Hệ thống pháp luật

Chương 6 Thông tư 37/2016/TT-NHNN quy định việc quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Chương VI

XỬ LÝ SAI SÓT TRONG TTLNH

Điều 29. Các nguyên tắc điều chỉnh sai sót trong Hệ thống TTLNH

1. Bảo đảm sự nhất quán số liệu giữa đơn vị khởi tạo lệnh, đơn vị nhận lệnh và Trung tâm Xử lý Quốc gia. Sai sót phát sinh ở đâu phải được chỉnh sửa ở đó cho đến hết quy trình thanh toán. Nghiêm cấm việc sửa chữa số liệu, điều chỉnh sai sót một cách tùy tiện trong Hệ thống TTLNH.

2. Khi phát hiện sai sót phải có biện pháp điều chỉnh ngay, không gây chậm trễ tới công tác thanh toán. Việc điều chỉnh sai sót phải theo đúng các nguyên tắc, phương pháp điều chỉnh sai lầm của kế toán.

3. Đơn vị, cá nhân nào gây ra sai sót hoặc vi phạm các nguyên tắc, phương pháp điều chỉnh sai sót phải chịu trách nhiệm vật chất về những lỗi do mình gây ra cho các bên liên quan.

Điều 30. Hủy và hoàn trả Lệnh thanh toán tại các thành viên và đơn vị thành viên

1. Nguyên tắc

a) Lệnh thanh toán chỉ được hủy trong các trường hợp sau:

- Đã khởi tạo tại đơn vị khởi tạo lệnh nhưng chưa chuyển đi, thực hiện thao tác thoái Lệnh thanh toán;

- Đã chuyển đến Trung tâm xử lý quốc gia và đang trong hàng đợi quyết toán đối với Lệnh thanh toán giá trị cao, Lệnh thanh toán bằng ngoại tệ; đang trong hàng đợi xử lý đối với Lệnh thanh toán giá trị thấp, thực hiện theo quy định tại b) Lệnh thanh toán chỉ được hoàn trả trong các trường hợp sau:

- Lệnh thanh toán Nợ chỉ được hoàn trả khi đơn vị khởi tạo lệnh chưa ghi Có vào tài khoản của khách hàng hoặc đã ghi Có vào tài khoản của khách hàng nhưng thu hồi lại được;

- Lệnh thanh toán Có chỉ được hoàn trả khi đơn vị nhận lệnh chưa ghi Có vào tài khoản của khách hàng hoặc đã ghi Có vào tài khoản của khách hàng nhưng thu hồi lại được.

2. Chứng từ hủy và hoàn trả Lệnh thanh toán:

a) Chứng từ hủy Lệnh thanh toán bao gồm:

- Lệnh hủy Lệnh thanh toán Nợ: có giá trị như một Lệnh thanh toán Có, do đơn vị khởi tạo lệnh lập và gửi đơn vị nhận lệnh để hủy Lệnh thanh toán Nợ bị sai sót (hoàn trả toàn bộ số tiền);

- Lệnh hủy Lệnh thanh toán Có: do đơn vị khởi tạo lệnh lập để hủy Lệnh thanh toán Có đã chuyển đi nhưng còn trong hàng đợi;

b) Chứng từ hoàn trả Lệnh thanh toán bao gồm:

- Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán: đơn vị khởi tạo lệnh lập và gửi cho đơn vị nhận lệnh đề nghị hoàn trả Lệnh thanh toán Có bị sai sót và ghi rõ lý do là lỗi của đơn vị khởi tạo lệnh hay do yêu cầu khách hàng; là căn cứ để đơn vị nhận lệnh lập Lệnh thanh toán Có đi trả tiền cho đơn vị khởi tạo lệnh trên cơ sở đã thu hồi lại được tiền;

- Thông báo chấp nhận yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán: đơn vị nhận lệnh lập để chấp nhận Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có trên cơ sở đã thu hồi lại được tiền;

- Thông báo từ chối yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán: đơn vị nhận lệnh lập để từ chối Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có do không thu hồi được tiền từ khách hàng.

3. Các đơn vị thành viên khi xử lý hủy và hoàn trả Lệnh thanh toán phải thực hiện khẩn trương như đối với việc xử lý các Lệnh thanh toán giá trị cao.

Điều 31. Xử lý sai sót tại đơn vị khởi tạo lệnh trong trường hợp phát sinh do thành viên, đơn vị thành viên

1. Xử lý sai sót ở thời điểm trước khi truyền Lệnh thanh toán đi

a) Nếu Lệnh thanh toán có sai sót được phát hiện khi người duyệt lệnh chưa ký chữ ký điện tử để chuyển đi thì người duyệt Lệnh thanh toán và người kiểm soát Lệnh thanh toán thực hiện thao tác thoái duyệt Lệnh thanh toán, người lập lệnh căn cứ chứng từ gốc sửa lại cho đúng;

b) Nếu Lệnh thanh toán có sai sót được phát hiện sau khi người duyệt lệnh đã ký chữ ký điện tử thì phải lập biên bản hủy Lệnh thanh toán sai, trong đó ghi rõ ký hiệu lệnh, giờ, ngày hủy Lệnh thanh toán và phải có đầy đủ chữ ký của người duyệt lệnh, người kiểm soát và người lập lệnh có liên quan đến Lệnh thanh toán sai. Biên bản được lưu vào hồ sơ riêng để bảo quản, sau đó người duyệt lệnh thoái duyệt Lệnh thanh toán và chuyển cho người lập lệnh căn cứ chứng từ gốc sửa lại cho đúng.

2. Xử lý sai sót phát hiện sau khi đã truyền Lệnh thanh toán đi

Khi phát hiện các sai sót như sai số tiền (thừa hoặc thiếu), sai ngược vế, đơn vị khởi tạo lệnh phải tra soát vấn tin ngay cho đơn vị nhận lệnh để có biện pháp xử lý kịp thời. Đơn vị khởi tạo lệnh phải lập biên bản theo quy định (Mẫu số TTLNH-23) xác định nguyên nhân, quy trách nhiệm cá nhân rõ ràng và thực hiện xử lý:

a) Trường hợp sai thiếu:

Căn cứ biên bản để lập Lệnh thanh toán bổ sung số tiền chuyển thiếu gửi tiếp đi đơn vị nhận lệnh. Trong nội dung thanh toán phải ghi rõ "chuyển bổ sung theo Lệnh thanh toán Nợ (hoặc Có) số ... ngày ... tháng ... năm ... Số tiền đã chuyển ..." và sau đó hạch toán theo quy định của pháp luật hiện hành;

b) Trường hợp sai thừa:

- Đối với Lệnh thanh toán Có bị sai thừa:

Căn cứ biên bản để lập Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có số tiền đã chuyển thừa, gửi ngay đơn vị nhận lệnh đồng thời lập Phiếu chuyển khoản, hạch toán và theo dõi theo quy định của pháp luật hiện hành. Trường Lý do trong tin điện Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có phải ghi rõ sai sót là do đơn vị khởi tạo Lệnh thanh toán Có.

Trường hợp nhận được lệnh hoàn trả của đơn vị nhận lệnh, đơn vị khởi tạo thực hiện chuyển lại khoản tiền trên cho khách hàng, đồng thời vào sổ theo dõi ghi rõ kết quả giải quyết.

Trường hợp đơn vị nhận lệnh từ chối Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có đối với số tiền bị sai thừa trên do không thu hồi được tiền từ khách hàng thì đơn vị khởi tạo lệnh phải lập Hội đồng xử lý theo quy định hiện hành để xác định trách nhiệm và mức bồi hoàn của cá nhân gây ra sai sót;

- Đối với Lệnh thanh toán Nợ bị sai thừa:

Căn cứ biên bản, lập Lệnh hủy Lệnh thanh toán Nợ, gửi ngay cho đơn vị nhận lệnh để hủy số tiền đã chuyển thừa trên Lệnh thanh toán Nợ, đồng thời hạch toán theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trường hợp đã trả tiền cho khách hàng nhưng tài khoản của khách hàng không đủ số dư để thực hiện Lệnh hủy Lệnh thanh toán Nợ đối với số tiền chuyển thừa thì đơn vị khởi tạo lệnh hạch toán vào tài khoản các khoản phải thu (tài khoản cá nhân gây ra sai sót) sau đó phải tìm mọi biện pháp để đòi lại tiền kể cả việc phối hợp với đơn vị nhận lệnh, chính quyền địa phương và các cơ quan bảo vệ pháp luật như công an, tòa án, nếu không đòi được thì đơn vị khởi tạo lệnh lập Hội đồng xử lý theo quy định hiện hành để xác định trách nhiệm và mức bồi hoàn của cá nhân gây ra sai sót. Khi nhận được thông báo số tiền do khách hàng chuyển về thì xử lý, đồng thời hạch toán theo quy định của pháp luật hiện hành;

c) Trường hợp sai ngược vế:

Đơn vị khởi tạo lệnh phải lập biên bản, đồng thời lập Lệnh hủy Lệnh thanh toán Nợ (đối với Lệnh thanh toán Có bị sai ngược vế) hoặc yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có (đối với Lệnh thanh toán Nợ bị sai ngược vế) để hủy toàn bộ Lệnh thanh toán bị sai ngược vế sau đó lập Lệnh thanh toán đúng gửi đơn vị nhận lệnh, đồng thời hạch toán theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trong trường hợp Lệnh thanh toán Nợ bị sai ngược vế, khi nhận được Lệnh thanh toán Có của đơn vị nhận lệnh chuyển trả lại số tiền chuyển sai, đơn vị khởi tạo lệnh hạch toán theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 32. Xử lý sai sót tại đơn vị nhận lệnh trong trường hợp phát sinh do thành viên, đơn vị thành viên

1. Đối với trường hợp phát hiện Lệnh thanh toán sai sót do lỗi kỹ thuật hoặc bị giả mạo trước thời điểm hạch toán, đơn vị nhận lệnh không được phép hạch toán mà phải phối hợp với đơn vị khởi tạo lệnh và đơn vị vận hành Hệ thống TTLNH để áp dụng các biện pháp xử lý.

2. Đối với Lệnh thanh toán bị sai thiếu:

Khi nhận được Lệnh thanh toán bổ sung chuyển khoản tiền thiếu của đơn vị khởi tạo lệnh, đơn vị nhận lệnh phải đối chiếu, kiểm soát lại chặt chẽ Lệnh thanh toán bị sai thiếu và Lệnh thanh toán bổ sung trước khi hạch toán.

3. Đối với Lệnh thanh toán bị sai thừa:

a) Phát hiện trước khi trả tiền cho khách hàng:

Nếu đơn vị nhận lệnh chưa nhận được Lệnh thanh toán bị sai thừa nhưng đã nhận được yêu cầu hoàn trả của đơn vị khởi tạo lệnh về chuyển tiền thừa thì đơn vị nhận lệnh phải ghi sổ theo dõi Lệnh thanh toán bị sai sót để có biện pháp xử lý kịp thời. Khi nhận được Lệnh thanh toán bị sai thừa, đơn vị nhận lệnh kiểm soát, đối chiếu với nội dung yêu cầu hoàn trả nhận được, nếu đúng thì hạch toán theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Đối với Lệnh thanh toán Có bị sai thừa: khi nhận được Yêu cầu hoàn trả đối với số tiền thừa thì lập Lệnh thanh toán Có đi hoàn trả đơn vị khởi tạo lệnh số tiền thừa;

- Đối với Lệnh thanh toán Nợ bị sai thừa: theo dõi và xử lý Lệnh hủy Lệnh thanh toán Nợ đối với số tiền thừa của đơn vị khởi tạo lệnh;

b) Trường hợp nhận được yêu cầu hoàn trả của đơn vị khởi tạo lệnh sau khi đã trả tiền cho khách hàng thì đơn vị nhận lệnh ghi Sổ theo dõi Lệnh thanh toán bị sai sót và xử lý:

- Đối với Lệnh thanh toán Có bị sai thừa:

Khi nhận được Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có đối với số tiền chuyển thừa của đơn vị khởi tạo lệnh, nếu Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có là hợp lệ thì đơn vị nhận lệnh xử lý:

Trường hợp tài khoản thanh toán của khách hàng có đủ số dư: Căn cứ vào Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có, đơn vị nhận lệnh chủ động phong tỏa/thu hồi số tiền bị sai thừa để lập Lệnh thanh toán Có đi mà không cần thông báo trước hoặc không cần sự đồng ý trước của chủ tài khoản. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có, đơn vị nhận lệnh phải thực hiện chuyển trả lại đơn vị khởi tạo lệnh số tiền chuyển thừa;

Trường hợp tài khoản thanh toán của khách hàng không đủ số dư để thu hồi thì đơn vị nhận lệnh ghi nhập Sổ theo dõi Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có chưa được thực hiện, thực hiện phong tỏa và yêu cầu khách hàng nộp tiền vào tài khoản để thực hiện Yêu cầu hoàn trả này. Khi khách hàng nộp đủ tiền hoặc tài khoản của khách hàng có đủ số dư để hoàn trả, kế toán ghi xuất Sổ theo dõi Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có chưa thực hiện được, lập Lệnh thanh toán Có gửi đơn vị khởi tạo lệnh;

Trường hợp khách hàng không còn khả năng thanh toán hoặc khách hàng vãng lai không xác định được nơi cư trú, thì đơn vị nhận lệnh phải là đơn vị đầu mối phối hợp với đơn vị khởi tạo lệnh, chính quyền địa phương và các cơ quan bảo vệ pháp luật như công an, tòa án, v.v... để tìm mọi biện pháp thu hồi lại tiền. Sau khi đã áp dụng mọi biện pháp thu hồi mà không thu hồi được hoặc không thu hồi đủ thì đơn vị nhận lệnh được từ chối Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có; lập Thông báo từ chối Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có, ghi rõ lý do từ chối; gửi trả lại đơn vị khởi tạo lệnh (số tiền thu hồi được nếu có); đồng thời ghi xuất sổ theo dõi Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có chưa được thực hiện.

4. Điều chỉnh các sai sót khác

Đối với Lệnh thanh toán sai ký hiệu chứng từ, ký hiệu loại nghiệp vụ, loại đồng tiền, đơn vị phục vụ Người nhận lệnh không phải là đơn vị nhận lệnh và không phải là thành viên gián tiếp thuộc đơn vị nhận lệnh, xử lý như sau:

a) Đối với các Lệnh thanh toán Có (hoặc Nợ) đơn vị nhận lệnh đã nhận nhưng chưa hạch toán thì thực hiện hạch toán vào tài khoản phải trả (phải thu) sau đó lập Lệnh thanh toán chuyển trả lại đơn vị khởi tạo lệnh. Nghiêm cấm đơn vị nhận lệnh chuyển tiền tiếp;

b) Đối với các Lệnh thanh toán đã thực hiện, đơn vị nhận lệnh xử lý tương tự như đã nêu tại Điểm b Khoản 3 Điều này.

Điều 33. Hủy và hoàn trả Lệnh thanh toán theo yêu cầu của khách hàng

1. Xử lý tại đơn vị khởi tạo lệnh;

Khi tiếp nhận yêu cầu hủy Lệnh thanh toán Có hoặc yêu cầu hủy Lệnh thanh toán Nợ của khách hàng, đơn vị khởi tạo lệnh phải kiểm tra tính hợp lệ của các chứng từ này, đối chiếu với Lệnh thanh toán bị hủy. Nếu không hợp lệ thì trả lại cho khách hàng và thông báo đầy đủ lý do, nếu hợp lệ thì xử lý như sau:

a) Đối với Lệnh thanh toán chưa được thực hiện hoặc chưa gửi đi: xử lý hủy Lệnh thanh toán theo quy định tại b) Đối với Lệnh thanh toán giá trị cao, Lệnh thanh toán bằng ngoại tệ, Lệnh thanh toán Nợ đã được thực hiện và gửi đi nhưng đang trong hàng đợi quyết toán (do tài khoản thanh toán loại tiền tương ứng chưa đủ tiền) hoặc Lệnh thanh toán giá trị thấp đã được thực hiện và gửi đi nhưng đang trong hàng đợi xử lý tại Trung tâm Xử lý Quốc gia, xử lý hủy Lệnh thanh toán như sau:

- Đối với yêu cầu hủy Lệnh thanh toán Có:

Căn cứ vào yêu cầu hủy hợp lệ của khách hàng, người lập lệnh bổ sung các yếu tố cần thiết và lập Lệnh hủy theo quy định (Mẫu số TTLNH-05), ký chữ ký điện tử của mình lên Lệnh hủy;

Người duyệt lệnh phải kiểm soát lại các yếu tố của Lệnh hủy vừa lập với yêu cầu hủy của khách hàng để bảo đảm sự chính xác và khớp đúng. Nếu đúng, người duyệt lệnh ký chữ ký điện tử của mình lên Lệnh hủy và gửi đi.

Trung tâm Xử lý Quốc gia gửi đơn vị khởi tạo lệnh thông báo kết quả thực hiện yêu cầu hủy. Đơn vị khởi tạo lệnh kiểm tra thông tin trên thông báo, nếu kết quả hủy thành công thực hiện hạch toán theo quy định của pháp luật hiện hành. Nếu kết quả hủy không thành công (do Lệnh thanh toán không còn trong hàng đợi nữa), đơn vị khởi tạo lệnh thực hiện xử lý theo thủ tục yêu cầu hoàn trả như hướng dẫn tại Điểm c Khoản 1 Điều này;

- Đối với Lệnh hủy Lệnh thanh toán Nợ: thực hiện theo quy định tại c) Nếu Lệnh thanh toán đã được xử lý và gửi đi, Trung tâm Xử lý Quốc gia đã hạch toán, đơn vị khởi tạo lệnh lập Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán và thực hiện:

- Đối với Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có:

Căn cứ vào yêu cầu hủy hợp lệ của khách hàng, người lập lệnh bổ sung các yếu tố cần thiết của Yêu cầu hoàn trả theo quy định (Mẫu số TTLNH-06) và ký chữ ký điện tử của mình lên Yêu cầu hoàn trả. Nội dung lý do trong tin điện Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có phải ghi rõ sai sót là do khách hàng;

Người duyệt lệnh phải kiểm soát lại các yếu tố của Yêu cầu hoàn trả vừa lập với yêu cầu hủy của khách hàng để bảo đảm sự chính xác và khớp đúng. Nếu đúng, người duyệt lệnh ký chữ ký điện tử của mình lên Yêu cầu hoàn trả và gửi đơn vị nhận lệnh;

Khi nhận đủ số tiền (của Lệnh thanh toán Có bị hủy) do đơn vị nhận lệnh hoàn trả, đơn vị khởi tạo lệnh thực hiện các thủ tục hoàn trả tiền cho khách hàng;

- Đối với Lệnh hủy Lệnh thanh toán Nợ:

Căn cứ Lệnh hủy thành công, đơn vị khởi tạo lệnh thực hiện thủ tục trích tài khoản của khách hàng số tiền đã ghi Có trước đây để chuyển cho đơn vị nhận lệnh.

2. Xử lý tại đơn vị nhận lệnh:

Khi nhận được Yêu cầu hoàn trả (đối với Lệnh thanh toán Có), hoặc Lệnh hủy (đối với Lệnh thanh toán Nợ) của đơn vị khởi tạo lệnh, đơn vị nhận lệnh phải kiểm tra tính hợp lệ của Yêu cầu hoàn trả (hoặc Lệnh hủy) và đối chiếu Yêu cầu hoàn trả (hoặc Lệnh hủy) với Lệnh thanh toán đã nhận được và xử lý theo thủ tục hoàn trả.

a) Nếu phát hiện Yêu cầu hoàn trả có sai sót, đơn vị nhận lệnh lập Thông báo từ chối yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có theo quy định (Mẫu số TTLNH-07) ghi rõ lý do từ chối gửi trả lại đơn vị khởi tạo lệnh; nếu Lệnh hủy có sai sót, đơn vị nhận lệnh xử lý như đối với Lệnh thanh toán Có đến bị sai sót;

b) Nếu Yêu cầu hoàn trả (hoặc Lệnh hủy) hợp lệ thì xử lý như sau:

- Nếu Lệnh thanh toán Có đến chưa được thực hiện tại đơn vị nhận lệnh: đơn vị nhận lệnh gửi ngay cho đơn vị khởi tạo lệnh Thông báo chấp nhận Yêu cầu hoàn trả và lập Lệnh thanh toán Có hoàn trả cho đơn vị khởi tạo lệnh;

- Nếu Lệnh thanh toán đến đã được thực hiện tại đơn vị nhận lệnh:

Đối với Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có đến:

Đơn vị nhận lệnh phải gửi ngay Yêu cầu hoàn trả cho khách hàng để thông báo. Chỉ trong trường hợp khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc nộp tiền mặt hoặc lập chứng từ thanh toán trích tài khoản của mình để chuyển trả thì đơn vị nhận lệnh mới được phép thông báo chấp nhận Yêu cầu hoàn trả cho đơn vị khởi tạo lệnh biết. Sau đó, đơn vị nhận lệnh thực hiện lập Lệnh thanh toán Có để hoàn trả cho đơn vị khởi tạo lệnh.

Đối với Yêu cầu hoàn trả không được sự chấp thuận chuyển trả của khách hàng theo quy định trên thì đơn vị nhận lệnh lập Thông báo từ chối Yêu cầu hoàn trả có ghi rõ lý do gửi lại đơn vị khởi tạo lệnh;

Đối với Lệnh hủy Lệnh thanh toán Nợ đến: Căn cứ vào Lệnh hủy Lệnh thanh toán Nợ đến, đơn vị nhận lệnh gửi Thông báo chấp nhận Lệnh hủy cho khách hàng biết.

Điều 34. Tra soát và trả lời tra soát

Trường hợp phát hiện một số yếu tố chưa chính xác trên Lệnh thanh toán (trừ các yếu tố: Mã ngân hàng, tính chất Nợ Có, ngày thực hiện, số tiền, loại đồng tiền, loại thanh toán, ký hiệu chứng từ, ký hiệu loại nghiệp vụ, đơn vị phục vụ Người nhận lệnh không phải là đơn vị nhận lệnh và không phải là thành viên gián tiếp thuộc đơn vị nhận lệnh), xử lý như sau:

1. Đơn vị khởi tạo lệnh phải lập tra soát theo quy định (Mẫu số TTLNH-08) để đính chính thông tin hoặc đơn vị nhận lệnh lập tra soát để yêu cầu đơn vị khởi tạo lệnh đính chính thông tin.

2. Trình tự xử lý tin điện tra soát gồm:

a) Lập tin điện

- Người lập lệnh nhập dữ liệu;

- Người duyệt lệnh tiến hành kiểm soát và ký chữ ký điện tử;

- Gửi tin điện lên Trung tâm Xử lý Quốc gia; in nội dung tin điện và cả hai người cùng ký trên bức điện in ra;

b) Nhận tin điện

- Người duyệt lệnh kiểm tra chữ ký điện tử;

- Người lập lệnh và người duyệt lệnh cùng ký trên bức điện in ra.

3. Trường hợp không có quy định khác của pháp luật thì khi đơn vị khởi tạo lệnh nhận được yêu cầu tra soát cửa đơn vị nhận lệnh, trong vòng 01 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận được yêu cầu tra soát, đơn vị khởi tạo lệnh phải có trách nhiệm trả lời yêu cầu tra soát (lập theo quy định Mẫu số TTLNH-09). Sau 04 ngày làm việc kể từ ngày gửi yêu cầu tra soát nếu đơn vị nhận lệnh không nhận được trả lời tra soát thì thực hiện hoàn trả lại Lệnh thanh toán Có thông tin yêu cầu tra soát.

4. Lưu trữ chứng từ tra soát và trả lời tra soát.

Chứng từ tra soát và trả lời tra soát với đầy đủ chữ ký được lưu kèm với Lệnh thanh toán gốc và là căn cứ để thanh toán với khách hàng.

Điều 35. Xử lý lỗi kỹ thuật trong Hệ thống TTLNH

1. Lỗi thông thường

a) Trong các trường hợp phát sinh lỗi về phần cứng, phần mềm, cơ sở dữ liệu, chữ ký điện tử, đường truyền thông, giao dịch không thực hiện được do lỗi thiết bị đầu cuối, thực hiện thông báo tình trạng lỗi như sau:

- Lỗi xảy ra tại các thành viên và đơn vị thành viên: trong khoảng thời gian 30 phút không khắc phục được sự cố, thông báo và gửi biên bản sự cố kỹ thuật trong Hệ thống TTLNH theo quy định (Mẫu số TTLNH-22) cho đơn vị vận hành Hệ thống TTLNH;

- Lỗi xảy ra tại Trung tâm Xử lý Quốc gia: trong khoảng thời gian 02 giờ không khắc phục được sự cố, thông báo toàn hệ thống;

- Lỗi xảy ra tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố: trong khoảng thời 30 phút không khắc phục được sự cố, thông báo đơn vị vận hành Hệ thống TTLNH;

b) Phương thức truyền thông báo: xử lý qua mạng máy tính, hệ thống thư điện tử, qua Fax hoặc điện thoại;

c) Các thành viên, đơn vị thành viên phải có trách nhiệm báo cáo và khẩn trương xử lý các lỗi xảy ra trong phạm vi quản lý của mình; đồng thời phối hợp xử lý các lỗi phát sinh khác của Hệ thống TTLNH khi được yêu cầu;

d) Đơn vị vận hành Hệ thống TTLNH hướng dẫn và thực hiện xử lý sự cố theo quy trình khắc phục sự cố kỹ thuật của Hệ thống TTLNH.

2. Xử lý trường hợp do sự cố kỹ thuật hoặc truyền tin, không gửi, nhận được Lệnh thanh toán.

a) Đối với Lệnh thanh toán đi:

- Khi Lệnh thanh toán đã chuyển đi nhưng nhận được trạng thái chờ trả lời từ trung tâm xử lý do các sự cố kỹ thuật, các thành viên, đơn vị thành viên phải thực hiện như sau:

Vấn tin hoặc phối hợp với đơn vị vận hành Hệ thống TTLNH để cập nhật chính xác tình trạng hiện thời của Lệnh thanh toán tại Hệ thống TTLNH;

Đối với những Lệnh thanh toán sau khi vấn tin có tình trạng chưa thành công, xử lý như sau:

Gửi lại đối với Lệnh thanh toán có tình trạng chưa thành công để hoàn tất việc chuyển tiền.

Sau khi gửi lại, nếu Lệnh thanh toán vẫn không thể kết thúc, thành viên, đơn vị thành viên lập Lệnh hủy (trong hàng đợi) Lệnh thanh toán. Căn cứ trên kết quả hủy thành công của Hệ thống TTLNH gửi về, người lập lệnh và người duyệt lệnh ký xác nhận và lưu trữ kết quả này trên giấy. Sau khi đã hủy thành công và thực hiện đầy đủ các thủ tục cần thiết, thành viên, đơn vị thành viên có thể lập lại Lệnh thanh toán khác với bút toán mới để thay thế Lệnh thanh toán đã hủy trước đó hoặc trả lại tiền cho khách hàng.

Trường hợp Lệnh thanh toán được gửi lại vẫn không thành công và cũng không thể hủy được, thành viên, đơn vị thành viên lập biên bản ghi nhận sự cố. Căn cứ kết quả đối chiếu lệnh chuyển đi cuối ngày và kết quả phối hợp xử lý giữa thành viên, đơn vị thành viên và Trung tâm Xử lý Quốc gia, thành viên, đơn vị thành viên có thể giữ nguyên các bút toán đã hạch toán, hoặc trả lại tiền, hoặc lập lại Lệnh thanh toán mới cho khách hàng;

- Do sự cố kỹ thuật, bảng đối chiếu đi cuối ngày có thể không cân, thành viên, đơn vị thành viên phải vấn tin lên Trung tâm Xử lý Quốc gia để cập nhật tình trạng của các lệnh chênh lệch, sau đó lập biên bản xác nhận tình trạng hiện tại. Kết quả cuối cùng của bảng đối chiếu đi được căn cứ trên tình trạng mới nhất của các Lệnh thanh toán và kết quả phối hợp xử lý giữa thành viên, đơn vị thành viên với Trung tâm Xử lý Quốc gia;

b) Đối với Lệnh thanh toán đến:

Trường hợp xảy ra sự cố kỹ thuật do không giải mã hoặc không nhận được tệp dữ liệu Lệnh thanh toán đến, các thành viên, đơn vị thành viên yêu cầu đơn vị vận hành Hệ thống TTLNH thay đổi trạng thái tệp dữ liệu và tiến hành tiếp tục nhận, giải mã, kiểm tra lại;

c) Trường hợp xảy ra sự cố kỹ thuật đối với Lệnh thanh toán đi hoặc Lệnh thanh toán đến, thành viên, đơn vị thành viên phải kiểm soát, đối chiếu cẩn thận để tránh gửi nhiều lần (đối với Lệnh thanh toán đi) hoặc hạch toán thừa (đối với Lệnh thanh toán đến);

d) Sự cố không thể kết nối với Hệ thống TTLNH hoặc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố:

Trường hợp sự cố về máy tính, đường truyền số liệu..., thành viên, đơn vị thành viên không thể kết nối với Hệ thống TTLNH để nhận xác nhận, kết quả đối chiếu và các thông tin khác, thành viên, đơn vị thành viên phải thông báo cho đơn vị vận hành Hệ thống TTLNH thông qua các phương tiện khác (thư điện tử, Fax, điện thoại, ...) về sự cố xảy ra. Đối với những Lệnh thanh toán chưa hoàn thành, thành viên, đơn vị thành viên chỉ thực hiện thanh toán tiền cho khách hàng khi sự cố trên được khắc phục và có sự xác nhận về tình trạng cuối cùng của Lệnh thanh toán.

3. Trong vòng 02 giờ kể từ khi Trung tâm Xử lý Quốc gia có sự cố không thể vận hành bình thường, Cục Công nghệ tin học xem xét, quyết định chuyển hoạt động sang Trung tâm Xử lý Quốc gia dự phòng. Việc chuyển hoạt động về Trung tâm Xử lý Quốc gia được thực hiện sau khi sự cố được khắc phục.

4. Lỗi bất khả kháng

Lỗi bất khả kháng là lỗi phát sinh bởi các sự kiện nằm ngoài phạm vi kiểm soát của người quản lý, điều hành Hệ thống TTLNH, không thể dự kiến trước được và làm ngừng hoạt động Hệ thống TTLNH quá 02 giờ. Sau khi đã xử lý bằng các biện pháp kỹ thuật nhưng không khắc phục được thì xử lý như sau:

a) Cục Công nghệ tin học báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tình trạng lỗi bất khả kháng;

b) Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét quyết định giải pháp xử lý;

c) Thông báo cho các thành viên Hệ thống TTLNH qua một trong các kênh sau: mạng máy tính, thư điện tử, Fax hoặc điện thoại.

Thông tư 37/2016/TT-NHNN quy định việc quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 37/2016/TT-NHNN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/12/2016
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Kim Anh
  • Ngày công báo: 10/02/2017
  • Số công báo: Từ số 131 đến số 132
  • Ngày hiệu lực: 01/11/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH