Hệ thống pháp luật

Điều 10 Thông tư 212/2012/TT-BTC hướng dẫn về thành lập, tổ chức và hoạt động công ty quản lý quỹ do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Điều 10. Kiểm soát nội bộ

1. Công ty quản lý quỹ phải thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ phù hợp với cơ cấu tổ chức của công ty, thành lập bộ phận kiểm soát nội bộ trực thuộc ban điều hành và ban hành các quy định về kiểm soát nội bộ bao gồm chính sách, quy chế, quy trình nghiệp vụ và các quy định nội bộ khác. Bộ phận kiểm soát nội bộ có trách nhiệm:

a) Giám sát bảo đảm hoạt động của từng vị trí, từng bộ phận và của cả công ty tuân thủ các quy định pháp luật, chính sách, quy trình nghiệp vụ, quy định nội bộ của công ty; giám sát việc thực thi trách nhiệm của mọi nhân viên trong công ty đối với các hoạt động đã được giao, phân cấp, ủy quyền theo nguyên tắc:

- Cơ chế phân cấp, uỷ quyền phải rõ ràng, cụ thể, minh bạch, bảo đảm tách bạch nhiệm vụ, quyền hạn của các cá nhân, các bộ phận trong công ty. Quy trình nghiệp vụ phải bảo đảm tách biệt được giữa các chức năng, nhiệm vụ của từng vị trí, bộ phận trong công ty, từ hoạt động phân tích, thẩm định, chấp thuận hoặc phê duyệt hoặc quyết định thực hiện, tổ chức thực hiện, báo cáo và giám sát sau khi đầu tư;

- Một cá nhân không được đảm nhiệm nhiều vị trí mà có thể thực hiện các hoạt động, nghiệp vụ có mục đích, lợi ích mâu thuẫn với nhau hoặc chồng chéo. Nhân sự được bố trí, bảo đảm một người không thể độc lập, tự mình ra quyết định và thực hiện từ hai hoạt động trở lên trong toàn bộ quy trình nghiệp vụ, từ phân tích đầu tư, thẩm định, phê duyệt đầu tư, quyết định đầu tư, thực hiện giao dịch và đầu tư, báo cáo kết quả giao dịch, thực hiện việc quản lý và giám sát đầu tư sau giao dịch mà không cần tham vấn các bộ phận, cá nhân khác;

b) Tham gia xây dựng, giám sát việc tổ chức thực hiện các chính sách, quy chế, quy trình, quy định nội bộ của công ty nhằm ngăn ngừa xung đột lợi ích; giám sát việc thực hiện quy tắc đạo đức nghề nghiệp; tổng hợp, lưu trữ, thống kê và giám sát hoạt động kinh doanh của công ty và các giao dịch cá nhân của nhân viên công ty;

c) Tham gia xây dựng quy trình, tổ chức thực hiện công tác quản trị rủi ro cho hoạt động của công ty và cho từng khách hàng ủy thác; kịp thời nhận diện, đánh giá mức độ rủi ro, thiết lập hạn mức đầu tư và có biện pháp ngăn ngừa, quản lý các rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động đầu tư của công ty và của khách hàng ủy thác;

d) Giám sát bảo đảm giá trị tài sản ròng của danh mục, chứng chỉ quỹ được định giá phù hợp với quy định của pháp luật và quy định nội bộ; tài sản và các nguồn lực của công ty được quản lý an toàn, hiệu quả; tài sản khách hàng được quản lý tách biệt, độc lập; báo cáo tài chính, báo cáo hoạt động, báo cáo về các chỉ tiêu an toàn tài chính và các báo cáo khác của công ty được lập trung thực, chính xác, kịp thời, cập nhật đầy đủ theo quy định của pháp luật;

đ) Giám sát, bảo đảm hệ thống thông tin tài chính và quản lý trung thực, đầy đủ, kịp thời và chính xác; có hệ thống thông tin dự phòng để kịp thời xử lý những tình huống như thiên tai, cháy, nổ.... bảo đảm duy trì hoạt động liên tục của công ty;

e) Đề xuất phương án giải quyết, xử lý tranh chấp, xung đột lợi ích, khiếu kiện từ khách hàng, đối tác; các phương án dự phòng khắc phục hậu quả khi sự cố khi xảy ra;

g) Thực hiện chức năng kiểm toán nội bộ trong trường hợp công ty quản lý quỹ không phải thành lập bộ phận kiểm toán nội bộ theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư này.

2. Cơ cấu nhân sự tại bộ phận kiểm soát nội bộ phải đáp ứng điều kiện:

a) Có tối thiểu một nhân viên đáp ứng quy định tại điểm đ khoản 5 Điều 9 Thông tư này; hoặc có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán hoặc kiểm toán từ trình độ đại học trở lên và thời gian công tác thực tế về kế toán hoặc kiểm toán ít nhất là 01 (một) năm;

b) Có tối thiểu một nhân viên có chuyên môn, nghiệp vụ về luật từ trình độ đại học trở lên và thời gian công tác thực tế về luật ít nhất là 01 (một) năm;

c) Trưởng bộ phận kiểm soát nội bộ phải đáp ứng quy định tại điểm a hoặc b khoản này và các điều kiện khác quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Nhân viên bộ phận kiểm soát nội bộ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

a) Đáp ứng quy định tại điểm a, b, c khoản 5 Điều 9 Thông tư này;

b) Có kinh nghiệm làm việc tối thiểu hai (02) năm tại các bộ phận nghiệp vụ chuyên môn của các tổ chức kinh doanh chứng khoán, hoặc tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp bảo hiểm, hoặc tại các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, kiểm toán nhà nước;

c) Không phải là người có liên quan của thành viên ban điều hành và không được kiêm nhiệm làm việc tại các bộ phận nghiệp vụ liên quan trực tiếp tới hoạt động kinh doanh chứng khoán được cấp phép.

4. Trong thời hạn bảy (07) ngày, kể từ ngày thay đổi nhân viên kiểm soát nội bộ, công ty quản lý quỹ gửi thông báo cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, kèm theo quyết định của Giám đốc (Tổng giám đốc), danh sách và hồ sơ cá nhân, lý lịch tư pháp (đối với nhân viên mới) được cấp trong thời hạn (06) sáu tháng kể từ ngày bổ nhiệm, bảo đảm nhân viên và cơ cấu bộ phận kiểm soát nội bộ đáp ứng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

5. Trong thời hạn chín mươi (90) ngày kể từ khi kết thúc năm tài chính, công ty quản lý quỹ phải lập báo cáo kiểm soát nội bộ và gửi Ủy ban Chứng khoán nhà nước. Báo cáo phải chỉ rõ các rủi ro tiềm ẩn trong các hoạt động của công ty, hoạt động quản lý tài sản khách hàng ủy thác và các hoạt động kiểm tra, giám sát ở từng đơn vị, từng bộ phận, từng hoạt động nghiệp vụ được cấp phép.

Thông tư 212/2012/TT-BTC hướng dẫn về thành lập, tổ chức và hoạt động công ty quản lý quỹ do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 212/2012/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 05/12/2012
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Xuân Hà
  • Ngày công báo: 10/02/2013
  • Số công báo: Từ số 95 đến số 96
  • Ngày hiệu lực: 01/03/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH