Hệ thống pháp luật

Điều 3 Thông tư 44/2014/TT-BGTVT về phương thức liên lạc không - địa hàng không dân dụng do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Điều 3. Giải thích thuật ngữ

Trong Thông tư này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Liên lạc không - địa là liên lạc hai chiều giữa kiểm soát viên không lưu và tổ lái.

2. Chuyến bay IFR là chuyến bay được thực hiện theo quy tắc bay bằng thiết bị.

3. Chuyến bay VFR là chuyến bay được thực hiện theo quy tắc bay bằng mắt.

4. Cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu là thuật ngữ chung, bao gồm cơ sở điều hành bay, cơ sở thông báo, hiệp đồng bay hoặc phòng thủ tục bay.

5. Dịch vụ không lưu (ATS) là thuật ngữ chung, bao gồm dịch vụ thông báo bay, dịch vụ báo động, dịch vụ tư vấn không lưu, dịch vụ điều hành bay (dịch vụ kiểm soát đường dài, dịch vụ kiểm soát tiếp cận, dịch vụ kiểm soát tại sân bay).

6. Điểm báo cáo là vị trí địa lý quy định để dựa vào đó tàu bay có thể báo cáo vị trí.

7. Độ cao là khoảng cách theo chiều thẳng đứng từ mực nước biển trung bình đến một mực, một điểm hoặc một vật được coi như một điểm.

8. Huấn lệnh kiểm soát không lưu là huấn lệnh của cơ sở điều hành bay cấp cho tàu bay để thực hiện chuyến bay theo điều kiện do cơ sở điều hành bay quy định, có thể đi kèm các từ "lăn", "cất cánh", "khởi hành", "đường dài", "tiếp cận", "hạ cánh" để chỉ các phần của chuyến bay mà huấn lệnh đề cập đến. Có thể gọi tắt là “huấn lệnh” khi được sử dụng trong ngữ cảnh thích hợp.

9. Hướng mũi là hướng của trục dọc tàu bay, thường được biểu diễn bằng độ tính từ hướng Bắc (thực, từ, la bàn hoặc theo lưới ô vuông).

10. Kế hoạch bay là các tin tức quy định cung cấp cho cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu về chuyến bay dự định thực hiện hoặc một phần của chuyến bay.

11. Kiểm soát viên không lưu (KSVKL) là thuật ngữ chung, bao gồm kiểm soát viên mặt đất tại sân bay, kiểm soát viên không lưu tại sân bay, kiểm soát viên không lưu tiếp cận, kiểm soát viên không lưu đường dài.

12. Mực bay là mặt đẳng áp so với một mốc áp suất quy định 760 mmHg (1013,2 mb) và cách mặt đẳng áp cùng tính chất những quãng áp suất quy định.

13. Người khai thác tàu bay được quy định tại Điều 22 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006.

14. Quy chế không lưu là Quy chế được ban hành kèm theo Quyết định số 32/2007/QĐ-BGTVT ngày 05 tháng 07 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

15. Phát là việc chuyển tải các thông tin liên quan đến hoạt động bay mà không đề cập đến trạm cụ thể nào.

16. Phụ ước 10 là Tiêu chuẩn và khuyến cáo thực hành của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế hướng dẫn (ICAO) về Viễn thông hàng không.

17. Tài liệu 4444 PANS-ATM là Tài liệu hướng dẫn Phương thức kiểm soát không lưu của ICAO.

18. Tài liệu 9432 AN/925 của ICAO là Tài liệu hướng dẫn về thoại liên lạc vô tuyến (Manual of Radiotelephony) của ICAO.

19. Tầm nhìn trên đường cất hạ cánh (Tầm nhìn RVR) là khoảng cách mà người lái khi đang ở trên trục đường cất hạ cánh có thể nhìn thấy những dấu hiệu kẻ trên lớp phủ đường cất hạ cánh, đèn lề hoặc đèn tìm đường cất hạ cánh.

20. Trung tâm kiểm soát đường dài là cơ sở được thiết lập đế cung cấp dịch vụ kiểm soát không lưu, dịch vụ thông báo bay và dịch vụ báo động thuộc phạm vi trách nhiệm.

21. Tổ lái là người thực hiện nhiệm vụ điều khiển tàu bay, bao gồm lái chính, lái phụ và nhân viên hàng không khác phù hợp với loại tàu bay.

Thông tư 44/2014/TT-BGTVT về phương thức liên lạc không - địa hàng không dân dụng do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 44/2014/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/09/2014
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 941 đến số 942
  • Ngày hiệu lực: 01/12/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH