Điều 28 Thông tư 26/2018/TT-BTNMT quy định về quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Bộ Tài nguyên và Môi trường
Điều 28. Đánh giá, nghiệm thu kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ
1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Vụ Khoa học và Công nghệ trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định thành lập Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ;
2. Thành phần Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ cấp bộ (sau đây gọi là Hội đồng) có từ 09 đến 11 thành viên
a) Chủ tịch là Lãnh đạo Vụ Khoa học và Công nghệ;
b) Phó Chủ tịch là Lãnh đạo Tổng cục, Cục;
c) 02 ủy viên phản biện là các chuyên gia có chuyên môn phù hợp;
d) 01 ủy viên là Lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Tài chính;
đ) 01 ủy viên, thư ký khoa học là chuyên viên Vụ Khoa học và Công nghệ;
e) 01 ủy viên là đại diện cho tổ chức tiếp nhận kết quả nghiên cứu;
g) Các ủy viên khác là chuyên gia khoa học và công nghệ có chuyên môn phù hợp;
Thành viên là đại diện cho tổ chức tiếp nhận kết quả nghiên cứu và các chuyên gia do Vụ Khoa học và Công nghệ lựa chọn và mời phù hợp với từng nhiệm vụ cụ thể. Các chuyên gia có chuyên môn phù hợp và am hiểu về nội dung nghiên cứu của nhiệm vụ, trong đó 02 ủy viên phản biện phải là chuyên gia có chuyên môn phù hợp và am hiểu về nội dung nghiên cứu của nhiệm vụ;
Hội đồng có thể có 01 thành viên là người thuộc tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ, nhưng thành viên này không được làm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, ủy viên phản biện hoặc thư ký khoa học;
Trường hợp đặc biệt do tính chất phức tạp hoặc yêu cầu đặc thù của nhiệm vụ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có thể quyết định số lượng thành viên và thành phần Hội đồng khác với quy định nêu trên.
3. Tổ chuyên gia tư vấn độc lập đánh giá kết quả nhiệm vụ
a) Trong trường hợp cần thiết Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập Tổ chuyên gia tư vấn độc lập đánh giá các sản phẩm đo, kiểm đếm được (phần mềm, cơ sở dữ liệu, mô hình, thiết bị máy móc…);
b) Tổ chuyên gia có 03 thành viên trong đó có 01 tổ trưởng, 01 tổ viên và 01 tổ viên kiêm thư ký tổ;
c) Tổ chuyên gia có trách nhiệm kiểm tra, thẩm định độ tin cậy, nhận định tính xác thực các sản phẩm của nhiệm vụ theo mẫu M49-NXTĐSP và có báo cáo theo mẫu M50-BCTĐSP;
4. Phiên họp của Hội đồng
a) Hình thức họp Hội đồng: Hội đồng có thể họp trực tiếp hoặc họp trực tuyến trên nền tảng công nghệ số. Mỗi thành viên Hội đồng được cung cấp 01 tài khoản đăng nhập cố định trong phần mềm quản lý hoạt động khoa học và công nghệ của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tài khoản này được công nhận về mặt pháp lý khi tham gia hoạt động khoa học và công nghệ của Bộ. Tài khoản đảm bảo tính bảo mật và an toàn thông tin theo quy định hiện hành. Cá nhân được cấp tài khoản chịu trách nhiệm bảo mật thông tin đăng nhập khi sử dụng;
b) Hồ sơ đánh giá, nghiệm thu được gửi đến các thành viên Hội đồng kèm theo mẫu phiếu nhận xét M51-NXKQƯD, M52-NXKQXH và Tổ chuyên gia (nếu có) kèm theo mẫu phiếu nhận xét M49-NXTĐSP trước phiên họp ít nhất 07 ngày làm việc;
c) Phiên họp Hội đồng được tổ chức trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có quyết định thành lập. Hội đồng chỉ tiến hành họp khi bảo đảm các yêu cầu sau:
Vụ Khoa học và Công nghệ đã nhận được đầy đủ ý kiến nhận xét bằng văn bản của 02 ủy viên phản biện và ý kiến thẩm định của Tổ chuyên gia theo mẫu M49-NXTĐSP, M50-BCTĐSP (nếu có) ít nhất 01 ngày làm việc trước phiên họp Hội đồng;
Phiên họp Hội đồng theo hình thức họp trực tiếp chỉ họp khi có mặt ít nhất 2/3 thành viên Hội đồng, trong đó có Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch được ủy quyền và ít nhất 01 ủy viên phản biện;
Phiên họp Hội đồng theo hình thức họp trực tuyến phải có ít nhất 2/3 số thành viên tham dự, trong đó có 04 thành viên có mặt trực tiếp, gồm Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch được ủy quyền), 01 ủy viên phản biện, 01 ủy viên là thư ký khoa học và 01 ủy viên;
Trong trường hợp có Tổ chuyên gia tư vấn đánh giá, phải có ít nhất 01 chuyên gia tham gia phiên họp.
d) Thành phần tham dự các phiên họp của Hội đồng gồm: Thành viên Hội đồng, chủ nhiệm nhiệm vụ, đại diện tổ chức chủ trì, đại diện cơ quan quản lý trực tiếp tổ chức chủ trì, đại diện Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ, đại diện các đơn vị có liên quan, các thành viên khác do Vụ Khoa học và Công nghệ mời trong trường hợp cần thiết;
e) Trình tự làm việc của Hội đồng:
Thư ký hành chính công bố quyết định thành lập Hội đồng, giới thiệu thành phần và đại biểu tham dự;
Lãnh đạo Vụ Khoa học và Công nghệ nêu những nội dung, yêu cầu chủ yếu đối với việc đánh giá, nghiệm thu quy định tại Thông tư này;
Chủ tịch Hội đồng thống nhất và thông qua nội dung làm việc của Hội đồng theo các quy định tại Thông tư này;
Chủ nhiệm nhiệm vụ trình bày tóm tắt quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, kết quả, sản phẩm khoa học và công nghệ và báo cáo tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ;
Các thành viên Hội đồng nêu câu hỏi đối với chủ nhiệm nhiệm vụ. Chủ nhiệm, các cá nhân có liên quan trả lời các câu hỏi của Hội đồng (nếu có) và không tham dự phiên họp khi Hội đồng trao đổi để đánh giá kết quả thực hiện;
Đại diện Tổ chuyên gia báo cáo kết quả thẩm định sản phẩm (nếu có);
Các ủy viên phản biện trình bày nhận xét đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ; thư ký khoa học đọc phiếu nhận xét của thành viên vắng mặt (nếu có); các thành viên Hội đồng nêu ý kiến nhận xét và thảo luận về kết quả nhiệm vụ;
Các thành viên Hội đồng đánh giá xếp loại kết quả thực hiện nhiệm vụ theo mẫu M53-ĐGKQNC; thư ký hành chính tổng hợp và báo cáo kết quả kiểm phiếu;
Chủ tịch Hội đồng công bố kết quả đánh giá của hội đồng;
Hội đồng thảo luận thống nhất để kiến nghị những điểm cần sửa đổi, bổ sung trong báo cáo tổng hợp và các sản phẩm của nhiệm vụ. Chủ tịch Hội đồng dự thảo kết luận đánh giá;
Thư ký khoa học ghi chép các ý kiến thảo luận tại các phiên họp, dự thảo biên bản theo mẫu M54-BBĐGNT, thông qua trước Hội đồng và gửi tổ chức chủ trì, cá nhân chủ nhiệm ngay sau khi kết thúc cuộc họp;
Trường hợp nhiệm vụ được đánh giá xếp loại “không đạt”, Hội đồng phải xác định cụ thể những sản phẩm đạt và sản phẩm không đạt theo hợp đồng để Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét xử lý theo quy định hiện hành.
5. Yêu cầu đánh giá của Hội đồng
a) Việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ thông qua phiếu đánh giá trong phần mềm quản lý hoạt động khoa học và công nghệ của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
b) Các thành viên Hội đồng đánh giá độc lập, không trao đổi về kết quả đánh giá của cá nhân;
c) Phiếu đánh giá hợp lệ là phiếu đánh giá đúng quy định cho từng nội dung đánh giá;
d) Phiếu không hợp lệ là phiếu do thành viên bỏ trống hoặc đánh giá không theo quy định;
đ) Kết quả xếp loại chung của nhiệm vụ dựa trên kết quả đánh giá của từng thành viên Hội đồng theo quy định.
6. Nội dung đánh giá và yêu cầu đối với sản phẩm
a) Đánh giá về chủng loại sản phẩm; số lượng, khối lượng sản phẩm; chất lượng sản phẩm với tính năng, thông số kỹ thuật của sản phẩm so với đặt hàng;
b) Đánh giá về tính đầy đủ, rõ ràng, xác thực và logic của báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt (phương pháp nghiên cứu, kỹ thuật sử dụng …), tài liệu kèm theo (các tài liệu thiết kế, công nghệ, sản phẩm trung gian, tài liệu được trích dẫn...);
c) Đánh giá về khả năng ứng dụng/sử dụng và chuyển giao của sản phẩm;
d) Yêu cầu đối với báo cáo tổng hợp thực hiện theo mẫu M45-HDBCTH: Tổng quan được các kết quả nghiên cứu đã có liên quan đến nhiệm vụ; số liệu, tư liệu có tính đại diện, độ tin cậy, xác thực, cập nhật; nội dung báo cáo là toàn bộ kết quả nghiên cứu được trình bày theo kết cấu hệ thống và logic khoa học; các luận cứ khoa học có cơ sở lý luận và thực tiễn cụ thể giải đáp những vấn đề nghiên cứu đặt ra, phản ánh trung thực kết quả nhiệm vụ, phù hợp với thông lệ chung trong hoạt động nghiên cứu khoa học; kết cấu nội dung hợp lý, văn phong khoa học;
đ) Yêu cầu đối với sản phẩm
Ngoài các yêu cầu ghi trong hợp đồng, thuyết minh nhiệm vụ, sản phẩm của nhiệm vụ cấp bộ cần phải đáp ứng được các yêu cầu sau:
Đối với sản phẩm là mẫu; vật liệu; thiết bị, máy móc; dây chuyền công nghệ và các sản phẩm có thể đo kiểm phải được kiểm định/khảo nghiệm/kiểm nghiệm tại cơ quan chuyên môn có chức năng phù hợp, độc lập với tổ chức chủ trì nhiệm vụ;
Đối với sản phẩm là nguyên lý ứng dụng; phương pháp; tiêu chuẩn; quy chuẩn; quy định kỹ thuật; phần mềm máy tính; bản vẽ thiết kế; quy trình công nghệ; sơ đồ, bản đồ; số liệu, cơ sở dữ liệu; báo cáo phân tích; tài liệu dự báo (phương pháp, quy trình, mô hình,...); đề án, quy hoạch; luận chứng kinh tế - kỹ thuật, báo cáo nghiên cứu khả thi và các sản phẩm tương tự khác phải được thẩm định bởi Hội đồng khoa học chuyên ngành hoặc tổ chuyên gia do Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập. Ngoài ra, đối với sản phẩm là phần mềm ứng dụng hoặc cơ sở dữ liệu phải được kiểm tra, đánh giá, xác nhận chất lượng đạt yêu cầu của đơn vị có chức năng kiểm định, nghiệm thu sản phẩm công nghệ thông tin;
Đối với sản phẩm là kết quả tham gia đào tạo sau đại học (văn bản thể hiện rõ tên luận án hoặc luận văn để xác định khả năng đào tạo từ kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ như Quyết định thành lập Hội đồng chấm luận văn Thạc sĩ, Quyết định giao đề tài và phân công hướng dẫn nghiên cứu sinh…), giải pháp hữu ích, sáng chế, công bố, xuất bản và các sản phẩm tương tự khác phải có văn bản xác nhận của cơ quan chức năng phù hợp.
7. Đánh giá và xếp loại
a) Mỗi thành viên Hội đồng đánh giá kết quả nhiệm vụ theo mẫu M53-ĐGKQNC. Kết quả đánh giá của mỗi thành viên Hội đồng được xếp loại cụ thể với 04 mức như sau:
Xuất sắc: Khi có tổng điểm ≥85 điểm và nộp hồ sơ nghiệm thu cấp bộ đúng hạn;
Khá: Khi có tổng điểm từ 70 đến dưới 85 điểm và nộp hồ sơ nghiệm thu về Bộ đúng hạn hoặc khi có tổng điểm từ 85 điểm trở lên và nộp hồ sơ nghiệm thu về Bộ chậm không quá 30 ngày;
Đạt: Khi có tổng điểm từ 50 đến dưới 70 điểm và nộp hồ sơ nghiệm thu về Bộ đúng hạn; hoặc khi có tổng điểm từ 60 điểm trở lên và nộp hồ sơ nghiệm thu về Bộ chậm không quá 03 tháng (trừ trường hợp xếp loại khá khi có tổng điểm từ 85 điểm trở lên và nộp hồ sơ nghiệm thu về Bộ chậm không quá 30 ngày); hoặc có tổng điểm từ 70 điểm trở lên và nộp hồ sơ nghiệm thu về Bộ chậm từ trên 03 tháng đến không quá 06 tháng.
Không đạt: Khi có tổng điểm dưới 50 hoặc nộp hồ sơ nghiệm thu về Bộ chậm quá 06 tháng.
b) Đánh giá chung nhiệm vụ theo 04 mức:
Mức "Xuất sắc" khi có 100% số phiếu đánh giá ở mức "Khá" trở lên, trong đó có ít nhất 1/2 số phiếu đánh giá ở mức "Xuất sắc" (Trường hợp số phiếu đánh giá ở mức "Xuất sắc" và "Khá" bằng nhau thì kết quả đánh giá theo phiếu đánh giá của Chủ tịch Hội đồng);
Mức "Khá" khi có 100% số phiếu đánh giá ở mức "Đạt" trở lên, trong đó có ít nhất 2/3 số phiếu đánh giá ở mức "Khá";
Mức "Đạt" khi có ít nhất 2/3 số phiếu đánh giá ở mức "Đạt" trở lên;
Mức "Không đạt" khi có lớn hơn 1/3 số phiếu đánh giá ở mức "Không đạt".
8. Việc đánh giá, nghiệm thu kết quả đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ do Tổng cục, Cục quản lý được vận dụng theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 Điều này để thực hiện.
Thông tư 26/2018/TT-BTNMT quy định về quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Số hiệu: 26/2018/TT-BTNMT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 14/12/2018
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Võ Tuấn Nhân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 229 đến số 230
- Ngày hiệu lực: 01/02/2019
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
- Điều 2. Đối tượng áp dụng
- Điều 3. Giải thích từ ngữ
- Điều 4. Nguyên tắc tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ
- Điều 5. Quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ
- Điều 6. Yêu cầu đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ
- Điều 7. Điều kiện tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ
- Điều 8. Trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan đề xuất đặt hàng
- Điều 9. Trách nhiệm chuyên gia tư vấn độc lập
- Điều 10. Trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức chủ trì
- Điều 11. Trách nhiệm, quyền hạn của cá nhân chủ nhiệm nhiệm vụ
- Điều 12. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức tiếp nhận kết quả nhiệm vụ
- Điều 13. Căn cứ để xây dựng đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ
- Điều 14. Đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ
- Điều 15. Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ
- Điều 16. Phê duyệt danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ
- Điều 17. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ đột xuất
- Điều 18. Thông báo và hồ sơ tham gia tuyển chọn, xét giao trực tiếp nhiệm vụ khoa học và công nghệ
- Điều 19. Trình tự xét duyệt hồ sơ nhiệm vụ thực hiện theo hình thức tuyển chọn và giao trực tiếp
- Điều 20. Trình tự thẩm định nội dung và kinh phí nhiệm vụ khoa học và công nghệ
- Điều 21. Phê duyệt thuyết minh và ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ
- Điều 22. Kiểm tra, đánh giá trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ
- Điều 23. Điều chỉnh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ
- Điều 24. Chấm dứt Hợp đồng nhiệm vụ khoa học và công nghệ
- Điều 25. Tự đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ
- Điều 26. Hồ sơ đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ
- Điều 27. Nộp hồ sơ đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ
- Điều 28. Đánh giá, nghiệm thu kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ
- Điều 29. Xử lý kết quả nghiệm thu cấp bộ
- Điều 30. Đăng ký, lưu giữ, công bố, chuyển giao sản phẩm và ứng dụng kết quả nghiên cứu
- Điều 31. Công nhận kết quả, thanh lý hợp đồng và xử lý tài sản
- Điều 32. Cơ sở đề xuất
- Điều 33. Trình tự đề xuất
- Điều 34. Phê duyệt danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ
- Điều 35. Trình tự tuyển chọn, xét giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ
- Điều 36. Thẩm định, phê duyệt thuyết minh và ký hợp đồng
- Điều 37. Kiểm tra, giám sát thực hiện và điều chỉnh thuyết minh, hợp đồng
- Điều 38. Đánh giá, nghiệm thu, đăng ký, lưu giữ, công bố, chuyển giao và ứng dụng kết quả nghiên cứu
- Điều 39. Công nhận kết quả, thanh lý hợp đồng và xử lý tài sản
- Điều 40. Cơ sở đề xuất
- Điều 41. Trình tự đề xuất
- Điều 42. Hội đồng tư vấn xác định danh mục nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng
- Điều 43. Phê duyệt danh mục nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng
- Điều 44. Thẩm định, phê duyệt thuyết minh và ký hợp đồng
- Điều 45. Kiểm tra, giám sát và điều chỉnh trong quá trình thực hiện
- Điều 46. Đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng
- Điều 47. Đăng ký, lưu giữ, công bố, chuyển giao kết quả nghiên cứu và ứng dụng
- Điều 48. Thanh lý hợp đồng