Hệ thống pháp luật

Chương 8 Nghị định 95/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở

Chương VIII

HUY ĐỘNG VỐN ĐỂ PHÁT TRIỂN NHÀ Ở

Điều 43. Điều kiện huy động vốn thông qua việc góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của các tổ chức, cá nhân

1. Thuộc một trong các hình thức phát triển nhà ở theo dự án quy định tại khoản 1 Điều 30 của Luật Nhà ở, trừ dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu nhà ở để chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức phân lô bán nền cho cá nhân tự xây dựng nhà ở.

2. Dự án quy định tại khoản 1 Điều này đã có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan có thẩm quyền hoặc có quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư làm chủ đầu tư dự án thì phải có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư của cơ quan có thẩm quyền và đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với phần đất phải chuyển mục đích sử dụng (nếu có).

3. Chủ đầu tư dự án quy định tại khoản 1 Điều này đã có văn bản thông báo đủ điều kiện huy động vốn của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có dự án. Chủ đầu tư phải chuẩn bị 01 bộ hồ sơ, bao gồm văn bản đề nghị (nêu rõ các thông tin về tên chủ đầu tư, vị trí dự án, tiến độ thực hiện dự án, hình thức và mức vốn huy động, thời hạn huy động vốn) kèm theo giấy tờ chứng minh quy định tại khoản 2 Điều này gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tuyến đến cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có dự án để được thông báo đủ điều kiện huy động vốn.

Trong thời hạn tối đa 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh phải kiểm tra hồ sơ; nếu đủ giấy tờ chứng minh quy định tại khoản này thì phải có văn bản thông báo đủ điều kiện được huy động vốn gửi chủ đầu tư và đăng tải văn bản này trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh. Nội dung văn bản thông báo đủ điều kiện huy động vốn bao gồm: tên chủ đầu tư, vị trí dự án, tiến độ thực hiện dự án, hình thức và mức vốn huy động, thời hạn huy động vốn. Trường hợp hồ sơ chưa đủ giấy tờ theo quy định thì trong thời hạn tối đa 10 ngày, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh phải có văn bản gửi chủ đầu tư yêu cầu bổ sung giấy tờ còn thiếu theo quy định, không được trả lại hồ sơ để yêu cầu nộp lại từ đầu.

Trường hợp đã đủ điều kiện huy động vốn theo quy định và đã nhận đủ hồ sơ do chủ đầu tư gửi nhưng quá thời hạn quy định tại khoản này mà cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh không có văn bản thông báo đủ điều kiện được huy động vốn thì chủ đầu tư được ký hợp đồng huy động vốn nhưng phải chịu trách nhiệm về việc huy động vốn này; cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm về việc không có văn bản thông báo theo quy định tại khoản này.

4. Trường hợp chủ đầu tư dự án đã thế chấp một phần hoặc toàn bộ dự án hoặc đã thế chấp nhà ở trong dự án và đã đăng ký thế chấp theo quy định mà huy động vốn để thực hiện đầu tư xây dựng phần dự án hoặc nhà ở đã thế chấp thì phải thực hiện thủ tục xóa đăng ký thế chấp hoặc rút bớt tài sản thế chấp theo quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm trước khi ký kết hợp đồng huy động vốn.

Tổng vốn được huy động theo các hình thức quy định tại Điều này và các Điều 44, 45, 46, 47 và 48 của Nghị định này và vốn chủ sở hữu phải có không vượt quá tổng vốn đầu tư dự án, bao gồm cả tiền sử dụng đất, tiền thuê đất mà chủ đầu tư phải nộp theo quy định của pháp luật về đất đai. Việc phân chia lợi nhuận bằng cổ phiếu cho các trường hợp huy động vốn phải đáp ứng quy định của pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về chứng khoán.

Điều 44. Điều kiện huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ

1. Việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Chủ đầu tư dự án cần huy động vốn phải đáp ứng điều kiện phát hành trái phiếu và tuân thủ trình tự, thủ tục phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật về chứng khoán, pháp luật về doanh nghiệp; trường hợp huy động vốn từ nhà đầu tư nước ngoài còn phải đáp ứng quy định nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về đầu tư;

b) Đã lựa chọn được chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở;

c) Trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp một phần hoặc toàn bộ dự án hoặc đã thế chấp nhà ở trong dự án và đã đăng ký thế chấp theo quy định mà phát hành trái phiếu để huy động vốn cho việc đầu tư xây dựng phần dự án hoặc nhà ở đã thế chấp thì phải thực hiện thủ tục xóa đăng ký thế chấp hoặc rút bớt tài sản thế chấp theo quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm trước khi phát hành trái phiếu quy định tại khoản này.

2. Việc huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải đáp ứng điều kiện phát hành cổ phiếu và tuân thủ trình tự, thủ tục phát hành cổ phiếu theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

3. Việc huy động vốn để phát triển nhà ở thông qua phát hành chứng chỉ quỹ được thực hiện theo quy định của pháp luật về quỹ đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư bất động sản và các pháp luật khác có liên quan.

4. Tổng vốn được huy động theo các hình thức quy định tại Điều này và các Điều 43, 45, 46, 47 và 48 của Nghị định này và vốn chủ sở hữu phải có không vượt quá tổng vốn đầu tư dự án, bao gồm cả tiền sử dụng đất, tiền thuê đất mà chủ đầu tư phải nộp theo quy định của pháp luật về đất đai.

Trong thời hạn tối đa 15 ngày, kể từ ngày kết thúc việc huy động vốn theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư đã huy động vốn để phát triển nhà ở theo quy định tại Điều này phải có văn bản báo cáo kết quả về số vốn đã huy động được gửi cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có dự án đầu tư xây dựng nhà ở huy động vốn để theo dõi, phục vụ công tác quản lý nhà nước về nhà ở và thị trường bất động sản.

Điều 45. Điều kiện huy động vốn thông qua cấp vốn từ nguồn vốn của Nhà nước

1. Trường hợp thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở bằng nguồn vốn đầu tư công quy định tại điểm a khoản 1 Điều 113 của Luật Nhà ở thì phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

2. Trường hợp thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở bằng nguồn vốn Nhà nước không phải đầu tư công quy định tại điểm b khoản 1 Điều 113 của Luật Nhà ở thì dự án phải đáp ứng điều kiện có quyết định chủ trương đầu tư, có quyết định chủ đầu tư của cơ quan có thẩm quyền và tuân thủ các điều kiện về cấp vốn nhà nước ngoài đầu tư công theo quy định.

Điều 46. Điều kiện huy động vốn thông qua vay vốn từ tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính đang hoạt động tại Việt Nam

1. Trường hợp huy động vốn thông qua vay vốn từ tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì chủ đầu tư dự án phải có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan có thẩm quyền hoặc có quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư làm chủ đầu tư dự án thì phải có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư của cơ quan có thẩm quyền.

2. Trường hợp vay vốn theo cơ chế cho vay do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định thì thực hiện theo các quy định của cơ chế cho vay vốn này.

3. Trường hợp huy động vốn thông qua vay vốn từ tổ chức tài chính nhà nước và tổ chức tài chính ngoài Nhà nước đang hoạt động tại Việt Nam thì dự án cần vay vốn phải có báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật được phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng và đáp ứng các điều kiện cho vay vốn khác theo quy định của tổ chức tài chính cho vay vốn.

4. Trường hợp huy động vốn thông qua vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội thì thực hiện theo quy định của pháp luật về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Điều 47. Điều kiện huy động vốn từ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam

1. Trường hợp lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới tại Việt Nam thì phải đáp ứng điều kiện hoạt động đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan.

2. Trường hợp đã có dự án đầu tư xây dựng nhà ở tại Việt Nam mà thành lập pháp nhân mới để đầu tư xây dựng dự án nhà ở khác tại Việt Nam thì phải đáp ứng các điều kiện sau đây để được huy động vốn cho phát triển nhà ở:

a) Dự án cần huy động vốn đã xác định được chủ đầu tư theo quy định của pháp luật về nhà ở;

b) Đã có báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật của dự án được phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng.

3. Trường hợp nhận chuyển nhượng dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Điều 48. Điều kiện huy động vốn từ các nguồn vốn hợp pháp khác

1. Việc huy động vốn từ các nguồn vốn hợp pháp khác ngoài các hình thức huy động vốn quy định tại các Điều 43, 44, 45, 46 và 47 của Nghị định này để đầu tư xây dựng nhà ở chỉ áp dụng đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở để phục vụ tái định cư, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, nhà ở công vụ và phát triển nhà ở của cá nhân.

2. Điều kiện huy động vốn từ các nguồn vốn hợp pháp khác quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện tương ứng theo từng nguồn vốn huy động và quy định của pháp luật có liên quan.

Nghị định 95/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở

  • Số hiệu: 95/2024/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 24/07/2024
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Hồng Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/08/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH