Hệ thống pháp luật

Chương 10 Luật Bảo vệ môi trường 2020

Chương X PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG VÀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VỀ MÔI TRƯỜNG

Mục 1. PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG

Điều 121. Quy định chung về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường

1. Việc phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường phải tuân thủ quy trình, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, môi trường.

2. Ứng phó sự cố môi trường thực hiện theo phương châm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ.

3. Tổ chức, cá nhân gây ra sự cố môi trường có trách nhiệm ứng phó sự cố môi trường, chi trả chi phí ứng phó sự cố môi trường.

4. Sự cố môi trường xảy ra ở cơ sở, địa phương nào thì người đứng đầu cơ sở, địa phương đó có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức ứng phó sự cố môi trường. Ứng phó sự cố môi trường phải theo sự phân công, phân cấp, chỉ huy thống nhất và phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, phương tiện, thiết bị tham gia hoạt động ứng phó sự cố môi trường.

5. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đầu tư cung cấp dịch vụ ứng phó sự cố môi trường.

6. Việc phòng ngừa sự cố môi trường do rò rỉ, tràn đổ, phát tán chất thải (sau đây gọi chung là sự cố chất thải) được thực hiện theo quy định của Luật này. Việc phòng ngừa sự cố môi trường do hóa chất, phóng xạ, dầu tràn, dịch bệnh và do nguyên nhân khác được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

7. Chính phủ quy định chi tiết việc phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.

Điều 122. Trách nhiệm phòng ngừa sự cố môi trường

1. Chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm thực hiện các nội dung sau đây:

a) Thực hiện yêu cầu về kế hoạch, biện pháp, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo quy định của pháp luật;

b) Thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên, áp dụng phương án, biện pháp quản lý, kỹ thuật nhằm loại trừ, giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố môi trường.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:

a) Điều tra, thống kê, đánh giá nguy cơ sự cố môi trường có thể xảy ra trên địa bàn;

b) Xây dựng cơ sở dữ liệu và lập, công khai thông tin về các nguồn có nguy cơ gây ra sự cố môi trường trên địa bàn theo quy định của pháp luật;

c) Xây dựng và chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã xây dựng năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường trên địa bàn.

3. Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm phòng ngừa sự cố môi trường theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 127 của Luật này.

Điều 123. Phân cấp sự cố môi trường và các giai đoạn ứng phó sự cố môi trường

1. Việc phân cấp sự cố môi trường được căn cứ vào phạm vi ô nhiễm, suy thoái môi trường tại thời điểm phát hiện sự cố để xác định cơ quan có trách nhiệm chỉ đạo ứng phó, bao gồm các cấp sau đây:

a) Sự cố môi trường cấp cơ sở là sự cố môi trường có phạm vi ô nhiễm, suy thoái môi trường trong cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;

b) Sự cố môi trường cấp huyện là sự cố môi trường vượt quá phạm vi sự cố cấp cơ sở và có phạm vi ô nhiễm, suy thoái môi trường trong địa bàn của một đơn vị hành chính cấp huyện;

c) Sự cố môi trường cấp tỉnh là sự cố môi trường vượt quá phạm vi sự cố môi trường cấp huyện và có phạm vi ô nhiễm, suy thoái môi trường trong địa bàn của một đơn vị hành chính cấp tỉnh;

d) Sự cố môi trường cấp quốc gia là sự cố môi trường có phạm vi ô nhiễm, suy thoái môi trường trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên hoặc có phạm vi ô nhiễm, suy thoái môi trường xuyên quốc gia.

2. Ứng phó sự cố môi trường gồm các giai đoạn sau đây:

a) Chuẩn bị ứng phó sự cố môi trường;

b) Tổ chức ứng phó sự cố môi trường;

c) Phục hồi môi trường sau sự cố môi trường.

Điều 124. Chuẩn bị ứng phó sự cố môi trường

1. Người có trách nhiệm chỉ đạo ứng phó sự cố môi trường quy định tại khoản 4 Điều 125 của Luật này có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng, phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố môi trường thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình; chỉ đạo tổ chức diễn tập ứng phó sự cố môi trường theo kế hoạch ứng phó sự cố môi trường do mình phê duyệt.

2. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn, xây dựng lực lượng và bố trí nguồn lực, trang thiết bị ứng phó sự cố môi trường cho Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn; Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, cấp huyện.

3. Chủ dự án đầu tư, cơ sở phải có công trình, trang thiết bị, phương tiện ứng phó sự cố môi trường theo quy định của pháp luật; xây dựng, huấn luyện lực lượng tại chỗ cho ứng phó sự cố môi trường.

4. Việc ban hành, thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố môi trường được quy định như sau:

a) Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn ban hành và thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia; kiểm tra việc thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố môi trường do Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh ban hành;

b) Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh ban hành và thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố môi trường cấp tỉnh; kiểm tra việc thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố môi trường do Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện ban hành;

c) Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện ban hành và thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố môi trường cấp huyện;

d) Chủ dự án đầu tư, cơ sở ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố môi trường của cơ sở mình.

5. Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường phải có kịch bản sự cố để có phương án ứng phó tương ứng và phải được công khai theo quy định của pháp luật.

6. Việc lồng ghép, tích hợp kế hoạch ứng phó sự cố môi trường được quy định như sau:

a) Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường quy định tại các điểm a, b và c khoản 4 Điều này có thể được lồng ghép, tích hợp với các kế hoạch phòng thủ dân sự hoặc kế hoạch ứng phó sự cố khác;

b) Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường quy định tại điểm d khoản 4 Điều này được lồng ghép, tích hợp và phê duyệt cùng kế hoạch ứng phó sự cố khác.

7. Tổ chức diễn tập ứng phó sự cố môi trường được quy định như sau:

a) Diễn tập ứng phó sự cố môi trường cấp cơ sở được thực hiện ít nhất 02 năm một lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Diễn tập ứng phó sự cố môi trường cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia được thực hiện theo kế hoạch ứng phó sự cố môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

c) Diễn tập ứng phó sự cố môi trường phải có sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, lực lượng có liên quan, đại diện đầu mối liên lạc của cộng đồng dân cư, các cơ sở xung quanh có khả năng bị ảnh hưởng do sự cố gây ra.

Điều 125. Tổ chức ứng phó sự cố môi trường

1. Thông tin về sự cố môi trường phải được thông báo kịp thời đến Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự cố.

2. Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự cố trực tiếp xác minh, tổ chức ứng phó sự cố kịp thời và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện để công bố sự cố môi trường hoặc thông báo cấp có thẩm quyền để tổ chức ứng phó theo phân cấp quy định tại khoản 1 Điều 123 của Luật này.

3. Ứng phó sự cố môi trường bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Xác định nguyên nhân sự cố môi trường; loại, số lượng, khối lượng chất ô nhiễm bị phát tán, thải ra môi trường;

b) Đánh giá sơ bộ về phạm vi, đối tượng và mức độ tác động đối với môi trường đất, nước, không khí, con người và sinh vật;

c) Thực hiện các biện pháp cô lập, giới hạn phạm vi, đối tượng và mức độ tác động; thực hiện khẩn cấp các biện pháp bảo đảm an toàn cho con người, tài sản, sinh vật và môi trường;

d) Thu hồi, xử lý, loại bỏ chất ô nhiễm hoặc nguyên nhân gây ô nhiễm;

đ) Thông báo, cung cấp thông tin về sự cố môi trường cho cộng đồng để phòng, tránh các tác động xấu từ sự cố môi trường.

4. Trách nhiệm ứng phó sự cố môi trường được quy định như sau:

a) Chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm tổ chức ứng phó sự cố môi trường trong phạm vi cơ sở; trường hợp vượt quá khả năng ứng phó, phải kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự cố và Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện để phối hợp ứng phó;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện chỉ đạo ứng phó sự cố, huy động lực lượng, thiết bị, phương tiện ứng phó sự cố, chỉ định người chỉ huy và người phát ngôn về sự cố môi trường cấp huyện xảy ra trên địa bàn;

c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh chỉ đạo ứng phó sự cố, huy động lực lượng, thiết bị, phương tiện ứng phó sự cố, chỉ định người chỉ huy và người phát ngôn về sự cố môi trường cấp tỉnh xảy ra trên địa bàn;

d) Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn chỉ đạo ứng phó sự cố, huy động lực lượng, thiết bị, phương tiện ứng phó sự cố, chỉ định người chỉ huy và người phát ngôn về sự cố môi trường cấp quốc gia.

5. Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó, người có thẩm quyền chỉ đạo ứng phó sự cố môi trường phải báo cáo cấp trên trực tiếp. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ ứng phó sự cố môi trường khi được yêu cầu.

6. Trường hợp phạm vi ô nhiễm, suy thoái môi trường của sự cố môi trường vượt ra ngoài phạm vi cơ sở, đơn vị hành chính thì người có thẩm quyền chỉ đạo ứng phó sự cố môi trường phải báo cáo cấp trên trực tiếp để chỉ đạo ứng phó sự cố.

7. Người có trách nhiệm chỉ đạo ứng phó sự cố môi trường quy định tại khoản 4 Điều này quyết định thành lập sở chỉ huy ứng phó sự cố môi trường và tổ công tác xác định nguyên nhân sự cố môi trường trong trường hợp cần thiết.

8. Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các cấp đánh giá phạm vi, đối tượng, mức độ tác động của sự cố môi trường đến sức khỏe con người và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tác động.

Điều 126. Phục hồi môi trường sau sự cố môi trường

1. Chủ dự án đầu tư, cơ sở gây ra sự cố môi trường phải thực hiện phục hồi môi trường sau sự cố môi trường trong phạm vi cơ sở. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự cố môi trường có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động phục hồi môi trường.

2. Việc phục hồi môi trường sau sự cố môi trường cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia được thực hiện như sau:

a) Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng môi trường, xây dựng, phê duyệt và chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch phục hồi môi trường đối với sự cố môi trường cấp huyện; trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày công bố kết thúc giai đoạn tổ chức ứng phó sự cố môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện phải phê duyệt kế hoạch phục hồi môi trường;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng môi trường, xây dựng, phê duyệt và chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch phục hồi môi trường đối với sự cố môi trường cấp tỉnh; trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày công bố kết thúc giai đoạn tổ chức ứng phó sự cố môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải phê duyệt kế hoạch phục hồi môi trường;

c) Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng môi trường, xây dựng, phê duyệt và chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch phục hồi môi trường đối với sự cố môi trường cấp quốc gia; trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công bố kết thúc giai đoạn tổ chức ứng phó sự cố môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải phê duyệt kế hoạch phục hồi môi trường.

3. Nội dung kế hoạch phục hồi môi trường bao gồm:

a) Mô tả, đánh giá hiện trạng môi trường sau sự cố gồm mức độ, phạm vi, tính chất ô nhiễm môi trường của từng khu vực; hiện trạng môi trường, mặt bằng, hệ sinh thái trước khi có sự cố môi trường (nếu có); yêu cầu xử lý môi trường theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng môi trường xung quanh, khôi phục mặt bằng, phục hồi một số đặc điểm chính của hệ sinh thái;

b) Các giải pháp phục hồi môi trường; phân tích, đánh giá, lựa chọn giải pháp tốt nhất để cải tạo, phục hồi môi trường;

c) Danh mục, khối lượng các hạng mục phục hồi môi trường đối với giải pháp lựa chọn;

d) Kế hoạch thực hiện; phân chia kế hoạch thực hiện theo từng giai đoạn phục hồi môi trường; chương trình quản lý, quan trắc, giám sát trong thời gian phục hồi môi trường; kế hoạch nghiệm thu kết quả phục hồi môi trường.

4. Việc kiểm tra, giám sát, nghiệm thu hoàn thành kế hoạch phục hồi môi trường quy định tại khoản 2 Điều này được thực hiện như sau:

a) Trường hợp tổ chức, cá nhân gây ra sự cố môi trường tự mình thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt; cơ quan phê duyệt kế hoạch có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc phục hồi môi trường theo kế hoạch đã được phê duyệt;

b) Trường hợp cơ quan phê duyệt kế hoạch tổ chức thực hiện kế hoạch thì tổ chức, cá nhân gây ra sự cố có quyền tham gia giám sát, thẩm định, kiểm tra, nghiệm thu hoàn thành việc phục hồi môi trường.

5. Việc phục hồi môi trường sau sự cố môi trường phải bảo đảm đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng môi trường xung quanh.

6. Cơ quan phê duyệt kế hoạch phục hồi môi trường có trách nhiệm công bố kết thúc giai đoạn phục hồi môi trường cho cộng đồng dân cư, cơ quan báo chí, truyền thông.

7. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết Điều này.

Điều 127. Trách nhiệm về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường của Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan chuyên môn các cấp

1. Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm sau đây:

a) Hướng dẫn, kiểm tra và xây dựng năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường thuộc ngành, lĩnh vực quản lý; các hoạt động chuẩn bị ứng phó sự cố môi trường, tổ chức ứng phó sự cố môi trường thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật;

b) Hướng dẫn nội dung kế hoạch ứng phó sự cố môi trường thuộc phạm vi quản lý nhà nước; quy trình, kỹ thuật ứng phó sự cố môi trường, kịch bản sự cố môi trường thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật;

c) Xây dựng, đề nghị Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn ban hành kế hoạch ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia thuộc phạm vi quản lý;

d) Tham gia ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia thuộc phạm vi quản lý theo phân công của Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn.

2. Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cùng cấp xây dựng, ban hành kế hoạch ứng phó sự cố môi trường; hướng dẫn thực hiện hoạt động chuẩn bị, tổ chức ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm sau đây:

a) Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế ứng phó sự cố chất thải; hướng dẫn kỹ thuật về phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải;

b) Tham gia tổ chức ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia theo phân công của Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn;

c) Chỉ đạo tổ chức thực hiện phục hồi môi trường sau sự cố môi trường cấp quốc gia; hướng dẫn kỹ thuật phục hồi môi trường sau sự cố môi trường.

4. Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm tham mưu Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện phục hồi môi trường sau sự cố môi trường trên địa bàn.

Điều 128. Tài chính cho ứng phó sự cố môi trường

1. Tổ chức, cá nhân gây ra sự cố môi trường có trách nhiệm chi trả kịp thời, toàn bộ các chi phí tổ chức ứng phó sự cố môi trường, phục hồi môi trường; trường hợp Nhà nước tổ chức ứng phó sự cố môi trường và phục hồi môi trường thì tổ chức, cá nhân gây ra sự cố môi trường có trách nhiệm thanh toán chi phí tổ chức ứng phó sự cố môi trường, phục hồi môi trường cho Nhà nước theo quy định của pháp luật.

2. Sự cố môi trường không xác định được nguyên nhân hoặc không xác định được tổ chức, cá nhân gây ra sự cố môi trường thì chi phí tổ chức ứng phó sự cố môi trường và phục hồi môi trường do Nhà nước chi trả.

3. Nguồn kinh phí tổ chức ứng phó sự cố môi trường và phục hồi môi trường quy định tại khoản 2 Điều này được bố trí từ ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

4. Nhân công, vật tư, phương tiện được sử dụng, huy động để ứng phó sự cố môi trường được bồi hoàn và thanh toán theo quy định của pháp luật.

Điều 129. Công khai thông tin và sự tham gia của cộng đồng dân cư trong phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường

1. Tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có khả năng bị ảnh hưởng từ sự cố môi trường phải được thông báo về nguy cơ sự cố và biện pháp ứng phó sự cố môi trường của các cơ sở xung quanh; được thông tin, tham gia và giám sát hoạt động ứng phó sự cố môi trường.

2. Chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã về nguy cơ sự cố môi trường và biện pháp ứng phó sự cố môi trường để thông tin cho tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư xung quanh.

3. Thời điểm bắt đầu và kết thúc giai đoạn tổ chức ứng phó sự cố môi trường và giai đoạn phục hồi môi trường phải được cơ quan, người có thẩm quyền công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư biết, tham gia và giám sát.

4. Người có trách nhiệm chỉ đạo ứng phó sự cố môi trường và người phát ngôn về sự cố môi trường có trách nhiệm cung cấp, cập nhật thông tin kịp thời về sự cố môi trường cho cơ quan truyền thông, báo chí, cộng đồng dân cư. Thông tin về sự cố môi trường do người có trách nhiệm chỉ đạo ứng phó sự cố môi trường và người phát ngôn về sự cố môi trường cung cấp, công bố là thông tin chính thức.

5. Cơ quan truyền thông, báo chí có trách nhiệm thông tin chính xác, trung thực, đầy đủ và kịp thời về sự cố môi trường và ứng phó sự cố môi trường.

Mục 2. BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VỀ MÔI TRƯỜNG

Điều 130. Thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường và nguyên tắc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường

1. Thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường bao gồm:

a) Suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường;

b) Thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra.

2. Việc xác định tổ chức, cá nhân gây thiệt hại về môi trường phải bảo đảm kịp thời, khách quan và công bằng. Tổ chức, cá nhân gây thiệt hại về môi trường phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra, đồng thời phải chi trả toàn bộ chi phí xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định.

3. Trường hợp có từ 02 tổ chức, cá nhân trở lên gây thiệt hại về môi trường, việc bồi thường thiệt hại được quy định như sau:

a) Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường của từng đối tượng được xác định theo loại chất ô nhiễm, lượng phát thải và các yếu tố khác;

b) Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường, chi trả chi phí xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với từng đối tượng được xác định tương ứng với tỷ lệ gây thiệt hại trong tổng thiệt hại về môi trường; trường hợp các bên liên quan hoặc cơ quan quản lý nhà nước về môi trường không xác định được tỷ lệ chịu trách nhiệm thì cơ quan trọng tài hoặc Tòa án quyết định theo thẩm quyền.

4. Tổ chức, cá nhân tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, có hệ thống xử lý chất thải đạt yêu cầu và chứng minh được rằng không gây thiệt hại về môi trường thì không phải bồi thường thiệt hại về môi trường, không phải chịu các chi phí liên quan đến xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Điều 131. Trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và xác định thiệt hại về môi trường

1. Ủy ban nhân dân các cấp, tổ chức, cá nhân phát hiện môi trường có dấu hiệu bị ô nhiễm, suy thoái thông báo cho cơ quan có trách nhiệm yêu cầu bồi thường và tổ chức thu thập, thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Trách nhiệm yêu cầu bồi thường và tổ chức thu thập, thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái được quy định như sau:

a) Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường gây ra trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý của mình. Trong trường hợp này, Ủy ban nhân dân cấp xã đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái;

b) Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và tổ chức thu thập, thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp xã trở lên; tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã;

c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và tổ chức thu thập, thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên;

d) Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên.

3. Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường tự mình hoặc ủy quyền cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác xác định thiệt hại và yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 132. Xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường

1. Việc xác định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường bao gồm các nội dung sau đây:

a) Xác định phạm vi, diện tích, khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái;

b) Xác định số lượng thành phần môi trường bị suy giảm, các loại hình hệ sinh thái, các loài bị thiệt hại;

c) Xác định mức độ thiệt hại của từng thành phần môi trường, hệ sinh thái, các loài.

2. Việc xác định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường được tiến hành độc lập hoặc có sự phối hợp giữa bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại. Trường hợp mỗi bên hoặc các bên có yêu cầu thì cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường có trách nhiệm tham gia hướng dẫn cách tính xác định thiệt hại hoặc chứng kiến việc xác định thiệt hại.

3. Việc xác định thiệt hại đối với sức khỏe, tính mạng của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra được thực hiện theo quy định của pháp luật.

4. Chính phủ quy định chi tiết việc xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường.

Điều 133. Giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường

1. Bồi thường thiệt hại về môi trường được giải quyết thông qua thương lượng giữa các bên. Trong trường hợp không thương lượng được, các bên có thể lựa chọn giải quyết thông qua các hình thức sau đây:

a) Hòa giải;

b) Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài;

c) Giải quyết tranh chấp bằng Tòa án.

2. Việc giải quyết tại Tòa án được thực hiện theo quy định về bồi thường thiệt hại dân sự ngoài hợp đồng và pháp luật về tố tụng dân sự, trừ các quy định về việc chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật và thiệt hại xảy ra. Việc chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật về môi trường và thiệt hại xảy ra thuộc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm, gây ô nhiễm về môi trường.

Điều 134. Chi phí bồi thường thiệt hại về môi trường

1. Chi phí bồi thường thiệt hại về môi trường quy định tại điểm a khoản 1 Điều 130 của Luật này được tính căn cứ vào các nội dung sau đây:

a) Chi phí thiệt hại trước mắt và lâu dài do sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường;

b) Chi phí xử lý, cải tạo môi trường;

c) Chi phí giảm thiểu, triệt tiêu nguồn gây thiệt hại hoặc tổ chức ứng phó sự cố môi trường;

d) Chi phí xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục bồi thường thiệt hại về môi trường;

đ) Tùy điều kiện cụ thể có thể áp dụng quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này để tính chi phí thiệt hại về môi trường, làm căn cứ để bồi thường và giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường.

2. Chi phí bồi thường thiệt hại do tổ chức, cá nhân chi trả trực tiếp hoặc nộp về Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh để tổ chức chi trả.

Điều 135. Giám định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường

1. Giám định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường được thực hiện theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc cơ quan giải quyết việc bồi thường thiệt hại về môi trường.

2. Căn cứ giám định thiệt hại gồm hồ sơ yêu cầu bồi thường thiệt hại, thông tin, số liệu, chứng cứ và căn cứ khác có liên quan đến bồi thường thiệt hại và đối tượng gây thiệt hại.

3. Tổ chức giám định thiệt hại do bên yêu cầu giám định thiệt hại lựa chọn; trường hợp không có sự thống nhất của các bên thì việc chọn tổ chức giám định thiệt hại do cơ quan giải quyết bồi thường thiệt hại quyết định.

4. Chính phủ quy định chi tiết về giám định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường.

Luật Bảo vệ môi trường 2020

  • Số hiệu: 72/2020/QH14
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 17/11/2020
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Thị Kim Ngân
  • Ngày công báo: 25/12/2020
  • Số công báo: Từ số 1185 đến số 1186
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH