Hệ thống pháp luật

Mục 3 Chương 11 Luật Bảo vệ môi trường 2020

Mục 3. NGUỒN LỰC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 148. Nguồn lực cho bảo vệ môi trường

1. Nhà nước bố trí nguồn lực thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường sau đây:

a) Quản lý chất thải, hỗ trợ xử lý chất thải;

b) Xử lý, cải tạo, phục hồi chất lượng môi trường;

c) Xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường; trang thiết bị để bảo vệ môi trường; quan trắc môi trường;

d) Kiểm tra, thanh tra, giám sát về bảo vệ môi trường;

đ) Bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên; ứng phó với biến đổi khí hậu;

e) Nghiên cứu khoa học, phát triển, chuyển giao công nghệ môi trường;

g) Truyền thông, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; giáo dục môi trường; phổ biến kiến thức, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường;

h) Hoạt động hội nhập quốc tế và hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường;

i) Các hoạt động quản lý nhà nước khác về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

2. Nguồn lực để thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm:

a) Ngân sách nhà nước chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển cho bảo vệ môi trường;

b) Nguồn vốn xã hội hóa cho bảo vệ môi trường.

3. Ngân sách nhà nước có mục chi riêng cho hoạt động bảo vệ môi trường và bố trí tăng dần trong từng giai đoạn, phù hợp với khả năng ngân sách và yêu cầu, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường.

4. Chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm bảo đảm kinh phí cho các hoạt động bảo vệ môi trường sau đây:

a) Đầu tư đổi mới công nghệ xử lý chất thải theo quy định của pháp luật;

b) Đầu tư xây dựng, vận hành công trình bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

c) Thực hiện chương trình quan trắc, giám sát môi trường (nếu có);

d) Thực hiện kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường (nếu có);

đ) Các hoạt động bảo vệ môi trường khác theo quy định của pháp luật.

5. Kinh phí cho hoạt động bảo vệ môi trường quy định tại khoản 4 Điều này phải được thống kê, hạch toán và công khai trên hệ thống kế toán của cơ sở và báo cáo theo quy định của pháp luật.

6. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc thống kê, theo dõi và công bố nguồn lực cho hoạt động bảo vệ môi trường.

7. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Điều 149. Tín dụng xanh

1. Tín dụng xanh là tín dụng được cấp cho dự án đầu tư sau đây:

a) Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên;

b) Ứng phó với biến đổi khí hậu;

c) Quản lý chất thải;

d) Xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường;

đ) Phục hồi hệ sinh thái tự nhiên;

e) Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học;

g) Tạo ra lợi ích khác về môi trường.

2. Hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam đối với dự án đầu tư phải phù hợp với quy định về quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cho vay.

3. Khuyến khích các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam tài trợ, cho vay ưu đãi đối với dự án quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

5. Chính phủ ban hành lộ trình thực hiện và cơ chế khuyến khích cấp tín dụng xanh.

Điều 150. Trái phiếu xanh

1. Trái phiếu xanh là trái phiếu do Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp phát hành theo quy định của pháp luật về trái phiếu để huy động vốn cho hoạt động bảo vệ môi trường, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường.

2. Nguồn tiền thu được từ phát hành trái phiếu xanh phải được hạch toán, theo dõi theo quy định của pháp luật về trái phiếu và sử dụng cho dự án đầu tư thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường bao gồm:

a) Cải tạo, nâng cấp công trình bảo vệ môi trường;

b) Thay đổi công nghệ theo hướng áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất;

c) Áp dụng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát thải ít các-bon;

d) Ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường;

đ) Cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố môi trường;

e) Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên đất, tiết kiệm năng lượng, phát triển nguồn năng lượng tái tạo;

g) Xây dựng hạ tầng đa mục tiêu, thân thiện môi trường;

h) Quản lý hiệu quả nguồn nước và xử lý nước thải;

i) Thích ứng với biến đổi khí hậu, đầu tư phát triển vốn tự nhiên;

k) Dự án đầu tư khác theo quy định.

3. Chủ thể phát hành trái phiếu xanh phải cung cấp thông tin về đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường của dự án đầu tư và sử dụng nguồn vốn huy động từ phát hành trái phiếu xanh cho nhà đầu tư.

4. Chủ thể phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu xanh được hưởng các ưu đãi theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 151. Quỹ bảo vệ môi trường

1. Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh là tổ chức tài chính nhà nước, được thành lập ở trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để cho vay ưu đãi, nhận ký quỹ, tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tài chính đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường.Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thành lập quỹ bảo vệ môi trường.

2. Thẩm quyền thành lập quỹ bảo vệ môi trường được quy định như sau:

a) Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh;

c) Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thành lập quỹ bảo vệ môi trường và hoạt động theo quy định của pháp luật.

3. Chính phủ quy định nguồn vốn hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh.

Điều 152. Nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ứng dụng chuyển giao công nghệ về bảo vệ môi trường

1. Tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ứng dụng chuyển giao công nghệ về bảo vệ môi trường được hưởng ưu đãi và hỗ trợ của Nhà nước.

2. Hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ứng dụng chuyển giao công nghệ về bảo vệ môi trường được Nhà nước ưu đãi và hỗ trợ bao gồm:

a) Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và thân thiện môi trường;

b) Tái sử dụng, tái chế chất thải, xử lý chất thải, cải tạo và phục hồi môi trường;

c) Kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; quan trắc, dự báo các biến đổi môi trường;

d) Nghiên cứu xây dựng các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Luật Bảo vệ môi trường 2020

  • Số hiệu: 72/2020/QH14
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 17/11/2020
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Thị Kim Ngân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1185 đến số 1186
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH