Hệ thống pháp luật

Mục 6 Chương 2 Thông tư 54/2013/TT-BTC quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Mục 6: ĐIỀU CHUYỂN, CHO THUÊ, CHUYỂN NHƯỢNG, THANH LÝ CÔNG TRÌNH

Điều 23. Điều chuyển công trình

1. Các trường hợp điều chuyển công trình

a) Để mang lại hiệu quả cao hơn;

b) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Việc điều chuyển công trình chỉ được thực hiện giữa các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

3. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp thẩm quyền quyết định điều chuyển công trình giữa các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

4. Trình tự, thủ tục điều chuyển công trình

a) Khi có công trình cần điều chuyển, đơn vị quản lý công trình lập hồ sơ đề nghị điều chuyển, gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này. Hồ sơ gồm:

- Văn bản đề nghị điều chuyển của đơn vị có công trình;

- Văn bản đề nghị được tiếp nhận của đơn vị nhận công trình;

- Danh mục công trình đề nghị xử lý theo Mẫu số 01-DM/CTNSNT ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này xem xét, ban hành quyết định điều chuyển công trình. Quyết định gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

- Đơn vị có công trình điều chuyển;

- Đơn vị nhận công trình điều chuyển;

- Danh mục công trình điều chuyển;

- Trách nhiệm tổ chức thực hiện.

c) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định điều chuyển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này:

- Đơn vị có công trình điều chuyển chủ trì, phối hợp với đơn vị nhận công trình điều chuyển tổ chức bàn giao, tiếp nhận, thực hiện hạch toán tăng, giảm, báo cáo kê khai bổ sung theo quy định tại Thông tư này và pháp luật có liên quan.

- Đơn vị nhận công trình điều chuyển có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ về quyền sử dụng đất đối với công trình nhận điều chuyển.

d) Việc bàn giao công trình phải lập thành Biên bản theo Mẫu số 02/BB-CTNSNT ban hành kèm theo Thông tư này.

đ) Chi phí hợp lý có liên quan trực tiếp đến việc bàn giao, tiếp nhận do đơn vị nhận công trình chi trả theo quy định.

Điều 24. Cho thuê quyền khai thác công trình

1. Các trường hợp cho thuê quyền khai thác công trình

a) Để quản lý và sử dụng có hiệu quả hơn;

b) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Việc cho thuê quyền khai thác công trình được thực hiện theo phương thức đấu giá công khai theo quy định của pháp luật; trường hợp đã hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá mà chỉ có một tổ chức hoặc cá nhân đăng ký tham gia và trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm thì được cho thuê chỉ định.

3. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp thẩm quyền quyết định cho thuê quyền khai thác công trình thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

4. Trình tự, thủ tục cho thuê quyền khai thác công trình

a) Đơn vị quản lý công trình lập hồ sơ đề nghị cho thuê quyền khai thác công trình, gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này. Hồ sơ gồm:

- Văn bản đề nghị cho thuê quyền khai thác công trình;

- Giá và thời hạn cho thuê quyền khai thác công trình (được xác định theo các tiêu chí: số thu tiền nước của năm trước liền kề trước khi thực hiện cho thuê quyền khai thác công trình, tốc độ tăng trưởng của số hộ dân dùng nước hàng năm của công trình đó và các tiêu chí khác có liên quan).

- Danh mục công trình đề nghị xử lý theo Mẫu số 01-DM/CTNSNT ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này xem xét, ban hành quyết định cho thuê quyền khai thác công trình. Quyết định gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

- Công trình cho thuê quyền khai thác;

- Phương thức cho thuê quyền khai thác (đấu giá, chỉ định);

- Giá và thời hạn cho thuê quyền khai thác;

- Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ cho thuê quyền khai thác;

- Trách nhiệm tổ chức thực hiện.

c) Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày có quyết định cho thuê quyền khai thác công trình của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này, đơn vị quản lý công trình thực hiện việc cho thuê quyền khai thác theo quy định của pháp luật.

5. Quản lý, sử dụng tiền thu được từ cho thuê quyền khai thác công trình:

a) Số tiền thu được từ cho thuê quyền khai thác công trình, sau khi trừ các chi phí có liên quan quy định tại điểm b khoản này được quản lý, sử dụng như sau:

- Đối với đơn vị sự nghiệp công lập: Bổ sung Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp;

- Đối với doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân cấp xã: Nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;

b) Chi phí hợp lý liên quan đến việc cho thuê quyền khai thác công trình gồm:

- Chi phí kiểm kê;

- Chi phí tổ chức lựa chọn đơn vị thuê;

- Chi phí khác có liên quan.

Điều 25. Chuyển nhượng công trình

1. Các trường hợp chuyển nhượng công trình

a) Để mang lại hiệu quả cao hơn;

b) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Việc chuyển nhượng công trình được thực hiện bằng phương thức đấu giá công khai theo quy định của pháp luật; trường hợp đã hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá mà chỉ có một tổ chức hoặc cá nhân đăng ký tham gia và trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm thì được chuyển nhượng chỉ định.

3. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp thẩm quyền quyết định chuyển nhượng công trình thuộc phạm vi quản lý của địa phương cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

4. Trình tự, thủ tục chuyển nhượng công trình

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập hồ sơ đề nghị chuyển nhượng, gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định. Hồ sơ đề nghị chuyển nhượng gồm:

- Văn bản đề nghị chuyển nhượng;

- Danh mục công trình đề nghị xử lý theo Mẫu số 01-DM/CTNSNT ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định chuyển nhượng công trình. Quyết định gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

- Danh mục công trình chuyển nhượng;

- Phương thức chuyển nhượng (đấu giá, chỉ định);

- Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ chuyển nhượng;

- Trách nhiệm tổ chức thực hiện.

c) Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày có quyết định chuyển nhượng của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chuyển nhượng theo quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều này.

5. Chuyển nhượng công trình bằng hình thức đấu giá

a) Xác định giá khởi điểm:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thuê tổ chức có đủ điều kiện thẩm định giá xác định giá công trình (không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất) gửi Sở Tài chính để chủ trì xem xét báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá khởi điểm. Trường hợp không thuê được tổ chức có đủ điều kiện thẩm định giá thì Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan thành lập Hội đồng để xác định và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định xác định giá khởi điểm.

Giá khởi điểm của công trình phải đảm bảo phù hợp với giá trị thực tế còn lại theo kết quả đánh giá lại.

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thuê tổ chức có chức năng bán đấu giá tài sản để bán đấu giá công trình; trường hợp không thuê được tổ chức có chức năng bán đấu giá tài sản thì thành lập Hội đồng để bán đấu giá.

6. Chuyển nhượng công trình bằng hình thức chỉ định

a) Xác định giá chuyển nhượng chỉ định:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thuê tổ chức có đủ điều kiện thẩm định giá xác định giá công trình (không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất) gửi Sở Tài chính để chủ trì xem xét báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá chuyển nhượng. Trường hợp không thuê được tổ chức có đủ điều kiện thẩm định giá thì Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan thành lập Hội đồng để xác định và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá chuyển nhượng.

Giá chuyển nhượng của công trình phải đảm bảo phù hợp với giá trị thực tế còn lại theo kết quả đánh giá lại.

b) Căn cứ quyết định chuyển nhượng công trình của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và giá chuyển nhượng quy định tại điểm a khoản này; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chuyển nhượng cho người mua công trình theo quy định của pháp luật về dân sự.

7. Quản lý, sử dụng tiền thu được từ chuyển nhượng công trình

a) Số tiền thu được từ chuyển nhượng công trình, sau khi trừ các chi phí có liên quan quy định tại điểm b khoản này được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

b) Chi phí hợp lý liên quan đến việc chuyển nhượng gồm:

- Chi phí kiểm kê;

- Chi phí xác định giá;

- Chi phí tổ chức bán đấu giá;

- Chi phí khác có liên quan.

Điều 26. Thanh lý công trình

1. Các trường hợp thanh lý công trình

a) Công trình bị hư hỏng không thể sử dụng được hoặc việc sửa chữa không có hiệu quả.

b) Phá dỡ công trình cũ để đầu tư công trình mới.

c) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch làm cho một phần hoặc toàn bộ công trình không sử dụng được vào mục đích ban đầu.

d) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Phương thức thanh lý công trình

a) Công trình được thanh lý theo một trong các phương thức sau

- Bán.

- Phá dỡ, hủy bỏ.

b) Việc thanh lý công trình theo phương thức bán được thực hiện đấu giá theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp sau đây được bán chỉ định:

- Giá trị còn lại của công trình theo đánh giá lại dưới 50 triệu đồng/công trình.

- Đã hết hạn thời hạn đăng ký tham gia đấu giá mà chỉ có một tổ chức, cá nhân đăng ký mua và trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm.

3. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp thẩm quyền quyết định thanh lý công trình thuộc phạm vi quản lý của địa phương

4. Trình tự, thủ tục thanh lý công trình

a) Đơn vị có công trình thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này lập hồ sơ đề nghị thanh lý, gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này. Hồ sơ gồm:

- Văn bản đề nghị thanh lý;

- Danh mục công trình đề nghị xử lý theo Mẫu số 01-DM/CTNSNT ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này xem xét, ban hành quyết định thanh lý công trình. Quyết định gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

- Đơn vị có công trình thanh lý;

- Danh mục công trình thanh lý;

- Phương thức thanh lý;

- Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ thanh lý;

- Trách nhiệm tổ chức thực hiện.

c) Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày có quyết định thanh lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này, đơn vị có công trình tổ chức thanh lý theo quy định tại khoản 5 Điều này.

d) Sau khi hoàn thành việc thanh lý, đơn vị có công trình thanh lý thực hiện hạch toán giảm, báo cáo kê khai bổ sung theo quy định tại Thông tư này và pháp luật có liên quan.

5. Tổ chức thanh lý công trình

a) Tổ chức thanh lý công trình theo phương thức bán:

- Việc xác định giá khởi điểm và tổ chức bán đấu giá công trình thanh lý được thực hiện như sau:

Đơn vị có công trình thanh lý thành lập Hội đồng để xác định giá khởi điểm hoặc thuê tổ chức có đủ điều kiện thẩm định giá để làm căn cứ xác định giá khởi điểm. Giá khởi điểm của công trình phải đảm bảo phù hợp với giá trị thực tế còn lại theo kết quả đánh giá lại.

Đơn vị có công trình thanh lý thuê tổ chức có chức năng bán đấu giá tài sản hoặc thành lập Hội đồng để bán đấu giá.

- Việc xác định giá bán và tổ chức bán chỉ định công trình thanh lý được thực hiện như sau:

Đơn vị có công trình thanh lý thành lập Hội đồng để xác định giá bán hoặc thuê tổ chức có đủ điều kiện thẩm định giá để làm căn cứ quyết định giá bán. Giá bán của công trình phải đảm bảo phù hợp với giá trị thực tế còn lại theo kết quả đánh giá lại.

Căn cứ vào quyết định bán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và giá bán theo quy định trên; đơn vị có công trình thanh lý thực hiện bán cho người mua theo quy định của pháp luật về dân sự.

b) Tổ chức thanh lý công trình theo phương thức phá dỡ, hủy bỏ:

- Đơn vị có công trình thanh lý tự thực hiện hoặc thuê tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc phá dỡ, hủy bỏ công trình theo quy định của pháp luật.

- Tài sản thu hồi từ việc phá dỡ công trình được xử lý bán theo quy định tại điểm a khoản này.

6. Quản lý, sử dụng tiền thu được từ thanh lý công trình

a) Số tiền thu được từ thanh lý công trình, sau khi trừ các chi phí có liên quan quy định tại điểm b khoản này được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước (đối với doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân cấp xã), được bổ sung Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp (đối với đơn vị sự nghiệp công lập). Trường hợp số tiền thu được từ thanh lý không đủ bù đắp chi phí thì phần còn thiếu được bố trí từ dự toán ngân sách nhà nước (đối với doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân cấp xã), từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp (đối với đơn vị sự nghiệp công lập).

b) Chi phí hợp lý liên quan đến việc thanh lý gồm:

- Chi phí kiểm kê;

- Chi phí phá dỡ, hủy bỏ;

- Chi phí xác định giá;

- Chi phí tổ chức bán đấu giá;

- Chi phí khác có liên quan.

Điều 27. Hội đồng xác định giá và Hội đồng bán đấu giá công trình

1. Hội đồng xác định giá công trình

a) Sở Tài chính thành lập Hội đồng xác định giá công trình trong trường hợp xác định giá khởi điểm để chuyển nhượng công trình bằng hình thức đấu giá, xác định giá chuyển nhượng chỉ định quy định tại điểm a khoản 5, điểm a khoản 6 Điều 25 Thông tư này. Thành phần Hội đồng gồm:

- Lãnh đạo Sở Tài chính - Chủ tịch Hội đồng;

- Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc (nếu có);

- Đại diện cơ quan khác có liên quan.

b) Đơn vị thành lập Hội đồng xác định giá công trình để xác định giá khởi điểm để bán đấu giá, xác định giá bán thanh lý công trình quy định tại khoản 5 Điều 26 Thông tư này. Thành phần Hội đồng gồm:

- Lãnh đạo đơn vị - Chủ tịch Hội đồng;

- Đại diện cơ quan quản lý cấp trên;

- Đại diện bộ phận được giao trực tiếp quản lý công trình;

- Đại diện bộ phận tài chính - kế toán của đơn vị;

- Đại diện cơ quan chuyên môn kỹ thuật (nếu cần);

- Các thành viên khác có liên quan.

2. Hội đồng bán đấu giá công trình được thành lập trong trường hợp không thuê được tổ chức có chức năng bán đấu giá. Cơ quan, đơn vị thành lập Hội đồng bán đấu giá công trình theo thành phần quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

Thông tư 54/2013/TT-BTC quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 54/2013/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 04/05/2013
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Hữu Chí
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 297 đến số 298
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH