Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 139/QĐ-UBND

Thái Nguyên, ngày 19 tháng 01 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP CHỦ LỰC TỈNH THÁI NGUYÊN GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện;

Căn cứ Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 23/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên về quy định chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thái Nguyên;

Căn cứ Nghị quyết số 15/2020/NQ-HĐND ngày 11/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua Đề án Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Văn bản số 33/SNN-KHTC ngày 07/01/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 (có Đề án chi tiết kèm theo).

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực thực hiện Đề án; chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và các ngành có liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện đề án hàng năm đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Đề án và kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và quy định hiện hành của pháp luật.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành ở tỉnh, các tổ chức đoàn thể thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và các tổ chức, cá nhân, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Văn Lượng

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP CHỦ LỰC TỈNH THÁI NGUYÊN GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 139/QĐ-UBND ngày 19/01/2021 của UBND tỉnh Thái Nguyên)

ĐẶT VẤN ĐỀ

I. SỰ CẦN THIẾT LẬP ĐỀ ÁN

Trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động và huy động các nguồn lực đầu tư để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao; ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ, an toàn thực phẩm; sản xuất nông nghiệp chuyển mạnh từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, tạo được một số sản phẩm chủ lực có chất lượng, thương hiệu, giá trị kinh tế cao. Sản xuất nông nghiệp đã có bước phát triển khá, giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 4,5%/năm, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn, đóng góp quan trọng vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để phát huy tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm hàng hóa có số lượng lớn, có giá trị cao, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tập trung chỉ đạo phát triển 3 trục sản phẩm nông nghiệp (sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, sản phẩm đặc sản của các địa phương theo chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”), đồng thời ban hành danh mục 13 sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp quốc gia để ưu tiên đầu tư, phát triển. Theo đó nhiều địa phương trong cả nước đã căn cứ vào điều kiện cụ thể để xác định các sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh. Tại Thái Nguyên, ngày 18/6/2019, UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 1676/QĐ- UBND, xác định 9 sản phẩm nông nghiệp chủ lực (chè, lúa gạo, rau quả, thịt lợn, thịt gà và trứng gà, cá nước ngọt, gỗ và sản phẩm từ gỗ, cây quế, cây dược liệu), nhằm tập trung nguồn lực và vận dụng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ để phát triển các sản phẩm có lợi thế.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh còn có một số hạn chế: Chưa có định hướng, giải pháp và cơ chế chính sách để hỗ trợ phát triển đối với một số sản phẩm chủ lực, nguồn lực ưu tiên tập trung cho phát triển các sản phẩm chủ lực còn hạn chế; chưa thu hút được các doanh nghiệp có năng lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chủ lực của tỉnh; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn có chất lượng sản phẩm với giá trị gia tăng cao; việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến còn chậm.... Do vậy, cần phải xây dựng Đề án “Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” để tiếp tục rà soát, xác định các sản phẩm chủ lực phù hợp với yêu cầu, tiềm năng lợi thế của địa phương, trên cơ sở đó đề ra định hướng, giải pháp, cơ chế chính sách và tập trung nguồn lực hỗ trợ để phát triển các sản phẩm chủ lực nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 21/10/2019 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030.

II. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Căn cứ pháp lý

1.1. Văn bản của Trung ương

- Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008, Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

- Luật An toàn thực phẩm năm 2010;

- Luật Đất đai năm 2013;

- Luật Lâm nghiệp năm 2017;

- Luật Trồng trọt năm 2018;

- Luật Chăn nuôi năm 2018;

- Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

- Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa;

- Nghị định số 62/2019/NĐ-CP, ngày 11/7/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều Nghị định 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất lúa;

- Nghị định số 94/NĐ-CP ngày 13/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác;

- Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;

- Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;

- Nghị định số 83/NĐ-CP, ngày 24/5/2018 của Chính phủ về Khuyến nông;

- Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về Nông nghiệp hữu cơ;

- Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17/7/2019 của Chính phủ về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững;

- Quyết định số 885/QĐ-TTg, ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030;

- Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

- Quyết định số 703/QĐ-TTg, ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030;

- Thông tư số 37/2018/TT-BNNPTNT, ngày 25/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia.

- Quyết định số 2962/QĐ-BNN-TCLN ngày 30/7/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ban hành hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn đối với loài cây keo lai và keo tai tượng.

1.2. Văn bản của tỉnh

- Nghị quyết số 10/NQ-TU ngày 21/10/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2019-2025 và định hướng đến năm 2030;

- Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 23/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên về quy định chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thái Nguyên;

- Nghị quyết số 12/2017/NQ-HĐND ngày 08/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua đề án “Quản lý và xây dựng hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”;

- Nghị quyết số 33/2019/NQ-HĐND ngày 23/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên về thông qua đề án “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019-2025;

- Quyết định số 1672/QĐ-UBND ngày 18/6/2019 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc phê duyệt danh mục các ngành hàng, sản phẩm quan trọng cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên;

- Quyết định số 1676/QĐ-UBND ngày 18/6/2019 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc ban hành danh mục sản phẩm chủ lực tỉnh Thái Nguyên;

- Quyết định số 592/QĐ-UBND ngày 05/3/2020 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc giao chỉ tiêu kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 21/10/2019 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh.

2. Căn cứ thực tiễn

- Điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và thực trạng sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Thái Nguyên;

- Kết quả rà soát, đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong sản xuất và phát triển các sản phẩm nông nghiệp;

- Dự báo điều kiện và khả năng phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Thái Nguyên.

3. Căn cứ khoa học

- Đặc điểm nông sinh học và khả năng thích ứng của cây trồng, vật nuôi trong điều kiện sản xuất tại Thái Nguyên.

- Tiềm năng thích nghi đất đai đối với các cây trồng, vật nuôi tại Thái Nguyên;

- Các kết quả nghiên cứu và ứng dụng về giống và công nghệ trong sản xuất nông lâm nghiệp tỉnh Thái Nguyên.

PHẦN THỨ NHẤT

THỰC TRẠNG SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP, THỦY SẢN TỈNH THÁI NGUYÊN, GIAI ĐOẠN 2016-2020

I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI

1. Điều kiện tự nhiên

Thái Nguyên là tỉnh trung du miền núi phía Bắc, địa hình ít bị chia cắt hơn so với các tỉnh miền núi khác trong vùng, có hệ thống giao thông thuận lợi kết nối với thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong khu vực. Độ cao trung bình so với mặt biển khoảng 200 - 300 mét, thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông. Các dãy núi cao gồm dãy núi Bắc Sơn và Tam Đảo, đỉnh cao nhất thuộc dãy Tam Đảo có độ cao 1.592 mét.

Địa hình được chia thành 3 vùng:

- Địa hình núi cao: Bao gồm nhiều dãy núi cao chạy theo hướng Bắc Nam và Tây Bắc - Đông Nam. Vùng này tập trung ở các huyện Võ Nhai, Đại Từ, Định Hoá và một phần của huyện Phú Lương. Đây là vùng có địa hình chia cắt phức tạp, độ cao từ 500 - 1.000 mét so với mặt nước biển, độ dốc từ 25 - 35 độ.

- Địa hình đồi cao, núi thấp: Là vùng chuyển tiếp giữa vùng núi cao phía Bắc và vùng đồi phía Nam, vùng này tập trung ở các huyện: Đồng Hỷ, phía Nam huyện Đại Từ và Phú Lương. Địa hình gồm các dãy núi thấp đan xen với các dải đồi cao tạo thành nhiều thung lũng, độ cao trung bình từ 100 - 300 mét, độ dốc từ 15 - 25 độ.

- Địa hình nhiều ruộng ít đồi: Bao gồm vùng đồi thấp và đồng bằng phía Nam của tỉnh. Địa hình tương đối bằng, xen giữa các đồi bát úp, dốc thoải là các khu đất bằng. Vùng này tập trung ở các huyện Phú Bình, thị xã Phổ Yên, thành phố Sông Công và thành phố Thái Nguyên và và một phần các xã phía Nam huyện Đồng Hỷ, Phú Lương, độ cao trung bình từ 30 - 50 mét, độ dốc dưới 10 độ.

Với đặc điểm địa hình như trên, việc canh tác, giao thông gặp nhiều khó khăn, nhưng tạo ra sự phong phú về loại đất và điều kiện khí hậu, cho phép phát triển đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi, như: Cây chè, cây ăn quả, cây lương thực, cây rau, chăn nuôi gia súc, gia cầm, lâm nghiệp,…

Khí hậu tỉnh Thái Nguyên chia làm 2 mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 và mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4. Lượng mưa trung bình hàng năm từ 2.000 mm đến 2.500 mm, cao nhất vào tháng 8 và thấp nhất vào tháng 1.

Tỉnh Thái Nguyên có diện tích đất tự nhiên 352.664 ha, trong đó diện tích đất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản là 303.555 ha, chiếm 86,07%. Do tính đa dạng của nền địa chất và địa hình đã tạo ra nhiều loại đất có các đặc điểm đặc trưng khác nhau, gồm 6 nhóm đất chủ yếu như sau:

(1) Nhóm đất đỏ vàng: Có 255.340 ha, chiếm 72,4% diện tích tự nhiên; phân bố ở tất cả các huyện trong tỉnh, là nhóm đất chiếm diện tích lớn nhất.

(2) Nhóm đất phù sa: Có 42.560 ha, chiếm 12% diện tích đất tự nhiên; phân bố tập trung chủ yếu dọc sông Cầu, sông Công và các sông suối khác.

(3) Nhóm đất dốc tụ: Có 25.994 ha, chiếm 7,37% diện tự nhiên, phân bố ở các thung lũng, xung quanh là đồi núi cao khép kín, địa hình khó thoát nước, hàng năm được bồi tụ các sản phẩm từ các sườn đồi núi cao xung quanh.

(4) Nhóm đất phù sa cổ: Có 6.270 ha, chiếm 1,78% diện tích tự nhiên, phân bố tập trung ở các huyện Đại Từ, Phú Bình, thị xã Phổ Yên.

(5) Nhóm đất mùn vàng đỏ trên núi: Có 2.620 ha, chiếm 0,74% diện tích tự nhiên, phân bố trên địa hình núi cao thuộc các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ và Võ Nhai.

(6) Nhóm đất đen: Có 1.369 ha, chiếm 0,39% diện tích tự nhiên, phân bố chủ yếu ở huyện Võ Nhai và rải rác rất ít tại các huyện khác.

Nguồn nước mặt trên địa bàn tỉnh chủ yếu do hệ thống sông suối cung cấp. Tỉnh Thái Nguyên có hai sông chính là sông Cầu và sông Công:

- Sông Cầu nằm trong hệ thống sông Thái Bình, có lưu vực rộng 6.030 km2, bắt nguồn từ huyện Chợ Đồn tỉnh Bắc Kạn, chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Sông Cầu có nhiều phụ lưu, những phụ lưu chính đều nằm trong phạm vi tỉnh Thái Nguyên như: Sông Chu, sông Du, sông Nghinh Tường, sông Linh Nham, suối Ngòi Chẹo. Trên sông Cầu có đập Thác Huống giữ nước tưới cho 24 nghìn ha lúa 2 vụ của huyện Phú Bình và 2 huyện của tỉnh Bắc Giang (Hiệp Hoà và Tân Yên).

- Sông Công có lưu vực 951 km2 bắt nguồn từ vùng núi Ba Lá, huyện Định Hoá chạy dọc theo chân núi Tam Đảo, nằm trong vùng mưa lớn nhất của tỉnh Thái Nguyên. Dòng sông đã được ngăn lại ở huyện Đại Từ tạo thành hồ Núi Cốc có mặt nước rộng 25 km2 với sức chứa 175 triệu m3 nước. Hồ Núi Cốc có thể chủ động điều hoà dòng chảy, chủ động tưới tiêu cho trên 12 nghìn ha lúa hai vụ, màu, cây công nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Thái Nguyên và thành phố Sông Công, các khu công nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

Ngoài ra trên địa bàn tỉnh hiện có 277 hồ chứa, 478 đập dâng để cung cấp nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

2. Điều kiện kinh tế - xã hội

2.1. Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 - 2020

Tăng trưởng kinh tế GRDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 11,1%/năm, trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 14,5%/năm; dịch vụ tăng 7,3%/năm; nông - lâm - thủy sản tăng 3,8%/năm.

Cơ cấu kinh tế trong những năm qua tiếp tục có bước chuyển dịch tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng tăng nhanh, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản trong tổng GRDP của tỉnh. Năm 2020, cơ cấu kinh tế là: Công nghiệp - xây dựng 59%; dịch vụ 31%; nông - lâm - thủy sản 10%.

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng khá, bình quân 4,5%/năm. Giá trị sản phẩm trên 01 ha đất trồng trọt năm 2020 ước đạt 103 triệu đồng, tăng bình quân 4%/năm.

2.2. Dân số, lao động

Tổng dân số trên địa bàn tỉnh năm 2019 là 1,291 triệu người, trong đó dân số thành thị là 413.878 người chiếm 32,06%, dân số ở khu vực nông thôn là 877.067 người, chiếm 67,94%. Tốc độ tăng dân số bình quân giai đoạn 2015-2019 là 1,35%. Lao động làm việc trong các ngành kinh tế 766.400 người, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 303.200 người, chiếm 39,6%.

Cơ cấu sử dụng lao động có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần lao động tham gia vào các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản giảm dần từ 51,76% năm 2015 xuống 39,6% năm 2019.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo đang làm việc trong nền kinh tế của tỉnh từ 25,2% năm 2015 tăng lên 27,2% năm 2019 (bình quân cả nước là 23,1%).

II. TÌNH HÌNH SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THỦY SẢN

1. Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nội ngành

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do chịu sự ảnh hưởng bởi những yếu tố bất lợi về thời tiết, khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, song nhìn chung vẫn duy trì tăng trưởng khá; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 4,5%/năm (mục tiêu 4%).

Cơ cấu kinh tế nội ngành tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, năm 2015: Nông nghiệp 94,32% (trồng trọt 48,94%; chăn nuôi 44,64%; dịch vụ 6,41%), lâm nghiệp 3,05%, thuỷ sản 2,63%; dự ước năm 2020: Nông nghiệp 93,38% (trồng trọt 53,93%, chăn nuôi 39,19%, dịch vụ 6,88%), lâm nghiệp 3,36%, thủy sản 3,26%.

2. Kết quả sản xuất đối với cây trồng, vật nuôi chủ yếu

2.1. Sản xuất trồng trọt

2.1.1. Sản xuất chè

- Về sản xuất: Tổng diện tích chè toàn tỉnh đến năm 2020 ước đạt 22.396 ha, giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 1,17%/năm; sản lượng 244.502 tấn, tăng bình quân 3,86%/năm. Dự ước năm 2020, giá trị sản xuất chè đạt 5.580 tỷ đồng (giá hiện hành), chiếm 44,3% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt (năm 2015 giá trị sản xuất chè đạt 2.042,8 tỷ đồng, chiếm 26% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt). Giá trị sản phẩm thu được bình quân trên 01 ha chè đạt 270 triệu đồng/ha (giá hiện hành), tăng 170 triệu đồng so với năm 2015.

Trong 5 năm 2016-2020 trồng mới và trồng lại 5.347 ha (trồng mới 1.502 ha, trồng lại 3.845 ha) nâng tổng diện tích chè giống mới toàn tỉnh đạt 17.824 ha (tăng 1.926 ha so với năm 2015), chiếm gần 80% diện tích chè toàn tỉnh.

Cùng với chuyển đổi cơ cấu giống, các địa phương đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất, chế biến chè an toàn, hữu cơ nâng cao chất lượng sản phẩm. Diện tích chè áp dụng quy trình sản xuất an toàn tăng nhanh, nhiều tiến bộ khoa học, công nghệ đã được áp dụng như: Sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, công nghệ tưới tiết kiệm nước trong thâm canh chè. Đến năm 2020, diện tích chè được cấp chứng nhận VietGAP toàn tỉnh dự kiến đạt 2.468,5 ha (tăng 1.826,8 ha so với năm 2015); diện tích áp dụng sản xuất hữu cơ 110 ha; diện tích chè ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm đạt 4.723 ha (chiếm 21% diện tích chè toàn tỉnh) đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các sản phẩm chè, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt ở những nơi thâm canh sản xuất chè vụ Đông.

- Về chế biến: Sản lượng chè qua chế biến toàn tỉnh năm 2020 ước đạt 48.900 tấn, trong đó: Sản phẩm chè xanh, chè xanh chất lượng cao đạt trên 39.100 tấn, chiếm 80% tổng sản lượng, chủ yếu được các cơ sở chế biến bằng phương pháp bán công nghiệp và chế biến nhỏ truyền thống tại các hộ; sản lượng chè đen và các sản phẩm chè khác đạt khoảng 9.800 tấn chiếm 20% tổng sản lượng, chủ yếu là chè đen (OTD, CTC) và các loại chè ướp hương. Hiện nay, 100% cơ sở (khoảng 91.000 hộ) chế biến chè xanh, chè xanh chất lượng cao đã ứng dụng cơ giới hóa các khâu sao, vò chè. Các thiết bị chế biến thủ công, lạc hậu đã được thay thế bằng các thiết bị chế biến mới, bán công nghiệp (tôn quay inox, máy sao bằng gas, bằng điện) bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng chè. Ngoài việc đầu tư cho khâu chế biến, trong thời gian qua các cơ sở sản xuất cũng tăng cường đầu tư cho khâu đóng gói, bảo quản (sử dụng máy hút chân không, máy ủ hương, bảo quản lạnh), cải tiến mẫu mã sản phẩm, bao bì, dán tem nhãn để truy xuất nguồn gốc sản phẩm vì vậy chất lượng và giá trị sản phẩm chè của Thái Nguyên cũng đã được cải tiến một cách rõ nét. Hiện đã có trên 80% hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư công nghệ đóng gói tự động, sử dụng tem điện tử để truy xuất, minh bạch nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.

- Về xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, tiêu thụ chè được quan tâm như: quản lý và phát triển hiệu quả nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”, thương hiệu chè mang chỉ dẫn địa lý ‘‘Tân Cương” và các nhãn hiệu tập thể khác thuộc các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh. Tổ chức các lễ hội trà; hội chợ triển lãm sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, hội chợ triển lãm “Mỗi xã một sản phẩm”, đồng thời tổ chức, tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế về chè; đặc biệt các doanh nghiệp chè Thái Nguyên đã tham gia nhiều cuộc thi chất lượng chè quốc tế và đạt được những giải cao (đoạt giải đặc biệt và giải bạc năm 2016, 2017 tại cuộc thi chất lượng chè Bắc Mỹ - Canada); nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã được bảo hộ tại 3 quốc gia và vùng lãnh thổ (Mỹ năm 2016, Trung Quốc và Đài Loan năm 2017). Một số sản phẩm chè Thái Nguyên đã vinh dự được chọn làm quà tặng cho Hội nghị APEC tại Việt Nam, năm 2017; công tác phát triển sản phẩm OCOP từ chè đang được quan tâm, năm 2019 đã có 23 sản phẩm OCOP từ chè xếp hạng từ 3 - 4 sao, dự kiến năm 2020 sẽ có thêm từ 25 đến 35 sản phẩm OCOP từ chè xếp hạng 3 - 4 sao.

Thị trường tiêu thụ trong nước là thị trường tiềm năng, lợi thế của chè Thái Nguyên. Giá trị xuất khẩu chè (chủ yếu là chè nguyên liệu chất lượng thấp) có xu hướng giảm dần, bình quân giai đoạn 2016-2020 giá trị xuất khẩu toàn tỉnh giảm 23,1%. Xuất khẩu chè xanh chất lượng cao có xu hướng tăng đối với các thị trường khó tính như Ba Lan, Đức, Mỹ, Nhật... một số doanh nghiệp như Công ty Cổ phần chè Tân Cương Hoàng Bình, Công ty Cổ phần chè Hà Thái đã liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất để thu mua nguyên liệu chè búp tươi an toàn, chế biến và xuất bán sản phẩm chè thành phẩm đặc sản với mức giá cao.

Theo kết quả điều tra thực tế tại một số vùng chè ở huyện Đồng Hỷ, Đại Từ, thành phố Thái Nguyên và hạch toán hiệu quả kinh tế đối với sản phẩm chè búp tươi cho thấy: Giá trị sản phẩm thu được bình quân đối với sản xuất chè đạt mức

370 - 475 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí sản xuất, lãi thuần đạt 150 - 220 triệu đồng/ha, tuỳ thuộc vào tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm (sản xuất thông thường, sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ) và điều kiện tiểu khí hậu.

- Một số tồn tại, khó khăn trong sản xuất chè:

Sản xuất chè chủ yếu quy mô nông hộ (diện tích nhỏ, trung bình chỉ đạt 0,11 ha/hộ), là rào cản lớn nhất trong quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu để đa dạng hóa các sản phẩm chè; thực hiện chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng chè tại tỉnh gặp khó khăn do một số bất cập trong quy định của Luật Đất đai, Luật Trồng trọt, Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác, Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

Diện tích, sản lượng chè đạt tiêu chuẩn quốc gia về an toàn, hữu cơ mới chiếm gần 20%, đạt tiêu chuẩn quốc tế còn rất ít; sản phẩm chủ yếu là tiêu thụ nội địa (chiếm 80%), sản lượng xuất khẩu thấp (chiếm 20%); sự liên kết giữa các thành phần tham gia sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè còn lỏng lẻo; số doanh nghiệp, hợp tác xã có liên kết theo chuỗi và đầu tư đồng bộ, công nghệ cao từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến, tiêu thụ chè chưa nhiều; việc quản lý chất lượng, bảo vệ và phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên còn nhiều bất cập; công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm chè còn yếu do vậy chưa khai thác hết tiềm năng thế mạnh của chè Thái Nguyên.

Đã từ lâu, chè được xác định là sản phẩm nông nghiệp có lợi thế đặc biệt của tỉnh, là sản phẩm chủ lực quốc gia, cần tập trung đầu tư phát triển.

2.1.2. Sản xuất lương thực

Diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt năm 2020 ước đạt 86.958 ha, sản lượng đạt 464.830 tấn. Trong đó: Diện tích lúa 70.058 ha, sản lượng lúa 385.250 tấn; diện tích ngô 16.900 ha, sản lượng ngô 79.580 tấn, diện tích và sản lượng lương thực giảm qua các năm. Giá trị sản xuất cây lương thực có hạt ước đạt 3.112 tỷ đồng (theo giá hiện hành), chiếm 24,7% giá trị sản xuất ngành trồng trọt.

Trong giai đoạn vừa qua tỉnh đã chỉ đạo tập trung đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa như: Chuyển dịch cơ cấu mùa vụ (tăng diện tích gieo trồng lúa vụ Xuân muộn- Mùa sớm để giảm thiểu tác động tiêu cực của diễn biến thời tiết bất thuận, giải phóng đất, chuẩn bị các điều kiện cho sản xuất vụ Đông); sử dụng trên 98% giống ngô lai; 35% diện tích gieo cấy các giống lúa năng suất, chất lượng, đặc sản; 40% diện tích gieo cấy lúa ứng dụng phương pháp canh tác lúa SRI, 3 giảm 3 tăng, IPM,.... Do đó năng suất lúa và ngô liên tục tăng qua các năm, sản lượng ổn định và đạt trên 460.000 tấn/năm, duy trì sản lượng lương thực có hạt bình quân đầu người đạt 360 kg/người/năm. Sản phẩm lúa, ngô chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh (lúa gạo tiêu thụ trong tỉnh trên 95% sản lượng; ngô chủ yếu dùng cho chăn nuôi khoảng 97%).

Trong thời gian tới, sản xuất lương thực có hạt sẽ tiếp tục giảm do chuyển mục đích sử dụng đất lúa hiệu quả thấp sang đất phi nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn (rau, quả, chè,…); diện tích sản xuất chủ yếu quy mô nông hộ, nhỏ lẻ, phân tán khó khăn trong áp dụng cơ giới hoá và ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng vùng sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn. Mặc dù có diện tích gieo trồng lớn, nhưng tiềm năng, lợi thế phát triển sản phẩm hàng hóa, hiệu quả kinh tế, giá trị gia tăng, lợi thế cạnh tranh thấp. Theo kết quả điều tra thực tế cho thấy giá trị sản phẩm thu được bình quân đối với sản xuất lúa thuần, lúa lai đạt từ 44,7 - 46,5 triệu đồng/ha, lúa nếp 74,7 triệu đồng/ha, lãi thuần đạt 11,3 - 43,2 triệu đồng/ha/vụ, tương ứng đạt 22,6 - 86,4 triệu đồng/ha/năm. Như vậy, sản xuất lúa khó có khả năng tạo giá trị gia tăng cao, nên không ưu tiên lựa chọn phát triển là sản phẩm chủ lực. Định hướng sản xuất lúa gạo trong thời gian tới theo hướng nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng tỷ lệ giống lúa có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao đáp ứng nhu cầu trong tỉnh.

2.1.3. Sản xuất rau

Diện tích rau các loại toàn tỉnh năm 2020 ước đạt 15 nghìn ha, sản lượng đạt 257.876 tấn, tăng 55.518 tấn so với năm 2015. Sản lượng rau giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 4,9%/năm. Năm 2020 giá trị sản xuất rau các loại ước đạt 1.640 tỷ đồng (giá hiện hành), chiếm 13% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt.

Cơ cấu, chủng loại rau của tỉnh khá phong phú và đa dạng (nhóm rau ăn lá chiếm 70%; rau lấy quả chiếm 22,3%; rau lấy thân, củ, rễ chiếm 7,7 % so với tổng sản lượng). Tuy nhiên do ảnh hưởng lớn của điều kiện thời tiết dẫn đến sản lượng phân bố không đều, tập trung chủ yếu trong vụ Đông - Xuân chiếm trên 77,8% tổng sản lượng rau cả năm (vụ Đông Xuân năm 2019 - 2020 diện tích gieo trồng rau đạt 11.150 ha, sản lượng đạt 200.719 tấn). Sản phẩm rau của tỉnh chủ yếu được sử dụng tươi, thời gian bảo quản ngắn trong 1 - 2 ngày (chiếm trên 90% sản lượng), rau được bảo quản trong kho lạnh chiếm tỷ lệ dưới 10% sản lượng.

Sản lượng rau tiêu thụ trong tỉnh chiếm khoảng 85 - 90%, đáp ứng được trên 60% nhu cầu tiêu dùng. Một số điểm sản xuất rau của thị xã Phổ Yên, huyện Đại Từ, Định Hóa cung cấp rau cho thị trường Hà Nội, Bắc Kạn, Cao Bằng với một số loại rau thông thường như bí, mướp đắng, nấm….và rau bản địa như bò khai, ngót rừng, bầu đất,… Tuy nhiên do sản lượng rau phân bố không đều, ở vụ Đông Xuân thường xuyên xảy ra tình trạng được mùa mất giá, nhất là đối với nhóm rau ăn lá, cà chua, cà rốt,… vụ Hè Thu vẫn phải nhập thêm trên 30 nghìn tấn rau các loại từ các tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, nhập tiểu ngạch từ Trung Quốc...

Theo kết quả điều tra thực tế tại một số vùng sản xuất rau chuyên canh của tỉnh tại thời điểm thị trường tiêu thụ ổn định (tháng 3 năm 2020) cho thấy giá trị sản phẩm thu được bình quân đối với sản xuất rau thông thường đạt 126 triệu đồng/ha/vụ, sau khi trừ chi phí sản xuất, lãi thuần đạt 52 triệu đồng/ha/vụ và sản xuất tối đa 3 vụ/năm, sẽ cho lãi thuần đạt 156 triệu đồng/ha/năm; giá trị sản phẩm thu được bình quân đối với sản xuất rau ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới đạt 198 triệu đồng/ha/vụ, sau khi trừ chi phí sản xuất, lãi thuần đạt 93 triệu đồng/ha/vụ và sản xuất tối đa 4 vụ/năm sẽ cho lãi thuần đạt 372 triệu đồng/ha/năm.

Mặc dù nhu cầu tiêu thụ rau trong tỉnh cao, hiệu quả sản xuất rau cao hơn hẳn so với những cây trồng khác, nhưng với những khó khăn về điều kiện thời tiết, đất đai và hạ tầng phục vụ sản xuất: Đất sản xuất nhỏ lẻ, phân tán chủ yếu quy mô nông hộ, thiếu quỹ đất để phát triển sản xuất rau tập trung chuyên canh, hệ thống tưới tiêu chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất; thiếu lao động ở những vùng có khả năng chuyên canh rau do dịch chuyển lao động sang phi nông nghiệp cho thu nhập cao hơn, tốc độ đô thị hoá nhanh diện tích sản xuất thu hẹp, vùng rau chủ yếu xen kẽ với các khu đông dân cư gây khó khăn trong sản xuất rau an toàn, GAP, hữu cơ; khó khăn trong xây dựng và mở rộng quy mô vùng sản xuất hàng hoá tập trung, áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật (cả tỉnh hiện có 54 ha rau được cấp chứng nhận VietGAP và hiện nay phần lớn diện tích đã hết hiệu lực chứng nhận; diện tích áp dụng sản xuất rau trong nhà lưới toàn tỉnh có khoảng 35 ha, trong đó một số nhà lưới đã xuống cấp do ảnh hưởng của mưa, bão người dân không đầu tư sửa chữa); đầu tư vào sản xuất, kinh doanh chậm phát triển (toàn tỉnh có 09 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh rau, nấm). Hầu hết sản phẩm rau của tỉnh chưa xây dựng được thương hiệu, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc (chỉ có Công ty TNHH Công nghệ sinh học Phú Gia ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu, hàng năm sản xuất trên 400 tấn nấm tươi chủ yếu nội tiêu và trên 100 tấn nấm khô và chế biến xuất sang Nhật, Đài Loan và Đức).

Trong thời gian tới định hướng tiếp tục duy trì diện tích rau hiện có, mở rộng diện tích rau tập trung chuyên canh, sản xuất an toàn; sản xuất rau trên đất lúa và đất trồng cây hàng năm khác nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh. Chưa ưu tiên lựa chọn rau để phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh.

2.1.4. Sản xuất cây ăn quả

Năm 2020 diện tích cây ăn quả toàn tỉnh ước đạt 15.800 ha, sản lượng 96.800 tấn, tăng 3.861 tấn so với năm 2015 (tăng 3,8%). Sản lượng quả giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 0,82%/năm. Năm 2020 giá trị sản xuất cây ăn quả ước đạt 969,4 tỷ đồng (giá hiện hành), chiếm 7,7% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt.

Cơ cấu, chủng loại cây ăn quả khá phong phú, hiện có khoảng 22 loại, trong đó một số cây ăn quả có diện tích và sản lượng lớn như: Bưởi 1.870 ha, sản lượng 16.380 tấn; diện tích chuối 1.950 ha, sản lượng 27.825 tấn; nhãn 1.760 ha, sản lượng 7.160 tấn; vải 1.650 ha, sản lượng 6.890 tấn; na 830 ha, sản lượng 7.300 tấn.

Mặc dù phong phú về chủng loại quả nhưng chủ yếu là các loại quả truyền thống được trồng phân tán nhỏ lẻ, quy mô vườn hộ dưới 0,5 ha/hộ, rất ít diện tích trồng tập trung, không đảm bảo sản lượng cho đầu tư chế biến công nghiệp. Hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có tổ chức, cá nhân đầu tư chế biến đối với sản phẩm quả. Phần lớn diện tích cây ăn quả trồng bằng hạt theo kinh nghiệm và nhân giống bằng phương pháp chiết cành, ghép cây từ những cây trồng của địa phương dẫn đến năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm không đồng đều, khó cạnh tranh về giá bán và thị trường tiêu thụ, đặc biệt rất khó khăn trong công tác quản lý chất lượng cây giống.

Trước đây, diện tích trồng cây vải lớn nhất, tuy nhiên do chất lượng giống kém, chưa đầu tư thâm canh dẫn đến sản lượng, chất lượng thấp, giá bán giảm liên tục trong nhiều năm nên người dân đã trồng thay thế bằng những loại cây ăn quả khác như na, nhãn, bưởi, ổi,... Đối với cây chuối tuy có diện tích lớn nhưng chủ yếu trồng phân tán với các loại cây ăn quả khác, thị trường tiêu thụ không ổn định (một số thương lái thu mua bán sang Trung Quốc không ổn định; giá bán tại thị trường trong tỉnh thấp, đôi khi không tiêu thụ được do nhu cầu tiêu thụ giảm).

Ở tỉnh Thái Nguyên, cây na, nhãn, bưởi đang được đánh giá là có hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây ăn quả khác. Giá trị sản xuất (giá hiện hành) sản phẩm na đạt 105,6 tỷ đồng, chiếm 10,9%; nhãn 141,2 tỷ đồng, chiếm 14,6%; bưởi 185,5 tỷ đồng, chiếm 19,1% giá trị sản xuất cây ăn quả của tỉnh. Theo kết quả điều tra thực tế, tại những vùng sản xuất tập trung, thâm canh cao cho thấy giá trị sản phẩm thu được bình quân đối với sản xuất na đạt 425 triệu đồng/ha/năm, nhãn 300 triệu đồng/ha/năm, bưởi 360 triệu đồng/ha/năm, lãi thuần đạt từ 218 - 296 triệu đồng/ha.

Một số địa phương đã hình thành một số vùng trồng na, nhãn, bưởi như: Vùng na tại các xã La Hiên, Lâu Thượng, Phú Thượng (huyện Võ Nhai) khoảng 300 ha; vùng nhãn tại các xã Phúc Thuận (thị xã Phổ Yên), xã Quân Chu (huyện Đại Từ) khoảng 500 ha; vùng bưởi tại xã Tiên Hội (huyện Đại Từ), xã Tràng Xá, Dân Tiến, Phương Giao (huyện Võ Nhai) diện tích khoảng 500 ha; bước đầu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như giống, thụ phấn bổ sung, điều khiển ra hoa, tưới nước, bón phân, thu hoạch, sử dụng túi bao quả... tuy nhiên diện tích áp dụng còn hạn chế, vẫn xảy ra hiện tượng ra quả cách năm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng quả. Sản phẩm “Nhãn Phúc Thuận” và “Na La Hiên” đã được cấp chứng nhận “Nhãn hiệu tập thể”, một số diện tích đã áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, trong đó diện tích được cấp chứng nhận đạt 355 ha, hiện nay đang thực hiện truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên hầu hết các vùng sản xuất na, nhãn đều chưa có liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, chủ yếu được tiêu thụ sản phẩm quả tươi do các tư thương thu mua và tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài tỉnh (khoảng 80 - 90%), chưa đầu tư chế biến sâu, sản phẩm chế biến “Long nhãn” với số lượng ít tại vùng nhãn thị xã Phổ Yên và huyện Đồng Hỷ.

Các loại cây ăn quả như na, nhãn, bưởi hiện nay mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, đây là những loại cây trồng có thể điều chỉnh rải vụ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và có mức giá bán cao nhất trong vụ (chín vào đầu vụ và cuối vụ), hạn chế được tình trạng được mùa mất giá trong điều kiện chưa có đầu tư chế biến các thực phẩm từ quả na, nhãn, bưởi (quả bưởi có thể bảo quản và sử dụng trong 4 đến 6 tháng). Sản phẩm na, nhãn, bưởi đang có thị trường tiêu thụ ổn định trong tỉnh và các thị trường lân cận; sản phẩm quả na được đánh giá là loại quả ít chịu sức ép cạnh tranh với quả cùng loại ở các vùng khác, cây na thích hợp ở vùng đất núi đá vôi và khí hậu đặc thù. Trong thời gian tới cần chú trọng đầu tư mở rộng các vùng hiện có và hình thành mới các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung có chất lượng, tạo sản phẩm hàng hóa lớn.

2.2. Sản xuất chăn nuôi

Sản xuất chăn nuôi của tỉnh Thái Nguyên trong những năm qua đang phát triển theo hướng tích cực, là ngành chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất nông nghiệp. Chăn nuôi quy mô trang trại phát triển nhanh, đang thay thế dần chăn nuôi nhỏ lẻ ở các hộ gia đình với việc áp dụng phương thức chăn nuôi tiên tiến, đồng bộ, năng suất, chất lượng đàn vật nuôi được cải thiện rõ rệt, hiệu quả kinh tế cao.

Dự ước tổng đàn gia súc, gia cầm toàn tỉnh năm 2020: Đàn bò 43.500 con, đàn trâu 46.000 con, đàn lợn 600.000 con, đàn gia cầm 14,6 triệu con (gà 13 triệu con); sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 147.500 tấn, tăng 20,7% so với 2015; giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 9.150 tỷ đồng (giá hiện hành), chiếm 39,2% giá trị sản xuất nội ngành nông nghiệp; giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 5,23%/năm. Toàn tỉnh có 668 trang trại chăn nuôi, chiếm 30% tổng đàn, tập trung ở huyện Phú Bình, Đồng Hỷ, Phú Lương, Đại Từ, thị xã Phổ Yên và thành phố Thái Nguyên. Chăn nuôi trang trại được chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh chiếm tỷ lệ chưa cao; dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm vẫn thường xảy ra và diễn biến phức tạp; chưa có nhiều mô hình liên kết giữa sản xuất chăn nuôi với giết mổ, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn.

2.2.1. Chăn nuôi lợn, gia cầm

* Chăn nuôi lợn:

Năm 2020 ước tổng đàn 600.000 con; sản lượng thịt hơi 88.000 tấn, tăng 3,5% so với năm 2015, chiếm 66% tổng sản lượng thịt hơi các loại; giá trị sản phẩm thịt lợn đạt 3.696 tỷ đồng (giá hiện hành), chiếm 40,4% tổng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi; giá trị sản xuất sản phẩm thịt lợn bình quân giai đoạn 2016-2020 giảm 1,2%/năm (giảm do ảnh hưởng của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi). Các vùng chăn nuôi lợn trọng điểm: Huyện Phú Bình, Đại Từ, Đồng Hỷ, thị xã Phổ Yên, thành phố Thái Nguyên, …

Chất lượng con giống được chú trọng cải tạo, tỷ lệ giống lợn ngoại ngày càng tăng (tỷ lệ đàn lợn ngoại, lợn lai năng suất, chất lượng cao năm 2020 đạt 70%, tăng 30% so với năm 2015);

Chăn nuôi quy mô trang trại chiếm 30% tổng đàn (khoảng 18.000 con). Toàn tỉnh hiện có 262 trang trại (64 trang trại chăn nuôi theo hình thức liên danh có quy mô lớn từ 1.000 con - 10.000 con; 198 trang trại thuộc các doanh nghiệp, hợp tác xã và trang trại), đàn lợn nái khoảng 40.000 con (nái ông, bà: 3.000 con, nái bố mẹ: 37.000 con). Hầu hết các trang trại ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất như: Sử dụng 100% giống ngoại năng suất, chất lượng cao như Yorshire, Landrace, Duroc, Pietran, PiDu và tổ hợp lai 2 máu, 3 máu; hệ thống chuồng trại kép kín, điều hòa thông gió, máng ăn uống tự động, có hệ thống xử lý môi trường và chủ động áp dụng quy trình phòng chống dịch bệnh đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

Chăn nuôi quy mô nông hộ chiếm 70% tổng đàn lợn, khoảng 420.000 con. Trong đó có khoảng 60.000 lợn nái, chủ yếu là nái cấp bố mẹ, sử dụng các giống ngoại (Yorshire, Landrace), nái lai (Móng Cái x Yorshire, Landrace), nái Móng Cái; lợn đực giống chủ yếu sử dụng giống có năng suất, chất lượng cao như Yorshire, Landrace, Duroc, Pietran, PiDu...; tỷ lệ thụ tinh nhân tạo chiếm trên 80% (năm 2015 khoảng 40%). Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản đang nuôi giữ 80 lợn đực giống, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu thụ tinh nhân tạo cho đàn nái chăn nuôi nông hộ. Hiệu quả chăn nuôi nông hộ đã từng bước được nâng cao; năng suất, chất lượng con giống được cải thiện rõ rệt. Tuy vậy công tác phòng chống dịch bệnh và môi trường chăn nuôi nông hộ còn nhiều bất cập, hạn chế.

Thị trường thịt lợn của tỉnh Thái Nguyên tiêu thụ trong tỉnh chiếm khoảng 50% sản lượng, tiêu thụ ngoài tỉnh và xuất bán tiểu ngạch chủ yếu sang Trung Quốc khoảng 50% sản lượng. Sản phẩm thịt lợn tiêu thụ chủ yếu là thịt nóng, tỷ lệ chế biến thấp (khoảng 5%).

* Chăn nuôi gia cầm:

Trong giai đoạn 2016-2020 đàn gia cầm có xu hướng tăng cả về số lượng và chất lượng; cơ cấu giá trị sản phẩm thịt gia cầm chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng giá trị sản xuất chăn nuôi: Năm 2020 dự ước tổng đàn gia cầm toàn tỉnh có 14,6 triệu con, tăng 33,7% so với năm 2015; sản lượng thịt đạt 46.000 tấn, tăng 46,8% so với năm 2015; sản lượng trứng đạt 430 triệu quả; giá trị sản xuất sản phẩm gia cầm đạt 4.719 tỷ đồng (giá hiện hành), chiếm 53,6% giá trị sản xuất ngành chăn nuôi; giá trị sản xuất sản phẩm gia cầm bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 13,2%/năm. Trong đó: Đàn gà 13 triệu con, tăng 35,1% so với năm 2015, sản lượng thịt gà đạt 45.300 tấn, chiếm 98,5% tổng sản lượng thịt gia cầm, tăng 52,2% so với năm 2015; sản lượng trứng gà 405 triệu quả; giá trị sản phẩm gà đạt 4.578,3 tỷ đồng (giá hiện hành). Chăn nuôi gia cầm chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung qui mô trang trại, chủ yếu ở các vùng chăn nuôi trọng điểm, có thương hiệu, tại các huyện như: Huyện Phú Bình, Đồng Hỷ, Phú Lương, thị xã Phổ Yên, thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công.

Trong những năm qua chăn nuôi gia cầm phát triển mạnh, tăng nhanh về số lượng, chất lượng, các giống gà lông mầu thả vườn, gà bản địa có chất lượng, giá trị kinh tế cao chiếm 80% tổng đàn, tăng 45% so năm 2015.

Chăn nuôi gia cầm qui mô trang trại chiếm 40%, chăn nuôi nông hộ chiếm 60% tổng đàn gia cầm. Toàn tỉnh hiện có 406 trang trại (276 trang trại chăn nuôi theo hình thức gia công và 130 trang trại tư nhân). Chăn nuôi gia cầm, chủ yếu nuôi bằng hệ thống chuồng kép kín có điều kiện nhiệt độ, cấp thức ăn, nước uống tự động, sử dụng 100% thức ăn công nghiệp và áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Theo kết quả điều tra chi phí sản xuất 01 kg thịt gà hơi đối với gà lông màu là 40.000 - 45.000 đồng, gà siêu thịt lông trắng 28.000 - 31.000 đồng, 15.000 - 20.000 đồng/10 trứng. Với giá thị trường hiện nay các hộ nuôi gà đang có lãi.

Sản phẩm thịt gà và trứng gà chủ yếu được sử dụng tươi không qua bảo quản và chế biến, tiêu thụ ở trong nước. Hiện đã hình thành một số chuỗi liên kết sản xuất từ chăn nuôi - giết mổ - tiêu thụ (hợp tác xã gà Đông Thịnh, huyện Phú Bình, Công ty chăn nuôi Phú Gia, công ty liên doanh của CP, Japfa, EmiVet,...).

* Trong chăn nuôi gia súc, gia cầm còn có một số khó khăn, tồn tại:

- Việc quy hoạch, bố trí đất đai cho phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại còn hạn chế, nhất là chuyển đổi, bố trí đất đai để thu hút đầu tư các dự án chăn nuôi lớn; chăn nuôi vẫn chủ yếu là nhỏ lẻ, phân tán, quy mô nông hộ khó khăn trong ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, quản lý dịch bệnh, môi trường chăn nuôi và an toàn thực phẩm;

- Trong những năm gần đây các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp ảnh hưởng rất lớn đối với ngành chăn nuôi, như: Bệnh Tai xanh, Lở mồm long móng, Dịch tả lợn Châu Phi…

- Thị trường tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, gà không ổn định, thiếu bền vững, chưa có thị trường xuất khẩu; giá cả sản phẩm bấp bênh, chưa gắn kết chăn nuôi với giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; rủi ro trong sản xuất chăn nuôi vẫn còn cao;

- Một số chính sách về đất đai; quy định vùng chăn nuôi tập trung theo Luật Chăn nuôi; công tác giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; quản lý môi trường chăn nuôi hiện còn chưa đồng bộ, khó triển khai…

2.2.2. Chăn nuôi trâu, bò

Đàn trâu có xu hướng giảm, đàn bò tăng nhẹ: Năm 2020 dự ước đàn trâu 46.000 con, giảm 34%; đàn bò 43.500 con tăng 8,3% so với 2015. Sản lượng thịt trâu, bò năm 2020 ước đạt 7.620 tấn tăng 31,6% so với năm 2015. Chăn nuôi trâu, bò chiếm tỷ trọng thấp trong giá trị sản xuất ngành chăn nuôi: Giá trị sản phẩm thịt trâu, bò (theo giá hiện hành) đạt 499,2 tỷ đồng, chiếm 5,7% tổng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi, giá trị sản phẩm bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 4,9%/năm. Chăn nuôi bò tập trung ở huyện Phú Bình, Đồng Hỷ, thị xã Phổ Yên, thành phố Thái Nguyên,…chăn nuôi trâu tập trung chủ yếu ở các huyện phía Bắc của tỉnh. Hình thức chăn nuôi trâu, bò chủ yếu nhỏ lẻ, phân tán, nuôi nhốt kết hợp chăn thả quy mô từ 1 - 5 con/hộ. Số hộ chăn nuôi trâu, bò quy mô từ 10 con trở lên còn ít.

Chất lượng giống đàn trâu, bò được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ bò lai Zebu, bò cao sản đạt 60% (tăng 20% so với năm 2015), đàn trâu cải tạo nâng cao tầm vóc. Công tác truyền giống đối với đàn bò chủ yếu bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, nâng cao chất lượng con giống.

Nhìn chung chăn nuôi trâu, bò không phải là lợi thế của tỉnh Thái Nguyên, cơ cấu giá trị chiếm tỷ trọng thấp. Tuy nhiên trong thời gian tới chăn nuôi trâu, bò tiếp tục được đầu tư phát triển, nhất là đàn bò thịt cao sản, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

2.3. Sản xuất thủy sản

Toàn tỉnh có 7.155 ha diện tích mặt nước có khả năng phát triển nuôi trồng, khai thác thuỷ sản (2.140 ha ao gia đình có thể nuôi thâm canh và bán thâm canh các loài thuỷ sản; 1.515 ha hồ chứa nước thuỷ lợi vừa và nhỏ có thể thả cá hoặc nuôi cá bán thâm canh; 1.000 ha ruộng cấy lúa có thể kết hợp nuôi cá; 2.500 ha hồ chứa Núi Cốc có thể tái tạo, khai thác nguồn lợi thuỷ sản và bảo tồn các giống loài thuỷ sản quí hiếm). Ngoài ra còn khoảng 12.000 ha diện tích mặt nước sông, suối, có khả năng nuôi cá lồng, nuôi eo ngách và khai thác thủy sản tự nhiên, đây là tiềm năng phát triển thuỷ sản.

Trong những năm qua sản xuất thủy sản phát triển khá mạnh, sản lượng thủy sản tăng nhanh, phát triển nuôi thâm canh, bán thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng các giống có năng suất, giá trị kinh tế cao, phát triển nuôi cá lồng. Đến năm 2020 diện tích nuôi trồng thủy sản của toàn tỉnh ước đạt 6.300 ha; sản lượng 15.000 tấn, tăng 80,5% so 2015 (năm 2015 là 8.310 tấn). Giá trị sản xuất thủy sản đạt 815 tỷ đồng (giá hiện hành), chiếm 3,9% tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 12,2%/năm. Diện tích sản xuất thủy sản theo hướng hàng hóa tập trung, thâm canh và bán thâm canh chất lượng cao ước đạt 1.600 ha (trong đó nuôi cá lồng trên các hồ chứa đạt 50.000 m3). Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã khoảng 500 ha.

Sản xuất thủy sản tỉnh Thái Nguyên chủ yếu là nhỏ lẻ manh mún; cơ cấu giống thủy sản chủ yếu là các loại giống cá truyền thống như: Cá trôi, cá chép, các trắm, mè, rô phi, chiếm 70%, cơ cấu giống cá có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao chiếm khoảng 30%; diện tích nuôi thâm canh chiếm 1,6% tổng diện tích nuôi trồng; tiềm năng nuôi cá hồ chứa lớn nhưng quy mô sản xuất, năng suất và sản lượng chưa cao.

Nhìn chung sản xuất thủy sản không phải là ưu thế lớn của tỉnh Thái Nguyên, chiếm cơ cấu tỷ trọng thấp trong giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, khó có khả năng sản xuất và cung ứng với khối lượng lớn. Tuy nhiên có tiềm năng để phát triển nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm. Do vậy cần có cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất phát triển để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm an toàn, chất lượng trong tỉnh và đóng góp vào tăng trưởng chung của ngành.

2.4. Lâm nghiệp

Tổng diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp tỉnh Thái Nguyên là 179.914,28 ha 1 trong đó: Rừng tự nhiên 101.299,32 ha, rừng trồng 62.231,86 ha, đất chưa có rừng 14.683,10 ha, đất lâm nghiệp khác (núi đá) 1.700 ha. Phân theo chức năng rừng:

- Rừng đặc dụng 36.211,12 ha (rừng tự nhiên 34.477,35 ha, rừng trồng 939,70 ha, đất chưa có rừng 794,07 ha).

- Rừng phòng hộ 45.971,63 ha, (rừng tự nhiên 27.448,25 ha, rừng trồng 13.607,22 ha, đất chưa có rừng 4.916,16 ha).

- Rừng sản xuất 97.731,53 ha (rừng tự nhiên 39.373,72 ha, rừng trồng 47.684,94 ha, đất chưa có rừng 8.972,87 ha, đất lâm nghiệp khác (núi đá) 1.700 ha).

Giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2020 ước đạt 560 tỷ đồng (giá so sánh), tăng 172 tỷ đồng so với năm 2015 (năm 2015 là 388 tỷ đồng), giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 7,62%/năm (theo giá hiện hành), chiếm 4,02% giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản.

Công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tiếp tục được tăng cường, việc trồng và nâng cao chất lượng rừng được quan tâm, tỷ lệ che phủ rừng đạt 47,6%2. Trồng rừng mới giai đoạn 2016-2020 đạt 30.905 ha (trồng rừng tập trung theo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững 17.983 ha; các chương trình dự án khác 265 ha; các công ty lâm nghiệp và người dân thực hiện 12.657 ha); trồng cây phân tán 3,62 triệu cây; chăm sóc rừng phòng hộ, đặc dụng 4.909 lượt ha; giao khoán bảo vệ rừng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân 110.766 lượt ha; diện tích rừng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng 23.189,8 lượt ha.

Trên địa bàn tỉnh chủ yếu là trồng rừng kinh doanh gỗ nhỏ, tuổi khai thác chủ yếu từ 5 - 7 năm, năng suất bình quân khoảng từ 65 - 70 m3/ha, lượng tăng trưởng hàng năm thấp, trung bình đạt từ 8 - 10 m3/ha/năm. Gỗ rừng trồng chủ yếu là cung cấp gỗ nhỏ làm nguyên liệu giấy, dăm gỗ,... có giá trị kinh tế thấp; chưa phát triển rừng trồng gỗ lớn phục vụ cho sản xuất đồ mộc, gỗ xuất khẩu với giá trị kinh tế cao.

Tỉnh Thái Nguyên hiện có 107 cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp, công suất trên 22 triệu cây/năm đủ cung cấp cho nhu cầu trồng rừng trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Tập đoàn cây trồng rừng sản xuất gồm: Keo Tai Tượng, keo lai, Bạch Đàn, mỡ, Lát Hoa, trám, xoan, thông,... trong đó, cây keo vẫn là loài cây được lựa chọn đưa vào trồng rừng với tỷ lệ trên 80% diện tích. Tuy nhiên việc quản lý, giám sát chất lượng giống cây lâm nghiệp còn bất cập và gặp nhiều khó khăn.

Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng bình quân khoảng 157.000 m3/năm. Toàn tỉnh có 555 cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến lâm sản (23 doanh nghiệp, 10 công ty, 8 hợp tác xã và 514 hộ kinh doanh cá thể), trong đó: sơ chế lâm sản 315 cơ sở (chủ yếu là thang dát, nan nẹp, bao bì, gỗ bóc, cốt pha, nguyên liệu sản xuất giấy,…); 240 cơ sở sản xuất đồ mộc gia dụng. Hầu hết các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn có quy mô, công suất nhỏ, máy móc thiết bị thô sơ. Có một số doanh nghiệp đầu tư chế biến gỗ với qui mô lớn: Công ty Cổ phần Ván ép Việt Bắc, công suất 30.000 m3 sản phẩm/năm; công ty Trách nhiệm hữu hạn UJU VINA Thái Nguyên sản xuất viên gỗ nén, dăm gỗ, mùn cưa xuất khẩu công suất 100.000 tấn sản phẩm/năm; Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ, công suất 15.000 tấn/năm; hiện nay đang đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ Dongwha tại Khu công nghiệp Điềm Thụy, công suất 30.600 m3 sản phẩm ván dán/năm. Ngoài ra ở các huyện, thành phố, thị xã có một số doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất đồ mộc gia dụng. Một số mặt hàng lâm sản của tỉnh đã được xuất khẩu ra thị trường thế giới như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... chủ yếu là sản phẩm thô, nguyên liệu trung gian, sơ chế theo phương pháp thủ công truyền thống quy mô hộ gia đình, chưa hình thành liên kết vùng sản xuất nguyên liệu tập trung với cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm; tỷ lệ chế biến công nghiệp thấp, sản phẩm có thương hiệu còn ít, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu; giá đầu ra sản phẩm không ổn định, sản phẩm có chất lượng, giá trị kinh tế và sức cạnh tranh thấp.

Hiện nay trong sản xuất lâm nghiệp chủ yếu là hộ gia đình, quy mô nhỏ, manh mún (53.772 hộ, với diện tích khoảng 77.310 ha), việc áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; có ít doanh nghiệp tham gia trong tất cả các khâu từ sản xuất giống, trồng rừng, chế biến. Các hình thức liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong lâm nghiệp chưa rõ nét và chưa được thiết lập cụ thể, chủ yếu mang tính thời vụ.

Trong sản xuất lâm nghiệp còn có một số khó khăn, tồn tại:

- Năng suất rừng trồng thấp (do chu kỳ kinh doanh ngắn từ 5 - 7 năm, chất lượng cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc chưa đáp ứng mục tiêu kinh doanh rừng); diện tích rừng trồng nhỏ lẻ, phân tán, chưa phát triển trồng rừng gỗ lớn, chưa được cấp chứng chỉ rừng trồng, do vậy thị trường đầu ra của sản phẩm chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, giá trị kinh tế thấp.

- Cơ sở chế biến với thiết bị và công nghệ lạc hậu; sản phẩm vẫn là nguyên liệu thô; gỗ khai thác từ rừng trồng hiện nay đều là gỗ nhỏ và gỗ non, chủ yếu làm nguyên liệu giấy, dăm gỗ, ván bóc... chưa hình thành được cơ chế liên doanh liên kết của các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm với người dân để trồng rừng sản xuất, cạnh tranh trong thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ngày càng tăng cao.

Với tiềm năng diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp lớn, chiếm trên 51% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh; quy mô diện tích rừng sản xuất là rừng trồng rất lớn, là điều kiện thuận lợi để chuyển hóa thành rừng gỗ lớn. Đồng thời Luật Lâm nghiệp có hiệu lực thi hành đã mở rộng phạm vi điều chỉnh theo hướng liên kết chuỗi các hoạt động lâm nghiệp (từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản). Chính phủ có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Nhu cầu lâm sản thị trường trong nước và quốc tế ngày một tăng mạnh; cơ hội tham gia vào các hiệp định thương mại: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu (EVFTA) sẽ tạo điều kiện rất lớn cho xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản vào các thị trường các nước Thái Bình Dương và Châu Âu.

2.5. Cây quế và cây dược liệu

Cây quế và các loài cây dược liệu tại Thái Nguyên đã tồn tại từ lâu và phân bố rộng rãi trong rừng tự nhiên. Trải qua quá trình canh tác, chuyển đổi đất lâm nghiệp nên nhiều loài dược liệu bị khai thác cạn kiệt, một số loài có nguy cơ tuyệt chủng, tính đa dạng sinh học suy giảm.

Công tác gây trồng, phát triển một số loài cây dược liệu tiềm năng có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán (ở huyện Võ Nhai: Ba kích 8 ha, đinh lăng 7,5 ha; ở huyện Phú Lương 18,5 ha: Cà gai leo, thìa canh, gừng, sả chủ yếu trồng ở các xã Yên Ninh, Yên Trạch, xã Phấn Mễ; ở huyện Đại Từ 3 ha: Đinh lăng, xạ đen, kim ngân, khúc khắc, bò khai trồng chủ yếu ở các xã Phú Lạc, An Khánh. Ngoài ra, một số cây dược liệu được trồng phân tán trong vườn nhà, trồng dưới tán rừng với quy mô nhỏ lẻ như: Hà thủ ô, cát sâm, đàn hương, sa nhân, ba kích, trà hoa vàng... tại các huyện Đồng Hỷ, Phú Lương, thành phố Sông Công. Năm 2020 thực hiện trồng 187,5 ha các loài cây dược liệu: Cát sâm, đinh lăng, ba kích, khôi nhung, xạ đen, nghệ, giảo cổ lam, sa nhân, sâm bố chính bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (huyện Võ Nhai 105,1 ha, Đồng Hỷ 27,4 ha, thành phố Sông Công 15 ha, Đại Từ 30 ha, thành phố Thái Nguyên 10 ha).

Quế là cây đa tác dụng, vỏ và cành lá tươi chế biến làm dược liệu; gỗ cây quế được sử dụng làm đồ mộc, xây dựng... cây quế đã được gây trồng trên địa bàn một số huyện trong tỉnh với diện tích 2.756 ha, chủ yếu được trồng ở huyện Định Hóa (2.696 ha). Hiện nay, cành lá tươi được Công ty TNHH Vũ Hoa cam kết thu mua với giá 1.500 đồng/kg, vỏ quế tươi 20.000 đồng/kg, gỗ quế 2,8 triệu đồng/m3 và dự kiến xây dựng nhà máy chế biến quế tại huyện Định Hóa.

Với điều kiện về đất đai, khí hậu, tỉnh Thái Nguyên có quỹ đất thích nghi khá lớn để hình thành những vùng sản xuất cây quế, cây dược liệu tập trung qui mô lớn. Cây quế đã được trồng ở huyện Định Hóa với diện tích lớn và rải rác ở một số địa phương khác, có khả năng sinh trưởng tốt, cho chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế cao; có lợi thế về chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm; là cây đa dụng, cung cấp dược liệu, sản phẩm gỗ phục vụ chế biến và góp phần che phủ rừng.

Trong sản xuất và phát triển cây dược liệu tại Thái Nguyên còn gặp một số khó khăn sau:

Hầu hết giống cây dược liệu được sản xuất tại địa phương, quy mô sản xuất nhỏ, kỹ thuật giản đơn nên chất lượng giống chưa cao; chưa đáp ứng được nhu cầu cây dược liệu trong tỉnh, còn phải nhập giống từ các cơ sở ngoại tỉnh.

Sản xuất dược liệu chủ yếu là quy mô nông hộ nhỏ lẻ, phân tán, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế.

Có một số doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dược liệu (từ sản xuất cây giống, hỗ trợ kỹ thuật trồng, thu hái, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm) như doanh nghiệp Vũ Hoa ở huyện Định Hóa, công ty TNHH Dược La Hiên, hợp tác xã Dược liệu Võ Nhai, hợp tác xã Thịnh Vượng ở huyện Võ Nhai … nhưng liên kết còn lỏng lẻo, chưa tập trung đầu tư mạnh vào sản xuất và chế biến

Tỉnh Thái Nguyên không nằm trong quy hoạch quốc gia về phát triển cây dược liệu. Trên địa bàn tỉnh mới chỉ có cây quế được phát triển với diện tích tương đối lớn, còn hầu hết các cây dược liệu khác có diện tích trồng rất nhỏ, phân tán. Do vậy khó có khả năng phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn.

III. ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH

Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn của Trung ương, của tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã được thực hiện lồng ghép thông qua các chương trình, đề án, phương án, dự án. Để khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 21/2016/NQ-HĐND ngày 12/8/2016 và Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 23/7/2019 về chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, cụ thể:

- Lĩnh vực trồng trọt:

Chính sách hỗ trợ quản lý, sử dụng đất trồng lúa theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP; chính sách hỗ trợ chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng ngô theo Quyết định số 915/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vụ Đông Xuân 2016 đến 2018 là 525 ha.

Các chính sách được phê duyệt tại Đề án “Nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cây chè và thương hiệu sản phẩm trà tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017-2020”; các chính sách phê duyệt tại phương án sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản hàng năm như: Hỗ trợ giá giống chè trồng mới và trồng thay thế, hỗ trợ sản xuất và chứng nhận theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ; hỗ trợ hệ thống tưới tiết kiệm, giá máy sao chè bằng gas; hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP …

- Lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản:

Chính sách trợ giá trong sản xuất giống gốc (cụ kỵ, ông bà) theo Nghị định số 130/2013/NĐ-CP, ngày 16/10/2013 về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích; chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ theo Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg, ngày 04/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ; chính sách hỗ trợ chứng nhận VietGAHP cho cơ sở chăn nuôi tập trung; chính sách hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật theo Quyết định số 1442/QĐ-TTg ngày 23/8/2011 của Thủ tướng Chính Phủ; chính sách thực hiện đề án “Quản lý và xây dựng hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030”; chính sách hỗ trợ xây dựng vùng nuôi thuỷ sản tập trung theo mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản...

- Lĩnh vực lâm nghiệp:

Chính sách hỗ trợ trồng rừng sản xuất, trồng rừng phòng hộ, khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ; chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020 theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ; thực hiện hỗ trợ 40 triệu đồng/thôn, bản, các cộng đồng dân cư vùng đệm rừng đặc dụng theo Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư liên tịch số 100/2013/TTLT-BTC- BNNPTNT ngày 26/7/2013. Các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh thời gian qua nhìn chung đã phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm và đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh kết quả đạt được trong thực hiện các chính sách của Trung ương, của tỉnh vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc và hạn chế sau:

- Việc xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn trong những năm gần đây đã được quan tâm, tuy nhiên cơ chế, chính sách nhìn chung còn dàn trải, chưa tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh (trừ sản phẩm chè); một số chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Trung ương chưa phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh Thái Nguyên; chính sách về đất đai còn nhiều bất cập gây khó khăn cho thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện các chính sách và nguồn lực đầu vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế.

IV. RÀ SOÁT, LỰA CHỌN CÁC SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP CHỦ LỰC

Sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên là sản phẩm hàng hóa, có khả năng sản xuất và cung ứng với khối lượng lớn, có năng lực cạnh tranh cao, có tính đặc thù của địa phương, là trung tâm lan tỏa, thúc đẩy các ngành nghề khác cùng phát triển. Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực được lựa chọn trên cơ sở một số tiêu chí như: (1) Sản phẩm lợi thế, đặc sản của địa phương, có quy mô sản xuất lớn, chiếm tỷ trọng giá trị sản xuất cao; (2) Có khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến để tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao trên thị trường; (3) Có thị trường tiềm năng trong và ngoài nước; (4) Có khả năng tạo các sản phẩm OCOP; (5) Có tiềm năng kết nối với sản phẩm cùng loại của các địa phương trong và ngoài tỉnh và tham gia chuỗi giá trị phục vụ tiêu dùng, xuất khẩu; (6) Có lợi thế về thu hút lao động, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động; bảo vệ môi trường, sinh thái.

Sau khi rà soát theo các tiêu chí trên, cùng với tiềm năng, lợi thế, đề án lựa chọn 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực để đầu tư phát triển là: Chè, quả (na, nhãn, bưởi), thịt lợn, thịt gà và trứng gà, gỗ, quế:

(1) Chè: Nằm trong danh mục sản phẩm chủ lực quốc gia, hiện có diện tích và sản lượng lớn nhất cả nước; năm 2020 giá trị sản xuất chè đạt 5.580 tỷ đồng (giá hiện hành), chiếm 44,3% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt; là sản phẩm hiện đã có nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý; là sản phẩm có nhiều tiềm năng phát triển các sản phẩm OCOP.

(2) Quả (na, nhãn, bưởi): Nhãn, bưởi nằm trong danh mục sản phẩm chủ lực cây ăn quả quốc gia; na là cây ăn quả đặc sản thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên và một số ít tỉnh. Đây là những cây ăn quả có quy mô sản xuất lớn, giá trị, hiệu quả kinh tế cao so với các loại cây ăn quả khác của tỉnh. Năm 2020 diện tích na, nhãn, bưởi đạt 4.460 ha, sản lượng 30.840 tấn, giá trị sản xuất (giá hiện hành) là 432,3 tỷ đồng, chiếm 44,6% trong cơ cấu cây ăn quả; sản phẩm “Nhãn Phúc Thuận” và “Na La Hiên” đã được cấp chứng nhận “Nhãn hiệu tập thể”, có tiềm năng phát triển thành các sản phẩm OCOP. Mặc dù diện tích phát triển 3 loại quả trên đến năm 2025 là 6.260 ha và đến năm 2030 là 7.260 ha nhưng tiềm năng mở rộng diện tích còn nhiều để có thể phát triển thành vùng sản xuất tập trung từ chuyển đổi từ đất vườn tạp, đất lúa kém hiệu quả và đất rừng sản xuất. Đồng thời đây là các sản phẩm có hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất giai đoạn 2021 - 2025 và đến năm 2030: na (298 - 330 triệu đồng/ha), nhãn (210 - 250 triệu đồng/ha) và bưởi 252 (280 triệu đồng/ha).

(3) Thịt lợn: Nằm trong danh mục sản phẩm chủ lực quốc gia; có quy mô sản xuất và tỷ trọng giá trị sản xuất cao trong nội ngành nông nghiệp. Năm 2020 sản lượng thịt lợn hơi đạt 88.000 tấn, giá trị sản xuất đạt 3.696 tỷ đồng (giá hiện hành), chiếm 40,4% trong cơ cấu giá trị ngành chăn nuôi; có thị trường tiêu thụ ổn định trong nước và tiềm năng xuất khẩu.

(4) Thịt gà và trứng gà: Nằm trong danh mục sản phẩm chủ lực quốc gia, năm 2020 sản lượng thịt gà hơi đạt 45.300 tấn, sản lượng trứng gà đạt 405 triệu quả; giá trị sản phẩm gà là 4.578,3 tỷ đồng (giá hiện hành), chiếm 50% trong cơ cấu giá trị ngành chăn nuôi.

(5) Gỗ: Nằm trong danh mục sản phẩm chủ lực quốc gia; là nguồn cung cấp nguyên liệu gỗ phục vụ chế biến đồ gỗ cho nội tiêu và xuất khẩu; góp phần ổn định tỷ lệ che phủ rừng, cải thiện nguồn sinh thủy và bảo vệ môi trường; giá trị khai thác gỗ chiếm 73,1% trong cơ cấu ngành lâm nghiệp.

(6) Quế: Cây quế là loài cây đa tác dụng, có thể cung cấp tinh dầu làm dược liệu phục vụ cho các ngành dược phẩm, mỹ phẩm và có tiềm năng xuất khẩu; cung cấp nguyên liệu gỗ cho chế biến; có tác dụng phòng hộ và che phủ rừng. Năm 2020 diện tích quế là 2.756 ha, khả năng mở rộng diện tích còn lớn khi khẳng định là cây mang lại hiệu quả kinh tế cao và tinh dầu có chất lượng tốt. Kết quả phân tích thành phần chính trong vỏ quế lấy mẫu tại xã Quy Kỳ, huyện Định Hóa và xã Cúc Đường, huyện Võ Nhai cho thấy hàm lượng tinh dầu đạt 2,22 - 2,96%, hàm lượng chất cinnamaldehyde (là chất chính trong thành phần của tinh dầu quế đạt 82,94 - 91,95%, tương đương với thành phần tinh dầu quế và cinnamaldehyde của quế Văn Yên Lá Nhỏ tại tỉnh Yên Bái.

PHẦN THỨ HAI

PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP CHỦ LỰC TỈNH THÁI NGUYÊN GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2030

I. DỰ BÁO CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN PHÁT TRIỂN CÁC SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP CHỦ LỰC TỈNH THÁI NGUYÊN

1. Dự báo tiềm năng và định hướng sử dụng đất cho các loại cây trồng

1.1. Về tiềm năng đất đai

Căn cứ kết quả phân hạng mức độ thích nghi (thích hợp) đối với từng cây trồng chủ yếu trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã cho thấy tiềm năng đất có thể phát triển trồng chè, nhãn, na, bưởi, gỗ, quế trên địa bàn tỉnh như sau:

Cây chè:

- Mức rất thích nghi có 36.606 ha, tập trung chủ yếu loại đất feralit đỏ vàng phát triển trên phiến thạch sét, có pH: 4,5 - 5,5; đất có tầng đất dày trên 100 cm, thành phần cơ giới phù hợp, độ dốc thấp dưới 8 độ, điều kiện tưới tiêu thuận lợi, lượng mưa 1.100 - 1.300 mm/năm, đây là những điều kiện rất thuận lợi thích hợp cho cây chè sinh trưởng phát triển tốt. Diện tích cây chè mức rất thích nghi phân bố trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó ở một số địa phương có diện tích ở mức rất thích nghi lớn như: Thành phố Thái Nguyên (3.278 ha), thị xã Phổ Yên (3.322 ha), thành phố Sông Công (532 ha), huyện Đại Từ (6.428 ha), huyện Định Hoá (1.306 ha), huyện Đồng Hỷ (6.888 ha), huyện Phú Lương (5.055 ha), huyện Phú Bình (3.786 ha), huyện Võ Nhai (6.010 ha).

- Mức thích nghi trung bình có 15.945 ha, chủ yếu trên loại đất đỏ vàng trên đá macma axit, đất có tầng đất dày trên 70 - 100 cm. Trong đó: Thành phố Thái Nguyên (1.708 ha), thị xã Phổ Yên (1.825 ha), thành phố Sông Công (869 ha), huyện Đại Từ (1.953 ha), huyện Định Hoá (2.522 ha), huyện Đồng Hỷ (1.242 ha), huyện Phú Lương (1.347 ha), huyện Phú Bình (1.201ha), huyện Võ Nhai (3.208 ha).

Cây na:

- Mức rất thích nghi có 21.383 ha, chủ yếu trên loại đất đỏ vàng trên đá phiến sét và đá biến chất và đất nâu vàng trên phù sa cổ, độ dày tầng đất lớn hơn 100 cm và thành phần cơ giới thịt trung bình. Trong đó: Huyện Võ Nhai (7.422 ha), huyện Đồng Hỷ (3.427 ha), huyện Đại Từ (2.378 ha), huyện Phú Lương (2.215 ha), thị xã Phổ Yên (1.227 ha), thành phố Thái Nguyên (651 ha), thành phố Sông Công (185 ha), huyện Định Hoá (1.323 ha), huyện Phú Bình (2.555 ha);

- Mức thích nghi trung bình có 35.870 ha, tập trung chủ yếu trên loại đất phù sa có tầng loang lổ đỏ vàng và đất đỏ vàng trên đá macma axit. Trong đó: Thành phố Thái Nguyên (1.759 ha), thị xã Phổ Yên (2.803 ha), thành phố Sông Công (3 ha), huyện Đại Từ (5.856 ha), huyện Định Hoá (7.016 ha), huyện Đồng Hỷ (2.185 ha), huyện Phú Lương (6.616 ha), huyện Phú Bình (2.555 ha), huyện Võ Nhai (7.077ha).

Cây nhãn:

- Mức rất thích nghi có 40.715 ha, chủ yếu trên loại đất đỏ vàng trên đá phiến sét và đá biến chất, thành phần cơ giới là thịt trung bình và độ chua pH: 5,5 - 6,6. Trong đó: Thành phố Thái Nguyên (2.827 ha), thị xã Phổ Yên (3.664 ha), thành phố Sông Công (1.023 ha), huyện Đại Từ (5.399 ha), huyện Định Hoá (1.749 ha), huyện Đồng Hỷ (8.024 ha), huyện Phú Lương (6.312 ha), huyện Phú Bình (4.619 ha), huyện Võ Nhai (7.098 ha).

- Mức thích nghi trung bình có 48.131 ha, chủ yếu trên loại đất đỏ vàng trên đá macma axit và đất phù sa có tầng loang lổ đỏ vàng. Trong đó: Thành phố Thái Nguyên (3.432 ha), thị xã Phổ Yên (5.010 ha), thành phố Sông Công (1.589 ha), huyện Đại Từ (7.073 ha), huyện Định Hoá (8.052 ha), huyện Đồng Hỷ (4.143 ha), huyện Phú Lương (9.635 ha), huyện Phú Bình (2.912 ha), huyện Võ Nhai (6.286 ha).

Cây bưởi:

- Mức rất thích nghi có 38.029 ha. Trong đó: Thành phố Thái Nguyên (2.520 ha), thị xã Phổ Yên (2682 ha), thành phố Sông Công (181 ha), huyện Đại Từ (3.422 ha), huyện Định Hoá (2.301 ha), huyện Đồng Hỷ (8.897 ha), huyện Phú Lương (6.310 ha), huyện Phú Bình (4.618 ha), huyện Võ Nhai (7.099 ha).

- Mức thích nghi trung bình có 40.683 ha. Trong đó: Thành phố Thái Nguyên (2.373 ha), thị xã Phổ Yên (4.584 ha), thành phố Sông Công (4 ha), huyện Đại Từ (3.519 ha), huyện Định Hoá (8.457 ha), huyện Đồng Hỷ (4.126 ha), huyện Phú Lương (7.646 ha), huyện Phú Bình (2.806 ha), huyện Võ Nhai (7.169 ha).

Cây quế:

- Mức rất thích nghi có 19.180 ha.Trong đó: Huyện Đại Từ (1.175 ha), huyện Định Hoá (10.969 ha), huyện Đồng Hỷ (1.640 ha), huyện Phú Lương (1.610 ha), huyện Phú Bình (554 ha), huyện Võ Nhai (3.232 ha).

- Mức thích nghi trung bình có 24.007 ha. Trong đó: Thành phố Thái Nguyên (242 ha), thị xã Phổ Yên (793 ha), thành phố Sông Công (36 ha), huyện Đại Từ (2.099 ha), huyện Định Hoá (9.257 ha), huyện Đồng Hỷ (3.700 ha), huyện Phú Lương (3.569 ha), huyện Phú Bình (1.472 ha), huyện Võ Nhai (2.840 ha).

Cây lâm nghiệp:

- Mức rất thích nghi có 104.703 ha. Trong đó: Thành phố Thái Nguyên (2.318 ha), thị xã Phổ Yên (4.999 ha), thành phố Sông Công (1.238 ha), huyện Đại Từ (11.200 ha), huyện Định Hoá (23.010 ha), huyện Đồng Hỷ (15.152 ha), huyện Phú Lương (18.959 ha), huyện Phú Bình (5.853 ha), huyện Võ Nhai (21.975 ha).

- Mức thích nghi trung bình có 60.455 ha. Trong đó: Thành phố Thái Nguyên (3.003 ha), thị xã Phổ Yên (3.186 ha), thành phố Sông Công (1.828 ha), huyện Đại Từ (11.104 ha), huyện Định Hoá (2.616 ha), huyện Đồng Hỷ (10.085 ha), huyện Phú Lương (5.171 ha), huyện Phú Bình (3.550 ha), huyện Võ Nhai (19.911 ha).

1.2. Định hướng sử dụng đất đối với các loại cây trồng để phát triển sản phẩm chủ lực

Trên cơ sở đánh giá phân hạng thích nghi đất đai và thực trạng sử dụng đất của các địa phương, định hướng sử dụng đất đối với các loại cây trồng để phát triển sản phẩm chủ lực như sau:

1.2.1. Định hướng sử dụng đất đối với cây chè

Địa bàn các xã có các điều kiện đất đai phù hợp phát triển cây chè tại các huyện, thị xã, thành phố cụ thể như sau: Thành phố Thái Nguyên (Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu, Thịnh Đức, Phúc Hà, Sơn Cẩm); thành phố Sông Công (Bình Sơn, Bá Xuyên); thị xã Phổ Yên (Phúc Thuận, Phúc Tân, Bắc Sơn, Thành Công, Vạn Phái, Minh Đức); huyện Đồng Hỷ (Văn Hán, Khe Mo, Sông Cầu, Minh Lập, Hòa Bình, Hóa Trung, Hoá Thượng, Văn Lăng, Nam Hòa, Hợp Tiến); huyện Phú Bình (Bàn Đạt, Tân Khánh); huyện Võ Nhai (Liên Minh, Tràng Xá); huyện Đại Từ (Tân Linh, Phú Lạc, Yên Lãng, Hoàng Nông, Lục Ba, Tiên Hội, Phú Cường, Phúc Lương, Hùng Sơn, Bản Ngoại, La Bằng, thị trấn Quân Chu, Tân Thái, Phú Xuyên, Bình Thuận, Khôi Kỳ, Đức Lương, Minh Tiến, Phú Thịnh); huyện Phú Lương (Tức Tranh, Vô Tranh, Phú Đô, Động Đạt, Yên Lạc, Yên Trạch, Yên Ninh, Cổ Lũng); huyện Định Hoá (Sơn Phú, Bình Thành, Điềm Mặc, Phú Đình, Phú Tiến, Thanh Định, Bộc Nhiêu, Bình Yên).

1.2.2. Định hướng sử dụng đất đối với cây ăn quả

Địa bàn các xã có các điều kiện đất đai phù hợp phát triển cây na tại các huyện, cụ thể như sau: Huyện Đồng Hỷ (Quang Sơn, Tân Long); huyện Võ Nhai (La Hiên, Lâu Thượng, Phú Thượng, Tràng Xá, Dân Tiến, Bình Long); huyện Phú Lương (Yên Lạc, Yên Đổ, Yên Ninh); huyện Định Hóa (Phượng Tiến, Tân Dương)

Địa bàn các xã có các điều kiện đất đai phù hợp phát triển cây nhãn tại các huyện, thị xã cụ thể như sau: Thị xã Phổ Yên (Phúc Thuận, Phúc Tân, Minh Đức, Thành Công, Bắc Sơn); huyện Đại Từ (Cát Nê, xã Quân Chu, thị trấn Quân Chu); huyện Đồng Hỷ (Hóa Thượng, Hóa Trung, Tân Long, Khe Mo, Quang Sơn, Hợp Tiến); huyện Võ Nhai (La Hiên, Lâu Thượng, Phú Thượng, Tràng Xá, Dân Tiến); huyện Phú Lương (Động Đạt, Yên Đổ, Yên Ninh)

Địa bàn các xã có các điều kiện đất đai phù hợp phát triển cây bưởi tại các huyện cụ thể như sau: Thị xã Phổ Yên (Phúc Thuận, Phúc Tân, Minh Đức, Thành Công, Bắc Sơn, Vạn Phái); huyện Đồng Hỷ (Văn Hán, Khe Mo, Văn Lăng, Cây Thị, Hợp Tiến, Tân Lợi, Quang Sơn, Tân Long, Nam Hoà); huyện Võ Nhai (Tràng Xá, Dân Tiến, Liên Minh, Phương Giao, Phú Thượng, Lâu Thượng, La Hiên); huyện Đại Từ (Tiên Hội, Bản Ngoại, Hoàng Nông, xã Quân Chu, thị trấn Quân Chu, Minh Tiến, Phúc Lương, Phú Lạc, Cát Nê); huyện Phú Lương (thị trấn Đu, Phấn Mễ, Cổ Lũng, Yên Đổ, Động Đạt, Yên Ninh, Yên Trạch); huyện Phú Bình (Tân Đức, Tân Khánh, Tân Kim, Tân Hòa, Tân Thành, Bàn Đạt); thành phố Sông Công (Bình Sơn, Bá Xuyên, Tân Quang).

1.2.3. Định hướng sử dụng đất trồng rừng

Trồng rừng trên diện tích rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng trồng tại các xã, thị trấn theo quy hoạch lâm nghiệp, trong đó đối với loài cây gỗ lớn sinh trưởng chậm (cây bản địa) trồng chủ yếu ở các huyện: Định Hóa, Võ Nhai, các xã phía Bắc của huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương và địa bàn khu vực rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc...; đối với loài cây sinh trưởng nhanh trồng chủ yếu ở các huyện Phú Bình, thị xã Phổ Yên, thành phố Sông Công, các xã phía Nam của huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương.

1.2.4. Định hướng sử dụng đất đối với cây quế

Địa bàn các xã có các điều kiện đất đai phù hợp phát triển cây quế tại các huyện, cụ thể như sau: huyện Định Hóa (Bình Thành, Tân Thịnh, Quy Kỳ, Phượng Tiến, Phúc Chu, Lam Vĩ, Kim Phượng, Điềm Mạc, Bộc Nhiêu, Bình Yên, Trung Lương, Phú Tiến, Trung Hội, Bảo Linh, Bảo Cường, Thanh Định); huyện Đồng Hỷ (Hợp Tiến, Cây Thị); huyện Võ Nhai (Vũ Chấn, Cúc Đường, Nghinh Tường, Sảng Mộc).

2. Dự báo về dân số, lao động

Căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030; căn cứ vào xu thế phát triển chung trong điều kiện tiến bộ khoa học - công nghệ, công nghệ cao được ứng dụng mạnh mẽ vào sản xuất nông lâm nghiệp.

Dự báo quy mô dân số tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025 có 1.377,3 nghìn người; tốc độ tăng dân số bình quân 1,14%/năm, trong đó dân số ở thành thị khoảng 557,8 nghìn người, chiếm 40,5% tổng dân số; đến năm 2030 có 1.454,7 nghìn người; tốc độ tăng dân số bình quân 1,1%/năm, trong đó dân số ở thành thị khoảng 654,6 nghìn người chiếm 45% tổng dân số.

Dự báo đến năm 2025, lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 32%; lao động trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm 33%; lao động trong lĩnh vực dịch vụ chiếm 35% tổng lao động toàn xã hội; cơ cấu lao động tương ứng trong các lĩnh vực đến năm 2030 là 30%, 34% và 36%.

Lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục được chuyển sang lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ. Dự báo về tình trạng thiếu lao động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; yêu cầu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp qua đào tạo tăng cao, theo hướng sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, có chất lượng, giá trị gia tăng cao, làm việc trong các doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã; làm chủ được tiến bộ khoa học công nghệ; có trình độ quản lý kinh tế trong nông nghiệp; kiến thức về thị trường, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm.

3. Dự báo về biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh

Biến đổi khí hậu có những tác động nhiều chiều đến phát triển kinh tế - xã hội. Theo kịch bản biến đổi khí hậu dưới tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, đến năm 2030 nhiệt độ trung bình có thể tăng thêm 0,7°C, lượng mưa tăng 2%/năm so với giai đoạn 1980 - 1999, đồng thời lượng mưa phân bố ngày càng tập trung vào mùa mưa và ít hơn vào mùa khô. Hằng năm gia tăng hiện tượng thời tiết cực đoan: Bão, lũ, lốc xoáy, sạt lở đất, ngập úng, nắng nóng, rét đậm, rét hại, mưa đá… những thay đổi này tạo ra tác động bất lợi đối với sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản: Sinh trưởng và phát triển và sức đề kháng, chống chịu của cây trồng, vật nuôi, năng suất, sản lượng sản phẩm; bão, lũ làm xói mòn đất nông nghiệp, làm hư hại các công trình thủy lợi… Những tác động gây hại trực tiếp của thiên tai mỗi năm lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia súc gia cầm có xu hướng gia tăng, gây thiệt hại rất lớn cho ngành chăn nuôi. Trong đó, chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, không đảm bảo các điều kiện về vệ sinh thú y phòng bệnh, dễ bị tác động của dịch bệnh hiện còn chiếm tỉ lệ cao (70%). Do vậy trong thời gian tới nguy cơ xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Dịch tả lợn Châu Phi, Lở mồm long móng, cúm gia cầm… có xu hướng tăng mạnh do tiềm ẩn lưu hành của mầm bệnh, việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm ngày càng tăng cao…

Trước những biến đổi cực đoan của thời tiết, khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, đòi hỏi sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phải có những thay đổi để thích ứng như: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thời vụ, quy trình sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; quan tâm đầu tư công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai, hạ tầng sản xuất cây, con giống; quan tâm đầu tư, nâng cao năng lực đối với công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi,…

4. Dự báo về khoa học công nghệ

Với những thành tựu về khoa học, công nghệ phát triển rất nhanh như hiện nay là cơ hội và cũng là thách thức đối với lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản.

Xu hướng ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, công nghệ cao, sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm và đảm bảo phát triển bền vững. Những thành tựu về khoa học, công nghệ được áp dụng rộng rãi trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản trong thời gian tới là: Những quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn, chất lượng theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quốc tế; ứng dụng rộng rãi, hiệu quả công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ thông tin, cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ nhà màng, nhà lưới, tưới tự động, tiết kiệm; chọn tạo nhân giống cây trồng, gia súc, gia cầm, giống thủy sản bằng công nghệ cao, nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô, nhân giống vô tính với cây trồng, thụ tinh nhân tạo gia súc, gia cầm…

5. Dự báo về sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực

5.1. Sản xuất chè

Hiện nay thế giới có 50 quốc gia sản xuất chè và hơn 150 quốc gia tiêu dùng chè với khối lượng lớn. Tổng diện tích chè thế giới đến 2018 gần 4,2 triệu ha. Trung Quốc có diện tích chè lớn nhất thế giới với 2,3 triệu ha, Ấn Độ 628.000 ha, Kenya 236.000 ha và Sri Lanka 202.000 ha, Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về diện tích chè. Sản lượng chè khô thế giới năm 2018 đạt 6.337.968 tấn.

Ở Việt Nam có 34 tỉnh, thành phố trồng chè. Diện tích chè cả nước có xu hướng giảm, tính đến năm 2019 đạt khoảng 123.000 ha. Sản lượng chè búp tươi cả nước năm 2019 đạt 1.019.800 tấn, trong đó miền núi phía Bắc 877.00 tấn, chiếm 86% tổng sản lượng chè búp tươi cả nước. Dự báo đến năm 2025 diện tích chè cả nước ổn định khoảng 130 - 140 nghìn ha; diện tích chè được chứng nhận an toàn tiếp tục tăng;

Ngành chè Việt Nam đang có xu hướng tăng tỷ lệ chế biến chè xanh, chè Ô long và giảm chế biến chè đen. Năm 2019 xuất khẩu chè đen 47%, chè xanh 52%, còn lại là các sản phẩm chè khác. Sản lượng chè xanh của Việt Nam đứng thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc.

5.2. Sản xuất cây ăn quả

Trên thế giới cây ăn quả được sản xuất ở nhiều nước, năm 2018 tổng diện tích là 5.729.931 ha, sản lượng khoảng 900.000 nghìn tấn. Ở Việt Nam, năm 2019, diện tích khoảng 910.000 ha, cho sản lượng trên 9,5 triệu tấn quả các loại. Ở miền Bắc đã hình thành các vùng cây ăn quả tập trung, quy mô lớn như: Vải thiều (Bắc Giang, Hải Dương), nhãn lồng (Hưng Yên, Sơn La), cam (Hà Giang, Hòa Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh), bưởi (Hà Nội, Phú Thọ, Bắc Giang), chuối (Hưng Yên, Phú Thọ), na (Lạng Sơn, Quảng Ninh), xoài (Sơn La), ổi (Hải Dương), …

Cây na: Diện tích na các tỉnh Miền Bắc khoảng 12,7 nghìn ha, sản lượng 97,5 nghìn tấn, trong đó, Lạng Sơn (3,2 nghìn ha), Bắc Giang, Quảng Ninh và Thái Nguyên (khoảng 1.000 ha/tỉnh)…. Đây là cây đặc sản của các vùng sinh thái đặc thù (núi đá vôi) nên ở các tỉnh khác khó có khả năng phát triển, mở rộng diện tích.

Cây nhãn: Từ năm 2017 diện tích nhãn có xu hướng tăng, cả nước đạt khoảng 78,8 nghìn ha. Diện tích nhãn Miền Bắc năm 2018 khoảng 44 nghìn ha. Tỉnh Sơn la có diện tích nhãn lớn nhất 14,6 nghìn ha. Giá trị xuất khẩu nhãn Việt Nam liên tục tăng từ 8,1 triệu USD năm 2010 lên 22,5 triệu USD năm 2016. Dự ước năm 2020 diện tích nhãn cả nước đạt 75,2 nghìn ha, sản lượng 527,5 nghìn tấn. Đến năm 2025 diện tích 79 nghìn ha, sản lượng 596,7 nghìn tấn. Đến 2030 diện tích 80,4 nghìn ha, sản lượng 682,2 nghìn tấn.

Cây bưởi: Năm 2018, diện tích bưởi cả nước đạt khoảng 85,2 nghìn ha, sản lượng 640 nghìn tấn; giá trị xuất khẩu bưởi của Việt Nam năm 2018 đạt trên 4 triệu USD. Dự ước diện tích bưởi cả nước đến năm 2020 đạt 74,9 nghìn ha, sản lượng 818,3 nghìn tấn. Giai đoạn 2013 - 2017 diện tích bưởi tăng nhanh, bình quân 13,4%/ năm (7,2 nghìn ha/năm). Đến năm 2025 diện tích cây bưởi ước đạt 80,4 nghìn ha, sản lượng 913,5 nghìn tấn; đến năm 2030 diện tích ước đạt 85,2 nghìn ha, sản lượng 1.066,2 nghìn tấn.

Xu hướng mỗi địa phương ưu tiên 1 đến 2 loại cây ăn quả chủ lực, trồng tập trung để phát huy tối đa các lợi thế về điều kiện tự nhiên để phát triển, đặc biệt chú trọng yếu tố thị trường; rà soát cơ cấu giống phù hợp, thực hiện rải vụ thu hoạch để phục vụ nội tiêu và xuất khẩu quả tươi cũng như đảm bảo nguyên liệu cho chế biến.

5.3. Sản xuất chăn nuôi lợn, gà

Mặc dù chăn nuôi lợn gà gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh nhưng dự báo trong thời gian tới chăn nuôi lợn, gà trên địa bàn cả nước tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Năm 2020 dự ước sản lượng thịt lợn hơi đạt 3.735,7 nghìn tấn, giá trị sản xuất 107.871 tỷ đồng (giá cố định 2010); thịt gà 1.033,3 nghìn tấn, giá trị sản xuất 50.173 tỷ đồng (giá cố định 2010); trứng gà 8.943,3 triệu quả, giá trị sản xuất 19.926 tỷ đồng (giá cố định 2010).

Dự báo đến năm 2025: Sản lượng thịt lợn hơi 4.450,2 nghìn tấn, giá trị sản xuất 128.503 tỷ đồng (giá cố định 2010); thịt gà 1.360,3 nghìn tấn, giá trị sản xuất 66.053 tỷ đồng (giá cố định 2010); trứng gà 12.023,3 triệu quả, giá trị 24.095 tỷ đồng (giá cố định 2010);

Dự báo đến năm 2030: Sản lượng thịt lợn hơi 5.036,2 nghìn tấn, giá trị sản xuất 145.425 tỷ đồng (giá cố định 2010); thịt gà 1.733,2 nghìn tấn, giá trị sản xuất 84.162 tỷ đồng (giá cố định 2010); trứng gà 16.170 triệu quả, giá trị 32.405 tỷ đồng (giá cố định 2010).

5.4. Sản xuất lâm nghiệp

Thái Nguyên hiện có 179.914,28 ha đất lâm nghiệp, chiếm 51% diện tích tự nhiên của tỉnh, đặc biệt là quỹ đất rừng sản xuất hơn 110.000 ha (chiếm 61% diện tích đất lâm nghiệp) là điều kiện để bảo tồn và phát triển các loại rừng, đặc biệt là rừng gỗ lớn có giá trị.

5.5. Sản xuất quế

Quế chỉ được trồng ở một số ít nước trên thế giới: Indonesia, Trung Quốc, Srilanca và Madagaxca, tại các nước này, quế cũng chỉ phân bố ở một số địa phương có vùng sinh thái nhất định. Theo thống kê của Hiệp hội gia vị thế giới, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về sản lượng quế. Tại Việt Nam, đã hình thành 4 vùng trồng quế lớn: Văn Yên, Văn Chấn (Yên Bái), Trà Mi, Trà Bồng (Quảng Nam); Quế Phong, Quỳ Châu (Nghệ An) và Hải Ninh, Bình Liêu (Quảng Ninh) với diện tích khoảng 150.000 ha.

6. Dự báo về thị trường nông sản

6.1. Thị trường sản phẩm chè

FAO dự báo sản lượng chè đen toàn cầu sẽ tăng 2,2% mỗi năm trong thập kỷ tới, đạt 4,4 triệu tấn vào năm 2027, trong khi đó, sản lượng chè xanh toàn cầu dự báo sẽ còn tăng nhanh hơn, khoảng 7,5% mỗi năm, đạt 3,6 triệu tấn vào năm 2027; đồng thời dự báo trong nhiều thập kỷ tới sẽ có những "khách hàng mới" cho đồ uống chè đó là nhóm tiêu dùng trẻ tuổi ở thành thị. Trung Quốc, nơi chiếm gần 40% tổng tiêu thụ chè toàn cầu và đang sử dụng lượng chè xanh cao nhất. Ngoài ra nhu cầu ở các thị trường khác đang tăng lên.

Xuất khẩu chè của Việt Nam đang có xu hướng tăng về giá bán sản phẩm và kim ngạch xuất khẩu, năm 2019 cả nước xuất khẩu 136.000 tấn, đạt giá trị 235 triệu USD, tăng 6,8% về khối lượng và 13,5% về giá trị so với năm 2018. Giá xuất khẩu chè bình quân đạt 1.730 USD/tấn, tăng 6,2% so với năm 2018. Dự báo giá trị xuất khẩu đến 2025 có thể đạt 300 triệu USD, năm 2030 đạt 400 triệu USD.

Thị trường chè Việt Nam vẫn chủ yếu là 5 thị trường lớn như: Pakistan, Afganistan, Đài Loan, Nga, Indonesia và Trung Quốc, chiếm gần 75% tổng sản lượng xuất khẩu Năm 2019; cả nước có 370 tổ chức, cá nhân xuất khẩu chè sang 74 quốc gia và vùng lãnh thổ với khối lượng gần 140.000 tấn. Các nước sản xuất chè ngày càng quy định chặt chẽ hơn về việc sử dụng hóa chất sẽ khiến sản lượng chè thế giới khó tăng. Ngoài ra, năng suất thấp do nhiều diện tích chè già cỗi cũng cản trở việc tăng sản lượng trong những năm tới.

Về thị hiếu, những năm qua thị trường chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ về thói quen thưởng thức trà của người tiêu dùng. Trước đây người tiêu dùng thích uống trà truyền thống. Tuy nhiên hiện nay có 2 phân khúc đang phát triển rất mạnh, đó là chè thảo mộc và chè chế biến thủ công, truyền thống.

6.2. Thị trường cây ăn quả

Tổ chức FAO đánh giá thị trường tiêu thụ quả (tươi và chế biến) trên thị trường thế giới ngày càng tăng do dân số thế giới và thu nhập tăng khiến nhu cầu rau quả tươi và giá rau quả ngày càng cao. Các nước xuất khẩu quả tập trung chủ yếu là Trung Quốc, Pháp, Indonesia, Thái Lan… các nước nhập khẩu quả chủ yếu là các nước phát triển Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Pháp, Ý, Canađa, Mỹ…

6.2.1. Đối với quả nhãn

Theo thống kê của FAO, sản lượng nhãn của thế giới khoảng 8,7 triệu tấn, Trung Quốc có diện tích 500 nghìn ha, sản lượng 4,2 triệu tấn chủ yếu tiêu dùng trong nước; Thái Lan có diện tích 253 nghìn ha, sản lượng 2,0 triệu tấn; Việt Nam có diện tích 64 nghìn ha, sản lượng 500 nghìn tấn.

Trong khu vực, Việt Nam (cùng với Trung Quốc, Thái Lan) là một trong số ít các quốc gia có lợi thế khí hậu và đất đai để trồng được cây nhãn. Mùa vụ thu hoạch nhãn của Thái Lan là từ tháng 7 đến tháng 9; Trung Quốc từ tháng 5 đến tháng 7; vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam có lợi thế rải vụ nhãn được quanh năm. Sản xuất nhãn ở Miền Bắc đang có xu hướng hình thành cơ cấu giống rải vụ thu hoạch thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm quả tươi cho thị trường nội địa và xuất khẩu (nhóm chín sớm, chính vụ và chín muộn). Giá trị xuất khẩu nhãn Việt Nam liên tục tăng thời gian gần đây, từ 8,1 triệu USD năm 2010 lên 22,5 triệu USD năm 2016, tuy vậy nhãn không thuộc nhóm quả có giá trị xuất khẩu lớn trên thế giới.

6.2.2. Đối với quả bưởi

Theo FAOSTAT năm 2016, các quốc gia có sản lượng bưởi lớn là Trung Quốc (4 triệu tấn), Mỹ (1,2 triệu tấn), Việt Nam 0,5 triệu tấn và Mê- Hi- Cô (0,4 triệu tấn); giá thành bưởi ở Việt Nam thấp nhất được coi là lợi thế cạnh tranh về sản xuất (355 USD/tấn). Chất lượng bưởi Trung Quốc không bằng Việt Nam và chỉ có thể thu hoạch vào mùa chính từ tháng 9 đến tháng 12, còn ở Việt Nam cho thu hoạch quanh năm. Do đó bưởi của Việt Nam (nhất là bưởi Da xanh) có lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu bưởi toàn thế giới không lớn, khoảng 1,1 - 1,2 tỷ USD/năm. Giá trị xuất khẩu bưởi tươi của Việt Nam có xu hướng tăng (đạt 3 triệu USD năm 2017, trên 4 triệu USD năm 2018).

Dự báo trong thời gian tới, thị trường cây ăn quả nội địa tiếp tục được mở rộng, giữ vững thị trường xuất khẩu lớn (thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới); những rào cản tiếp tục được đàm phán tháo gỡ. Cơ hội xuất khẩu trái cây Việt Nam sang các thị trường được mở rộng.

6.3. Thị trường sản phẩm chăn nuôi

Năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020 sản phẩm thịt lợn thế giới và trong nước khủng hoảng về giá và thiếu hụt nguồn cung khi dịch tả lợn Châu Phi bùng phát tại nhiều nơi trên thế giới. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng thịt lợn thế giới năm 2019 ước đạt 106 triệu tấn, giảm hơn 6% so với năm 2018. EU vẫn là nhà cung cấp thịt lợn lớn nhất với khối lượng xuất khẩu tăng hơn 24% so với năm 2018, lên 3,65 triệu tấn. Khối lượng thịt lợn xuất khẩu của Hoa Kỳ tăng 7% so với năm 2018, lên 2,9 triệu tấn trong 2019; trong khi xuất khẩu thịt lợn của Canada giảm nhẹ 0,07%, xuống còn 1,33 triệu tấn.

Dự báo đến mức tiêu thụ ở nước ta: 4,7 triệu tấn vào năm 2025 và 5,5 triệu tấn thịt hơi vào năm 2030; 12 tỷ quả trứng vào năm 2025 và 14 tỷ quả trứng vào năm 2030.

6.4. Thị trường sản phẩm gỗ

Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gỗ hàng năm tăng, năm 2015 đạt 7,1 tỷ USD, năm 2019 đạt 11,3 tỉ USD, tăng 59,2% so với năm 2015, năm 2020 ước đạt 12 tỷ USD, tăng 69% so với năm 2015.

Từ chỗ chỉ tập trung để tái xuất khẩu sang một nước thứ ba, đến nay các sản phẩm gỗ chế biến của Việt Nam đã có mặt ổn định ở trên 140 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới với nhiều doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu sang các thị trường dành cho người tiêu dùng. Trong đó, thị trường xuất khẩu lâm sản chính là Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước EU. Thống kê đến nay, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 5 thế giới, thứ 2 Châu Á và đứng đầu các nước khu vực Đông Nam Á về xuất khẩu lâm sản.

Tuy nhiên, thị trường trong nước với sức tiêu thụ của gần 100 triệu người dân có nhu cầu ngày càng tăng cao, ước tính khoảng 1 - 2 tỷ USD/năm lại đang chưa được chú ý đúng mức.

6.5. Thị trường sản phẩm quế

Quế được tiêu thụ mạnh ở các thị trường Ấn Độ, Trung Đông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và các nước châu Âu đạt doanh thu xuất khẩu khoảng 400 triệu USD/năm. Vỏ quế và tinh dầu quế ngày càng được sử dụng nhiều trong công nghiệp y dược, công nghiệp chế biến thực phẩm, hương liệu và chăn nuôi ở trên thế giới, nhiều nhất là ở các nước Hồi giáo, Trung Quốc….

7. Dự báo về hội nhập và hợp tác quốc tế

Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO từ năm 2007, đã có nhiều cơ hội cho nông sản xuất khẩu, tuy nhiên cũng phải đối mặt với nhiều thách thức lớn:

- Nông sản hàng hoá lưu hành phải đồng bộ về chất lượng nên không thích hợp với kiểu canh tác phân tán, manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay.

- Nông sản phải có chứng nhận “Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt - GAP” hoặc “Thực hành chế biến tốt - GMP”… là những quy trình bắt buộc phải tuân thủ khi muốn xuất bán sản phẩm ra nước ngoài.

- Nông sản, hàng hóa phải có những chứng minh về nguồn gốc, chất lượng, vừa phải đồng nhất (giống, kích cỡ, màu sắc, bao bì, nhãn mác) để bảo đảm chất lượng cao.

- Nhiều rào cản kỹ thuật do các nước nhập khẩu dựng lên.

- Để hỗ trợ cho cạnh tranh, giá cả là yếu tố quyết định cuối cùng. Nếu không được hỗ trợ trong quản lý, “luật chơi” này sẽ ép nông dân bán sản phẩm với giá rẻ.

Các hiệp định: EVFTA và TPP đã được ký kết, các nước tham gia sẽ nâng cao các hàng rào phi thuế quan nghiêm ngặt hơn. Hàng loạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm tại những thị trường lớn như Mỹ, Nhật, EU… khá khắt khe:

- Đối với ngành chăn nuôi, khi EVFTA và TPP mở cửa thì những sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh khốc liệt.

- Việc giảm thuế đối với các nước thành viên EVFTA và TPP làm gia tăng nhanh chóng nguồn hàng nhập khẩu từ các nước EVFTA và TPP vào Việt Nam do giá thành rẻ hơn, chất lượng và mẫu mã đa dạng hơn.

- Để bảo hộ hàng hóa trong nước, Việt Nam tất yếu cũng sẽ áp dụng các hàng rào phi thuế quan. Theo đó, nếu các biện pháp vệ sinh dịch tễ không hiệu quả, chúng ta sẽ trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm chất lượng kém, trong khi lại không bảo vệ được sản xuất trong nước.

II. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG

1. Quan điểm phát triển

- Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên phải dựa vào tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm nông, lâm nghiệp của các huyện, thành phố, thị xã và của cả tỉnh;

- Sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, vốn đầu tư, lao động; phát triển sản xuất theo hướng hiện đại; đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, công nghệ cao, coi đây là một giải pháp mang tính then chốt đảm bảo phát triển có bước đột phá, hiệu quả, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; sản xuất sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo nhu cầu của thị trường;

- Chủ thể đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực là doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ. Trong đó nhà nước đóng vai trò xây dựng thể chế, quản lý, định hướng phát triển và ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ.

2. Định hướng phát triển

- Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 theo hướng sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, đối với những cây trồng, vật nuôi thế mạnh, đặc sản; hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh; sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ; chú trọng công tác phòng trừ sâu, bệnh hại cây trồng, dịch bệnh vật nuôi, môi trường nông nghiệp, nông thôn; nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới;

- Tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất đối với những cây trồng, vật nuôi có tiềm năng lợi thế và hiệu quả kinh tế cao ở những nơi có điều kiện; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất tạo điều kiện bố trí đất đai để phát triển các sản phẩm chủ lực;

- Sản xuất vùng nguyên liệu gắn với chế biến, bảo quản sản phẩm; phát triển công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu, chế biến công nghệ cao, đa dạng hóa sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng, gắn với thị trường tiêu thụ.

- Phát triển sản xuất gắn với đổi mới hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; hình thành chuỗi giá trị liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Xác lập được các vùng sản xuất sản phẩm chủ lực tập trung; thực hiện hiệu quả đồng bộ các giải pháp về bố trí đất đai, ứng dụng khoa học và công nghệ, tổ chức sản xuất… và những cơ chế chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, nhằm hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu nhiệm vụ về quy mô sản xuất, sản lượng và giá trị sản xuất đối với sản phẩm chủ lực đã đề ra; góp phần hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 21/10/2019 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên về phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2030; đẩy mạnh tăng trưởng bền vững ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, góp phần phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới.

2. Mục tiêu cụ thể đối với các sản phẩm chủ lực

2.1. Sản phẩm chè

- Diện tích chè đến 2025 đạt 23.500 ha, sản lượng chè búp tươi đạt 273.000 tấn; năm 2030: 24.500 ha, sản lượng 292.000 tấn.

- Giá trị sản phẩm chè đến năm 2025 đạt 7.976 tỷ đồng, năm 2030 đạt 9.440 tỷ đồng (giá hiện hành);

- Giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng chè đến năm 2025 đạt 350 triệu đồng/ha, năm 2030 đạt 400 triệu đồng/ha (giá hiện hành);

2.2. Sản phẩm quả

- Đến năm 2025 diện tích cây na 1.530 ha, sản lượng 13.300 tấn; cây nhãn 2.360 ha, sản lượng 9.850 tấn; cây bưởi 2.370 ha, sản lượng 21.500 tấn; năm 2030 diện tích cây na 2030 ha, sản lượng 18.500 tấn; cây nhãn 2.660 ha, sản lượng 11.300 tấn; cây bưởi 2.570 ha, sản lượng 23.400 tấn.

- Giá trị sản phẩm các cây ăn quả chủ lực (giá hiện hành):

Giá trị sản phẩm na đến năm 2025 đạt 381 tỷ đồng; năm 2030 đạt 574 tỷ đồng;

Giá trị sản phẩm nhãn đến năm 2025 đạt 345 tỷ đồng; năm 2030 đạt 550 tỷ đồng;

Giá trị sản phẩm bưởi đến năm 2025 đạt 433 tỷ đồng; năm 2030 đạt 523 tỷ đồng;

- Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng cây ăn quả chủ lực (giá hiện hành):

Cây na đến năm 2025: 298 triệu đồng/ha, năm 2030: 330 triệu đồng/ha;

Cây nhãn đến năm 2025: 210 triệu đồng/ha, năm 2030: 250 triệu đồng/ha;

Cây bưởi đến năm 2025: 252 triệu đồng/ha, năm 2030: 280 triệu đồng/ha;

2.3. Sản phẩm thịt lợn

- Đến năm 2025 tổng đàn lợn 750.000 con, sản lượng thịt hơi 110.000 tấn; năm 2030 tổng đàn lợn 900.000 con, sản lượng thịt hơi 132.000 tấn;

- Giá trị sản phẩm thịt lợn hơi đến năm 2025 đạt 4.400 tỷ đồng, năm 2030 đạt 5.236 tỷ đồng (giá hiện hành).

2.4. Sản phẩm thịt gà và trứng gà

- Đến năm 2025 tổng đàn gà 15 triệu con, sản lượng thịt hơi 52.515 tấn, sản lượng trứng 450 triệu quả; năm 2030 tổng đàn gà 15,5 triệu con, sản lượng thịt hơi 56.000 tấn, sản lượng trứng 470 triệu quả.

- Giá trị sản phẩm gà năm 2025 đạt 5.438 tỷ đồng, năm 2030 đạt 6.471 tỷ đồng (giá hiện hành).

2.5. Sản phẩm gỗ

- Diện tích rừng gỗ lớn và diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đến năm 2025 đạt 10% tổng diện tích rừng trồng sản xuất, năm 2030 đạt 30%;

- Giá trị sản phẩm gỗ đến năm 2025 đạt 2.438 tỷ đồng, trong đó giá trị sản phẩm gỗ lớn đạt 1.125 tỷ đồng (giá hiện hành); năm 2030 đạt 10.919 tỷ đồng, trong đó giá trị sản phẩm gỗ lớn đạt 7.169 tỷ đồng (giá hiện hành).

Giá trị sản phẩm gỗ lớn trên một chu kỳ sản xuất đối với cây sinh trưởng nhanh là 225 triệu đồng/ha/chu kỳ; đối với cây sinh trưởng chậm là 430 triệu đồng/ha/chu kỳ; giá trị sản phẩm gỗ nhỏ là 75 triệu đồng/ha/chu kỳ.

2.6. Sản phẩm quế

- Diện tích quế toàn tỉnh đến năm 2025 đạt 6.500 ha, năm 2030 đạt 11.500 ha.

- Giá trị sản phẩm quế đến năm 2025 đạt 1.261 tỷ đồng, năm 2030 đạt 3.149 tỷ đồng (giá hiện hành);

- Giá trị sản phẩm thu được trên 1 chu kỳ sản xuất (giá hiện hành) đến năm 2025 đạt 425 triệu đồng/ha/chu kỳ (10 năm); năm 2030 đạt 1.000 triệu đồng/ha/chu kỳ (15 năm).

IV. NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP CHỦ LỰC

1. Sản phẩm chè

1.1. Định hướng chung

Sản xuất chè tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 chủ yếu theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, tiếp tục mở rộng thêm diện tích đối với nơi có điều kiện; chế biến chè truyền thống, chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường; nâng cao sức cạnh tranh thương hiệu chè Thái Nguyên thị trường tiềm năng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

1.2. Định hướng vùng sản xuất tập trung

- Thành phố Thái Nguyên: Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu, Thịnh Đức, Phúc Hà, Sơn Cẩm.

- Thành phố Sông Công: Bình Sơn, Bá Xuyên.

- Thị xã Phổ Yên: Phúc Thuận, Phúc Tân, Bắc Sơn, Thành Công, Vạn Phái, Minh Đức.

- Huyện Đại Từ: Tân Linh, Phú Lạc, Yên Lãng, Hoàng Nông, Tiên Hội, Phú Cường, Phúc Lương, Bản Ngoại, La Bằng, TT Quân Chu, Tân Thái, Phú Xuyên, Đức Lương, Minh Tiến, Phú Thịnh.

- Huyện Đồng Hỷ: Văn Hán, Khe Mo, Sông Cầu, Minh Lập, Hòa Bình, Hóa Trung, Hoá Thượng, Văn Lăng, Nam Hòa, Hợp Tiến.

- Huyện Phú Lương: Tức Tranh, Vô Tranh, Yên Lạc, Phú Đô, Động Đạt, Yên Ninh, Yên Trạch, Cổ Lũng.

- Huyện Định Hóa: Bình Thành, Sơn Phú, Điềm Mặc, Thanh Định, Phú Đình, Thanh Định, Bộc Nhiêu, Bình Yên.

- Huyện Võ Nhai: Liên Minh, Tràng Xá.

1.3. Mở rộng diện tích gắn với chuyển đổi cơ cấu giống

- Giai đoạn 2021-2025 trồng mới 1.100 ha để mở rộng diện tích chè đến năm 2025 đạt 23.500 ha (diện tích đến năm 2020 là 22.396 ha), trồng thay thế 1.050 ha để đến năm 2025 diện tích giống mới chiếm 85% tổng diện tích chè toàn tỉnh; giai đoạn 2026 - 2030 trồng mới 1.000 ha để mở rộng diện tích chè đến năm 2030 đạt 24.500 ha, trồng thay thế 1.070 ha chè để đến năm 2030 diện tích chè giống mới đạt 90% tổng diện tích (diện tích giống chè Trung du còn 10%).

- Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống chè, trong đó trồng mới và trồng thay thế giống chè già cỗi, năng suất, chất lượng thấp bằng những giống chống chịu sâu, bệnh, năng suất, chất lượng cao. Giai đoạn 2021 - 2025 cần 38,7 triệu cây giống chè cho trồng mới và trồng thay thế; giai đoạn 2026 - 2030 cần 37,3 triệu cây giống chè cho trồng mới và trồng thay thế. Dự kiến cơ cấu giống chè trồng mới, trồng thay thế gồm: Giống chè kim tuyên, hương bắc sơn, LDP1, TRI777, VN2, VN15, TRI5.0...

- Bố trí, chuyển đổi khoảng 2.100 ha đất phục vụ cho trồng mới chè từ đất đồi bãi, đất trồng lúa và cây ăn quả kém hiệu quả, đất rừng sản xuất. Trên cơ sở kế hoạch trồng mới, các huyện, thành, thị chủ động rà soát lại quỹ đất, xây dựng kế hoạch bố trí, chuyển đổi đất.

1.4. Ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ

- Tăng cường sử dụng những giống chè mới có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện của tỉnh Thái Nguyên; áp dụng quy trình trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại tiên tiến, hiệu quả; mở rộng diện tích ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm. Đến năm 2025, diện tích chè ứng dụng hệ thống tưới nước chủ động, tiết kiệm đạt 8.120 ha, chiếm 35% diện tích chè toàn tỉnh (tăng thêm 3.397 ha so với năm 2020); đến năm 2030 đạt 12.000 ha, chiếm gần 50% diện tích chè toàn tỉnh (tăng thêm 3.880 ha so với năm 2025).

- Mở rộng diện tích sản xuất chè theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ chủ yếu ở những vùng chè tập trung của tỉnh. Giai đoạn 2021 - 2025 diện tích sản xuất chè theo tiêu chuẩn GAP đạt 6.000 ha (chiếm 25,5% tổng diện tích chè), diện tích sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ đạt 235 ha (chiếm 1% tổng diện tích chè). Giai đoạn 2026 - 2030 diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn GAP đạt 12.500 ha (chiếm 51% tổng diện tích chè), diện tích sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ đạt 500 ha (chiếm 2% tổng diện tích chè).

1.5. Chế biến, bảo quản sản phẩm

- Chế biến chè chủ yếu theo hướng sản xuất chè xanh chất lượng cao, gắn với vùng nguyên liệu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong chế biến gắn với bảo quản sản phẩm. Chú trọng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng cao đối với nhóm sản phẩm chế biến theo phương pháp thủ công truyền thống; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển chế biến sâu, chế biến ứng dụng công nghệ cao tạo ra đa dạng hóa sản phẩm có giá trị gia tăng cao như: Chế biến chè túi lọc, chè mat- cha, nước uống từ chè, tinh chất chè, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, bánh, kẹo từ chè,…

- Nâng cao tỷ lệ chế biến thành phẩm, có bao bì, nhãn mác, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, công bố chất lượng sản phẩm.

- Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, thực hiện quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn. Chú trọng quản lý an toàn thực phẩm đối với các cơ sở chế biến chè quy mô hợp tác xã, nông hộ.

1.6. Hợp tác, liên kết trong sản xuất chế biến, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm

- Xây dựng, quản lý, phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên; 100% sản phẩm chè do doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, có thương hiệu riêng, mã số vùng trồng.

- Định kỳ tổ chức festival, lễ hội, hội thảo, hội chợ chè Thái Nguyên ở cấp tỉnh, cấp huyện; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các chương trình xúc tiến thương mại về chè ở trong và ngoài nước.

- Đẩy mạnh thành lập mới, mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, làng nghề sản xuất kinh doanh chè, mục tiêu đến 2025 mỗi xã thuộc vùng trọng điểm sản xuất tập trung có ít nhất từ 3 hợp tác xã sản xuất kinh doanh chè, mỗi huyện, thành phố, thị xã ít nhất có 1 liên hiệp hợp tác xã sản xuất kinh doanh chè.

- Thành lập các chuỗi hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ trong sản xuất, chế biến, kinh doanh chè.

2. Sản phẩm quả

2.1. Định hướng chung

Phát triển cây ăn quả tỉnh Thái Nguyên theo hướng tập trung vào những loại cây ăn quả thế mạnh, đặc sản của tỉnh (na, nhãn, bưởi). Mở rộng diện tích, hình thành các vùng sản xuất tập trung, thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ; sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, GAP, hữu cơ;

2.2. Định hướng các vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực tập trung

2.2.1. Cây na

- Huyện Võ Nhai: La Hiên, Lâu Thượng, Phú Thượng, Tràng Xá, Dân Tiến, Bình Long.

- Huyện Đồng Hỷ: Quang Sơn, Tân Long.

- Huyện Phú Lương: Yên Lạc, Yên Đổ, Yên Ninh.

- Huyện Định Hóa: Phượng Tiến, Tân Dương.

2.2.2. Cây nhãn

- Thị xã Phổ Yên: Phúc Thuận, Phúc Tân, Minh Đức, Thành Công, Bắc Sơn.

- Huyện Đại Từ: Cát Nê, xã Quân Chu, thị trấn Quân Chu.

- Huyện Đồng Hỷ: Hóa Thượng, Hóa Trung, Tân Long, Khe Mo, Quang Sơn, Hợp Tiến

- Huyện Võ Nhai: La Hiên, Lâu thượng, Phú Thượng, Dân Tiến, Tràng Xá.

- Huyện Phú Lương: Phấn Mễ, Động Đạt, Yên Đổ, Yên Ninh, Ôn Lương, Hợp Thành.

2.2.3. Cây bưởi

- Thị xã Phổ Yên: Phúc Thuận, Phúc Tân, Minh Đức, Thành Công, Bắc Sơn, Vạn Phái.

- Huyện Đại Từ: Tiên Hội, Bản Ngoại, Hoàng Nông, xã Quân Chu, thị trấn Quân Chu.

- Huyện Võ Nhai: Tràng Xá, Dân Tiến, Liên Minh, Phương Giao, Phú Thượng, Lâu Thượng.

- Huyện Phú Lương: Phấn Mễ, Động Đạt, Yên Đổ, Yên Ninh, Cổ Lũng, thị trấn Đu.

- Huyện Đồng Hỷ: Hợp Tiến, Văn Hán, Khe Mo, Văn Lăng, Cây Thị, Tân Lợi, Tân Long, Nam Hoà

- Huyện Phú Bình: Tân Đức, Tân Khánh, Tân Kim, Tân Hòa, Tân Thành, Bàn Đạt.

- Thành phố Sông Công: Bình Sơn, Bá Xuyên, Tân Quang.

2.3. Mở rộng diện tích cây ăn quả chủ lực

- Mở rộng diện tích cây ăn quả đối với cây na, nhãn, bưởi:

Cây na: Dự kiến đến năm 2025 diện tích đạt 1.530 ha (tăng thêm 700 ha so với năm 2020), sản lượng 13.300 tấn (tăng thêm 5.993 tấn so với năm 2020); đến năm 2030 diện tích đạt 2030 ha (tăng thêm 500 ha so với năm 2025), sản lượng 18.500 tấn (tăng thêm 11.193 tấn so với năm 2020).

Cây nhãn: Dự kiến đến năm 2025 diện tích đạt 2.360 ha (tăng thêm 600 ha so với năm 2020), sản lượng 9.850 tấn (tăng thêm 2.690 tấn so với năm 2020); đến năm 2030 diện tích đạt 2.660 ha (tăng thêm 300 ha so năm 2025), sản lượng 11.300 tấn (tăng thêm 4.140 tấn so với năm 2020).

Cây bưởi: Dự kiến đến năm 2025 diện tích đạt 2.370 ha (tăng thêm 500 ha so với năm 2020), sản lượng 21.500 tấn (tăng thêm 5.120 tấn so với năm 2020); đến năm 2030 diện tích đạt 2.570 ha (tăng thêm 200 ha so với năm 2025), sản lượng 23.400 tấn (tăng thêm 7.020 tấn so với năm 2020).

- Tổng sản lượng na, nhãn, bưởi đến năm 2025 đạt 44.650 tấn, tăng 13.810 tấn so với năm 2020; đến năm 2030, tổng sản lượng đạt 53.200 tấn, tăng 22.360 tấn (gấp 1,72 lần) so với năm 2020 (năm 2020 đạt 30.840 tấn), chiếm 44,3% tổng sản lượng cây ăn quả các loại của toàn tỉnh.

- Nhu cầu cây giống phục vụ trồng mới:

Giai đoạn 2021-2025: 600.000 cây na giống; 244.000 cây nhãn giống; 263.000 cây bưởi giống;

Giai đoạn 2026-2030: 417.000 cây na giống; 126.000 cây nhãn giống; 105.000 cây bưởi giống.

- Giống cây ăn quả phục vụ trồng mới là những giống có năng suất, chất lượng, giá trị, hiệu quả kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ tốt. Cơ cấu giống cây ăn quả dự kiến gồm:

Giống na: Chủ yếu sử dụng giống na dai Võ Nhai và từng bước đưa vào trồng thử nghiệm để có thể nhân rộng với các giống na Thái Lan, na Đài Loan…

Giống nhãn: Nhãn lồng Hưng Yên (chính vụ, chín sớm, chín muộn), PH- S99-1, PH-M99-2.1 (nhãn hương chi), …

Giống bưởi: Bưởi Diễn, bưởi Da Xanh, bưởi Phúc Trạch, …

- Để mở rộng diện tích, xây dựng vùng sản xuất tập trung giai đoạn 2021 - 2030 toàn tỉnh bố trí 2.780 ha đất (giai đoạn 2021-2025: 1.780 ha; giai đoạn 2026 - 2030: 1.000 ha). Quỹ đất bố trí từ đất trồng lúa và đất trồng cây ăn quả khác hiệu quả thấp, vườn tạp, đất rừng sản xuất chuyển đổi. Trên cơ sở kế hoạch trồng mới, các huyện, thành, thị chủ động rà soát lại quỹ đất, xây dựng kế hoạch bố trí, chuyển đổi đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; khuyến khích, hướng dẫn các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, nông hộ chuyển đổi cơ cấu giống, sản xuất cây ăn quả theo hướng chuyên canh, thâm canh đối với những cây trồng chủ lực phù hợp để hình thành các vùng sản xuất tập trung, hiệu quả kinh tế cao.

2.4. Ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ

- Sử dụng giống cây ăn quả mới có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện của tỉnh Thái Nguyên; áp dụng quy trình trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại tiên tiến, hiệu quả; áp dụng tiến bộ kỹ thuật canh tác rải vụ; phát triển ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm hiệu quả.

- Diện tích sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ ưu tiên những vùng sản xuất na, nhãn, bưởi tập trung. Diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ đến năm 2025 là 1.600 ha (hữu cơ 100 ha; GAP 1.500 ha), 25,5% tổng diện tích na, nhãn, bưởi. Diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ đến năm 2030 là 2.600 ha, chiếm 35,8% tổng diện tích na, nhãn, bưởi, tăng thêm so với năm 2025 là 1.000 ha.

3. Sản phẩm thịt lợn, thịt gà và trứng gà

3.1. Định hướng chung

Phát triển chăn nuôi lợn, gà ở Thái Nguyên theo hướng hiện đại, bền vững; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm thịt trên thị trường trong nước và phấn đấu đủ điều kiện để xuất khẩu; tiếp tục tăng quy mô đàn ở những nơi có điều kiện; tăng tỷ trọng chăn nuôi trang trại; chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh, môi trường chăn nuôi; ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; phát triển chăn nuôi gắn với xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm.

3.2. Xác định vùng sản xuất chăn nuôi tập trung

Vùng chăn nuôi tập trung, trang trại theo quy hoạch phát triển chăn nuôi của các huyện, thành phố, thị xã; thực hiện nghiêm chỉnh quy định về vùng không được phép chăn nuôi, dịch chuyển chăn nuôi ra xa đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, khu du lịch, vùng nước đầu nguồn, các vùng quy hoạch sản xuất chè tập trung có thương hiệu nổi tiếng của tỉnh. Chủ yếu phát triển ở các huyện có quỹ đất rộng như: Đại Từ, Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ, Phú Bình, thị xã Phổ Yên…

3.3. Mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng giống

- Đàn lợn: Đến năm 2025 tổng đàn 750.000 con, sản lượng thịt hơi 110.000 tấn, tăng 25% so với năm 2020; đến năm 2030 tổng đàn 900.000 con, sản lượng 130.000 tấn, tăng 50% so với năm 2020.

- Đàn gà và trứng gà: Đến năm 2025 tổng đàn 15.000 nghìn con, sản lượng thịt gà hơi 52.515 tấn, tăng 16% so với năm 2020; đến năm 2030 tổng đàn 15.500 nghìn con, sản lượng 56.000 tấn, tăng 23,6% so với năm 2020. Sản lượng trứng gà năm 2025 đạt 450 triệu quả, năm 2030 đạt 470 triệu quả.

- Nâng cao tỷ lệ đàn nái ngoại và nái lai, đến năm 2025 đạt 80% (nái ngoại 30%, nái lai 50%) với các giống lợn ngoại cao sản chủ yếu như: Yorkshine, Landrace, Duroc, Pietrain…; tiếp tục nâng cao chất lượng con giống trong chăn nuôi nông hộ, nâng cao tỷ lệ thụ tinh nhân tạo đạt 90% (năm 2020 là 70%).

- Tăng tỷ lệ sử dụng các giống gà lông màu, giống gà bản địa có chất lượng và giá trị kinh tế cao 90% (các giống gà hướng thịt, trứng và kiêm dụng như: Ross, Leghorn, Sasso, Lương phượng, Ai Cập, AA, Isa, Hisex brown, Ri...); đẩy mạnh phát triển các cơ sở sản xuất giống (ông, bà, bố mẹ), ứng dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo trong chăn nuôi gà.

- Tăng cường công tác quản lý chất lượng con giống: Rà soát, thống kê, công bố chất lượng con giống, công bố hợp quy trang trại chăn nuôi, cấp giấy chứng nhận đủ điệu kiện chăn nuôi, thanh tra, kiểm tra theo quy định.

3.4. Ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm và môi trường

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ về giống, công nghệ chuồng trại, quy trình chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh và xử lý môi trường trong chăn nuôi.

Nâng cao năng lực, hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh động vật; thực hiện đồng bộ các biện pháp đảm bảo không xảy ra các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên diện rộng; nâng cao tỷ lệ tiêm phòng vacxin các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với đàn lợn, gà đạt trên 80% tổng đàn; đẩy mạnh áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học; xây dựng vùng an toàn dịch bệnh.

Đến năm 2025 chăn nuôi lợn, gà an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh chiếm 70% tổng đàn, đến năm 2030 chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh chiếm 80% tổng đàn; áp dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý môi trường chăn nuôi, sử dụng phân bón hữu cơ cho ngành trồng trọt.

3.5. Phát triển chăn nuôi trang trại tập trung

Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển chăn nuôi trang trại theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo yêu cầu về môi trường.

- Trang trại chăn nuôi lợn: Số lượng trang trại tăng bình quân 5%/năm; đến năm 2025 sản lượng thịt hơi thuộc các trang trại chiếm 40% tổng sản lượng, đến năm 2030 chiếm 50% tổng sản lượng.

- Trang trại chăn nuôi gà: Số lượng trang trại tăng bình quân 5%/năm; đến năm 2025 sản lượng thịt hơi thuộc các trang trại chiếm 45% tổng sản lượng, đến năm 2030 chiếm 55% tổng sản lượng.

- Căn cứ quy hoạch phát triển chăn nuôi, các huyện, thành phố, thị xã chủ động rà soát kế hoạch sử dụng đất nông, lâm nghiệp, bố trí đầy đủ đất đai phục vụ phát triển chăn nuôi trang trại tập trung.

3.6. Phát triển sản xuất chăn nuôi lợn, gà theo chuỗi, gắn với giết mổ và tiêu thụ sản phẩm

Xây dựng chuỗi cung cấp sản phẩm thịt lợn, gà an toàn, chất lượng; thành lập các hợp tác xã chăn nuôi an toàn, VietGAP, hữu cơ cung cấp sản phẩm cho chuỗi; tiếp tục thực hiện hiệu quả đề án quản lý, xây dựng hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm; thiết lập hệ thống tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, gà an toàn gồm các chợ, siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể; xây dựng cơ sở dữ liệu, website kết nối người sản xuất với người tiêu dùng theo hướng thương mại điện tử. Thực hiện hiệu quả chính sách hiện hành về hỗ trợ hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; phấn đấu thu hút được các doanh nghiệp lớn đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến thịt gia súc, gia cầm trên địa bàn.

4. Sản phẩm gỗ

4.1. Định hướng chung

Đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, gắn trồng rừng gỗ lớn với chương trình bảo vệ và phát triển rừng, phát triển công nghiệp chế biến gỗ và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Trồng rừng gỗ lớn tập trung vào các địa phương có diện tích rừng sản xuất lớn, theo hướng trồng cây gỗ lớn, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn. Định hướng vùng sản xuất tập trung thuộc các huyện: Định Hóa, Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Lương, Đại Từ, Phú Bình, thị xã Phổ Yên, thành phố Sông Công. Sản xuất theo hướng trồng cây gỗ lớn, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn (kéo dài chu kỳ sản xuất cây keo).

4.2. Xác định địa điểm, quy mô sản xuất các vùng trồng rừng gỗ lớn

- Rà soát lại số liệu 3 loại rừng theo tiêu chí quy định tại Luật Lâm nghiệp, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Lâm nghiệp. Thực hiện rà soát chuyển đổi đất, rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang phát triển rừng sản xuất để phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương theo hướng tăng diện tích rừng sản xuất nhằm phát triển kinh tế rừng; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý rừng bền vững bằng công nghệ viễn thám và GIS (Geographic Information System).

- Giai đoạn 2021-2025 trồng rừng gỗ lớn 2.000 ha, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn 5.000 ha. Năng suất rừng trồng đạt trên 12 m3/ha/năm, trữ lượng trên 150 m3/ha/chu kỳ 12 năm. Nâng giá trị trên 1 ha rừng trồng gỗ lớn tăng từ 2,5 - 3 lần so với rừng nguyên liệu gỗ nhỏ; giá trị sản xuất ước đạt 225 triệu/ha/chu kỳ; định hướng trồng rừng gỗ lớn và chuyển hoá rừng ở các huyện: Phú Lương 1.500 ha, Định Hóa 1.000 ha, Võ Nhai 800 ha; Đồng Hỷ 1.500 ha, Đại Từ 1.500 ha, Phú Bình 300 ha, thị xã Phổ Yên 300 ha, thành phố Sông Công 100 ha.

- Giai đoạn 2026 - 2030 trồng rừng gỗ lớn là 14.000 ha,năng suất đạt trên 14 m3/ha/năm, trữ lượng khai thác trên 180 m3/ha/chu kỳ 12 năm; giá trị đạt 320 triệu đồng/ha/chu kỳ; định hướng trồng rừng gỗ lớn ở các huyện: Đồng Hỷ 3.000 ha, Định Hóa 2.500 ha, Phú Lương 3.000 ha, Võ Nhai 2.500 ha, huyện Đại Từ 2.000 ha, Phú Bình 400 ha, thị xã Phổ Yên 400 ha, thành phố Sông Công 200 ha.

4.3. Ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, kỹ thuật trong sản xuất và chế biến gỗ

- Giống, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm: Sử dụng các giống quốc gia và quản lý chặt chẽ nguồn gốc cây giống trồng rừng theo đúng quy định. Loại giống sử dụng chủ yếu: Keo Lá Tràm - Clt 26; Keo Tai Tượng - AM127, AM81, keo lai - AH1 và BV71...; giống cây sinh trưởng chậm: Trám Trắng, Trám Đen, Lát Hoa, Lim Xanh, Giổi Xanh, Sấu... Cơ cấu giống và quy trình kỹ thuật theo khuyến cáo và hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT.

- Thực hiện quy trình kỹ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn theo quyết định số 2962/QĐ-BNN-TCLN ngày 30/7/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, quy trình kỹ thuật trồng quế theo tiêu chuẩn hữu cơ (TCVN 11041-1:2017 và TCVN 11041-2: 2017) và theo quy trình kỹ thuật của các loài đã được công bố. Diện tích được cấp chứng chỉ rừng đạt khoảng 1.400 ha (năm 2025) và 4.000 ha (năm 2030). Tỷ lệ gỗ lớn (gỗ xẻ có đường kính ≥ 20 cm) vào chế biến tinh, sâu từ 45 - 50% (giai đoạn 2026 - 2030).

- Chế biến gỗ:

Xây dựng mới 01 nhà máy chế biến gỗ và ván sợi công nghệ MDF hiện đại đồng bộ để chế biến sản phẩm gỗ theo chuỗi tại Khu công nghiệp Điềm Thụy, công suất 50.000 m3 sản phẩm/năm; nhà máy sản xuất ván gỗ dán tại thành phố Thái Nguyên, công suất 30.000 m3 sản phẩm/năm; nhà máy sản xuất viên gỗ nén tại huyện Định Hóa, công suất 3.000 tấn sản phẩm /năm; Nhà máy chế biến gỗ Đại Từ, công suất 30.600 m3 sản phẩm ván dán/năm.

Phát triển công nghiệp chế biến lâm sản với quy mô, công suất phù hợp, ứng dụng công nghệ hiện đại, đa dạng các sản phẩm, tăng cường năng lực thiết kế, tạo dáng, mẫu mã sản phẩm, xúc tiến thương mại nhằm giảm tỷ lệ sản phẩm chế biến thô, sản phẩm chế biến từ nguyên liệu gỗ nhỏ, giảm cơ sở chế biến quy mô nhỏ thủ công. Đến năm 2025 tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm chế biến tinh, sâu để xuất khẩu chiếm trên 40% và 60% tiêu thụ nội địa. Đến 2030 tiếp tục nâng cao chất lượng, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong chế biến, hạn chế xuất khẩu thô nhằm tăng giá trị xuất khẩu; phấn đấu xuất khẩu 60% tổng số mặt hàng đồ gỗ.

- Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất lâm nghiệp như: Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ trong sản xuất, chế biến gỗ, tiêu thụ sản phẩm; đảm bảo diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

5. Sản phẩm quế

5.1. Định hướng chung

Hình thành vùng trồng quế tập trung, theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, quảng bá thương hiệu quế và các sản phẩm chế biến từ quế đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

5.2. Xác định địa điểm, quy mô sản xuất các vùng trồng cây quế

- Định hướng vùng sản xuất tập trung tại các xã thuộc huyện Định Hóa: Xã Bộc Nhiêu, Lam Vĩ, Trung Lương, Phúc Chu, Phú Tiến, Trung Hội, Phượng Tiến, Bảo Linh, Bảo Cường, Kim Phượng, Quy Kỳ, Bình Thành...; huyện Võ Nhai: Vũ Chấn, Cúc Đường, Nghinh Tường, Sảng Mộc.

- Giai đoạn 2021-2025: Trồng 3.800 ha cây quế (huyện Định Hóa 3.300 ha, huyện Võ Nhai 500 ha), diện tích cây quế đến năm 2025 là 6.500 ha (huyện Định Hóa 6.000 ha, huyện Võ Nhai 500 ha).

- Giai đoạn 2026-2030: Trồng 5.000 ha cây quế (huyện Định Hóa 4.000 ha, huyện Võ Nhai 1.000 ha), diện tích cây quế đến năm 2030 là 11.500 ha (huyện Định Hóa 10.000 ha, huyện Võ Nhai 1.500 ha).

5.3. Ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, kỹ thuật trong sản xuất và chế biến

- Giống, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm: Giống quế được đưa vào trồng phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, cây giống được sản xuất tại các vườn ươm giống đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận vườn và cây giống đủ điều kiện tiêu chuẩn theo quy định; kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch thực hiện theo tiêu chuẩn ngành: 04 TCN 23-2000, quy phạm kỹ thuật trồng quế (ban hành theo Quyết định số 05/2000/QĐ-BNN/KHCN ngày 25/01/2000 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và điều kiện thực tế tại địa phương. Chủ yếu sử dụng giống quế Văn Yên lá nhỏ.

- Chế biến quế: Xây dựng mới 01 nhà máy chế biến các sản phẩm từ cây quế tại huyện Định Hóa, công suất 10.000 tấn nguyên liệu/năm.

V. GIẢI PHÁP CHUNG PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP CHỦ LỰC

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thông tin tuyên truyền

Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp chính quyền trong triển khai thực hiện đề án gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 21/10/2019 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2019 - 2025 và định hướng đến năm 2030, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; thực hiện hiệu quả chính sách thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

2. Công tác quy hoạch, bố trí đất đai, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ các vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản của toàn ngành và của các huyện, thành, thị phù hợp với Đề án phát triển các sản phẩm chủ lực. Đồng thời rà soát lại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông, lâm nghiệp, thủy sản. Căn cứ vào kết quả đánh giá phân hạng thích hợp đất đai đối với từng loại cây trồng, xây dựng, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025 và định hướng giai đoạn tiếp theo, đảm bảo bố trí đủ quỹ đất phục vụ kế hoạch phát triển các vùng sản xuất tập trung đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; xây dựng kế hoạch dồn điền đổi thửa, chuyển đổi đất lúa, đất rừng sản xuất và các loại đất khác để phát triển mở rộng các vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp chủ lực: Trồng chè, cây ăn quả, phát triển chăn nuôi tập trung. Có cơ chế chuyển đổi một phần diện tích đất rừng sản xuất là rừng trồng sang trồng chè và cây ăn quả.

Đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; ưu tiên phát triển hệ thống đường giao thông, công trình thủy lợi, điện,… trong vùng sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

3. Đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, công nghệ cao vào sản xuất sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, vật liệu mới, công nghệ thông tin, cơ khí hóa, tự động hóa, công nghệ tưới tiết kiệm. Sản xuất, sử dụng giống cây trồng vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao, thích ứng biến đổi khí hậu, đề kháng mạnh với sâu bệnh hại trên cây trồng, dịch bệnh trên đàn vật nuôi; đẩy mạnh áp dụng quy trình sản xuất an toàn, chất lượng. Mở rộng đột phá về quy mô diện tích, sản lượng sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ; áp dụng hiệu quả công nghệ tiên tiến về công nghệ sau thu hoạch, chế biến và bảo quản sản phẩm…

4. Phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản

Xác định sản phẩm chủ lực có thế mạnh để chế biến, cơ cấu sản phẩm chế biến; lựa chọn công nghệ chế biến, bảo quản tiên tiến, hiệu quả phù hợp với sản phẩm chủ lực. Gắn chế biến sản phẩm với vùng nguyên liệu tập trung và công nghệ bảo quản sản phẩm. Ưu tiên chế biến tinh, chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm có giá trị gia tăng cao, theo nhu cầu thị trường tiêu thụ, nhất là đối với sản phẩm chè và thịt; ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong giết mổ, chế biến đa dạng hóa sản phẩm thịt lợn, gà để nâng cao giá trị gia tăng gắn với chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn.

5. Xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm

Tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh: Các sản phẩm chè, cây ăn quả (na, nhãn, bưởi), sản phẩm thịt lợn, gà và sản phẩm gỗ, quế (trọng tâm là các sản phẩm chè), theo hướng xây dựng “thương hiệu mạnh”, đảm bảo ưu thế cạnh tranh trên thị trường. Rà soát, tăng cường quản lý chặt chẽ, hiệu quả nhãn hiệu “chè Thái Nguyên”; củng cố phát triển chỉ dẫn địa lý chè “Tân Cương” và các nhãn hiệu khác: Chè La Bằng, chè Trại Cài, chè Tức Tranh, na Võ Nhai, gà đồi Phú Bình, nhãn Phúc Thuận (thị xã Phổ Yên), bưởi Tràng Xá (huyện Võ Nhai), bưởi Tiên Hội (huyện Đại Từ)… Xây dựng và thực thi quy định về quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm chủ lực mang thương hiệu của Thái Nguyên.

Gắn xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực với đảm bảo nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng sức cạnh tranh thị trường của sản phẩm; hợp tác liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; kết hợp xây dựng và quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm với các hoạt động văn hóa, du lịch; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm với nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả: Định kỳ tổ chức festival, lễ hội, hội thảo, hội chợ đối với các sản phẩm chủ lực; thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các chương trình xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp chủ lực ở trong và ngoài nước; xây dựng các trung tâm xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm OCOP; xây dựng trung tâm giới thiệu, trưng bày, quảng bá sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh.

6. Phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Rà soát, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hiện có. Khuyến khích, hỗ trợ để đẩy mạnh thành lập mới các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tại các vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp chủ lực tập trung: Các vùng sản xuất chè, quả, chăn nuôi lợn, gà… xây dựng và thực hiện hiệu quả các dự án hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ trong sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm gắn với chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn;

Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ, khả năng làm chủ khoa học, công nghệ, trình độ quản lý kinh tế ở các doanh nghiệp, hợp tác xã để phục vụ phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực; nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, tập trung đào tạo nghề sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa đối với lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã.

Nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với xây dựng, quảng bá thương hiệu và phát triển liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị là những giải pháp căn cơ, bền vững, đảm bảo ổn định giá cả và hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm.

7. Giải pháp về vốn, tín dụng

Hệ thống tín dụng đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Thực hiện hiệu quả chính sách ưu đãi tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân được tiếp cận với các nguồn vốn, nhất là khi sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn về thiên tai, dịch bệnh, giá cả thị trường.

8. Tăng cường hiệu lực hiệu quả công tác quản lý nhà nước

Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp như Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi, Luật Lâm nghiệp, Luật An toàn thực phẩm… và những quy định của pháp luật liên quan; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; phòng chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi; quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn; quản lý môi trường sản xuất, chế biến nông sản; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

9. Giải pháp về cơ chế chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Thực hiện hiệu quả cơ chế chính sách đã ban hành, nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác. Tiếp tục rà soát điều chỉnh, bổ sung chính sách mới nhằm thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực theo hướng hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về đất đai trong sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi đất lúa, đất rừng sản xuất, bố trí đất đai phát triển chăn nuôi tập trung; ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ sản xuất sản phẩm hàng hóa, an toàn, chất lượng, hỗ trợ phát triển chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến công nghệ cao và bảo quản sản phẩm; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá, xây dựng liên kết, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất tập trung (hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, giống cây trồng, vật nuôi).

Đẩy mạnh, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

VI. CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH, HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP CHỦ LỰC

Những chính sách chung khuyến khích, hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực tỉnh Thái Nguyên thực hiện theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 23/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và những chính sách hiện hành của Trung ương và của tỉnh Thái Nguyên, đồng thời thực hiện các chính sách được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 15/2020/NQ-HĐND ngày 11/12/2020 để khuyến khích, hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, cụ thể như sau:

1. Chính sách hỗ trợ phát triển chè

1.1. Nội dung và mức hỗ trợ

- Hỗ trợ 100% kinh phí chứng nhận tiêu chuẩn GAP lần đầu, nhưng không quá 6 triệu đồng/ha; 50% kinh phí cấp lại lần đầu chứng nhận tiêu chuẩn GAP, nhưng không quá 2 triệu đồng/ha.

- Hỗ trợ 100% kinh phí chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ lần đầu, nhưng không quá 60 triệu đồng/ha; 50% kinh phí cấp lại lần đầu chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ, nhưng không quá 20 triệu đồng/ha.

- Hỗ trợ 40% chi phí đầu tư phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học, chế phẩm sinh học sản xuất chè hữu cơ trong 3 năm, nhưng không quá 16 triệu đồng/ha/năm với quy mô tối thiểu 5 ha.

- Hỗ trợ một lần 40% chi phí đầu tư công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho chè, nhưng không quá 20 triệu đồng/ha, quy mô sản xuất tối thiểu 2 ha.

- Hỗ trợ một lần, mức hỗ trợ 50% giá mua máy móc, thiết bị chế biến, đóng gói, bảo quản chè (máy sao chè bằng gas, máy sao chè điện, máy chế biến chè túi lọc, máy chế biến chè mat-cha, thiết bị bảo quản lạnh…), nhưng không quá 500 triệu đồng/cơ sở.

1.2. Đối tượng và điều kiện hỗ trợ

Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, nông hộ liên kết sản xuất.

Đối với hỗ trợ giá mua máy móc, thiết bị chế biến, đóng gói, bảo quản chè: Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.

2. Chính sách hỗ trợ phát triển cây ăn quả tập trung

2.1. Nội dung và mức hỗ trợ

- Hỗ trợ 100% giá cây giống tiến bộ kỹ thuật trồng mới cây na, nhãn, bưởi.

- Hỗ trợ 100% kinh phí chứng nhận tiêu chuẩn GAP lần đầu, nhưng không quá 6 triệu đồng/ha; 50% kinh phí cấp lại lần đầu chứng nhận tiêu chuẩn GAP, nhưng không quá 2 triệu đồng/ha.

- Hỗ trợ 100% kinh phí chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ lần đầu, nhưng không quá 55 triệu đồng/ha; 50% kinh phí cấp lại lần đầu chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ, nhưng không quá 18 triệu đồng/ha.

- Hỗ trợ 40% chi phí đầu tư phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học, chế phẩm sinh học trong sản xuất cây ăn quả (na, nhãn, bưởi) hữu cơ trong 3 năm, nhưng không quá 15 triệu đồng/ha/năm, quy mô sản xuất tối thiểu 02 ha.

- Hỗ trợ một lần 40% chi phí đầu tư công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cây ăn quả (na, nhãn, bưởi), hỗ trợ không quá 20 triệu đồng/ha, quy mô sản xuất tối thiểu 02 ha.

- Hỗ trợ giá mua máy móc, thiết bị sơ chế, chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm quả. Hỗ trợ một lần, mức hỗ trợ bằng 50% giá trị máy móc thiết bị, phù hợp với quy mô sản xuất, sơ chế, chế biến, đóng gói, bảo quản nhưng không quá 500 triệu đồng/doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác.

2.2. Đối tượng và điều kiện hỗ trợ

Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, nông hộ sản xuất các sản phẩm quả na, nhãn, bưởi theo các vùng sản xuất của đề án.

Đối với hỗ trợ giá mua máy móc, thiết bị sơ chế, đóng gói, bảo quản sản phẩm quả: Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.

3. Chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi lợn, gà

3.1. Hỗ trợ công tác tiêm phòng vac xin cho đàn lợn, gà

Hỗ trợ 100% tiền mua vắc xin tiêm phòng bệnh lở mồm long móng gia súc, bệnh tai xanh ở lợn, cúm gia cầm và các dịch bệnh nguy hiểm khác cho các trại giống của tỉnh và các cơ sở chăn nuôi nông hộ có quy mô dưới 10 đơn vị vật nuôi.

3.2. Hỗ trợ chứng nhận cơ sở chăn nuôi lợn, gà an toàn dịch bệnh

Hỗ trợ lần đầu 30% phí xét nghiệm mẫu và 100% phí thẩm định để cấp giấy chứng nhận cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

3.3. Hỗ trợ chăn nuôi theo tiêu chuẩn GAP

- Nội dung và mức hỗ trợ: Hỗ trợ 100% kinh phí chứng nhận lần đầu, nhưng không quá 60 triệu đồng/trang trại lợn, 50 triệu đồng/trang trại gà.

- Điều kiện hỗ trợ: Trang trại chăn nuôi thuộc kế hoạch/dự án xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh hoặc tham gia kế hoạch/dự án chuỗi cung ứng sản phẩm thịt lợn, gà an toàn. Không hỗ trợ các trang trại có vốn liên danh, liên kết với nước ngoài.

3.4. Hỗ trợ xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm

- Tiếp tục thực hiện theo cơ chế, chính sách tại Nghị quyết số 12/2017/NĐ- HĐND ngày 08/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua đề án “Quản lý và xây dựng hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”.

- Hỗ trợ một lần 50% chi phí điểm bán sản phẩm thịt lợn, gà an toàn của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm (bao gồm kinh phí xây dựng, thuê địa điểm, mua thiết bị), nhưng tối đa không quá 50 triệu đồng/điểm.

- Điều kiện hỗ trợ: Điểm bán sản phẩm thịt lợn, gà an toàn thuộc kế hoạch/dự án chuỗi cung ứng sản phẩm thịt lợn, gà an toàn của các cơ sở giết mổ được hoạt động theo quy hoạch.

3.5. Hỗ trợ làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi

- Hỗ trợ một lần 70% đệm lót sinh học (đệm lót và chế phẩm sinh học) cho chăn nuôi nông hộ từ 2 đơn vị vật nuôi trở lên và trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ, nhưng tối đa không quá 5 triệu đồng/hộ, không quá 15 triệu đồng/trang trại quy mô nhỏ.

- Điều kiện hỗ trợ: Hộ chăn nuôi, trang trại quy mô nhỏ thuộc kế hoạch/dự án xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh hoặc tham gia kế hoạch/dự án chuỗi cung ứng sản phẩm thịt lợn, gà an toàn.

4. Chính sách hỗ trợ phát triển trồng rừng gỗ lớn

4.1. Nội dung và mức hỗ trợ

- Hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn bằng cây sinh trưởng chậm (Trám Trắng, Trám Đen, Lát Hoa, Lim Xanh, Giổi Xanh, Sấu...): Hỗ trợ một lần 15 triệu đồng/ha.

- Hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn bằng cây sinh trưởng nhanh (cây keo): Hỗ trợ một lần 10 triệu đồng/ha.

- Hỗ trợ chuyển hóa rừng keo từ gỗ nhỏ sang gỗ lớn: Hỗ trợ công khoán bảo vệ rừng từ năm thứ 4 đến năm thứ 10 (7 năm, theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ), mức hỗ trợ 2,8 triệu đồng/ha/7năm, bình quân 400.000 đồng/ha/năm.

4.2. Đối tượng và điều kiện hỗ trợ

- Đối tượng: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn đầu tư và hưởng lợi trực tiếp từ trồng rừng và khai thác rừng.

- Điều kiện hỗ trợ: Chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng phải có đất quy hoạch trồng rừng sản xuất được cấp có thẩm quyền giao hoặc được thuê, được giao khoán hoặc sử dụng ổn định, lâu dài, không có tranh chấp.

5. Chính sách hỗ trợ phát triển cây quế

5.1. Nội dung và mức hỗ trợ

Hỗ trợ một lần 50% giá cây quế giống, nhưng không quá 5 triệu đồng/ha.

5.2. Đối tượng và điều kiện hỗ trợ

- Đối tượng: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn đầu tư và hưởng lợi trực tiếp từ trồng và khai thác quế.

- Điều kiện hỗ trợ: Chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn phải có đất quy hoạch trồng rừng sản xuất hoặc đất có điều kiện lập địa phù hợp trồng cây quế được cấp có thẩm quyền giao hoặc được thuê, được giao khoán hoặc sử dụng ổn định, lâu dài, không có tranh chấp.

6. Chính sách hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững

- Hỗ trợ một lần 100% kinh phí cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, nhưng không quá 01 triệu đồng/ha.

- Đối tượng: Nhóm hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã.

- Điều kiện hỗ trợ: Chủ rừng phải có đất quy hoạch trồng rừng sản xuất được cấp có thẩm quyền giao hoặc được thuê, được giao khoán hoặc sử dụng ổn định, lâu dài, không có tranh chấp.

7. Chính sách hỗ trợ quảng cáo, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực

7.1. Nội dung và mức hỗ trợ

- Hỗ trợ tham gia hội chợ, triển lãm trong nước và nước ngoài, gồm: Thuê mặt bằng, thiết kế, dàn dựng gian hàng, trình diễn sản phẩm, tài liệu quảng bá sản phẩm, chi phí đi lại, vận chuyển hàng hóa. Mức hỗ trợ 50% chi phí tham gia hội chợ, triển lãm, nhưng không quá 10 triệu đồng/đơn vị tham gia hội chợ, triển lãm trong nước và không quá 200 triệu đồng/đơn vị tham gia hội chợ, triển lãm ở nước ngoài. Hỗ trợ không quá hai lần/đơn vị/năm đối với tham gia trong nước; không quá một lần/đơn vị/năm đối với tham gia ở nước ngoài.

- Hỗ trợ xây dựng thương hiệu quảng bá sản phẩm chủ lực, gồm: Xây dựng thương hiệu, chi phí quảng cáo, kết nối cung cầu. Mức hỗ trợ 100 triệu đồng/thương hiệu sản phẩm.

7.2. Đối tượng và điều kiện hỗ trợ

Doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.

8. Hỗ trợ xây dựng liên kết chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực

8.1. Nội dung và mức hỗ trợ

- Hỗ trợ 100% chi phí lấy mẫu, xét nghiệm, phân tích để xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn lần đầu;

- Hỗ trợ 100% chi phí mua tem truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác sản phẩm.

8.2. Đối tượng và điều kiện hỗ trợ

Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, nông hộ sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.

9. Hỗ trợ tuyên truyền, đào tạo, tập huấn phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Hỗ trợ 100% kinh phí tuyên truyền, truyền thông, đào tạo tập huấn.

VII. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1.1. Dự toán kinh phí hỗ trợ phát triển sản phẩm chè: 285.952 triệu đồng

(1) Hỗ trợ chứng nhận GAP: 63.992 triệu đồng (lần đầu: 58.992 triệu đồng; cấp lại lần đầu 5.000 triệu đồng)

(2) Hỗ trợ chứng nhận hữu cơ: 23.900 triệu đồng (cấp lần đầu: 21.900 triệu đồng; cấp lại lần đầu 2.000 triệu đồng)

(3) Hỗ trợ phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học, chế phẩm sinh học trong sản xuất chè hữu cơ: 17.520 triệu đồng

(4) Hỗ trợ chi phí đầu tư công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước: 145.540 triệu đồng

(5) Hỗ trợ giá mua máy móc, thiết bị chế biến, đóng gói, bảo quản: 35.000 triệu đồng

1.2. Dự toán kinh phí hỗ trợ phát triển sản phẩm quả na, nhãn, bưởi: 87.296 triệu đồng

(1) Hỗ trợ giá cây giống tiến bộ kỹ thuật trồng mới cây ăn quả: 39.900 triệu đồng (na: 18.000 triệu đồng; nhãn: 13.500 triệu đồng; bưởi: 8.400 triệu đồng)

(2) Hỗ trợ chứng nhận GAP: 14.316 triệu đồng (lần đầu: 11.916 triệu đồng; cấp lại lần đầu: 2.400 triệu đồng)

(3) Hỗ trợ chứng nhận hữu cơ: 12.080 triệu đồng (cấp lần đầu: 11.000 triệu đồng; cấp lại lần đầu 1.080 triệu đồng)

(4) Hỗ trợ phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học, chế phẩm sinh học trong sản xuất cây ăn quả (na, nhãn, bưởi) hữu cơ: 9.000 triệu đồng

(5) Hỗ trợ chi phí đầu tư công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước: 8.000 triệu đồng

(6) Hỗ trợ giá mua máy móc, thiết bị sơ chế, đóng gói, bảo quản sản phẩm quả: 4.000 triệu đồng

1.3. Dự toán kinh phí hỗ trợ phát triển sản phẩm thịt lợn, gà: 163.690 triệu đồng

(1) Hỗ trợ công tác tiêm phòng vacxin cho đàn lợn, gà: 71.570 triệu đồng

(2) Hỗ trợ chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh: 4.120 triệu đồng

(3) Hỗ trợ chứng nhận cơ sở chăn nuôi lợn, gà VietGAP: 25.000 triệu đồng

(4) Hỗ trợ điểm bán sản phẩm thịt gà, lợn an toàn: 5.000 triệu đồng

(5) Hỗ trợ xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm: 48.000 triệu đồng

(6) Hỗ trợ đệm lót sinh học chăn nuôi lợn, gà: 10.000 triệu đồng

1.4. Dự toán kinh phí hỗ trợ phát triển sản phẩm gỗ: 196.500 trong đó:

(1) Kinh phí hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn bằng cây bản địa (trám trắng, trám đen, lát hoa, lim xanh, giổi xanh, sấu...): 67.500 triệu đồng

(2) Kinh phí hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn bằng cây keo: 115.000 triệu đồng

(3) Kinh phí hỗ trợ chuyển hóa rừng keo từ gỗ nhỏ sang gỗ lớn: 14.000 triệu đồng

1.5. Dự toán kinh phí hỗ trợ phát triển sản phẩm quế: 44.000 triệu đồng

(1) Kinh phí hỗ trợ giá cây quế giống: 44.000 triệu đồng

1.6. Dự toán kinh phí hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững: 4.000 triệu đồng

(1) Kinh phí cấp chứng chỉ lần đầu: 4.000 triệu đồng

1.7. Dự toán kinh phí hỗ trợ quảng cáo, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực: 47.000 triệu đồng

(1) Kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp chủ lực tham gia hội chợ, triển lãm trong nước và ngoài nước: 7.000 triệu đồng.

(2) Kinh phí hỗ trợ chi phí quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh: 5.000 triệu đồng

(3) Kinh phí tổ chức festival, hội chợ, triển lãm giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh: 20.000 triệu đồng

(4) Xây dựng trung tâm giới thiệu, trưng bày, quảng bá sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh: 15.000 triệu đồng

1.8. Hỗ trợ xây dựng liên kết chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực: 25.000 triệu đồng

1.9. Hỗ trợ tuyên truyền, đào tạo, tập huấn phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực: 4.000 triệu đồng

2. Tổng kinh phí, nguồn và phân kỳ kinh phí thực hiện

2.1. Khái toán tổng kinh phí thực hiện: 6.460.379 triệu đồng

- Ngân sách nhà nước: 857.438 triệu đồng (trong đó: Vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới: 120.000 triệu đồng; vốn Chương trình đầu tư phát triển lâm nghiệp bền vững: 160.000 triệu đồng; vốn NSNN khác: 577.438 triệu đồng)

- Nguồn vốn hợp pháp khác: 5.602.941 triệu đồng

2.2. Phân kỳ kinh phí thực hiện

- Kinh phí giai đoạn 2021-2025: 2.274.091 triệu đồng, trong đó:

Ngân sách nhà nước: 339.837 triệu đồng (trong đó: Vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới: 60.000 triệu đồng; vốn Chương trình đầu tư phát triển lâm nghiệp bền vững: 30.000 triệu đồng; vốn NSNN khác: 249.837 triệu đồng)

Nguồn vốn hợp pháp khác: 1.934.254 triệu đồng

- Kinh phí giai đoạn 2026-2030: 4.186.288 triệu đồng, trong đó:

Ngân sách nhà nước: 517.601 triệu đồng (trong đó: Vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới: 60.000 triệu đồng; vốn Chương trình đầu tư phát triển lâm nghiệp bền vững: 130.000 triệu đồng; vốn NSNN khác: 327.601 triệu đồng)

Nguồn vốn hợp pháp khác: 3.668.687 triệu đồng.

VIII. HIỆU QUẢ CỦA ĐỀ ÁN

1. Hiệu quả kinh tế

Kết quả thực hiện đề án phát triển sản phẩm chủ lực sẽ tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với các cây trồng, vật nuôi thế mạnh, chủ lực của tỉnh; các sản phẩm chủ lực có sản lượng lớn, chất lượng, giá trị gia tăng cao, có thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu;

Nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, lao động, vốn đầu tư và hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới trên địa bàn;

Đề án được triển khai sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh; tạo điều kiện để đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, công nghệ cao vào sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; thu hút đầu tư, đẩy mạnh hợp tác, liên kết và nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp, các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực đầu tư sản xuất nông nghiệp; góp phần thúc đẩy phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh.

2. Hiệu quả xã hội

Giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, nhất là người dân ở miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, góp phần ổn định đời sống và an sinh xã hội.

Tạo sự chuyển biến về nhận thức trong sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, chuyển mạnh từ nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

3. Hiệu quả về môi trường

Sản xuất nông nghiệp hướng tới một nền nông nghiệp xanh, sạch và bền vững là một trong những phương thức hữu hiệu, hạn chế đến mức thấp nhất các yếu tố nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên; giảm thiểu ô nhiễm môi trường thông qua áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất; hạn chế dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; cải thiện môi trường sinh thái góp phần ổn định và nâng cao tỷ lệ che phủ rừng.

PHẦN THỨ BA

TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Là cơ quan thường trực thực hiện Đề án, chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và các ngành có liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện đề án hàng năm đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, dự trù kinh phí thực hiện, trình Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh bố trí kinh phí để triển khai thực hiện đề án.

- Hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, thời vụ, quy trình kỹ thuật sản xuất; chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ; tham mưu, chỉ đạo xây dựng kế hoạch sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, kế hoạch cung ứng vật tư đầu vào cho sản xuất; phối hợp với Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành định mức giá giống cây trồng, vật nuôi hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực;

- Phối hợp với Sở Tài Nguyên và Môi trường xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông, lâm nghiệp theo nhu cầu để phát triển các sản phẩm chủ lực;

- Phối hợp với Sở Y tế, Sở Công thương, các sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã thực hiện công tác quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm theo phân công, phân cấp;

- Phối hợp với Liên minh hợp tác xã, các huyện, thành phố, thị xã phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động ở các doanh nghiệp, hợp tác xã và cho lao động nông thôn;

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các ngành liên quan, các huyện, thành phố, thị xã rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách cho phù hợp với các quy định của trung ương và các chính sách đặc thù của tỉnh; trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các dự án hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; hàng năm rà soát, tham mưu ban hành danh mục các dự án khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và tổ chức các hoạt động xúc tiến, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh;

- Tham mưu sơ kết, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện đề án, tham mưu đề xuất điều chỉnh, bổ sung mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp, giải quyết khó khăn vướng mắc trong thực hiện.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các sở ngành liên quan và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm, kế hoạch vốn đầu tư, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các dự án hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; hàng năm rà soát, tham mưu ban hành danh mục các dự án khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và tổ chức các hoạt động xúc tiến, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh; rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản.

3. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực;

Căn cứ khả năng của ngân sách, tham mưu, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối, bố trí nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ thực hiện đề án theo quy định.

4. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp và phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm theo hướng tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào nông nghiệp; hướng dẫn chuyển đổi mục đích sử dụng đất; quản lý, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đáp ứng nhu cầu phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.

6. Sở Công thương

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tham mưu triển khai các chính sách hỗ trợ và thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại và khuyến công; xây dựng các kênh tiêu thụ, kết nối cung cầu giữa vùng sản xuất với hệ thống phân phối trong và ngoài nước; hỗ trợ nông dân kết nối với các doanh nghiệp chế biến, hệ thống tiêu thụ sản phẩm, từng bước hình thành mạng sản xuất và chuỗi cung ứng khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ; hỗ trợ xây dựng bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc; phối hợp hỗ trợ xây dựng một số điểm giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm tại một số địa phương trong và ngoài tỉnh; quảng bá, xúc tiến xuất khẩu đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.

7. Sở Khoa học và Công nghệ

Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, khảo nghiệm, thử nghiệm, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, hiệu quả trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp đối với sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp chủ lực; ưu tiên bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học của tỉnh và trung ương phục vụ chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, công nghệ cao để phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tăng cường tập huấn, kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện sở hữu trí tuệ, quản lý, sử dụng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

8. Sở Y tế

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công thương, các sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã thực hiện công tác quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm theo phân công, phân cấp;

Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng liên kết chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, đưa sản phẩm nông nghiệp vào các bếp ăn tập thể, chợ, siêu thị,...

9. Liên minh Hợp tác xã

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập mới, nâng chất lượng, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp; thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; hỗ trợ phát triển mô hình hợp tác, liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

10. Hội Nông dân tỉnh

Chỉ đạo Hội Nông dân các cấp trong tỉnh tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia đầu tư, phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.

Chỉ đạo và tổ chức thực hiện xây dựng các mô hình liên kết sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; hỗ trợ xây dựng, quản lý thương hiệu, nhãn hiệu tập thể các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; hỗ trợ vốn vay từ các nguồn quỹ do Hội quản lý cho hội viên, nông dân đầu tư phát triển sản xuất; kết nối, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

11. Các Sở, Ban, ngành liên quan

Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo, triển khai thực hiện Đề án.

12. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã

- Chủ trì tổ chức thực hiện đề án trên địa bàn cấp huyện theo mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế chính sách đã được phê duyệt; chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện đề án;

- Căn cứ đề án được phê duyệt, xây dựng kế hoạch hàng năm và kế hoạch 5 năm thực hiện đề án trên địa bàn; căn cứ đánh giá phân hạng thích hợp đất đai và định hướng sản xuất các cây trồng chủ lực chủ động xây dựng kế hoạch sử dụng đất, bố trí quỹ đất nông, lâm nghiệp, kinh phí và các nguồn lực khác để phục vụ phát triển các sản phẩm chủ lực trên địa bàn; chỉ đạo kế hoạch giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, hiệu quả theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tăng quy mô sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao; phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, nhất là đối với vùng sản xuất sản phẩm hàng hóa tập trung; chỉ đạo, hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng dự án liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng thương hiệu, hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm; xây dựng kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trong các doanh nghiệp, hợp tác xã,...

- Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

13. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp của tỉnh

Thực hiện tốt chức năng giám sát, vận động nhân dân thực hiện tốt nội dung Đề án; lựa chọn, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả để vận động đoàn viên, hội viên tích cực hưởng ứng tham gia thực hiện.

Trên đây là nội dung Đề án Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030./.

 

 

 



1 Theo Quyết định số 1518/QĐ-UBND ngày 10/7/2014 của UBND tỉnh Thái Nguyên về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Thái Nguyên năm 2013 và đến năm 2020; Quyết định số 2500/QĐ-UBND ngày 5/11/2014 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc điều chỉnh một số nội dung Quyết định số 1518/QĐ-UBND ngày 10/7/2014 của UBND tỉnh Thái Nguyên.

2 Theo Quyết định số 1423/QĐ-BNN-TCLN ngày 15/4/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về phê duyệt hiện trạng rừng toàn quốc năm 2019.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 139/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Đề án Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 139/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 19/01/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thái Nguyên
  • Người ký: Dương Văn Lượng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/01/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản