Hệ thống pháp luật

Mục 1 Chương 5 Nghị định 100/2005/NĐ-CP về việc thực hiện công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học

Mục 1: THANH TRA, KIỂM TRA

Điều 21.Trách nhiệm và thẩm quyền thanh tra, kiểm tra

1. Cơ quan quốc gia Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công nghiệp, các Bộ, ngành và cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra các hoạt động liên quan đến hoá chất bị kiểm soát bởi Công ước được quy định tại Nghị định này nhằm chấn chỉnh, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm trong việc thực hiện Công ước.

2. Thẩm quyền thanh tra, kiểm tra được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.

3. Trong khi làm nhiệm vụ, cơ quan và người tiến hành thanh tra, kiểm tra có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật có liên quan; tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, đơn vị được thanh tra, kiểm tra.

Điều 22.Quyết định thanh tra, kiểm tra

1. Việc thanh tra, kiểm tra được tiến hành dưới các hình thức sau đây:

a) Kiểm tra thường xuyên theo chức năng quản lý và thẩm quyền được pháp luật quy định;

b) Thành lập đoàn để thanh tra, kiểm tra theo định kỳ từng quý, sáu tháng, hàng năm hoặc tiến hành đột xuất khi xét thấy cần thiết.

2. Việc thanh tra, kiểm tra đột xuất dựa trên những căn cứ sau đây:

a) Thông qua công tác quản lý của mình, cơ quan có thẩm quyền phát hiện các thông tin, tài liệu có dấu hiệu vi phạm các quy định của Công ước, quy định của Nghị định này và quy định pháp luật có liên quan;

b) Có tin báo, tố giác của người khác về các hoạt động vi phạm;

c) Theo yêu cầu của Cơ quan quốc gia Việt Nam hoặc của Tổ chức Công ước.

3. Thủ trưởng cơ quan chủ trì thanh tra, kiểm tra quyết định thành phần đoàn thanh tra, kiểm tra trên cơ sở mục đích, yêu cầu, phạm vi và nội dung thanh tra, kiểm tra; trong trường hợp cần thành lập đoàn liên ngành thì trao đổi với các cơ quan có liên quan để cử người phối hợp.

4. Việc thanh tra, kiểm tra theo đoàn phải có quyết định bằng văn bản của thủ trưởng ngành từ cấp tỉnh trở lên. Quyết định thanh tra, kiểm tra phải ghi rõ tên cơ quan tiến hành thanh tra; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức được thanh tra, kiểm tra; thời gian tiến hành, phạm vi và nội dung thanh tra, kiểm tra; thành phần đoàn thanh tra, kiểm tra; căn cứ để tiến hành thanh tra, kiểm tra (đối với thanh tra, kiểm tra đột xuất).

Điều 23.Tiến hành thanh tra, kiểm tra

1. Trên cơ sở các quy định của Công ước và Nghị định này, việc thanh tra, kiểm tra được tiến hành trên thực tế hoạt động của đối tượng được thanh tra, kiểm tra. Cá nhân, đơn vị được thanh tra, kiểm tra có trách nhiệm tạo điều kiện cho đoàn thanh tra, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ.

2. Kết quả thanh tra, kiểm tra được lập thành biên bản, trong đó nêu rõ quá trình tiến hành thanh tra, kiểm tra; kết luận của đoàn về những vi phạm của cá nhân, đơn vị được thanh tra, kiểm tra; những kiến nghị hoặc yêu cầu của đoàn thanh tra, kiểm tra và những nội dung cần thiết khác; biên bản phải có chữ ký của trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra và của cá nhân hoặc người đứng đầu đơn vị được thanh tra, kiểm tra.

3. Trường hợp phát hiện vi phạm có dấu hiệu của tội phạm thì trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra được quyền tạm đình chỉ hoạt động vi phạm, có trách nhiệm bảo vệ hiện trường và tang vật vi phạm, đồng thời báo ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Nghị định 100/2005/NĐ-CP về việc thực hiện công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học

  • Số hiệu: 100/2005/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 03/08/2005
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 40 đến số 41
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH