Hệ thống pháp luật

Chương 1 Nghị định 22/2000/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh

1. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán là những hành vi của cá nhân, tổ chức cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định quản lý Nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và theo quy định khác của pháp luật phải bị xử phạt hành chính.

2. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán gồm:

a) Vi phạm các quy định về hoạt động phát hành chứng khoán;

b) Vi phạm các quy định về giao dịch chứng khoán;

c) Vi phạm các quy định về hoạt động kinh doanh, đăng ký, thanh toán bù trừ, lưu ký chứng khoán;

d) Vi phạm chế độ báo cáo, công bố thông tin và cản trở hoạt động thanh tra, kiểm tra.

3. Mọi tổ chức, cá nhân trong nước có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đều bị xử phạt theo Nghị định này.

Tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng bị xử phạt hành chính theo Nghị định này, trừ trường hợp các Điều ước Quốc tế liên quan mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác.

Điều 2. Hình thức xử phạt và biện pháp khác

1. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, tổ chức, cá nhân vi phạm phải bị áp dụng một trong hai hình thức xử phạt chính:

Phạt cảnh cáo. áp dụng trong trường hợp vô ý vi phạm; vi phạm nhỏ lần đầu và có tình tiết giảm nhẹ.

Phạt tiền. Mức phạt tiền được áp dụng theo khung phạt tiền quy định tại Nghị định này. Trường hợp vi phạm có tình tiết giảm nhẹ thì áp dụng mức phạt thấp hơn, nhưng không dưới mức tối thiểu của khung phạt tiền. Trường hợp vi phạm có tình tiết tăng nặng thì áp dụng mức phạt cao hơn, nhưng không vượt quá mức tối đa của khung phạt tiền.

2. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm cá nhân, tổ chức còn bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép phát hành chứng khoán, giấy phép hoạt động kinh doanh chứng khoán, giấy phép hành nghề kinh doanh chứng khoán có thời hạn hoặc không thời hạn;

b) Tịch thu toàn bộ các khoản thu từ việc thực hiện các hành vi vi phạm mà có và số chứng khoán liên quan đến hành vi vi phạm trái phép;

3. Ngoài các hình thức xử phạt quy định tại các khoản 1và 2 Điều này, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp sau:

a) Buộc khôi phục lại đúng tỷ lệ an toàn theo quy định hoặc trạng thái ban đầu;

b) Buộc huỷ bỏ, cải chính những thông tin sai lệch, không đúng sự thật;

c) Buộc bồi thường thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra theo quy định của pháp luật.

Các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khác quy định tại các khoản 2, 3 Điều này được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết, nhằm xử lý triệt để vi phạm, loại trừ các nguyên nhân, điều kiện tiếp tục vi phạm và khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán gây ra.

Điều 3. Thời hiệu xử phạt và thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính

1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán là hai năm, kể từ ngày vi phạm hành chính đó được thực hiện. Nếu quá thời hạn nói trên, thì không xử phạt, nhưng có thể áp dụng các biện pháp buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu do vi phạm hành chính gây ra.

2. Đối với cá nhân có hành vi vi phạm quy định về chứng khoán và thị trường chứng khoán mà bị khởi tố, truy tố hoặc có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự, sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án thì bị xử phạt hành chính nếu có hành vi vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này. Thời hiệu xử phạt hành chính là ba tháng kể từ ngày có quyết định đình chỉ nói trên.

3. Trong thời hạn quy định tại các khoản 1, 2 Điều này, nếu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính mới về hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán hoặc cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì không áp dụng thời hiệu nói tại khoản 1, 2 Điều này.

4. Tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu quá một năm kể từ ngày thi hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết hiệu lực thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm, thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.

Nghị định 22/2000/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán

  • Số hiệu: 22/2000/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 10/07/2000
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 30
  • Ngày hiệu lực: 25/07/2000
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH