Hệ thống pháp luật

Chương 1 Luật Phòng, chống mua bán người 2024

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi mua bán người và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; tiếp nhận, xác minh, xác định, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống mua bán người; hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Mua bán người là hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người nhằm mục đích nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác, bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể người hoặc nhằm mục đích vô nhân đạo khác bằng cách dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác.

 Hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 18 tuổi nhằm mục đích nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể người hoặc nhằm mục đích vô nhân đạo khác cũng được coi là mua bán người ngay cả khi không dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác.

2. Bóc lột tình dục là việc ép buộc nạn nhân bán dâm, tổ chức cho nạn nhân bán dâm, đưa nạn nhân đến cơ sở chứa mại dâm để bán dâm, sử dụng nạn nhân làm đối tượng để sản xuất sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, ép buộc nạn nhân trình diễn khiêu dâm, ép buộc nạn nhân do bị lệ thuộc phải phục vụ nhu cầu tình dục.

3. Cưỡng bức lao động là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác để ép buộc nạn nhân phải lao động trái ý muốn của họ.

4. Bộ phận cơ thể người là một phần của cơ thể được hình thành từ nhiều loại mô khác nhau để thực hiện các chức năng sinh lý nhất định.

5. Mục đích vô nhân đạo khác là sử dụng nạn nhân để làm thí nghiệm; ép buộc nạn nhân đi ăn xin, kết hôn trái ý muốn, sinh con trái ý muốn, thực hiện hành vi phạm tội hoặc sử dụng nạn nhân vào mục đích tàn ác khác.

6. Thủ đoạn kháclợi dụng việc môi giới hôn nhân, môi giới việc làm, tư vấn du học, nuôi con nuôi, đưa người đi du lịch ở nước ngoài để lừa gạt; lợi dụng tình thế bị lệ thuộc, tình thế dễ bị tổn thương hoặc tình trạng quẫn bách của nạn nhân; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; bắt cóc, uy hiếp tinh thần, đầu độc nạn nhân; cho nạn nhân sử dụng thuốc ngủ, thuốc gây mê, rượu, bia hoặc chất kích thích khác làm nạn nhân lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi.

7. Nạn nhân là người bị xâm hại bởi hành vi quy định tại khoản 1 Điều này và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

8. Người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là người có dấu hiệu bị xâm hại bởi hành vi quy định tại khoản 1 Điều này và đang được cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác minh.

9. Người thân thích bao gồm vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, bố nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột; cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, dì ruột, cô ruột, cháu ruột.

Điều 3. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Mua bán người theo quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này.

2. Thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai.

3. Cưỡng bức, môi giới hoặc xúi giục người khác thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

4. Đe dọa, trả thù nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, người thân thích của họ, người làm chứng, người tố giác, báo tin, tố cáo, khai báo hoặc người ngăn chặn hành vi quy định tại Điều này.

5. Dung túng, bao che, tiếp tay, cản trở, can thiệp, không xử lý hoặc xử lý không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi mua bán người.

6. Lợi dụng hoạt động phòng, chống mua bán người để trục lợi, thực hiện hành vi trái pháp luật.

7. Cản trở việc giải cứu, tiếp nhận, xác minh, xác định, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

8. Cản trở việc phát hiện, tố giác, báo tin, tố cáo, khai báo, xử lý hành vi quy định tại Điều này.

9. Xúc phạm, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

10. Tiết lộ thông tin về nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân khi chưa có sự đồng ý của họ hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

11. Giả mạo là nạn nhân.

12. Hành vi khác vi phạm quy định của Luật này.

Điều 4. Nguyên tắc phòng, chống mua bán người

1. Tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; lấy nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân làm trung tâm; bảo đảm bình đẳng giới.

2. Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa mua bán người; phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh, kịp thời, chính xác hành vi quy định tại Điều 3 của Luật này.

3. Giải cứu, tiếp nhận, xác minh, xác định, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân kịp thời, chính xác; giữ bí mật thông tin và không xúc phạm, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

4. Bảo đảm nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được sử dụng ngôn ngữ mà họ có thể hiểu được và được hưởng chế độ hỗ trợ phù hợp với tín ngưỡng, tôn giáo của họ trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam, phù hợp với độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe, đặc điểm cá nhân của họ.

5. Tùy từng trường hợp cụ thể và theo quy định của pháp luật có liên quan, nạn nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật là hệ quả trực tiếp của hành vi mua bán người có thể không bị xử lý hành chính hoặc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi này.

6. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng, gia đình, cá nhân trong phòng, chống mua bán người.

7. Tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp liên ngành, chủ động, tích cực tham gia các tổ chức quốc tế, điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về phòng, chống mua bán người trên cơ sở tuân thủ Hiến pháp, phù hợp với pháp luật của Việt Nam và pháp luật, tập quán quốc tế.

Điều 5. Chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người

1. Phòng, chống mua bán người là nội dung của chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm và được kết hợp với việc thực hiện các chương trình khác về phát triển kinh tế - xã hội.

2. Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tham gia, hợp tác, tài trợ cho hoạt động phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo quy định của pháp luật.

3. Ưu tiên ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong phòng, chống mua bán người; hỗ trợ bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống mua bán người.

4. Bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phòng, chống mua bán người theo quy định của pháp luật.

5. Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống mua bán người; bảo đảm chế độ, chính sách đối với người tham gia phòng, chống mua bán người bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản theo quy định của pháp luật.

6. Hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, địa bàn có tình hình mua bán người diễn biến phức tạp.

Điều 6. Quyền và nghĩa vụ của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân

1. Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân có quyền sau đây:

 a) Đề nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ mình, người thân thích của mình theo quy định của Luật này khi bị xâm hại, bị đe dọa xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác có liên quan đến phòng, chống mua bán người;

b) Được thông tin về quyền, lợi ích hợp pháp của mình và các biện pháp phòng ngừa mua bán người;

c) Được hưởng chế độ hỗ trợ theo quy định của Luật này hoặc từ chối nhận hỗ trợ;

d) Được bảo vệ bí mật thông tin, dữ liệu về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, nơi cư trú, nơi làm việc và thông tin khác theo quy định của pháp luật;

đ) Được cơ quan, người có thẩm quyền cấp giấy tờ, tài liệu xác nhận nạn nhân;

e) Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;

g) Được từ chối áp dụng biện pháp bảo vệ;

h) Quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

2. Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân có nghĩa vụ sau đây:

a) Chấp hành đầy đủ yêu cầu của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong quá trình áp dụng các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ;

b) Cung cấp thông tin liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền;

c) Thực hiện yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền trong phát hiện, điều tra, xử lý vụ việc mua bán người;

d) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

Luật Phòng, chống mua bán người 2024

  • Số hiệu: 53/2024/QH15
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 28/11/2024
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Thanh Mẫn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1529 đến số 1530
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH