Hệ thống pháp luật

Chương 9 Luật Bảo vệ môi trường 2020

Chương IXQUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG, THÔNG TIN, CƠ SỞ DỮ LIỆU MÔI TRƯỜNG VÀ BÁO CÁO MÔI TRƯỜNG

Mục 1. QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG

Điều 106. Quy định chung về quan trắc môi trường

1. Quan trắc môi trường bao gồm quan trắc chất thải và quan trắc môi trường, được thực hiện thông qua quan trắc tự động, liên tục, quan trắc định kỳ, quan trắc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải ra môi trường phải thực hiện quan trắc theo quy định tại Điều 111 và Điều 112 của Luật này, bảo đảm tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

3. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia quan trắc môi trường và công bố thông tin về chất lượng môi trường cho cộng đồng theo quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân quan trắc môi trường và công bố thông tin về chất lượng môi trường cho cộng đồng chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin.

4. Hoạt động quan trắc môi trường phải bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng, cung cấp kết quả quan trắc chính xác, tin cậy.

5. Phương tiện, thiết bị quan trắc môi trường phải được kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định của pháp luật về đo lường.

Điều 107. Hệ thống quan trắc môi trường

1. Hệ thống quan trắc môi trường bao gồm:

a) Quan trắc môi trường quốc gia là mạng lưới các trạm, vị trí quan trắc môi trường nền và môi trường tác động phục vụ việc quan trắc, cung cấp thông tin chất lượng môi trường nền và môi trường tác động tại các khu vực có tính chất liên vùng, liên tỉnh, xuyên biên giới;

b) Quan trắc môi trường cấp tỉnh là mạng lưới các trạm, vị trí quan trắc môi trường nền và môi trường tác động phục vụ việc quan trắc, cung cấp thông tin chất lượng môi trường nền và môi trường tác động tại các khu vực trên địa bàn;

c) Quan trắc môi trường phục vụ quản lý ngành, lĩnh vực quy định tại Điều 109 của Luật này;

d) Quan trắc môi trường tại dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp;

đ) Quan trắc đa dạng sinh học tại khu bảo tồn thiên nhiên.

2. Các tổ chức tham gia hệ thống quan trắc môi trường bao gồm:

a) Cơ quan quản lý nhà nước về quan trắc môi trường;

b) Tổ chức lấy mẫu, đo đạc mẫu môi trường tại hiện trường;

c) Phòng thí nghiệm, phân tích mẫu môi trường;

d) Tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị quan trắc môi trường;

đ) Tổ chức quản lý, xử lý số liệu và lập báo cáo kết quả quan trắc môi trường.

3. Hệ thống quan trắc môi trường phải được quy hoạch đồng bộ, có tính liên kết, tạo thành mạng lưới thống nhất và toàn diện trên phạm vi cả nước.

4. Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Phân tích, đánh giá hiện trạng mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia; hệ thống phòng thí nghiệm, phân tích môi trường và hệ thống quản lý số liệu, dữ liệu quan trắc môi trường;

b) Quan điểm, mục tiêu, lựa chọn phương án quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia phù hợp với phân vùng môi trường, định hướng quan trắc và cảnh báo môi trường trong quy hoạch bảo vệ môi trường;

c) Bố trí mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia gồm định hướng các điểm, thông số, tần suất quan trắc các thành phần môi trường trên phạm vi cả nước và các trạm quan trắc tự động; định hướng phát triển hệ thống phòng thí nghiệm, phân tích môi trường và hệ thống quản lý số liệu, dữ liệu quan trắc môi trường;

d) Danh mục dự án quan trắc môi trường quốc gia;

đ) Định hướng liên kết mạng lưới, cơ sở dữ liệu, số liệu quan trắc môi trường quốc gia với mạng lưới, cơ sở dữ liệu, số liệu quan trắc môi trường cấp tỉnh và kết nối mạng lưới quan trắc môi trường;

e) Lộ trình và nguồn lực thực hiện quy hoạch.

Điều 108. Đối tượng quan trắc môi trường

1. Thành phần môi trường phải được quan trắc bao gồm:

a) Môi trường nước gồm nước mặt, nước dưới đất, nước biển;

b) Môi trường không khí xung quanh;

c) Môi trường đất, trầm tích;

d) Đa dạng sinh học;

đ) Tiếng ồn, độ rung, bức xạ, ánh sáng.

2. Nguồn thải, chất thải, chất ô nhiễm phải được quan trắc bao gồm:

a) Nước thải, khí thải;

b) Chất thải công nghiệp phải kiểm soát để phân định chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật;

c) Phóng xạ;

d) Chất ô nhiễm khó phân hủy phát thải và tích tụ trong môi trường;

đ) Các chất ô nhiễm khác.

Điều 109. Trách nhiệm quan trắc môi trường

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm sau đây:

a) Chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra hoạt động quan trắc môi trường trên phạm vi cả nước; tổ chức thực hiện chương trình quan trắc môi trường quốc gia gồm chương trình quan trắc môi trường sông và hồ liên tỉnh, biển, vùng kinh tế trọng điểm, các khu vực có tính chất liên vùng, liên tỉnh, môi trường xuyên biên giới và môi trường tại các vùng có tính đặc thù; thực hiện quan trắc đa dạng sinh học tại khu bảo tồn thiên nhiên;

b) Lập, thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia theo quy định của pháp luật về quy hoạch;

c) Hướng dẫn kỹ thuật xây dựng hệ thống quan trắc môi trường quốc gia và cấp tỉnh; quan trắc đa dạng sinh học.

2. Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thực hiện chương trình quan trắc phóng xạ gồm các chương trình quan trắc thành phần phóng xạ trong môi trường.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện chương trình quan trắc môi trường phục vụ quản lý nông nghiệp gồm các chương trình quan trắc nước, đất, trầm tích phục vụ mục đích thủy lợi, khai thác và nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp.

4. Bộ Y tế tổ chức thực hiện chương trình quan trắc môi trường lao động trong khu vực làm việc.

5. Bộ Quốc phòng tham gia hoạt động quan trắc nước biển xa bờ, môi trường xuyên biên giới.

6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện các chương trình quan trắc môi trường trên địa bàn, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp, Bộ Tài nguyên và Môi trường về kết quả quan trắc môi trường hằng năm.

Điều 110. Điều kiện hoạt động quan trắc môi trường

1. Chương trình quan trắc môi trường quốc gia, chương trình quan trắc môi trường địa phương, chương trình quan trắc môi trường của tổ chức kinh doanh, dịch vụ theo yêu cầu của pháp luật về bảo vệ môi trường và hoạt động quan trắc khác phục vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo quy định về quan trắc môi trường phải được thực hiện bởi các tổ chức được chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường.

2. Tổ chức đáp ứng yêu cầu về nhân lực quan trắc môi trường, trang thiết bị quan trắc môi trường, điều kiện kỹ thuật của phòng thí nghiệm và có quy trình phương pháp về quan trắc môi trường được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường. Tổ chức được cấp giấy chứng nhận phải bảo đảm hoạt động phù hợp với năng lực và phạm vi đã được chứng nhận.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quan trắc môi trường định kỳ, thường xuyên, liên tục nhằm cung cấp, công bố thông tin về chất lượng môi trường cho cộng đồng phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về quan trắc môi trường theo quy định của pháp luật.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 111. Quan trắc nước thải

1. Đối tượng phải quan trắc nước thải tự động, liên tục bao gồm:

a) Khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp xả nước thải ra môi trường;

b) Dự án đầu tư, cơ sở thuộc loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với lưu lượng xả nước thải trung bình trở lên ra môi trường;

c) Dự án đầu tư, cơ sở không thuộc loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với lưu lượng xả nước thải lớn ra môi trường.

2. Đối tượng phải quan trắc nước thải định kỳ bao gồm:

a) Khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp xả nước thải ra môi trường;

b) Dự án đầu tư, cơ sở có lưu lượng xả nước thải lớn ra môi trường.

3. Việc quan trắc nước thải tự động, liên tục phải đáp ứng quy định kỹ thuật về quan trắc môi trường. Dữ liệu của hệ thống quan trắc được truyền trực tiếp đến cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh.

4. Việc quan trắc nước thải định kỳ phải bảo đảm thời gian, tần suất, thông số theo quy định của pháp luật. Đối với các thông số đã được quan trắc tự động, liên tục thì không phải quan trắc định kỳ.

5. Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:

a) Giám sát dữ liệu quan trắc nước thải tự động, liên tục; đánh giá kết quả quan trắc nước thải tự động, liên tục và so sánh với giá trị tối đa cho phép các thông số ô nhiễm theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường về nước thải; theo dõi, kiểm tra việc khắc phục trong trường hợp dữ liệu quan trắc bị gián đoạn; phát hiện thông số giám sát vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường và đề xuất biện pháp xử lý theo quy định;

b) Tổng hợp, truyền số liệu quan trắc nước thải tự động, liên tục trên địa bàn về Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định.

6. Khuyến khích đối tượng không thuộc quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thực hiện quan trắc nước thải để tự theo dõi, giám sát hệ thống, thiết bị xử lý nước thải của mình.

7. Chính phủ quy định chi tiết đối tượng phải quan trắc nước thải; thông số, lộ trình thực hiện quan trắc nước thải tự động, liên tục; thời gian và tần suất quan trắc nước thải định kỳ.

8. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định kỹ thuật về quan trắc nước thải.

Điều 112. Quan trắc bụi, khí thải công nghiệp

1. Đối tượng phải quan trắc bụi, khí thải công nghiệp tự động, liên tục gồm dự án đầu tư, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không khí với lưu lượng xả bụi, khí thải lớn ra môi trường.

2. Đối tượng phải quan trắc bụi, khí thải công nghiệp định kỳ gồm dự án đầu tư, cơ sở có lưu lượng xả thải lớn ra môi trường.

3. Việc quan trắc bụi, khí thải công nghiệp tự động, liên tục phải đáp ứng quy định kỹ thuật về quan trắc môi trường. Dữ liệu của hệ thống quan trắc được truyền trực tiếp đến cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh.

4. Việc quan trắc bụi, khí thải công nghiệp định kỳ phải bảo đảm thời gian, tần suất, thông số theo quy định của pháp luật. Đối với các thông số đã được quan trắc tự động, liên tục thì không phải quan trắc định kỳ.

5. Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:

a) Giám sát dữ liệu quan trắc khí thải công nghiệp tự động, liên tục; đánh giá kết quả quan trắc khí thải công nghiệp tự động, liên tục và so sánh với giá trị tối đa cho phép đối với các thông số ô nhiễm theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường về khí thải; theo dõi, kiểm tra việc khắc phục trong trường hợp dữ liệu quan trắc bị gián đoạn; phát hiện thông số giám sát vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường và đề xuất biện pháp xử lý theo quy định;

b) Tổng hợp, truyền số liệu quan trắc khí thải công nghiệp tự động, liên tục trên địa bàn về Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định.

6. Khuyến khích đối tượng không thuộc quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thực hiện quan trắc bụi, khí thải công nghiệp để tự theo dõi, giám sát hệ thống, thiết bị xử lý bụi, khí thải của mình.

7. Chính phủ quy định chi tiết đối tượng phải quan trắc bụi, khí thải công nghiệp; thông số, lộ trình thực hiện quan trắc khí thải công nghiệp tự động, liên tục; thời gian và tần suất quan trắc bụi, khí thải công nghiệp định kỳ.

8. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định kỹ thuật về quan trắc bụi, khí thải công nghiệp.

Điều 113. Quản lý số liệu quan trắc môi trường

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý số liệu quan trắc môi trường quốc gia; xây dựng cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường trong hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia; tích hợp các dữ liệu quan trắc môi trường của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương, công bố thông tin về chất lượng môi trường quốc gia; hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ và hỗ trợ kỹ thuật quản lý số liệu quan trắc môi trường của địa phương.

2. Bộ, cơ quan ngang Bộ xây dựng cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường theo thẩm quyền và tích hợp vào cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý số liệu quan trắc môi trường; xây dựng cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường trên địa bàn bảo đảm thống nhất, đồng bộ và liên thông với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia và công bố thông tin về chất lượng môi trường của địa phương trên cơ sở kết quả quan trắc môi trường địa phương.

4. Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp quản lý số liệu quan trắc chất thải và công bố công khai kết quả quan trắc chất thải theo quy định của pháp luật.

Mục 2. HỆ THỐNG THÔNG TIN, CƠ SỞ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG

Điều 114. Thông tin về môi trường

1. Thông tin về môi trường bao gồm:

a) Thông tin về chất ô nhiễm, dòng thải các chất ô nhiễm ra môi trường, nguồn ô nhiễm; công tác bảo vệ môi trường của dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp;

b) Thông tin về chất thải rắn, chất thải nguy hại, nước thải, khí thải và các loại chất thải khác theo quy định của pháp luật;

c) Thông tin về quyết định phê duyệt kết quả thẩm định, báo cáo đánh giá tác động môi trường, trừ bí mật thương mại, bí mật kinh doanh, thông tin thuộc bí mật nhà nước; nội dung cấp phép, đăng ký, chứng nhận, xác nhận; kết quả kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường đối với dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp theo quy định;

d) Thông tin về chỉ tiêu thống kê môi trường, chất lượng môi trường, ô nhiễm môi trường;

đ) Thông tin về di sản thiên nhiên, hệ sinh thái tự nhiên, loài sinh vật và nguồn gen; khu bảo tồn thiên nhiên và cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; vùng đất ngập nước quan trọng.

2. Việc thu nhận, lưu trữ, quản lý thông tin về môi trường được quy định như sau:

a) Thông tin về môi trường được thu nhận bảo đảm chính xác, đầy đủ, kịp thời;

b) Chủ dự án đầu tư, cơ sở chịu trách nhiệm thường xuyên thu nhận, lưu trữ và quản lý thông tin về môi trường quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này;

c) Bộ, cơ quan ngang Bộ thu nhận, lưu trữ và quản lý thông tin về môi trường thuộc phạm vi quản lý quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;

d) Ủy ban nhân dân các cấp thu nhận, lưu trữ và quản lý thông tin về môi trường trên địa bàn và theo phân cấp quản lý;

đ) Bộ Tài nguyên và Môi trường thu nhận, tổng hợp thông tin về môi trường quốc gia.

3. Việc cung cấp, công khai thông tin về môi trường được quy định như sau:

a) Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp thông tin về môi trường;

b) Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm cung cấp thông tin về môi trường thuộc trách nhiệm thu nhận, lưu trữ và quản lý cho Bộ Tài nguyên và Môi trường thông qua hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia hoặc báo cáo theo quy định của pháp luật;

c) Chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm cung cấp thông tin về môi trường quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường thông qua hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia hoặc báo cáo theo quy định của pháp luật;

d) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân công khai thông tin về môi trường theo quy định trên cổng thông tin của cơ quan, tổ chức hoặc bằng hình thức khác, bảo đảm thuận tiện cho đối tượng có liên quan tiếp nhận thông tin. Việc công khai thông tin về môi trường phải tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Chính phủ quy định chi tiết nội dung và việc quản lý thông tin về môi trường; trình tự, thủ tục, thời điểm và hình thức cung cấp, công khai thông tin về môi trường.

Điều 115. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường

1. Hệ thống thông tin môi trường được quy định như sau:

a) Nhà nước có chính sách đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thông tin môi trường, hướng tới phát triển nền tảng số, kinh tế số về môi trường;

b) Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin môi trường quốc gia; hướng dẫn triển khai hệ thống thông tin môi trường Bộ, ngành, cấp tỉnh;

c) Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin môi trường Bộ, ngành, cấp tỉnh, bảo đảm đồng bộ với hệ thống thông tin môi trường quốc gia.

2. Cơ sở dữ liệu môi trường được quy định như sau:

a) Cơ sở dữ liệu môi trường là tập hợp thông tin về môi trường được xây dựng, cập nhật, lưu trữ và quản lý đáp ứng yêu cầu truy nhập, cung cấp, sử dụng thống nhất từ trung ương đến địa phương, phục vụ công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, cung cấp dịch vụ công về môi trường;

b) Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia; hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai cơ sở dữ liệu về môi trường của mình;

c) Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức triển khai cơ sở dữ liệu môi trường của mình; bảo đảm tích hợp, kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 116. Dịch vụ công trực tuyến về môi trường

1. Dịch vụ công trực tuyến về môi trường gồm dịch vụ hành chính công về môi trường, dịch vụ cung cấp thông tin về môi trường và dịch vụ công khác về môi trường theo quy định của pháp luật.

2. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến về môi trường được quy định như sau:

a) Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cung cấp dịch vụ công trực tuyến về môi trường theo quy định của Chính phủ bảo đảm kết nối, liên thông, thuận tiện, đơn giản, an toàn cho cơ quan, tổ chức, cá nhân và phục vụ công tác quản lý nhà nước về môi trường;

b) Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng, tổ chức, hướng dẫn triển khai dịch vụ công trực tuyến về môi trường, bảo đảm tính đồng bộ, kết nối, liên thông theo quy định của pháp luật.

Mục 3. BÁO CÁO MÔI TRƯỜNG

Điều 117. Chỉ tiêu thống kê về môi trường

1. Chỉ tiêu thống kê về môi trường là một bộ phận của hệ thống chỉ tiêu thống kê Việt Nam, nhằm đo lường, đánh giá hoạt động bảo vệ môi trường để hướng tới phát triển bền vững, phù hợp với hệ thống chỉ tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

2. Chỉ tiêu thống kê về môi trường bao gồm chỉ tiêu thống kê môi trường quốc gia và chỉ tiêu thống kê môi trường của ngành tài nguyên và môi trường, được thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về thống kê.

3. Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức công tác thống kê chỉ tiêu môi trường thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý; hằng năm báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường các chỉ tiêu thống kê về môi trường.

4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác thống kê về môi trường; ban hành bộ chỉ tiêu thống kê về môi trường của ngành tài nguyên và môi trường.

Điều 118. Báo cáo công tác bảo vệ môi trường

1. Hằng năm, việc báo cáo công tác bảo vệ môi trường của năm trước đó được thực hiện theo quy định sau đây:

a) Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước ngày 31 tháng 01;

b) Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước ngày 31 tháng 01;

c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15 tháng 02;

d) Bộ, cơ quan ngang Bộ gửi báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường của Bộ, cơ quan ngang Bộ đến Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15 tháng 02;

đ) Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng báo cáo về công tác bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp đầu tiên trong năm của Quốc hội.

2. Nội dung chính của báo cáo công tác bảo vệ môi trường bao gồm:

a) Hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường đất, nước, không khí; di sản thiên nhiên và đa dạng sinh học;

b) Bối cảnh chung kinh tế - xã hội và các tác động đến môi trường;

c) Kết quả hoạt động bảo vệ môi trường gồm kiểm soát nguồn ô nhiễm; quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại; quản lý chất lượng môi trường đất, nước, không khí; xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, đa dạng sinh học;

d) Hệ thống quan trắc và cảnh báo về môi trường;

đ) Xây dựng chính sách, pháp luật, giải quyết thủ tục hành chính, giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo về môi trường;

e) Điều kiện và nguồn lực về bảo vệ môi trường;

g) Kết quả thực hiện các chỉ tiêu thống kê về môi trường;

h) Đánh giá chung;

i) Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp bảo vệ môi trường thời gian tới.

3. Kỳ báo cáo công tác bảo vệ môi trường tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 của năm báo cáo.

4. Báo cáo công tác bảo vệ môi trường được gửi bằng bản giấy hoặc bản điện tử theo quy định của pháp luật.

5. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc xây dựng báo cáo công tác bảo vệ môi trường; hướng dẫn, tổ chức đánh giá kết quả công tác bảo vệ môi trường của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Điều 119. Báo cáo công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ

1. Chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm lập và gửi báo cáo công tác bảo vệ môi trường đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

2. Báo cáo công tác bảo vệ môi trường bao gồm:

a) Báo cáo công tác bảo vệ môi trường định kỳ hằng năm. Kỳ báo cáo tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 của năm báo cáo;

b) Báo cáo công tác bảo vệ môi trường đột xuất theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Nội dung chính của báo cáo công tác bảo vệ môi trường định kỳ bao gồm:

a) Kết quả hoạt động của các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường đối với chất thải;

b) Kết quả khắc phục các yêu cầu về bảo vệ môi trường của cơ quan thanh tra, kiểm tra và cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có);

c) Kết quả quan trắc và giám sát môi trường định kỳ, quan trắc tự động, liên tục;

d) Công tác quản lý chất thải rắn, quản lý chất thải nguy hại;

đ) Công tác quản lý phế liệu nhập khẩu (nếu có);

e) Hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường (nếu có);

g) Các kết quả, hoạt động, biện pháp bảo vệ môi trường khác.

4. Báo cáo công tác bảo vệ môi trường được gửi bằng bản giấy hoặc bản điện tử theo quy định của pháp luật.

5. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết nội dung, biểu mẫu, hình thức và thời gian gửi báo cáo công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Điều 120. Báo cáo hiện trạng môi trường

1. Báo cáo hiện trạng môi trường gồm báo cáo tổng quan về hiện trạng môi trường và báo cáo chuyên đề về hiện trạng môi trường.

2. Trách nhiệm lập báo cáo hiện trạng môi trường được quy định như sau:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường lập báo cáo tổng quan về hiện trạng môi trường quốc gia 05 năm một lần để phục vụ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; hằng năm, lập báo cáo chuyên đề về hiện trạng môi trường quốc gia;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập báo cáo tổng quan về hiện trạng môi trường của địa phương 05 năm một lần; hằng năm, lập báo cáo chuyên đề về hiện trạng môi trường theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; căn cứ các vấn đề bức xúc về môi trường của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể quyết định lập thêm báo cáo chuyên đề về hiện trạng môi trường trên địa bàn.

3. Nội dung chính của báo cáo hiện trạng môi trường bao gồm:

a) Tổng quan về tự nhiên, kinh tế, xã hội;

b) Các tác động môi trường;

c) Hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường;

d) Các vấn đề bức xúc về môi trường và nguyên nhân;

đ) Tác động của môi trường đối với kinh tế, xã hội;

e) Kết quả thực hiện chính sách, pháp luật và các hoạt động bảo vệ môi trường; hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường;

g) Dự báo thách thức về môi trường;

h) Phương hướng và giải pháp bảo vệ môi trường.

4. Hình thức báo cáo hiện trạng môi trường được quy định như sau:

a) Báo cáo tổng quan về hiện trạng môi trường quốc gia được trình Quốc hội tại kỳ họp trước kỳ họp cuối năm của năm cuối cùng của nhiệm kỳ; báo cáo tổng quan về hiện trạng môi trường cấp tỉnh được trình Hội đồng nhân dân cùng cấp tại kỳ họp thường lệ cuối năm của năm cuối cùng của nhiệm kỳ;

b) Báo cáo chuyên đề về hiện trạng môi trường quốc gia được công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường trước kỳ họp Quốc hội đầu tiên của năm tiếp theo; báo cáo chuyên đề về hiện trạng môi trường địa phương được công bố trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước kỳ họp thường lệ đầu tiên của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh của năm tiếp theo.

5. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc lập báo cáo hiện trạng môi trường; hướng dẫn việc triển khai thực hiện, lập báo cáo hiện trạng môi trường của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Luật Bảo vệ môi trường 2020

  • Số hiệu: 72/2020/QH14
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 17/11/2020
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Thị Kim Ngân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1185 đến số 1186
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH