Hệ thống pháp luật

Mục 3 Chương 2 Thông tư 33/2017/TT-BTC quy định chế độ quản lý tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý trong hệ thống Kho bạc Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Mục 3. QUẢN LÝ TIỀN MẶT, GIẤY TỜ CÓ GIÁ TẠI QUẦY GIAO DỊCH

Điều 18. Quầy giao dịch và trang thiết bị tại quầy

1. Quầy giao dịch tại Kho bạc Nhà nước các cấp được bố trí thuận tiện, an toàn và phù hợp với thực tế hoạt động.

2. Trang thiết bị kho quỹ được trang bị đúng, đủ theo quy định.

Điều 19. Thu, chi tiền mặt

1. Mọi khoản thu, chi tiền mặt phải căn cứ vào chứng từ kế toán hợp pháp, hợp lệ. Chứng từ kế toán của ngày nào phải thực hiện thu, chi ngay trong ngày đó, đồng thời phải ghi chính xác, kịp thời vào các sổ nghiệp vụ. Chứng từ thu, chi tiền mặt phải qua kế toán kiểm soát và được chuyển đến bộ phận thu, chi tiền bằng đường nội bộ.Việc ghi sổ nghiệp vụ phải tuân thủ khi chi ghi trước, khi thu ghi sau.

2. Trước khi thu, chi tiền mặt phải kiểm soát tính chất hợp lệ, hợp pháp của chứng từ kế toán; khi thu, chi phải kiểm đếm chính xác.

3. Khách hàng nộp tiền mặt phải chứng kiến công chức Kho bạc kiểm đếm. Trường hợp khách hàng nộp tiền nhưng việc kiểm đếm, giao nhận chưa hoàn thành do hết giờ làm việc, nếu khách hàng có nhu cầu gửi tiền tại kho tiền của Kho bạc Nhà nước thì tự niêm phong bao, hòm tiền trước sự chứng kiến của Ban Quản lý kho và làm thủ tục gửi kho theo bao, hòm niêm phong.

4. Khách hàng khi nhận tiền mặt phải xuất trình giấy chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân, ghi rõ họ tên và ký trên chứng từ, bảng kê chi tiền đồng thời kiểm đếm, xác nhận đã nhận đủ tiền trước khi rời khỏi quầy giao dịch của Kho bạc Nhà nước.

5. Trước khi chi tiền cho khách hàng, nếu bó tiền còn nguyên niêm phong thì công chức Kho bạc Nhà nước chi tiền phải xé, bỏ niêm phong và giao cho khách hàng kiểm đếm.

6. Trên chứng từ kế toán và bảng kê thu, chi (hoặc biên bản giao, nhận) phải có đủ chữ ký theo quy định. Kho bạc Nhà nước không chịu trách nhiệm đền bù số tiền mặt nếu thiếu, mất khi khách hàng đã ký tên trên chứng từ kế toán và bảng kê sau khi rời khỏi quầy giao dịch.

7. Không thu vào quỹ các loại tiền khách hàng đem nộp như tiền giả, tiền nghi giả, tiên mẫu, tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông có tính chất phá hoại. Nếu phát hiện các loại tiền như trên, công chức Kho bạc Nhà nước thu tiền lập biên bản, giữ hiện vật và xử lý theo quy định.

Điều 20. Kiểm đếm, đóng gói, niêm phong tiền mặt

1. Kiểm đếm:

a) Khi thu, chi tiền mặt phải được kiểm đếm chính xác theo từng tờ, miếng.

b) Vừa kiểm đếm vừa chọn lọc, sắp xếp riêng tiền lành, tiền rách, tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông; chú ý phát hiện tiền lẫn loại, tiền giả, tiền nghi giả, tiền mẫu; không để các loại tiền đã kiểm đếm lẫn với các loại tiền chưa kiểm đếm.

2. Đóng gói:

a) Đối với thếp tiền: Cứ 100 tờ tiền cùng mệnh giá, cùng chất liệu sắp thành một thếp.

b) Đối với bó tiền: Cứ 10 thếp tiền cùng mệnh giá, cùng chất liệu đóng thành một bó.

c) Đối với bao tiền: Cứ 20 bó tiền cùng mệnh giá, cùng chất liệu đóng thành một bao

d) Đối với tiền kim loại: Cứ 50 miếng cùng mệnh giá đóng vào một thỏi; 20 thỏi đóng vào một túi.

3. Niêm phong:

a) Giấy niêm phong là loại giấy mỏng, kích thước phù hợp với từng loại tiền và được in sẵn một số nội dung như: Tên Kho bạc Nhà nước; loại tiền; số lượng tờ (nếu là bó tiền); số lượng bó (nếu là bao tiền); số tiền; ngày, tháng, năm đóng bó, bao; họ tên và chữ ký người kiểm đếm, đóng bó, bao niêm phong.

b) Niêm phong bó tiền: Tờ niêm phong phải được ghi đầy đủ, chính xác các nội dung trên tờ niêm phong nêu tại điểm a khoản này (dùng bút bi mực tốt để ghi, không dùng bút chì hoặc mực dễ phai) và được dán trên tờ lót của bó tiền tại vị trí mối dây buộc thắt nút bó tiền.

c) Niêm phong bao tiền: Dùng dây sợi tốt buộc thắt chặt miệng bao (hoặc gấp miệng bao và khâu kín); dán tờ niêm phong lên trên điểm buộc và 02 đầu dây (tách riêng 02 đầu dây khi dán niêm phong).

Điều 21. Giao nhận tiền mặt

1. Giao nhận tiền mặt giữa Kho bạc Nhà nước với ngân hàng:

Việc giao, nhận tiền mặt giữa Kho bạc Nhà nước với ngân hàng đảm bảo an toàn, thuận tiện và phù hợp với cách thức giao, nhận do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định.

2. Giao nhận tiền mặt trong nội bộ từng đơn vị Kho bạc Nhà nước:

a) Giao nhận giữa thủ quỹ với người thu, người chi: Giao, nhận theo bó, túi nguyên niêm phong đối với tiền chẵn bó, chẵn túi; kiểm đếm từng tờ, miếng các thếp lẻ, tờ lẻ, thỏi lẻ.

b) Giữa thủ quỹ với thủ kho: Giao, nhận theo bao, túi, hòm nguyên niêm phong.

c) Trường hợp cuối ngày làm việc, tiền mặt từ các điểm thu chưa được giao nhận giữa người thu tiền với thủ quỹ thì gửi kho theo bao, hòm nguyên niêm phong.

d) Mỗi lần giao nhận tiền mặt người giao và người nhận phải ký trên sổ giao nhận

3. Giao nhận khi thực hiện điều chuyển tiền mặt giữa các đơn vị Kho bạc Nhà nước:

a) Đơn vị Kho bạc Nhà nước nhận tiền mặt theo phương thức nguyên niêm phong đối với các loại tiền chẵn bó, chẵn túi; các thếp lẻ, tờ lẻ, thỏi lẻ kiểm đếm từng tờ, miếng.

b) Mỗi lần giao nhận lập biên bản giao nhận, có chữ ký của bên giao và bên nhận, mỗi bên giữ 01 bản.

Điều 22. Giao nhận, kiểm đếm, đóng gói, niêm phong ngoại tệ

Việc giao nhận, kiểm đếm, đóng gói, niêm phong ngoại tệ thực hiện như giao nhận, kiểm đếm, đóng gói, niêm phong tiền mặt.

Điều 23. Giao nhận giấy tờ có giá

1) Giao nhận giữa Kho bạc Nhà nước với các đơn vị ngoài hệ thống Kho bạc Nhà nước:

a) Khi giao nhận, bên nhận kiểm đếm từng tờ ngay tại bên giao hoặc theo theo thỏa thuận giữa hai bên.

b) Sau khi giao nhận, bên giao gửi 01 liên Phiếu xuất kho cho bên nhận.

c) Người đi nhận giấy tờ có giá phải có giấy giới thiệu của thủ trưởng đơn vị, ghi rõ họ tên, chức vụ, số chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân để kiểm tra đối chiếu.

2. Giao nhận giữa các đơn vị Kho bạc Nhà nước:

a) Giao nhận giữa các đơn vị Kho bạc Nhà nước thực hiện theo bao, gói niêm phong; trường hợp không đủ gói phải kiểm đếm từng tờ.

b) Sau khi giao nhận, bên giao gửi 01 liên Phiếu xuất kho cho bên nhận.

c) Người đi nhận giấy tờ có giá phải có giấy giới thiệu của thủ trưởng đơn vị, ghi rõ họ tên, chức vụ, số chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân để kiểm tra đối chiếu.

3. Giao nhận trong nội bộ từng đơn vị Kho bạc Nhà nước, thực hiện kiểm đếm từng tờ, từng sêri.

Điều 24. Bảo quản, sắp xếp tiền mặt, giấy tờ có giá

1. Trong giờ làm việc, tiền mặt, giấy tờ có giá phải được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp theo từng loại trong các hòm, két sắt và bảo quản tại quầy giao dịch; trường hợp phải ra ngoài quầy giao dịch thì phải khóa két bằng mã số, chìa định vị.

2. Trong giờ nghỉ trưa, toàn bộ tiền mặt, giấy tờ có giá tại quầy giao dịch trong trụ sở Kho bạc Nhà nước phải được bảo quản trong két sắt khóa bằng mã số, chìa định vị và niêm phong hoặc đưa vào hòm tôn có khóa, niêm phong bảo quản trong kho tiền; tại các điểm giao dịch ngoài trụ sở cơ quan, toàn bộ tiền mặt, giấy tờ có giá phải được bảo quản trong két sắt khóa bằng mã số, chìa định vị, niêm phong và bố trí người trực để bảo vệ.

3. Hết giờ làm việc, toàn bộ tiền mặt, giấy tờ có giá sau khi kiểm kê, đối chiếu số liệu với kế toán đều phải được đưa vào kho tiền bảo quản.

Thông tư 33/2017/TT-BTC quy định chế độ quản lý tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý trong hệ thống Kho bạc Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 33/2017/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 20/04/2017
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Huỳnh Quang Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 353 đến số 354
  • Ngày hiệu lực: 16/06/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH