Chương 3 Thông tư 44/2014/TT-BGTVT về phương thức liên lạc không - địa hàng không dân dụng do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
PHƯƠNG THỨC LIÊN LẠC DỮ LIỆU (ADS/CPDLC)
Điều 19. Vùng trời có liên lạc đường truyền dữ liệu
1. Đối với tàu bay có kết nối đường truyền liên lạc dữ liệu, ADS/CPDLC được sử dụng là phương thức liên lạc chính và liên lạc thoại VHF/HF được sử dụng là phương tiện liên lạc phụ. Phụ thuộc vào lưu lượng bay, cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu cũng có thể sử dụng ADS/CPDLC trong tầm phủ của liên lạc thoại VHF nếu vẫn có kết nối.
2. Tất cả tàu bay được trang bị FANS-1/A, có kết nối ADS/CPDLC, sẽ được thông báo tần số để thực hiện việc giám sát trong quá trình cung cấp dịch vụ liên lạc dữ liệu. Kết nối ADS/CPDLC sẽ được thiết lập tự động hoặc bằng thủ công ở hệ thống mặt đất sau khi phương thức đăng nhập được hoàn tất.
3. ADS/CPDLC sẽ được sử dụng làm phương tiện giám sát ngoài tầm phủ ra đa và việc áp dụng ADS sẽ không làm thay đổi các phương thức báo cáo vị trí hiện tại (không sử dụng ADS-C để phân cách giữa các tàu bay).
Điều 20. Phương thức đăng nhập ADS/CPDLC
1. Tất cả kết nối ADS/CPDLC đều phải yêu cầu đăng nhập tính năng thông báo dịch vụ không lưu (AFN).
2. Số nhận dạng chuyến bay và đăng bạ tàu bay khi đăng nhập phải giống với số nhận dạng chuyến bay và đăng bạ tàu bay trong kế hoạch bay ATS đã nộp.
3. Vùng thông báo bay kết nối ADS/CPDLC có địa chỉ đăng nhập AFN được Cục Hàng không Việt Nam ấn định và công bố trong Tập AIP Việt Nam.
4. Tàu bay được trang bị FAN-1/A yêu cầu sử dụng dịch vụ liên lạc dữ liệu, khi bay từ những vùng thông báo bay không có liên lạc dữ liệu hoặc vùng trời có cung cấp dịch vụ ra đa vào vùng trời có liên lạc dữ liệu sẽ phải đăng nhập vào địa chỉ vùng thông báo bay khoảng từ 15 đến 45 phút trước khi bay vào vùng trời có liên lạc dữ liệu. Việc kết nối CPDLC/ADS-C sẽ được ACC thực hiện tự động hoặc bằng phương pháp thủ công sau khi phương thức đăng nhập được hoàn tất. Tổ lái phải chuyển báo cáo vị trí cho cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu liên quan bằng phương thức CPDLC tại điểm báo cáo bắt buộc đầu tiên sau khi kết nối CPDLC.
5. Tàu bay được trang bị FANS-1/A đang được cung cấp dịch vụ liên lạc dữ liệu, khi bay chuyển tiếp từ vùng thông báo bay này vào vùng thông báo bay kế tiếp, sẽ tự động chuyển giao theo quy trình chuyển tiếp địa chỉ hoặc theo chỉ dẫn của cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu chuyển giao, để đăng nhập theo phương pháp thủ công vào địa chỉ vùng thông báo bay kế tiếp tại thời gian/khoảng cách thích hợp trước khi tới ranh giới vùng thông báo bay. Tổ lái phải chuyển báo cáo vị trí cho cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu liên quan bằng phương thức CPDLC tại ranh giới vùng thông báo bay sau khi kết nối CPDLC.
Điều 21. Phương thức khai thác ADS/CPDLC
1. Khi bay vào vùng trời có liên lạc dữ liệu, tất cả tàu bay có thiết lập liên lạc dữ liệu với cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu phải chuyển dữ liệu báo cáo vị trí của tàu bay thông qua ADS/CPDLC tại ranh giới vùng thông báo bay. Nếu báo cáo vị trí CPDLC đã được gửi trên phương thức FOM và tổ lái đã nhận được điện văn trả lời từ cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu chuyển tới, thì tổ lái không cần thiết phải báo cáo vị trí của tàu bay một lần nữa qua liên lạc thoại, trừ khi có yêu cầu của cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu.
2. Liên lạc giữa cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu và tổ lái được bắt đầu bằng liên lạc thoại sẽ được kết thúc bằng liên lạc thoại và liên lạc được bắt đầu bằng ADS/CPDLC sẽ được kết thúc bằng ADS/CPDLC để đảm bảo sự đồng bộ, chính xác của điện văn.
3. ADS/CPDLC phải là phương thức liên lạc chính khi cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu hướng dẫn tổ lái để “MONITOR [tên cơ quan] [tần số]”.
4. Tổ lái đáp lại bằng cụm từ “WILCO” có nghĩa rằng chỉ dẫn đã nhận đủ, rõ và sẽ tuân theo.
5. Không bắt buộc tổ lái nhắc lại huấn lệnh của ATS, chỉ dẫn phát qua CPDLC.
6. Điện văn chờ (STAND BY) được dùng để chỉ rằng yêu cầu đang được xử lý và chờ một thời gian ngắn.
7. Điện văn yêu cầu được lùi chậm lại (REQUEST DEFERRED) được dùng để chỉ rằng yêu cầu đang được xử lý và chờ lâu (thời gian dài).
8. Nội dung của một điện văn CPDLC gửi đi chỉ chứa đựng một yêu cầu huấn lệnh để tránh hiểu nhầm có thể xảy ra.
9. Nếu có những yêu cầu huấn lệnh chứa đựng trong cùng một điện văn nhận được và KSVKL chưa thể giải quyết được tất cả các yêu cầu đó, thì chuyển điện văn trả lời lên cho tàu bay với nội dung UNABLE trước. Sau đó, KSVKL phải trả lời từng nội dung một, mỗi một nội dung trong một điện văn riêng lẻ đáp ứng theo yêu cầu của tổ lái.
10. Trong trường hợp có nghi ngờ về nội dung trong một điện văn thì việc làm rõ điện văn phải thực hiện thông qua liên lạc thoại.
11. Các thành phần điện văn được định dạng trước theo tiêu chuẩn sẽ được sử dụng trong mọi trường hợp. Các thành phần điện văn không định dạng sẽ chỉ được sử dụng khi không có thành phần điện văn định dạng trước phù hợp hoặc khi bổ sung cho thành phần điện văn được định dạng trước đã có sẵn. Yêu cầu xin cấp huấn lệnh được chuyển xuống và việc cấp huấn lệnh được chuyển lên được thực hiện bằng việc sử dụng các thành phần điện văn có định dạng trước.
12. Phải sử dụng thuật ngữ không lưu và định dạng điện văn tiêu chuẩn khi nhận được điện văn không tiêu chuẩn. Không được sử dụng từ hoặc cụm từ không có trong quy định.
Điều 22. Giới hạn của dịch vụ ADS/CPDLC
1. Trong trường hợp khẩn nguy, tổ lái thông báo cho cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu về các diễn biến tình hình bằng mọi phương thức liên lạc thích hợp nhất có thể (liên lạc thoại hoặc ADS/CPDLC).
2. Khi nhận được một điện văn ADS/CPDLC với nội dung MAYDAY (khẩn nguy) hoặc PAN (khẩn cấp), thì cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu đáp lại bằng điện văn free text chuyển lên tàu bay với nội dung ROGER MAYDAY (khẩn nguy) hoặc PAN (khẩn cấp).
3. Khi tình huống khẩn nguy không còn tồn tại, tổ lái hủy bỏ phương thức khẩn nguy ADS/CPDLC (nếu đã được kích hoạt).
4. Khi tổ lái quan sát hoặc nhận thấy có hiện tượng bất thường liên quan đến hoạt động bay thì phải báo cáo cho ATS thông qua liên lạc thoại.
5. Khi cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu áp dụng phân cách ra đa giữa các tàu bay, tổ lái phải duy trì liên lạc thoại trên sóng VHF và ADS/CPDLC sẽ không được sử dụng.
Điều 23. Kết thúc dịch vụ liên lạc dữ liệu ADS/CPDLC
1. Đối với các chuyến bay ra và tiến nhập vào các FIR có cung cấp dịch vụ liên lạc dữ liệu: Tàu bay được trang bị FANS-1/A đang được cung cấp dịch vụ liên lạc dữ liệu “điện văn tư vấn liên lạc” (FN_CAD) được tự động chuyển phát lên để thiết bị điện tử trên tàu bay bắt đầu đăng nhập vào hệ thống ATM của vùng thông báo bay kế tiếp 15 phút trước khi bay qua ranh giới vùng thông báo bay. Khi cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu kế tiếp chấp thuận kiểm soát chuyến bay thì điện văn "CONTACT hoặc MONITOR [tên cơ quan ATS] [tần số]” được chuyển phát lên 5 phút trước khi tàu bay qua ranh giới vùng thông báo bay và điện văn "END SERVICE" được tự động chuyển phát lên tại ranh giới FIR. Trong trường hợp hỏng chức năng tự động đăng nhập, thì chuyến phát lên cho tàu bay một điện văn "END SERVICE" bằng phương pháp thủ công không muộn hơn thời gian chuyến bay vào ranh giới FIR hoặc sớm nhất có thể.
2. Đối với các chuyến bay ra và tiến nhập vào các FIR không có cung cấp dịch vụ liên lạc dữ liệu: Tàu bay được trang bị FANS-1/A đang được cung cấp dịch vụ liên lạc dữ liệu, điện văn CPDLC “CONTACT [tên cơ quan ATS] [tần số]” được chuyển lên 5 phút trước khi tàu bay qua ranh giới FIR hoặc ranh giới phân khu. Tổ lái phải xác nhận đã nhận được điện văn này bằng cách phát “WILCO”. Khi tàu bay ra khỏi vùng trời có liên lạc dữ liệu, cơ sở dịch vụ không lưu phải chuyển phát một điện văn "END SERVICE" lên tàu bay để báo dừng kết nối CPDLC.
Tổ lái hoặc người khai thác tàu bay đăng ký thực hiện phương thức liên lạc ADS/CDPLC có trách nhiệm điền các thông tin sau vào Mục 10 của Mẫu kế hoạch bay tiêu chuẩn ICAO, cụ thể như sau:
1. Mục 10 - Chữ cái “J” để chỉ khả năng liên lạc đường truyền dữ liệu.
2. Mục 10 - Chữ cái “D” mục Giám sát để chỉ khả năng của thiết bị ADS-C.
3. Mục 18 - Các chữ cái DAT/theo sau là một hoặc nhiều chữ cái thích hợp để chỉ loại thiết bị được trang bị nếu chữ cái “J” được điền tại Mục 10.
Điều 25. Mất kết nối liên lạc dữ liệu
1. Khi việc kết nối ADS/CPDLC không thực hiện được, tổ lái chọn “ATC Com Off” và sau đó bắt đầu đăng nhập AFN khác. Nếu việc kết nối CPDLC báo không thực hiện được liên tục, tổ lái phải tái thiết lập liên lạc thoại trên tần số thích hợp.
2. Khi phát hiện hỏng kết nối ADS/CPDLC, tổ lái phải thông báo với cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu tình huống xảy ra thông qua tần số liên lạc thoại thích hợp và dừng ngay việc kết nối CPDLC. Nếu có thể, bằng cách chọn “cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu Com Off".
Điều 26. Địa chỉ tiếp nhận báo cáo sự cố
Tổ lái, người khai thác tàu bay và cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu khi gặp các sự cố với đường truyền dữ liệu phải làm báo cáo về sự cố xảy ra và gửi về Cục Hàng không Việt Nam theo địa chỉ:
Phòng Quản lý hoạt động bay, Cục Hàng không Việt Nam;
Số 119 Nguyễn Sơn, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội;
Điện thoại: 84-4-38274191/38723600; Fax: 84-4-38274194; AFS: VVVVYAAN;
Email: and@caa.gov.vn. Trang thông tin điện tử Cục Hàng không Việt Nam: http://www.caa.gov.vn.
Thông tư 44/2014/TT-BGTVT về phương thức liên lạc không - địa hàng không dân dụng do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- Số hiệu: 44/2014/TT-BGTVT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 30/09/2014
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Đinh La Thăng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 941 đến số 942
- Ngày hiệu lực: 01/12/2014
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
- Điều 2. Quy ước viết tắt
- Điều 3. Giải thích thuật ngữ
- Điều 4. Quy định chung đối với việc đảm bảo liên lạc không - địa
- Điều 5. Các phương thức liên lạc không - địa
- Điều 6. Quy định chung
- Điều 7. Quy định về kỹ thuật phát
- Điều 8. Quy định về cách phát âm các chữ cái
- Điều 9. Quy định cách phát âm các chữ số
- Điều 10. Quy định cách phát thời gian
- Điều 11. Quy định cách hiểu các từ, cụm từ chuẩn trong liên lạc không - địa
- Điều 12. Quy định về tên gọi
- Điều 13. Quy định về liên lạc
- Điều 14. Phương thức kiểm tra liên lạc
- Điều 15. Quy định về phát một số thuật ngữ trong trường hợp đặc biệt
- Điều 16. Huấn lệnh về độ cao, mực bay
- Điều 17. Báo cáo vị trí
- Điều 18. Kế hoạch bay
- Điều 19. Vùng trời có liên lạc đường truyền dữ liệu
- Điều 20. Phương thức đăng nhập ADS/CPDLC
- Điều 21. Phương thức khai thác ADS/CPDLC
- Điều 22. Giới hạn của dịch vụ ADS/CPDLC
- Điều 23. Kết thúc dịch vụ liên lạc dữ liệu ADS/CPDLC
- Điều 24. Điền kế hoạch bay
- Điều 25. Mất kết nối liên lạc dữ liệu
- Điều 26. Địa chỉ tiếp nhận báo cáo sự cố