Hệ thống pháp luật

Chương 3 Nghị định 22/2000/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán

Chương 3:

THẨM QUYỀN, THỦ TỤC XỬ PHẠT

Điều 15. Thẩm quyền xử phạt

1.Thanh tra viên chuyên ngành ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 200.000 đồng;

c) Buộc khôi phục lại đúng tỷ lệ an toàn theo quy định hoặc trạng thái ban đầu;

d) Buộc huỷ bỏ, cải chính những thông tin sai lệch, thất thiệt.

2. Chánh Thanh tra ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép phát hành chứng khoán, giấy phép hoạt động kinh doanh chứng khoán, giấy phép hành nghề kinh doanh chứng khoán có thời hạn hoặc không thời hạn;

d) Tịch thu sung công quỹ toàn bộ các khoản thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm mà có và số chứng khoán liên quan đến hành vi vi phạm trái phép;

e) Buộc khôi phục lại đúng tỷ lệ an toàn theo quy định hoặc trạng thái ban đầu;

g) Buộc huỷ bỏ, cải chính những thông tin sai lệch, không đúng sự thật;

h) Buộc bồi thường thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra.

3. Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền xử phạt theo thẩm quyền quy định tại Điều 28 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi địa bàn do mình quản lý đối với các hành vi vi phạm hành chính về chứng khoán và thị trường chứng khoán quy định tại Nghị định này.

Điều 16. Uỷ quyền xử phạt

Trong trường hợp những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về chứng khoán và thị trường chứng khoán quy định tại các khoản 2, khoản 3 Điều 15 của Nghị định này vắng mặt hoặc ủy quyền, thì cấp phó của những người đó có quyền xử phạt theo thẩm quyền của họ.

Điều 17. Thủ tục xử phạt

Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán thực hiện theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

Điều 18. Thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt

1. Tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định này phải nghiêm chỉnh thi hành quyết định xử phạt của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Nếu không thi hành quyết định xử phạt hoặc cố ý trốn tránh thi hành quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành theo Điều 55, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Các cơ quan tài chính, ngân hàng, lực lượng cảnh sát nhân dân và chính quyền địa phương các cấp có trách nhiệm phối hợp để thực hiện quyết định cưỡng chế của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

2. Khi áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan và người có thẩm quyền phải tuân thủ trình tự, thủ tục cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

Nghị định 22/2000/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán

  • Số hiệu: 22/2000/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 10/07/2000
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 30
  • Ngày hiệu lực: 25/07/2000
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH