Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 35/2018/TT-BCT quy định về nội dung, trình tự, thủ tục hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính

Chương II

XÂY DỰNG, PHÊ DUYỆT, BAN HÀNH KẾ HOẠCH KIỂM TRA

Điều 4. Kế hoạch kiểm tra

1. Kế hoạch kiểm tra của Tổng cục Quản lý thị trường (sau đây gọi tắt là Tổng cục), Cục nghiệp vụ Quản lý thị trường (sau đây gọi tắt là Cục nghiệp vụ) và Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Cục Quản lý thị trường liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Cục cấp tỉnh) gồm:

a) Kế hoạch định kỳ là kế hoạch kiểm tra được xây dựng từ năm trước để triển khai thực hiện trong chu kỳ năm tiếp theo;

b) Kế hoạch chuyên đề là kế hoạch kiểm tra theo đối tượng kiểm tra, mặt hàng hoặc lĩnh vực, địa bàn cần kiểm tra được xây dựng và tổ chức thực hiện tại từng thời điểm cụ thể trong năm.

2. Kế hoạch kiểm tra theo quy định tại khoản 1 Điều này phải có những nội dung chủ yếu sau:

a) Căn cứ ban hành kế hoạch kiểm tra;

b) Mục đích, yêu cầu kiểm tra;

c) Danh sách cụ thể tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân hoặc địa điểm, địa chỉ kinh doanh được kiểm tra theo kế hoạch, trừ trường hợp kế hoạch định kỳ của Tổng cục Quản lý thị trường mang tính định hướng chung về nhóm đối tượng kiểm tra, mặt hàng hoặc lĩnh vực, địa bàn kiểm tra;

d) Các nội dung kiểm tra;

đ) Phân công nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị thực hiện kế hoạch kiểm tra, bao gồm cả cơ quan, đơn vị thực hiện giám sát, kiểm tra việc thực hiện;

e) Dự kiến thời gian thực hiện kế hoạch; dự kiến số lượng tổ chức, cá nhân được kiểm tra cụ thể theo tuần hoặc theo tháng cho từng đơn vị;

g) Dự kiến thành phần lực lượng kiểm tra, bao gồm cả phối hợp với các cơ quan nhà nước khác để kiểm tra (nếu có);

h) Dự kiến kinh phí, phương tiện và các điều kiện khác phục vụ kiểm tra;

i) Chế độ báo cáo.

3. Trường hợp phát hiện thấy kế hoạch kiểm tra có chồng chéo, trùng lặp về đối tượng kiểm tra theo kế hoạch, cơ quan, đơn vị Quản lý thị trường đang xây dựng hoặc đang tiến hành kiểm tra theo kế hoạch phải báo cáo ngay với Thủ trưởng cơ quan cấp trên và cơ quan, đơn vị có liên quan để có giải pháp phù hợp tránh chồng chéo, trùng lặp và đảm bảo tính kế thừa trong hoạt động giữa các cơ quan, đơn vị Quản lý thị trường.

4. Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (sau đây gọi tắt là Tổng cục trưởng) chịu trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện kế hoạch kiểm tra của các cơ quan, đơn vị Quản lý thị trường nhằm kịp thời phát hiện, xử lý chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian kiểm tra; xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng trùng lặp, chồng chéo trong việc thực hiện kế hoạch kiểm tra.

Điều 5. Xây dựng, phê duyệt hoặc ban hành kế hoạch kiểm tra của Tổng cục Quản lý thị trường

1. Việc xây dựng, phê duyệt kế hoạch định kỳ như sau:

a) Căn cứ tình hình thị trường, yêu cầu công tác quản lý thị trường hoặc theo sự chỉ đạo bằng văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương hoặc cấp trên có thẩm quyền, Tổng cục Quản lý thị trường có trách nhiệm xây dựng kế hoạch định kỳ của Tổng cục trong năm tiếp theo trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt trước ngày 30 tháng 11 hằng năm và triển khai tổ chức việc thực hiện;

b) Kế hoạch định kỳ sau khi được Bộ trưởng phê duyệt phải gửi Thanh tra Bộ Công Thương, các cơ quan có liên quan để biết, phối hợp công tác; gửi các Cục nghiệp vụ, Cục cấp tỉnh để tổ chức thực hiện; niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan và đăng trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Quản lý thị trường.

2. Kết thúc thời gian thực hiện kế hoạch kiểm tra định kỳ hoặc khi có yêu cầu đột xuất, Tổng cục Quản lý thị trường có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương kết quả kiểm tra theo kế hoạch bằng văn bản. Báo cáo phải nêu rõ lý do, nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể trong trường hợp kế hoạch kiểm tra có nội dung không hoàn thành và các đề xuất, kiến nghị nếu có.

3. Báo cáo thực hiện kế hoạch định kỳ của Tổng cục Quản lý thị trường phải trình Bộ trưởng Bộ Công Thương trước ngày 20 tháng 11 hằng năm.

4. Trường hợp cần thiết phải bổ sung, sửa đổi nội dung kế hoạch định kỳ đã được phê duyệt, Tổng cục Quản lý thị trường báo cáo, trình Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quyết định điều chỉnh nội dung của kế hoạch định kỳ.

Điều 6. Xây dựng, phê duyệt hoặc ban hành kế hoạch kiểm tra của Cục nghiệp vụ, Cục cấp tỉnh

1. Việc xây dựng, phê duyệt kế hoạch định kỳ như sau:

a) Căn cứ tình hình thị trường, yêu cầu công tác quản lý thị trường trên địa bàn và kế hoạch kiểm tra định kỳ của Tổng cục Quản lý thị trường đã được phê duyệt, Cục nghiệp vụ và Cục cấp tỉnh yêu cầu các đơn vị trực thuộc rà soát, tổng hợp, đề xuất danh sách cụ thể tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân hoặc địa điểm, địa chỉ kinh doanh được kiểm tra theo kế hoạch trước ngày 10 tháng 12 hằng năm;

b) Căn cứ những nội dung quy định tại điểm a khoản này, Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Cục cấp tỉnh (sau đây gọi tắt là Cục trưởng) xây dựng, trình Tổng cục trưởng xem xét, phê duyệt kế hoạch kiểm tra định kỳ của đơn vị mình trước ngày 20 tháng 12 hằng năm. Hồ sơ trình gồm: tờ trình Tổng cục trưởng đề nghị phê duyệt kế hoạch định kỳ và dự thảo kế hoạch định kỳ của Cục nghiệp vụ hoặc Cục cấp tỉnh;

c) Căn cứ văn bản phê duyệt của Tổng cục trưởng, Cục trưởng có quyết định ban hành kế hoạch định kỳ của đơn vị mình trong năm tiếp theo trước ngày 31 tháng 12 hằng năm;

d) Kế hoạch định kỳ sau khi được ban hành phải gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan, đơn vị có liên quan để biết, chỉ đạo, phối hợp công tác; gửi Tổng cục trưởng để báo cáo, theo dõi việc thực hiện; gửi các phòng, Đội Quản lý thị trường trực thuộc để tổ chức thực hiện; niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan và đăng trên trang thông tin điện tử của cơ quan (nếu có); gửi Cục cấp tỉnh có liên quan để biết, chỉ đạo, phối hợp công tác trong trường hợp kế hoạch định kỳ của Cục nghiệp vụ.

2. Việc xây dựng, ban hành kế hoạch chuyên đề như sau:

a) Căn cứ tình hình diễn biến thị trường phát sinh những vấn đề, lĩnh vực, nội dung, địa bàn cần phải tập trung kiểm tra ngăn chặn tại địa phương trong từng thời điểm hoặc theo sự chỉ đạo bằng văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Tổng cục trưởng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cấp trên có thẩm quyền, Cục trưởng yêu cầu các đơn vị trực thuộc rà soát, tổng hợp, đề xuất danh sách cụ thể tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân hoặc địa điểm, địa chỉ kinh doanh được kiểm tra theo chuyên đề;

b) Căn cứ những nội dung quy định tại điểm a khoản này, Cục trưởng chủ động xây dựng, quyết định ban hành kế hoạch chuyên đề;

c) Kế hoạch chuyên đề sau khi được ban hành phải gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan, đơn vị có liên quan để biết, chỉ đạo, phối hợp công tác; gửi các phòng, Đội Quản lý thị trường trực thuộc để tổ chức thực hiện; gửi Tổng cục trưởng để báo cáo, theo dõi việc thực hiện; niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan và đăng trên trang thông tin điện tử của cơ quan (nếu có); gửi Cục cấp tỉnh có liên quan để biết, chỉ đạo, phối hợp công tác trong trường hợp kế hoạch chuyên đề của Cục nghiệp vụ.

3. Kế hoạch kiểm tra của Cục nghiệp vụ, Cục cấp tỉnh được gửi cho cá nhân, tổ chức được kiểm tra theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Pháp lệnh Quản lý thị trường.

4. Kết thúc thời gian thực hiện kế hoạch kiểm tra hoặc khi có yêu cầu đột xuất, Cục nghiệp vụ và Cục cấp tỉnh có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Tổng cục trưởng kết quả kiểm tra theo kế hoạch bằng văn bản. Báo cáo phải nêu rõ lý do, nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể trong trường hợp kế hoạch kiểm tra có nội dung không hoàn thành và các đề xuất, kiến nghị (nếu có).

5. Báo cáo thực hiện kế hoạch định kỳ của Cục nghiệp vụ, Cục cấp tỉnh phải gửi Tổng cục trưởng trước ngày 10 tháng 11 hằng năm.

6. Trường hợp cần thiết phải bổ sung, sửa đổi nội dung kế hoạch định kỳ đã được phê duyệt, Cục nghiệp vụ hoặc Cục cấp tỉnh báo cáo, trình Tổng cục trưởng xem xét, phê duyệt về việc điều chỉnh nội dung của kế hoạch định kỳ.

Điều 7. Thực hiện kế hoạch kiểm tra

1. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công tại kế hoạch kiểm tra đã ban hành, Trưởng phòng, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường có trách nhiệm:

a) Ban hành hoặc đề xuất với người có thẩm quyền ban hành Quyết định kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (sau đây gọi tắt là quyết định kiểm tra) đối với tổ chức, cá nhân được kiểm tra theo kế hoạch;

b) Tổ chức, chỉ đạo, điều hành việc kiểm tra theo kế hoạch kiểm tra;

c) Tổng hợp, báo cáo Cục trưởng cấp trên trực tiếp kết quả kiểm tra theo kế hoạch bằng văn bản khi hết thời gian thực hiện kế hoạch kiểm tra hoặc khi có yêu cầu đột xuất. Báo cáo phải nêu rõ lý do, nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể trong trường hợp kế hoạch kiểm tra có nội dung không hoàn thành và các đề xuất, kiến nghị nếu có;

d) Báo cáo Cục trưởng cấp trên trực tiếp kết quả kiểm tra đã thực hiện theo kế hoạch định kỳ trước ngày 01 tháng 11 hằng năm.

2. Trong trường hợp diễn biến thị trường trên địa bàn hoặc lĩnh vực được giao quản lý phát sinh những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quản lý thị trường cần phải tập trung kiểm tra ngay và không thuộc phạm vi, nội dung của các kế hoạch kiểm tra đã ban hành, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường chủ động xây dựng kế hoạch chuyên đề, trình Cục trưởng cấp trên trực tiếp phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện, như sau:

a) Nội dung kế hoạch chuyên đề thực hiện theo quy định tại các điểm a, b, c, d, e, g, h, i khoản 2 Điều 4 của Thông tư này;

b) Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được dự thảo kế hoạch, Cục trưởng cấp trên trực tiếp có trách nhiệm xem xét, phê duyệt kế hoạch chuyên đề của Đội Quản lý thị trường;

c) Căn cứ văn bản phê duyệt của Cục trưởng cấp trên trực tiếp, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường có quyết định ban hành kế hoạch chuyên đề, gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ quan, đơn vị có liên quan để biết, chỉ đạo, phối hợp công tác; gửi Cục trưởng trực tiếp để báo cáo, theo dõi việc thực hiện; gửi cho cá nhân, tổ chức được kiểm tra theo quy định;

d) Tổ chức thực hiện kế hoạch chuyên đề đã ban hành và báo cáo việc thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.

3. Trường hợp cần thiết phải bổ sung, sửa đổi nội dung kế hoạch kiểm tra đã được ban hành, các phòng, Đội Quản lý thị trường báo cáo, đề xuất Cục trưởng cấp trên trực tiếp xem xét, chỉ đạo về việc ban hành quyết định điều chỉnh nội dung của kế hoạch kiểm tra cho phù hợp thực tế kiểm tra.

Thông tư 35/2018/TT-BCT quy định về nội dung, trình tự, thủ tục hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính

  • Số hiệu: 35/2018/TT-BCT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 12/10/2018
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Tuấn Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1025 đến số 1026
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH