chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người; phản ánh trung thực về tình hình mua bán người và công tác phòng, chống mua bán người; nêu gương điển hình tiên tiến, mô hình phòng, chống mua bán người có hiệu quả.

2. Giữ bí mật thông tin về nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, người dưới 18 tuổi đi cùng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Điều 19. Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia phòng ngừa mua bán người

1. Giám sát, phản biện xã hội trong xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người theo quy định của pháp luật.

2. Tuyên truyền, vận động Nhân dân, thành viên, hội viên chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người và quy định khác của pháp luật có liên quan; vận động Nhân dân, thành viên, hội viên tích cực phát hiện, tố giác, báo tin, tố cáo, ngăn chặn hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật này; tham gia xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên về phòng, chống mua bán người ở cơ sở.

3. Kiến nghị biện pháp cần thiết với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người và quy định khác của pháp luật có liên quan; tham gia phòng, chống mua bán người, chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

4. Tư vấn, tham gia tư vấn về phòng ngừa mua bán người theo quy định tại Điều 8 của Luật này.

5. Tham gia dạy nghề, tạo việc làm và hoạt động hỗ trợ khác giúp nạn nhân hòa nhập cộng đồng.

6. Phối hợp phòng, chống mua bán người theo quy định của Luật này.

Điều 20. Trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia phòng ngừa mua bán người

1. Tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ, trẻ em nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người.

2. Tham gia xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên về phòng, chống mua bán người ở cơ sở.

3. Thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 19 của Luật này trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình.

Điều 21. Trách nhiệm của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia phòng ngừa mua bán người

1. Tuyên truyền, giáo dục, vận động thanh niên, trẻ em nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người.

2. Tham gia xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên về phòng, chống mua bán người ở cơ sở.

3. Thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 19 của Luật này trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình.

Luật Phòng, chống mua bán người 2024

  • Số hiệu: 53/2024/QH15
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 28/11/2024
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Thanh Mẫn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1529 đến số 1530
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH