
Thuật ngữ pháp lý
Đang xem kết quả 61 đến 90 trong tổng số 621 thuật ngữ
CẢNG CẠN
Là một bộ phận thuộc kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, Là đầu mối tổ chức vận tải gắn liền với hoạt động của cảng biển, cảng hàng không, cảng đường thủy nội địa, ga đường sắt, cửa khẩu đường bộ, đồng thời có chức năng Là cửa khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bằng đường biển.
(Theo Khoản 12, Điều 4, Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015)
CẢNG HÀNG KHÔNG
Tổ hợp các công trình được xây dựng lắp đặt để đón và tiễn các tàu bay và phục vụ cho vận chuyển hàng không, và vì mục đích đó mà ở đó có ga hàng không và các công trình khác và các thiết bị chuyên ngành hàng không cần thiết, cảng hàng không có thể là cảng nội địa hoặc cảng quốc tế.
Cảng hàng không nội địa là cảng hàng không được xây dựng lắp đặt để phục vụ các chuyến bay nội địa. Một số cảng hàng không quốc gia được mở cho các chuyến bay nội địa và người ta thường gọi là cảng hàng không quốc tế (ví dụ: ở Việt Nam ta có Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất), mà ở đó thực hiện các chuyến bay nội địa (ví dụ: tuyến Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh). Cũng có trường hợp cảng hàng không nội địa cho phép đón và tiễn chuyến bay quốc tế nhưng đó là ngoại lệ.
Cảng hàng không quốc tế là cảng hàng không được xây dựng, lắp đặt để đón, tiễn và phục vụ các tàu bay thực hiện các chuyến bay quốc tế, và vì mục đích đó mà ở đó có ga hàng không, có điểm kiểm tra biên giới, hải quan, kiểm dịch và các công trình, thiết bị chuyên ngành hàng không cần thiết phù hợp quy chuẩn quốc tế. Nhiệm vụ cơ bản của cảng hàng không quốc tế là bảo đảm việc vận chuyển quốc tế các hành khách, hàng hóa, bưu kiện, bảo đảm các chuyến bay quốc tế của các tàu bay nước ngoài và trong nước; điều hành không lưu và an toàn hàng không theo quy định quốc tế; theo dõi tình hình thời tiết trong khu vực kiểm soát không lưu và truyền thông tin thời tiết cập nhật cho phi hành đoàn nằm trong vùng thông báo bay; tiến hành các hoạt động tốt nhất thông qua hệ thống thông tin liên lạc, đèn hiệu thông báo bay; bảo đảm hỗ trợ kỹ thuật cấp thiết trên sân bay; cung cấp thông tin cập nhật về tình hình đón - tiễn tàu bay và đường băng cất - hạ cánh. Ngoài ra, cảng hàng không quốc tế còn cung cấp các dịch vụ khác liên quan cần thiết cho việc xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu và các giấy tờ, tài liệu khác liên quan. Luật hàng không dân dụng năm 1992; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam năm 1995 quy định khá cụ thể về cảng hàng không tại Chương III, đặc biệt là các điều 23, 24, 25, 26, 27, 28 của Luật.
Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, cảng hàng không được quy định tại Điều 47 Luật hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 do Quốc hội khóa 11 ban hành ngày 29 tháng 06 năm 2006.
CẢNG QUỐC TẾ
Cảng bao gồm cảng thiên nhiên, cảng do con người xây dựng nên; nó có thể là cảng biển, cảng sông, cảng hàng không; có thể là cảng quốc tế, cảng nội địa... Trong pháp luật quốc tế người ta thường dùng thuật ngữ “cảng" để chỉ cảng biển và cảng hàng không.
CẢNG TỰ DO
Cảng bao gồm cảng thiên nhiên, cảng do con người xây dựng nên; nó có thể là cảng biển, cảng sông, cảng hàng không; có thể là cảng quốc tế, cảng nội địa... Trong pháp luật quốc tế người ta thường dùng thuật ngữ “cảng" để chỉ cảng biển và cảng hàng không.
CẢNH BÁO KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN
Là đưa ra thông tin, dữ liệu về nguy cơ xảy ra các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm, bất thường có thể ảnh hưởng hoặc gây thiệt hại về người, tài sản và môi trường.
(Theo khoản 8 Điều 3 Luật khí tượng thủy văn 2015)
CẢNH CÁO
Biện pháp công khai lên án, phê phán đối với người phạm tội hoặc người có hành vi vi phạm hành chính, kỷ luật được tòa án tuyên trong bản án hoặc được ghi trong các quyết định của cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính, kỷ luật.
Trong hệ thống các hình phạt chính của luật hình sự, hình phạt cảnh cáo thuộc loại không tước tự do và là hình phạt nhẹ nhất. Hình phạt cảnh cáo tuy không có nội dung tước bỏ hay hạn chế các quyền cũng như lợi ích của người phạm tội nhưng với tính chất là hình phạt, cảnh cáo vẫn có khả năng tác động đến suy nghĩ của người bị kết án. Cảnh cáo không chỉ xác nhận người bị kết án là người phạm tội mà còn đưa lại cho họ hậu quả phải mang án tích trong thời gian nhất định. Đó là hậu quả pháp lý bất lợi cho người phạm tội và cũng là một trong những điểm khác của hình phạt cảnh cáo so với cảnh cáo là hình thức xử lý vi phạm kỷ luật hay vi phạm hành chính...
Hình phạt cảnh cáo được quy định và áp dụng trước khi có Bộ luật hình sự năm 1985. Theo Bộ luật hình sự năm 1999, hình phạt này được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng chưa đến mức miễn hình phạt.
Trong hệ thống các biện pháp xử phạt hành chính, cảnh cáo là một trong hai hình thức xử phạt chính (Xt. cảnh cáo hành chính).
Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, cảnh cáo được quy định tại Điều 34 Bộ luật hình sự năm 2015 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 27 tháng 11 năm 2015: “Cảnh cáo được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt.”.
CẢNH CÁO HÀNH CHÍNH
Hình thức xử phạt hành chính do cơ quan hoặc người có thẩm quyền áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nhỏ, lần đầu, có tình tiết giảm nhẹ hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện.
Hình thức xử phạt cảnh cáo phải được cơ quan, cá nhân có thẩm quyền quyết định bằng văn bản.
Cảnh cáo hành chính được tiến hành theo thủ tục đơn giản và người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định xử phạt tại chỗ. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép, tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
Cá nhân, tổ chức bị xử phạt cảnh cáo nếu qua 1 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.
Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, cảnh cáo hành chính được quy định tại Điều 22 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 20 tháng 06 năm 2012.
CẢNH SÁT
Cán bộ, công chức nhà nước làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Lực lượng trị an xã hội có tính chất vũ trang của nhà nước, là lực lượng nòng cốt của nhà nước trong bảo vệ trật tự, an toàn xã hội. Lực lượng cảnh sát nhân dân có nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn xã hội nhằm bảo vệ tính mạng, tài sần, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo đảm hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức.
Lực lượng cảnh sát nhân dân được tổ chức theo hệ thống đơn vị hành chính và chịu sự chỉ huy tập trung, thống nhất của Bộ trưởng Bộ Công an.
CẢNH SÁT BIỂN
Lực lượng vũ trang chuyên trách của quốc gia có bờ biển thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật của quốc gia có biển trên các vùng biển thuộc chủ quyền của quốc gia đó phù hợp với luật lệ quốc tế về biển.
Theo quy định tại Pháp lệnh lực lượng cảnh sát biển Việt Nam được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28.3.1998, lực lượng cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách của Nhà nước Việt Nam thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật của Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan do Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước và sự thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ do Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý.
Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam hoạt động từ đường cơ sở ra đến ranh giới ngoài của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Khi có yêu cầu, lực lượng cảnh sát biển có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng, công an nhân dân, các lực lượng hải quan, giao thông vận tải, thủy sản, dầu khí và các lực lượng khác để thực hiện nhiệm vụ trong vùng nội thủy và các cảng biển Việt Nam. Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập để bảo vệ chủ quyền, tài nguyên, phòng chống ô nhiễm môi trường, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống các hành vi vận chuyển trái phép người và vận chuyển mua bán trái phép hàng hóa, vũ khí, chất nổ, chất ma túy và các chất kích thích; chống các hành vi buôn lậu, cướp biển và các hành vi vi phạm pháp luật khác trong vùng lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải của Việt Nam. Trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, lực lượng cảnh sát biển Việt Nam có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập để bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán, phòng chống ô nhiễm môi trường; phát hiện, ngăn ngừa và đấu tranh chống các hành vi cướp biển, vận chuyển nô lệ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy và các chất kích thích. Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam còn có nhiệm vụ thực hiện sự hợp tác quốc tế trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình để góp phần vào việc giữ gìn an ninh trật tự, hòa bình và ổn định trên các vùng biển trong khu vực và quốc tế; thu thập, xử lý kịp thời và thông báo cho các cơ quan chức năng các thông tin cần thiết; phối hợp với các lực lượng khác để bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng tài sản của người và phương tiện hoạt động hợp pháp trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, tham gia tìm kiếm, cứu nạn và khắc phục các sự cố trên biển; phối hợp với các đơn vị khác của lực lượng vũ trang để bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên các hải đảo, vùng biển thuộc lãnh thổ Việt Nam và quyền chủ quyền trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.
Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam có quyền kiểm tra, kiểm soát khi phát hiện người và phương tiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, xử lý vi phạm trong phạm vi thẩm quyền của mình, có quyền cưỡng chế, thực hiện quyền truy đuổi hoặc các quyền hợp pháp khác trong trường hợp người và phương tiện vi phạm pháp luật không chịu tuân theo hiệu lệnh, chống đối hoặc bỏ chạy; được quyền huy động người, phương tiện của tổ chức, cá nhân Việt Nam trong tình thế cấp thiết để đuổi bắt người và phương tiện phạm pháp, nổ súng trong các trường hợp pháp luật cho phép.
Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, cảnh sát biển được quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 do Quốc hội khóa 14 ban hành ngày 19 tháng 11 năm 2018: “2. Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam bao gồm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân và viên chức thuộc biên chế Cảnh sát biển Việt Nam.”.
CẢNH SÁT ĐIỀU TRA
Lực lượng cảnh sát nhân dân có chức năng điều tra các vụ án hình sự theo thẩm quyền được pháp luật quy định.
Tổ chức của Cơ quan cảnh sát điều tra trong Công an nhân dân bao gồm: 1) Tổ chức của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an gồm có Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra; 2) Tổ chức của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh gồm có Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra; 3) Tổ chức của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an cấp huyện gồm có Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và bộ máy giúp việc Cơ quan cảnh sát điều tra.
Thẩm quyền điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra trong Công an nhân dân được quy định như sau:
1) Cơ quan cảnh sát điều tra Công an cấp huyện điều tra các vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại các chương từ Chương XII đến Chương XXII của Bộ luật hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện, trừ các tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Cơ quan An ninh điều tra trong Công an nhân dân;
2) Cơ quan cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh điều tra các vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 11 Pháp lệnh về tổ chức điều tra hình sự năm 2004 khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc các tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an cấp huyện nhưng xét thấy cần trực tiếp điều tra: 3) Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an điều tra các vụ án hình sự về những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh nhưng xét thấy cần trực tiếp điều tra.
Về mặt cơ cấu tổ chức, trong cơ quan cảnh sát điều tra có thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra, phó thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra và điều tra viên. Nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi chức danh tố tụng đó do pháp luật tỐ tụng quy định.
Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan cảnh sát điều tra được quy định tại các Điều 19, Điều 20 và Điều 21 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 26 tháng 11 năm 2015.
CẢNH SÁT QUẢN LÝ TRẠI GIAM
Lực lượng cảnh sát nhân dân có chức năng thực hiện việc giam giữ những bị can, bị cáo bị tạm giam và tổ chức quản lý và thi hành hình phạt tù theo bản án đã có hiệu lực pháp luật và quyết định thi hành án phạt tù của tòa án.
Cảnh sát quản lý trại giam có hai nhiệm vụ chính: 1) Thực hiện việc tạm giam đối với bị can, bị cáo bị cơ quan tiến hành tố tụng quyết định tạm giam nhằm ngăn chặn tội phạm, bảo đảm cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; 2) Tổ chức quản lý và thi hành quyết định thi hành án phạt tù của tòa án theo bản án, quyết định xử phạt tù của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Cảnh sát quản lý trại giam được tổ chức theo ba cấp: Cục cảnh sát quản lý trại giam Bộ Công an; phòng cảnh sát quản lý trại giam Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Công an và Giám đốc sở Công an thực hiện quản lý nhà nước về thi hành án phạt tù trong phạm vi thẩm quyền của mình; cảnh sát quản lý trại giam, trại tạm giam có nhiệm vụ trực tiếp tổ chức thi hành án phạt tù đối với người bị kết án.
Tại cục cảnh sát quản lý trại giam và phòng cảnh sát quản lý trại giam có các cán bộ, sĩ quan cảnh sát; ở các trại tạm giam và trại giam có giám thị, phó giám thị, quản giáo, chuyên viên, nhân viên, kỹ thuật viên và sĩ quan, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang bảo vệ.
CẠNH TRANH
Sự đua tranh về kinh tế giữa các nhà kinh doanh có những lợi ích giống nhau trên cùng thị trường bằng các phương thức khác nhau để giành được nhiều nhất về phía minh khách hàng, thị trường và thị phần của một thị trường, qua đó thu lợi nhuận nhiều hơn.
Cạnh tranh là quy luật của kinh tế thị trường. Cạnh tranh không những là động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển, điều tiết hệ thống thị trường, mà còn là yếu tố quan trọng làm lành mạnh các quan hệ xã hội. Cạnh tranh thúc đẩy các nhà kinh doanh phải luôn đổi mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất để tăng năng suất lao động, tìm cách thỏa mãn tốt nhất các nhu cầu của người tiêu dùng và vì vậy mang lại sự tăng trưởng và cải thiện hiệu quả kinh tế.
Cạnh tranh phải được diễn ra trong môi trường pháp lý tự do và bình đẳng cho mọi chủ thể kinh doanh, nếu không có môi trường pháp lý đó, cạnh tranh có thể đưa đến những hậu quả tiêu cực về mặt xã hội.
Cạnh tranh có thể biểu hiện bằng các hình thức với những tính chất khác nhau như cạnh tranh tự do, cạnh tranh có sự điều tiết của Nhà nước, cạnh tranh hoàn hảo, cạnh tranh không hoàn hảo, cạnh tranh lành mạnh và cạnh tranh không lành mạnh.
CẠNH TRANH KHÔNG LÀNH MẠNH
Sự ganh đua giữa các nhà kinh doanh hoạt động trong cùng lĩnh vực, ngành nghề, trong đó, nhà kinh doanh, để giành giật thị phần, đã thực hiện hành vi trái với quy định của pháp luật, ngược với truyền thống xã hội tốt đẹp và tập quán kinh doanh lành mạnh làm tổn hại đến lợi ích của nhà kinh doanh khác, lợi ích của người tiêu dùng, của Nhà nước và xã hội.
Hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh thường được nhận biết thông qua việc mô tả hành vi. Một cách khái quát có thể kể đến các hành vi cạnh tranh không lành mạnh sau: tung tin sai sự thật với dụng ý hạ uy tín của đối thủ cạnh tranh; gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về chất lượng và xuất xứ hàng hóa, dịch vụ; sử dụng trái phép bí quyết kinh doanh, bí quyết công nghệ, nhãn hiệu thương phẩm của người khác; chi phối, mua chuộc nhân viên của đối thủ cạnh tranh để có lợi thế cạnh tranh; cản trở cạnh tranh bằng cách gây khó khăn cho người khác tham gia cạnh tranh; hạn chế cạnh tranh nhằm độc quyền thị trường như thỏa thuận giá cả, phân chia thị trường, thông đồng trong đấu thầu...; bán phá giá sản phẩm...
Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, cạnh tranh không lành mạnh được quy định tại khoản 6 Điều 3 Luật cạnh tranh năm 2018 do Quốc hội khóa 14 ban hành ngày 03 tháng 12 năm 2018: “Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác.”.
CẠNH TRANH LÀNH MẠNH
Sự ganh đua một cách hợp pháp, trong sạch, đàng hoàng giữa các nhà kinh doanh hoạt động trong cùng lĩnh vực, ngành nghề để chiếm lĩnh thị phần mà không sử dụng thủ đoạn mờ ám, bất chính nhằm loại bỏ đối thủ, tranh giành thị trường.
Các nhà kinh doanh cạnh tranh lành mạnh bằng việc áp dụng các biện pháp cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng cũng như giá trị sử dụng của sản phẩm, hạ giá cung cấp sản phẩm, tạo sự tin tưởng của người tiêu dùng đối với sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao đời sống xã hội.
Ngược nghĩa với cạnh tranh lành mạnh là cạnh tranh không lành mạnh.
CẢNH VỆ
1. Người thuộc lực lượng vũ trang chuyên làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ.
2. Lực lượng vũ trang có nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ lãnh tụ, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ an toàn tuyệt đối hoạt động của lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.
CÁO TRẠNG X. Bản cáo trạng.
Văn bản pháp lý do Viện kiểm sát lập ra khẳng định việc truy tố bị can ra trước tòa án để xét xử.
Trước khi Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 được ban hành, thủ tục làm và phê chuẩn cáo trạng được quy định tại Thông tư số 427-TT/LB ngày 28.6.1963 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Công an.
Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, bản cáo trạng là căn cứ làm phát sinh hoạt động xét xử vụ án hình sự và giới hạn phạm vi xét xử của tòa án. Cơ cấu bản cáo trạng gồm:
Phần đầu: nêu căn cứ các điều của Bộ luật tố tụng hình sự quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của viện kiểm sát nhân dân trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra; căn cứ các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, quyết định phục hồi điều tra vụ án, quyết định khởi tố bổ sung bị can, quyết định nhập vụ án để xác định tính hợp pháp của các hoạt động điều tra, truy tố.
Phần nội dung: thời gian (giờ, ngày, tháng, năm), địa điểm xảy ra tội phạm; người thực hiện hành vi phạm tội; hành vi, động cơ, mục đích, phương pháp, thủ đoạn thực hiện tội phạm, hậu quả của tội phạm và những tình tiết quan trọng khác; viện dẫn chứng cứ xác định tội trạng của bị can, các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị can và các tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án.
Phần kết luận: phải ghi rõ họ tên, nơi sinh, nơi cư trú, nghề nghiệp, tiền án, tiền sự của bị can; bị can bị tạm giam hay được tại ngoại; quyết định truy tố bị can về tội gì, theo điều khoản nào của Bộ luật hình sự.
Cuối cùng, phải ghi rõ ngày, tháng, năm lập cáo trạng, họ tên, chức vụ của người lập, có chữ ký của người lập và đóng dấu của viện kiểm sát.
Bản cáo trạng phải được giao cho bị can và lưu trong hồ sơ vụ án.
Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, bản cáo trạng được quy định tại Điều 243 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 27 tháng 11 năm 2015.
CAO UỶ
1. Người được chính quyền thực dân bổ nhiệm vào vị trí đứng đầu quyền cai trị cao nhất ở một hay một số nước thuộc địa cùng khu vực sau Chiến tranh thế giới thứ II như Cao ủy Pháp tại Đông Dương.
2. Viên chức cao cấp của Liên hợp quốc được Tổng thư ký bổ nhiệm và được Đại hội đồng thông qua bằng một Nghị quyết phê chuẩn, làm việc theo sự chỉ đạo và ủy quyền của Tổng thư ký trong khuôn khổ thẩm quyền và quyết định của Đại hội đồng, có tính đến sự quay vòng về mặt địa lý, có nhiệm kỳ cố định là 4 năm và có thể được tái nhiệm thêm 4 năm nữa như Nghị quyết Đại hội đồng 48/141 (1993) bổ nhiệm Cao ủy về nhân quyền để thúc đẩy và bảo vệ các quyền dân sự, văn hóa, kinh tế, chính trị và xã hội, kể cả quyền phát triển.
3. Trong quan hệ giữa các nước thuộc khối liên hiệp Anh, người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao cũng mang chức danh cao ủy và khi đó cơ quan đại diện ngoại giao cũng được gọi là cơ quan cao ủy.
CẤP ĐỘ AN NINH 2
Là cấp độ mà các biện pháp bảo vệ an ninh bổ sung phải được duy trì trong khoảng thời gian có nguy cơ cao của một sự cố an ninh.
(Theo Khoản 10, Mục 2 Phần A, Bộ Luật quốc tế về an ninh tàu và bến cảng và bổ sung sửa đổi 2002 của Solas (ISPS))
CẤP ĐỘ AN NINH 3
Là cấp độ mà các biện pháp bảo vệ an ninh cụ thể phải được duy trì trong khoảng thời gian hạn chế khi một sự cố an ninh có thể xảy ra hoặc sắp xảy ra, mặc dù có thể không xác định được mục tiêu cụ thể.
(Theo Khoản 11, Mục 2 Phần A, Bộ Luật quốc tế về an ninh tàu và bến cảng và bổ sung sửa đổi 2002 của Solas (ISPS))
CẤP DƯỠNG
Việc một người đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không chung sống với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó chưa thành niên hoặc đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, là người gặp khó khăn, túng thiếu.
Trước khi Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 có hiệu lực, vấn đề cấp dưỡng chỉ được đặt ra đối với vợ và chồng khi họ ly hôn. Đối với quan hệ giữa cha, mẹ và con, giữa ông bà và cháu thì phát sinh quan hệ nuôi dưỡng. Tuy nhiên, trong khoa học pháp lý, trong thực tế đời sống cũng như trong việc áp dụng pháp luật, thuật ngữ “cấp dưỡng" vẫn được sử dụng trong một số trường hợp khác, chẳng hạn khi vợ chồng ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con; khi vợ chồng không cùng sống chung mà một bên ốm đau, bệnh tật không có khả năng lao động, thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng... Đồng thời, trong thực tế đời sống, trong nghiên cứu khoa học và trong áp dụng pháp luật đôi khi không có sự phân biệt giữa quan hệ cấp dưỡng với quan hệ nuôi dưỡng, ngay cả Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 cũng không có sự phân biệt này. Khi nào người có nghĩa vụ nuôi dưỡng không cùng chung sống với người được nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật hoặc người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng thì mới phát sinh quan hệ cấp dưỡng giữa họ.
Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định việc cấp dưỡng phải được thực hiện trong các trường hợp: 1) Khi ly hôn, người cha hoặc người mẹ không trực tiếp nuôi con phải cấp dưỡng cho con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; 2) Con đã thành niên không chung sống cùng cha mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; 3) Khi con không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để nuôi dưỡng hoặc cấp dưỡng cho con thì anh, chị em đã thành niên không cùng sống chung với nhau có nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhau khi trong số họ có người chưa thành niên hoặc đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; 4) Khi các cháu không có cha mẹ hoặc anh, chị em để nuôi dưỡng hoặc cấp dưỡng thì ông bà nội, ông bà ngoại không cùng sống chung với cháu có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu chưa thành niên hoặc đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; các cháu đã thành niên không cùng sống chung với ông bà có nghĩa vụ cấp dưỡng cho ông bà khi ông bà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà ông bà không còn con hoặc anh chị em để nuôi dưỡng và cấp dưỡng; 5) Vợ chồng phải cấp dưỡng cho nhau khi ly hôn nếu một bên có khó khăn, túng thiếu có yêu cầu bên kia có khả năng;
Cấp dưỡng là quan hệ tài sản gắn liền với nhân thân của mỗi người nên không thể chuyển giao cho người khác. Người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó mà không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác.
Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, cấp dưỡng được quy định tại khoản 24 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 19 tháng 6 năm 2014: “Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu.” .
CÂU LẠC BỘ LUÂN ĐÔN
Diễn đàn đa phương xử lý nợ thương mại giữa nước vay nợ (thường là các nước đang phát triển) với các ngân hàng chủ nợ.
Hội nghị đầu tiên của Câu lạc bộ Luân Đôn được tổ chức vào năm 1976 . Câu lạc bộ Luân Đôn là một diễn đàn nhằm tái thiết lập lại các khoản tín dụng mở rộng bởi các ngân hàng thương mại (không hề có một khoản đảm bảo nào của chính phủ nước nợ). Bởi vì, các cuộc đàm phán giữa những nước nợ có chủ quyền và các chủ nợ thương mại thường diễn ra ở Luân Đôn nên Câu lạc bộ này đã được gọi là "Câu lạc bộ Luân Đôn”. Câu lạc bộ này là một thực thể không chính thức bao gồm thành viên các ngân hàng thương mại tham gia để xử lý khoản nợ của các nước thuộc "thế giới thứ ba".
Giống như Câu lạc bộ Pari, Câu lạc bộ Luân Đôn hoạt động nhằm giảm bớt gánh nặng thanh toán nợ nhanh chóng của các nước đang phát triển. Không một Câu lạc bộ nào có đủ điều kiện như một tổ chức quốc tế. Tư cách thành viên của nó linh hoạt và Câu lạc bộ không có sự ủy quyền chính thức nào. Mỗi Câu lạc bộ có một tập hợp các luật lệ và thủ tục cho các hoạt động tái thiết lập. Trong Câu lạc bộ Luân Đôn, lợi ích của các ngân hàng chủ nợ được đại diện bởi một ban lãnh đạo bao gồm những ngân hàng có sự quảng cáo lớn nhất đối với những nước nợ đang được xem xét. (Trong Câu lạc bộ Luân Đôn, more often than not, không tính đến những khoản tiền cược tương đối của họ vào việc tái thiết lập đang được xem xét, các nước chủ nợ được đại diện bởi người có ảnh hưởng nhất trong số họ). Các nguyên tắc chỉ đạo của Câu lạc bộ Pari cho việc vỡ nợ sắp xảy ra, điều kiện và chia sẻ gánh nặng áp dụng giống như Câu lạc bộ Luân Đôn. Bất chấp những điểm tương đồng về mặt cấu trúc và thủ tục, vẫn tồn tại những điểm khác nhau quan trọng giữa Câu lạc bộ Pari và Câu lạc bộ Luân Đôn.
Các nước nợ của Câu lạc bộ Luân Đôn có được sự linh hoạt hơn nhưng lại phải gánh chịu nhiều chi phí hơn các đối tác của Câu lạc bộ Pari.
Trong khi Câu lạc bộ Luân Đôn tái thiết lại các khoản nợ thương mại, Câu lạc bộ Pari lại tái thiết các khoản nợ thuộc sở hữu của các chủ nợ chính thức. Câu lạc bộ Luân Đôn không có chủ tịch hay ban thư ký thường trực và thủ tục, cơ quan của nó cũng lỏng lẻo hơn so với Câu lạc bộ Pari. Vì vậy, các luật lệ điều chỉnh các hội nghị của Câu lạc bộ Luân Đôn thay đổi một cách rộng lớn từ nước này sang nước khác. Việc tiếp cận linh hoạt này làm cho các thủ tục của Câu lạc bộ rất khó mô tả. Vì không có một khung chính thức cho việc tái thiết lại tại Câu lạc bộ nên các ngân hàng thương mại có sự quảng cáo lớn nhất đối với một nước đang tìm cách tái thiết các khoản nợ của nó thành lập một ủy ban lãnh đạo được gọi là ủy ban Tư vấn Ngân hàng (BAC) để phục vụ lợi ích của tất cả các ngân hàng thương mại có các khoản cho vay đối với một nước đặc biệt. Trong khi hàng trăm ngân hàng có thể liên quan tới việc tái thiết lập của Câu lạc bộ Luân Đôn thì ủy ban lãnh đạo sẽ bao gồm không nhiều hơn 15 ngân hàng. Một thỏa thuận đạt được giữa nước nợ và ủy ban lãnh đạo phải có sự hỗ trợ của các ngân hàng chiếm tới 90% - 95% của việc quảng cáo nổi bật trước khi thỏa thuận đó có thể được ký chính thức. Vì thế, việc tái thiết thông qua Câu lạc bộ Luân Đôn có thể thiếu hấp dẫn, tốn thời gian, và tốn kém cho nước nợ. Ngược lại, một cuộc đàm phán ở Câu lạc bộ Pari được ký kết trong vòng 2 ngày và hầu như không tốn kém một chút nào cho nước nợ.
Như thường lệ, Câu lạc bộ Luân Đôn không tái thiết những thanh toán lãi, trong khi Câu lạc bộ Pari lại tái thiết cả tiền vốn và lãi. Thay vào đó, các ngân hàng tư nhân trong một khoản vay như vậy thường được dựa trên sự quảng cáo của họ ở nước nợ. Tuy nhiên trong những năm gần đây, các ngân hàng dần trở nên miễn cưỡng trong việc cung cấp khoản tiền mới cho các nước nợ. Các hiệp định tái thiết hiện nay đưa ra một danh sách nhiều sự lựa chọn tài chính bao gồm các công cụ giảm nợ. Không giống như Câu lạc bộ Pari, Câu lạc bộ Luân Đôn có thể tái thiết một khoản nợ mà không đòi hỏi nước ký kết một hiệp định dự phòng với Quỹ tiền tệ quốc tế. Câu lạc bộ Pari thường từ chối các giai đoạn củng cố hơn một năm, trong khi Câu lạc bộ Luân Đôn muốn kéo dài tới hai hoặc ba năm. Tuy nhiên, Câu lạc bộ Pari lại từ từ mở rộng các giai đoạn củng cố của mình trong khi Câu lạc bộ Luân Đôn lại không linh hoạt trong vấn đề này.
Khác với câu lạc bộ Pari, các chủ nợ của Câu lạc bộ Luân Đôn bầu ra ủy ban tư vấn ngân hàng mà thành viên là các chủ nợ lớn nhất để đại diện cho các chủ nợ đàm phán với nước con nợ.
Việt Nam đã gia nhập câu lạc bộ Luân Đôn. Tuy vậy, sau khi ký kết các hiệp định xử lý nợ qua Câu lạc bộ Luân Đôn, Việt Nam sẽ phải thực hiện một loạt cam kết theo thông lệ quốc tế đồng thời phải tiến hành nhiều công việc phức tạp như ban hành thủ tục về phát hành trái phiếu, về thế chấp bằng trái phiếu kho bạc Mỹ, về nghĩa vụ thanh toán nợ trái phiếu, về áp dụng các luật của Mỹ và Anh và thi hành các phán quyết của tòa án của họ.
Trong tương lai, việc hoàn thành xử lý nợ thương mại của Việt Nam qua Câu lạc bộ Luân Đôn có ý nghĩa quan trọng: giúp Việt Nam xử lý được khoản nợ lớn (gần 1 tỷ USD), làm giảm nợ và giãn nợ, góp phần giữ gìn và nâng cao uy tín của Việt Nam với cộng đồng quốc tế, tạo điều kiện cho Việt Nam vay mới được dễ dàng và thu hút thêm các nguồn vốn khác từ bên ngoài.
CÂU LẠC BỘ PARI
Diễn đàn đa phương xử lý nợ chính phủ, nợ ODA.
Câu lạc bộ Pari ra đời năm 1956, có trụ sở tại Pari, có Chủ tịch và Ban thư ký thường trực. Câu lạc bộ Pari chỉ xử lý nợ thương mại, không có trụ sở và địa điểm đàm phán cố định.
Câu lạc bộ Pari là một diễn đàn không chính thức của các nước chủ nợ (chính phủ) với vai trò là tìm ra các giải pháp bền vững và phối hợp hiệu quả cho những khó khăn về thanh toán mà các nước nợ phải gánh chịu. Các chủ nợ của Câu lạc bộ Pari nhất trí tái thiết lập lại nợ các nước phải chịu. Việc tái thiết lại nợ là một phương tiện giảm nợ cho một nước nợ thông qua việc cho phép hoãn nợ và trong trường hợp nhượng bộ, ưu đãi cho một nước nợ giảm các nghĩa vụ trả nợ.
Câu lạc bộ Pari là một diễn đàn không chính thức tại đó các nước phải gánh chịu những khó khăn trong việc thanh toán cho các chính phủ và các thiết chế tự gặp gỡ các chủ nợ để tái cơ cấu những khoản nợ. Cái tên này có thể hoàn toàn lạc đề bởi vì trong thực tế, Câu lạc bộ Pari không phải là một "câu lạc bộ", cũng không phải là một tổ chức quốc tế chính thức. Nó không có văn phòng, không có ban thư ký và trên hết không có hiến chương. Câu lạc bộ Pari là một thiết chế ad-hoc không có quy chế pháp lý.
Vào cuối những năm 1950 và 1960, Braxin, Chile và Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm kiếm những cuộc tái thiết tương tự của Câu lạc bộ Pari. Từ giữa năm 1978 đến năm 1984, 29 nước đã tới Paris để đàm phán 56 Hiệp định tái thiết nợ, hoàn trả nợ khoảng 27 tỷ USD. Kể từ năm 1980, 54 nước đã tái thiết tổng số 186 Hiệp định nợ. Số lượng được tái thiết gây sửng sốt là 215 tỷ USD, với Cộng hòa Liên bang Đức, một trong những chủ nợ chính, chiếm khoảng 35 tỷ USD, xấp xỉ 17%.
Cuộc gặp đầu tiên với một nước nợ là vào năm 1956 khi Achentina đồng ý gặp gỡ các chủ nợ công ở Pari. Kể từ đó, Câu lạc bộ Pari hay các nhóm/ tập đoàn ad-hoc các chủ nợ của Câu lạc bộ Pari đã đạt được 369 thỏa thuận (giảm hàng năm) liên quan đến 78 nước nợ. Kể từ năm 1983, tổng số nợ của toàn bộ các thỏa thuận này là 410 tỷ USD (giảm hàng năm).
Thay vì hoạt động như vậy, Câu lạc bộ Pari vẫn duy trì tính không chính thức một cách chặt chẽ. Đó là sự tự nguyện nhóm họp/ tập hợp các nước chủ nợ sẵn sàng xử lý nợ đối với các nước đang phát triển theo cách phối hợp có hiệu quả. Nó có thể được mô tả như là “không có thiết chế".
Mặc dầu Câu lạc bộ Pari không có cơ sở pháp lý cũng như quy chế, song các thỏa thuận đạt được theo một số luật lệ và nguyên tắc đã được các chủ nợ nhất trí, điều này giúp cho một thỏa thuận được phối hợp đạt được một cách có hiệu quả.
CẤU THÀNH TỘI PHẠM
Tổng hợp những dấu hiệu cần và đủ, đặc trưng cho tội phạm cụ thể được quy định trong luật.
Luật hình sự quy định tội phạm bằng cách mô tả tội phạm được quy định. Những dấu hiệu được dùng để mô tả tội phạm phải vừa phản ánh được đầy đủ tính nguy hiểm của tội phạm cụ thể và vừa đủ cho phép phân biệt tội phạm này với các tội phạm khác. Đó là những dấu hiệu cần và đủ, đặc trưng cho tội phạm cụ thể. Sự mô tả một tội phạm như vậy trong luật chính là cấu thành tội phạm của tội đó. Cấu thành tội phạm - được gọi cho chính xác hơn là cấu thành tội phạm cơ bản. Đối với mỗi tội đòi hỏi phải có một cấu thành tội phạm cơ bản và về nguyên tắc chỉ có thể có một cấu thành tội phạm cơ bản.
Để có sự phân hóa trong việc xử lý các trường hợp phạm tội khác nhau của cùng một tội danh, luật hình sự còn xây dựng ở những tội phạm nhất định các cấu thành tội phạm giảm nhẹ, các cấu thành tội phạm tăng nặng. Như vậy, khi nói cấu thành tội phạm có thể hiểu là cấu thành tội phạm cơ bản nhưng cũng có thể hiểu theo nghĩa chung bao gồm cả cấu thành tội phạm cơ bản, cấu thành tội phạm giảm nhẹ và cấu thành tội phạm tăng nặng. Khi đó, cấu thành tội phạm được hiểu là sự mô tả tội phạm trong luật.
Căn cứ vào đặc điểm cấu trúc của các cấu thành tội phạm nêu trên, khoa học luật hình sự phần các cấu thành tội phạm thành cấu thành tội phạm vật chất và cấu thành tội phạm hình thức, cấu thành tội phạm vật chất là cấu thành tội phạm trong đó có dấu hiệu mô tả hậu quả của hành vi phạm tội. Những tội phạm được xây dựng có cấu thành tội phạm là cấu thành tội phạm vật chất là những tội phạm mà riêng dấu hiệu hành vi chưa thể hiện được hoặc chưa thể hiện được đầy đủ tính nguy hiểm của tội phạm đó mà đòi hỏi phải có cả dấu hiệu hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Ví dụ: cấu thành tội phạm tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (khoản 1 Điều 202 Bộ luật hình sự năm 1999) là cấu thành tội phạm vật chất. Cấu thành tội phạm hình thức là cấu thành tội phạm trong đó không có dấu hiệu mô tả hậu quả của hành vi phạm tội. Các tội phạm được quy định có cấu thành tội phạm là cấu thành tội phạm hình thức là những tội phạm mà riêng dấu hiệu hành vi nguy hiểm cho xã hội đã thể hiện được đầy đủ tính chất nguy hiểm của tội phạm đó hoặc dấu hiệu hậu quả nguy hiểm cho xã hội khó xác định. Ví dụ: cấu thành tội phạm của tội hiếp dâm được quy định tại khoản 1 Điều 141 Bộ luật hình sự năm 2015 là cấu thành tội phạm hình thức. Một dạng đặc biệt của cấu thành tội phạm hình thức là cấu thành tội phạm cắt xén. Đó là cấu thành tội phạm hình thức mà trong đó dấu hiệu hành vi được hiểu bao gồm tất cả các hành vi được tiến hành nhằm thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm đó. Trong Bộ luật hình sự năm 2015 chỉ có 1 cấu thành tội phạm thuộc loại này. Đó là cấu thành tội phạm tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Trong cấu thành tội phạm của tội này, hành vi được mô tả là hành vi thành lập và hành vi tham gia tổ chức lật đổ chính quyền nhân dân. Dấu hiệu hành vi của tội này được hiểu không chỉ là hai hành vi đó mà cả các hành vi khác được tiến hành nhằm thực hiện hai hành vi này.
Cơ quan chủ quản: Công ty cổ phần Tư Vấn Đầu Tư và Ứng Dụng Công Nghệ 4.0.
Chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà.
Giấy chứng nhận ĐKDN số: 0108234370, do Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp ngày 18/04/2018.
Địa chỉ: Dương Hà, Gia Lâm, Hà Nội - VPGD: C2 Vincom, 119 Trần Duy Hưng, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
Điện thoại: 024.6294.9155 - Hotline: 0986.426.961 - Email: info@hethongphapluat.com