Hệ thống pháp luật

Điều 2 Nghị định 100/2005/NĐ-CP về việc thực hiện công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học

Điều 2.Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Vũ khí hoá học bao gồm một, hai hoặc tất cả các loại sau:

a) Các hoá chất độc và tiền chất của chúng, trừ trường hợp được sử dụng cho những mục đích không bị Công ước cấm với số lượng và chủng loại phù hợp với các mục đích đó;

b) Đạn dược và trang thiết bị được thiết kế đặc biệt để sử dụng các độc tính của các hoá chất độc và tiền chất nêu tại điểm a khoản này nhằm gây tử vong hoặc các tác hại khác;

c) Bất kỳ loại trang thiết bị nào được thiết kế đặc biệt để dùng trực tiếp các loại đạn dược và thiết bị nêu tại điểm b khoản này.

2. Hoá chất độc là bất kỳ hoá chất nào thông qua tác động hoá học của nó lên quá trình sống của người hoặc động vật có thể gây tử vong, tê liệt tạm thời hoặc lâu dài, ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính hoặc gây huỷ hoại môi trường, môi sinh. Khái niệm này được áp dụng cho tất cả các loại hoá chất có đặc tính nêu trên, không phân biệt nguồn gốc, phương pháp sản xuất và cơ sở sản xuất.

3. Tiền chất là hoá chất được sử dụng trong bất kỳ một công đoạn nào của một quá trình công nghệ để phản ứng hoá học với hoá chất khác nhằm tạo thành một hoá chất độc và có vai trò quyết định nhất về mặt độc tính của hoá chất độc đó. Tiền chất là thành tố cơ bản của hệ hoá chất nhị nguyên tố hoặc đa nguyên tố.

4. Hoá chất bảng là hoá chất độc và tiền chất bị kiểm soát theo quy định của Công ước và được phân theo thứ tự 1, 2, 3 theo mức độ độc tính giảm dần. Danh sách các hoá chất bảng được quy định tại Phụ lục số 1 Nghị định này.

5. Chất chống bạo loạn là hoá chất không phải hoá chất bảng nhưng có thể gây ra kích ứng nhanh có hại hoặc làm ảnh hưởng đến khả năng hoạt động nào đó của con người. Các tác động trên sẽ biến mất sau một thời gian ngắn ngừng tiếp xúc với hoá chất nêu trên.

6. Hoá chất khác là hoá chất không phải hoá chất bảng nhưng không bao gồm: các hợp chất hydrocarbon, thuốc nổ và các polymer mạch dài. Các hoá chất khác được phân thành hoá chất DOC và hoá chất DOC-PSF, trong đó:

a) Hoá chất DOC là hoá chất hữu cơ riêng biệt, bao gồm tất cả các hợp chất có chứa cacbon, ngoại trừ các ôxit, sunfua của nó và các cacbonat kim loại, được phân biệt bởi tên, công thức cấu tạo (nếu có) hoặc số đăng ký CAS (nếu có) của hoá chất đó;

b) Hoá chất DOC-PSF là hoá chất hữu cơ riêng biệt có chứa một trong các nguyên tố, như phốt pho, lưu huỳnh hoặc flo.

7. Sản xuất hoá chất là việc tạo ra một hoỏ chất thụng qua phản ứng hoỏ học.

8. Chế biến hoá chất là việc thực hiện một quá trình lý học như pha chế, chưng cất, chiết xuất, tinh chế mà ở đó một hoá chất không bị biến đổi thành hoá chất khác.

9. Tiêu dùng hoá chất là việc chuyển hoá một hoá chất thành một hoá chất khác thông qua một phản ứng hoá học.

10. Cất giữ hoá chất là việc lưu giữ, bảo quản hoá chất chưa sử dụng hoặc sử dụng chưa hết trong kho chứa, thùng chứa, bồn chứa chuyên dụng tại cơ sở hóa chất. Khái niệm này được dùng đối với hoá chất Bảng 1.

11. Các mục đích không bị Công ước cấm, gồm:

a) Phát triển công nghiệp, nông nghiệp, nghiên cứu, y tế, dược phẩm và các mục đích hoà bình khác;

b) Bảo vệ liên quan trực tiếp đến việc phòng, chống hóa chất độc và vũ khí hóa học;

c) Hoạt động quốc phòng, an ninh không gắn với việc sử dụng vũ khí hóa học và không sử dụng độc tính của hóa chất như là phương tiện chiến tranh;

d) Cưỡng chế thi hành luật, kể cả chống bạo loạn trong nước.

12. Cơ sở hoá chất là nơi diễn ra một hay nhiều trong số các hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu dùng và cất giữ hoá chất chịu sự kiểm soát của Công ước. Cơ sở hoá chất có thể là một địa điểm gồm hai hay nhiều nhà máy, một nhà máy hoặc một bộ phận sản xuất độc lập. Cơ sở hoá chất được phân thành cơ sở hoá chất Bảng 1, 2, 3 và cơ sở hoá chất DOC, DOC-PSF, trong đó:

a) Cơ sở hoá chất Bảng 1 là nơi diễn ra một hay nhiều trong số các hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu dùng hoặc cất giữ hoá chất Bảng 1. Cơ sở hoá chất Bảng 1 được phân thành cơ sở quy mô đơn lẻ và cơ sở khác, trong đó:

- Cơ sở quy mô đơn lẻ là cơ sở sản xuất hoá chất Bảng 1 cho các mục đích: nghiên cứu, y tế, dược phẩm hoặc bảo vệ. Tại cơ sở quy mô đơn lẻ, việc sản xuất được thực hiện trong các thiết bị phản ứng không cấu thành sản xuất liên tục. Dung tích của các thiết bị phản ứng không vượt quá 100 lít và tổng dung tích của các thiết bị phản ứng có dung tích trên 5 lít không vượt quá 500 lít.

- Cơ sở khác là cơ sở hoá chất Bảng 1 nhưng khác với cơ sở quy mô đơn lẻ, bao gồm: cơ sở sản xuất hoỏ chất Bảng 1 cho mục đớch bảo vệ với tổng sản lượng khụng vượt quỏ 10 kg/năm; cơ sở sản xuất các hoá chất Bảng 1 cho mục đích nghiên cứu, y tế hoặc dược phẩm với sản lượng trên 100 gam/năm đối với một hoá chất, nhưng tổng sản lượng không vượt quá 10 kg/năm; phòng thí nghiệm điều chế tổng hợp hoá chất Bảng 1 cho mục đích: nghiên cứu, y tế, dược phẩm với tổng sản lượng từ 100 gam/năm trở lên.

b) Cơ sở hoá chất Bảng 2 là nơi diễn ra một hay nhiều trong số các hoạt động sản xuất, chế biến hoặc tiêu dùng hoá chất Bảng 2.

c) Cơ sở hoá chất Bảng 3 là nơi diễn ra hoạt động sản xuất hoá chất Bảng 3.

d) Cơ sở hoá chất DOC, DOC-PSF là nơi diễn ra hoạt động sản xuất hoá chất DOC, DOC-PSF.

13. Sản lượng là khối lượng sản phẩm thực tế đã sản xuất, chế biến, tiêu dùng hoặc dự kiến sản xuất, chế biến, tiêu dùng trong năm nào đó của một cơ sở hóa chất đối với một hoá chất cụ thể. Sản lượng có thể bằng hoặc vượt công suất sản xuất của cơ sở đối với hoá chất đó.

14. Kiểm chứng số liệu xuất nhập khẩu là việc Tổ chức Công ước hoặc Cơ quan quốc gia Việt Nam kiểm tra, xem xét, đối chiếu số liệu xuất khẩu, nhập khẩu các hoá chất bảng của các tổ chức, cá nhân được cấp phép nhằm mục đích tái xác nhận sự phù hợp của các số liệu đã khai báo hoặc phát hiện các sai sót phải điều chỉnh để bảo đảm sự minh bạch, chính xác và trung thực của việc khai báo.

15. Thanh sát là cuộc kiểm tra tại chỗ do Tổ chức Công ước tiến hành tại một cơ sở hoá chất thuộc diện bị thanh sát đã được quốc gia thành viên khai báo với Tổ chức Công ước nhằm xác nhận sự phù hợp của thông tin đã khai báo và chứng nhận việc tuân thủ các quy định của Công ước tại cơ sở nêu trên.

16. Thanh sát ban đầu là cuộc thanh sát đầu tiên của Tổ chức Công ước đối với một cơ sở hoá chất bất kỳ thuộc diện bị thanh sát.

17. Thanh sát lại là cuộc thanh sát sau cuộc thanh sát ban đầu đối với một cơ sở hoá chất Bảng 3 hoặc cơ sở DOC, DOC-PSF do Tổ chức Công ước tiến hành để tái kiểm tra sự phù hợp của khai báo mà quốc gia thành viên đã nộp cho Tổ chức Công ước.

18. Thanh sát có hệ thống là cuộc thanh sát sau cuộc thanh sát ban đầu được tiến hành định kỳ tại một cơ sở hoá chất Bảng 1 hoặc Bảng 2 theo một thoả thuận riêng về cơ sở đó (thoả thuận cơ sở) nhằm mục đích kiểm tra và tái xác nhận sự phù hợp của khai báo mà quốc gia thành viên đã đệ trình với Tổ chức Công ước.

19. Thoả thuận cơ sở là thoả thuận được ký kết giữa quốc gia thành viên với Tổ chức Công ước liên quan đến việc thanh sát một cơ sở hoá chất cụ thể thuộc diện bị thanh sát. Thoả thuận cơ sở được dự thảo trong thời gian diễn ra cuộc thanh sát ban đầu và thường được lập cho các cơ sở hoá chất Bảng 1 và 2.

20. Thanh sát đột xuất là cuộc thanh sát đối với một cơ sở hoá chất bất kỳ nằm trên lãnh thổ hoặc bất cứ nơi nào thuộc quyền tài phán của một quốc gia thành viên vào bất kỳ thời điểm nào nhằm mục đích làm sáng tỏ các cáo buộc về việc không tuân thủ Công ước tại cơ sở hoá chất nêu trên. Việc tiến hành một cuộc thanh sát đột xuất được tiến hành theo yêu cầu của một quốc gia thành viên khác và được Hội đồng Chấp hành của Tổ chức Công ước xem xét, quyết định theo trình tự quy định tại Điều IX và phần X Phụ lục kiểm chứng của Công ước.

21. Tổ chức cấm vũ khí hoá học (sau đây gọi là Tổ chức Công ước) là tổ chức do các quốc gia thành viên Công ước thành lập nhằm thực hiện các mục đích và mục tiêu của Công ước thông qua việc bảo đảm tuân thủ các điều khoản của Công ước.

22. Quốc gia thành viên Công ước là quốc gia đã ký và phê chuẩn hoặc gia nhập Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá huỷ vũ khí hoá học và chính thức trở thành thành viên Công ước sau ngày thứ 30 kể từ ngày nộp lưu chiểu phê chuẩn hoặc thông báo về việc gia nhập Công ước cho Tổng thư ký Liên hợp quốc. Danh sách các quốc gia thành viên Công ước nêu tại Phụ lục số 2 của Nghị định này.

23. Cơ quan quốc gia Việt Nam về thực hiện Công ước (sau đây gọi là Cơ quan quốc gia Việt Nam) là tổ chức liên ngành do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. Bộ Công nghiệp là đại diện Cơ quan quốc gia Việt Nam trong quan hệ với Tổ chức Công ước và thay mặt Cơ quan quốc gia Việt Nam giải quyết các công việc liên quan đến Công ước.

24. Đội hộ tống là nhóm công chức do Cơ quan quốc gia Việt Nam cử ra để phối hợp làm việc với đội thanh sát của Tổ chức Công ước trong quá trình đội thanh sát tiến hành hoạt động thanh sát tại Việt Nam.

Nghị định 100/2005/NĐ-CP về việc thực hiện công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học

  • Số hiệu: 100/2005/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 03/08/2005
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 40 đến số 41
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH