Hệ thống pháp luật

Chương 5 Luật Thương mại 1997

Chương 5:

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THƯƠNG MẠI

Mục 1: NỘI DUNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THƯƠNG MẠI

Điều 244. Quản lý Nhà nước về thương mại

Nhà nước thống nhất quản lý về thương mại bằng pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển thương mại.

Nhà nước điều tiết hoạt động thương mại chủ yếu bằng biện pháp kinh tế và các công cụ giá cả, tài chính, tín dụng.

Điều 245. Nội dung quản lý Nhà nước về thương mại

Nội dung quản lý Nhà nước về thương mại gồm:

1- Ban hành các văn bản pháp luật về thương mại, xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển thương mại;

2- Tổ chức đăng ký kinh doanh thương mại;

3- Tổ chức thu thập, xử lý, cung cấp thông tin; dự báo và định hướng về thị trường trong nước và ngoài nước;

4- Hướng dẫn tiêu dùng hợp lý, tiết kiệm;

5- Điều tiết lưu thông hàng hoá theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước và theo quy định của pháp luật;

6- Quản lý chất lượng hàng hoá lưu thông trong nước và hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu;

7- Tổ chức, hướng dẫn các hoạt động xúc tiến thương mại;

8- Tổ chức và quản lý công tác nghiên cứu khoa học thương mại;

9- Đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ hoạt động thương mại;

10- Ký kết hoặc tham gia các điều ước quốc tế về thương mại;

11- Đại diện và quản lý hoạt động thương mại của Việt Nam ở nước ngoài;

12- Hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển thương mại và việc chấp hành pháp luật về thương mại; xử lý vi phạm pháp luật về thương mại; tổ chức việc đấu tranh chống buôn lậu, buôn bán hàng cấm, buôn bán hàng giả, đầu cơ lũng đoạn thị trường, kinh doanh trái phép và các hành vi khác vi phạm pháp luật về thương mại.

Điều 246. Cơ quan quản lý Nhà nước về thương mại

1- Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về thương mại.

2- Bộ thương mại chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện việc quản lý Nhà nước về thương mại.

3- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quản lý Nhà nước về thương mại đối với lĩnh vực được phân công phụ trách.

Chính phủ quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc phối hợp với Bộ thương mại để thực hiện việc quản lý Nhà nước về thương mại.

4- Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện việc quản lý Nhà nước về thương mại trong phạm vi địa phương theo sự phân cấp của Chính phủ.

Điều 247. Hệ thống tổ chức quản lý Nhà nước về thương mại

Hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý Nhà nước về thương mại do Chính phủ quy định.

Điều 248. Trách nhiệm trong việc thực hiện Luật thương mại

1- Các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát và phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước về thương mại trong việc thi hành Luật này.

2- Mọi cá nhân, tổ chức hoạt động thương mại tại Việt Nam có trách nhiệm thi hành Luật này.

Mục 2: THANH TRA THƯƠNG MẠI

Điều 249. Thanh tra thương mại

Thanh tra thương mại là Thanh tra chuyên ngành về thương mại.

Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra chuyên ngành về thương mại do Chính phủ quy định.

Điều 250. Nội dung hoạt động của Thanh tra thương mại

Nội dung hoạt động của Thanh tra thương mại gồm:

1- Kiểm tra việc đăng ký kinh doanh;

2- Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thương mại;

3- Phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền, kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về thương mại;

4- Kiến nghị các biện pháp bảo đảm việc thi hành pháp luật về thương mại và hoàn thiện pháp luật về thương mại.

Điều 251. Đối tượng của Thanh tra thương mại

Đối tượng của Thanh tra thương mại là hoạt động thương mại của thương nhân.

Điều 252. Quyền hạn của Thanh tra thương mại

Khi tiến hành thanh tra, Thanh tra thương mại có những quyền hạn sau đây:

1- Yêu cầu đương sự và các bên có liên quan cung cấp tài liệu, chứng cứ và trả lời những vấn đề cần thiết có liên quan trực tiếp đến việc thanh tra;

2- Yêu cầu giám định trong trường hợp cần thiết;

3- Lập biên bản thanh tra và kiến nghị biện pháp giải quyết;

4- Áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Điều 253. Trách nhiệm của Thanh tra thương mại

Khi tiến hành thanh tra, Thanh tra thương mại có trách nhiệm:

1- Xuất trình quyết định thanh tra và thẻ thanh tra viên;

2- Thực hiện đúng trình tự, thủ tục thanh tra, không gây phiền hà, sách nhiễu, cản trở hoạt động thương mại bình thường và gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của thương nhân;

3- Báo cáo với cơ quan có thẩm quyền kết quả thanh tra và kiến nghị biện pháp giải quyết;

4- Tuân thủ pháp luật và chịu trách nhiệm trước cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và trước pháp luật về mọi hành vi và quyết định của mình.

Điều 254. Quyền của thương nhân khi Thanh tra thương mại thực hiện việc thanh tra

Khi Thanh tra thương mại thực hiện việc thanh tra, thương nhân có những quyền sau đây:

1- Yêu cầu thanh tra viên xuất trình quyết định thanh tra, thẻ thanh tra viên và thực hiện đúng pháp luật về thanh tra;

2- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về quyết định thanh tra, hành vi của thanh tra viên và về kết luận thanh tra mà mình cho là không đúng;

3- Yêu cầu bồi thường thiệt hại do các biện pháp xử lý không đúng pháp luật của thanh tra viên gây ra.

Điều 255. Nghĩa vụ của thương nhân khi Thanh tra thương mại thực hiện việc thanh tra

Khi Thanh tra thương mại thực hiện việc thanh tra, thương nhân có những nghĩa vụ sau đây:

1- Thực hiện các yêu cầu của thanh tra viên về nội dung thanh tra;

2- Thực hiện các quyết định xử lý của Thanh tra thương mại.

Mục 3: KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 256. Khen thưởng

Tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động thương mại, góp phần thúc đẩy sản xuất, cải thiện đời sống của nhân dân thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 257. Các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại

Các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại gồm:

1- Kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc không đúng với nội dung ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

2- Hoạt động thương mại khi đã bị đình chỉ hoặc bị tước quyền;

3- Không có trụ sở hoặc cửa hàng, cửa hiệu thương mại; không có biển hiệu hoặc biển hiệu trái với nội dung, hình thức được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

4- Đặt Văn phòng đại diện, Chi nhánh mà không có giấy phép hoặc Văn phòng đại diện, Chi nhánh hoạt động trái với nội dung được ghi trong giấy phép;

5- Kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ mà pháp luật cấm kinh doanh;

6- Kinh doanh hàng hoá, cung ứng dịch vụ mà pháp luật quy định kinh doanh có điều kiện nhưng không bảo đảm đủ các điều kiện đó;

7- Không thực hiện khung giá, mức giá đối với những loại hàng Nhà nước có quy định khung giá, mức giá; không niêm yết giá hàng, giá dịch vụ;

8- Không thông tin đầy đủ về tính năng và công dụng của hàng hoá, gây thiệt hại đến lợi ích của người tiêu dùng;

9- Không thực hiện đúng các quy định về khuyến mại, quảng cáo, trưng bày giới thiệu hàng hoá, hội chợ, triển lãm thương mại;

10- Vi phạm các quy định về hoá đơn, chứng từ; không mở sổ kế toán; lưu giữ hoặc ghi chép sổ kế toán không đầy đủ, không trung thực;

11- Gian lận, lừa dối khách hàng trong mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ; không thực hiện bảo hành hàng hoá, dịch vụ cho khách hàng theo quy định hoặc theo thoả thuận;

12- Vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá;

13- Cạnh tranh bất hợp pháp;

14- Chống thanh tra viên thương mại đang thi hành công vụ;

15- Các hành vi khác vi phạm pháp luật về thương mại.

Điều 258. Hình thức xử lý vi phạm

1- Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra, thương nhân bị xử lý theo một trong các hình thức sau đây:

a) Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

b) Trong trường hợp hành vi vi phạm có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

2- Trong trường hợp việc vi phạm gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Điều 259. Thẩm quyền xử phạt

1- Uỷ ban nhân dân các cấp, cơ quan quản lý Nhà nước về thương mại có thẩm quyền xử phạt đối với các vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại.

2- Thanh tra viên thương mại có thẩm quyền xử phạt các vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại.

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại được quy định trong các văn bản pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Điều 260. Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

1- Thương nhân bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt.

2- Thương nhân không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt hành chính thì bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.

Điều 261. Khiếu nại, khởi kiện về quyết định xử phạt vi phạm hành chính và giải quyết khiếu nại

1- Thương nhân bị xử phạt vi phạm hành chính có quyền khiếu nại về quyết định xử phạt vi phạm hành chính đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại Toà án.

2- Trong thời gian khiếu nại hoặc khởi kiện, thương nhân vẫn phải thi hành quyết định xử phạt hành chính. Khi có quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan có thẩm quyền hoặc khi có quyết định, bản án của Toà án thì thi hành theo quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan có thẩm quyền hoặc quyết định, bản án đã có hiệu lực pháp luật của Toà án.

Điều 262. Xử lý đối với vi phạm của cán bộ, công chức Nhà nước trong quản lý hoạt động thương mại

Cán bộ, công chức Nhà nước không làm đúng chức trách, lạm dụng quyền hạn, gây phiền hà, cản trở hoạt động thương mại hợp pháp hoặc có hành vi vi phạm khác thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Luật Thương mại 1997

  • Số hiệu: 58/L-CTN
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 10/05/1997
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nông Đức Mạnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 13
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH