Hệ thống pháp luật

Chương 2 Nghị định 12/2002/NĐ-CP về hoạt động đo đạc và bản đồ

Chương 2:

HOẠT ĐỘNG ĐO ĐẠC VÀ BẢN ĐỒ

Điều 4. Hoạt động đo đạc và bản đồ

1. Hoạt động đo đạc và bản đồ bao gồm: đo đạc ở các thể loại; thành lập, xuất bản, phát hành các sản phẩm bản đồ; lưu trữ, cấp phát, trao đổi, thu nhận, truyền dẫn, phổ cập các thông tin, tư liệu đo đạc và bản đồ; nghiên cứu khoa học trái đất bằng phương pháp đo đạc; nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ đo đạc và bản đồ; đào tạo nghề nghiệp đo đạc và bản đồ.

2. Hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản là xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và thành lập các sản phẩm đo đạc và bản đồ đáp ứng nhu cầu sử dụng chung cho các ngành và các địa phương bao gồm:

a) Thiết lập hệ quy chiếu quốc gia và hệ thống số liệu gốc quốc gia;

b) Thiết lập hệ thống điểm đo đạc cơ sở quốc gia;

c) Nghiên cứu khoa học trái đất bằng phương pháp đo đạc;

d) Xây dựng hệ thống bản đồ địa hình quốc gia, hệ thống bản đồ nền, hệ thống bản đồ hành chính, hệ thống bản đồ địa lý tổng hợp;

đ) Xây dựng hệ thống không ảnh cơ bản;

e) Xây dựng cơ sở dữ liệu địa lý quốc gia trên cơ sở hệ thống bản đồ địa hình quốc gia và hệ thống bản đồ nền.

3. Hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành là việc thành lập các sản phẩm đo đạc và bản đồ phục vụ riêng cho từng ngành có nhu cầu hoặc từng địa phương bao gồm:

a) Thiết lập hệ thống điểm đo đạc cơ sở chuyên dụng;

b) Xây dựng hệ thống không ảnh chuyên dụng;

c) Xây dựng hệ thống bản đồ địa hình phục vụ mục đích chuyên dụng, hệ thống bản đồ địa chính và các hệ thống bản đồ chuyên đề;

d) Xây dựng hệ thống thông tin địa lý chuyên dụng, hệ thống thông tin đất đai.

Điều 5. Giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ

1. Tổ chức kinh tế, cá nhân khi tiến hành hoạt động đo đạc và bản đồ phải có giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định tại Điều 21 của Nghị định này.

2. Tổ chức kinh tế, cá nhân có nhu cầu hoạt động đo đạc và bản đồ trong phạm vi được phép và có đủ điều kiện chuyên môn, kỹ thuật về đo đạc và bản đồ đều được cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ.

Điều 6. Thành lập, xuất bản và phát hành sản phẩm bản đồ

1. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức kinh tế và cá nhân được phép thành lập các thể loại sản phẩm bản đồ phù hợp với giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ được cấp; được quyền phổ biến sản phẩm của mình trên các phương tiện theo quy định tại Luật xuất bản; khi xuất bản bản đồ, ngoài việc nộp lưu chiểu cho theo quy định, phải nộp 01 bản lưu chiểu cho cơ quan quản lý nhà nước về đo đạc bản đồ. Sản phẩm bản đồ thuộc diện bảo mật chỉ được xuất bản và phát hành tại cơ quan quản lý nhà nước về đo đạc bản đồ để phục vụ mục đích dân dụng và tại Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.

2. Việc thành lập các loại sản phẩm bản đồ chuyên đề phải dựa vào các lớp thông tin nền lấy từ hệ thống bản đồ nền, bản đồ địa hình quốc gia, bản đồ hành chính do cơ quan quản lý nhà nước về đo đạc bản đồ thành lập, trong trường hợp cần sử dụng thông tin nền khác phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước về đo đạc bản đồ.

Điều 7. Trách nhiệm bảo đảm chất lượng công trình, sản phẩm đo đạc và bản đồ thực hiện bằng ngân sách nhà nước

1. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn bộ về khối lượng và chất lượng các công trình, sản phẩm đo đạc và bản đồ được giao thực hiện bằng ngân sách nhà nước; tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện công trình, sản phẩm đo đạc và bản đồ phải chịu trách nhiệm về chất lượng phần công trình, sản phẩm đo đạc và bản đồ do mình thực hiện.

2. Cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ cung cấp thông tin, tư liệu phục vụ các công trình, sản phẩm đo đạc và bản đồ có trách nhiệm cung cấp đúng, đủ và kịp thời các thông tin, tư liệu do mình đang quản lý.

Điều 8. Kiểm tra, thẩm định chất lượng công trình, sản phẩm đo đạc và bản đồ thực hiện bằng ngân sách nhà nước

Công trình, sản phẩm đo đạc và bản đồ thực hiện bằng ngân sách nhà nước phải được kiểm tra, thẩm định chất lượng theo quy định tại Điều 24 của Nghị định này, trách nhiệm thực hiện được quy định như sau:

1. Cơ quan quản lý nhà nước về đo đạc bản đồ có trách nhiệm kiểm tra, thẩm định chất lượng công trình, sản phẩm đo đạc và bản đồ do mình thực hiện; các công trình, sản phẩm đo đạc và bản đồ khác được Chính phủ giao.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Nghị định này có trách nhiệm kiểm tra, thẩm định chất lượng công trình, sản phẩm đo đạc và bản đồ chuyên ngành do mình thực hiện.

3. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có trách nhiệm kiểm tra, thẩm định chất lượng công trình, sản phẩm đo đạc và bản đồ địa chính, đo đạc và bản đồ chuyên dụng của địa phương mình.

4. Tổ chức sự nghiệp đo đạc và bản đồ có chức năng thẩm định chất lượng công trình, sản phẩm đo đạc và bản đồ có nhiệm vụ thẩm định chất lượng khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm định.

5. Tổ chức kinh tế được cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ có nội dung kiểm tra kỹ thuật và thẩm định chất lượng thì được thực hiện kiểm tra kỹ thuật và thẩm định chất lượng công trình, sản phẩm đo đạc và bản đồ theo đề nghị của chủ đầu tư.

Điều 9. Bảo vệ các công trình xây dựng đo đạc

1. Công trình xây dựng đo đạc là tài sản của nhà nước, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn và giáo dục mọi công dân ý thức bảo vệ các công trình này.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về đo đạc bản đồ quy định cụ thể về việc quản lý sử dụng và bảo vệ công trình xây dựng đo đạc.

3. Mọi tổ chức, cá nhân không được tự tiện sử dụng công trình xây dựng đo đạc nếu không được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước về đo đạc bản đồ ở Trung ương hoặc cấp tỉnh theo phân cấp, trong quá trình sử dụng phải giữ gìn bảo vệ dấu mốc đo đạc, không làm hư hỏng, sử dụng xong phải khôi phục lại tình trạng như ban đầu.

4. Sau khi hoàn thành việc xây dựng các dấu mốc đo đạc, các đơn vị thực hiện nhiệm vụ đo đạc phải làm biên bản bàn giao dấu mốc kèm theo sơ đồ vị trí và tình trạng mốc tại thực địa cho cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) với sự có mặt của chủ sử dụng đất; sau khi hoàn thành toàn bộ dự án, chủ đầu tư phải bàn giao toàn bộ số lượng các dấu mốc kèm theo bản ghi chú điểm cho cơ quan quản lý nhà nước về đo đạc bản đồ theo phân cấp.

5. Chủ sử dụng đất và chủ sở hữu công trình nơi có các dấu mốc đo đạc có trách nhiệm báo cáo cán bộ địa chính cấp xã khi tiến hành xây dựng hoặc cải tạo công trình trong trường hợp có ảnh hưởng đến dấu mốc đo đạc.

6. Sau khi nhận bàn giao các dấu mốc đo đạc, cán bộ địa chính cấp xã có trách nhiệm:

a) Ghi vào sổ địa chính ở phần ghi chú về dấu mốc đo đạc trên thửa đất;

b) Bảo vệ dấu mốc đo đạc không bị xê dịch hoặc di chuyển, không bị phá huỷ hoặc hư hỏng;

c) Khi phát hiện thấy các dấu mốc đo đạc bị xâm hại hoặc có khả năng bị xâm hại thì cán bộ địa chính cấp xã phải báo cáo Sở Địa chính hoặc Sở Địa chính - Nhà đất (sau đây gọi chung là Sở Địa chính) trong thời gian sớm nhất.

7. Sở Địa chính có trách nhiệm:

a) Chỉ rõ cho chủ sử dụng đất các dấu mốc đo đạc có trên thửa đất và ghi vào biên bản bàn giao khi giao đất tại thực địa cho tổ chức, cá nhân;

b) Giải quyết hoặc báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về đo đạc bản đồ theo phân cấp quản lý dấu mốc đo đạc trong trường hợp công trình xây dựng trên thửa đất làm ảnh hưởng đến dấu mốc đo đạc để quyết định huỷ bỏ, gia cố hoặc di dời;

c) Báo cáo hàng năm bằng văn bản với cơ quan quản lý nhà nước về đo đạc bản đồ về số lượng dấu mốc mới xây dựng trên phạm vi địa phương mình kèm theo bản thống kê số liệu, cấp hạng và tình trạng sử dụng.

Điều 10. Lưu trữ, cung cấp thông tin, tư liệu đo đạc và bản đồ

1. Cơ quan quản lý nhà nước về đo đạc bản đồ có trách nhiệm:

a) Thống kê và thông báo công khai hiện trạng thông tin, tư liệu đo đạc và bản đồ phục vụ mục đích dân dụng trong cả nước theo định kỳ hàng năm;

b) Cập nhật, lưu trữ và cung cấp thông tin, tư liệu về hệ quy chiếu quốc gia; hệ thống số liệu gốc đo đạc quốc gia; hệ thống điểm đo đạc cơ sở quốc gia; hệ thống không ảnh cơ bản và không ảnh phục vụ quản lý đất đai; hệ thống bản đồ địa hình quốc gia, bản đồ nền, bản đồ địa lý tổng hợp, bản đồ hành chính, bản đồ địa chính, bản đồ sử dụng đất; hệ thống cơ sở dữ liệu địa lý quốc gia và cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.

2. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm cập nhật, lưu trữ và cung cấp thông tin, tư liệu về hệ quy chiếu, hệ thống điểm đo đạc cơ sở, hệ thống không ảnh, hệ thống bản đồ địa hình và bản đồ chuyên đề, hệ thống cơ sở dữ liệu địa lý phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh.

3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Nghị định này có trách nhiệm cập nhật, lưu trữ và cung cấp thông tin, tư liệu về hệ thống điểm đo đạc cơ sở, hệ thống không ảnh, hệ thống bản đồ địa hình và bản đồ chuyên đề, hệ thống cơ sở dữ liệu địa lý phục vụ riêng cho chuyên ngành của mình.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm cập nhật, lưu trữ và cung cấp thông tin tư liệu về hệ thống điểm đo đạc cơ sở; hệ thống bản đồ địa hình, bản đồ hành chính, bản đồ địa chính, bản đồ chuyên đề; hệ thống thông tin địa lý và thông tin đất đai phục vụ riêng cho mục đích chuyên dụng trong phạm vi địa phương mình.

Điều 11. Hoạt động đo đạc và bản đồ ở Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài

1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp hoặc hợp tác với các tổ chức trong nước thực hiện hoạt động đo đạc và bản đồ ở Việt Nam phải có dự án đo đạc và bản đồ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và cấp giấy phép tiến hành đo đạc bản đồ.

2. Sau khi hoàn thành thực hiện dự án đo đạc và bản đồ, chủ đầu tư dự án phải nộp 01 bản sao thành quả cho cơ quan quản lý nhà nước về đo đạc bản đồ.

Điều 12. Trao đổi quốc tế về thông tin, tư liệu đo đạc và bản đồ

1. Các loại thông tin, tư liệu đo đạc và bản đồ, sản phẩm đo đạc và bản đồ thuộc phạm vi bí mật nhà nước không được trao đổi với nước ngoài, trong trường hợp cần thiết phải được phép của các cơ quan có thẩm quyền quyết định mức độ bí mật nhà nước được quy định tại Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước.

2. Tổ chức và cá nhân được trao đổi với nước ngoài các loại ấn phẩm bản đồ, thông tin địa lý đã xuất bản.

3. Tổ chức và cá nhân công bố, phổ biến ra nước ngoài thông tin tư liệu đo đạc và bản đồ, sản phẩm đo đạc và bản đồ không xuất bản thực hiện theo quy định tại Nghị định số 72/2000/NĐ-CP ngày 05 tháng 12 năm 2000 của Chính phủ về công bố, phổ biến tác phẩm ra nước ngoài và hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước về đo đạc bản đồ.

Điều 13. Xuất nhập khẩu sản phẩm đo đạc và bản đồ

1. Các loại sản phẩm đo đạc và bản đồ đã được xuất bản và không thuộc phạm vi bí mật nhà nước thì được xuất khẩu.

2. Việc nhập khẩu các loại sản phẩm đo đạc và bản đồ vào Việt Nam thực hiện theo quy định của Bộ Văn hoá - Thông tin và cơ quan quản lý nhà nước về đo đạc bản đồ.

Điều 14. Quyền sở hữu sản phẩm, thông tin, tư liệu đo đạc và bản đồ

1. Quyền sở hữu, quyền tác giả đối với sản phẩm thông tin, tư liệu đo đạc và bản đồ thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự.

2. Tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế có quyền được sử dụng sản phẩm đo đạc và bản đồ, thông tin, tư liệu đo đạc và bản đồ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước vào sản phẩm của mình theo quy định của pháp luật.

Nghị định 12/2002/NĐ-CP về hoạt động đo đạc và bản đồ

  • Số hiệu: 12/2002/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 22/01/2002
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 9 đến số 10
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH