Hệ thống pháp luật

Chương 12 Luật Bảo vệ môi trường 2020

Chương XII

HỘI NHẬP VÀ HỢP TÁC QUỐC TẾ VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 155. Nguyên tắc hội nhập và hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường

1. Hội nhập và hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường được thực hiện trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tăng cường sức mạnh tổng hợp và nâng cao vị thế, uy tín của quốc gia, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tuân thủ pháp luật của mỗi bên, pháp luật quốc tế và cam kết trong các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế có liên quan đến môi trường.

2. Điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế có lợi cho việc bảo vệ môi trường của quốc gia, khu vực và toàn cầu, phù hợp với lợi ích và năng lực của Việt Nam được ưu tiên xem xét để ký kết.

3. Tranh chấp quốc tế liên quan đến môi trường được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, theo thông lệ, pháp luật quốc tế và pháp luật của các bên liên quan.

Điều 156. Trách nhiệm trong hội nhập và hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường

1. Nhà nước khuyến khích việc chủ động hội nhập quốc tế về bảo vệ môi trường, tập trung cho các lĩnh vực quản lý và bảo vệ các thành phần môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm về nguồn lực và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết trong điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế có liên quan đến môi trường, đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế, hỗ trợ cho hội nhập quốc tế về kinh tế.

2. Nhà nước khuyến khích đầu tư, hợp tác và hỗ trợ quốc tế cho công tác quản lý nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực, chia sẻ thông tin và dữ liệu môi trường, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ tiên tiến, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và các hoạt động khác về bảo vệ môi trường; ứng phó, giải quyết sự cố môi trường và các vấn đề liên quan đến môi trường ở phạm vi quốc gia, khu vực, toàn cầu và xuyên biên giới.

3. Tổ chức, cá nhân chủ động thực hiện các yêu cầu, điều kiện và tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến môi trường được quốc tế công nhận và áp dụng rộng rãi để nâng cao năng lực cạnh tranh trong thương mại quốc tế; phòng ngừa và hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối tổng hợp các hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường. Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện hội nhập và hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường trong phạm vi quản lý.

Luật Bảo vệ môi trường 2020

  • Số hiệu: 72/2020/QH14
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 17/11/2020
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Thị Kim Ngân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1185 đến số 1186
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH