Hệ thống pháp luật

Mục 3 Chương 3 Nghị định 10/2013/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

MỤC 3. BẢO TRÌ TÀI SẢN HẠ TẦNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 22. Giao cho tổ chức, cá nhân thực hiện bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ

1. Mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu và năng lực đều được Nhà nước xem xét giao thực hiện việc bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ.

2. Định kỳ hàng năm cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tải sản hạ tầng đường bộ có trách nhiệm lập và công bố công khai Danh mục và kế hoạch bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý.

3. Danh mục và kế hoạch bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ quy định tại Khoản 2 Điều này gồm những nội dung chủ yếu sau:

a) Loại tài sản hạ tầng đường bộ;

b) Yêu cầu của cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ;

c) Khối lượng công việc cần thực hiện; đơn giá cho từng khối lượng công việc; tổng kinh phí; nguồn kinh phí; phương thức nghiệm thu và thanh toán;

đ) Cơ chế ưu đãi (nếu có) áp dụng cho tổ chức, cá nhân được giao bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ;

đ) Những nội dung khác có liên quan.

4. Việc lựa chọn tổ chức, cá nhân để bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ thực hiện theo quy định của pháp luật; trừ trường hợp giao việc bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ cho nhà thầu thi công xây dựng quy định tại Điều 23 Nghị định này.

5. Việc bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ được thực hiện thông qua Hợp đồng kinh tế theo các phương thức quy định tại Điều 24, 25 Nghị định này.

Điều 23. Giao việc bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ cho nhà thầu thi công xây dựng

1. Nhà thầu thi công dự án đầu tư xây dựng mới tài sản hạ tầng đường bộ được giao thực hiện bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ do nhà thầu thi công; trừ trường hợp nhà thầu thi công xây dựng từ chối thực hiện việc bảo trì.

2. Việc giao bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ cho nhà thầu thi công xây dựng được áp dụng đối với hoạt động bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ; cụ thể như sau:

a) Căn cứ đơn giá bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ được xác định theo quy định tại Khoản 3 Điều 24 Nghị định này; người quyết định đầu tư dự án đầu tư xây dựng mới tài sản hạ tầng đường bộ có trách nhiệm:

- Xác định tổng mức kinh phí phục vụ bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ trong một thời gian nhất định;

- Quyết định giao cho nhà thầu thi công xây dựng thực hiện việc bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ theo phương thức quy định tại Điều 24 Nghị định này.

b) Kinh phí bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ do ngân sách nhà nước đảm bảo theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và được chi trả theo tiến độ và kết quả chất lượng thực hiện trong thời hạn bảo dưỡng thường xuyên.

c) Căn cứ quyết định giao trách nhiệm bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ của người quyết định đầu tư dự án; chủ đầu tư có trách nhiệm:

- Ký Hợp đồng bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ với nhà thầu thi công xây dựng theo quy định của pháp luật;

- Tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện Hợp đồng;

- Nghiệm thu và thanh toán kinh phí bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ cho nhà thầu xây dựng theo Hợp đồng ký kết.

3. Trong thời gian thực hiện Hợp đồng bảo dưỡng thường xuyên có phát sinh hoạt động sửa chữa đột xuất hoặc sửa chữa định kỳ; căn cứ chất lượng bảo dưỡng thường xuyên mà nhà thầu thi công xây dựng đã thực hiện; cơ quan nhà nước có thẩm quyền ưu tiên giao cho nhà thầu thi công xây dựng thực hiện sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất theo phương thức quy định tại Điều 25 Nghị định này. Thẩm quyền quyết định cụ thể như sau:

a) Bộ Giao thông vận tải quyết định giao cho nhà thầu thi công xây dựng thực hiện sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao cho nhà thầu thi công xây dựng thực hiện sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý.

4. Quyền và nghĩa vụ của nhà thầu thi công xây dựng khi thực hiện bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ:

a) Được Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi thực hiện bảo trì; được chủ động thực hiện các biện pháp trong hoạt động bảo trì nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng theo Hợp đồng ký kết; được thanh toán tiền bảo trì theo Hợp đồng ký kết; được khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật nếu quyền và lợi ích bị xâm phạm;

b) Thực hiện bảo trì đảm bảo đúng quy định tại Hợp đồng ký kết; chịu trách nhiệm trước pháp luật khi vi phạm quy định trong Hợp đồng ký kết.

5. Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục hành chính về giao việc bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ cho nhà thầu thi công xây dựng.

Điều 24. Bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ theo chất lượng thực hiện

1. Bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ theo chất lượng thực hiện là việc Nhà nước giao khoán cho tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động bảo trì theo các tiêu chuẩn chất lượng đã được xác định trước trong một thời gian nhất định với một số tiền nhất định theo quy định tại Hợp đồng kinh tế.

2. Bảo trì theo chất lượng thực hiện áp dụng đối với hoạt động bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ.

3. Cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ có trách nhiệm xác định cụ thể đơn giá bảo dưỡng thường xuyên cho từng tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi được giao quản lý; trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

4. Đơn giá bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ được xác định bằng một trong các phương pháp sau:

a) Xác định theo định mức kinh tế - kỹ thuật của hoạt động bảo dưỡng thường xuyên;

b) Xác định trên cơ sở mức giá bình quân của hoạt động bảo dưỡng thường xuyên 3 năm liền kề trước đó cộng với yếu tố trượt giá (nếu có);

c) Kết hợp hai phương pháp quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này.

5. Thẩm quyền quyết định đơn giá bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ:

a) Bộ Giao thông vận tải quyết định hoặc phân cấp quyết định đơn giá bảo dưỡng thường xuyên đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc phân cấp quyết định đơn giá bảo dưỡng thường xuyên đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý.

6. Căn cứ quyết định phê duyệt đơn giá bảo dưỡng thường xuyên của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Khoản 5 Điều này; cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ có trách nhiệm:

a) Lựa chọn tổ chức, cá nhân để ký Hợp đồng thực hiện bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật;

b) Tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện Hợp đồng;

c) Nghiệm thu và thanh toán kinh phí bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ theo Hợp đồng ký kết.

7. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân thực hiện bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ theo chất lượng thực hiện:

a) Được Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi thực hiện bảo trì; được chủ động thực hiện các biện pháp trong hoạt động bảo trì nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng theo Hợp đồng ký kết; định kỳ được thanh toán một khoản kinh phí cố định theo Hợp đồng; được khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật nếu quyền và lợi ích bị xâm phạm;

b) Thực hiện bảo trì đảm bảo đúng yêu cầu quy định tại Hợp đồng ký kết; chịu trách nhiệm trước pháp luật khi vi phạm quy định trong Hợp đồng ký kết.

8. Bộ Giao thông vận tải quy định tiêu chí giám sát, nghiệm thu kết quả bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ theo chất lượng thực hiện; hướng dẫn việc xác định đơn giá bảo dưỡng thường xuyên cho phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại tài sản hạ tầng đường bộ.

Điều 25. Bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ theo khối lượng thực tế

1. Bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ theo khối lượng thực tế là việc Nhà nước giao cho tổ chức, cá nhân thực hiện việc bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ và thực hiện thanh toán cho tổ chức, cá nhân theo khối lượng công việc thực tế đã thực hiện.

2. Bảo trì theo khối lượng thực tế áp dụng đối với hoạt động sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất.

3. Căn cứ tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức, đơn giá bảo trì và khối lượng công việc cần thực hiện; cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ lập hồ sơ và dự toán kinh phí phục vụ sửa chữa định kỳ hoặc sửa chữa đột xuất tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi được giao quản lý; báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

4. Căn cứ quyết định phê duyệt dự toán kinh phí của cơ quan nhà nuớc có thẩm quyền; cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ lựa chọn tổ chức, cá nhân để ký Hợp đồng thực hiện sửa chữa định kỳ hoặc sửa chữa đột xuất tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của pháp luật.

5. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ được quyết định và chịu trách nhiệm về kinh phí, phương thức thực hiện sửa chữa đột xuất đối với những trường hợp sửa chữa đột xuất cần thiết phải khắc phục ngay.

6. Việc sử dụng, thanh toán, quyết toán kinh phí sửa chữa định kỳ hoặc sửa chữa đột xuất tài sản hạ tầng đường bộ theo khối lượng thực tế được thực hiện theo quy định của pháp luật.

7. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân thực hiện bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ theo khối lượng thực tế:

a) Được Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi thực hiện bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ; được khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật nếu quyền và lợi ích bị xâm phạm;

b) Thực hiện bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ theo Hợp đồng ký kết; được thanh toán kinh phí bảo trì theo công việc thực tế thực hiện; chịu trách nhiệm trước pháp luật khi vi phạm quy định trong Hợp đồng ký kết.

8. Bộ Giao thông vận tải quy định danh mục những trường hợp sửa chữa đột xuất cần thiết phải khắc phục ngay quy định tại Khoản 5 Điều này.

Nghị định 10/2013/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

  • Số hiệu: 10/2013/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 11/01/2013
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 27/01/2013
  • Số công báo: Từ số 57 đến số 58
  • Ngày hiệu lực: 01/03/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH