Hệ thống pháp luật

Chương 14 Luật Bảo vệ môi trường 2020

Chương XIV

KIỂM TRA, THANH TRA, KIỂM TOÁN, XỬ LÝ VI PHẠM, TRANH CHẤP, KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VỀ MÔI TRƯỜNG

Điều 160. Kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường, kiểm toán trong lĩnh vực môi trường

1. Trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo thực hiện kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường được quy định như sau:

a) Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước;

b) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tổ chức kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường đối với dự án đầu tư, cơ sở thuộc bí mật nhà nước về quốc phòng;

c) Bộ trưởng Bộ Công an tổ chức kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường đối với dự án đầu tư, cơ sở thuộc bí mật nhà nước về an ninh; chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường;

d) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường trên địa bàn; chỉ đạo việc tham gia phối hợp kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường đối với các trường hợp quy định tại điểm a khoản này hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

đ) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường trên địa bàn; chỉ đạo việc tham gia phối hợp kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường đối với các trường hợp quy định tại điểm d khoản này hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

e) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình, cá nhân và đối tượng thuộc thẩm quyền tiếp nhận đăng ký môi trường trên địa bàn; chỉ đạo việc tham gia phối hợp kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường đối với các trường hợp quy định tại điểm đ khoản này hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

2. Thẩm quyền, tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành về bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra và các quy định đặc thù trong lĩnh vực bảo vệ môi trường như sau:

a) Thanh tra thường xuyên được tiến hành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành;

b) Thanh tra đột xuất được tiến hành theo quy định khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng hoặc do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao. Việc thanh tra đột xuất không được công bố trước trong trường hợp cần thiết;

c) Trừ trường hợp thanh tra đột xuất theo quy định tại Luật này, số lần thanh tra về bảo vệ môi trường không quá một lần trong một năm đối với một tổ chức, cá nhân;

d) Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường các cấp có trách nhiệm chuyển hồ sơ trường hợp có dấu hiệu tội phạm về môi trường cho cơ quan có thẩm quyền để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; phối hợp với lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu.

3. Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường là hoạt động kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với tổ chức, cá nhân, trừ trường hợp kiểm tra để giải quyết các thủ tục hành chính quy định tại Luật này, được thực hiện như sau:

a) Việc kiểm tra đột xuất không báo trước của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường được thực hiện khi có căn cứ cho rằng tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định;

b) Lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường tiến hành kiểm tra đối với tổ chức, cá nhân khi có dấu hiệu hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm môi trường; khi có tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có tin báo, phản ánh về vi phạm pháp luật liên quan đến tội phạm môi trường và thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cùng cấp để phối hợp; phối hợp kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong các trường hợp khác đối với tổ chức, cá nhân theo kế hoạch được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt. Hằng năm, gửi văn bản thông báo kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cùng cấp để tổng hợp, theo dõi.

4. Hoạt động kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường bảo đảm không chồng chéo, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bình thường của tổ chức, cá nhân; có sự phối hợp của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường và các cơ quan khác có liên quan.

5. Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán trong lĩnh vực môi trường theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.

6. Chính phủ quy định chi tiết các khoản 2, 3 và 4 Điều này.

Điều 161. Xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức và cá nhân phải có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại và bị xử lý theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây phiền hà, nhũng nhiễu cho tổ chức, cá nhân, bao che cho tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 162. Tranh chấp về môi trường

1. Nội dung tranh chấp về môi trường bao gồm:

a) Tranh chấp về quyền, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong khai thác, sử dụng thành phần môi trường;

b) Tranh chấp về xác định nguyên nhân gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường;

c) Tranh chấp về trách nhiệm xử lý, khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại về môi trường.

2. Việc giải quyết tranh chấp về môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự, quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Giải quyết tranh chấp bồi thường thiệt hại về môi trường được thực hiện theo Điều 133 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Thời điểm để tính thời hiệu khởi kiện về môi trường là ngày tổ chức, cá nhân bị thiệt hại có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về môi trường của tổ chức, cá nhân khác.

4. Tranh chấp về môi trường trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà một hoặc các bên là tổ chức, cá nhân nước ngoài được giải quyết theo pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Điều 163. Khiếu nại, tố cáo về môi trường

1. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại về hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

2. Cá nhân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường với cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố cáo.

Luật Bảo vệ môi trường 2020

  • Số hiệu: 72/2020/QH14
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 17/11/2020
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Thị Kim Ngân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1185 đến số 1186
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH