Hệ thống pháp luật

Mục 3 Chương 5 Luật Bảo vệ môi trường 2020

Mục 3. BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG MỘT SỐ LĨNH VỰC

Điều 61. Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón trong sản xuất nông nghiệp phải thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y có độc tính cao, bền vững, lan truyền, tích tụ trong môi trường, tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người phải được đăng ký, kiểm kê, kiểm soát, quản lý thông tin, đánh giá, quản lý rủi ro và xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Phân bón, sản phẩm xử lý môi trường chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản đã hết hạn sử dụng phải được quản lý theo quy định của pháp luật có liên quan. Bao bì đựng phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi sau khi sử dụng, bùn đất và thức ăn lắng đọng khi làm vệ sinh trong ao nuôi thủy sản phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải. Bùn nạo vét từ kênh, mương, công trình thủy lợi phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế và quản lý theo quy định của pháp luật. Xác vật nuôi bị chết do dịch bệnh phải được thu gom, xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại và vệ sinh phòng bệnh.

4. Phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom để sản xuất ra sản phẩm hàng hóa, sử dụng làm nguyên liệu, nhiên liệu, sản xuất phân bón, sản xuất năng lượng hoặc phải được xử lý theo quy định; không đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng gây ô nhiễm môi trường.

5. Việc sử dụng chất thải từ hoạt động chăn nuôi để làm phân bón hữu cơ, nước tưới cây hoặc mục đích khác phải thực hiện theo quy định của Chính phủ.

6. Nhà nước có chính sách khuyến khích đổi mới mô hình, phương pháp sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, tiết kiệm nước, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học và sản phẩm xử lý môi trường trong nông nghiệp; phát triển mô hình nông nghiệp thân thiện môi trường.

7. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức quản lý bùn nạo vét từ kênh, mương và công trình thủy lợi đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Điều 62. Bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế và kiểm soát tác động của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe con người

1. Bệnh viện, cơ sở y tế khác phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường bao gồm:

a) Thu gom, xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi xả ra môi trường;

b) Phân loại chất thải rắn tại nguồn; thực hiện thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Trường hợp chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn thông thường lẫn vào chất thải y tế lây nhiễm thì phải quản lý như đối với chất thải y tế lây nhiễm;

c) Ưu tiên lựa chọn công nghệ không đốt, thân thiện môi trường và đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trong xử lý chất thải y tế lây nhiễm;

d) Khuyến khích việc khử khuẩn chất thải y tế lây nhiễm để loại bỏ mầm bệnh có nguy cơ lây nhiễm trước khi chuyển về nơi xử lý tập trung;

đ) Có kế hoạch, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do chất thải y tế gây ra;

e) Xử lý khí thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;

g) Xây dựng, vận hành công trình vệ sinh, hệ thống thu gom, lưu giữ và xử lý chất thải theo quy định.

2. Cơ sở y tế sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ phải đáp ứng yêu cầu của pháp luật về năng lượng nguyên tử.

3. Chất ô nhiễm tác động trực tiếp đến sức khỏe con người phải được quản lý như sau:

a) Nhận diện, đánh giá, cảnh báo, phòng ngừa và kiểm soát chất ô nhiễm có khả năng tác động đến sức khỏe con người; các vấn đề về bệnh tật và sức khỏe con người có liên quan trực tiếp đến chất ô nhiễm;

b) Kiểm soát và xử lý từ nguồn phát sinh đối với chất ô nhiễm có tác động đến sức khỏe con người và vấn đề về bệnh tật được xác định có nguyên nhân trực tiếp từ chất ô nhiễm;

c) Quản lý, chia sẻ, công bố thông tin về chất ô nhiễm có tác động trực tiếp đến sức khỏe con người.

4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết việc vận chuyển, xử lý chất thải y tế.

5. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết việc phân loại, thu gom, lưu giữ, quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế; xác định, đánh giá, cảnh báo, theo dõi và phát hiện triệu chứng, nguyên nhân của bệnh tật và các vấn đề về sức khỏe con người có liên quan trực tiếp đến các chất ô nhiễm; xác định và công bố về giới hạn của các chất ô nhiễm trong cơ thể con người có nguy cơ tác động đến sức khỏe con người; quản lý, thống kê, chia sẻ, công bố thông tin về các vấn đề bệnh tật liên quan đến các chất ô nhiễm; đánh giá chi phí và thiệt hại kinh tế do bệnh tật, các vấn đề về sức khỏe liên quan đến ô nhiễm môi trường; xây dựng, hướng dẫn, tổ chức triển khai biện pháp giám sát, dự phòng bệnh tật, các vấn đề về sức khỏe con người do các chất ô nhiễm gây ra; quản lý, chia sẻ, trao đổi, công bố thông tin về các chất ô nhiễm có tác động đến sức khỏe con người.

6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định về việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế phù hợp với điều kiện của địa phương; chịu trách nhiệm thực hiện quản lý các chất ô nhiễm liên quan đến các vấn đề về bệnh tật và sức khỏe con người trên địa bàn.

Điều 63. Bảo vệ môi trường trong mai táng, hỏa táng

1. Khu mai táng, hỏa táng phải phù hợp với quy hoạch; có vị trí, khoảng cách đáp ứng yêu cầu về vệ sinh môi trường, cảnh quan khu dân cư, không gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường xung quanh.

Chính phủ quy định việc bảo vệ môi trường trong hoạt động mai táng, hỏa táng phù hợp đặc điểm phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo.

2. Việc quàn, ướp, di chuyển, chôn cất thi thể, hài cốt phải bảo đảm yêu cầu về vệ sinh môi trường.

3. Tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ mai táng, hỏa táng phải chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

4. Nhà nước khuyến khích việc hỏa táng, mai táng hợp vệ sinh, trong khu nghĩa trang theo quy hoạch; xóa bỏ hủ tục trong mai táng, hỏa táng gây ô nhiễm môi trường.

5. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc mai táng, hỏa táng người chết do dịch bệnh nguy hiểm.

Điều 64. Bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng

1. Quy hoạch xây dựng phải bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

2. Việc quy hoạch khu đô thị, khu dân cư tập trung phải hướng tới phát triển khu đô thị sinh thái, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, bảo đảm tỷ lệ diện tích cây xanh, mặt nước, cảnh quan theo quy định của pháp luật.

3. Nhà nước khuyến khích việc tái sử dụng chất thải từ hoạt động xây dựng, sử dụng vật liệu không nung và vật liệu thân thiện môi trường trong xây dựng.

4. Khi cấp giấy phép xây dựng, thẩm định thiết kế xây dựng của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về xây dựng phải bảo đảm các công trình, hạng mục công trình, thiết bị xử lý chất thải, công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

5. Việc thi công xây dựng, cải tạo, sửa chữa, phá dỡ công trình xây dựng phải bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau đây:

a) Có biện pháp không phát tán bụi, nhiệt, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

b) Việc vận chuyển vật liệu, chất thải trong hoạt động xây dựng phải được thực hiện bằng phương tiện phù hợp, bảo đảm không làm rò rỉ, rơi vãi, gây ô nhiễm môi trường;

c) Nước thải phải được thu gom, xử lý, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;

d) Chất thải rắn, phế liệu còn giá trị sử dụng được tái chế, tái sử dụng theo quy định; đất, đá, chất thải rắn từ hoạt động xây dựng được tái sử dụng làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng theo quy định;

đ) Đất, bùn thải từ hoạt động đào đất, nạo vét lớp đất mặt, đào móng cọc được sử dụng để bồi đắp cho đất trồng cây hoặc các khu vực đất phù hợp;

e) Bùn thải phát sinh từ bể phốt, hầm cầu phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường;

g) Chất thải rắn và các loại chất thải khác phải được thu gom, lưu giữ, vận chuyển đến nơi xử lý theo quy định về quản lý chất thải.

6. Chất thải từ hoạt động cải tạo, phá dỡ công trình xây dựng của hộ gia đình, cá nhân tại đô thị phải được thu gom và chuyển giao cho cơ sở có chức năng xử lý theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trừ trường hợp thực hiện theo quy định tại điểm d và điểm đ khoản 5 Điều này.

7. Chất thải từ hoạt động cải tạo hoặc phá dỡ công trình xây dựng của hộ gia đình, cá nhân tại vùng nông thôn chưa có hệ thống thu gom, xử lý chất thải phải được tái sử dụng hoặc đổ thải theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; không được đổ chất thải ra đường, sông ngòi, suối, kênh rạch và nguồn nước mặt khác làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường.

8. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn xây dựng và quy hoạch địa điểm đổ chất thải từ hoạt động xây dựng; bùn thải từ bể phốt, hầm cầu và bùn thải từ hệ thống thoát nước.

9. Bộ trưởng Bộ Xây dựng có trách nhiệm xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về thiết kế hệ thống thu gom chất thải rắn phù hợp với việc phân loại chất thải rắn tại nguồn của khu trung tâm thương mại kết hợp với căn hộ; chung cư kết hợp với văn phòng; tổ hợp công trình cao tầng có chức năng hỗn hợp.

Điều 65. Bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải

1. Phương tiện giao thông vận tải phải được cơ quan đăng kiểm kiểm định, xác nhận đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, chất thải phải được che chắn, không để rơi vãi gây ô nhiễm môi trường khi tham gia giao thông.

3. Tổ chức, cá nhân vận chuyển hàng nguy hiểm phải bảo đảm đáp ứng đủ điều kiện, năng lực về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

4. Việc vận chuyển hàng hóa, vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố môi trường phải được thực hiện bằng thiết bị, phương tiện chuyên dụng, bảo đảm không rò rỉ, phát tán ra môi trường.

5. Việc xây dựng công trình giao thông phải có giải pháp hạn chế, giảm thiểu các tác động đến địa hình, cảnh quan, địa chất, di sản thiên nhiên.

6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định khu vực, địa điểm đổ thải, nhận chìm đối với vật chất nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy nội địa và đường biển; có giải pháp phân luồng giao thông, kiểm soát ô nhiễm môi trường nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường không khí đối với đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I.

7. Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích phát triển phương tiện giao thông công cộng, phương tiện giao thông sử dụng năng lượng tái tạo, mức tiêu hao nhiên liệu thấp, phát thải thấp hoặc không phát thải; lộ trình chuyển đổi, loại bỏ phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường.

8. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông vận tải theo quy định của pháp luật về giao thông vận tải, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và quy định khác của pháp luật có liên quan; hướng dẫn và tổ chức thực hiện hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa theo quy định.

Điều 66. Bảo vệ môi trường trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch

1. Tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác khu di tích, điểm di tích, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, địa điểm tập luyện, biểu diễn, thi đấu thể dục, thể thao, đơn vị tổ chức lễ hội phải thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 59 của Luật này.

2. Cá nhân đến khu di tích, điểm di tích, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, địa điểm tập luyện, biểu diễn, thi đấu thể dục, thể thao, địa điểm diễn ra lễ hội phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:

a) Tuân thủ quy định, quy chế giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường;

b) Thải bỏ chất thải đúng nơi quy định; hạn chế phát sinh chất thải nhựa;

c) Giữ gìn vệ sinh công cộng;

d) Không xâm hại cảnh quan môi trường và các loài sinh vật.

3. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm sau đây:

a) Tổ chức thực hiện quy định về bảo vệ môi trường đối với cơ sở lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch; phát triển cơ sở lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch thân thiện môi trường;

b) Tổ chức thực hiện quy định về khuyến khích giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.

Điều 67. Bảo vệ môi trường trong hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và hoạt động dầu khí

1. Tổ chức, cá nhân tiến hành thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải có phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và thực hiện các yêu cầu về bảo vệ, cải tạo và phục hồi môi trường sau đây:

a) Thu gom, xử lý nước thải theo quy định;

b) Thu gom, xử lý chất thải rắn theo quy định về quản lý chất thải rắn;

c) Có biện pháp ngăn ngừa, hạn chế việc phát tán bụi, xả khí thải và tác động xấu khác đến môi trường xung quanh;

d) Có phương án cải tạo, phục hồi môi trường và tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật về khoáng sản;

đ) Ký quỹ bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 137 của Luật này.

2. Đối tượng khai thác khoáng sản phải lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường, bao gồm:

a) Dự án đầu tư khai thác khoáng sản;

b) Cơ sở khai thác khoáng sản hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành nhưng chưa có phương án cải tạo, phục hồi môi trường hoặc có thay đổi nội dung cải tạo, phục hồi môi trường so với phương án đã được phê duyệt;

c) Cơ sở khai thác khoáng sản hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành đã được phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường nhưng kinh phí không đủ để thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Nội dung của phương án cải tạo, phục hồi môi trường được quy định như sau:

a) Các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường; phân tích, đánh giá, lựa chọn giải pháp tốt nhất để cải tạo, phục hồi môi trường;

b) Danh mục, khối lượng các hạng mục cải tạo, phục hồi môi trường đối với giải pháp lựa chọn;

c) Kế hoạch thực hiện phân chia theo từng năm, từng giai đoạn cải tạo, phục hồi môi trường; chương trình quan trắc môi trường trong thời gian cải tạo, phục hồi môi trường; kế hoạch kiểm tra, xác nhận hoàn thành phương án;

d) Bảng dự toán kinh phí để tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường cho từng hạng mục cải tạo, phục hồi môi trường; các khoản tiền ký quỹ theo lộ trình.

4. Khoáng sản có tính chất độc hại phải được lưu giữ, vận chuyển bằng phương tiện, thiết bị chuyên dụng, được che chắn bảo đảm không rò rỉ, phát tán ra môi trường.

5. Việc sử dụng máy móc, thiết bị có tác động xấu đến môi trường, hóa chất độc hại trong thăm dò, khai thác, đóng cửa mỏ, chế biến khoáng sản phải được đánh giá tác động môi trường, khai báo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường.

6. Việc thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản khác có chất phóng xạ, chất độc hại, chất nổ phải thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật về an toàn hóa chất, năng lượng nguyên tử và quy định khác của pháp luật có liên quan.

7. Chính phủ quy định chi tiết việc lập, thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; quy định yêu cầu đặc thù về bảo vệ môi trường trong vận hành thử nghiệm, quản lý chất thải, quan trắc môi trường đối với hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển dầu khí và các dịch vụ liên quan trên biển.

8. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành biểu mẫu, hướng dẫn kỹ thuật để thực hiện Điều này.

Điều 68. Bảo vệ môi trường đối với cơ sở nghiên cứu, đào tạo, phòng thí nghiệm

1. Cơ sở nghiên cứu, đào tạo, phòng thí nghiệm phải thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau đây:

a) Thu gom, xử lý nước thải, khí thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;

b) Phân loại chất thải rắn tại nguồn, thu gom và quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải;

c) Xử lý, tiêu hủy mẫu, vật phẩm phân tích thí nghiệm, hóa chất bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

d) Có kế hoạch, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường;

đ) Yêu cầu khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

2. Cơ sở nghiên cứu, đào tạo, phòng thí nghiệm có nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định của pháp luật về năng lượng nguyên tử.

Điều 69. Bảo vệ môi trường trong quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy

1. Yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy được quy định như sau:

a) Không được sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu và sử dụng chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy thuộc Phụ lục A của Công ước Stockholm có hàm lượng vượt giới hạn tối đa cho phép theo quy định của pháp luật, trừ chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy đã được đăng ký miễn trừ theo quy định của Công ước Stockholm;

b) Phải kiểm soát nguồn phát sinh và công bố thông tin, dán nhãn, đánh giá sự phù hợp, kiểm tra đối với chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy theo quy định của pháp luật;

c) Chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy vượt giới hạn tối đa cho phép theo quy định của pháp luật được phép tái chế, tiêu hủy, với điều kiện việc tái chế và tiêu hủy không dẫn đến thu hồi các chất này để tái sử dụng và phải bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường;

d) Chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy vượt giới hạn tối đa cho phép phải được lưu giữ, thu hồi, quản lý và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định, trừ trường hợp đã tái chế, tiêu hủy theo quy định tại điểm c khoản này;

đ) Chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy phải được cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ báo cáo về chủng loại và kết quả tính toán lượng chất ô nhiễm phát thải vào môi trường nước, không khí, đất theo danh mục và chuyển giao xử lý để quản lý thông tin, đánh giá, quản lý rủi ro môi trường theo quy định của pháp luật;

e) Khu vực tồn lưu, ô nhiễm các chất ô nhiễm khó phân hủy phải được đánh giá, xác định, cảnh báo rủi ro và đề xuất biện pháp quản lý an toàn, xử lý và cải tạo, phục hồi môi trường.

2. Trách nhiệm bảo vệ môi trường trong quản lý các chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này; tích hợp thông tin quan trắc các chất ô nhiễm khó phân hủy trong báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia theo quy định của Công ước Stockholm, điều ước quốc tế khác có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và theo quy định của pháp luật;

c) Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với các chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy thuộc lĩnh vực ngành, địa phương mình phụ trách theo quy định của Công ước Stockholm, điều ước quốc tế khác có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và theo quy định của pháp luật;

d) Chính phủ quy định chi tiết về bảo vệ môi trường trong quản lý các chất ô nhiễm khó phân hủy, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy theo quy định của Công ước Stockholm và điều ước quốc tế khác có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 70. Bảo vệ môi trường trong nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh hàng hóa

1. Tổ chức, cá nhân không nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện, nguyên liệu, phế liệu, hàng hóa sau đây:

a) Máy móc, thiết bị, phương tiện đã qua sử dụng để phá dỡ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Máy móc, thiết bị, phương tiện, hàng hóa, nguyên liệu, phế liệu bị nhiễm bẩn phóng xạ, vi trùng gây bệnh, chất độc khác chưa được tẩy rửa hoặc không có khả năng làm sạch.

2. Việc nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Chính phủ quy định đối tượng, điều kiện nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.

3. Hoạt động tạm nhập, tái xuất, quá cảnh hàng hóa có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương.

Điều 71. Bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài

1. Phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường và thuộc Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

2. Tổ chức, cá nhân chỉ được nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất cho cơ sở sản xuất của mình và phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau đây:

a) Có cơ sở sản xuất với công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng, kho, bãi dành riêng cho việc tập kết phế liệu đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; có phương án xử lý tạp chất đi kèm phù hợp với phế liệu nhập khẩu;

b) Có giấy phép môi trường;

c) Ký quỹ bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 137 của Luật này trước thời điểm phế liệu được dỡ xuống cảng đối với trường hợp nhập khẩu qua cửa khẩu đường biển hoặc trước thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam đối với các trường hợp khác;

d) Có văn bản cam kết về việc tái xuất hoặc xử lý phế liệu trong trường hợp phế liệu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

3. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này.

Luật Bảo vệ môi trường 2020

  • Số hiệu: 72/2020/QH14
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 17/11/2020
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Thị Kim Ngân
  • Ngày công báo: 25/12/2020
  • Số công báo: Từ số 1185 đến số 1186
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH