Hệ thống pháp luật

Mục 3 Chương 2 Quyết định 29/2008/QĐ-BGTVT về chức danh, nhiệm vụ theo chức danh của thuyền viên và đăng ký thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

MỤC 3. TRỰC CA TRÊN TÀU BIỂN

Điều 46. Trực ca của thuyền viên

1. Thuyền trưởng là người chịu trách nhiệm tổ chức việc trực ca 24 giờ trong ngày. Đại phó, thuyền phó hành khách và máy trưởng có trách nhiệm giúp thuyền trưởng kiểm tra việc tổ chức thực hiện việc trực ca trên tàu.

2. Trực ca là nhiệm vụ của thuyền viên. Ca trực của mỗi thuyền viên được chia thành ca biển và ca bờ:

a) Thời gian trực ca biển là 04 giờ và mỗi ngày trực 02 ca cách nhau 08 giờ; trường hợp có thay đổi múi giờ thì thời gian trực ca biển do thuyền trưởng quyết định;

b) Thời gian trực ca bờ do thuyền trưởng quy định, căn cứ vào điều kiện cụ thể khi tàu neo đậu.

3. Thuyền viên trực ca có nhiệm vụ sau đây:

a) Không được bỏ vị trí hay bàn giao ca trực cho người khác nếu chưa được phép của thuyền trưởng, máy trưởng hoặc của sỹ quan trực ca;

b) Khi có báo động vẫn phải thực hiện nghĩa vụ trực ca của mình và chỉ khi nào có người khác đến thay thế mới được rời khỏi vị trí đến nơi quy định theo bảng phân công nhiệm vụ trong tình huống khẩn cấp;

c) Trong thời gian trực ca phải ghi chép đầy đủ tình hình trong ca trực vào sổ nhật ký của bộ phận mình theo quy định;

d) Nghiêm cấm thuyền viên làm những việc khác không thuộc nhiệm vụ của ca trực.

4. Việc giao ca phải được tiến hành tại nơi trực ca. Sỹ quan trực ca phải nhận ca ít nhất 15 phút trước khi ca trực bắt đầu. Các thuyền viên khác nhận ca ít nhất 5 phút trước khi ca trực bắt đầu. Thuyền viên giao ca phải thông báo cho thuyền viên nhận ca ít nhất 15 phút trước khi ca trực bắt đầu.

5. Căn cứ vào tình trạng kỹ thuật và điều kiện khai thác của tàu, thuyền trưởng quy định cụ thể chế độ trực ca cho thuyền viên thuộc bộ phận vô tuyến điện, máy lạnh và bộ phận điện của tàu.

Điều 47. Trang phục khi trực ca

1. Thuyền viên trực ca phải mặc trang phục, khi trực ca bờ phải mang băng trực ở tay trái và tên hiệu. Băng trực ca gồm ba sọc ngang, bề rộng của băng 45 mm với mỗi sọc rộng 15 mm. Màu băng trực ca được quy định như sau:

a) Băng của sỹ quan trực ca có  màu: xanh đậm - trắng - xanh đậm;

b) Băng của thuyền viên trực ca có các màu: đỏ - trắng - đỏ.

2. Chủ tàu có trách nhiệm cung cấp trang phục và băng trực ca.

Điều 48. Thẩm quyền cho phép người lạ lên tàu

1. Thuyền trưởng, sỹ quan trực ca boong và sỹ quan an ninh có quyền cho phép người lạ lên tàu.

2. Thuyền trưởng có quyền cho phép người lạ vào buồng lái, buồng hải đồ, buồng vô tuyến điện nhưng phải phù hợp với kế hoạch an ninh của tàu.

3. Thuyền trưởng, máy trưởng có quyền cho phép những người lạ xuống buồng máy và vào các khu vực khác thuộc bộ phận máy quản lý nhưng phải phù hợp với kế hoạch an ninh của tàu.

Điều 49. Nhiệm vụ của sỹ quan trực ca boong

1. Sỹ quan trực ca boong chịu sự chỉ huy trực tiếp của thuyền trưởng. Khi tàu đậu ở cảng hoặc tại các khu vực neo đậu, nếu thuyền trưởng vắng mặt thì sỹ quan trực ca boong chịu sự chỉ huy của đại phó; ngoài thuyền trưởng, không ai có quyền huỷ bỏ hoặc thay đổi ca trực của sỹ quan trực ca boong; sỹ quan trực ca boong không được tự động rời vị trí trực ca nếu không được phép của thuyền trưởng hay đại phó khi được thuyền trưởng uỷ quyền.

2. Sỹ quan trực ca boong có nhiệm vụ chung sau đây:

a) Điều hành ca trực để bảo đảm an toàn cho người, tàu, hàng hoá và trật tự vệ sinh trên tàu; chú ý quan sát, theo dõi tình hình xung quanh tàu;

b) Áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn cho tàu và cho sự hoạt động bình thường của tàu;

c) Khi xuất hiện các nguy cơ đe dọa đến an toàn của tàu như cháy, nổ, thủng, phải tự mình phát tín hiệu báo động và áp dụng những biện pháp hợp lý để loại trừ những nguy cơ đó; trong mọi trường hợp đều phải kịp thời báo cáo thuyền trưởng hoặc đại phó;

d) Giữ nguyên hải đồ của chuyến hành trình có thao tác hướng đi của tàu cho đến khi tàu vào cảng; trường hợp xảy ra tai nạn hàng hải, phải tìm mọi biện pháp bảo vệ cho đến khi kết thúc việc điều tra tai nạn;

đ) Trực thông tin liên lạc; theo dõi và xử lý kịp thời các thông báo hàng hải thu nhận được để bảo đảm an toàn cho hành trình của tàu.

3. Sỹ quan trực ca boong khi trực ca biển có nhiệm vụ sau đây:

a) Nắm vững tình hình hoạt động của tàu, các điều kiện có liên quan đến khu vực hành trình để chủ động tiếp nhận ca trực;

b) Khi mới nhận ca phải kiểm tra vị trí tàu trên hải đồ, kiểm tra chỉ số của tốc độ kế, hướng la bàn, sai số la bàn và đèn hành trình; kiểm tra hướng lái theo la bàn con quay và la bàn từ, so sánh các chỉ số đó; tiến hành thủ tục nhận ca theo đúng quy định;

c) Trong thời gian trực ca biển, sỹ quan trực ca boong phải luôn luôn có mặt ở buồng lái, chỉ được vào buồng hải đồ để tác nghiệp hải đồ trong thời gian ngắn sau khi đã giao việc theo dõi, quan sát phía trước mũi tàu cho thuỷ thủ trực ca; tiến hành xác định vị trí tàu;  thường xuyên theo dõi sự hoạt động của đèn hành trình;

d) Sau mỗi giờ và mỗi lần thay đổi hướng đi, so sánh chỉ số la bàn từ với la bàn con quay, giữ hướng lái theo hướng đi đã định và xác định lại vị trí của tàu;

đ) Khi có sương mù, mưa rào, mưa tuyết và các hiện tượng thời tiết khác làm hạn chế tầm nhìn của tàu, kịp thời báo cáo thuyền trưởng và thông báo cho sỹ quan trực ca ma´y. Sử dụng rađa, kiểm tra thiết bị phát tín hiệu sương mù, bố trí người quan sát phía trước mũi tàu, hiệu chỉnh đồng hồ ở buồng lái, buồng máy; xác định vị trí tàu và hành động theo lệnh của thuyền trưởng. Trường hợp tầm nhìn xa của tàu bị hạn chế đột ngột, khi thuyền trưởng chưa kịp lên buồng lái, sỹ quan trực ca boong có thể cho tàu giảm tốc độ và phát tín hiệu sương mù;

e) Trường hợp biển động, phải sử dụng những biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn cho hành trình của tàu;

g) Kiểm tra nước la canh hâ`m ha`ng và ghi kết quả vào nhật ký hàng hải; trường hợp thấy mực nước không bình thường phải kịp thời báo cáo thuyền trưởng và đại phó biết để có biện pháp xử lý. Mỗi ca biển phải tiến hành đo nước la canh hâ`m ha`ng ít nhất một lần vào cuối ca trực;

h) Phải bảo đảm tuyệt đối an toàn khi đón hoa tiêu lên tàu và tiễn hoa tiêu rời khỏi tàu;

i) Đặc biệt chú ý đến an toàn của xuồng cứu sinh, vật tư, thiết bị và hàng hoá chở trên boong, bạt đậy hầm hàng hoặc nắp hầm hàng;

k) Trường hợp có người rơi xuống biển, phải báo động toàn tàu và tự mình áp dụng những biện pháp thích hợp để cứu giúp và phải báo ngay cho thuyền trưởng;

l) Khi tàu neo, phải xác định vị trí neo, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp tàu bị trôi neo, đứt neo và báo ngay cho thuyền trưởng;

m) Lập các báo cáo cần thiết, thực hiện các danh mục kiểm tra buồng lái và ghi chép các hoạt động hàng hải vào nhật ký hàng hải. Theo dõi, ghi chép tình hình khí tượng thuỷ văn.

4. Sỹ quan trực ca boong khi trực ca bờ có nhiệm vụ sau đây:

a) Phải tiếp nhận từ ca trực trước về tình hình chung trên tàu, công việc làm hàng, sửa chữa, số lượng thuyền viên có mặt trên tàu, những công việc cần thiết khác liên quan đến bảo đảm an toàn cho tàu; khi tàu neo đậu phải theo dõi thời tiết và tình hình xung quanh tàu, kiểm tra vị trí neo bằng mọi phương pháp và sử dụng những biện pháp cần thiết để tránh trôi neo;

b) Khi tàu đậu ở cảng cần chú ý theo dõi mớn nước của tàu, các dây buộc tàu, các tấm  chắn chuột, cầu thang lên xuống tàu và chấp hành nghiêm chỉnh nội quy của cảng; theo dõi việc bốc dỡ hàng hoá và kịp thời báo cáo thuyền trưởng hoặc đại phó biết những diễn biến có thể gây tổn thất đối với hàng hoá và ảnh hưởng đến an toàn của tàu; bảo đảm cầu thang phải có lưới bảo hiểm, cạnh cầu thang phải có phao cứu sinh và đủ ánh sáng vào ban đêm; phụ trách việc thực hiện các biện pháp an ninh phù hợp;

c) Trước khi thử máy chính, phải chú ý quan sát các chướng ngại vật sau lái; khi thử máy cần chú ý đến các dây buộc tàu;

d) Khi thời tiết xấu và nhận được tin bão phải thực hiện các biện pháp thích hợp để phòng chống bão cho tàu;

đ) Trường hợp trên tàu có báo động nhưng vắng mặt thuyền trưởng và đại phó, sỹ quan trực ca boong phải trực tiếp chỉ huy thuyền viên có mặt trên tàu thực hiện các biện pháp thích hợp để đối phó với tình huống khẩn cấp. Trường hợp có báo động của những tàu đậu gần  mình thì phải tiến hành liên lạc và nếu cần thiết thì phải tổ chức giúp đỡ khi tàu đó yêu cầu; báo cáo thuyền trưởng biết tình hình trên tàu trong thời gian thuyền trưởng vắng mặt;

e) Giám sát việc thực hiện công việc hàng ngày và công việc sửa chữa do bộ phận mình phụ trách; kiểm tra và theo dõi việc thực hiện nội quy phòng cháy - chữa cháy và an toàn lao động trên tàu;

g) Ban đêm phải tổ chức tuần tra và quan sát tình hình xung quanh tàu;

h) Ghi danh sách số người đi bờ, từ bờ trở về tàu, giám sát số lượng thuyền viên được phép đi bờ và báo cáo thuyền trưởng biết số người đi bờ về trễ giờ;

i) Trong thời gian nghỉ có số đông thuyền viên đi bờ, sỹ quan trực ca boong phải tổ chức số người còn lại ở tàu để sẵn sàng bảo vệ an toàn cho tàu;

k) Trường hợp có người trên bờ lên tàu làm việc, sỹ quan trực ca boong phải tổ chức theo dõi quá trình làm việc của những người đó;

l) Trong thời gian tàu không làm hàng, ban đêm sỹ quan trực ca boong có thể nghỉ tại buồng riêng của mình nhưng vẫn phải mặc trang phục trực ca;

m) Theo dõi việc đóng, mở hầm hàng, che bạt và hệ thống thông hơi hầm hàng, việc chằng buộc, bốc dỡ hàng hoá.

Điều 50. Nhiệm vụ của sỹ quan trực ca máy

1. Sỹ quan trực ca máy chịu sự chỉ huy trực tiếp của máy trưởng; chịu trách nhiệm hoàn toàn về các hành động của mình liên quan đến việc vận hành máy móc, thiết bị theo đúng quy trình kỹ thuật, bảo đảm sự hoạt động bình thường của tất cả  máy móc, thiết bị. Sỹ quan trực ca máy không được tự ý bỏ ca trực khi chưa có sự đồng ý của máy trưởng hay máy hai được máy trưởng uỷ quyền.

2. Sỹ quan trực ca máy có nhiệm vụ sau đây:

a) Điều hành thợ máy, sỹ quan điện, thợ điện; thường xuyên theo dõi chế độ làm việc của các máy, thiết bị, lò, nồi hơi theo đúng quy trình kỹ thuật;

b) Tổ chức thực hiện nhiệm vụ của ca trực ở buồng máy, buồng lò, bảo đảm trật tự và vệ sinh công nghiệp ở buồng máy;

c) Bảo đảm các máy móc thuộc bộ phận máy hoạt động bình thường, an toàn và xử lý kịp thời các sự cố xảy ra;

d) Theo dõi công việc sửa chữa của những người trên bờ xuống tàu làm việc thuộc bộ phận mình phụ trách, bảo đảm an toàn lao động, phòng chống cháy nổ và an toàn kỹ thuật cho tàu;

đ) Theo dõi tiêu hao nhiên liệu, sử dụng các vật tư kỹ thuật của tàu;

e) Tiến hành đo dầu, nước ở các két; bơm nước la canh buồng máy, nước dằn, nhiên liệu để điều chỉnh tàu theo yêu cầu của sỹ quan trực ca boong; khi tiến hành bơm nước thải các loại phải thực hiện theo đúng quy định;

g) Khi tàu hành trình, sỹ quan trực ca ma´y có nhiệm vụ thực hiện nghiêm chỉnh các mệnh lệnh từ buồng lái của thuyền trưởng hoặc sỹ quan trực ca boong;

h) Sỹ quan trực ca ma´y không có quyền tự ý thay đổi chế độ làm việc của máy chính hay các máy khác. Trong trường hợp cần thiết nếu phải thay đổi chế độ làm việc hoặc cho ngừng làm việc thì sỹ quan trực ca máy phải báo trước cho sỹ quan trực ca boong và máy trưởng biết;

i) Khi có sự cố hay có nguy cơ đe dọa đến sinh mạng con người thì sỹ quan trực ca ma´y có quyền cho ngừng máy chính hay các máy khác và phải báo ngay cho sỹ quan trực ca boong và máy trưởng biết. Trường hợp xét thấy việc ngừng máy chính hay các máy khác có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng cho tàu thì thuyền trưởng có quyền yêu cầu sỹ quan trực ca máy tiếp tục cho các máy móc đó hoạt động và phải chịu trách nhiệm về hậu quả có thể xảy ra. Trong trường hợp này sỹ quan trực ca máy phải ghi mệnh lệnh của thuyền trưởng vào nhật ký máy và thuyền trưởng phải ghi vào nhật ký hàng hải;

k) Khi vắng mặt máy trưởng, sỹ quan trực ca máy không có quyền khởi động máy chính, trừ trường hợp thật cần thiết nhưng phải có lệnh của thuyền trưởng;

l) Không được tiến hành giao nhận ca khi tàu đang điều động cập hoặc rời cầu hay trong thời gian đang ngăn ngừa tai nạn và sự cố, nếu không có sự đồng ý của máy trưởng;

m) Khi bàn giao ca, sỹ quan nhận ca có trách nhiệm tự mình kiểm tra trạng thái hoạt động của các máy móc, thiết bị động lực, chế độ làm việc, tình trạng kỹ thuật của máy móc và thiết bị. Sỹ quan giao ca có trách nhiệm bàn giao cụ thể và nói rõ những khuyến nghị cần thiết cho sỹ quan nhận ca;

n) Lập các báo cáo cần thiết, thực hiện các danh mục kiểm tra buồng máy và ghi chép các hoạt động buồng máy vào nhật ký máy.

Điều 51. Nhiệm vụ của thủy thủ trực ca

1. Thuỷ thủ trực ca chịu sự chỉ huy trực tiếp của sỹ quan trực ca boong. Việc nhận và giao ca của thuỷ thủ do sỹ quan trực ca boong quyết định.

2. Thuỷ thủ trực ca có nhiệm vụ sau đây:

a) Không được rời khỏi vị trí của mình và phải hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách mẫn cán; khi nhận ca phải tìm hiểu cụ thể tình hình của ca trực;

b) Khi nhận ca lái, thuỷ thủ trực ca phải tiếp nhận hướng lái và giữ nguyên hướng đi đã định. Trong khi lái, thường xuyên kiểm tra hướng lái và theo dõi hoạt động của hệ thống lái; kịp thời báo cho sỹ quan trực ca boong biết những sai lệch của hướng lái và trục trặc của hệ thống lái;

c) Khi tàu neo đậu ở cảng, phải có mặt ở vị trí do sỹ quan trực ca boong chỉ định và thi hành các mệnh lệnh của sỹ quan trực ca boong;

d) Khi trực ca cầu thang phải kiểm tra, phát thẻ và ghi tên khách lên xuống tàu vào nhật ký trực ca, không được phép cho người lạ mặt lên tàu nếu không được sỹ quan trực ca boong chấp thuận. Khi xảy ra tai nạn, sự cố phải kịp thời phát tín hiệu báo động và hành động theo lệnh của  sỹ quan trực ca boong;

đ) Theo dõi việc bốc dỡ hàng hoá, kịp thời phát hiện những bao bì rách, bị ướt, bốc dỡ không đúng quy định và báo cho sỹ quan trực ca boong biết để xử lý;

e) Bật, tắt đèn chiếu sáng, chiếu sáng biểu trưng của tàu sơn trên ống khói vào ban đêm trong suốt thời gian tàu neo, đậu ở cảng, kéo và hạ cờ theo quy định. Tuần tra theo yêu cầu của sỹ quan trực ca.

Điều 52. Nhiệm vụ của thợ máy trực ca

1. Thợ máy trực ca chịu sự chỉ huy trực tiếp của sỹ quan trực ca máy; việc nhận và giao ca do sỹ quan trực ca máy quyết định.

2. Thợ máy trực ca có nhiệm vụ sau đây:

a) Nắm vững tình trạng kỹ thuật và chế độ làm việc của máy móc, thiết bị ở buồng máy;

b) Tiếp nhận từ thợ máy giao ca tình hình hoạt động của máy móc, thiết bị và các khuyến nghị, mệnh lệnh của ca trước còn phải thực hiện. Báo cho sỹ quan trực ca máy biết về việc nhận ca của mình;

c) Khi trực ca, thợ máy phải đảm bảo sự hoạt động bình thường của các máy móc, thiết bị được giao. Thực hiện đúng quy trình vận hành máy móc, thiết bị và vệ sinh công nghiệp ở buồng máy;

d) Khi phát hiện có hiện tượng máy móc hoạt động không bình thường hoặc những hỏng hóc của máy móc, thiết bị phải kịp thời có biện pháp thích hợp để xử lý và báo cho sỹ quan trực ca máy biết để có biện pháp khắc phục.

Điều 53. Nhiệm vụ của thợ điện trực ca

1. Thợ điện trực ca chịu sự chỉ huy trực tiếp của sỹ quan trực ca máy hoặc sỹ quan điện nếu trên tàu có bố trí chức danh sỹ quan điện. Trường hợp trên tàu không bố trí chức danh thợ điện thì việc trực ca điện do sỹ quan điện đảm nhiệm.

2. Thợ điện trực ca có nhiệm vụ sau đây:

a) Nhận bàn giao tình trạng làm việc của máy móc, thiết bị điện;

b) Báo cho sỹ quan trực ca máy hoặc sỹ quan điện biết về việc nhận ca của mình;

c) Bảo đảm chế độ làm việc của máy điện và các thiết bị điện khác theo đúng quy trình kỹ thuật;

d) Không được đóng hoặc mở các cầu dao điện chính khi chưa được phép của sỹ quan điện hoặc sỹ quan trực ca máy;

đ) Bảo đảm cung cấp điện liên tục cho tàu; khi phát hiện máy điện và các thiết bị hoạt động không bình thường thì phải báo kịp thời cho sỹ quan trực ca máy hoặc sỹ quan điện để có biện pháp khắc phục.

Điều 54. Nhiệm vụ của nhân viên vô tuyến điện trực ca

1. Nhân viên vô tuyến điện trực ca chịu sự chỉ huy trực tiếp của sỹ quan vô tuyến điện và trực ca theo chế độ thông tin vô tuyến điện hàng hải. Nếu trên tàu định biên số nhân viên vô tuyến điện không đủ thì sỹ quan vô tuyến điện phải đi ca. Trường hợp trên tàu không bố trí chức danh nhân viên vô tuyến điện thì trực ca vô tuyến điện do sỹ quan vô tuyến điện đảm nhiệm.

2. Nhân viên vô tuyến điện trực ca có nhiệm vụ sau đây:

a) Bảo đảm việc thông tin liên lạc giữa tàu mình với các tàu khác và với các đài vô tuyến điện trên bờ. Thu nhận các thông tin, tín hiệu cấp cứu, thông báo hàng hải và bản tin dự báo thời tiết;

b) Khi nhận ca phải nắm vững trạng thái hoạt động của các thiết bị vô tuyến điện, nhất là các máy tự động thu phát tín hiệu cấp cứu;

c) Thực hiện việc thu nhận thông tin liên lạc phù hợp với quy tắc thông tin vô tuyến điện hàng hải quốc tế;

d) Khi nhận được tín hiện cấp cứu, phải báo ngay cho sỹ quan trực ca boong và sĩ quan vô tuyến điện biết. Đồng thời, thực hiện lệnh của thuyền trưởng phù hợp với quy tắc thông tin vô tuyến điện hàng hải quốc tế;

đ) Chỉ phát đi những tín hiệu báo động, tín hiệu cấp cứu khẩn cấp khi có lệnh của thuyền trưởng hoặc của người được thuyền trưởng uỷ quyền;

e) Chấp hành đúng quy định trên làn sóng báo tai nạn, cấp cứu khi gọi hoặc trả lời các đài khác. Trong thời gian liên lạc thông tin không được phép nói chuyện hoặc làm việc riêng;

g) Phải chấp hành đúng quy định sử dụng các làn sóng do các đài ven biển hoặc đài kiểm tra yêu cầu;

h) Mỗi ngày ít nhất một lần phải kiểm tra để hiệu chỉnh giờ ở buồng vô tuyến điện và buồng lái với các đài báo giờ;

i) Không được rời khỏi vị trí trực ca hoặc làm việc riêng trong khi trực ca. Nghiêm cấm việc cho người lạ mặt hoặc các thuyền viên không có nhiệm vụ vào buồng vô tuyến điện. Điện báo viên chỉ có thể rời vị trí ca trực khi được thuyền trưởng hay sỹ quan vô tuyến điện chấp thuận;

k) Mọi điện tín chuyển đi đều phải có sự chấp thuận của thuyền trưởng;

l) Nếu đài phát trên tàu có công suất lớn hay việc liên lạc có thuận lợi hơn thì phải tương trợ, giúp đỡ các đài khác khi đài đó yêu cầu;

m) Phải giữ bí mật tuyệt đối các điện tín, nội dung giao dịch vô tuyến điện. Chỉ có thuyền trưởng mới được quyền kiểm tra nội dung của các bức điện;

n) Phải báo cho sỹ quan vô tuyến điện những hư hỏng hay sự làm việc không bình thường của các thiết bị vô tuyến điện; đồng thời, phải nhanh chóng tìm mọi biện pháp khắc phục, sửa chữa;

o) Ít nhất 01 giờ trước khi giao ca phải kiểm tra hoạt động của các thiết bị vô tuyến điện và ghi kết quả kiểm tra vào nhật ký trực ca vô tuyến điện;

p) Ghi nhật ký vô tuyến điện; kiểm tra và đánh dấu vào danh mục kiểm tra.

Quyết định 29/2008/QĐ-BGTVT về chức danh, nhiệm vụ theo chức danh của thuyền viên và đăng ký thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 29/2008/QĐ-BGTVT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/12/2008
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Hồ Nghĩa Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 3 đến số 4
  • Ngày hiệu lực: 17/01/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH