Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/2019/NQ-HĐND

Thái Nguyên, ngày 23 tháng 7 năm 2019

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ VÀO NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
KHÓA XIII, KỲ HỌP THỨ 9

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật hợp tác xã ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai;

Căn cứ Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ.

Căn cứ Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Đầu tư;

Căn cứ Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ về khuyến nông;

Căn cứ Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về Nông nghiệp hữu cơ;

Căn cứ Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng;

Căn cứ Thông tư số 04/2018/TT-BKHĐT ngày 06 tháng 12 năm 2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

Xét Tờ trình số 86/TTr-UBND ngày 25 tháng 6 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên về việc đề nghị thông qua Quy định chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế - ngân sách; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ hợp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Quy định chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Điều 2. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 21/2016/NQ-HĐND ngày 12/8/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Quy định chính sách hỗ trợ đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2016-2020 và bãi bỏ khoản 2, Điều 1, Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐND ngày 18/5/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017-2020.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên khóa XIII, Kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 23 tháng 7 năm 2019 và có hiệu lực từ ngày 15 tháng 8 năm 2019./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Báo cáo);
- Chính phủ (Báo cáo);
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (Báo cáo);
- Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp (Kiểm tra);
- Thường trực Tỉnh ủy (Báo cáo);
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Ủy ban MTTQ tỉnh;
- Các đại biểu HĐND tỉnh khóa XIII;
- Tòa án nhân dân tỉnh;
- Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh;
- Cục Thi hành án dân sự tỉnh;
- Kiểm toán Nhà nước Khu vực X;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh;
- Lãnh đạo Văn phòng HĐND tỉnh;
- TT.HĐND, UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Báo Thái Nguyên; Trung tâm Thông tin tỉnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Bùi Xuân Hòa

 

QUY ĐỊNH

CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ VÀO NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số: 05/2019/NQ-HĐND ngày 23 tháng 7 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng; chính sách hỗ trợ thực hiện “dồn điền đổi thửa”; chính sách ưu đãi hỗ trợ hợp tác, liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) đạt chứng nhận; chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học - công nghệ vào phát triển nông nghiệp an toàn, theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Các nội dung khác không quy định trong Nghị quyết này thực hiện theo quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (sau đây gọi là Nghị định số 57/2018/NĐ-CP); Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (sau đây gọi là Nghị định số 98/2018/NĐ-CP) và các quy định hiện hành.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Doanh nghiệp có dự án đầu tư quy định tại Khoản 3, 4, 5 Điều 3 Nghị định số 57/2018/NĐ-CP;

2. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

3. Nông dân, tổ hợp tác, chủ trang trại, người được ủy quyền đối với hộ nông dân;

4. Cá nhân, người được ủy quyền đối với nhóm cá nhân, hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;

5. Các cơ quan quản lý nhà nước, các ngân hàng thương mại, tổ chức, cá nhân có liên quan đến thực hiện chính sách ưu đãi và hỗ trợ tại Quy định này.

Điều 3. Nguyên tắc áp dụng chính sách ưu đãi và hỗ trợ

1. Doanh nghiệp được nhận chính sách hỗ trợ về chênh lệch lãi suất tại quy định này thì không được hưởng chính sách hỗ trợ đầu tư quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP và chỉ được hỗ trợ chênh lệch lãi suất khi dự án đầu tư đã hoàn thành.

2. Chính sách phát triển hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được thực hiện khi đáp ứng các quy định tại Nghị định số 98/2018/NĐ-CP và Quy định này.

3. Ngân sách tỉnh hỗ trợ thực hiện “dồn điền đổi thửa” theo Đề án của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã đã được phê duyệt và tổng hợp trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, đầu tư công hằng năm, được các cơ quan chuyên môn thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh giao kế hoạch. Đối với nội dung hỗ trợ xi măng xây dựng giao thông, thủy lợi vùng sản xuất chỉ thực hiện khi có dự án đầu tư xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

4. Trong cùng một thời gian, cùng một nội dung mà có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác nhau của Trung ương và địa phương (kể cả từ các chương trình, đề án, dự án khác), thì đối tượng thụ hưởng chỉ được áp dụng một chính sách ưu đãi, hỗ trợ do mình lựa chọn.

Chương II

CÁC CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI VÀ HỖ TRỢ

Điều 4. Chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng

1. Doanh nghiệp vay ngân hàng để thực hiện dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đáp ứng các quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, được ngân sách địa phương hỗ trợ chênh lệch lãi suất giữa lãi suất cho vay của ngân hàng với lãi suất tín dụng nhà nước ưu đãi đầu tư (do Ngân hàng Phát triển Việt Nam công bố tại thời điểm doanh nghiệp ký kết Hợp đồng vay vốn) sau khi dự án đã hoàn thành.

2. Mức hỗ trợ: Bằng chênh lệch lãi suất vay thương mại so với lãi suất tín dụng nhà nước ưu đãi đầu tư tính trên số dư nợ thực tế vay ngân hàng tại thời điểm xem xét hồ sơ hỗ trợ, nhưng tổng mức hỗ trợ chênh lệch lãi suất/1 dự án không vượt quá mức hỗ trợ đầu tư cùng loại dự án đó được quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP.

3. Thời gian hỗ trợ lãi suất: Tính từ ngày bắt đầu giải ngân theo hợp đồng tín dụng với ngân hàng thương mại:

a) 08 năm đối với dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư; 06 năm đối với dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư; 05 năm đối với dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư. Trường hợp dự án của doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ mới thành lập thì thời gian hỗ trợ lãi suất là 08 năm.

b) Áp dụng hỗ trợ lãi suất theo chu kỳ sản xuất của sản phẩm đối với dự án mà doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị.

4. Hạn mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất: 70% tổng mức đầu tư của dự án.

5. Phương thức thanh toán hỗ trợ lãi suất:

a) Việc giải ngân vốn hỗ trợ lãi suất được thực hiện một (01) lần nếu tổng mức hỗ trợ dưới 03 tỷ đồng/dự án.

b) Tổng mức vốn hỗ trợ lãi suất từ 03 tỷ đồng đến dưới 06 tỷ đồng/dự án thì việc giải ngân được thực hiện tối đa 02 lần và hoàn thành trong thời hạn hai (02) năm.

c) Trường hợp tổng mức vốn hỗ trợ lãi suất lớn hơn 06 tỷ đồng/dự án (nhưng tối đa không quá 20 tỷ đồng/dự án) thì việc giải ngân được thực hiện tối đa 05 lần và hoàn thành trong thời hạn năm (05) năm.

Điều 5. Chính sách hỗ trợ thực hiện “dồn điền đổi thửa”

1. Đối tượng và mức hỗ trợ:

a) Hỗ trợ Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là UBND cấp xã) kinh phí cho công tác chỉ đạo, tuyên truyền, xây dựng phương án thực hiện “dồn điền đổi thửa”; mức hỗ trợ là 01 triệu đồng/ha.

b) Hỗ trợ người dân thực hiện “dồn điền đổi thửa” cấp đổi, cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Hỗ trợ 100% kinh phí cho công tác đo đạc, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính và lệ phí liên quan đến việc cấp đổi, cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi thực hiện “dồn điền đổi thửa” trừ các trường hợp được miễn lệ phí do Hội đồng nhân dân tỉnh quy định.

c) Hỗ trợ UBND cấp xã kinh phí chỉnh trang đồng ruộng theo phương án được phê duyệt (đào đắp bờ vùng, bờ thửa, san gạt mặt ruộng,...): Mức hỗ trợ 05 triệu đồng/ha.

d) Hỗ trợ UBND cấp xã đầu tư xây dựng hạ tầng sản xuất khu vực “dồn điền đổi thửa” theo phương án được phê duyệt: Hỗ trợ 100% xi măng để xây dựng, kiên cố hóa đường giao thông, kênh mương nội đồng, các chi phí còn lại do ngân sách cấp huyện, xã, chủ đầu tư và các hộ gia đình, cá nhân đối ứng hoặc huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện; ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư hạ tầng sản xuất theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chưa được hỗ trợ xi măng từ Chương trình xây dựng nông thôn mới.

đ) Giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh quy định cụ thể về việc quản lý, sử dụng các khoản hỗ trợ tại Điều này cho phù hợp.

2. Điều kiện, tiêu chí được hưởng chính sách:

a) Áp dụng việc “dồn điền đổi thửa” là đất trồng cây hàng năm, gồm: Đất trồng lúa, các loại đất nông nghiệp khác nằm xen kẽ trong vùng quy hoạch “dồn điền đổi thửa”.

b) Trong vùng sản xuất nông nghiệp ổn định, tập trung phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

c) Diện tích thực hiện “dồn điền đổi thửa” phải đảm bảo tối thiểu 05 ha tập trung trở lên; sau khi “dồn điền đổi thửa” phải giảm ít nhất 50% số thửa so với trước khi thực hiện.

d) Có Phương án “dồn điền đổi thửa” trên địa bàn cấp xã theo quy định tại Khoản 2 Điều 78 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều, khoản của Luật Đất đai (Phương án phải bàn bạc dân chủ, công khai, được Phòng Tài nguyên và Môi trường thẩm định) và được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.

đ) Đối với hỗ trợ hạ tầng sản xuất: Phải có diện tích “dồn điền đổi thửa” có quy mô từ 05 ha trở lên và có dự án xây dựng hạ tầng sản xuất (giao thông, thủy lợi nội đồng) được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đảm bảo thiết kế theo tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới.

Điều 6. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

1. Doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, cá nhân thực hiện hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được hỗ trợ như sau:

a) Hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết: Chủ trì liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết, bao gồm: Tư vấn, nghiên cứu để xây dựng hợp đồng liên kết, dự án liên kết, phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường. Mức hỗ trợ tối đa không quá 300 triệu đồng.

b) Hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết: Dự án liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% vốn đầu tư mới máy móc, trang thiết bị và xây dựng các công trình hạ tầng đầu tư phục vụ liên kết, bao gồm: nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tổng mức hỗ trợ không quá 10 tỷ đồng/01 dự án liên kết.

c) Hỗ trợ xây dựng mô hình khuyến nông, đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật sản xuất, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường. Mức hỗ trợ mô hình khuyến nông theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ về khuyến nông; đào tạo nghề, tập huấn: Đối với nghề nông nghiệp và nghề phi nông nghiệp hỗ trợ theo Điều 4, Điều 5 Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng; đối với nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật sản xuất, năng lực quản lý hợp đồng cho các đối tượng là hợp tác xã, tổ hợp tác và trang trại: Hỗ trợ 100% chi phí đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn.

d) Hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm tối đa không quá 03 vụ hoặc 03 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm thông qua các dịch vụ tập trung của hợp tác xã. Hỗ trợ chi phí mua giống, vật tư thiết yếu (bao gồm: các loại phân bón, hóa chất, thức ăn chăn nuôi), mức hỗ trợ như sau: Tối đa 100% chi phí đối với các địa bàn khó khăn; tối đa 70% chi phí đối với các địa bàn trung du miền núi; tối đa 50% đối với địa bàn đồng bằng. Hỗ trợ tối đa 100% chi phí mua bao bì, nhãn mác sản phẩm. Tổng kinh phí hỗ trợ các nội dung trên không quá 01 tỷ đồng.

đ) Hỗ trợ 40%, tối đa không quá 500 triệu đồng/01 dự án liên kết chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi.

2. Điều kiện để được hỗ trợ:

a) Thực hiện theo quy định tại Điều 11 của Nghị định số 98/2018/NĐ-CP.

b) Đối với loại hình liên kết tại khoản 7, Điều 4 Nghị định số 98/2018/NĐ-CP thì giá trị nguyên liệu đầu vào đối với lĩnh vực chăn nuôi và lâm nghiệp phải đạt tối thiểu 05 tỷ đồng/năm; đối với lĩnh vực trồng trọt phải đạt tối thiểu 02 tỷ đồng/năm.

Điều 7. Chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP đạt chứng nhận

1. Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân, cá nhân sản xuất có đăng ký kinh doanh, có sản phẩm OCOP đạt chuẩn theo tiêu chí quốc gia, được hỗ trợ như sau:

a) Đối với sản phẩm OCOP đạt 3 sao hỗ trợ 20 triệu đồng/sản phẩm.

b) Đối với sản phẩm OCOP đạt 4 sao hỗ trợ 30 triệu đồng/sản phẩm.

c) Đối với sản phẩm OCOP đạt 5 sao hỗ trợ 40 triệu đồng/sản phẩm.

2. Điều kiện để được hỗ trợ:

a) Có giấy phép đăng ký sản xuất, kinh doanh được cấp có thẩm quyền cấp phép, phù hợp với sản phẩm OCOP được công nhận.

b) Có giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt sao cấp quốc gia được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.

3. Cơ chế hỗ trợ: Sau khi được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP đạt sao của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 8. Chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học - công nghệ vào phát triển nông nghiệp an toàn, theo hướng hữu cơ

1. Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác thực hiện ứng dụng khoa học - công nghệ vào phát triển nông nghiệp an toàn, theo hướng hữu cơ thuộc danh mục các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh được hỗ trợ như sau:

a) Hỗ trợ phân bón hữu cơ, phân bón hữu cơ vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học, chế phẩm sinh học trong sản xuất lúa, chè, rau, cây ăn quả, cây dược liệu sản xuất an toàn, theo hướng hữu cơ. Mức hỗ trợ 40% chi phí đầu tư cho một dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng tối đa không quá: 6 triệu đồng/ha trồng lúa với quy mô tối thiểu 20 ha; 16 triệu đồng/ha trồng chè với quy mô tối thiểu 10 ha; 10 triệu đồng/ha trồng rau với quy mô tối thiểu 02 ha; 15 triệu đồng/ha trồng cây ăn quả với quy mô tối thiểu 10 ha; 12 triệu đồng/ha trồng cây dược liệu với qui mô tối thiểu 05 ha.

b) Hỗ trợ xây dựng nhà màng, nhà lưới, nhà kính trong sản xuất rau, hoa (diện tích tối thiểu của mỗi nhà 500m2 trở lên): Đối với sản xuất rau quy mô tối thiểu 1 khu là 2.000m2; đối với sản xuất hoa quy mô tối thiểu 500m2. Mức hỗ trợ 40% chi phí đầu tư cho một dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng không quá 100.000 đồng/m2.

c) Hỗ trợ áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho chè, rau, hoa, quả. Mức hỗ trợ 40% chi phí đầu tư cho một dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng không quá: 20 triệu đồng/ha chè, cây ăn quả với quy mô tối thiểu 02 ha; 30 triệu đồng/ha rau, hoa với quy mô tối thiểu 0,5ha.

d) Hỗ trợ chứng nhận VietGAP, GAP khác: Hỗ trợ 100% kinh phí chứng nhận lần đầu nhưng không quá 6 triệu đồng/ha đối với chè, 12 triệu đồng/ha đối với rau, quả; không quá 60 triệu đồng/trang trại lợn, 50 triệu đồng/trang trại gia cầm (không tính các trang trại có vốn liên danh, liên kết với nước ngoài).

2. Điều kiện hỗ trợ: Dự án ứng dụng khoa học - công nghệ vào phát triển nông nghiệp an toàn, theo hướng hữu cơ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Chương III

NGUỒN VỐN HỖ TRỢ VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Nguồn vốn hỗ trợ

1. Ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách tỉnh: vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các Chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư, phát triển lâm nghiệp bền vững và vốn đầu tư cho ngành nông nghiệp thuộc các Chương trình, dự án khác.

2. Ngân sách địa phương: Dành tối thiểu 5% vốn chi ngân sách địa phương hằng năm cho ngành nông nghiệp để thực hiện chính sách này.

3. Nguồn vốn lồng ghép từ các Chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội và các quỹ hợp pháp để thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định.

Điều 10. Quy định chuyển tiếp

1. Đối với các dự án đáp ứng các điều kiện của Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ hoặc quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP: Thực hiện theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

2. Đối với các dự án đầu tư đáp ứng các điều kiện ưu đãi, hỗ trợ đầu tư quy định tại Nghị quyết số 21/2016/NQ-HĐND ngày 12/8/2016, Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐND ngày 16/5/2017 của HĐND tỉnh Thái Nguyên thì tiếp tục được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho các hạng mục còn lại, cho thời gian còn lại của dự án.

3. Trong quá trình thực hiện trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu để áp dụng tại Nghị quyết này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung thay thế đó.