Hệ thống pháp luật

Mục 2 Chương 2 Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 01:2011/BCT về an toàn trong khai thác than hầm lò do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

MỤC 2. ĐÀO VÀ CHỐNG CÁC ĐƯỜNG LÒ

Điều 23. Quy định chung về đào chống lò

1. Các lò phải được chống kịp thời phù hợp với thiết kế và hộ chiếu được duyệt. Cấm tiến hành các công việc mỏ khi không có hộ chiếu được duyệt cũng như làm sai hộ chiếu.

2. Trong thời gian một ngày - đêm phải xem xét, điều chỉnh hộ chiếu khai thác, hộ chiếu đào chống các lò cho phù hợp với điều kiện địa chất mỏ và sản xuất thay đổi; Khi xem xét điều chỉnh hộ chiếu, phải thực hiện các biện pháp bổ sung về kỹ thuật an toàn và ghi vào sổ nhật lệnh sản xuất.

3. Trước khi bắt đầu công việc, Quản đốc phải hướng dẫn cho người lao động về nội dung hộ chiếu và những thay đổi được ghi trong đó. Người lao động sau khi được hướng dẫn, phải ký nhận vào sổ nhật lệnh sản xuất.

4. Khi lò đào trong đá cứng và bền vững (độ kiên cố f lớn hơn hoặc bằng 7), liền khối không bị ảnh hưởng của việc khai thác (trừ những vị trí lò giao nhau), có thể không cần chống, nhưng phải được thể hiện trong hộ chiếu.

5. Các đường lò đào trong than nhất thiết phải được chống giữ, trừ các thượng tháo than đào bằng máy khoan và không có người đi lại.

Chi tiết việc lập hộ chiếu thực hiện theo Phụ lục I của Quy chuẩn này.

6. Việc nối thông các lò với nhau (hoặc thông ra mặt đất) phải được thực hiện theo thiết kế riêng do Giám đốc điều hành mỏ duyệt.

Điều 24. Kích thước, tiết diện các đường lò

1. Tiết diện của các lò bằng, lò nghiêng phải được xác định bằng tính toán theo các yếu tố: Tốc độ gió cho phép, kích thước thiết bị vận chuyển với khoảng hở nhỏ nhất cho phép, độ lún của vì chống do tác dụng của áp lực mỏ trong quá trình sử dụng.

2. Tiết diện tối thiểu trong khung chống của các đường lò

a) Lò vận tải và thông gió chính cũng như lò dùng để cơ giới vận chuyển người: Là 9m2 và chiều cao là 1,8m tính từ đỉnh ray đến vì chống hoặc thiết bị đặt ở nóc lò;

b) Lò thông gió khu vực, lò trung gian, lò đặt băng tải (hoặc máng cào) lò vận chuyển bằng tàu điện ắc quy, lò thượng và lò ngầm của khu vực: Là 6m2 và chiều cao là 1,8m;

c) Các lò nối, họng sáo và các cúp khác là 1,5m2;

d) Các lò chịu ảnh hưởng của khai thác và lò đi lại không cơ giới: Là 4,5m2 và chiều cao là 1,8m.

Điều 25. Quy định về lối người đi lại trong các đường lò

1. Chiều rộng lối người đi lại trong các đường lò, khoảng cách giữa các thiết bị vận tải và vì chống cũng như giữa các thiết bị vận tải với nhau được quy định ở Bảng II.1.

2. Kích thước tối thiểu lối người đi lại trong khung chống phải được duy trì dọc theo đường lò: Chiều rộng là 0,7m và chiều cao là 1,8m tính từ nền lò. Lối người đi lại phải được đặt ở một bên dọc theo chiều dài hông lò. Trường hợp đặc biệt, nếu có các biện pháp an toàn bổ sung được Giám đốc điều hành mỏ duyệt có thể bố trí lối người đi lại ở hai phía hông lò khác nhau.

3. Cấm bố trí lối người đi lại ở giữa hai đường xe tại những đoạn lò sau:

a) Lò hai đường xe thuộc sân ga giếng của mức vận tải và thông gió của mỏ đang xây dựng và cải tạo;

b) Vị trí dồn dịch, bốc dỡ thiết bị, vật liệu từ phương tiện vận chuyển này sang phương tiện vận chuyển khác của lò hai đường xe;

c) Vị trí móc và tháo móc goòng, ở vị trí bốc dỡ có công suất từ 1000T/ngày - đêm trở lên.

4. Đối với lò một đường xe thuộc sân giếng có sử dụng thùng cũi, phải để lối người đi lại rộng tối thiểu là 0,7m ở cả hai bên hông lò.

5. Cho phép trang bị hệ thống monoray truyền động bằng đầu tàu diezel, lắp đặt trên nóc các đường lò dốc thoải để vận chuyển người, thiết bị nhưng phải bảo đảm các khoảng cách cần thiết ghi ở Bảng II.1 và phải có biện pháp an toàn bổ sung được cơ quan quản lý mỏ có thẩm quyền phê duyệt.                   

Bảng II.1 Khoảng cách quy định tối thiểu giữa các thiết bị vận tải và vì chống, giữa các thiết bị vận tải với nhau trong đường lò

Đường Lò

Hình thức vận tải

Sắp đặt khoảng cách

Kích thước

nhỏ nhất (m)

Ghi chú

Lối người đi lại

Khoảng hở

1. Lò bằng

Đường ray

Khoảng cách giữa vì chống hoặc thiết bị và đường ống đặt trong lò với mép ngoài cùng đoàn tàu di động

0,7

0,25

 

0,20

Khung chống bằng gỗ, kim loại, bê tông cốt thép và bê tông.

Bê tông, bê tông cốt thép liền khối và xây đá

2. Lò bằng

Băng tải và đường ray

- Khoảng cách giữa vì chống và đoàn tàu di động.

- Giữa vì chống và băng tải.

- Giữa băng tải và đoàn tàu di động.

0,7

-

 

0.4

 

0.4

 

3. Lò bằng, lò nghiêng

Đường ray

Ở vị trí người xuống khỏi toa xe chở người

1,0

 

Từ toa xe chở người xuống về cả 2 phía để lối đi rộng 1m

4. Lò bằng, lò nghiêng

Băng tải

- Giữa vì chống và băng tải

0,7

0,4

Khoảng cách từ phần trên băng tải đến xà vì chống không nhỏ hơn 0,5m và ở các đầu tăng và dẫn động không nhỏ hơn 0,6m.

5. Lò bằng, lò nghiêng

mono-ray

- Giữa vì chống và mép ngoài cùng đoàn tàu di động hoặc hàng vận chuyển với tốc độ của monoray đến 1m/s.

- Giữa đáy thùng hoặc mép dưới của hàng di chuyển và nền lò hoặc thiết bị đặt ở nền lò.

0,7

 

 

 

 

-

0,2

 

 

 

 

0,4

 

Với tốc độ lớn hơn 1m/s chiều rộng lối người đi và khoảng hở phải được tăng lên tương ứng là 0,85 và 0,3m.

6. Lò bằng, lò nghiêng

Băng tải và mono-ray

- Giữa vì chống và đoàn tàu di động

- Giữa vì chống và băng tải

- Giữa băng và đoàn tàu di động

0,7

-

 

0,4

 

0,4

 

7. Lò Nghiêng

Băng tải và đường ray

- Giữa vì chống và băng

- Giữa băng tải và đoàn tầu di động

- Giữa đoàn tàu di động và vì chống

0,7

-

 

0,4

 

0,2 ¸ 0,25

- Khi đào các đường lò này, lối người đi lại đặt về phía đoàn tàu di động.

 - Tuỳ theo loại vì chống.

8. Lò Nghiêng

Đường cáp có ghế ngồi.

Giữa vì chống hoặc phần nhô ra của thiết bị và đường cáp có ghế.

 

0,6

Khoảng cách phải được đảm bảo ở chiều cao kẹp treo.

9. Lò Nghiêng

Đường cáp có ghế ngồi và băng tải

Giữa đường cáp có ghế ngồi và băng tải.

 

1,0

 

Điều 26. Đào, chống các đường lò bằng và lò nghiêng

1. Khoảng cách giữa vì chống cố định cuối cùng đến gương lò chuẩn bị tối đa là 3m và phải được quy định trong hộ chiếu. Khi đất đá nóc lò không bền vững, có thể giảm khoảng cách này nhưng phải được quy định trong hộ chiếu. Ba hoặc bốn vì chống cố định cuối cùng gần gương phải được giằng, liên kết văng với nhau và được chèn chắc chắn bằng các tấm chèn.

2. Khoảng không gian từ vì chống cố định cuối cùng đến gương lò phải được chống vì tạm. Việc thay thế vì chống tạm bằng vì chống cố định được thực hiện theo hộ chiếu. Các công việc bốc xúc đất đá, than sau khi nổ mìn, dựng vì chống cố định phải được thực hiện dưới vì chống tạm có kết cấu đảm bảo an toàn.

3. Trước khi bắt đầu chu kỳ đào lò mới, khoảng cách từ vì chống cố định cuối cùng đến gương lò không được lớn hơn một bước chống. Trường hợp đào trong đất đá bền vững (độ kiên cố f ≥7), cho phép lớn hơn một bước chống nhưng không lớn hơn hai bước chống.

4. Trong điều kiện đất đá ổn định, cho phép sử dụng vì neo chống cố định theo thiết kế được cơ quan quản lý mỏ có thẩm quyền phê duyệt.

5. Phải lấp đầy các khoảng rỗng sau vì chống bằng đá hoặc vật liệu chèn chống cháy.

6. Trường hợp dừng đào lò trong thời gian lâu hơn một ngày - đêm, phải có biện pháp đề phòng tụt lở gương lò và tích tụ khí trong lò.

7. Đối với lò đào trong than và đá có cắt đá hông, cho phép mặt gương than tiến trước gương đá với khoảng cách tối đa là 5m.

8. Trường hợp lò đào trong than bằng phương pháp gương rộng, khi chiều rộng của phần gương mở thêm lớn hơn 5m, phải tạo ra một lò thông với lò dọc vỉa (lò đầu hoặc lò chân của lò chợ) dùng làm lối thoát dự phòng và thông gió.

9. Khi gương lò chuẩn bị tiến sau gương lò chợ, tốc độ tiến gương lò chuẩn bị không được chậm sau gương lò chợ quá 5m nếu gương lò chợ chống bằng cột chống đơn chiếc; 8m khi sử dụng vì chống cơ giới; 11m khi khấu than bằng máy bào.

10. Phải sử dụng vì chống bảo vệ đi trước hoặc các phương pháp đặc biệt khi lò đào trong vùng đất đá kém bền vững (bùng nền, cát chảy, sụt lở), .

11. Các lò sử dụng để vận chuyển than, đá hoặc vật liệu chèn bằng phương pháp tự chảy xuống mức vận tải phải được chia ra làm hai ngăn: Một ngăn để vận chuyển, một ngăn dành cho lối người đi lại phải đảm bảo kích thước quy định tại khoản 1 Điều 25 của Quy chuẩn này. Kích thước ngăn vận chuyển do hộ chiếu quy định.

12. Người làm việc trong những lò nghiêng khi đào mới, đào sâu thêm hoặc sửa chữa phải được bảo vệ an toàn đề phòng goòng hoặc những dụng cụ khác rơi từ trên xuống ít nhất bằng hai lần barie chắn bảo vệ. Kết cấu và vị trí đặt barie chắn bảo vệ do Giám đốc điều hành mỏ phê duyệt.

Điều 27. Đào và chống giếng đứng

1. Việc đào và chống giếng đứng phải được thực hiện theo thiết kế.

2. Khoảng cách từ vì chống hoặc mép dưới của cốp pha đến gương giếng và đất đá sau nổ mìn được quy định theo thiết kế; Đối với đất đá mềm yếu, kém bền vững, khoảng cách đó tối đa là 1,5m và thiết kế phải đề cập các biện pháp an toàn bổ sung ngăn ngừa đất đá tụt lở.

3. Khi đồng thời có nhiều đơn vị thi công đào và trang bị giếng, đơn vị nhận thầu chính phải cùng với các đơn vị nhận thầu khác xây dựng lịch biểu thi công, các biện pháp kỹ thuật an toàn và vệ sinh lao động trình cơ quan quản lý mỏ có thẩm quyền phê duyệt. Chủ thầu chính có trách nhiệm kiểm tra thực hiện các biện pháp nêu trên, các đơn vị khác chịu trách nhiệm thực hiện an toàn các công việc do đơn vị đó đảm nhiệm.

4. Những người thực hiện công tác đào, chống và lắp đặt các trang bị giếng phải hiểu và biết phát các tín hiệu quy định.

5. Phải chỉ định người chịu trách nhiệm phát tín hiệu và theo dõi việc nhận, bốc dỡ, di chuyển thùng ở gương trong thời gian thùng chở đá và các vật liệu di chuyển lên - xuống qua lỗ sàn công tác.

6. Cấm tiến hành các công việc trang bị giếng và di chuyển sàn công tác khi không có dây bảo hiểm.

7. Trước khi lắp đặt cổ giếng tại cốt ± 0, miệng giếng phải được bảo vệ bằng hàng rào lưới thép cao 2,5m, có cửa để người qua lại. Sau khi xây dựng xong cổ giếng, đề phòng vật rơi từ trên xuống gương, nơi mọi người làm việc, tại cốt ± 0, miệng giếng phải được che chắn bằng tấm đậy kết cấu vững chắc, chống cháy có cửa mở ra về hai phía phục vụ thi công. Sàn cốt ± 0 bố trí thiết bị công nghệ phải được chiếu sáng theo tiêu chuẩn quy định.

8. Chỉ được phép mở vị trí thùng đi qua và chỉ mở vào lúc cho thùng qua khi đưa đá lên bằng thùng chở đá.

9. Những lỗ trên sàn bố trí thiết bị công nghệ thuộc tháp giếng phải có ống loe với kích thước chiều cao phía trên sàn tối thiểu là 1600mm và ở phía dưới sàn tối thiểu là 300mm.

10. Trong thời gian đào giếng, phải có sàn bảo vệ ở phía trên đề phòng các vật rơi từ trên xuống người làm việc ở gương.

11. Giếng đào sâu thêm phải được cách ly với phần giếng đang hoạt động ở mức đang khai thác bằng cơ cấu bảo vệ (sàn giếng hoặc trụ bảo vệ) được tính cho các trường hợp sau:

a) Khi máy nâng thùng cũi nhiều cáp với số lượng đầu cáp lớn hơn hoặc bằng 4, phải đề phòng rơi goòng với số lượng goòng phụ thuộc với số tầng của thùng cũi và mỗi goòng được tính tăng thêm 1/2 trọng lượng hàng;

b) Khi máy nâng thùng skip nhiều cáp và số lượng đầu cáp lớn hơn hoặc bằng 4, phải đề phòng rơi khối lượng than (đá) bằng 1/2 trọng lượng hàng trong thùng skip;

c) Đối với các trường hợp còn lại, phải đề phòng rơi thùng nâng có hàng. Trước khi bắt đầu đặt móng khung tháp giếng, phải dùng sàn che giếng. Sàn này được lắp đặt theo thiết kế do cơ quan quản lý mỏ có thẩm quyền phê duyệt.

13. Cấm người có mặt ở gương giếng khi đào sâu thêm trong trường hợp thay, kẹp lại cáp hoặc thay thùng nâng.

14. Khi tiến hành đồng thời các công việc đào giếng và dựng vì chống cố định, từ trên sàn công tác phải thực hiện các quy định sau:

a) Cấm vận hành sàn công tác khi không có quy trình vận hành;

b) Sàn công tác phải có tầng trên để bảo vệ người làm việc trên sàn tránh những vật rơi từ trên xuống và phải được trang bị phương tiện phát tín hiệu âm thanh khi cho thùng xuống gương;

c) Khe hở giữa sàn công tác và vì chống giếng, giữa sàn công tác với cốp pha hoặc tấm chắn bảo vệ tối đa là 120mm tính từ gờ ngoài của thanh cong và trong khi làm việc khe hở phải được che kín. Khi đào giếng theo sơ đồ hỗn hợp, khe hở giữa sàn công tác và vì chống giếng tối đa là 400mm và trên tất cả các tầng của sàn phải có tấm lưới bảo vệ có chiều cao ít nhất là 1400mm bao quanh chu vi sàn. Phần bảo vệ dưới sàn công tác phải được che kín bằng lớp tôn chiều cao ít nhất 300mm;

d) Sàn công tác dùng để đào giếng phải có khe hở để người chịu trách nhiệm cho thùng và hàng qua ống loe nhìn thấy tình hình ở gương và thiết bị bố trí ở bên dưới sàn. Lỗ đặt ống loe giữa các tầng của sàn công tác phải được che bằng lưới kim loại 40mm x 40mm. Bên dưới ống loe ở vị trí tiếp giáp lưới với sàn công tác phải được che kín với chiều cao ít nhất 300mm. Chiều cao ống loe bên trên tầng trên của sàn công tác tối thiểu là 1600mm;

e) Các công việc di chuyển sàn công tác, sàn bảo vệ, cốp pha kim loại, ống dẫn, cáp điện phải được tiến hành theo các biện pháp quy định trong hộ chiếu đào chống giếng được duyệt và phải do Trưởng ca chỉ đạo thực hiện.

Để thực hiện các công việc trên phải điều khiển bằng tín hiệu theo sơ đồ sau: Sàn công tác - mặt bằng cốt ± 0 - trạm điều khiển tời trung tâm.

15. Khi di chuyển sàn công tác, tấm chắn bảo vệ, cốp pha kim loại, đường ống, cáp điện, cấm các hành vi sau:

a) Đồng thời phát tín hiệu máy nâng và tời;

b) Tiến hành các công việc khác ở gương giếng và trên sàn công tác;

c) Di chuyển thiết bị đào giếng, khi nó bị lệch so với vị trí bình thường;

d) Người đứng trên cốp pha khi cốp pha di chuyển.

16. Chỉ được phép tiếp tục các công việc đào giếng hoặc đào sâu thêm giếng sau khi di chuyển sàn công tác, tấm chắn bảo vệ, cốp-pha kim loại và cáp điện trong những điều kiện sau:

a) Tại đồng hồ chỉ dẫn chiều sâu và ở mép tang máy nâng đã được đánh dấu vị trí mới của sàn công tác;

b) Kiểm tra đảm bảo chắc chắn hệ thống đường ống và cáp điện trong giếng cũng như quan sát các khe hở theo quy định của Quy chuẩn này;

c) Các tời đã được hãm phanh, các cơ cấu dừng bánh cóc được đưa về vị trí làm việc, các tời được cắt nguồn điện, cắt nguồn khí nén và đóng khoá nhà tời.

17. Phải sử dụng các dụng cụ nâng cáp (dây cáp, dầm ngang, quai treo) đã được kiểm định đạt yêu cầu.

18. Cấm các máy nâng và các tời đào giếng hoạt động khi đưa lên hoặc hạ xuống bằng cáp các vật có chiều dài hoặc kích thước phi tiêu chuẩn (đường ống, thiết bị).

19. Cấm vận chuyển vật liệu bằng thùng chở đá treo vào dây cáp cũng như móc các vật vào dây cáp khi cửa gió tháp giếng mở. Cấm giao nhiệm vụ cho một người vừa thao tác thùng chở đá và vật liệu đi qua ống loe của sàn công tác vừa nhận thùng có tải trên sàn.

20. Phải chèn đá và phun bê tông lấp đầy khe hở giữa vì chống và đất đá thành giếng khi tiến hành dựng vì chống cố định. Cấm chèn các khe hở đó bằng gỗ và vật liệu dễ cháy khác.

21. Cấm thực hiện mọi công việc ở gương giếng trong thời gian tháo hoặc móc các ống mềm dẫn bê tông. Phải định vị các ống mềm dẫn bê tông bằng cáp thép liền dọc theo suốt chiều dài đường ống.

22. Việc lắp đặt khung giếng phải được thực hiện bằng các sàn công tác đặc biệt cũng như các trang bị khác có kết cấu đảm bảo an toàn cho người làm việc trong giếng. Phải có biện pháp che chắn giếng,đặc biệt khi thực hiện các công việc lắp đặt khung giếng đồng thời với lắp đặt tháp giếng hoặc thiết bị trong giếng.

23. Khi lắp đặt khung giếng, cấm sử dụng thùng chở người để vận chuyển đất đá, vật liệu và cấu kiện của khung giếng từ trên xuống mà thùng này không có cơ cấu treo chuyên dùng đã được kiểm định.

24. Khi tiến hành công việc xây dựng vỏ chống giếng, cấm các hành vi sau:

a) Để ngập nước cục bộ giếng nếu không có sự đồng ý của cơ quan quản lý mỏ có thẩm quyền;

b) Sử dụng sàn nhỏ treo làm thùng nâng.

25. Việc tháo dỡ sàn ở giếng đào sâu thêm phải tiến hành theo thiết kế đặc biệt và phải dùng vì chống tạm thời. Thiết kế này phải được Cơ quan quản lý mỏ có thẩm quyền duyệt.

Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 01:2011/BCT về an toàn trong khai thác than hầm lò do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: QCVN01:2011/BCT
  • Loại văn bản: Quy chuẩn
  • Ngày ban hành: 15/02/2011
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: ***
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/05/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH