Hệ thống pháp luật

Điều 55 Thông tư 24/2017/TT-BTNMT quy định kỹ thuật quan trắc môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Điều 55. Bảo đảm và kiểm soát chất lượng của hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục

1. Bảo đảm chất lượng của Hệ thống

a) Nhân lực quản lý và vận hành: phải có đủ nhân lực am hiểu về Hệ thống để thực hiện nhiệm vụ quản lý, duy trì và vận hành Hệ thống;

b) Hồ sơ quản lý liên quan đến Hệ thống phải được lưu giữ tại đơn vị vận hành Hệ thống và sẵn sàng xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hồ sơ quản lý Hệ thống bao gồm:

b.1) Danh mục các thông số quan trắc;

b.2) Danh mục, đặc tính kỹ thuật của các thiết bị quan trắc của Hệ thống;

b.3) Hướng dẫn sử dụng thiết bị;

b.4) Bản vẽ thiết kế và mô tả về Hệ thống;

b.5) Quy trình vận hành chuẩn (SOP): tối thiểu bao gồm các nội dung về quy trình khởi động và vận hành Hệ thống; quy trình kiểm tra Hệ thống hàng ngày; quy trình kiểm tra ống dẫn mẫu và kiểm tra bằng khí chuẩn (với tần suất 2 tuần/lần); tần suất và quy trình bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị quan trắc; tần suất kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị; tần suất thay thế phụ kiện, vật tư tiêu hao theo khuyến cáo của nhà sản xuất; quy trình khắc phục các lỗi, sự cố phát sinh; quy trình sao lưu dữ liệu; quy trình kiểm tra và báo cáo dữ liệu, quy định về an toàn trong vận hành Hệ thống và quy trình lưu giữ, quản lý và xử lý chất thải phát sinh;

b.6) Các trang thiết bị và linh phụ kiện dự phòng;

b.7) Sổ nhật ký về hoạt động bảo trì, bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị;

b.8) Sổ tay một số lỗi thường gặp và cách khắc phục các sự cố trong quá trình quản lý, vận hành Hệ thống;

b.9) Sổ theo dõi, kiểm tra hoạt động hàng ngày của Hệ thống;

b.10) Giấy chứng nhận kèm theo báo cáo kết quả kiểm định, hiệu chuẩn các thiết bị quan trắc của Hệ thống;

b.11) Biên bản kiểm tra độ chính xác tương đối của Hệ thống.

2. Thực hiện kiểm soát chất lượng của Hệ thống trước khi đi vào vận hành chính thức và định kỳ 1 lần/năm bởi một bên thứ ba để bảo đảm tính độc lập, khách quan và được thực hiện theo quy trình như sau:

a) Kiểm tra vị trí lỗ quan trắc: đáp ứng theo quy định tại khoản 2 Điều 53;

b) Kiểm tra ống hút mẫu (probe): đáp ứng theo quy định tại điểm d.1 khoản 1 Điều 54;

c) Kiểm tra ống dẫn mẫu: sử dụng khí chuẩn để kiểm tra ống dẫn mẫu theo quy định tại điểm d.2 khoản 1 Điều 54. Trong thời gian đo khí chuẩn toàn bộ hệ thống bơm và thiết bị quan trắc vẫn hoạt động ở chế độ tương tự như chế độ đo và phân tích dòng khí thải, cụ thể như sau:

c.1) Thời gian đo để kiểm tra bằng khí chuẩn tối thiểu là 20 phút/lần đo;

c.2) Kết quả đo khí chuẩn nếu có sai khác ≤ 5% so với giá trị nồng độ khí chuẩn thì đạt yêu cầu về ống dẫn mẫu. Sau khi tiến hành kiểm tra, lưu lại thông tin về kết quả kiểm tra bằng khí chuẩn.

d) Kiểm tra tính năng đo và trả kết quả theo đơn vị mg/Nm3 đối với các thiết bị quan trắc thông số ô nhiễm.

đ) Kiểm tra tính năng thu thập, lưu giữ và truyền dữ liệu quan trắc tự động liên tục của Hệ thống.

e) Kiểm tra thành phần, tính năng khác của Hệ thống.

g) Đánh giá độ chính xác tương đối của Hệ thống, gồm:

g.1) Thực hiện quan trắc đối chứng

g.1.1) Quan trắc đối chứng là việc quan trắc sử dụng các phương pháp quan trắc định kỳ được quy định tại Mục 7 Chương II Thông tư này hoặc các phương pháp được Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (US EPA) chấp nhận là phương pháp tương đương để đối chứng và so sánh kết quả thu được với kết quả quan trắc của Hệ thống;

g.1.2) Thực hiện quan trắc đối chứng riêng biệt cho từng thông số;

g.1.3) Thực hiện lấy mẫu quan trắc đối chứng ít nhất 06 mẫu/thông số/1 lần thực hiện quan trắc đối chứng;

g.1.4) Trong thời gian thực hiện quan trắc đối chứng, công suất hoạt động của cơ sở phải bảo đảm tối thiểu 50% công suất thiết kế;

g.2) Đánh giá kết quả quan trắc đối chứng thông qua độ chính xác tương đối (RA) như sau:

g.2.1) Tính toán kết quả quan trắc đối chứng, sử dụng kết quả quan trắc đối chứng giữa Hệ thống và phương pháp quan trắc đối chứng để tính toán: độ sai khác, độ lệch chuẩn, hệ số tin cậy và độ chính xác tương đối (RA) cho từng thiết bị và từng thông số riêng biệt theo Phụ lục 10 ban hành kèm theo Thông tư này. Kết quả tính toán phải được ghi chép đầy đủ vào Biên bản kiểm tra các đặc tính kỹ thuật, tính năng và độ chính xác tương đối của Hệ thống theo Phụ lục 12 ban hành kèm theo Thông tư này;

g.2.2) Trường hợp RA ≤ 20%, dữ liệu quan trắc của Hệ thống được chấp nhận sử dụng;

g.2.3) Trường hợp RA > 20%, đơn vị vận hành hệ thống phải tìm nguyên nhân và có biện pháp khắc phục. Sau khi hoàn thành việc khắc phục, thực hiện lại việc quan trắc đối chứng để tính toán RA cho đến khi đáp ứng yêu cầu tại điểm g.2.2 khoản này thì dữ liệu quan trắc của Hệ thống được chấp nhận sử dụng;

h) Các thông tin kiểm soát chất lượng được ghi chép vào Biên bản kiểm tra các đặc tính kỹ thuật, tính năng và độ chính xác tương đối của Hệ thống tại Phụ lục 12 ban hành kèm theo Thông tư này.

Thông tư 24/2017/TT-BTNMT quy định kỹ thuật quan trắc môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 24/2017/TT-BTNMT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 01/09/2017
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Võ Tuấn Nhân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 749 đến số 750
  • Ngày hiệu lực: 15/10/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH