Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 111/2015/TT-BTC hướng dẫn phát hành trái phiếu Chính phủ tại thị trường trong nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Chương II

XÂY DỰNG KẾ HOẠCH VÀ TỔ CHỨC PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU

Điều 6. Xây dựng và công bố kế hoạch phát hành trái phiếu

1. Hàng năm, căn cứ vào chỉ tiêu huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển đã được Quốc hội phê duyệt, kế hoạch điều hành ngân sách nhà nước, Kho bạc Nhà nước xây dựng và thông báo kế hoạch phát hành trái phiếu dự kiến cho cả năm.

2. Hàng quý, căn cứ vào kế hoạch phát hành trái phiếu cho cả năm và kế hoạch điều hành ngân sách nhà nước hàng quý, Kho bạc Nhà nước xây dựng và thông báo kế hoạch phát hành trái phiếu dự kiến cho từng quý.

3. Kế hoạch phát hành trái phiếu hàng năm, hàng quý được công bố trên trang tin điện tử của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán.

Điều 7. Tổ chức phát hành trái phiếu

1. Căn cứ vào kế hoạch phát hành trái phiếu được thông báo, Kho bạc Nhà nước tổ chức phát hành trái phiếu theo quy định tại Thông tư này và các văn bản pháp luật có liên quan.

2. Việc phát hành tín phiếu kho bạc theo phương thức đấu thầu qua Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước hoặc bán trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước được thực hiện theo văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.

3. Đối với phát hành công trái xây dựng tổ quốc, trái phiếu bằng ngoại tệ (nếu có), Bộ Tài chính xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi thực hiện. Đề án phát hành bao gồm các nội dung cơ bản sau:

a) Mục đích phát hành;

b) Các điều kiện, điều khoản: hình thức, kỳ hạn, đồng tiền, mệnh giá, lãi suất, thời gian phát hành và phương thức thanh toán lãi, gốc; khối lượng dự kiến phát hành;

c) Đối tượng mua;

d) Phương án tổ chức phát hành.

4. Đối với trái phiếu phát hành theo phương thức bán lẻ thông qua hệ thống Kho bạc Nhà nước hoặc đại lý phát hành, Kho bạc Nhà nước xây dựng phương án phát hành, trình Bộ Tài chính phê duyệt trước khi tổ chức thực hiện.

Điều 8. Lịch biểu phát hành trái phiếu

1. Đối với trái phiếu phát hành theo phương thức đấu thầu hoặc bảo lãnh:

a) Ngày tổ chức phát hành là ngày thứ Tư hàng tuần. Trong một số trường hợp, để đảm bảo sự phát triển của thị trường trái phiếu và nhu cầu quản lý ngân quỹ, Kho bạc Nhà nước có thể quyết định ngày tổ chức phát hành trái phiếu khác với ngày thứ Tư hàng tuần.

b) Ngày thanh toán tiền mua trái phiếu là ngày làm việc liền kề sau ngày tổ chức phát hành trái phiếu.

c) Căn cứ vào quy định tại điểm a và điểm b Khoản này, Kho bạc Nhà nước công bố lịch biểu dự kiến phát hành trái phiếu theo phương thức đấu thầu, bảo lãnh cho năm tiếp theo trên trang tin điện tử của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán trước ngày 31 tháng 12 của năm trước liền kề.

2. Đối với trái phiếu phát hành theo phương thức đại lý, bán lẻ qua hệ thống Kho bạc Nhà nước:

a) Căn cứ vào kế hoạch phát hành trái phiếu theo phương án do Bộ Tài chính quyết định, Kho bạc Nhà nước thông báo khung thời gian phát hành và tổ chức thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

b) Ngày thanh toán tiền mua trái phiếu là ngày nhà đầu tư mua trái phiếu tại đại lý phát hành hoặc tại Kho bạc Nhà nước.

Điều 9. Thành viên đấu thầu

1. Hàng năm, căn cứ điều kiện trở thành thành viên tham gia đấu thầu phát hành trái phiếu (sau đây gọi tắt là thành viên đấu thầu) và tiêu chí đánh giá hoạt động của thành viên đấu thầu quy định tại Điều 10, Điều 11 và Điều 14 Thông tư này, Bộ Tài chính lựa chọn và công bố danh sách thành viên đấu thầu. Danh sách thành viên đấu thầu được công bố trước ngày 31 tháng 12 hàng năm trên trang tin điện tử của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán.

2. Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được công nhận là thành viên đấu thầu, cụ thể như sau:

a) Được tham gia dự thầu trực tiếp không cạnh tranh lãi suất;

b) Được tham gia dự thầu cạnh tranh lãi suất thông qua thành viên đấu thầu khác;

c) Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam không phải tuân thủ các quy định về quyền lợi và nghĩa vụ của thành viên đấu thầu quy định tại Điều 10 Thông tư này.

Điều 10. Quyền lợi và nghĩa vụ của thành viên đấu thầu

1. Thành viên đấu thầu có các quyền lợi sau:

a) Là đối tượng duy nhất được tham gia vào các đợt phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương theo phương thức đấu thầu. Thành viên đấu thầu được tham gia đấu thầu để mua trái phiếu cho chính mình hoặc mua cho khách hàng;

b) Được Kho bạc Nhà nước ưu tiên lựa chọn làm tổ chức bảo lãnh chính đối với các đợt phát hành trái phiếu theo phương thức bảo lãnh nếu đáp ứng được các điều kiện quy định tại Điều 25 Thông tư này;

c) Được Kho bạc Nhà nước ưu tiên lựa chọn làm đại lý đối với các đợt phát hành trái phiếu theo phương thức đại lý;

d) Được tham gia trao đổi định kỳ với Bộ Tài chính về công tác phát hành trái phiếu và định hướng chính sách phát triển thị trường trái phiếu;

đ) Được đăng ký mua thêm trái phiếu ngay sau phiên đấu thầu theo thông báo của Kho bạc Nhà nước nếu đáp ứng được các điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 22 Thông tư này.

2. Thành viên đấu thầu có các nghĩa vụ sau:

a) Tham gia dự thầu tại các phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ với tần suất và mức lãi suất đăng ký hợp lý theo quy định của Bộ Tài chính trong từng thời kỳ;

b) Tham gia mua trái phiếu Chính phủ hàng năm với khối lượng tối thiểu do Bộ Tài chính quy định trong từng thời kỳ;

c) Thanh toán đầy đủ, đúng thời hạn tiền mua trái phiếu đã trúng thầu;

d) Công bố lãi suất hoặc giá tham chiếu chào mua, chào bán trên thị trường trái phiếu Chính phủ chuyên biệt theo quy định của Sở Giao dịch chứng khoán;

đ) Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Điều 44 Thông tư này.

3. Căn cứ vào tình hình thị trường, kế hoạch phát hành trái phiếu và các quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể quyền lợi và nghĩa vụ của thành viên đấu thầu trong từng thời kỳ.

Điều 11. Điều kiện đăng ký mới thành viên đấu thầu

1. Là các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư và các định chế tài chính khác được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

2. Có vốn điều lệ thực góp tối thiểu bằng mức vốn pháp định theo quy định của pháp luật liên quan.

3. Có thời gian hoạt động tối thiểu là ba (03) năm. Trường hợp tổ chức nhận sáp nhập hoặc hình thành sau chia, tách, hợp nhất thì thời gian hoạt động được tính cả thời gian trước khi chia, tách, sáp nhập hoặc hợp nhất.

4. Là thành viên thị trường trái phiếu Chính phủ chuyên biệt tại Sở Giao dịch chứng khoán.

5. Tham gia mua hoặc môi giới mua, bán trái phiếu trên thị trường sơ cấp hoặc trên thị trường thứ cấp với khối lượng tối thiểu theo quy định của Bộ Tài chính tại điểm b Khoản 2 Điều 10 Thông tư này trong một (01) năm liền kề trước thời điểm nộp đơn đề nghị trở thành thành viên đấu thầu. Khối lượng mua trái phiếu trên thị trường sơ cấp bao gồm khối lượng mua thông qua thành viên đấu thầu, tổ hợp bảo lãnh, đại lý phát hành và mua trái phiếu phát hành theo phương thức bán lẻ.

Điều 12. Hồ sơ đăng ký mới thành viên đấu thầu

1. Đơn đề nghị trở thành thành viên đấu thầu theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 Thông tư này.

2. Bản sao Giấy phép kinh doanh (Bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao có chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc bản sao không có chứng thực xuất trình cùng bản chính để đối chiếu).

3. Báo cáo tài chính của ba (03) năm liền kề trước năm đăng ký trở thành thành viên đấu thầu. Báo cáo tài chính phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

4. Báo cáo tài chính quý tính đến thời điểm gần nhất khi có đơn đề nghị.

5. Báo cáo về sự tham gia trên thị trường trái phiếu tối thiểu trong một (01) năm liền kề trước thời điểm nộp đơn theo các mẫu báo cáo quy định tại Phụ lục 2 Thông tư này.

6. Bản sao văn bản công nhận thành viên thị trường trái phiếu Chính phủ chuyên biệt tại Sở Giao dịch chứng khoán.

Điều 13. Quy trình, thủ tục công nhận tổ chức đăng ký mới trở thành thành viên đấu thầu

1. Việc công nhận tổ chức đăng ký trở thành thành viên đấu thầu được Bộ Tài chính xem xét và công bố định kỳ hàng năm.

2. Các tổ chức đủ điều kiện quy định tại Điều 11 Thông tư này có nhu cầu trở thành thành viên đấu thầu cho năm sau gửi một (01) bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 12 Thông tư này đến Bộ Tài chính. Thời gian nhận hồ sơ là từ ngày 01 đến ngày 10 tháng 11 hàng năm.

3. Trong vòng năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Tài chính kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ và đề nghị tổ chức bổ sung hồ sơ (nếu có).

4. Sau khi nhận được bộ hồ sơ đầy đủ, Bộ Tài chính xem xét, đánh giá theo các tiêu chí quy định tại Điều 11 Thông tư này. Căn cứ vào kết quả xem xét hồ sơ, Bộ Tài chính thông báo danh sách các tổ chức được lựa chọn làm thành viên đấu thầu theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Thông tư này. Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện, Bộ Tài chính có công văn thông báo cho tổ chức nộp hồ sơ và nêu rõ lý do.

Điều 14. Đánh giá duy trì tư cách thành viên đấu thầu hàng năm

1. Hàng năm, Bộ Tài chính đánh giá hoạt động của thành viên đấu thầu để xem xét, quyết định duy trì tư cách thành viên đấu thầu trong năm tiếp theo. Nội dung đánh giá gồm:

a) Các điều kiện của thành viên đấu thầu quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 4 Điều 11 Thông tư này;

b) Các nghĩa vụ của thành viên đấu thầu quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 10 Thông tư này.

2. Quy trình đánh giá duy trì tư cách thành viên đấu thầu:

a) Từ ngày 01 đến ngày 10 tháng 11 hàng năm, thành viên đấu thầu có trách nhiệm gửi Bộ Tài chính báo cáo về kết quả tham gia thị trường trái phiếu trong kỳ đánh giá từ ngày 01 tháng 11 năm liền kề đến ngày 31 tháng 10 năm hiện hành. Nội dung báo cáo thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 44 Thông tư này;

b) Căn cứ vào báo cáo của các thành viên đấu thầu quy định tại điểm a khoản này và cơ sở dữ liệu của Bộ Tài chính, Bộ Tài chính đánh giá tình hình hoạt động của các thành viên đấu thầu theo quy định tại Khoản 1 Điều này. Các thành viên đấu thầu đáp ứng đầy đủ điều kiện, nghĩa vụ được tiếp tục duy trì tư cách thành viên đấu thầu trong năm tiếp theo và được Bộ Tài chính công bố trong danh sách thành viên đấu thầu theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Thông tư này. Đối với những thành viên đấu thầu không đáp ứng đầy đủ điều kiện, nghĩa vụ để tiếp tục duy trì làm thành viên đấu thầu, Bộ Tài chính có văn bản thông báo và nêu rõ lý do.

Điều 15. Đánh giá xếp hạng thành viên đấu thầu hàng năm

1. Hàng năm, Bộ Tài chính đánh giá xếp hạng về mức độ tích cực tham gia thị trường trái phiếu của thành viên đấu thầu. Việc đánh giá được xác định theo các tiêu chí: tình hình tài chính doanh nghiệp, sự tham gia trên thị trường sơ cấp, sự tham gia trên thị trường thứ cấp trái phiếu của thành viên đấu thầu. Tiêu chí cụ thể được quy định tại Phụ lục 3 Thông tư này. Tỷ trọng đánh giá của từng tiêu chí do Bộ Tài chính quy định trong từng thời kỳ căn cứ vào sự phát triển của thị trường trái phiếu.

2. Quy trình đánh giá xếp hạng thành viên đấu thầu:

Căn cứ vào báo cáo hàng năm của thành viên đấu thầu, cơ sở dữ liệu của Bộ Tài chính, các tiêu chí xếp hạng và tỷ trọng đánh giá của từng tiêu chí đã được công bố, Bộ Tài chính thực hiện đánh giá và xếp hạng thành viên đấu thầu. Kết quả đánh giá xếp hạng thành viên đấu thầu được công bố trên trang tin điện tử của Bộ Tài chính và Sở Giao dịch chứng khoán.

Điều 16. Những thay đổi phải thông báo cho Bộ Tài chính

Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc, kể từ ngày có thay đổi về những nội dung sau đây thành viên đấu thầu phải thông báo bằng văn bản đến Bộ Tài chính:

1. Bị thu hồi hoặc bị rút Giấy phép kinh doanh.

2. Bị chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi doanh nghiệp, tạm ngừng kinh doanh, giải thể, phá sản.

3. Bị rút tư cách hoặc tự nguyện chấm dứt tư cách thành viên thị trường trái phiếu Chính phủ chuyên biệt tại Sở Giao dịch chứng khoán.

4. Hoạt động kinh doanh bị kiểm soát đặc biệt bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật liên quan.

Điều 17. Loại bỏ tư cách thành viên đấu thầu

1. Bộ Tài chính xem xét loại bỏ tư cách thành viên của thành viên đấu thầu trong các trường hợp sau:

a) Bị thu hồi hoặc bị rút Giấy phép kinh doanh;

b) Tạm ngừng kinh doanh, hoặc bị giải thể, phá sản;

c) Hoạt động kinh doanh bị kiểm soát đặc biệt bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

d) Có đơn đề nghị không làm thành viên đấu thầu;

đ) Không đáp ứng đủ điều kiện để tiếp tục duy trì làm thành viên đấu thầu theo thông báo của Bộ Tài chính quy định tại Điều 14 Thông tư này.

2. Bộ Tài chính thông báo bằng văn bản đối với các tổ chức bị loại bỏ tư cách thành viên đấu thầu và công bố thông tin trên trang tin điện tử của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán.

Thông tư 111/2015/TT-BTC hướng dẫn phát hành trái phiếu Chính phủ tại thị trường trong nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 111/2015/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 28/07/2015
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Xuân Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 951 đến số 952
  • Ngày hiệu lực: 15/09/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH