Hệ thống pháp luật

Chương 1 Nghị định 59/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Thương mại

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về tổ chức và hoạt động của các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngân hàng Nhà nước) cấp Giấy phép thành lập và hoạt động.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các ngân hàng thương mại bao gồm:

a) Ngân hàng thương mại Nhà nước;

b) Ngân hàng thương mại cổ phần;

c) Ngân hàng thương mại liên doanh;

d) Ngân hàng thương mại 100% vốn nước ngoài.

(sau đây gọi chung là ngân hàng).

2. Tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tổ chức và hoạt động của ngân hàng.

Điều 3. Sử dụng thuật ngữ “ngân hàng”

Các tổ chức không phải là tổ chức tín dụng không được phép sử dụng thuật ngữ “ngân hàng” trong tên của tổ chức, trong các phần phụ thêm của tên, văn bản, thông báo hoặc quảng cáo của mình mà thuật ngữ đó có thể gây nhầm lẫn cho công chúng về việc tổ chức của mình là một ngân hàng.

Điều 4. Áp dụng quy phạm pháp luật

1. Trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với các quy định về tổ chức và hoạt động của ngân hàng thương mại tại Nghị định này thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó.

2. Đối với ngân hàng thương mại liên doanh và ngân hàng thương mại 100% vốn nước ngoài: áp dụng các quy định tại Nghị định này đối với những vấn đề không được quy định tại Nghị định số 22/2006/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, Văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 5. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Ngân hàng thương mại là ngân hàng được thực hiện toàn bộ hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác có liên quan vì mục tiêu lợi nhuận theo quy định của Luật các Tổ chức tín dụng và các quy định khác của pháp luật.

2. Ngân hàng thương mại Nhà nước là ngân hàng thương mại trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ. Ngân hàng thương mại Nhà nước bao gồm ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ.

3. Ngân hàng thương mại cổ phần là ngân hàng thương mại được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần.

4. Ngân hàng thương mại 100% vốn nước ngoài là ngân hàng thương mại được thành lập tại Việt Nam với 100% vốn điều lệ thuộc sở hữu nước ngoài; trong đó phải có một ngân hàng nước ngoài sở hữu trên 50% vốn điều lệ (ngân hàng mẹ). Ngân hàng thương mại 100% vốn nước ngoài được thành lập dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc từ hai thành viên trở lên, là pháp nhân Việt Nam, có trụ sở chính tại Việt Nam.

5. Ngân hàng thương mại liên doanh là ngân hàng thương mại được thành lập tại Việt Nam, bằng vốn góp của Bên Việt Nam (gồm một hoặc nhiều ngân hàng Việt Nam) và Bên nước ngoài (gồm một hoặc nhiều ngân hàng nước ngoài) trên cơ sở hợp đồng liên doanh. Ngân hàng thương mại liên doanh được thành lập dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên trở lên, là pháp nhân Việt Nam, có trụ sở chính tại Việt Nam.

6. Công ty trực thuộc của ngân hàng thương mại là doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập bằng vốn tự có mà ngân hàng thương mại:

a) Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông đã phát hành của công ty đó; hoặc

b) Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc của công ty đó; hoặc

c) Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó.

7. Người điều hành ngân hàng bao gồm Tổng Giám đốc, các Phó Tổng Giám đốc, và các chức danh điều hành khác do Điều lệ ngân hàng quy định.

8. Người quản lý ngân hàng bao gồm Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc và các chức danh quản lý khác do Điều lệ ngân hàng quy định.

9. Người có liên quan là tổ chức, cá nhân có quan hệ với một tổ chức, cá nhân khác nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Công ty mẹ với công ty con và ngược lại; ngân hàng với công ty trực thuộc của ngân hàng và ngược lại; các công ty có cùng công ty mẹ với nhau; các công ty trực thuộc của cùng ngân hàng với nhau;

b) Công ty đối với người quản lý, thành viên Ban Kiểm soát của công ty đó hoặc người, tổ chức có thẩm quyền bổ nhiệm những người đó và ngược lại;

c) Công ty đối với cá nhân sở hữu từ 10% vốn điều lệ trở lên tại công ty đó và ngược lại;

d) Những người có quan hệ thân thuộc với nhau, gồm: vợ, chồng, cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con nuôi, anh, chị, em ruột;

đ) Công ty đối với người có quan hệ thân thuộc (theo quy định tại Điểm d khoản này) của người quản lý, thành viên Ban Kiểm soát, thành viên góp vốn hoặc cổ đông sở hữu từ 10% vốn điều lệ trở lên của công ty đó và ngược lại;

e) Cá nhân được ủy quyền đại diện cho những người quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này đối với người ủy quyền.

10. Thành viên Hội đồng quản trị độc lập là thành viên Hội đồng quản trị đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Điều 22 Nghị định này.

11. Mức cổ phần trọng yếu là mức cổ phần chiếm từ 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết trở lên của ngân hàng.

12. Tổ chức lại ngân hàng là việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, mua lại và chuyển đổi ngân hàng.

Điều 6. Người đại diện theo pháp luật.

1. Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của ngân hàng, được quy định cụ thể tại Điều lệ ngân hàng. Người đại diện theo pháp luật của ngân hàng có thể ủy quyền bằng văn bản cho người khác theo cơ chế ủy quyền nội bộ do Hội đồng quản trị ngân hàng quy định để thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình. Văn bản uỷ quyền phải nêu rõ phạm vi đại diện theo ủy quyền, thời hạn đại diện. Người đại diện theo ủy quyền chỉ được thực hiện giao dịch trong phạm vi đại diện.

2. Người đại diện theo pháp luật của ngân hàng phải cư trú tại Việt Nam, trường hợp vắng mặt ở Việt Nam thì phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác đang cư trú tại Việt Nam theo quy định tại khoản 1 Điều này để thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình.

Điều 7. Cơ chế ủy quyền, phân công nội bộ

Ngân hàng phải xây dựng cơ chế ủy quyền, phân công trong nội bộ Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Tổng giám đốc và bộ máy giúp việc phù hợp với các quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật để đảm bảo việc quản trị, điều hành ngân hàng được an toàn, hiệu quả và thông suốt.

Điều 8. Kiểm tra, thanh tra ngân hàng

Ngân hàng chịu sự kiểm tra, thanh tra của Ngân hàng Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Nghị định 59/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Thương mại

  • Số hiệu: 59/2009/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 16/07/2009
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 375 đến số 376
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH