Hệ thống pháp luật

QUỐC HỘI KHÓA XIV
HỘI ĐỒNG DÂN TỘC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 288/BC-HĐDT14

Hà Nội, ngày 20 tháng 06 năm 2017

 

BÁO CÁO (sơ bộ)

KẾT QUẢ GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ “KẾT QUẢ THỰC HIỆN PHÂN ĐỊNH VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI THEO TRÌNH ĐỘ PHÁT TRIỂN; PHÂN ĐỊNH XÃ, HUYỆN, TỈNH LÀ MIỀN NÚI, VÙNG CAO”

Thực hiện chương trình hoạt động năm 20171, từ tháng 3 đến tháng 5/2017, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội (HĐDT) đã tiến hành giám sát chuyên đề “Kết quả thực hiện phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao”. Căn cứ phạm vi, đối tượng, quy mô giám sát, HĐDT đã xây dựng kế hoạch, đề cương, biểu mẫu báo cáo gửi tới các bộ ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố2. HĐDT đã giám sát trực tiếp tại một số bộ, ngành liên quan3 và tổ chức 05 Đoàn công tác, trực tiếp giám sát tại 09 tỉnh4. Đến ngày 01/5/2017, HĐDT đã nhận được báo cáo của 06 bộ và 09 tỉnh có Đoàn đến giám sát; 43 tỉnh, thành phố không giám sát đã gửi báo cáo cho HĐDT.

Trên cơ sở tổng hợp, phân tích các báo cáo của bộ, ngành, địa phương; báo cáo kết quả giám sát tại 09 tỉnh của 05 Đoàn công tác; ý kiến của các Thành viên HĐDT tại phiên họp toàn thể lần thứ 3 và báo cáo kết quả hội thảo “Thực hiện phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao - kết quả đạt được và những vấn đề đặt ra” tại Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng ngày 10/5/2017. HĐDT báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Kết quả thực hiện phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao”, với các nội dung như sau:

Phần thứ nhất

BỐI CẢNH VÀ QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN PHÂN ĐỊNH MIỀN NÚI, VÙNG CAO VÀ PHÂN ĐỊNH VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ, MIỀN NÚI THEO TRÌNH ĐỘ PHÁT TRIỂN

I. Bối cảnh chung

1. Việt Nam có 54 dân tộc, trong đó 53 dân tộc thiểu số chiếm 14,6% dân số cả nước. Đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) chủ yếu sinh sống tại các thôn (bản, phun, sóc), trên địa bàn của 51/63 tỉnh, thành phố với trên 460 huyện (thị xã) và gần 5.500 xã (thị trấn). Địa bàn cư trú tập trung chủ yếu ở vùng miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn, gắn với sản xuất nông, lâm nghiệp, đời sống gặp nhiều khó khăn, điều kiện sinh hoạt vật chất, tinh thần có sự chênh lệch rất lớn so với vùng đồng bằng, khu vực thành thị. Những khó khăn, trở ngại trên có những liên quan, tác động trực tiếp, tạo ra các yếu tố, đặc điểm, khó khăn có tính đặc thù về địa chất, khí hậu, thời tiết... của vùng miền núi, vùng cao, biên giới, vùng sâu, vùng xa; đó cũng là địa bàn cư trú chủ yếu của cộng đồng các DTTS.

2. Nhận thức rõ những vấn đề trên, Đảng và Nhà nước đã thấy rõ sự cần thiết của việc đánh giá, xác định những yếu tố đặc thù, các khó khăn, tác động khách quan của vùng miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa; Bộ Chính trị và Chính phủ đã ban hành một số văn bản có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân, trong đó có đồng bào các DTTS:

- Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 109-CP ngày 19/6/1973 “về một số chính sách cụ thể đối với đồng bào các dân tộc và cán bộ vùng cao”5.

- Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22/NQ-TW ngày 27/11/1989, “Về một số chủ trương chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi”.

- Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 72/HĐBT, ngày 13/3/1990 triển khai thực hiện nghị quyết số 22/NQ-TW về một số chính sách cụ thể phát triển kinh tế - xã hội miền núi.

- Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng có Thông báo số 514/NC ngày 27/2/1991, giao cho Văn phòng Miền núi và Dân tộc (nay là Ủy ban Dân tộc) phối hợp với các Bộ, ngành lập danh sách trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định.

- Ngày 22/12/1992, Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) có công văn số 1583/NC về việc Thủ tướng Chính phủ quyết định ủy quyền cho Bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Miền núi công bố danh sách các xã, huyện và tỉnh là miền núi, vùng cao để bố trí kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các chính sách kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng từ năm 1993 trở đi.

3. Được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã ban hành các tiêu chí, hướng dẫn thực hiện phân định địa bàn miền núi, vùng cao và phân định vùng dân tộc và miền núi theo trình độ phát triển.

Địa bàn miền núi, vùng cao được phân định dựa trên tính chất, đặc điểm địa chất: miền núi, có miền núi; vùng cao, có vùng cao. Việc phân định này được thực hiện 1993 đến nay, áp dụng trên phạm vi cả 3 cấp hành chính (tỉnh, huyện, xã).

Vùng dân tộc và miền núi theo trình độ phát triển được phân định dựa trên đánh giá về thực trạng, kết quả đầu tư hạ tầng thiết yếu, điều kiện, mức độ khó khăn về đời sống, sinh hoạt của cộng đồng. Phân định theo trình độ phát triển được thực hiện từ năm 2005 đến nay và chỉ phân định trong phạm vi đơn vị hành chính cấp xã thuộc địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Tùy theo mức độ khó khăn, các xã được phân định thành 3 khu vực: Khu vực I (các xã bước đầu phát triển bằng hoặc tương đương mức bình quân chung của cả nước); Khu vực II (các xã tạm thời ổn định, nhưng chưa thật vững chắc, cơ sở hạ tầng đã hình thành nhưng chưa hoàn chỉnh và vẫn còn các thôn, bản đặc biệt khó khăn); Khu vực III (các xã khó khăn nhất với điều kiện sống, các dịch vụ xã hội và hạ tầng cơ sở yếu kém). Từ 2005 đến nay đã 5 lần thay đổi các tiêu chí và kết quả phân định vùng dân tộc và miền núi theo trình độ phát triển.

Trên cơ sở các kết quả phân định trên, UBDT và các bộ, ngành trung ương tham mưu cho Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách có liên quan trực tiếp tới vùng dân tộc thiểu số, miền núi, trong đó tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu; hỗ trợ phát triển sản xuất, đời sống, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho đồng bào, cho cán bộ, công chức, viên chức, và các đối tượng hưởng lương, phụ cấp; cho học sinh và nhiều đối tượng khác sinh sống, sản xuất, làm việc, học tập trên địa bàn miền núi, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số.

Sau khi thực hiện các loại phân định trên, các khái niệm “miền núi, vùng cao”, “vùng dân tộc thiểu số, miền núi”, “vùng sâu, vùng xa”, “vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” đã thường xuyên xuất hiện trong các văn kiện của Đảng, hệ thống chính sách, pháp các luật, các nghị quyết của Quốc hội, được cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương.

II. Quá trình thực hiện phân định

1. Về phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao

1.1. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về xác định vùng, địa bàn khó khăn để làm cơ sở bố trí nguồn lực đầu tư cho địa bàn miền núi, dân tộc thiểu số, Văn phòng Miền núi và Dân tộc (nay là Ủy ban Dân tộc) đề xuất với Chính phủ việc thực hiện phân định xã, huyện, tỉnh miền núi, vùng cao dựa trên một số tiêu chí cụ thể. Sau khi xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, ngày 9/4/1992 Văn phòng Miền núi và Dân tộc có Tờ trình số 98/MNDT về danh sách các đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn là miền núi, vùng cao; kết quả phân định xã, tỉnh, huyện là miền núi và vùng cao được áp dụng từ năm 1993 đến nay6.

1.2. Về tiêu chí, căn cứ để xác định tính chất miền núi, vùng cao:

- Tiêu chí miền núi: Xã miền núi là xã có 2/3 diện tích đất đai tự nhiên có độ cao từ 200m trở lên so với mặt biển; Huyện miền núi là huyện có 2/3 số xã là miền núi; Tỉnh miền núi là tỉnh có 2/3 số huyện là miền núi.

- Tiêu chí vùng cao: Bản vùng cao là bản có 2/3 diện tích đất đai tự nhiên ở độ cao 600m trở lên so với mặt biển; Xã vùng cao là xã có 2/3 diện tích đất đai tự nhiên có độ cao 600m trở lên so với mặt biển; Huyện vùng cao là huyện có 2/3 số xã là vùng cao; Tỉnh vùng cao là tỉnh có 2/3 số huyện vùng cao.

1.3. Kết quả phân định miền núi, vùng cao là căn cứ, cơ sở để Ủy ban Dân tộc đề xuất với Chính phủ hoạch định các cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng trên địa bàn miền núi, vùng cao (cũng là địa bàn cư trú chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số).

2. Phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển

2.1. Với đặc điểm địa lý và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội khác nhau, ở mỗi tỉnh, thành phố, các xã (phường, thị trấn) cũng có sự khác nhau. Vì vậy cần phải đánh giá được mức độ thuận lợi, khó khăn, các yếu tố đặc thù của xã, thôn, bản vùng DTTSMN; từ đó có cơ chế, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội phù hợp. Xuất phát từ sự cần thiết trên, Ủy ban Dân tộc và Miền núi (UBDTMN) đã đề xuất với Chính phủ về mục tiêu và các tiêu chí phân định vùng DTTSMN thành các khu vực với 3 mức độ khó khăn - trình độ phát triển, tương ứng với 3 khu vực (khu vực 1, khu vực 2, khu vực 3).

2.2. Ngày 14/12/1995, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công văn số 7189/ĐP1 đồng ý đề nghị của UBDTMN về các tiêu chí chủ yếu phân định 3 khu vực theo trình độ phát triển; giao cho UBDTMN (nay là Ủy ban Dân tộc) công bố tiêu chí từng khu vực, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện.

2.3. Việc phân định vùng DTTSMN theo trình độ phát triển thành 3 khu vực đã được thực hiện từ năm 1996 đến nay, qua 4 giai đoạn, với các tiêu khác nhau (được thể hiện bằng các văn bản của UBDTMN)7:

Trừ giai đoạn đầu, kết quả phân định thực hiện trong 10 năm, còn các giai đoạn sau, trung bình 05 năm, Ủy ban Dân tộc lại đề xuất Chính phủ, tiến hành rà soát, điều chỉnh tiêu chí phân định vùng DTTSMN theo trình độ phát triển. Vì vậy số lượng các xã theo 3 khu vực và thôn, bản đặc biệt khó khăn sẽ có sự biến động theo từng giai đoạn.

2.4. Khác với phân định địa bàn miền núi, vùng cao (xác định đơn vị hành chính cả 3 cấp là đối tượng phân định), phân định vùng DTTSMN theo trình độ phát triển chỉ xác định 2 loại đối tượng: (1) đơn vị hành chính cấp xã (thị trấn); (2) cộng đồng dân cư thôn (bản). Hiện tại, vùng dân tộc thiểu số, miền núi (DTTSMN) bao gồm trên 22.000 thôn (bản) và hơn 5.000 xã (phường, thị trấn) thuộc phạm vi 51 tỉnh, thành phố.

2.5. Trên cơ sở kết quả phân định vùng DTTSMN theo trình độ phát triển, Ủy ban Dân tộc và các bộ ngành đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng các cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng phù hợp với mức độ khó khăn của từng khu vực thuộc cấp xã và các thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc vùng DTTSMN).

Phần thứ hai

TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI, KẾT QUẢ THỰC HIỆN PHÂN ĐỊNH

I. Phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao

1. Quá trình xây dựng tiêu chí

1.1. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và Miền núi (nay là Ủy ban Dân tộc) đã xác định phạm vi khái niệm “miền núi và vùng cao” và đưa ra các tiêu chuẩn (tiêu chí) để phân định địa bàn miền núi và vùng cao, cụ thể như sau:

- Địa bàn “miền núi”: Đại bộ phận đất đai là đồi núi cao dốc, có nơi rất dốc và cao nguyên, địa hình đa dạng phức tạp có nhiều sông suối tạo thành độ chia cắt lớn, là nơi sinh sống chủ yếu của các dân tộc thiểu số, với 5 tiêu chuẩn sau8:

- Địa bàn “vùng cao”: Đại bộ phận đất đai thuộc độ cao trên dưới 600m trở lên so với mặt biển, cư dân sinh sống trên đó chủ yếu là dân tộc thiểu số thì được coi là vùng cao, với 5 tiêu chuẩn9:

1.2. Tiêu chí cơ bản để phân định địa bàn xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao dựa trên các yếu tố có tính ổn định cao: (1) đặc điểm địa hình: chia cắt phức tạp, có độ dốc lớn, độ cao so với mực nước biển; (2) đa số diện tích đất tự nhiên có độ dốc, độ cao lớn so với mực nước biển; (3) đặc điểm dân cư: là nơi sinh sống chủ yếu của các dân tộc thiểu số. Các điều kiện khác (cơ sở hạ tầng, điều kiện sản xuất, phát triển kinh tế...) là các điều kiện cụ thể, làm căn cứ xem xét kèm theo.

2. Việc triển khai, thực hiện phân định

2.1. Căn cứ các tiêu chí xác định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao, Ủy ban Dân tộc đã chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh tổ chức thực hiện; xin ý kiến, thống nhất với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban tổ chức của Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) trình Thủ tướng Chính phủ quyết định danh sách các đơn vị hành chính là miền núi, vùng cao10. Ngày 22/12/1992, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản số 1583/NC ủy quyền cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc công bố danh sách xã, huyện, tỉnh là miền núi vùng cao để làm căn cứ bố trí kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từ năm 1993 trở đi.

2.2. Ngày 28/4/1993, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã ban hành Quyết định số 13/UB-CV về thành lập Hội đồng tư vấn công nhận xã, huyện, tỉnh là miền núi vùng cao. Trên cơ sở kết quả xét duyệt của Hội đồng tư vấn, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã ban hành các Quyết định công nhận xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao.

3. Các văn bản pháp luật, quy phạm pháp luật có liên quan đến địa bàn miền núi, vùng cao

Từ năm 1993 đến nay, đã có 9 quyết định công nhận tỉnh, huyện, xã là miền núi vùng cao11.

Nhìn vào các tiêu chí và kết quả phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao, có thể thấy khá rõ tính chất địa hình và những khó khăn, cách trở do các yếu tố địa hình, địa chất (độ cao, độ dốc), kèm theo đó là những khó khăn, phức tạp, điều kiện khắc nghiệt của địa hình, thời tiết, khí hậu, đưa đến những khó khăn về điều kiện sinh hoạt của đại bộ phận dân cư sinh sống tại địa bàn miền núi, vùng cao. Đây cũng là lý do khái niệm “miền núi, vùng cao” xuất hiện khá thường xuyên trong hệ thống văn bản, chính sách liên quan miền núi, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số.

(Tổng hợp các quyết định phân định miền núi, vùng cao - Xem phụ lục số 2)

4. Kết quả phân định xã, huyện, tỉnh miền núi, vùng cao

- Cấp tỉnh: Có 12 tỉnh vùng cao, 09 tỉnh miền núi và 23 tỉnh có miền núi12.

- Cấp huyện: Có 168 huyện vùng cao, 133 huyện miền núi;

- Cấp xã: Có 2.529 xã vùng cao và 2.311 xã miền núi.

Biểu tổng hợp kết quả phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao:

Tiêu chí

Vùng cao

Miền núi

Có miền núi

Số lượng

% so cả nước

Số lượng

% so cả nước

Số lượng

% so cả nước

Tỉnh

12

19

9

14,3

23

36,5

Huyện

168

23,6

133

18,7

-

-

2.529

22,7

2.311

22,7

-

-

(Danh sách xã, huyện, tỉnh miền núi, vùng cao - Xem phụ lục số 1)

II. Phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển

1. Quá trình xây dựng tiêu chí

1.1. Giai đoạn 1996 - 2005

Ngày 08/1/1996, UBDTMN ban hành Thông tư số 41/UBDTMN-TT quy định, hướng dẫn thực hiện tiêu chí từng khu vực ở vùng dân tộc và miền núi và trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương về tổ chức thực hiện. Địa bàn phân định theo trình độ phát triển là cấp xã (phường, thị trấn); trình độ phát triển được chia thành 03 loại, tương ứng 03 khu vực: Khu vực I (là khu vực bước đầu phát triển); Khu vực II (là khu vực tạm ổn định, vẫn còn khó khăn); Khu vực III (là khu vực còn nhiều khó khăn, đặc biệt khó khăn).

Tiêu chí phân loại đơn vị hành chính cấp xã theo trình độ phát triển (thành 3 khu vực) có 05 tiêu chí: (1) Điều kiện tự nhiên, địa bàn cư trú; (2) Cơ sở hạ tầng; (3) Các yếu tố xã hội; (4) Điều kiện sản xuất; (5) Đời sống.

Hội đồng Dân tộc đánh giá: đây là bộ tiêu chí phân định xã theo trình độ phát triển (Theo Thông tư 41) đáp ứng đầy đủ, toàn diện các đặc điểm, điều kiện; nếu điều tra chính xác, kết quả phân định - phân loại thành 3 khu vực sẽ rất chính xác, phản ánh cơ bản đúng trình độ phát triển, mức độ khó khăn của các xã.

1.2. Giai đoạn 2006 - 2011

Ngày 29/8/2005, Ủy ban Dân tộc có Quyết định số 393/2005/QĐ-UBDT, ban hành, tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển. Phạm vi, đối tượng phân định là các xã (phường, thị trấn) và các thôn (xóm, bản, phum, sóc, tổ dân cư) thuộc địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Phân định các thôn, bản theo trình độ phát triển gồm 03 tiêu chí: (1) Đời sống; (2) Điều kiện sản xuất; (3) Kết cấu hạ tầng13.

Phân định xã theo trình độ phát triển gồm 06 tiêu chí: (1) số thôn đặc biệt khó khăn, (2) Tỷ lệ hộ nghèo, (3) Công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu, (4) Các yếu tố xã hội (giáo dục, khám chữa bệnh, hệ thống thông tin, hệ thống chính trị), (5) Điều kiện sản xuất, (6) địa bàn cư trú.

Hội đồng dân tộc thấy rằng: Bộ tiêu chí phân định xã theo trình độ phát triển theo Quyết định 393 xác định 02 đối tượng phân định (cấp xã và thôn, bản). Với 2 cấp độ phân định, bộ tiêu chí đã đưa ra các chỉ tiêu cơ bản, phản ánh các đặc điểm, điều kiện, khó khăn đặc thù của địa bàn là đời sống, hạ tầng, điều kiện sản xuất, sinh hoạt... Nếu thực hiện phân định một cách khách quan, chính xác các tiêu chí, sẽ có kết quả phân định xã, thôn bản theo 3 khu vực và mức độ khó khăn chính xác.

1.3. Giai đoạn 2012 - 2015

Ngày 18/7/2012 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 30/2012/QĐ-TTg về tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012-2015.

Phân định các thôn, bản đặc biệt khó khăn dựa vào 03 tiêu chí: (1) tỷ lệ hộ nghèo kèm theo một số yếu tố xã hội; (2) các yếu tố về sản xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp; (3) các yếu tố về hạ tầng giao thông, phòng học mẫu giáo, điện sinh hoạt; nhà sinh hoạt cộng đồng14.

Phân định cấp xã dựa vào 05 tiêu chí: (1) số thôn đặc biệt khó khăn; (2) tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo; (3) các yếu tố hạ tầng (giao thông, điện, phòng học, trạm y tế, nhà văn hóa; (4) các yếu tố đời sống, lao động và cán bộ công chức cấp xã; (5) các yếu tố về sản xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp15.

1.4. Giai đoạn 2016 - 2020

Ngày 3/11/2016 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 50/2016/QĐ-TTg về tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020. Tiêu chí để phân định thôn, bản đặc biệt khó khăn chủ yếu dựa vào tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều), ngoài ra còn một số yếu tố khác (cơ sở hạ tầng giao thông liên thôn, tỷ lệ phòng học kiên cố của các lớp mẫu giáo và nhà văn hóa, khu thể thao đạt chuẩn theo quy định). Theo đó, tổng tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của thôn đặc biệt khó khăn phải đạt từ 65% trở lên (trong đó hộ nghèo đạt từ 35% trở lên).

Phân định các xã theo trình độ phát triển dựa vào 03 yếu tố: (1) Số thôn đặc biệt khó khăn; (2) tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo; (3) các yếu tố kết hợp: tình trạng đường giao thông; tình trạng đạt chuẩn quốc gia của cơ sở giáo dục (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở), cơ sở y tế xã; cơ sở văn hóa, thể thao xã; tỷ lệ hộ chưa có nước sinh hoạt hợp vệ sinh, chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh.

(Tổng hợp các tiêu chí phân định qua các giai đoạn - Xem phụ lục số 3)

2. Kết quả triển khai thực hiện phân định

TT

Tiêu chí/ giai đoạn

Tổng số xã

Xã KV I

Xã KV II

Xã KV III

Thôn ĐBKK

Số lượng

Tỷ lệ so TS

Số lượng

Tỷ lệ so TS

Số lượng

Tỷ lệ so TS

 

1

1996-2005

4.652

946

20,34

1.969

42,33

1.737

37,34

-

2

2006-2011

5.065

1.159

22,88

2.197

43,38

1.709

33,74

12.982

3

2012-2015

5.259

1.938

36,85

1.273

24,21

2.048

38,94

18.391

4

2016-2020

5.266

1.326

25,18

2.008

38,13

1.932

36,69

20.173

(Tổng hợp phân định 3 khu vực theo trình độ phát triển qua các giai đoạn-Xem phụ biểu số 4)

2.1. Kết quả phân định xã theo trình độ phát triển (3 khu vực):

- Giai đoạn 1996 - 2005: 4.925 xã được phân định, trong đó 946 xã khu vực I (chiếm 20,34 %); 1.969 xã khu vực II (chiếm 42,33 %); 1.737 xã khu vực III (chiếm 37,34%); 273 xã có đồng bào DTTS sống xen kẽ không xác định khu vực; giai đoạn này không xác định thôn, bản đặc biệt khó khăn.

- Giai đoạn 2006 - 2011: 5.065 xã được phân định, trong đó 1.159 xã khu vực I (chiếm 22,88%); 2.197 xã khu vực II (chiếm 43,38%); 1.709 xã khu vực III (chiếm 33,74%); 12.982 thôn, bản đặc biệt khó khăn.

- Giai đoạn 2012 - 2015: 5.259 xã được phân định, trong đó 1.938 xã khu vực I (chiếm 36,85%); 1.273 xã khu vực II (chiếm 24,21%); 2.048 xã khu vực III (chiếm 38,94%); 18.391 thôn, bản đặc biệt khó khăn.

- Giai đoạn 2016 - 2020: có 5.266 xã được phân định, trong đó 1.326 xã khu vực I (chiếm 25,18%); 2.008 xã khu vực II (chiếm 38,13%); 1.932 xã khu vực III (chiếm 36,69 %); 20.173 thôn, bản đặc biệt khó khăn.

2.2. Kết quả phân định thôn (bản) đặc biệt khó khăn:

- Giai đoạn 2006-2011: 12.982 thôn, bản;

- Giai đoạn 2016 - 2020: dự kiến 20.173 thôn, bản (tăng 54,96% so với 2006).

3. Việc sử dụng kết quả phân định làm cơ sở ban hành các cơ chế, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi

Trên cơ sở kết quả phân định, UBDT, các bộ, ngành đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, tổ chức thực hiện khá nhiều chính sách, chương trình mục tiêu liên quan đến địa bàn miền núi, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; trong đó có những chính sách lớn (đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, đời sống, giảm nghèo và an sinh xã hội...), được cụ thể bằng các nghị quyết, quyết định của Chính phủ, thực hiện qua nhiều giai đoạn16.

Điểm chung của các chính sách đầu tư, hỗ trợ cho địa bàn miền núi, vùng cao và vùng đặc biệt khó khăn, vùng DTTS là ưu tiên về cơ chế, chính sách và nguồn lực; tập trung giải quyết các khó khăn lớn về hạ tầng, sản xuất, đời sống; đối tượng hưởng thụ chủ yếu là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương từ ngân sách nhà nước công tác tại vùng đặc biệt khó khăn17. Nhiều xã khu vực II, III, nhiều thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng DTTS nhờ hưởng thụ các chính sách, cơ chế đặc thù đã có bước phát triển rõ rệt, vượt bậc về đầu tư hạ tầng thiết yếu, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, bảo đảm an sinh xã hội....18 Đối với lĩnh vực giảm nghèo bền vững; đã tập trung vào vùng “lõi nghèo” - các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, vùng dân tộc thiểu số (đã xây dựng được cơ sở dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều làm cơ sở xác định đối tượng thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội giai đoạn 2016 - 202019.

(Tập hợp văn bản về phân định và chính sách liên quan - Xem phụ lục số 7)

4. Các hình thức phân định khác

Qua giám sát về phân định trên địa bàn miền núi, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, HĐDT phát hiện một thực tế: Không chỉ có cơ quan UBDT đang thực hiện phân định. Hiện tại, một số cơ quan đang thực hiện phân định (hoặc phân loại) đơn vị hành chính với các mục tiêu khác nhau. Kết quả phân định (phân loại) các đơn vị hành chính đang được sử dụng, phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước, tham mưu cho Chính phủ xây dựng các cơ chế, chính sách trên địa bàn cả nước nói chung và địa bàn vùng miền núi, dân tộc thiểu số, cụ thể là:

4.1. Phân loại đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn - do Bộ Nội vụ chủ trì, hướng dẫn thực hiện (theo Nghị định 159/2005/NĐ-CP, ngày 27/12/2005 của Chính phủ “Về phân loại đơn vị hành chính xã, phường thị trấn” - NĐ 159-CP).

Chính phủ xác định rất rõ mục đích phân loại đơn vị hành chính20. Theo đó, đơn vị hành chính cấp xã được chia thành 3 loại (1, 2, 3); các xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn biên giới, hải đảo thuộc loại 1 (loại có nhiều khó khăn và yếu tố đặc thù). Có 03 tiêu chí phân loại: (1) quy mô dân số; (2) diện tích tự nhiên; (3) các yếu tố đặc thù (xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu, xã bãi ngang ven biển; xã có tỷ lệ DTTS và tỷ lệ tín đồ tôn giáo (chiếm từ 30-50% dân số trở lên); tỷ lệ thu ngân sách 3 năm liên tục). Tất cả các tiêu chí, yếu tố đặc thù... đều được quy ra số điểm tương ứng, vì vậy kết quả phân định xã, phường thị trấn theo 03 loại đã tích hợp đầy đủ, khách quan các yếu tố tự nhiên, xã hội, dân số, mức độ khó khăn, thuận lợi....(xã, phường, thị trấn loại 1 là đơn vị hành chính khó khăn nhất).

Căn cứ vào mục đích phân loại đơn vị hành chính cấp xã (thể hiện mức độ khó khăn, địa hình đặc thù...) Bộ Nội vụ phối hợp các bộ ngành và Ủy ban dân tộc tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách cụ thể, trực tiếp liên quan đến đời sống, điều kiện sinh hoạt, làm việc của nhiều đối tượng, trong đó có các cơ chế ưu tiên, ưu đãi cho các đối tượng, địa bàn miền núi, vùng cao, khu vực đặc biệt khó khăn...

(Tổng hợp các loại phụ cấp, trợ cấp liên quan đến phân định miền núi, vùng cao, phân định 3 khu vực theo trình độ phát triển - Xem Phụ lục số 5)

Nhìn vào kết quả phân loại đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị định 159-CP (do Bộ Nội vụ chủ trì) và kết quả phân định cấp xã theo trình độ phát triển (do UBDT chủ trì) ta thấy: Kết quả phân loại, phân định đơn vị hành chính cấp xã tuy đều có tính đến tính chất, mức độ khó khăn, đặc điểm địa hình, nhưng 2 hình thức phân loại, phân định cho 2 kết quả ngược nhau21; kết quả phân định xã khu vực I theo trình độ phát triển không rõ mục đích, kết quả phân định không sử dụng cho mục đích nào22.

4.2. Phân loại đơn vị hành chính các cấp theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 25/5/2016 “Về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính” (NQ 1211/UBTVQH13).

Theo Nghị quyết, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính các cấp được chia thành 03 loại (đơn vị hành chính nông thôn; đơn vị hành chính đô thị; đơn vị hành chính hải đảo)23. Tương ứng 3 loại đơn vị hành chính, Nghị quyết đặt ra các tiêu chuẩn phân loại đơn vị hành chính các cấp theo 3 loại đơn vị hành chính (nông thôn; đô thị; hải đảo). Đối với đơn vị hành chính nông thôn, bên cạnh các tiêu chí chung (quy mô dân số; diện tích tự nhiên; số đơn vị hành chính trực thuộc; trình độ phát triển kinh tế - xã hội), có các tiêu chí đặc thù (tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số; số đơn vị hành chính thuộc khu vực biên giới quốc gia trên đất liền; địa bàn miền núi, vùng cao; huyện nghèo; xã đặc biệt khó khăn; xã an toàn khu; có các di tích quốc gia đặc biệt hoặc di sản được thế giới công nhận).

4.3. Phân loại khu vực biên giới trên đất liền và trên biển (do Bộ Quốc phòng chủ trì, tham mưu cho Chính phủ) theo Nghị định số 161/2003/NĐ-CP ngày 18/2/2003.

Trong đó có 28 tỉnh, thành phố, 124 huyện, quận, thị xã và 612 xã, phường, thị trấn có biên giới biển; 25 tỉnh, thành phố, 103 huyện, quận, thị xã, 431 xã, phường, thị trấn có biên giới đất liền.

4.4. Phân loại xã bãi ngang ven biển và hải đảo (do Bộ LĐTBXH chủ trì, tham mưu cho Chính phủ) thực hiện từ năm 2003 đến nay24.

Giai đoạn 2004-2010 có 157 xã, phường, thị trấn bãi ngang ven biển và hải đảo thuộc 55 huyện, thị xã của 21 tỉnh, thành phố. Giai đoạn 2013-2015 có 311 xã, phường, thị trấn bãi ngang ven biển và hải đảo thuộc 78 huyện, thị xã của 22 tỉnh, thành phố. Giai đoạn 2016-2020 có 291 xã, phường, thị trấn bãi ngang ven biển và hải đảo thuộc 82 huyện, thị xã của 23 tỉnh, thành phố.

Qua nghiên cứu các hình thức phân định, phân loại đơn vị hành chính, HĐDT thấy rằng: Điểm chung của các loại phân định là: (i) Đều có mục đích nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan; (ii) Đều định ra một số tiêu chí chung và tiêu chí đặc thù; trong đómột số yếu tố, tiêu chí trùng nhau: tính chất địa hình, địa chất, dân số, dân tộc thiểu số, mức độ khó khăn về hạ tầng, giao thông, sinh hoạt.... Điểm khác biệt, chưa thống nhất của các hình thức phân định là: (i) Chưa bám vào một chuẩn mực về mục đích, mục tiêu chung của phân định đơn vị hành chính, tổ chức dân cư (xác định chính xác tính chất đặc thù, mức độ khó khăn của đơn vị hành chính, tổ chức dân cư để làm căn cứ cho hoạch định chính sách, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển kinh tế- xã hội); (ii) Một số nguyên tắc liên quan đến phân cấp quản lý đơn vị hành chính, tổ chức dân cư trong Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản pháp luật hiện hành chưa được thể hiện, cụ thể hóa trong công tác chỉ đạo, thực hiện việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức dân cư; (iii) Chưa có sự thống nhất giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc xác định, hoàn thiện các tiêu chí, rà soát, kiểm tra kết quả phân định và đặc biệt là việc sử dụng các kết quả phân định vào hoạch định chính sách chung; đề xuất, tham mưu xây dựng một số chính sách, định mức, hệ số, cơ chế đặc thù (về đầu tư phát triển, về an sinh hội, định mức biên chế, chính sách thu hút, hỗ trợ…) nhằm mục đích giải quyết hiệu quả các khó khăn lớn, có tính đặc thù của địa phương, khu vực... Đây là vấn đề rất cần sự nghiên cứu một cách nghiêm túc, khoa học; rất cần sự thống nhất về quan điểm, mục tiêu, tiêu chí phân định, xác định đúng mức độ khó khăn, trình độ phát triển của địa phương, địa bàn, nhất là vùng miền núi, khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số - nơi hiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhất so với các vùng, địa bàn khác của cả nước.

Phần thứ ba

ĐÁNH GIÁ VÀ KIẾN NGHỊ CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC VỀ THỰC HIỆN PHÂN ĐỊNH

I. Đối với việc phân định miền núi, vùng cao

1. Những kết quả đạt được

1.1. Việc phân định xã, huyện, tỉnh miền núi, vùng cao là một chính sách đúng đắn, làm căn cứ để xây dựng và tổ chức thực thi chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng vùng, từng địa bàn; tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho các tỉnh miền núi phát triển kinh tế - xã hội.

1.2. Quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện cơ bản có sự phối hợp từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo sự thống nhất và có sự tham gia của các cấp, ngành liên quan (Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, UBND cấp tỉnh, huyện, xã, các ngành Lao động, Nội vụ và cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc).

1.3. Quá trình dự thảo tiêu chí phân định miền núi, vùng cao đã có sự tính toán đến các đặc điểm địa hình, đất đai, dân tộc, các yếu tố hạ tầng kinh tế - xã hội. Kết quả phân định, danh sách các xã, huyện, tỉnh được công nhận là miền núi, vùng cao, cơ bản đảm bảo đúng quy định, tiêu chí.

1.4. Kết quả phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi và vùng cao là căn cứ quan trọng trong hoạch định chính sách cũng như tổ chức thực hiện chính sách nói chung trên địa bàn cả nước và địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã và đang được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương áp dụng.

2. Tồn tại, hạn chế, bất cập

2.1. Việc phân định đơn vị hành chính theo tiêu chí miền núi, vùng cao nhằm mục tiêu xác định đúng tính chất phức tạp, khó khăn của địa hình gắn với đơn vị hành chính (yếu tố đặc thù về địa hình, địa lý), từ đó làm căn cứ để xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp. Tuy nhiên việc đưa ra các tiêu chí và cách thực hiện lại quá đơn giản, lấy yếu tố độ cao so với mặt nước biển, độ dốc của địa hình để xác định là vùng cao hay miền núi (độ cao trên 600 m so với mực nước biển là vùng cao; trên 200 m là miền núi). Quy định như vậy chưa thể hiện tính khoa học, chưa đủ các căn cứ, mức độ khó khăn, phức tạp về địa hình, địa chất, các tác động, ảnh hưởng trực tiếp của diện tích miền núi, vùng cao đối với đời sống, sinh hoạt của đa số dân cư trong vùng...

2.2. Thực hiện chủ trương phân định miền núi, vùng cao trong thời gian quá dài (từ năm 1993 đến nay), nhiều địa bàn đã có sự biến động, thay đổi khá lớn về đặc điểm địa hình, do không tổ chức rà soát, đánh giá, nên chưa có sự điều chỉnh kết quả phân định cho phù hợp mục tiêu của việc phân định, đồng thời có các cơ chế, chính sách áp dụng đúng, phù hợp, hiệu quả cho các địa bàn đặc thù. Sau nhiều năm thực hiện các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng thiết yếu và đời sống của nhân dân khu vực miền núi, vùng cao đã có những chuyển biến tích cực, một số nơi có sự đổi thay mạnh mẽ, gần ngang bằng với vùng đồng bằng, khu vực đô thị25. Tuy nhiên, nếu không có sự điều chỉnh kịp thời, sẽ không đạt mục đích, hiệu quả của chính sách phân định; đồng thời sẽ nảy sinh sự thiếu bình đẳng về đầu tư và chính sách xã hội giữa các địa bàn có địa hình chia cắt phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, độ dốc cao, đa số cư dân sinh sống, sản xuất trên địa hình miền núi, vùng cao... với các địa bàn khác (có miền núi, vùng cao, hoặc có miền núi cao nhưng điều kiện cơ sở hạ tầng, sản xuất, đời sống cơ bản thuận lợi, diện tích miền núi, vùng cao không có dân cư sinh sống, sản xuất nông nghiệp...)26.

Từ khi triển khai thực hiện (1993) đến nay, Ủy ban Dân tộc và Miền núi (nay là Ủy ban Dân tộc) chưa tiến hành tổng kết, đánh giá về tính khoa học, mức độ phù hợp của các tiêu chí phân định miền núi, vùng cao; chưa phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tổng hợp, rà soát việc áp dụng kết quả phân định miền núi, vùng cao vào hoạch định chính sách liên quan đến các đối tượng và địa bàn miền núi, vùng cao. Trong thực tế khi triển khai thực hiện phân định miền núi, vùng cao, các địa phương chủ yếu chỉ dựa vào một yếu tố là độ dốc, độ cao so với mặt nước biển. Vì vậy nhiều nơi địa hình ít chia cắt; cư dân có ít, thậm chí không có dân tộc thiểu số; cơ sở hạ tầng, giao thông và sản xuất nông nghiệp không bị ảnh hưởng nhiều của địa hình đồi, núi cao...vẫn được xác định là địa bàn miền núi, vùng cao. Trong phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao, lại xuất hiện thêm đối tượng “Bản vùng cao” (là bản có 2/3 diện tích đất đai tự nhiên ở độ cao 600m trở lên so với mặt biển), như vậy là thiếu thống nhất về phạm vi, đối tượng phân định (phân định địa bàn miền núi không có đối tượng thôn, bản).

II. Đối với việc phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển

1. Những kết quả đạt được

- Phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển là chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, nhằm xác định rõ các khó khăn đặc thù, mức độ phát triển về kinh tế - xã hội của đơn vị hành chính cấp xã và thôn (bản, làng, buôn, bon, phum, sóc...) từ đó làm căn cứ để hoạch định, tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho địa bàn vùng vùng miền núi, dân tộc thiểu số. Những chính sách áp dụng theo kết quả phân định (sau hơn 20 năm thực hiện phân định) đã và đang phát huy hiệu quả, có những chuyển biến quan trọng về mọi lĩnh vực: cơ sở hạ tầng thiết yếu được cải thiện rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm nhanh; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số được nâng lên; chính sách dân tộc đã góp phần thực hiện nguyên tắc các dân tộc đoàn kết, bình đẳng, hỗ trợ cùng phát triển; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; từng bước thu hẹp khoảng cách, chênh lệch về trình độ phát triển giữa vùng dân tộc thiểu số, miền núi với các vùng miền khác; nhiều địa bàn đặc biệt khó khăn, nay đã bớt khó khăn; một số địa vùng có bước phát triển vượt bậc, phát triển thành thị tứ, thị trấn...

- Ngay sau khi các cấp thẩm quyền ban hành tiêu chí phân định 3 khu vực theo trình độ phát triển, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng văn bản hướng dẫn, tổ chức tập huấn để triển khai thực hiện27. Các văn bản hướng dẫn quy định rõ ràng các bước, thủ tục, hồ sơ...để các địa phương làm căn cứ triển khai thực hiện, Ủy ban nhân dân các tỉnh đã tổ chức quán triệt, hướng dẫn cho cấp huyện, xã; đồng thời giao trách nhiệm cụ thể cho các ngành liên quan trong chỉ đạo, kiểm tra kết quả xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc 3 khu vực trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

- Bộ tiêu chí phân định xã, thôn bản theo trình độ phát triển là cơ sở pháp lý để các Bộ ngành, các địa phương xác định rõ các mức độ khó khăn, nhu cầu đầu tư; đề xuất các cơ chế, chính sách đầu tư trọng điểm, đặc thù, tạo điều kiện cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn từng bước xóa đói, giảm nghèo, thoát khỏi tình trạng khó khăn, cùng với các khu vực khác phát triển. Theo từng giai đoạn, tính pháp lý của các tiêu chí phân định ngày càng cao (từ Thông tư đến Quyết định của Bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, đến Quyết định của Thủ tướng Chính phủ).

- Việc phân định 3 khu vực theo trình độ phát triển đã cơ bản đảm bảo nguyên tắc: Trung ương xác định tiêu chí; địa phương rà soát, xác định phân loại theo tiêu chí; UBDT tổng hợp, rà soát theo tiêu chí, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Mỗi khi có nhu cầu thay đổi tiêu chí, UBDT đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức đánh giá kết quả thực hiện phân định 3 khu vực giai đoạn trước; nghiên cứu, đề xuất tiêu chí giai đoạn tiếp theo. Các tiêu chí phân định theo trình độ phát triển ngày càng được lượng hóa, đơn giản, phù hợp, dễ đánh giá, áp dụng.

- Kết quả phân định 3 khu vực theo trình độ phát triển đã phản ánh được thực trạng, mức độ khó khăn, trình độ phát triển của đơn vị hành chính cấp xã và tổ chức dân cư thôn, bản. Đây là cơ sở để các cơ quan chức năng xây dựng và triển khai các chính sách đầu tư cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn một cách hợp lý, có hiệu quả, phù hợp cho từng khu vực, nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng.

2. Tồn tại, hạn chế, bất cập

2.1. Việc phân định 3 khu vực theo trình độ phát triển còn thiếu tính thống nhất ở cấp độ đơn vị hành chính (chỉ phân định đơn vị hành chính cấp xã; không phân định cấp tỉnh, huyện; tổ chức dân cư thôn, bản cũng được phân định).

2.2. Việc phân định 3 khu vực theo trình độ phát triển còn thiếu thống nhất về cơ sở pháp lý, chưa rõ mục tiêu của việc phân định; chưa rõ yêu cầu sử dụng kết quả phân định để làm căn cứ cho các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương sử dụng vào việc hoạch định chính sách, xây dựng cơ chế, định mức đặc thù (như mục đích, nguyên tắc tại Nghị định 159-CP).

2.3. Trong các tiêu chí phân định xã thành 3 khu vực theo trình độ phát triển và thôn, bản đặc biệt khó khăn, tiêu chí tổng hợp tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo là quan trọng nhất. Tuy nhiên, cơ sở đánh giá, mức độ quan tâm, kết quả đánh giá hộ nghèo tại các địa phương chưa thật sự chính xác, dẫn đến kết quả xác định xã khu vực III, thôn, bản đặc biệt khó khăn cũng chưa chính xác. Một số thôn, bản có tỷ lệ hộ nghèo cao, còn nhiều khó khăn, nhưng do thiếu tiêu chí hộ cận nghèo không đủ để thuộc diện thôn, bản đặc biệt khó khăn, hoặc số thôn, bản xã đặc biệt khó khăn không đủ tỷ lệ để xã thuộc khu vực III.

2.4. Một số khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện phân định; (i) Việc sử dụng các khái niệm chưa thống nhất28; (ii) Chưa rõ trách nhiệm, thẩm quyền quyết định kết quả phân loại29; (iii) Thiếu thống nhất trong việc xác định loại đơn vị hành chính và quy mô, tổ chức của đơn vị, địa bàn được phân loại, dẫn đến những khó khăn, phức tạp trong phối hợp, tham mưu xây dựng chính sách, tổ chức thực hiện chính sách trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi30; (iv) Việc sử dụng chung kết quả phân định xã thành 3 khu vực theo trình độ phát triển và thôn, bản đặc biệt khó khăn dẫn đến sự thiếu thống nhất, không rõ mục tiêu, phạm vi áp dụng... Mục đích ban đầu của việc phân định xã thành 3 khu vực theo trình độ phát triển và thôn, bản đặc biệt khó khăn là để tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi (trước đây chủ yếu là các chính sách áp dụng cho các xã, thôn bản thuộc Chương trình 135). Qua thời gian, kết quả phân định xã thành 3 khu vực theo trình độ phát triển và thôn, bản đặc biệt khó khăn được sử dụng như một căn cứ để hoạch định chính sách chung cho vùng có những khó khăn đặc thù (vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số; địa bàn miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa; khu vực biên giới, ATK, bãi ngang ven biển và hải đảo...).

Những vấn đề trên dẫn đến sự chồng chéo, khó phối hợp trong hướng dẫn, thực hiện, thiếu tập trung nguồn lực cho các chính sách trọng tâm; tạo kẽ hở, đôi khi hiểu sai, thực hiện sai về đối tượng, địa bàn áp dụng các chính sách có tính đặc thù31.

2.5. Quá trình thực hiện các loại phân định có sự liên quan đến một số bộ, ngành (xã khu vực III; thôn, bản đặc biệt khó khăn: do UBDT hướng dẫn; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo; xã nghèo; xã bãi ngang ven biển: do Bộ LĐTBXH hướng dẫn; xã biên giới; xã ATK: do Bộ Quốc phòng hướng dẫn; xã đạt chuẩn quốc gia về Y tế: do Bộ y tế quy định; xã đạt chuẩn quốc gia về giáo dục các cấp: do Bộ GD&ĐT quy định; xã đạt chuẩn quốc gia về văn hóa, sinh hoạt cộng đồng: do Bộ VHTTDL quy định; xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới: do Bộ NN-PTNT quy định...). Nhìn vào các tiêu chí của từng loại phân định (phân loại), có những điểm chưa thống nhất, khó thực hiện đối với địa phương, cơ sở. Việc này cần có sự phối hợp, thống nhất từ trung ương ngay từ khâu xác định mục đích, nguyên tắc phân định, xây dựng các tiêu chí phân định và sử dụng kết quả phân định.

2.6. Việc áp dụng các tiêu chí phân định, sử dụng kết quả phân định trong thời gian quá dài, với số lượng lớn các xã, thôn bản, không có sự thay đổi về cơ chế, định mức, nguồn lực đầu tư cho địa bàn dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn... một mặt tạo ra sự thiếu thuyết phục về chủ trương, chính sách phân định; mặt khác làm giảm hiệu quả của các chính sách, cơ chế ưu tiên, tập trung đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho các xã khu vực III, thôn, bản đặc biệt khó khăn địa bàn miền núi, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số. Với cơ chế Nhà nước đầu tư chủ yếu cho các xã khu vực III, thôn, bản đặc biệt khó khăn địa bàn miền núi, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số; một số tiêu chí, cách bình xét hộ nghèo, cận nghèo, đánh giá thu nhập, tài sản...chưa thực sự chính xác... dẫn đến tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, không muốn thoát khỏi diện hộ nghèo, xã khu vực III, thôn, bản đặc biệt khó khăn...

2.7. Bộ tiêu chí chưa thật sự quan tâm đến các yếu tố ổn định, đặc thù, nên tính chính xác, phù hợp của tiêu chí và kết quả phân định chưa cao32. Giai đoạn sau chỉ nên thay đổi về yêu cầu cao hơn của một số tiêu chí căn bản (tiêu chí chung), các tiêu chí đặc thù cũng cần phải được xác định chính xác, để đánh giá đầy đủ, đúng đắn kết quả phân định; từ đó nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, yêu cầu mới phù hợp hơn của giai đoạn tiếp theo, giải quyết căn cơ một số khó khăn đặc thù, giúp các địa bàn còn nhiều khó khăn giảm bớt khó khăn, thoát nghèo, thoát đặc biệt khó khăn. Như vậy tiêu chí là thước đo các tiêu chí sẽ rõ ràng, dễ đánh giá cả về hiệu quả đầu tư của Nhà nước (trung ương, địa phương) và sự cố gắng vươn lên của nhân dân, đồng bào vùng đặc biệt khó khăn.

Ngay cả bộ tiêu chí phân định mới đây nhất (QĐ số 50/2016/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 2016), vẫn có những bất hợp lý: (i) Tiêu chí hộ nghèo, hộ cận nghèo (tiêu chí bắt buộc, quan trọng nhất), nhưng chưa thực sự phù hợp với vùng, địa phương (có sự chênh lệch quá lớn về tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long (35%) và các tỉnh phía Bắc (65%); các tiêu chí chưa phản ảnh hết và đúng một số khó khăn đặc thù (địa hình chia cắt phức tạp; thường xuyên bị thiên tai; khí hậu khắc nghiệt; thổ nhưỡng đặc thù; thiếu nghiêm trọng nước sinh hoạt, nước sản xuất, đất ở, đất sản xuất..). Nhiều tiêu chí còn mang tính định tính, rất khó xác định chính xác. Một số tiêu chí lấy chuẩn quốc gia, chung của cả nước, không phù hợp với đặc điểm, điều kiện, tính chất dân cư, DTTS của các xã khu vực III, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Đây là một trong những nguyên nhân lý giải tại sao đa số các xã khu vực III, thôn, bản đặc biệt khó khăn của giai đoạn trước mặc dù được đầu tư lớn, vẫn không giảm, thậm chí còn tăng thêm về số lượng ở giai đoạn sau (do không thể đạt chuẩn quốc gia về giáo dục, y tế, nông thôn mới, văn hóa...).33

2.8. Bên cạnh những kết quả đạt được, một số mục tiêu, hiệu quả của việc phân định vẫn chưa được đáp ứng.

Nếu nhìn vào kết quả phân định xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn) trong gần 20 năm, sẽ thấy hầu như không có sự thay đổi đáng kể: giai đoạn 1999-2005 là 37,34%; giai đoạn 2012-2015 là 38,94% và giai đoạn 2016 - 2020 là 39,69% xã khu vực III. Vấn đề này được lý giải như thế nào khi trung bình 4-5 năm sẽ có sự thay đổi của tiêu chí hộ nghèo, hộ cận nghèo? So sánh giữa kết quả, hiệu quả đầu tư các chương trình, dự án vào các xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn với kết quả phân định xã khu vực III, thôn, bản đặc biệt khó khăn? Số lượng xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn hằng năm và cả giai đoạn?34

Nhiều bộ, ngành, địa phương áp dụng kết quả phân định khu vực miền núi, vùng cao và xã, thôn bản đặc biệt khó khăn để thực hiện một số chính sách (phụ cấp, trợ cấp, ưu tiên, thu hút vào vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn). Quá trình thực hiện đã nảy sinh bất cập, trùng lắp về địa bàn, đối tượng thụ hưởng. Đầu năm 2017, HĐDT đã tiến hành khảo sát và phiên giải trình với Chính phủ, các bộ ngành về việc thực hiện các chính sách theo Nghị định 116, Nghị định 61, Nghị định 64...của Chính phủ trên địa bàn các xã khu vực III, xã ATK, xã biên giới, bãi ngang ven biển; xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Bất cập lớn nhất là ở kết quả chi các khoản cho con người (lương, trợ cấp, phụ cấp) cho các đối tượng tại một xã bình quân từ 3 tỷ - 5 tỷ đồng/năm, trong khi mức chi đầu tư cho cơ sở hạ tầng của một xã đặc biệt khó khăn chỉ bình quân 1 tỷ/xã/năm35.

III. Một số đề xuất, kiến nghị

1. Đối với Quốc hội

1.1. Đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát việc ban hành, thực hiện chính sách pháp luật, trong đó đặc biệt quan tâm giám sát thực hiện chính sách dân tộc, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính sách dân tộc, chính sách an sinh xã hội trên địa bàn miền núi, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, tránh trùng lắp đối tượng, bảo đảm hiệu quả, công bằng trong tổ chức thực hiện chính sách dân tộc.

1.2. Căn cứ các quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội “Về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính”, đề nghị Quốc hội chỉ đạo Chính phủ:

a) Tiến hành đánh giá toàn diện hiệu quả của việc phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao, cũng như các hình thức phân định khác;

b) Nghiên cứu, ban hành một văn bản quy phạm pháp luật rõ tính pháp lý, mục đích và trách nhiệm các cấp, các cơ quan quản lý nhà nước về phân định, thẩm quyền quyết định phân định vùng dân tộc thiểu số, miền núi theo trình độ phát triển và mức độ khó khăn đặc thù. Tiêu chí phân định miền núi, vùng cao, tiêu chí phân định vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn phải được nghiên cứu, xây dựng hết sức khoa học và phù hợp với thực tiễn và phải được cấp có thẩm quyền quyết định, công bố, công khai, cần khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập về phân định và sử dụng kết quả phân định; quy định rõ các tiêu chí phân định đơn vị hành chính và tổ chức dân cư thôn, bản theo trình độ phát triển, trong đó chú ý thể hiện được các yếu tố, đặc điểm, khó khăn đặc thù của từng địa phương, vùng miền.

2. Đối với Chính phủ, các bộ ngành

2.1. Đề nghị Chính phủ:

a) Chỉ đạo, yêu cầu các bộ, ngành liên quan tổng kết, rà soát, đánh giá toàn bộ các hình thức phân định và việc sử dụng các kết quả phân định vào hoạch định chính sách nói chung và chính sách đầu tư phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi và địa bàn có những đặc điểm, khó khăn đặc thù.

b) Nghiên cứu tích hợp đồng nhất các bộ tiêu chí phân định hiện có (tiêu chí phân định miền núi, vùng cao, phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; tiêu chí phân loại đơn vị hành chính cấp xã, phường thị trấn; tiêu chí xác định các đơn vị hành chính đặc thù: xã nghèo, xã biên giới, xã bãi ngang ven biển, hải đảo...) để ban hành bộ tiêu chí chung có tính khoa học, hợp lý, bao quát cả những yếu tố chung (dân số, diện tích), các yếu tố, khó khăn đặc thù. Bộ tiêu chí này sẽ là căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý, cấp chính quyền quyết định một số cơ chế, chính sách nhằm giải quyết các khó khăn có tính đặc thù của địa phương, vùng, miền; trong đó đặc biệt chú ý các tiêu chí phù hợp, khả thi với vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

c) Chỉ đạo rà soát, đánh giá hiệu quả thực hiện các chính sách hiện đang còn hiệu lực, áp dụng trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, khu vực biên giới, bãi ngang ven biển, vùng ATK, các xã nghèo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Kiên quyết lồng ghép các chính sách nhỏ, mục tiêu hỗ trợ trực tiếp vào các chương trình, chính sách lớn, đa mục tiêu; cắt giảm, loại bỏ các chính sách không hiệu quả, không còn phù hợp; khắc phục tình trạng thiếu, không tập trung nguồn lực cho việc giải quyết các nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, gây thất thoát, lãng phí ngân sách Nhà nước.

d) Để bảo đảm tính thống nhất, hiệu quả của việc quản lý, thực hiện nhiệm vụ phân định, Chính phủ cần thống nhất thẩm quyền quyết định, đầu mối quản lý nhà nước về phân định; căn cứ pháp lý của việc sử dụng các kết quả phân định vào việc xây dựng cơ chế, chính sách, định mức ưu tiên đầu tư phát triển trên cơ sở các khó khăn đặc thù và mức độ khó khăn của các đơn vị hành chính, địa phương, vùng, miền.

Theo Hội đồng Dân tộc, về thẩm quyền phân loại đơn vị hành chính thực hiện theo Nghị quyết 1211/UBTVQH13; Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ là cơ quan chủ trì, đầu mối thống nhất quản lý nhà nước về phân loại đơn vị hành chính; các bộ, ngành, Chủ tịch UBND tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ để cụ thể hóa các tiêu chí chung, thực hiện phân định các đơn vị hành chính nhằm mục đích tổ chức, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình, mục tiêu, đề án theo quy định.

2.2. Đề nghị các bộ ngành Trung ương:

a) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, các bộ ngành chủ động rà soát, nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện các tiêu chí, kết quả phân định đối với xã, thôn bản đặc biệt khó khăn giai đoạn hiện nay; phát hiện các bất hợp lý; đề xuất hướng giải quyết đồng thời với việc điều chỉnh, hoàn thiện bộ tiêu chí phân định, phân loại đơn vị hành chính phục vụ các yêu cầu công tác quản lý nhà nước và đầu tư phát triển vùng miền núi, các đơn vị, địa bàn có các khó khăn đặc thù, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2017 - 2021 theo hướng hiệu quả, khả thi36.

b) Tích cực phối hợp, chủ động tham mưu cho Chính phủ về giải pháp khắc phục các khó khăn, bất cập; đề xuất phương án xây dựng bộ tiêu chí và các hình thức phân định, phân loại đơn vị hành chính cấp xã và tổ chức dân cư thôn, bản để làm căn cứ cho việc hoạch định chính sách, tổ chức thực hiện chính sách đầu tư phát triển có hiệu quả đối với các vùng, miền, địa phương có khó khăn đặc thù; đặc biệt đối với địa bàn miền núi, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số.

3. Đối với các địa phương

3.1. Các địa phương chủ động rà soát các kết quả phân định, phát hiện, kiến nghị các bất hợp lý về thực hiện phân định hiện nay và việc áp dụng các kết quả phân định để xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan tại địa phương; đề xuất giải pháp phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực.

3.2. Cần tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý nhà nước về thực hiện chính sách pháp luật nói chung, chính sách dân tộc, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình có mục tiêu trên địa bàn, nhất là địa bàn miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

3.3. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc lồng ghép các chương trình, chính sách dân tộc gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn lực của Nhà nước trên địa bàn.

Trên đây là báo cáo kết quả giám sát Kết quả thực hiện phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao” của Hội đồng Dân tộc./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban TVQH;
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: KH&DT, UBDT, NN&PTNT, TC, GD&DT, NV, LĐ-TB&XH, YT, QP, TN-MT;
- Thành viên Hội đồng Dân tộc;
- Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND, UBND các tỉnh liên quan;
- Lưu: HC, PVHĐGS, DT;
- Epas: 46606.

TM. HỘI ĐỒNG DÂN TỘC
CHỦ TỊCH




Hà Ngọc Chiến

 

PHỤ LỤC 1

TỔNG HỢP XÃ, HUYỆN, TỈNH LÀ MIỀN NÚI, VÙNG CAO

(Nguồn Ủy ban Dân tộc - đến 2016)
(Kèm theo báo cáo số:      /BC-HĐ DT ngày    tháng 3 năm 2017 của Hội đồng Dân tộc)

TT

Tỉnh, thành phố

Tỉnh

Huyện

Miền núi

Có miền núi

Vùng cao

Tổng số huyện

Vùng cao

Miền núi

Tổng số

Vùng cao

Miền núi

 

Tổng số

9

23

12

713

168

133

11,162

2,529

2,311

I

Miền núi phía Bắc

7

0

7

141

77

59

2,566

1,316

1,109

1

Hà Giang

 

 

x

11

8

3

195

151

44

2

Tuyên Quang

x

 

 

7

2

5

141

33

108

3

Cao Bằng

 

 

x

13

12

1

199

187

12

4

Lạng Sơn

x

 

 

11

7

4

226

133

93

5

Lào Cai

 

 

x

9

7

2

164

138

26

6

Yên Bái

x

 

 

9

2

7

180

72

108

7

Thái Nguyên

x

 

 

9

1

8

180

16

164

8

Bắc Kạn

 

 

x

8

6

2

122

100

22

9

Phú Thọ

x

 

 

13

 

8

277

7

208

10

Bắc Giang

x

 

 

10

1

9

230

44

141

11

Hòa Bình

x

 

 

11

2

9

210

64

146

12

Sơn La

 

 

x

12

11

1

204

168

36

13

Lai Châu

 

 

x

8

8

 

108

98

 

14

Điện Biên

 

 

x

10

10

 

130

105

1

II

Đồng bằng sông Hồng

1

6

0

130

2

15

2,458

31

289

15

TP. Hà Nội

 

x

 

30

 

 

584

 

10

16

TP. Hải Phòng

 

x

 

15

 

 

223

 

13

17

Quảng Ninh

x

 

 

14

2

12

186

28

124

18

Hải Dương

 

x

 

12

 

 

265

 

31

19

Hưng Yên

 

 

 

10

 

 

161

 

 

20

Vĩnh Phúc

 

x

 

9

 

1

137

 

39

21

Bắc Ninh

 

 

 

8

 

 

126

 

 

22

Hà Nam

 

x

 

6

 

 

116

 

15

23

Nam Định

 

 

 

10

 

 

229

 

 

24

Ninh Bình

 

x

 

8

 

2

145

3

57

25

Thái Bình

 

 

 

8

 

 

286

 

 

III

BTB và DH Miền trung

0

14

0

174

31

42

2,916

500

716

26

Thanh Hóa

 

x

 

27

5

5

635

106

117

27

Nghệ An

 

x

 

21

4

9

480

98

143

28

Hà Tĩnh

 

x

 

13

 

5

262

4

122

29

Quảng Bình

 

x

 

8

1

3

159

29

36

30

Quảng Trị

 

x

 

10

2

 

141

34

13

31

Thừa Thiên Huế

 

x

 

9

1

1

152

21

25

32

TP. Đà Nẵng

 

x

 

8

 

 

56

 

4

33

Quảng Nam

 

x

 

18

6

5

244

63

57

34

Quảng Ngãi

 

x

 

14

5

1

184

61

22

35

Bình Định

 

x

 

11

3

 

159

17

34

36

Phú Yên

 

x

 

9

 

3

112

8

38

37

Khánh Hòa

 

x

 

9

2

2

140

23

27

38

Ninh Thuận

 

x

 

7

2

2

65

20

13

39

Bình Thuận

 

x

 

10

 

6

127

16

65

IV

Tây Nguyên

0

0

5

62

58

4

726

682

36

40

Đắk Lắc

 

 

x

15

14

1

184

176

8

41

Đắk Nông

 

 

x

8

8

 

71

71

 

42

Gia Lai

 

 

x

17

16

1

222

219

 

43

Kon Tum

 

 

x

10

10

 

102

92

5

44

Lâm Đồng

 

 

x

12

10

2

147

124

23

V

Đông Nam Bộ

1

2

0

72

0

13

872

0

140

45

TP. Hồ Chí Minh

 

 

 

24

 

 

322

 

 

46

Đồng Nai

 

x

 

11

 

5

171

 

58

47

Bình Dương

 

 

 

9

 

 

91

 

 

48

Bình Phước

x

 

 

11

 

8

111

 

71

49

Tây Ninh

 

 

 

9

 

 

95

 

 

50

Bà Rịa - Vũng Tàu

 

x

 

8

 

 

82

 

11

VI

ĐB sông Cửu Long

0

1

0

134

0

0

1,624

0

21

51

Long An

 

 

 

15

 

 

192

 

 

52

Tiền Giang

 

 

 

11

 

 

173

 

 

53

Bến Tre

 

 

 

9

 

 

164

 

 

54

Trà Vinh

 

 

 

9

 

 

106

 

 

55

Vĩnh Long

 

 

 

8

 

 

109

 

 

56

Cần Thơ

 

 

 

9

 

 

85

 

 

57

Hậu Giang

 

 

 

8

 

 

76

 

 

58

Sóc Trăng

 

 

 

11

 

 

109

 

 

59

An Giang

 

x

 

11

 

 

156

 

21

60

Đồng Tháp

 

 

 

12

 

 

144

 

 

61

Kiên Giang

 

 

 

15

 

 

145

 

 

62

Bạc Liêu

 

 

 

7

 

 

64

 

 

63

Cà Mau

 

 

 

9

 

 

101

 

 

 

PHỤ LỤC 2

QUYẾT ĐỊNH SỐ 21/UB-QĐ NGÀY 26/01/1993 CỦA CHỦ NHIỆM ỦY BAN DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI VỀ CÔNG NHẬN CÁC XÃ, HUYỆN, TỈNH LÀ MIỀN NÚI, VÙNG CAO (ĐỢT 1)

VÙNG CAO

STT

TỈNH

TỈNH VÙNG CAO

TỔNG SỐ HUYỆN

HUYỆN VÙNG CAO

HUYỆN CÓ VÙNG CAO

XÃ VÙNG CAO

1

Hà giang

x

10

8

1

131

2

Tuyên Quang

 

6

 

4

18

3

Cao Bằng

 

13

6

6

127

4

Lai Châu

x

8

6

1

132

5

Yên Bái

 

8

2

3

45

6

Lạng Sơn

 

11

3

7

92

7

Lào Cai

 

9

5

2

109

8

Bắc Thái

 

13

1

4

36

9

Sơn La

 

10

 

9

42

10

Quảng Ninh

 

12

2

4

27

11

Hòa Bình

 

10

2

5

41

12

Gia Lai

 

10

3

5

54

13

Kon Tum

x

5

4

1

56

14

Lâm Đồng

x

10

7

1

96

15

Vĩnh Phúc

 

13

 

2

7

16

Hà Bắc

 

 

1

2

28

17

Thanh Hóa

 

23

1

6

66

18

Nghệ An

 

18

3

3

69

19

Quảng Bình

 

7

1

5

20

20

Quảng Trị

 

7

1

1

21

21

Quảng Nam-Đà Nẵng

 

17

4

1

46

22

Khánh Hòa

 

 

 

1

2

 

Tổng

 

220

60

74

1265

MIỀN NÚI

STT

TỈNH

TỈNH MIỀN NÚI

TỔNG SỐ HUYỆN

HUYỆN MIỀN NÚI

HUYỆN CÓ MIỀN NÚI

XÃ MIỀN NÚI

1

Hà giang

x

 

10

 

170

2

Tuyên Quang

x

 

6

 

145

3

Cao Bằng

x

 

13

 

223

4

Lạng Sơn

x

 

11

 

225

5

Lai Châu

x

 

8

 

150

6

Lào Cai

x

 

10

 

171

7

Yên Bái

x

 

7

 

175

8

Bắc Thái

x

 

9

 

179

9

Sơn La

x

 

10

 

191

10

Hòa Bình

x

 

10

 

211

11

Quảng Ninh

Có miền núi

6

4

72

12

Gia Lai

x

 

10

 

146

13

Kon Tum

x

 

5

 

68

14

Đắc Lắc

x

 

17

 

155

15

Lâm Đồng

x

 

10

 

121

16

Hà Tây

Có miền núi

 

1

7

17

Hà Bắc

Có miền núi

2

3

69

18

Vĩnh Phúc

Có miền núi

2

4

74

19

Ninh Bình

Có miền núi

1

 

15

20

Thanh Hóa

Có miền núi

8

 

188

21

Nghệ An

Có miền núi

6

4

115

22

Hà Tĩnh

Có miền núi

1

2

30

23

Quảng Bình

Có miền núi

2

4

38

24

Quảng Trị

Có miền núi

1

4

42

25

Thừa Thiên - Huế

Có miền núi

2

4

44

26

Quảng Nam - Đà Nẵng

Có miền núi

4

6

68

27

Quảng Ngãi

Có miền núi

4

1

56

28

Bình Định

Có miền núi

3

2

22

29

Phú Yên

Có miền núi

2

4

29

30

Khánh Hòa

Có miền núi

2

3

26

31

Ninh Thuận

 

 

1

2

16

32

Sông Bé

Có miền núi

3

1

32

33

Đồng Nai

Có miền núi

1

6

30

 

Tổng

 

 

187

55

3303

 

QUYẾT ĐỊNH SỐ 33/UB-QĐ NGÀY 04/06/1993 CỦA BỘ TRƯỞNG“CHỦ NHIỆM ỦY BAN DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI VỀ CÔNG NHẬN CÁC XÃ, HUYỆN, TỈNH LÀ MIỀN NÚI, VÙNG CAO
(ĐỢT 2)

VÙNG CAO

MIỀN NÚI

GHI CHÚ

STT

TỈNH

HUYỆN

TỈNH

HUYỆN

1

An Giang

 

 

 

 

18

 

2

Bà Rịa - Vũng Tàu

 

 

 

 

11

 

3

Bắc Cạn

 

97

 

 

15

 

4

Bắc Giang

 

56

 

 

132

 

5

Bình Định

 

26

 

 

29

 

6

Bình Phước

 

 

 

 

67

 

7

Bình Thuận

 

36

 

 

62

 

8

Cao Bằng

 

171

 

 

7

 

9

Gia Lai

 

172

 

 

 

 

10

Quảng Ngãi

 

55

 

 

23

 

11

Quảng Nam

 

52

 

 

49

 

12

Quảng Bình

 

29

 

 

32

 

13

Phú Yên

 

8

 

 

33

 

14

Phú Thọ

 

16

 

 

201

 

15

Ninh Thuận

 

20

 

 

10

 

16

Ninh Bình

 

9

 

 

49

 

17

Nghệ An

 

100

 

 

144

 

18

Lào Cai

 

141

 

 

23

 

19

Lạng Sơn

 

142

 

 

72

 

20

Lâm Đồng

 

94

 

 

22

 

21

Lai Châu

 

145

 

 

 

 

22

Kom Tum

 

68

 

 

 

 

23

Khánh Hòa

 

22

 

 

25

 

24

Hòa Bình

 

110

 

 

123

 

25

Hải Dương

 

 

 

 

28

 

26

Hà Tĩnh

 

7

 

 

119

 

27

Hà Tây

 

 

 

 

9

 

28

Hà Nam

 

 

 

 

15

 

29

Hà Giang

 

133

 

 

45

 

30

Đồng Nai

 

 

 

 

56

 

31

Điện Biên

 

14

 

 

 

 

32

Đăk Nông

 

18

 

 

 

 

33

Đắc Lắc

 

186

 

 

 

 

34

Yên Bái

 

90

 

 

84

 

35

Vĩnh Phúc

 

 

 

 

37

 

36

Tuyên Quang

 

47

 

 

98

 

37

Thừa Thiên Huế

 

21

 

 

22

 

38

Thanh Hóa

 

101

 

 

106

 

39

Thái Nguyên

 

16

 

 

94

 

40

Sơn La

 

144

 

 

37

 

41

Quảng Trị

 

35

 

 

9

 

42

Quảng Ninh

 

25

 

 

70

 

 

Tổng

 

2418

 

 

1841

 

 

QUYẾT ĐỊNH SỐ 42/UB-QĐ NGÀY 23/05/1997 CỦA BỘ TRƯỞNG-CHỦ NHIỆM ỦY BAN DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI VỀ VIỆC CÔNG NHẬN 3 KHU VỰC MIỀN NÚI, VÙNG CAO

DANH MỤC 3 KHU VỰC MIỀN NÚI VÙNG CAO

STT

3 KHU VỰC MIỀN NÚI, VÙNG CAO

3 KHU VỰC VÙNG DÂN TỘC ĐỒNG BẰNG

DTTS SỐNG XEN KẼ

TỈNH VÙNG CAO

TỈNH MIỀN NÚI

1

Hà Giang

Lạng Sơn

Sóc Trăng

Cần Thơ

2

Lào Cai

Quảng Ninh

Kiên Giang

Kiên Giang

3

Cao Bằng

Yên Bái

Trà Vinh

Cà Mau

4

Lai Châu

Tuyên Quang

Bạc Liêu

Đồng Nai

5

Sơn La

Thái Nguyên

Bình Phước

Tây Ninh

6

Bắc Kạn

Phú Thọ

Cà Mau

Trà Vinh

7

Gia Lai

Hòa Bình

Đồng Nai

Bạc Liêu

8

Kon Tum

Bắc Giang

An Giang

Sóc Trăng

9

Đắc Lắk

Bình Phước

Vĩnh Long

Bình Dương

10

Lâm Đồng

Vĩnh Phúc

Cần Thơ

Bình Phước

11

 

Hà Tây

Bình Dương

 

12

 

Hà Nam

Tây Ninh

 

13

 

Hải Dương

 

 

14

 

TP Hải Phòng

 

 

15

 

Ninh Bình

 

 

16

 

Thanh Hóa

 

 

17

 

Nghệ An

 

 

18

 

Hà Tĩnh

 

 

19

 

Quảng Bình

 

 

20

 

Quảng Trị

 

 

21

 

Thừa Thiên Huế

 

 

22

 

TP Đà Nẵng

 

 

23

 

Quảng Nam

 

 

24

 

Quảng Ngãi

 

 

25

 

Bình Định

 

 

26

 

Phú Yên

 

 

27

 

Khánh Hòa

 

 

28

 

Ninh Thuận

 

 

29

 

Bình Thuận

 

 

30

 

Đồng Nai

 

 

31

 

Bà Rịa Vũng Tàu

 

 

32

 

An Giang

 

 

 

10 tỉnh

32 tỉnh

12 tỉnh

10 tỉnh

 

QUYẾT ĐỊNH SỐ 42/UB-QĐ NGÀY 23/05/1997 CỦA BỘ TRƯỞNG-CHỦ NHIỆM ỦY BAN DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI VỀ VIỆC CÔNG NHẬN 3 KHU VỰC MIỀN NÚI, VÙNG CAO
(ĐỢT V)

VÙNG CAO

MIỀN NÚI

GHI CHÚ

STT

TỈNH

HUYỆN

HUYỆN

1

Hà Giang

6

11

3

4

 

2

Sơn La

7

12

 

 

 

3

Bắc Cạn

1

5

 

 

 

4

Kon Tum

4

12

 

 

 

5

Gia Lai

1

2

 

 

 

6

Thái Nguyên

1

2

2

4

 

7

Bắc Giang

1

1

7

70

 

8

Thanh Hóa

7

5

5

12

Thanh Hóa: 3 huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa toàn bộ là xã VC

9

Quảng Trị

1

 

3

3

 

10

Quảng Nam

2

5

2

3

 

11

Bình Định

1

 

4

4

 

12

Phú Yên

2

5

3

5

 

13

Khánh Hòa

5

20

3

10

 

14

Phú Thọ

 

 

6

55

 

15

Vĩnh Phúc

 

 

1

6

 

16

TP Hải Phòng

 

 

1

6

 

17

Nghệ An

 

 

10

35

 

18

Hà Tĩnh

 

 

4

11

 

19

Quảng Bình

 

 

1

1

 

20

Đồng Nai

 

 

4

23

 

21

Bình Thuận

 

 

3

6

 

22

Bình Phước

 

 

2

7

 

 

Tổng

39

80

64

265

 

 

QUYẾT ĐỊNH SỐ 363/2005/QĐ-UBDT NGÀY 15/08/2005 CỦA BỘ TRƯỞNG-CHỦ NHIỆM ỦY BAN DÂN TỘC VỀ VIỆC CÔNG NHẬN CÁC XÃ, HUYỆN, TỈNH LÀ MIỀN NÚI, VÙNG CAO

(Bổ sung do chia tách địa giới hành chính)

NG CAO

MIỀN NÚI

GHI CHÚ

STT

TỈNH

HUYỆN

XÃ, THỊ TRẤN

HUYỆN

XÃ, THỊ TRẤN

1

Yên Bái

 

2

 

 

Tỉnh Điện Biên, Kon Tum là VC

2

Tuyên Quang

 

2

 

4

3

Sơn La

1

8

 

 

4

Quảng Ninh

 

1

2

2

5

Thanh Hóa

 

4

 

5

6

Nghệ An

 

1

 

7

Quảng Bình

 

3

 

4

8

Quảng Trị

 

2

 

 

9

Quảng Ngãi

2

6

 

2

10

Kom Tum

1

15

 

1

11

Đắk Nông

1

13

 

 

12

Vĩnh Phúc

 

 

1

 

13

Điện Biên

4

 

 

1

14

Phú Thọ

 

 

 

2

15

TP Hải Phòng

 

 

 

1

16

Ninh Bình

 

 

 

1

17

Hà Tĩnh

 

 

 

5

18

Thừa Thiên - Huế

 

 

 

2

19

Ninh Thuận

 

 

1

3

20

Đồng Nai

 

 

1

2

 

Tổng

9

57

5

41

 

 

QUYẾT ĐỊNH SỐ 172/2006/QĐ-UBDT NGÀY 07/7/2006 CỦA BỘ TRƯỞNG-CHỦ NHIỆM ỦY BAN DÂN TỘC VỀ VIỆC CÔNG NHẬN CÁC XÃ, HUYỆN, TỈNH LÀ MIỀN NÚI, VÙNG CAO

(Bổ sung do chia tách địa giới hành chính)

VÙNG CAO

MIỀN NÚI

GHI CHÚ

STT

TỈNH

HUYỆN, THỊ XÃ

XÃ, THỊ TRẤN

HUYỆN, THỊ XÃ

XÃ, THỊ TRẤN

1

Điện Biên

1

10

 

 

Tỉnh Lai Châu là vùng cao

2

Lai Châu

4

7

 

 

3

Đắk Nông

2

12

 

 

4

Gia Lai

4

38

 

 

5

Lâm Đồng

 

2

 

 

6

Ninh Bình

 

 

 

3

7

Thanh Hóa

 

 

 

1

8

Ninh Thuận

 

 

 

1

 

Tổng

11

69

 

5

 

 

QUYẾT ĐỊNH SỐ 01/2007/QĐ-UBDT NGÀY 31/05/2007 CỦA BỘ TRƯỞNG-CHỦ NHIỆM ỦY BAN DÂN TỘC VỀ VIỆC CÔNG NHẬN CÁC XÃ, HUYỆN, TỈNH LÀ MIỀN NÚI, VÙNG CAO

(Bổ sung do chia tách địa giới hành chính)

VÙNG CAO

MIỀN NÚI

GHI CHÚ

STT

TỈNH

HUYỆN, THỊ XÃ

XÃ, THỊ TRẤN

HUYỆN, THỊ XÃ

XÃ, THỊ TRẤN

1

Sơn La

1

1

 

1

 

2

Cao Bằng

 

6

 

1

 

3

Lạng Sơn

 

2

 

 

 

4

Hòa Bình

 

1

1

4

 

5

Bắc Giang

 

1

 

8

 

6

Quảng Ninh

 

1

 

1

 

7

Nghệ An

 

1

 

1

 

8

Hà Tĩnh

 

1

 

3

 

9

Đắc Lắk

 

30

 

 

 

10

Đắc Nông

 

1

 

 

 

11

Gia Lai

3

12

 

 

 

12

Lâm Đồng

3

32

 

2

 

13

Ninh Bình

 

 

 

2

 

14

Bình Định

 

 

 

5

 

15

Phú Yên

 

 

 

4

 

16

Bình Phước

 

 

1

19

 

17

Đồng Nai

 

 

1

 

 

 

Tổng

7

89

3

51

 

 

QUYẾT ĐỊNH SỐ 61/QĐ-UBDT NGÀY 12/03/2009 CỦA BỘ TRƯỞNG-CHỦ NHIỆM ỦY BAN DÂN TỘC VỀ VIỆC CÔNG NHẬN CÁC XÃ, HUYỆN, TỈNH LÀ MIỀN NÚI, VÙNG CAO

(Bổ sung do chia tách địa giới hành chính)

VÙNG CAO

MIỀN NÚI

GHI CHÚ

STT

TỈNH

HUYỆN

HUYỆN

1

Bắc Giang

 

 

 

4

 

2

Nghệ An

 

 

 

3

 

3

Quảng Nam

 

 

1

3

 

4

Bình Thuận

 

 

 

9

 

5

Bình Phước

 

 

1

7

 

6

Lâm Đồng

 

6

 

2

 

7

Điện Biên

1

9

 

 

 

8

Lai Châu

1

8

 

 

 

9

Bình Thuận

 

1

1

 

 

10

Gia Lai

 

11

 

 

 

 

Tổng

2

35

3

28

 

 

PHỤ LỤC 3:

BẢNG TỔNG HỢP TIÊU CHÍ PHÂN ĐỊNH XÃ KHU VỰC III, KHU VỰC II, KHU VỰC I THUỘC VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI THEO CÁC GIAI ĐOẠN
(Kèm theo báo cáo số     /BC-HĐDT ngày    tháng   năm 2017 của Hội đồng Dân tộc)

1. Tiêu chí xã khu vực III:

Giai đoạn 1996-2005

Giai đoạn 2006-2011

Giai đoạn 2012-2015

Giai đoạn 2016-2020

1. Địa bàn cư trú: gồm các xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao hẻo lánh, vùng biên giới, hải đảo. Khoảng cách của các xã đến các khu trục động lực phát triển trên 20 km,

2. Cơ sở hạ tầng chưa được xây dựng, hoặc còn tạm bợ. Giao thông rất khó khăn, không có đường ô tô vào xã. Các công trình điện, thủy lợi, nước sạch, trường học, bệnh xã, dịch vụ khác rất thấp kém hoặc không có.

3. Các yếu tố xã hội chưa đạt mức tối thiểu. Dân trí quá thấp, tỷ lệ mù chữ và thất học trên 60%, bệnh tật nhiều, tập tục lạc hậu, không có thông tin, v.v...

4. Điều kiện sản xuất rất khó khăn, thiếu thốn. Sản xuất mang tính tự nhiên hái lượm, chủ yếu phát rừng làm nương rẫy, du canh du cư.

5. Số hộ đói nghèo trên 60% số hộ của xã. Đời sống thực sự khó khăn, nạn đói thường xuyên xảy ra.

1. Có từ 1/3 số thôn đặc biệt khó khăn trở lên.

2. Có tỷ lệ hộ nghèo từ 55% trở lên.

3. Công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu: Thiếu hoặc có nhưng còn tạm bợ từ 6/10 loại công trình KCHT thiết yếu trở lên.

4. Các yếu tố xã hội: Có ít nhất 3 trong 4 yếu tố sau:

+ Chưa đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

+ Chưa đủ điều kiện khám chữa bệnh thông thường. Trên 50% số thôn chưa có y tế thôn.

+ Trên 50% số hộ chưa được hưởng thụ và tiếp cận với hệ thống thông tin đại chúng.

+ Trên 50% cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở chưa có trình độ từ sơ cấp trở lên.

5. Điều kiện sản xuất rất khó khăn, tập quán sản xuất lạc hậu, còn mang nặng tính tự cấp, tự túc, chưa phát triển sản xuất hàng hóa.

6. Địa bàn cư trú: Thuộc địa bàn Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, điều kiện địa hình chia cắt hoặc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo nhưng không thuộc địa bàn các thành phố, thị xã, thị trấn, trung tâm huyện lỵ, các khu công nghiệp, các cửa khẩu phát triển.

1. Số thôn đặc biệt khó khăn còn từ 35% trở lên (tiêu chí bắt buộc).

2. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 45% trở lên; trong đó tỷ lệ hộ nghèo phải từ 20% trở lên.

3. Có ít nhất 3 trong 5 điều kiện sau:

- Đường trục xã, liên xã chưa được nhựa hóa, bê tông hóa.

- Còn có ít nhất một thôn chưa có điện lưới quốc gia.

- Chưa đủ phòng học cho lớp tiểu học hoặc các lớp học ở thôn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Trạm y tế xã chưa đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế.

- Nhà văn hóa xã chưa đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

4. Có ít nhất 2 trong 3 điều kiện sau:

- Còn từ 30% số hộ chưa có nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

- Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo nghề trên 60%.

- Trên 50% cán bộ chuyên trách, công chức xã chưa đạt chuẩn theo quy định.

5. Có ít nhất 2 trong 3 điều kiện:

- Còn từ 20% số hộ trở lên thiếu đất sản xuất theo quy định.

- Chưa có cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư xã đạt chuẩn.

- Dưới 10% số hộ làm nghề phi nông nghiệp.

1. Số thôn đặc biệt khó khăn còn từ 35% trở lên (tiêu chí bắt buộc);

2. Tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 65% trở lên (trong đó tỷ lệ hộ nghèo từ 35% trở lên) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều - giai đoạn 2016 - 2020;

3. Tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 55% trở lên (các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, khu vực đồng bằng sông Cửu Long từ 30% trở lên) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 và có ít nhất 3 trong 6 điều kiện sau (đối với xã có số hộ dân tộc thiểu số từ 60% trở lên, cần có ít nhất 2 trong 6 điều kiện):

- Trục chính đường giao thông đến Ủy ban nhân dân xã hoặc đường liên xã chưa được nhựa hóa, bê tông hóa theo tiêu chí nông thôn mới;

- Trường mầm non, trường tiểu học hoặc trường trung học cơ sở chưa đạt chuẩn quốc gia theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

- Chưa đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã theo quy định của Bộ Y tế;

- Chưa có Trung tâm Văn hóa, Thể thao xã theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

- Còn từ 20% số hộ trở lên chưa có nước sinh hoạt hợp vệ sinh;

- Còn từ 40% số hộ trở lên chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh theo quy định của Bộ Y tế.

2. Tiêu chí xã khu vực II:

Giai đoạn 1996-2005

Giai đoạn 2006-2011

Giai đoạn 2012-2015

Giai đoạn 2016-2020

1. Địa bàn cư trú: gồm các xã ở vùng giữa khu vực một và khu vực ba. Khoảng cách của các xã đến các khu trục động lực phát triển từ trên 10km đến 20 km.

2. Cơ sở hạ tầng đã hình thành nhưng chưa hoàn chỉnh, chưa ổn định. Giao thông còn khó khăn, điện, thủy lợi, nước sạch, trường học, bệnh xã, các dịch vụ khác chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ cho sản xuất và đời sống của đồng bào.

3. Các yếu tố xã hội chưa đủ điều kiện cơ bản cho cộng đồng phát triển. Trình độ dân trí còn thấp, tỷ lệ mù chữ thất học 30-60%, vệ sinh phòng bệnh kém, thiếu thông tin, v.v...

4. Điều kiện sản xuất chưa ổn định, sản xuất giản đơn, tự cấp tự túc là chủ yếu; còn phát rừng làm nương rẫy, có khả năng tái du canh du cư. Sản phẩm hàng hóa còn ít

5. Số hộ đói nghèo từ 20 đến 50% số hộ trong xã, đời sống của đồng bào tạm ổn định nhưng chưa vững chắc.

1. Không có hoặc có dưới 1/3 số thôn đặc biệt khó khăn.

2. Có tỷ lệ hộ nghèo từ 30% đến dưới 55%.

3. Về kết cấu hạ tầng thiết yếu: Thiếu hoặc có nhưng còn tạm bợ từ 3/10 loại công trình KCHT thiết yếu trở lên.

4. Các yếu tố xã hội: Có ít nhất 3 trong 4 yếu tố sau:

+ Chưa đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

+ Từ 10 đến 50% số thôn chưa có y tế thôn nhưng đã cơ bản đảm bảo các điều kiện khám chữa bệnh thông thường.

+ Trên 80% số hộ thường xuyên được hưởng thụ và tiếp cận với hệ thống thông tin đại chúng.

+ Từ 30% cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở chưa có trình độ từ sơ cấp trở lên.

5. Điều kiện sản xuất: Đã bắt đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, hầu hết đồng bào đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đã có hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư đến thôn.

6. Địa bàn cư trú: Các xã liền kề hoặc thuộc các thành phố, thị xã, thị trấn, các khu công nghiệp, các trung tâm huyện lỵ, cửa khẩu phát triển, các xã có điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội thuận lợi cho phát triển sản xuất và đời sống.

1. Có dưới 35% số thôn đặc biệt khó khăn (tiêu chí bắt buộc).

2. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 20% đến dưới 45%; trong đó tỷ lệ hộ nghèo từ 10% đến dưới 20%.

3. Có ít nhất 2 trong 4 điều kiện sau:

- Đường trục xã, liên xã đến thôn chưa được nhựa hóa, bê tông hóa.

- Còn có thôn chưa có điện lưới.

- Chưa đủ phòng học cho lớp tiểu học hoặc các lớp học ở thôn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Trạm y tế xã chưa đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế.

4. Có ít nhất 2 trong 3 điều kiện sau:

- Có dưới 30% số hộ chưa có nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

- Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo nghề từ 30% đến dưới 60%.

- Có từ 30% đến dưới 50% cán bộ chuyên trách, công chức xã chưa đạt chuẩn theo quy định.

5. Có ít nhất 1 trong 2 điều kiện:

- Còn từ 10% đến dưới 20% số hộ thiếu đất sản xuất theo quy định.

- Chưa có cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư xã đạt chuẩn.

1. Tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 55% trở lên (các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long từ 30% trở lên) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 và có không đủ 3 trong 6 điều kiện (đối với xã có số hộ dân tộc thiểu số từ 60% trở lên, có không đủ 2 trong 6 điều kiện) quy định tại điểm c khoản 1 Điều 3 của Quyết định này;

2. Tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 15% đến dưới 55% (các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, khu vực đồng bằng sông Cửu Long từ 15% đến dưới 30%) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020;

3. Tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo dưới 15% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 và có ít nhất một thôn đặc biệt khó khăn.

3. Tiêu chí xã khu vực I:

Giai đoạn 1996-2005

Giai đoạn 2006-2011

Giai đoạn 2012-2015

Giai đoạn 2016-2020

1. Địa bàn cư trú các trung tâm phát triển: các thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ, các khu công nghiệp, trung tâm hoạt động của các doanh nghiệp; vùng cây trồng vật nuôi hàng hóa bước đầu phát triển; ven các quốc lộ, tỉnh lộ, ga đường sắt, sân bay, bến cảng (Gọi tắt là khu trục động lực phát triển). Khu vực nằm trong bán kính ảnh hưởng đến các khu trục động lực phát triển trên đây: dưới 10 km.

2. Cơ sở hạ tầng đã hình thành, bước đầu phục vụ tốt cho sản xuất và đời sống của đồng bào; giao thông khá thuận lợi, hệ thống điện, thủy lợi, nước sạch, trường học, bệnh xá, phát thanh, truyền hình, v.v... đáp ứng cơ bản được nhu cầu cấp thiết.

3. Các yếu tố xã hội (trình độ dân trí, đời sống văn hóa, nếp sống, v.v...) có tiến độ đạt và vượt mức trung bình của cả nước.

4. Điều kiện sản xuất ổn định, định canh định cư bền vững, đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa bước đầu phát triển.

5. Số hộ đói nghèo dưới 20% số hộ của xã, đời sống của đồng bào tương đối ổn định, mức thu nhập bình quân đầu người bằng và vượt mức bình quân của cả nước.

1. Không có thôn ĐBKK.

2. Tỷ lệ hộ nghèo dưới 30%.

- Kết Cấu hạ tầng: Đã hình thành và đáp ứng cơ bản các yêu cầu cấp thiết, phục vụ tốt điều kiện sản xuất vào đời sống của đồng bào.

3. Các yếu tố xã hội: Có ít nhất 3 trong 4 yếu tố sau:

+ Đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

+ 100% số thôn đã có y tế thôn và: đảm bảo các điều kiện khám chữa bệnh thông thường.

+ 100% số hộ thường xuyên được hưởng thụ và tiếp cận với hệ thống thông tin đại chúng;

+ Trên 70% cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở có trình độ từ sơ cấp trở lên.

4. Điều kiện sản xuất: Đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, tiếp cận được với nền kinh tế thị trường.

5. Địa bàn cư trú: Là các xã liền kề hoặc thuộc địa bàn của thành phố, thị xã, thị trấn, các khu công nghiệp, các trung tâm huyện lỵ, các cửa khẩu phát triển hoặc thuộc địa bàn có điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội thuận lợi cho phát triển sản xuất và đời sống.

Là các xã còn lại thuộc vùng dân tộc và miền núi không phải xã khu vực III và xã khu vực II.

Là các xã còn lại thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi không phải xã khu vực III và xã khu vực II.

 

PHỤ LỤC 4

TỔNG HỢP XÃ KHU VỰC III, KHU VỰC II, KHU VỰC I THUỘC VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI

(Nguồn số liệu Ủy ban Dân tộc)

(Kèm theo báo cáo số:      /BC-HĐDT ngày    tháng    năm 2017 của Hội đồng Dân tộc)

TT

TÊN TỈNH

Giai đoạn 1996-2005

Giai đoạn 2006-2011

Giai đoạn 2012-2015

Giai đoạn 2016-2020

A

TỔNG CỘNG

4.652

5.065

5.259

5.266

 

Khu vực I

946

1.159

1.938

1.326

 

Khu vực II

1.969

2.197

1.273

2.008

 

Khu vực III

1.737

1.709

2.048

1.932

B

CHI TIẾT CÁC TỈNH

 

 

 

 

1

Tỉnh Vĩnh Phúc

39

39

40

40

-

Khu vực I

21

22

39

29

-

Khu vực II

16

14

1

11

-

Khu vực III

2

3

 

 

2

Thành phố Hà Nội

9

9

14

14

-

Khu vực I

2

2

5

10

-

Khu vực II

7

6

7

4

-

Khu vực III

 

1

2

 

3

Tỉnh Quảng Ninh

108

112

113

113

-

Khu vực I

36

60

83

64

-

Khu vực II

40

29

8

32

-

Khu vực III

32

23

22

17

4

Tỉnh Hải Dương

31

31

12

30

-

Khu vực I

12

26

11

28

-

Khu vực II

19

4

1

2

-

Khu vực III

 

1

 

 

5

Tỉnh Ninh Bình

54

55

62

62

-

Khu vực I

4

15

36

30

-

Khu vực II

47

36

21

27

-

Khu vực III

3

4

5

5

6

Tỉnh Hà Giang

184

195

195

195

-

Khu vực I

13

14

26

16

-

Khu vực II

47

58

28

45

-

Khu vực III

124

123

141

134

7

Tỉnh Cao Bằng

187

194

199

199

-

Khu vực I

21

16

23

11

-

Khu vực II

60

68

48

49

-

Khu vực III

106

110

128

139

8

Tỉnh Bắc Kạn

122

122

122

122

-

Khu vực I

12

6

45

17

-

Khu vực II

26

57

27

50

-

Khu vực III

84

59

50

55

9

Tỉnh Tuyên Quang

145

140

141

141

-

Khu vực I

18

37

38

26

-

Khu vực II

77

69

49

54

-

Khu vực III

50

34

54

61

10

Tỉnh Lào Cai

180

164

164

164

-

Khu vực I

17

21

29

26

-

Khu vực II

43

49

23

36

-

Khu vực III

120

94

112

102

11

Tỉnh Yên Bái

178

180

180

180

-

Khu vực I

56

48

48

31

-

Khu vực II

61

69

60

68

-

Khu vực III

61

63

72

81

12

Tỉnh Thái Nguyên

124

126

125

124

-

Khu vực I

24

26

41

25

-

Khu vực II

82

81

37

63

-

Khu vực III

18

19

47

36

13

Tỉnh Lạng Sơn

225

227

226

226

-

Khu vực I

36

39

76

38

-

Khu vực II

109

127

59

63

-

Khu vực III

80

61

91

125

14

Tỉnh Bắc Giang

168

169

188

188

-

Khu vực I

69

84

126

58

-

Khu vực II

64

55

26

90

-

Khu vực III

35

30

36

40

15

Thành phố Hải Phòng

13

14

14

14

-

Khu vực I

4

9

14

14

-

Khu vực II

6

5

 

 

-

Khu vực III

3

 

 

 

16

Tỉnh Phú Thọ

213

216

218

218

-

Khu vực I

47

29

82

63

-

Khu vực II

126

146

76

128

-

Khu vực III

40

41

60

27

17

Tỉnh Điện Biên

 

106

130

130

-

Khu vực I

 

22

24

18

-

Khu vực II

 

12

10

11

-

Khu vực III

 

72

96

101

18

Tỉnh Lai Châu

153

94

108

108

-

Khu vực I

23

6

11

8

-

Khu vực II

37

17

22

38

-

Khu vực III

93

71

75

62

19

Tỉnh Sơn La

193

201

204

204

-

Khu vực I

69

43

50

27

-

Khu vực II

67

72

55

65

-

Khu vực III

57

86

99

112

20

Tỉnh Hòa Bình

212

214

210

210

-

Khu vực I

31

33

74

52

-

Khu vực II

121

127

62

72

-

Khu vực III

60

54

74

86

21

Tỉnh Thanh Hóa

216

221

223

225

-

Khu vực I

35

22

42

42

-

Khu vực II

103

108

66

83

-

Khu vực III

78

91

115

100

22

Tỉnh Nghệ An

236

244

252

252

-

Khu vực I

64

90

92

46

-

Khu vực II

73

64

59

112

-

Khu vực III

99

90

101

94

23

Tỉnh Hà Tĩnh

119

126

107

104

-

Khu vực I

70

34

25

15

-

Khu vực II

35

60

34

89

-

Khu vực III

14

32

48

 

24

Tỉnh Quảng Bình

55

64

64

64

-

Khu vực I

 

1

10

3

-

Khu vực II

30

28

10

21

-

Khu vực III

25

35

44

40

25

Tỉnh Quảng Trị

47

47

47

47

-

Khu vực I

7

13

11

-

Khu vực II

21

14

14

15

-

Khu vực III

19

20

22

26

26

Tỉnh Thừa Thiên Huế

43

46

48

48

-

Khu vực I

2

8

22

14

-

Khu vực II

23

22

16

19

-

Khu vực III

18

16

10

15

27

Tỉnh Quảng Nam

122

116

123

122

-

Khu vực I

12

14

21

12

-

Khu vực II

47

45

18

47

-

Khu vực III

63

57

84

63

28

Tỉnh Quảng Ngãi

105

79

83

83

-

Khu vực I

16

13

8

4

-

Khu vực II

38

23

21

33

-

Khu vực III

51

43

54

46

29

Tỉnh Bình Định

44

50

53

53

-

Khu vực I

3

5

13

4

-

Khu vực II

19

27

14

18

-

Khu vực III

22

18

26

31

30

Tỉnh Phú Yên

41

45

45

45

-

Khu vực I

9

12

10

5

-

Khu vực II

23

23

17

24

-

Khu vực III

9

10

18

16

31

Tỉnh Khánh Hòa

49

50

53

51

-

Khu vực I

1

24

31

6

-

Khu vực II

31

22

17

29

-

Khu vực III

17

4

5

16

32

Tỉnh Ninh Thuận

27

31

37

37

-

Khu vực I

3

3

15

1

-

Khu vực II

9

14

7

22

-

Khu vực III

15

14

15

14

33

Tỉnh Bình Thuận

70

79

80

80

-

Khu vực I

17

49

58

44

-

Khu vực II

40

24

12

27

-

Khu vực III

13

6

10

9

34

Tỉnh Kon Tum

76

96

102

102

-

Khu vực I

10

19

25

25

-

Khu vực II

40

31

19

28

-

Khu vực III

26

46

58

49

35

Tỉnh Gia Lai

156

210

222

222

-

Khu vực I

40

51

80

54

-

Khu vực II

61

94

69

107

-

Khu vực III

55

65

73

61

36

Tỉnh Đắk Lắk

183

175

184

184

-

Khu vực I

50

46

84

52

-

Khu vực II

103

98

56

87

-

Khu vực III

30

31

44

45

37

Tỉnh Đắk Nông

 

67

71

71

-

Khu vực I

 

9

17

15

-

Khu vực II

 

38

28

44

-

Khu vực III

 

20

26

12

38

Tỉnh Lâm Đồng

128

145

148

147

-

Khu vực I

45

38

84

81

-

Khu vực II

50

65

33

58

-

Khu vực III

33

42

31

8

39

Tỉnh Bình Phước

61

94

107

107

-

Khu vực I

7

25

79

68

-

Khu vực II

36

51

19

30

-

Khu vực III

18

18

9

9

40

Tỉnh Tây Ninh

 

 

21

20

-

Khu vực I

 

 

21

19

-

Khu vực II

 

 

 

1

-

Khu vực III

 

 

 

 

41

Tỉnh Đồng Nai

70

89

87

87

-

Khu vực I

11

28

87

86

-

Khu vực II

43

55

 

1

-

Khu vực III

16

6

 

 

42

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

11

31

30

30

-

Khu vực I

1

18

22

23

-

Khu vực II

1

8

5

7

-

Khu vực III

9

5

3

 

43

Tỉnh Trà Vinh

45

73

64

64

-

Khu vực I

2

9

21

15

-

Khu vực II

20

44

21

25

-

Khu vực III

23

20

22

24

44

Tỉnh Vĩnh Long

6

11

11

10

-

Khu vực I

2

4

6

5

-

Khu vực II

1

7

4

3

-

Khu vực III

3

 

1

2

45

Tỉnh An Giang

27

37

38

38

-

Khu vực I

4

20

28

11

-

Khu vực II

12

15

8

19

-

Khu vực III

11

2

2

8

46

Tỉnh Kiên Giang

50

68

70

70

-

Khu vực I

6

17

55

29

-

Khu vực II

11

35

11

37

-

Khu vực III

33

16

4

4

47

Thành phố Cần Thơ

2

 

1

1

-

Khu vực I

 

 

 

 

-

Khu vực II

 

 

1

1

-

Khu vực III

2

 

 

 

48

Tỉnh Hậu Giang

 

28

34

32

-

Khu vực I

 

7

22

14

-

Khu vực II

 

21

8

14

-

Khu vực III

 

 

4

4

49

Tỉnh Sóc Trăng

65

81

98

98

-

Khu vực I

6

2

31

9

-

Khu vực II

26

38

31

56

-

Khu vực III

33

41

36

33

50

Tỉnh Bạc Liêu

26

35

26

25

-

Khu vực I

 

4

4

 

-

Khu vực II

7

19

14

14

-

Khu vực III

19

12

8

11

51

Tỉnh Cà Mau

15

 

65

65

-

Khu vực I

 

 

33

27

-

Khu vực II

 

 

21

29

-

Khu vực III

15

 

11

9

52

Tỉnh Hà Nam

15

15

 

 

-

Khu vực I

7

15

 

 

-

Khu vực II

8

 

 

 

-

Khu vực III

 

 

 

 

53

TP. Đà Nẵng

4

4

 

 

-

Khu vực I

1

1

 

 

-

Khu vực II

3

3

 

 

-

Khu vực III

 

 

 

 

 

PHỤ LỤC 5

CÁC CHÍNH SÁCH, CHẾ ĐỘ ÁP DỤNG TẠI KHU VỰC MIỀN NÚI, VÙNG CAO VÀ ĐỊA BÀN CÁC XÃ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN

(1) Phụ cấp khu vực (Thông tư liên tịch số 11/2005/BNV-BTC-BLĐTBXH-UBDT, ngày 05/1/2005), gồm 7 mức: 0,1; 0,2; 0,3; 0,4; 0,5; 0,7; 1,0% so với mức lương tối thiểu chung của địa bàn;

(2) Phụ cấp thu hút đối với cán bộ, công chức làm việc vùng kinh tế mới, đảo xa, vùng xa xôi, hẻo lánh, điều kiện đi lại, sinh hoạt khó khăn (Thông tư liên tịch số 10/2005/BNV-BLĐTBXH-BTC ngày 05/1/2005), gồm 4 mức: 20%, 30%, 50%, 70% mức lương hiện hưởng, cộng với phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, thời gian hưởng được xác định trong khung từ 3-5 năm.

(3) Phụ cấp thu hút giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục công tác vùng đặc biệt khó khăn (Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006; Thông tư liên tịch số 06/2007/BNV-BTC-BGDĐT ngày 27/3/2007; Nghị định số 19/2013/NĐ-CP ngày 23/2/2013); mức phụ cấp bằng 70% mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng, cộng với phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung; thời gian được hưởng không quá 5 năm.

(4) Phụ cấp thu hút đối với cán bộ, công chc, viên chức, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang ở vùng đặc biệt khó khăn (Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010); Thông tư liên tịch số 08/2011/BNV-BTC ngày 03/8/2011); mức phụ cấp bằng 70% tiền lương tháng hiện hưởng, gồm mức lương chức vụ, ngạch, bậc, cấp hành và phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung.

(5) Phụ cấp thu hút cán bộ, viên chức, lao động hợp đồng Y tế, cán bộ, nhân viên Quân y trực tiếp làm chuyên môn tại vùng đặc biệt khó khăn (Nghị định số 64/2009/NĐ-CP ngày 30/7/2009; Thông tư liên tịch số 06/2010/BNV-BYT-BTC ngày 22/3/2010), mức phụ cấp bằng 70% mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng, cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung.

(6) Trợ cấp cho các đối tượng thuộc Dự án 600 Phó Chủ tịch xã (Quyết định số 70/2009/QĐ-TTg ngày 27/4/2009; Quyết định số 170/QĐ-TTg ngày 26/1/2011; Thông tư số 171/2011/BTC ngày 25/11/2011); mức hỗ trợ ban đầu bằng 10 tháng lương tối thiểu chung, cộng trợ cấp chuyển vùng, hỗ trợ tiền tàu, xe, vận chuyển hành lý (bằng 12 tháng lương tối thiểu/hộ); trợ cấp hằng tháng bằng 70% mức lương hiện hưởng, cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung; hỗ trợ tiền tàu xe đi về các kỳ nghỉ lễ tết, hằng năm, nghỉ việc riêng.

(7) Trợ cấp 1 lần đối với cán bộ, công chức làm công tác về chủ quyền biển đảo (Quyết định số 34/2011/QĐ-BCĐBĐHĐ ngày 15/6/2011); mức trợ cấp theo chế độ quy định riêng.

(8) Trợ cấp lần đầu, trợ cấp chuyển vùng đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác trường chuyên biệt, vùng đặc biệt khó khăn (Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006; Thông tư liên tịch số 06/2007/BNV-BGDĐT- BTC ngày 27/3/2007; Nghị định số 19/2013/NĐ-CP ngày 23/2/2013; Thông tư liên tịch số 35/2013/BNV-BGDĐT-BTC ngày 19/9/2013); mức trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương tối thiểu chung tại thời điểm nhận công tác; trợ cấp chuyển vùng bằng 12 tháng lương tối thiểu chung và tiền tàu xe, vận chuyển hành lý cho hộ gia đình.

(9) Trợ cấp lần đầu và trợ cấp chuyển vùng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng đặc biệt khó khăn (Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010; Thông tư liên tịch số 08/2011/BNV-BTC ngày 03/8/2011); mức trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương tối thiểu chung; trợ cấp chuyển vùng bằng 12 tháng lương tối thiểu chung, hỗ trợ tiền tàu xe, vận chuyển hành lý cho hộ gia đình.

(10) Phụ cấp hằng tháng đối với nhân viên Y tế thôn bản (Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009); gồm các hệ số: 0,3; 0,5 so với mức lương tối thiểu chung.

(11) Phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác trường chuyên biệt, vùng đặc biệt khó khăn (Nghị định số 61/NĐ-CP ngày 20/6/2006; Thông tư liên tịch số 06/2007/BNV-BGDĐT-BTC ngày 27/3/2007); các mức bằng 50% và 70% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung.

(12) Phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập (Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 06/10/2006; Thông tư liên tịch số 01/2006/BNV-BTC-BGDĐT ngày 23/1/2006).

(13) Phụ cấp theo loại đơn vị hành chính cấp xã đối với cán bộ xã, người hoạt động không chuyên trách cấp xã (Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009; Nghị định số 112/NĐ-CP ngày 05/12/2011; Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 8/4/2013), mức 5% và 10% tính trên mức lương hiện hưởng, cộng phụ cấp các chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung.

(14) Trợ cấp hỗ tr nhà ở cho hộ nghèo (Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008).

(15) Quy định về số lượng Phó chủ tịch UBND các cấp theo loại đơn vị hành chính (Nghị định số 08/NĐ-CP ngày 25/1/2016);

(16) Quy định về điều kiện thành lập, tiêu chuẩn quy mô, tổ chức, hoạt động của Tổ dân phố, thôn, bản (Thông tư số 04/2012/BNV ngày 31/8/2012);

(17) Chính sách luân chuyển, tăng cường cán bộ chủ chốt; ưu đãi, khuyến khích cán bộ chuyên môn, kỹ thuật, trí thức trẻ về công tác tại các xã nghèo, huyện nghèo (Quyết định số 70/QĐ-TTg ngày 27/4/2009; Quyết định số 08/2011/QĐ-TTg ngày 26/1/2011; Quyết định số 170/2011/QĐ-TTg ngày 26/1/2011; Quyết định số 1097/2011/QĐ-TTg ngày 08/7/2011).

....Chưa kể một số loại phụ cấp, trợ cấp đặc thù theo nghề nghiệp, trợ cấp thăm quan, học tập kinh nghiệm....

 

PHỤ LỤC 6

TỔNG HỢP KINH PHÍ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH TRÊN ĐỊA BÀN DÂN TỘC THIỂU SỐ, MIỀN NÚI

(GIAI ĐOẠN 2011-2015)

ĐVT: Triệu đồng

STT

Tỉnh

Chương trình 135

Chính sách hỗ trợ trực tiếp (QĐ102)

Chính sách Giáo dục & đào tạo

Chương trình Giảm nghèo - 30a

Chính sách Bảo hiểm y tế (QĐ 139)

Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất (QĐ755)

Chính sách hỗ trợ cán bộ CC, VC, LLVT (NĐ116)

Cộng
(theo tỉnh)

1

Điện Biên

56,494

102,262

1,526,912

1,001,167

83,876

159,910

150,602

3,081,223

2.

Lai Châu

592,668

79,627

379,499

 

 

317,240

648,148

2,017,182

3

Lào Cai

770,846

91,195

 

850,077

792,729

87,445

52,728

2,645,020

4

Bắc Kạn

 

 

 

160,000

 

 

451,662

611,662

5

Lạng Sơn

799,917

82,750

 

 

 

39,000

484,838

1,406,505

6

Hà Giang

1,113,000

131,310

 

 

 

 

1,159,199

2,403,509

7

Cao Bằng

1,011,060

96,261

 

1,408,900

1,097,703

75,000

 

3,688,924

8

Phú Thọ

126,217

64,150

 

 

 

19,000

509,724

719,091

9

Bắc Giang

362,113

64,188

434,909

 

400,000

45,665

882,474

2,189,349

10

Thanh Hóa

819,200

157,959

1,400,000

1,300,000

 

90,000

2,065,296

5,832,455

11

Phú Yên

156,401

28,882

 

 

492,242

 

502,885

1,180,410

12

Bình Định

204,727

25,063

421,327

650,885

 

27,000

584,638

1,913,640

13

Gia Lai

682,065

 

731,356

 

 

50,900

73,227

1,537,548

14

Đăk Lăk

436,333

110,100

 

 

404,800

25,000

714,039

1,690,272

15

Lâm Đồng

355,664

49,104

 

 

 

46,781

 

451,549

16

Quảng Trị

151,554

19,094

 

312,752

 

29,000

 

512,400

17

Bình Thuận

 

13,522

 

 

 

58,595

128,824

200,941

18

Ninh Thuận

119,986

23,706

 

206,865

 

52,538

285,977

689,072

19

Quảng Nam

473,573

75,128

 

 

 

58,000

1,046,682

1,653,383

20

Quảng Ngãi

238,747

55,317

693,697

969,830

 

11,000

1,110,205

3,078,796

21

Bà Rịa - Vũng Tàu

236,587

63,199

 

 

911,353

20,964

101,734

1,333,837

22

Đồng Nai

94,822

21,111

 

 

 

13,986

 

129,919

23

Bình Phước

124,938

24,939

 

 

 

59,605

 

209,482

24

Hậu Giang

128,867

14,629

 

 

 

 

 

143,496

25

Trà Vinh

236,587

63,199

 

 

911,353

20,964

 

1,232,103

26

An Giang

8,508

25,490

 

 

 

 

208,024

242,022

27

Cà Mau

81,244

22,140

 

 

63,260

 

287,848

454,492

Cộng các chính sách

9382,118

1,504,325

5,587,700

6,860,476

5,157,316

1,307,593

11,448,754

41,248,282

 

PHỤ LỤC 7

MỘT SỐ VĂN BẢN LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC PHÂN ĐỊNH VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ, MIỀN NÚI THEO TRÌNH ĐỘ PHÁT TRIỂN VÀ PHÂN ĐỊNH XÃ, HUYỆN, TỈNH LÀ MIỀN NÚI, VÙNG CAO

STT

LOẠI VĂN BẢN

NỘI DUNG TÁC ĐỘNG

ĐỐI TƯỢNG TÁC ĐỘNG

TRÌNH ĐỘ PHÁT TRIỂN

MIỀN NÚI, VÙNG CAO

1

Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013

Điều 58: Nhà nước, xã hội đầu tư phát triển sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, có chính sách ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Điều 61: (1) Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; (2) Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; chăm lo giáo dục mầm non; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí; từng bước phổ cập giáo dục trung học; phát triển giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý; (3) Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; ưu tiên sử dụng, phát triển nhân tài; tạo điều kiện để người khuyết tật và người nghèo được học văn hóa và học nghề.

X

X

2

Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính

Chương I: Tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính các cấp

X

X

2

Luật Báo chí năm 2016

Điều 5. Chính sách của Nhà nước về phát triển báo chí: (3) Đặt hàng báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, an ninh, quốc phòng, thông tin đối ngoại, phục vụ thiếu niên, nhi đồng, người khiếm thính, khiếm thị, đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng có Điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo và các nhiệm vụ trọng yếu khác phù hợp với từng giai đoạn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; (4) Hỗ trợ cước vận chuyển báo chí phục vụ nhiệm vụ, đối tượng và địa bàn quy định tại Khoản 3 Điều này.

X

X

3

Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014

Điều 54. Điều kiện hưởng lương hưu: Khoản 1, b: Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;

Khoản 2, b: Nam từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi, nữ từ đủ 45 tuổi đến đủ 50 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;

X

X

4

Luật Cán bộ, Công chức năm 2008

Điều 12: Cán bộ, công chức làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc trong các ngành, nghề có môi trường độc hại, nguy hiểm được hưởng phụ cấp và chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Điều 37: Khoản 2: Người có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 36 của Luật này cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được tuyển dụng thông qua xét tuyển.

Điều 63: Khoản 2: Đối với các xã miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì có thể được tuyển dụng thông qua xét tuyển. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức tuyển dụng công chức cấp xã theo quy định của Chính phủ.

X

X

5

Luật chuyển giao công nghệ năm 2006

Điều 5: Khoản 4: Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chuyển giao công nghệ ở vùng nông thôn, miền núi; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển giao công nghệ ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

X

X

6

Luật công nghệ thông tin năm 2006

Điều 5. Khoản 6: Có chính sách ưu đãi để tổ chức, cá nhân có hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đối với nông nghiệp; nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người có hoàn cảnh khó khăn.

X

X

7

Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (ngày 19/06/2015)

Điều 18. Khoản 1: Việc xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh được thực hiện theo nguyên tắc: (a) Tỉnh miền núi, vùng cao có từ năm trăm nghìn dân trở xuống được bầu năm mươi đại biểu; có trên năm trăm nghìn dân thì cứ thêm ba mươi nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá tám mươi lăm đại biểu; (b) Tỉnh không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này có từ một triệu dân trở xuống được bầu năm mươi đại biểu; có trên một triệu dân thì cứ thêm năm mươi nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá chín mươi lăm đại biểu.

Điều 21. Khoản 4: Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, đề án của tỉnh đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Điều 25. Khoản 1: Việc xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân huyện được thực hiện theo nguyên tắc: (a) Huyện miền núi, vùng cao, hải đảo có từ bốn mươi nghìn dân trở xuống được bầu ba mươi đại biểu; có trên bốn mươi nghìn dân thì cứ thêm năm nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá bốn mươi đại biểu; (b) Huyện không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này có từ tám mươi nghìn dân trở xuống được bầu ba mươi đại biểu; có trên tám mươi nghìn dân thì cứ thêm mười nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá bốn mươi đại biểu;

Điều 32. Khoản 1: Việc xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân xã được thực hiện theo nguyên tắc: (a) Xã miền núi, vùng cao và hải đảo có từ một nghìn dân trở xuống được bầu mười lăm đại biểu; (b) Xã miền núi, vùng cao và hải đảo có trên một nghìn dân đến hai nghìn dân được bầu hai mươi đại biểu; (c) Xã miền núi, vùng cao và hải đảo có trên hai nghìn dân đến ba nghìn dân được bầu hai mươi lăm đại biểu; có trên ba nghìn dân thì cứ thêm một nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá ba mươi lăm đại biểu;

X

X

8

Luật Điện ảnh (29/06/2006)

Điều 5. Khoản 5: Tài trợ cho việc phổ biến phim phục vụ miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, nông thôn, thiếu nhi, lực lượng vũ trang nhân dân, phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, đối ngoại; tổ chức, tham gia liên hoan phim quốc gia, liên hoan phim quốc tế.

X

X

9

Luật Điện lực (20/11/2012)

Điều 1. Ưu tiên phát triển điện phục vụ nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Điều 62: (1). Giá bán điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo khu vực nối lưới điện quốc gia được thực hiện theo quy định tại Điều 31 của Luật này; (2) Giá bán điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia được thực hiện như sau (a) Giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt do đơn vị điện lực có liên quan xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phù hợp với cơ chế hỗ trợ giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt tại khu vực này do Thủ tướng Chính phủ quy định; (b) Các loại giá điện khác do đơn vị điện lực có liên quan xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp đủ chi phí, có lợi nhuận hợp lý cho đơn vị điện lực trên cơ sở tham khảo ý kiến của cơ quan điều tiết điện lực.

X

X

10

Luật Giao thông đường bộ

Điều 5. (1) Nhà nước tập trung các nguồn lực phát triển giao thông đường bộ, ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ ở vùng kinh tế trọng điểm, các thành phố, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số; có chính sách huy động các nguồn lực để quản lý, bảo trì đường bộ.

X

X

11

Luật Lao động 2012

Điều 187. 1. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.

2. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định tại khoản 1 Điều này.

X

X

12

Luật Bầu cử ĐBQH và Đại biểu HĐND năm 2015

Điều 11. Khoản 2: Mỗi khu vực bỏ phiếu có từ ba trăm đến bốn nghìn cử tri. Ở miền núi, vùng cao, hải đảo và những nơi dân cư không tập trung thì dù chưa có đủ ba trăm cử tri cũng được thành lập một khu vực bỏ phiếu.

X

X

13

Luật trợ giúp pháp lý 2006

Điều 10. Người được trợ giúp pháp, lý: (1) Người nghèo; (2) Người có công với cách mạng; (3) Người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa; (4) Người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

X

X

14

Nghị quyết 22/NQ-TW ngày 27/11/1989 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi

Một là, phát triển kinh tế - xã hội miền núi là một bộ phận hữu cơ của chiến lược phát triển nên kinh tế quốc dân....Việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện những chủ trương, chính sách chung ở miền núi phải tính đầy đủ đến những đặc điểm về tự nhiên, lịch sử, kinh tế, xã hội, văn hóa, phong tục, tập quán của miền núi nói chung và của riêng từng vùng, từng dân tộc...

Hai là, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa miền núi là sự nghiệp chung của nhân dân cả nước, trước hết là sự nghiệp của nhân dân các dân tộc miền núi và đồng bào miền xuôi lên định cư ở miền núi. Khai thác và xây dựng miền núi là vì lợi ích trực tiếp của nhân dân miền núi, đồng thời vì lợi ích chung của cả nước

Ba là, nắm vững chủ trương phát triển có kế hoạch nên kinh tế hàng hóa nhiều thành phần đi lên chủ nghĩa xã hội; điều chỉnh lại quan hệ sản xuất ở miền núi cho phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất, thật sự tôn trọng quyền tự quyết định của nhân dân trong việc lựa chọn các hình thức kinh tế và cơ chế quản lý thích hợp, lấy hiệu quả làm tiêu chuẩn hàng đầu, nhất thiết không hình thức, máy móc, rập khuôn, áp đặt………….

Bốn là, phải phát triển miền núi toàn diện cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, trong đó trọng tâm là phát triển kinh tế - xã hội gắn với thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng. Quan tâm đúng mức đến việc giải quyết các vấn đề xã hội, cải thiện đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân……….

X

X

15

Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/05/2016 của Ủy ban Thường vụ QH

Về tiêu chuẩn đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính

X

X

16

Nghị định số 20/1998/NĐ-CP ngày 31/3/1998 của Chính phủ về phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc

Điều 1. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh. Nghị định này quy định các chính sách đối với thương nhân hoạt động thương mại tại địa bàn miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc, chính sách cung ứng và tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu có ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của đồng bào các dân tộc sinh sống, hoạt động trên địa bàn miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc.

Điều 2. Áp dụng những quy định có liên quan. Ngoài các chính sách quy định tại Nghị định này, thương nhân hoạt động trên địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc còn được hưởng các chính sách ưu đãi khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

Chương 2: Khuyến khích phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc

Chương 3: Trợ giá, trợ cước để bán hàng chính sách xã hội, mua sản phẩm sản xuất ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc

Chương 4: Doanh nghiệp Nhà nước hoạt động thương mại ở địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc

X

X

17

Nghị định số 159/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn

Điều 2. Mục đích phân loại đơn vị hành chính cấp xã

1. Làm căn cứ để Nhà nước có chính sách phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm sự ổn định của đơn vị hành chính cấp xã và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở.

2. Làm cơ sở để xác định số lượng cán bộ, công chức chuyên trách và không chuyên trách; số lượng thành viên Ủy ban nhân dân; bổ sung chế độ chính sách hợp lý đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn.

Điều 4. Loại và tiêu chí phân loại đơn vị hành chính cấp xã

1. Xã, phường, thị trấn được phân làm 3 loại đơn vị hành chính sau:

a) Xã, phường, thị trấn loại 1;

b) Xã, phường, thị trấn loại 2;

c) Xã, phường, thị trấn loại 3;

2. Các xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn biên giới và hải đảo là đơn vị hành chính cấp xã loại 1.

3. Tiêu chí phân loại:

a) Dân số;

c) Các yếu tố đặc thù.

Điều 5. Cách thức tính điểm

a) Về dân số: Xã có dân số dưới 1.000 nhân khẩu được tính 45 điểm; xã có từ 1.000 đến 5.000 nhân khẩu, cứ tăng 1.000 nhân khẩu được tính thêm 12 điểm và được tính từ 46 đến 93 điểm; xã có trên 5.000 nhân khẩu, cứ tăng 1.000 nhân khẩu được tính thêm 11 điểm và được tính từ 94 đến tối đa không quá 200 điểm.

b) Về diện tích: Xã có diện tích tự nhiên dưới 1.000 ha được tính 30 điểm; xã có từ 1.000 đến 3.000 ha, cứ tăng 1,000 ha được tính thêm 10 điểm và được tính từ 31 đến 50 điểm; xã có trên 3.000 ha, cứ tăng 1.000 ha được tính thêm 09 điểm và được tính từ 51 đến tối đa không quá 100 điểm.

c) Các yếu tố đặc thù: Xã thuộc khu vực I được tính 10 điểm; xã thuộc khu vực II được tính 15 điểm; xã thuộc khu vực III được tính 20 điểm; xã đặc biệt khó khăn và xã an toàn khu (ATK) được tính 20 điểm; Xã có tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm từ 30 đến 50% dân số được tính 10 điểm, chiếm trên 50% dân số được tính 15 điểm; Xã có tỷ lệ tín đồ tôn giáo chiếm từ 30 đến 50% dân số được tính 10 điểm, chiếm trên 50% dân số được tính 15 điểm.

2. Đối với xã đồng bằng

c) Các yếu tố đặc thù: Xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và xã an toàn khu (ATK) được tính 20 điểm;

3. Đối với phường và thị trấn

c) Các yếu tố đặc thù: Phường và thị trấn miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa và an toàn khu (ATK) được tính 20 điểm;

X

X

18

Quyết định số 35/QĐ-TTg ngày 31/07/1997 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình xây dựng trung tâm cụm xã miền núi, vùng cao

I. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH:

- Huy động mọi nguồn lực tại chỗ, phối hợp lồng ghép các chương trình trên địa bàn để xây dựng cơ sở hạ tầng chủ yếu ở mỗi trung tâm cụm xã, nhằm tạo động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng.

- Thúc đẩy các hoạt động văn hóa - xã hội trong tiểu vùng, tạo sự giao lưu giữa các bản, làng và giữa các cụm xã với các đô thị để phát huy sức mạnh cộng đồng, quản lý mọi hoạt động kinh tế - xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, góp phần xây dựng nông thôn mới vùng dân tộc và miền núi.

II. PHẠM VI VÀ QUY MÔ CỦA CHƯƠNG TRÌNH:

- Chương trình được thực hiện ở các xã miền núi, vùng cao thuộc các tỉnh miền núi và có miền núi.

- Giai đoạn 1997 - 2005 xây dựng khoảng 500 trung tâm cụm xã thuộc vùng 3 (vùng núi cao, biên giới, vùng có dân tộc đặc biệt khó khăn).

X

X

19

Quyết định 135/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa

I. MỤC TIÊU:

1. Mục tiêu tổng quát: Nâng cao nhanh đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc ở các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa; tạo điều kiện để đưa nông thôn các vùng này thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, chậm phát triển, hòa nhập vào sự phát triển chung của cả nước; góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc phòng.

X

X

20

Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/09/2015 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020

IV. NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ VÀ ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ VỐN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN NGUỒN CÂN ĐỐI NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG

1. Nguyên tắc xây dựng các tiêu chí và định mức phân bổ vốn

- Bảo đảm tương quan hợp lý giữa việc phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương có số thu lớn, có tỷ lệ điều tiết cao về ngân sách trung ương, với việc ưu tiên các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn khác để góp phần thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế, thu nhập và mức sống của dân cư giữa các vùng miền trong cả nước.

X

X

21

Quyết định số 59/QĐ-TTg ngày 16/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc "cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí có vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn"

Điều 1. Cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí nhằm tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2017-2018.

Điều 2. Phạm vi, đối tượng và các ấn phẩm báo, tạp chí được cấp theo quy định của Điều 1 Quyết định này gồm;

1. Báo Dân tộc và Phát triển (Ủy ban Dân tộc) - 02 kỳ/tuần (104 kỳ/năm), cấp cho Ủy ban nhân dân xã vùng dân tộc và miền núi, thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc xã 3 khu vực I, II, III và chùa Khmer: Mỗi đơn vị 01 tờ/1 kỳ.

2. Tạp chí Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) - 01 kỳ/tháng (12 kỳ/năm), cấp cho Ủy ban nhân dân xã vùng dân tộc và miền núi: Mỗi đơn vị 01 tờ/kỳ.

3. Chuyên trang “Dân tộc thiểu số và miền núi” trên Báo Nhân Dân hàng ngày (Báo Nhân Dân) - 01 trang/kỳ (02 kỳ/tuần tương ứng 104 kỳ/năm), cấp cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số: Mỗi người 01 tờ/kỳ.

4. Chuyên đề "Đoàn kết và Phát triển" của Tập chí Cộng sản - 02 kỳ/tháng (24 kỳ/năm), cấp cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số: Mỗi người 01 tờ/kỳ

5. Chuyên đề “Dân tộc thiểu số và miền núi” của Báo Đại biểu nhân dân (Văn phòng Quốc hội) - 01 kỳ/tuần (52 kỳ/năm), cấp cho Hội đồng nhân dân xã vùng dân tộc và miền núi: Mỗi đơn vị 01 tờ/kỳ.

6. Chuyên đề “Dân tộc thiểu số và miền núi” của Báo Đại đoàn kết (Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) - 01 kỳ/tuần (52 kỳ/năm), cấp cho Ủy ban mặt trận Tổ quốc xã thuộc khu vực III, ban công tác mặt trận thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực III và chùa Khmer: Mỗi đơn vị 01 tờ/kỳ.

7. Chuyên đề “Dân tộc thiểu số và miền núi” của Báo Nông thôn ngày nay (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) - 01 kỳ/tuần (52 kỳ/năm), cấp cho Hội nông dân xã thuộc khu vực III, chi hội nông dân thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc xã 3 khu vực I, II, III: Mỗi đơn vị 01 tờ/kỳ.

8. Chuyên đề “Dân tộc thiểu số và miền núi” của Báo Tiền phong (Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) - 01 kỳ/tuần (52 kỳ/năm), cấp cho đoàn xã thuộc khu vực III, chi đoàn thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc xã 3 khu vực I, II, III: Mỗi đơn vị 01 tờ/kỳ.

9. Chuyên đề “Dân tộc thiểu số và miền núi” của Báo Công Thương (Bộ Công Thương) - 01 kỳ/tuần (52 kỳ/năm), cấp cho Ủy ban nhân dân xã thuộc khu vực III, thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực III: Mỗi đơn vị 01 tờ/kỳ.

10. Chuyên đề “Dân tộc thiểu số và miền núi” của Báo Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - 01 kỳ/tuần (52 kỳ/năm), cấp cho Ủy ban nhân dân xã thuộc khu vực III, thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực III và chùa Khmer: Mỗi đơn vị 01 tờ/kỳ.

11. Chuyên đề “Dân tộc thiểu số và miền núi” của Báo Sức khỏe và Đời sống (Bộ Y tế) - 01 kỳ/tuần (52 kỳ/năm), cấp cho Ủy ban nhân dân xã thuộc khu vực III và thôn bản đặc biệt khó khăn của 94 huyện nghèo, Ủy ban nhân dân xã khu vực III ngoài 94 huyện nghèo: Mỗi đơn vị 01 tờ/kỳ.

12. Chuyên đề “Măng non” của Báo Nhi đồng (Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) - 02 kỳ/tháng (24 kỳ/năm), cấp cho trường tiểu học các xã vùng dân tộc và miền núi: Mỗi lớp 01 tờ/kỳ.

13. Chuyên đề “Thiếu nhi Dân tộc” của Báo Thiếu niên tiền phong (Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) - 02 kỳ/tháng (24 kỳ/năm), cấp cho trường trung học cơ sở các xã vùng dân tộc và miền núi; trường dân tộc nội trú, dân tộc bán trú cụm xã vùng dân tộc và miền núi: Mỗi lớp 01 tờ/kỳ.

14. Chuyên đề “Dân tộc thiểu số và miền núi” của Báo Cựu chiến binh (Hội Cựu chiến binh Việt Nam) - 01 kỳ/tuần (52 kỳ/năm), cấp cho Hội cựu chiến binh xã của 94 huyện nghèo, Chi hội cựu chiến binh thôn bản đặc biệt khó khăn của 94 huyện nghèo, Hội cựu chiến binh xã khu vực III ngoài 94 huyện nghèo: Mỗi đơn vị 01 tờ/kỳ.

15. Chuyên đề “Dân tộc thiểu số và miền núi” của Báo Phụ nữ Việt Nam (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) - 01 kỳ/tuần (52 kỳ/năm), cấp cho Hội phụ nữ thuộc xã khu vực III; Chi hội phụ nữ thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực III: Mỗi đơn vị 01 tờ/kỳ.

15. Chuyên đề “Dân tộc thiểu số và miền núi” của Báo Tin tức (Thông tấn xã Việt Nam) - 01 kỳ/tuần (52 kỳ/năm), cấp cho Ủy ban nhân dân xã vùng dân tộc và miền núi: Mỗi đơn vị 01 tờ/kỳ.

17. Chuyên đề “Dân tộc thiểu số và miền núi” của Báo Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - 01 kỳ/tuần (52 kỳ/năm), cấp cho Ủy ban nhân dân xã vùng dân tộc và miền núi: Mỗi đơn vị 01 tờ/kỳ.

18. Phụ trương “An ninh biên giới” của Báo Biên phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng) - 01 kỳ/tuần (52 kỳ/năm), cấp cho thôn bản thuộc các xã, phường biên giới: Mỗi đơn vị 01 tờ/kỳ.

X

X

22

Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg ngày 8/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh Quyết định này quy định chính sách hỗ trợ về đào tạo, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, định mức lao động, tiền thuê đất, nguồn vốn hỗ trợ và trách nhiệm của các Cơ quan nhà nước có liên quan đến việc tổ chức thực hiện chính sách này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng của Quyết định này bao gồm: Các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm, thủy sản do nhà nước làm chủ sở hữu; Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ; hợp tác xã; các doanh nghiệp ngoài Nhà nước (bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản (sau đây gọi chung là đơn vị sử dụng lao động) có sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú hợp pháp trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn (kèm theo danh sách).

Điều 3. Chính sách hỗ trợ (Về đào tạo; Về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; Về áp dụng định mức lao động; Về tiền thuê đất;)

Điều 4. Nguồn hỗ trợ

1. Ngân sách trung ương hỗ trợ 100% kinh phí về đào tạo, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và 20% định mức lao động chung của đơn vị để khoán hoặc trả công cho người lao động là người dân tộc thiểu số.

X

X

23

Quyết định số 64/2015/ngày 17/12/2015 về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg ngày 8/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn

1. Sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 3 về áp dụng định mức lao động, như sau:

a) Đơn vị sử dụng lao động được áp dụng định mức lao động bằng 80% định mức lao động chung của đơn vị để khoán hoặc trả công cho lao động là người dân tộc thiểu số. Thời gian áp dụng là 05 năm đối với một người lao động vào làm việc tại đơn vị.

b) Đơn vị sử dụng lao động được hạch toán 20% định mức lao động chung của đơn vị vào chi phí sản xuất kinh doanh.”

2. Sửa đổi Khoản 1 Điều 4 như sau:

“1. Ngân sách trung ương hỗ trợ 100% kinh phí về đào tạo, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho lao động là người dân tộc thiểu số.”

X

X

24

Quyết định số 82/QĐ-UBDT ngày 1/3/2017 của Ủy ban Dân tộc Phê duyệt kế hoạch khảo sát, điều tra xây dựng đề án “Thí điểm cấp Ra-đi-ô cho vùng Dân tộc thiểu số và miền núi, vùng ĐKKK giai đoạn 2017-2021”

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

Qua khảo sát, điều tra lấy ý kiến của lãnh đạo chính quyền và các đối tượng trực tiếp thụ hưởng ở cơ sở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhằm đánh giá hiệu quả một số hình thức đang áp dụng phục vụ công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung, tuyên truyền công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc nói riêng.

Đặc biệt, phân tích, đánh giá hiệu quả hình thức tuyên truyền bằng báo in và radio, để làm cơ sở xây dựng Đề án “Thí điểm cấp radio cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2017-2021”.

X

X

25

Quyết định số 964/2015/QĐ-TTg ngày 30/06/2015 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020

I. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH

1. Mục tiêu tổng quát: Chương trình xây dựng và phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền; đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

X

X

26

Quyết định số 138/2000/QĐ-TTg ngày 29 tháng 11 năm 2000

Về hợp nhất dự án định canh định cư, dự án hỗ trợ dân tộc đặc biệt khó khăn, chương trình xây dựng trung tâm cụm xã miền núi, vùng cao, vào chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa.

X

X

 



1 Nghị quyết số 98/NQ-HĐDT ngày 20/10/2016 về Chương trình giám sát năm 2017; Nghị quyết số 162/NQ-HĐDT, ngày 16/01/2017 của Hội đồng Dân tộc về giám sát chuyên đề “Kết quả thực hiện phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao”.

2 Cả nước có 53/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ liên quan đến chuyên đề giám sát.

3 Ủy ban Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao Động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ;

4 Bắc Giang, Sơn La, Yên Bái, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên, Đắc Lắc, Bình Phước và Trà Vinh.

5 (1) Chính sách đầu tư vốn giúp các vùng cao xây dựng cơ sở ban đầu cho sản xuất, đời sống, văn hóa; (2) Chính sách thuế nông nghiệp và chính sách lương thực, thực phẩm đối với vùng cao; (3) Chính sách giá cả đối với một số mặt hàng thiết yếu cho đời sống các dân tộc miền núi; (4) Bổ sung và sửa đổi một số tiêu chuẩn (tăng số mét vải may quần áo cho người dân, cán bộ, công nhân, viên chức thường xuyên công tác ở vùng cao; tăng số lượng mua quần, áo ấm cho cán bộ, công nhân, viên chức thường xuyên công tác ở vùng cao; tăng thêm 1 tháng nghỉ đẻ cho nữ cán bộ, công nhân, nhân viên công tác ở vùng cao; tăng mức trợ cấp chăm sóc con từ 5 đồng lên 10 đồng/ tháng cho người mẹ sau khi sinh con 36 tháng; chế độ chuyển vùng từ vùng cao về xuôi đối với cán bộ, công nhân, viên chức yếu sức khỏe - nơi công tác cũ có trách nhiệm bố trí công việc phù hợp; Giáo viên sư phạm có nội trú được phụ cấp 5% trách nhiệm quản lý; giáo viên dạy lớp ghép được phụ cấp 5 đồng/ ghép 2 lớp; 10 đồng/ ghép 3 lớp; 15 đồng nếu kiêm cả dạy lớp vỡ lòng, bổ túc...

6 Tiêu chí miền núi: (1) Xã có 2/3 diện tích đất đai tự nhiên có độ cao từ 200m trở lên so với mặt biển; (2) Huyện miền núi là huyện có 2/3 số xã là miền núi; (3) Tỉnh miền núi là tỉnh có 2/3 số huyện là miền núi; Tiêu chí vùng cao: (1) Bản vùng cao là bản có 2/3 điện tích đất đai tự nhiên ở độ cao 600m trở lên so với mặt biển; (2) Xã vùng cao là xã có 2/3 diện tích đất đai tự nhiên có độ cao 600m trở lên so với mặt biển; (3) Huyện vùng cao là huyện có 2/3 số xã là vùng cao; (4) Tỉnh vùng cao là tỉnh có 2/3 số huyện vùng cao.

7 (i) Giai đoạn 1996-2005 (10 năm); Phân định 3 khu vực (theo Thông tư số 41/UB-TT ngày 8/01/1996); (ii) Giai đoạn 2006-2011 (06 năm): Phân định 3 khu vực (theo Quyết định số 393/2005/QĐ-UBDT ngày 29/8/2005 của Ủy ban Dân tộc); (iii) Giai đoạn 2012-2016 (05 năm); Phân định 3 khu vực (theo Quyết định số 30/2012/QĐ-TTg ngày 18/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ); (IV) Giai đoạn 2017-2020: Phân định 3 khu vực (theo Quyết định số 50/2016/QĐ-TTg ngày 3/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ).

8 (i) Hai phần ba (2/3) diện tích đất đai của đơn vị đó có độ dốc từ 25° trở lên (là rừng và đất rừng), (ii) Kinh tế - xã hội chậm phát triển so với đồng bằng, (iii) Đất đai sản xuất vừa có ruộng nước (thung lũng bằng, bậc thang) vừa có sản xuất trên đất dốc, (iv) Đời sống có nhiều khó khăn, giao thông đi lại không thuận lợi như đồng bằng, (v) Cư dân là dân tộc thiểu số và dân tộc đa số sống xen ghép hoặc các dân tộc thiểu số sống ghép với nhau hoặc sống riêng từng dân tộc trên một địa bàn miền núi.

9 (i) Hai phần ba (2/3) đất đai trở lên thuộc độ cao trên dưới 600m so với mặt biển, (ii) Kinh tế - xã hội chậm phát triển so với vùng thấp, (iii) Sản xuất chủ yếu là trên đất dốc, có nơi còn du canh du cư, phá rừng làm rẫy, (iv) Đời sống có nhiều khó khăn, đường giao thông chưa phát triển, đi lại có nhiều khó khăn so với vùng thấp, khí hậu khắc nghiệt, còn nhiều bệnh tật, (v) Cư dân chủ yếu là dân tộc thiểu số.

10 (Tờ trình số 08/MNDT-VP ngày 14/1/1992 và Tờ trình số 98/MNDT ngày 9/4/1992).

11 QĐ 21/QĐ-UBDT ngày 26/1/1993: 04 tỉnh vùng cao, 220 huyện vùng cao, 1.265 xã vùng cao; 14 tỉnh miền núi, 18 tỉnh có miền núi, 187 huyện miền núi, 55 huyện có miền núi, 3.303 xã miền núi. QĐ 33/QĐ-UBDT ngày 4/6/1993 (đợt 2): 42 tỉnh vùng cao, 2.418 xã vùng cao, 1.841 xã miền núi. QĐ 42/QĐ-UBDT ngày 23/5/1997: 10 tỉnh vùng cao, 32 tỉnh miền núi, 12 tỉnh đồng bằng có DTTS sống tập trung, 10 tỉnh có DTTS sống xen kẽ. QĐ 42/QĐ-UBDT ngày 23/5/1997 (bổ sung đợt V): 22 tỉnh vùng cao, 39 huyện vùng cao, 80 xã vùng cao, 64 huyện miền núi, 265 xã miền núi. QĐ 363/QĐ-UBDT ngày 15/8/2005 (Bổ sung do chia tách địa giới hành chính): 20 tỉnh vùng cao, 9 huyện vùng cao, 57 xã vùng cao, 5 huyện miền núi, 41 xã miền núi. QĐ 172/QĐ-UBDT ngày 7/7/2006 (bổ sung do chia tách địa giới hành chính): 08 tỉnh vùng cao, 11 huyện vùng cao, 69 xã vùng cao, 05 xã miền núi. QĐ 01/QĐ-UBDT ngày 31/5/2007 (bổ sung do chia tách địa giới hành chính): 17 tỉnh vùng cao, 7 huyện vùng cao, 89 xã vùng cao, 03 huyện miền núi, 51 xã miền núi. QĐ 61/QĐ-UBDT ngày 12/3/2009 (bổ sung do chia tách địa giới hành chính): 10 tỉnh vùng cao, 2 huyện vùng cao, 35 xã vùng cao, 3 huyện miền núi, 28 xã miền núi.

12 Tỉnh vùng cao: 12 tỉnh, gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Bắc Kạn, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Trong đó, tăng 2 tỉnh so với năm 1993 do chia tách địa giới hành chính (chia tách tỉnh Điện Biên từ tỉnh Lai Châu; chia tách tỉnh Đắk Nông từ tỉnh Đắk Lắk). Tỉnh miền núi: 9 tỉnh, gồm: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hòa Bình, Bắc Giang và Bình Phước. Tỉnh có miền núi: 23 tỉnh, gồm: Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, Thành phố Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, An Giang.

13 Tiêu chí đời sống: (i) tỷ lệ hộ nghèo; (ii) số hộ còn nhà ở tạm bợ; (iii) số hộ du canh, du cư; (iv) số hộ thiếu nước sinh hoạt; (v) số hộ chưa có điện sản xuất; Tiêu chí về điều kiện sản xuất: (i) Số hộ thiếu đất sản xuất theo mức bình quân quy định của địa phương, (ii) tỷ lệ diện tích canh tác cây hàng năm của các hộ gia đình trong thôn chưa có hệ thống thủy lợi, (iii) tập quán sản xuất còn lạc hậu, chưa có cộng tác viên khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chưa phát triển sản xuất hàng hóa. Tiêu chí về điều kiện kết cấu hạ tầng: (i) Chưa có đường giao thông nông thôn loại B từ thôn đến trung tâm xã, (ii) còn tồn tại ít nhất 2/3 chỉ tiêu sau: Chưa đủ phòng học cho các lớp tiểu học hoặc có nhưng còn tạm bợ; chưa có hệ thống truyền thanh từ xã đến thôn; chưa có nhà văn hóa thôn phục vụ sinh hoạt cộng đồng.

14 Bộ tiêu chí phân định các thôn, bản đặc biệt khó khăn dựa vào 03 tiêu chí: (i) tỷ lệ hộ nghèo và các yếu tố xã hội: tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo; tỷ lệ số hộ không có nhà tiêu hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh; (ii) các yếu tố về điều kiện sản xuất: tỷ lệ hộ thiếu đất sản xuất; tỷ lệ diện tích đất canh tác chưa được tưới tiêu; về cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư thôn, bản và tỷ lệ hộ làm nghề phi nông nghiệp; (iii) các yếu tố về hạ tầng: tình trạng đường giao thông từ thôn đến trung tâm xã; tình trạng phòng học cho các lớp mẫu giáo; tỷ lệ hộ chưa có điện sinh hoạt; chưa có nhà sinh hoạt cộng đồng.

15 Bộ tiêu chí phân định cấp xã theo trình độ phát triển dựa trên 05 tiêu chí: (i) số thôn đặc biệt khó khăn; (ii) tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo; (iii) yếu tố hạ tầng: đường trục xã, liên xã, số thôn chưa có điện, phòng học, trạm y tế, nhà văn hóa, (iv) yếu tố đời sống, cán bộ: tỷ lệ hộ chưa có nước sinh hoạt hợp vệ sinh, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo, tỷ lệ đạt chuẩn của cán bộ công chức cấp xã, (v) yếu tố về sản xuất: tỷ lệ hộ thiếu đất sản xuất, cán bộ khuyến nông, khuyến lâm xã đạt chuẩn, tỷ lệ hộ làm nghề phi nông nghiệp.

16 Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn (CT 135); Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (nay là 64 huyện nghèo); Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững từ năm 2011-2020; Nghị quyết số 76/2014/NQ-QH13 ngày 24/6/2014 Quốc hội khóa XIII về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020; Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016, phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập năm 2020 - 2021; Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách nội trú, bán trú đối với học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo;

17 Các chính sách về phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ...(Phụ lục số 5).

18 Giai đoạn 2006-2011 có 181 xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn; giai đoạn 2012-2015 có 3 xã KV3 phát triển, chuyển sang KV1; 30 xã KV3 chuyển sang KV2; 72 xã KV2 chuyển sang KV1; 370 thôn, bản thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn. Các xã điển hình: Xã Hiệp Hòa (Quảng Nam); Bộc Nhiêu, Tân Dương, Kim Sơn, Kim Phượng (Thái Nguyên); Cẩm Tú, Cẩm Ngọc, Ngọc Phụng, Hải Long (Thanh Hóa)...

19 Theo kết quả tổng điều tra, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cả nước là 15,14%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo là 9,88% (tương ứng với 2.338.569 hộ nghèo), tỷ lệ hộ cận nghèo là 5,22% (tương ứng với 1.235.784 hộ cận nghèo); tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn 64 huyện nghèo là 50,43% (tương ứng với 371.990 hộ nghèo; tỷ lệ hộ cận nghèo là 12,83% (tương ứng với 94.611 hộ cận nghèo). Tổng số hộ nghèo trên địa bàn 30 huyện nghèo được hưởng cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ là 161.178 hộ, chiếm tỷ lệ 38,29%; tổng số hộ cận nghèo là 46.563, chiếm tỷ lệ 11.06%.

20 Làm căn cứ để nhà nước có chính sách phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm sự ổn định của đơn vị hành chính cấp xã và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở. Làm cơ sở để xác định số lượng cán bộ, công chức chuyên trách và không chuyên trách; số lượng thành viên Ủy ban nhân dân; bổ sung chế độ, chính sách hợp lý đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn.

21 Phân loại theo NĐ 159/NĐ-CP; xã loại I là xã có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn nhất, bao gồm cả các xã biên giới, hải đảo, ATK. Phân loại theo trình độ phát triển thì xã loại III là xã có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn nhất.

22 Phân loại trình độ phát triển gồm 3 loại, tuy nhiên, chỉ có các xã loại II, loại III mới có chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, xã loại I (là các xã còn lại, không thuộc xã loại I, loại II) chỉ phân loại, không có chính sách đầu tư.

23 - Đơn vị hành chính nông thôn: Tỉnh, huyện áp dụng 03 tiêu chí (quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số đơn vị hành chính trực thuộc); cấp xã có 02 tiêu chí (quy mô dân số, diện tích tự nhiên). Đơn vị hành chính đô thị: Thành phố trực thuộc trung ương, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc thành phố và thị xã, quận, có 05 tiêu chí (quy mô dân số; diện tích tự nhiên; đơn vị hành chính trực thuộc; phân cấp đô thị; cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội); cấp phường và thị trấn có 04 tiêu chí (quy mô dân số; diện tích tự nhiên; cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội; mức độ đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị). Đơn vị hành chính hải đảo gồm 04 tiêu chí (quy mô dân số; diện tích tự nhiên; đơn vị hành chính trực thuộc; cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội).

24 QĐ số 257/2003/QĐ-TTg ngày 03/12/2003 về hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo; QĐ số 106/2004/QĐ-TTg ngày 11/6/2004 phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo;

25 Các tỉnh khu vực tây Nguyên trước đây chủ yếu là rừng, nay là các khu đô thị, trang trại cây công nghiệp, thực phẩm. Một số xã thuộc khu vực biên giới trước kia hoang vu, đi lại khó khăn, nay đã sầm uất, thuận lợi vì có cửa khẩu quốc gia, quốc tế, thuộc các khu công nghiệp, khu kinh tế...

26 Trong một số báo cáo của địa phương và ý kiến tại hội thảo Đà Lạt có kiến nghị “Nên bỏ quy định riêng biệt về phân loại miền núi, vùng cao; xác định đặc điểm miền núi, vùng cao là yếu tố đặc thù về địa hình, địa lý (tương tự các yếu tố biên giới, bãi ngang ven biển, ATK...); bổ sung tiêu chí “yếu tố đặc thù” vào phân định đơn vị hành chính cấp xã và tổ chức thôn, bản theo trình độ phát triển (hay mức độ khó khăn).

27 Giai đoạn 1996-2005 ban hành Thông tư hướng dẫn số 41/UB-TT ngày 8/1/1996; giai đoạn 2006-2012 ban hành văn bản số 801/UBĐT-CSDT ngày 5/10/2005; giai đoạn 2012-2015 ban hành Thông tư hướng dẫn số 01/2012/TT-UBDT ngày 24/10/2012; giai đoạn 2016-2020 ban hành văn bản hướng dẫn số 1138/UBDT-CSDT ngày 8/11/2016.

28 “vùng cao”, “miền núi”, “miền núi, vùng cao”, vùng dân tộc thiểu số, miền núi”, “vùng miền núi, dân tộc”, “vùng sâu, vùng xa”, “vùng đặc biệt khó khăn”...

29 Tại NQ 1211/2016/UBTVQH13, việc phân loại đơn vị hành chính được thực hiện cả ở 3 cấp (xã, huyện, tỉnh), UBTVQH giao cho UBND cấp tỉnh thẩm quyền quyết định phân loại đơn vị hành chính cấp xã, NĐ 159-CP xác định phân loại đơn vị hành chính riêng cho 1 cấp (xã, phường, thị trấn) với các mục đích, nguyên tắc cụ thể; Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND cấp tỉnh thẩm quyền quyết định phân loại đơn vị hành chính cấp xã. Tuy nhiên việc phân loại cấp xã theo trình độ phát triển lại do Ủy ban dân tộc hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định; phạm vi phân định cả đơn vị hành chính cấp xã và cả tổ chức dân cư thôn, bản.

30 Theo NQ 1211/2011/UBTVQH13 và NĐ 159-CP, xã loại I là xã có nhiều khó khăn nhất. Theo kết quả phân định theo trình độ phát triển, xã loại III là xã có nhiều khó khăn nhất.

31 Báo cáo kết quả khảo sát và Báo cáo kết quả giải trình của HĐDT về tình hình, kết quả thực hiện NĐ 116-CP.

32 Các yếu tố rất căn bản của bộ tiêu chí: (1) Về dân số; (2) Diện tích tự nhiên; (3) Đời sống - xã hội (tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo; kết quả cân đối thu, chi ngân sách trên địa bàn; thu nhập bình quân/ người/ năm; tỷ lệ dân số sinh sống, canh tác, chịu ảnh hưởng trực tiếp của địa hình đặc thù). Tiêu chí yếu tố đặc thù bao gồm: tỷ lệ và thành phần DTTS; các đặc điểm địa lý (vùng sâu, vùng xa; biên giới, hải đảo, bãi ngang ven biển, ATK, tỷ lệ diện tích miền núi, vùng cao; tỷ lệ thiếu nước sinh hoạt, thiếu nước sản xuất, thiếu đất sản xuất; tỷ lệ dân số sinh sống, canh tác, chịu ảnh hưởng trực tiếp của địa hình miền núi, vùng cao...

33 Trục chính đường giao thông đến UBND xã hoặc đường liên xã chưa được nhựa hóa, bê tông hóa theo tiêu chí nông thôn mới. Trường mầm non, trường tiểu học hoặc trường THCS chưa đạt chuẩn quốc gia theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chưa đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã theo quy định của Bộ Y tế. Chưa có Trung tâm Văn hóa, Thể thao xã theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Còn từ 40% số hộ trở lên chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh theo quy định của Bộ Y tế.

34 Liên quan vấn đề trên, các câu hỏi được đặt ra: (1) Theo quy luật, hiệu quả đầu tư của các chính sách sẽ phải có những tác động tích cực, giúp các xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn giảm nhanh tỷ lệ nghèo, cận nghèo, thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, cơ sở hạ tầng thiết yếu được cải thiện...?; (2) Kết quả phân định phân định xã khu vực III các giai đoạn không có sự thay đổi rõ ràng, xét về hiện quả đầu tư và sự nỗ lực vươn lên của nhân dân các xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn như thế nào?; (3) Kết quả phân định xã khu vực III ít thay đổi có phải cơ bản do tác động của tiêu chí hộ nghèo, hộ cận nghèo?

35 Hiện có khá nhiều quy định về đối tượng, định mức hưởng chế độ trợ cấp, phụ cấp tương tự chính sách tại Nghị định 116 (nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; cán bộ, công chức, người hưởng lương thuộc định biên cấp xã; người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn... Chưa nói đến tính hợp lý, chính xác của đối tượng, địa bàn áp dụng các chính sách trợ cấp, phụ cấp. Số lượng hưởng chế độ trợ cấp, phụ cấp là rất lớn, dẫn đến sự chênh lệch rất lớn về các khoản chi trực tiếp, cho con người so với chi đầu tư phát triển, nhất là chi cho phát triển sản xuất, cải thiện hạ tầng thiết yếu của các địa bàn đặc biệt khó khăn. Đây là một bất hợp lý, cũng là gánh nặng của nhiệm vụ chi ngân sách đối với Nhà nước hiện nay.

36 Các căn cứ để phân định hiện tại chỉ chú ý vào tỷ lệ hộ nghèo mà tiêu chí lại thay đổi theo từng giai đoạn, không nên lấy hộ nghèo là tiêu chí cứng, vì vậy đề nghị căn cứ vào thực tiễn địa hình, điều kiện sản xuất, điều kiện phục vụ cho đời sống của đồng bào tại chỗ khó khăn để làm tiêu chí.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Báo cáo 288/BC-HĐDT14 năm 2017 về kết quả giám sát chuyên đề “Kết quả thực hiện phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao" do Hội đồng Dân tộc ban hành

  • Số hiệu: 288/BC-HĐDT14
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 20/06/2017
  • Nơi ban hành: Hội đồng Dân tộc
  • Người ký: Hà Ngọc Chiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/06/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản