Hệ thống pháp luật

Chương 2 Nghị định 10/2013/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Chương 2.

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TÀI SẢN HẠ TẦNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 6. Nội dung quản lý nhà nước về tài sản hạ tầng đường bộ

1. Ban hành các quy định về:

a) Tiêu chuẩn kỹ thuật của tài sản hạ tầng đường bộ;

b) Định mức kinh tế - kỹ thuật về bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ;

c) Chế độ bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ;

d) Chế độ quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan.

3. Lập danh mục, phân loại tài sản hạ tầng đường bộ theo tiêu chuẩn kỹ thuật của từng tài sản hạ tầng đường bộ để có biện pháp quản lý phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ hiện có.

4. Quản lý các nguồn tài chính phát sinh trong quá trình quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ.

5. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ.

Điều 7. Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải

1. Chủ trì xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật về:

a) Tiêu chuẩn kỹ thuật của tài sản hạ tầng đường bộ, trừ các công trình kiến trúc là nhà, trạm;

b) Định mức kinh tế - kỹ thuật về bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ;

c) Chế độ bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ;

d) Khung giá bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý.

3. Quy định, hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc lập danh mục tài sản hạ tầng đường bộ theo tiêu chuẩn kỹ thuật của từng tài sản hạ tầng đường bộ.

4. Thống kê, lập danh mục, phân loại tài sản hạ tầng đường bộ theo tiêu chuẩn kỹ thuật của từng tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý.

5. Quyết định cho thuê quyền khai thác, thanh lý tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý; quyết định điều chuyển tài sản hạ tầng đường bộ giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

6. Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý.

7. Tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ trong phạm vi cả nước.

8. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Trách nhiệm của Bộ Tài chính

1. Chủ trì xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về:

a) Chế độ quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ;

b) Phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ.

2. Quyết định xác lập sở hữu nhà nước, chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông vận tải quyết định phương án quản lý, sử dụng và khai thác đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý được đầu tư theo hình thức Hợp đồng dự án BOT, BTO, BT, PPP và các hình thức chuyển giao khác theo quy định của pháp luật.

3. Quyết định việc bán quyền thu phí, chuyển nhượng có thời hạn tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý; quyết định điều chuyển tài sản hạ tầng đường bộ giữa bộ, cơ quan trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Điều 9. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về:

a) Cụ thể hóa quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý;

b) Khung giá bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý.

2. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý.

3. Tổ chức việc quản lý và phân cấp trách nhiệm quản lý quỹ đất thuộc hành lang an toàn đường bộ cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã.

4. Chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý.

5. Thống kê, lập danh mục, phân loại tài sản hạ tầng đường bộ theo tiêu chuẩn kỹ thuật của từng tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi tỉnh quản lý.

6. Quyết định xác lập sở hữu nhà nước, quyết định phương án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý được đầu tư theo hình thức Hợp đồng dự án BOT, BTO, BT, PPP và các hình thức chuyển giao khác theo quy định của pháp luật.

7. Quyết định điều chuyển, thanh lý, bán quyền thu phí, cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý theo phân cấp của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

8. Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện bảo trì, việc bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và việc chấp hành chế độ quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý.

9. Quyết định các biện pháp thuộc thẩm quyền nhằm huy động nguồn vốn phục vụ bảo trì và phát triển tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý.

10. Tạo quỹ đất dịch vụ hỗ trợ giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 26 Nghị định này.

11. Tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý.

12. Chỉ đạo, kiểm tra việc lập, lưu trữ hồ sơ; báo cáo tình hình quản lý, sử dụng; hạch toán tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý.

13. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi tỉnh quản lý.

14. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý.

Điều 10. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

1. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi huyện quản lý.

2. Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi huyện quản lý.

3. Thống kê, lập danh mục, phân loại tài sản hạ tầng đường bộ theo tiêu chuẩn kỹ thuật của từng tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi huyện quản lý.

4. Quyết định điều chuyển, thanh lý, bán quyền thu phí, cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý theo phân cấp của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

5. Tổ chức ký Hợp đồng, nghiệm thu, thanh toán kinh phí cho tổ chức, cá nhân được giao bảo trì, khai thác và sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định.

6. Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện bảo trì, việc bảo đảm tiêu chuẩn, kỹ thuật và việc chấp hành chế độ quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi huyện quản lý.

7. Chịu trách nhiệm quản lý quỹ đất thuộc hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật về đất đai và phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

8. Lập, lưu trữ hồ sơ; báo cáo tình hình quản lý, sử dụng; hạch toán đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi huyện quản lý.

9. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi huyện quản lý.

10. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi huyện quản lý.

Điều 11. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã

1. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi xã quản lý.

2. Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi xã quản lý.

3. Thống kê, lập danh mục, phân loại tài sản hạ tầng đường bộ theo tiêu chuẩn kỹ thuật của từng tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi xã quản lý.

4. Quyết định điều chuyển, thanh lý, bán quyền thu phí, cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý theo phân cấp của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

5. Quyết định thực hiện các biện pháp thuộc thẩm quyền để huy động nhân lực; vật chất thực hiện bảo trì và quản lý việc sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi xã quản lý.

6. Tổ chức ký Hợp đồng, nghiệm thu, thanh toán kinh phí cho tổ chức, cá nhân được giao bảo trì, khai thác và sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định.

7. Chịu trách nhiệm quản lý quỹ đất thuộc hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật về đất đai và phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

8. Lập, lưu trữ hồ sơ; báo cáo tình hình quản lý, sử dụng; hạch toán đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi xã quản lý.

9. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi xã quản lý.

10. Kiểm tra, thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi xã quản lý.

Điều 12. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ

1. Cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ thuộc Bộ Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm thực hiện các quy định sau:

a) Tổ chức thực hiện quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý;

b) Tổ chức ký Hợp đồng, nghiệm thu, thanh toán kinh phí cho tổ chức, cá nhân được giao bảo trì, khai thác và sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định;

c) Xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý;

d) Lập, lưu trữ hồ sơ; báo cáo tình hình quản lý, sử dụng; hạch toán đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý;

đ) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý;

e) Kiểm tra, thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý.

2. Cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ là Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện theo quy định tại Điều 10, Điều 11 Nghị định này.

Điều 13. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được giao bảo trì, khai thác và sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ

1. Bảo trì, khai thác và sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của pháp luật, Hợp đồng đã ký kết với cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ.

2. Phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm đối với tài sản hạ tầng đường bộ.

3. Chịu trách nhiệm về chất lượng tài sản hạ tầng đường bộ bị xuống cấp do không thực hiện việc bảo trì theo quy định.

4. Chủ động thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn của tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của pháp luật.

5. Được Nhà nước ưu đãi về vốn, thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.

Nghị định 10/2013/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

  • Số hiệu: 10/2013/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 11/01/2013
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 27/01/2013
  • Số công báo: Từ số 57 đến số 58
  • Ngày hiệu lực: 01/03/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH